TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mùa Xuân đầu tiên

Thứ năm - 18/01/2024 05:12 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   335
"Mùa Xuân đầu tiên", trong điệu nhạc Valse, chậm rãi nhưng dặt dìu, đang đến nhưng còn chờ đợi, nở rộ nhưng còn e ấp.
maxresdefault
maxresdefault
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Trong một buổi nắng Xuân, vài giọt mưa nắng lạnh ấm, rơi đọng trên những chiếc lá, chạm khẽ vào niềm vui. Đâu đó, thoảng xa một giọng hát trẻ trung của người thiếu nữ đem theo cả én, cả mùa Xuân về trước ngõ. "Mùa Xuân đầu tiên", trong điệu nhạc Valse, chậm rãi nhưng dặt dìu, đang đến nhưng còn chờ đợi, nở rộ nhưng  còn e ấp. Từng  đàn cánh én trở về thấp thoáng trong mưa và trong nắng, dòng nhạc của tác giả Văn Cao đưa ta vào trong niềm vui của Mùa Xuân đầu tiên cùng giọng hát người thiếu nữ Thanh Thuý năm tuổi mười bảy.

“Rồi dặt dìu Mùa Xuân theo én về.”
Mùa Xuân bình thường, trước nay vẫn Xuân mà lòng như đã héo hắt bởi chiến tranh loạn lạc, người  lạc mất nhau, lạc cả mùa Xuân. Mùa Xuân không có én về, mùa Xuân đang chết vì bom đạn. Đáng lẽ ra, mùa Xuân là én bay về nhưng những đàn én biến mất, chạy trốn tìm nơi thanh bình khác. Mùa Xuân vẫn về nhưng về trong tang tóc của mùa Thu, lạnh giá của mùa Đông. Trái tim con người vẫn đập nhưng đập theo những thanh âm báo động, vẫn nhịp nhưng nhịp theo từng tiếng đại bác ru đêm, không còn nhịp đập của những buổi chiều tình yêu nắm tay nhau, dạo vui chợ tết.

Trong những buồn đau ấy, mùa Xuân đến chỉ làm vương thêm nỗi sầu, như Chế Lan Viên diễn tả: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu, mang chi xuân lại, gợi thêm sầu”. Loạn lạc chiến tranh đã làm mất cả mùa Xuân, Xuân của tuổi trẻ, Xuân của tình yêu, Xuân của những lòng ao ước. Hôm nay, chợt Xuân về, thật sự ngỡ ngàng như niềm vui bỗng chợt oà vỡ theo mỗi nốt nhạc mở đầu, trước hạnh phúc dặt dìu đến. “Rồi dặt dìu Mùa Xuân theo én về”, như một nhiệm màu không dám tin có một mùa Xuân bình thường như thế.

Một mùa xuân bình thường, nhưng hôm nay nghe một mùa Xuân khác lạ đang về. Không còn là mùa Xuân của những cánh đồng khô, trơ những cỏ. Mùa Xuân không còn trắng khăn tang trên những mái đầu cô phụ, con thơ, hay những mái đầu bạc trắng của tre già khóc măng. Thành phố không còn tiếng đạn bom thay cho pháo nổ. Những ngôi nhà đổ nát vì bom đạn, không còn treo những nhành hoa tím buồn khóc ly biệt. Mùa Xuân bình thường, nhưng cả ngàn năm mơ ước, bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nấm mồ đã xanh những ngọn cỏ, xương đã chất thành núi, bao tiếng kêu khóc đã tràn thành suối.

Trong những tang thương của mùa Xuân lửa đạn ấy, còn có chỗ nào cho người được yêu người, còn có chỗ nào cho những người trẻ tìm thanh âm cho bản tình ca. Những khúc tình ca nếu có được viết, cũng vội vàng dưới những tiếng bom, tiếng đạn kêu rít mà nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã viết trong khúc hát “Nhớ về Hà Nội”, trong khung cảnh “Em vẫn đạp xe trên phố, anh vẫn tìm thanh âm mới” để dệt nên “tình khúc đôi ta là khúc quân ca”. Người ta đã không có một thời để yêu nhau, không có những ngày đi bên nhau mà nghe lòng rộn rã.  Mùa Xuân không có đám cưới mà chỉ có đám tang. Người khóc người, người người khóc nhau. Mùa bình thường, mùa vui đã về  đánh dấu mùa Xuân khác, mùa Xuân của thời yên bình, để đàn én kéo Xuân về trước ngõ. “Mùa bình thường mùa vui nay đã về”

“Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”
Những bàn tay một đời chỉ biết cầm súng, trong Xuân đầu tiên lại được nắm tay người mình yêu. Những bước đi không còn vội vã như những mùa Xuân lánh đạn, những khúc tình ca dù còn hơi thuốc súng nhưng súng đã được bỏ đi. Niềm mơ ước bình thường, người người đã trả bằng xương máu,  người người đã để lại một phần chi thể trên những mảnh đất quê hương. Có những ước mơ bình thường nhưng thật phi thường khi đạt được, để trong niềm tê tái nào đó, ta chợt nghe lời hát “hy vọng đã vươn lên” trên những thân thể không còn hình hài nguyên vẹn. Mùa Xuân đến và niềm đau chìm xuống nghe thật thà trong những nén hương tưởng nhớ.

Trong khúc hát “ Mùa Xuân đầu tiên” có hình dáng người mẹ, ôm những người con của mình mà cứ ngỡ là trong mơ. Người mẹ hiền bao lần tiễn con đi được mấy lần đón con về. Có những người con mất không thấy mặt, những giọt nước mắt cũng khô cạn đi vì khóc cho hết đứa này rồi đứa khác. Những bà mẹ một đời đau thương đã làm khô héo cả tâm hồn, ru con trong thời lửa đạn, nuôi con bằng những đường cày bom xẻ, có bao giờ mơ ước được một xuân vui đàn con vây quanh. Sinh con ra trong thời chiến, những đứa con không thuộc về mẹ, mà trở thành mồi lửa cho chiến tranh.  Quê hương khô gầy đi theo dòng nước mắt, cho nên giữa “Mùa Xuân đầu tiên”, niềm vui tuôn trào nước mắt dù khoé mắt đã khô lệ. Giọt nước mắt rơi giữa long lanh hạnh phúc, có những người con đang trở về cùng mẹ đón Xuân: “người mẹ nhìn đàn con nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”.

Có những giọt nước mắt không còn khóc được nữa khi niềm đau quá lớn, và quá dồn dập, để nước mắt biến thành suối lệ và khô cạn đi cho những cánh đồng xương và máu. Có niềm đau nào khổ đau hơn thế, để rồi “có những niềm riêng lệ vương khoé mắt như cây sau mưa lóng lánh giọt sầu”. Những bà mẹ Việt Nam mang “những niềm riêng làm tim thổn thức, nên đôi môi xinh héo hon nụ cười”, để trong Xuân vui đầu tiên, ôm những người con trong tay mà cứ tưởng như trong mơ. Niềm mơ ước nay thành sự thật, sự thật trong vòng tay và những giọt nước mắt lại tuôn chảy, những giọt nước mắt khóc vì niềm vui hạnh phúc, những giọt nước mắt long lanh nụ cười.

Những người con đã về mang theo cả mùa Xuân nguyên vẹn mới. Mùa Xuân, những “niềm vui phút giây long lanh hạnh phúc” đã về và trong tay người mẹ. Đã qua rồi cái thời ôm con để tiễn con đi không về nữa, đã qua rồi những giọt nước mắt tang liệm con, ngay cả lúc chào từ biệt con ra chiến trường.

Thanh bình trả lại cho quê hương những người con để gầy dựng lại giang san từ những gì đổ nát. Đất phì nhiêu, đất hết bị bỏ hoang, người đã già nhưng vẫn còn trẻ, người ta không còn khóc ai nữa, người ta sẽ hát những bản tình ca đúng nghĩa. “Gà đang gáy trưa bên sông” bởi không còn chiến tranh. Những hình ảnh con thuyền lại trả về cho sông nước, không còn là những chiếc thuyền tải đạn mà là những chiếc thuyền êm đềm thả lưới ven sông. Không còn những bàn tay nắm vội vã đi qua lửa đạn, mà là những vòng tay ôm trong tình yêu nhiệm mầu của hạnh phúc. Không còn những bàn tay gạt lệ đưa tiễn nhau, mỗi người một chiến trường, những bàn tay ấy hôm nay ôm chầm lấy nhau vì hạnh phúc rơi ấm trên vai. Khói đã toả dưới những chiếc thuyền câu thong thả lờ lững trên sông. Những tiếng gà gáy bên sông giữa trưa thanh bình báo hiệu cho một vụ mùa ấm no hạnh phúc. Những bàn tay xưa chỉ cầm súng nay đã cầm liềm cầm hái, những cánh tay trẻ xây dựng lại cuộc đời, để cuộc đời này trở nên đáng sống.

Có những người người con sinh Nam chưa bao giờ biết quê Bắc, “từ đây người biết quê người”. Có những thời người anh em xem nhau như kẻ thù, trong Xuân đầu tiên “Từ đây người biết thương người”, niềm vui không chỉ dừng ở đó mà còn đi xa hơn nữa “Từ đây người biết yêu người”. Tình yêu đã chín lòng vượt qua năm tháng đối đầu thù địch. Tiếng nói của Tình yêu bao giờ cũng mạnh hơn sự chết, chinh phục những hận thù, nối kết những tấm lòng. Hết rồi những ngày xưa, bà mẹ Nam hay Bắc nào cũng khóc, giọt nước mắt nào cũng mặn, và cả những khi hai chị em cùng khóc. Xuân vui đầu tiên đã về bình thường trong cuộc sống, những người mẹ nhận ra nhau là chị em, những người thù đã nhận ra nhau là anh em, có chung dòng họ, có chung giòng nước, để gọi về quê cha đất tổ, thời thanh bình hạnh phúc xum vầy.

Trong xuân vui đầu tiên, niềm vui của mộng ước thanh bình đã theo én về trước ngõ, những người con cũng trở về, tiếng gà gáy ban trưa lại bắt đầu bên sông trưa vắng. Người đã gặp người để gọi tên anh em, khói bếp lại bồng bềnh cuối ghe trên sông. Bao hình ảnh gợi nhắc mùa xuân lại dập dìu mùa Xuân theo én về.
Người biết yêu thương là người biết xây dựng hoà bình cho thế giới. Người biết yêu thương là người mang bình an xây dựng cho môi trường đang sống.

Xin cho quê hương mãi mãi thanh bình, xin cho người mãi mãi yêu thương người. Xin cho mùa Xuân chín trong Tình Yêu viên miễn và Xuân vui hiện diện trong lòng người biết yêu người trên cùng cõi thế.
 
L. m Giuse Hoàng Kim Toan

 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây