TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiếu hạnh

Thứ năm - 06/05/2021 19:16 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   716
Hieu1[1]
Hieu1[1]

Hiếu hạnh

 

Như mọi hôm về nhà, hôm nay mẹ hay ba tôi lại kể, mấy anh em gọi điện thoại về cho ba mẹ, người thì báo sắp có cháu mới, người lại kể những công việc làm, những sắm sửa mới. Ba mẹ biết những đứa con từ phương xa đang làm, đang sinh sống, vui hay buồn, như đang ở trong nhà. Gia đình thật đơn giản thế đó, dù ở đâu xa, dù đã ra riêng, có con có cháu, vẫn một lòng nhớ cha mẹ sinh thành dưỡng nuôi.

Hiếu hạnh, người xưa thường dạy: “Trời đất có bốn mùa, mùa Xuân đứng đầu. Con người có trăm hạnh, Hiếu hạnh là trên hết”. Ban Cố viết: “Hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của dân”. Hiếu kinh còn nói “Tính của trời đất, con người là quý. Hạnh của con người, không gì hơn hiếu”. Việt Nam, trong bộ luật Hồng Đức, còn đưa hiếu hạnh thành luật: “Bất hiếu là một trong mười tội thập ác”.

Hiếu đứng đầu bởi vì hiếu sinh nghĩa, nghĩa sinh ái. Ca vè cụ Sáu, trong đó có bài “hiếu tự ca”, viết theo song thất lục bát, rất dễ nhớ và trở thành lời hát ru cho con trẻ:

“Phần hồn thí Chúa sinh ra
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành
Phụ tình mẫu huyết đúc tình
Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người”

Từ trong tuổi thơ đã được ươm trong vườn hiếu, lớn lên trong chữ nghĩa, sống trong tình yêu, mới hun đúc bao nhiêu tâm hồn tươi trẻ người Việt. Người ta thấy người Việt lạc quan trong nhiều sự là nhờ vào bầu khí gia đình yên ấm, hạnh phúc ấy.

Luật Hồng Đức xưa kia đã lấy gia đình là nền tảng mà trong đó gia đình cũng cần bảo đảm kế sinh nhai, ruộng vườn, nghĩa là lo đến những vấn đề an sinh trong xã hội bằng luật pháp: “Điều thứ hai mươi: Trong hạt các phủ huyện, nếu có kẻ hào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp người cô độc, xui nguyên dục bị cáo kiện lẫn nhau thì cho phép xã thôn đó xét tố giác để nghiêm trị; nếu phủ huyện nào vì tình riêng mà ẩn giấu đi sẽ bị luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức”. Hoặc trong luật cũng xây dựng đời sống ngay thẳng làm cương thường: “Điều thứ hai mươi mốt: Những nhà tước vương, tướng công, đại thần chứa chấp người tư cách hèn hạ, làm cò mồi đưa đồ đút lót cùng nô tỳ nhà ấy mua các phẩm vật của dân, thì cho phép người đương sự đến cửa quan tố cáo, bọn can phạm sẽ bị trừng trị nặng”.

Người ta thường than phiền lối sống thác loạn ngày nay của giới trẻ. Xã tắc không còn như ngày xưa, luật pháp cũng không bảo vệ các giá trị của gia đình. Các gia đình cứ bị xới tung lên, từ mồ mả đến chỗ đất ở, từ chỗ giáo dục cho đến cách sống; từ chỗ thành thật đến chỗ lọc lừa, gian ngoa... Long đong, lật đật, vất vả mưu sinh, nay đây mai đó, gia đình phân tán, giới trẻ sống theo cụm nhà trọ. Ảnh hưởng từ lối sống, môi trường, đa phương tiện thông tin và thiếu những chuẩn mực. Rồi ngày nào đó, xã hội nhiều thêm những bạo loạn, sự đổ vỡ sâu sắc của các gia đình, trong đó một phần cũng do tình trạng ly dị gia tăng trong xã hội.

Hiếu hạnh xưa nhưng không cũ, những điều cơ bản để sống làm người, sống an bình, hiếu hòa trong tình nghĩa, tương quan giữa cha mẹ chung thủy và anh chị em thuận hòa. Gia đình hạnh hiếu bao gồm: “cha mẹ thì từ, con cái thì hiếu, anh chị em thì đễ, họ hàng thì thảo...” Những phẩm hạnh của từng thành viên trong gia đình, tất cả đều dựa trên chữ “nhẫn”, nhẫn để hy sinh, tha thứ, đón nhận nhau. Hạnh hiếu như gốc rễ của nhân ái, học từ giá trị gia đình để sống giá trị cộng đồng.

Hiếu không là thắp nhang, đọc vài câu kinh, xin vài thánh lễ. Hiếu là sống, tập lâu dần, mới trở thành phẩm hạnh, cốt cách. Thế nên nói đến hiếu hạnh là nói đến nhân đức của một con người, tự rèn luyện mình để rồi kết hoa trái cho xã hội.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây