TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự điên rồ của thập giá

Thứ tư - 27/03/2024 09:11 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   344
Chúa Giêsu phải đón nhận mọi đau khổ như người tôi trung và Thánh Phao lô nói “Sự điên rồ của thập giá” (1Cor 1, 18).
TNHN 3 29 21
TNHN 3 29 21
Sự điên rồ của thập giá




Có những sự thật phải nói, và minh chứng dù phải chịu đau thương, phỉ nhổ, sỉ nhục và phải chết. Chúa Giêsu phải đón nhận mọi đau khổ như người tôi trung và Thánh Phao lô nói “Sự điên rồ của thập giá” (1Cor 1, 18). Sự điên rồ ấy, ta cùng suy tư.

Một bản án được kết án sẵn: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50). Bản án kết án sẵn đã được thượng hội đồng thông qua, chỉ còn ngày giờ thực hiện.
Trong bộ phim Passio của Mel Gibson thuật lại 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu. Từ vườn cây Dầu đến Thập Giá là một bản bản án cực khủng của con người dành cho nhau và dành cho Chúa.

Vườn cây Dầu: Chúa biết cuộc khổ nạn sắp tới là một cuộc khổ nạn đau thương chưa từng có. Khác với cái chết của Uria, không biết tại sao phải chết? Uria là một viên tướng ngoài mặt trận được gọi về để nghỉ ngơi. Ông không biết vợ ông là bà Bethsaiba đã mang thai với vua Đavit. Vua gọi ông về, cho dọn cơm rượu đãi Uria. Tưởng rằng Uria sẽ về nhà với vợ để có cớ tránh việc có thai với vua Đavit. Uria không về nhà mà nằm trước sân điện nhà vua. Ông là một chiến binh, lãnh tướng thực thụ không thể về vui với vợ mà bỏ đồng đội ngoài trận đang chiến đấu. Ông ở đó, hôm sau ra trận tiếp cùng với quân của mình chiến đấu. Ông đã bị vua Đavit quyết giết chết. Ông cầm lá thư Đavit gửi cho ông Gioap, không biết đây là án tử của ông, chính mình mang đi: "Hãy đặt Uria ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết." (2 Sm 11, 15). Đau không thể tả, trong khi ông không thể bỏ rơi đồng đội, vậy mà chết vì bị đồng đội bỏ rơi ông trong chiến trận.

Chúa Giêsu biết trước cuộc chiến sinh tử này khốc liệt, sẽ bị bỏ rơi, sẽ bị trả thù một cách không thương tiếc. Biết là như thế, nhưng chưa biết nó đau đến chừng nào, điều này phải được cảm nhận nỗi đau cùng cực trên thân xác, nghĩ thôi đã vã mồ hôi cùng máu ứa ra. Chúa Giêsu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42).

Biết Phêrô, Giuđa sẽ phản bội, các môn đệ khác sẽ chạy trốn. Biết và cảnh báo trước cho các môn đệ, mong họ nhớ lại và tránh lỗi phạm, nhưng thực tế vẫn xảy ra cảnh đau lòng ấy. Chúa im lặng nhìn họ với lòng xót thương.

Cái đau của nụ hôn Giuđa mới chỉ là khởi đầu của tình yêu trao nộp. Đêm khuya Thứ Năm, đến ba giờ chiều thứ Sáu phải kết thúc bản án giết người này, do thượng hội đồng đưa ra. Thời gian rất ngắn mà lòng hận thù lại rất căng. Vừa bị bắt trong đêm, Chúa Giêsu được đưa về nhà ông thượng tế để xử ngay. Giống như sự gào thét của bọn điên cuồng trả thù, vừa đấm đá, vừa dùng roi, gậy đập đánh, vừa gào thét: “Mày nói mày là Con Thiên Chúa hả!”. Bọn lính đánh cho đã chân tay, bởi vì lâu lắm chưa được đánh ai, mà còn được trả tiền thù lao khi đánh người này. Chúng vừa đánh vừa chế giễu: “Mày là Con Thiên Chúa, cho mày chết!”. Chúng khạc nhổ, bêu riếu trong khi kỳ lão, thượng tế lấy làm vui thú, nhất là trò đùa vui “Tâu vua dân Do Thái”.

Cái đau về thân xác và cả cái đau về phẩm giá con người bị xúc phạm, có thể thấy lại cảnh nhục nhã xưa kia trong cái luật lệ làng: “Cạo đầu bôi vôi, diễu phố, rồi thả bè trôi sông, những cô gái chửa hoang”. Cô gái không được toà án minh xét, bởi bao nhiêu tên đàn ông “quất ngựa truy phong”, riêng cô phải chịu bản án nhục nhã.

Chúa Giêsu trong đau thương đến cùng cực của một con người chưa bao giờ thù ghét ai, chưa bao giờ làm cho ai phải đau khổ. Cả một đời chữa lành cho người khác, giảng dạy những điều tốt lành từ lòng thương xót của Chúa Cha, con người muốn yêu thương, muốn xây dựng bình an, chỉ vì lòng ghen ghét, đố kỵ, trả thù.

Im lặng trong khi chịu sỉ nhục, đòn roi, hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42, 2). Một con người chịu mọi sỉ nhục nhưng chưa bao giờ bị khuất phục trước bạo tàn, Người im lặng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50, 6). Dường như sự im lặng làm cho những kẻ đánh Người phải khiếp sợ. Họ không đủ can đảm để tiếp tục hành hạ, nên vào sáng sớm họ đưa Người đến quan Philatô. Im lặng không phải cách trả thù đối phương mà là sự im lặng của chịu đựng, hy sinh, tha thứ tất cả vì yêu thương họ không biết việc họ làm.

Tại quan toà Philatô, chẳng biết ai là người xét xử? Chúa xét xử hay Philatô xét xử. Bởi vì, theo trình thuật của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu muốn im lặng không trả lời trước bao lời tố cáo Người. Philatô biết sự im lặng của Chúa là lời tự bào chữa hay hơn bao giờ hết trước những lời tố cáo sai sự thật, hoặc không hiểu gì về “Sự thật”. Ở trong đời sống thường ngày, cũng có thể xảy ra như vậy. Im lặng trước những công kích trên Facebook, trên mạng, không phải là thắng thua mà người nói cần suy nghĩ lại hành vi, lời nói của mình.

Chúa Giêsu im lặng để mỗi con người tố cáo kia nhìn lại mình, nhưng họ càng cố la to hơn: “Đóng đinh nó vào thập giá, đóng đinh nó vào thập giá!”. Càng la to nhiều lần càng đẩy kích động lên thành những hành vi sai hơn nữa. Mù quáng, hận thù, bị xách động, tiến tới họ đòi tha Baraba là tên trộm cướp còn hơn là tha Chúa, như dịp thường làm trong ngày lễ, ân xá một người.

Quyết tâm hạ sát một người, một con người đã bị kết án tử bởi bản án bỏ túi. Nghĩa là không cần tra vấn “Sự Thật”, cũng chẳng cần biết “Sự Thật” là gì. Không tố cáo được về tội danh xưng mình là “Con Thiên Chúa”, Philatô dự định tha cho Người. Những người thượng tế, kinh sư đổi tội danh khác "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da” (Ga 19, 12). Philatô rửa tay và trao cho họ đem Chúa Giêsu đi đóng đinh. Án bỏ túi nghĩa là đã kết tội phải chết là phải chết, không phải tranh cãi.

Không còn nhiều giờ, nhóm thượng hội đồng biết như vậy. Phải cất xác trước sáu giờ chiều là cái giờ bước sang ngày Sabat. Giết người cũng phải tránh cái ngày Sabat ra. Chúng trao cho quân lính hành hạ một lần nữa với cây khổ giá, quất roi đòn bắt đi cho nhanh. Ngã lên, ngã xuống dập dụi: “Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52, 14).

Đến đồi Golgotha, chúng xô ngã Người xuống. Kéo tay, kéo chân đóng đinh vào thập giá. Không một tiếng kêu than, không một lời trách móc, không có sự gào thét. Chỉ có tiếng của bọn lính, tiếng búa, tiếng nhục mạ. Đóng đinh xong, dựng thánh giá lên, chúng còn thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy bước xuống thập gia đi” (Mt 27, 40). Im lặng là tiếng trả lời thách thức. Đôi khi chúng ta tự hỏi: “Quyền bính ở đâu? Sao không lấy uy quyền của mình mà dập tắt tiếng nói kia?”. Con người của chúng ta hay cho mình có quyền này, quyền kia, quyền ức hiếp, tố cáo người khác, hay thị uy trước người khác. Sao không tự nghĩ như Chúa nói với Philatô: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” (Ga 19, 11).

Chỉ có tình yêu mới thắng nổi hận thù, bạo lực và sự dữ bằng tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Bản án bất công đã xảy ra hai ngàn năm trước, nay vẫn xảy ra như thế mà còn kín đáo hơn, hung ác hơn. Như vết đinh muôn đời mới, những vết thương đau vẫn hành hạ những con người vô tội, chịu án bất công. Bị trả thù bằng những kế độc hại, những đòn che giấu nguy hiểm chết người. Tiếng nói của sự thiện, của lương tri vẫn tiếp tục như chưa bao giờ dừng, những con người tự nguyện hy sinh: “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết” (Pl 3, 10-11).
 
L,m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây