TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thực tâm

Thứ tư - 30/08/2023 11:30 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   737
Thực tâm trái nghĩa với giả hình. Để thực tâm luôn cần cố gắng luyện tập mới thành.
Thực tâm
Thực tâm
 
 
 
 

Thực tâm trái nghĩa với giả hình. Để thực tâm luôn cần cố gắng luyện tập mới thành. Con người của ta lúc nào cũng bị gieo cỏ lùng vào lúa, nên luôn cần chăm điều tốt để lấn át cái xấu trong ta.

Ta thường tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, kinh hạt, ta hãy nguyện cầu cho ta được đầy lòng yêu mến Chúa. Trong tình yêu Chúa, ta mới có thực tâm khi đến với Chúa, sống với mình và sống với anh chị em.
Tại sao cần cầu nguyện xin cho lòng yêu mến được tràn đầy? Khi ta có đủ tình yêu, ta mới sống vị tha, khoan dung và nhân ái. Hầu như Đạo nào cũng dạy ta luyện đức từ bi, lòng nhân ái. Chúa dạy ta, yêu người như yêu Chúa, một tình yêu vượt ra khỏi mọi rào cản, vì Chúa là Đấng Vô biên, Tuyệt đối. Còn ta đầy giới hạn và yếu đuối, tội lỗi, ta muốn ra khỏi rào cản, cần cầu nguyện luôn và luyện tâm hồn trong sáng.
Chúa Giêsu dạy ta thanh tẩy tâm hồn: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 21 – 23). Những điều này cần thực hành mỗi ngày trong đời sống của ta. Từng bước tự thanh luyện để nhờ Chúa thanh tẩy, “Muốn đi xa, bước từ gần. Muốn lên cao khởi từ thấp” (Sách Trung Dung). Con đường tự thân là con đường cần thiết, nên cần cố gắng tu luyện mới thành.
Trong thế giới hiện tại, ta thường nghe người ta nhân danh tự do: “Thân xác của tôi, tôi có quyền tự do trên thân xác của tôi”. Điều ấy chỉ đúng một phần, phần quan trọng hơn đó là linh hồn trong cái thân xác mà ta đang mang. Nếu thân xác không hồn thì đã thành thây ma. Chính vì linh hồn ta, mà “Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Thánh Phaolô khuyên dạy ta, thân xác ta là Đền Thờ Chúa Thánh Thần: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.” (1Cor 6, 13).
Thân xác này sẽ sống lại trong ngày sau hết. Niềm tin này không chỉ là đức tin riêng của người Công Giáo mà đó là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại. Vì nếu không có ngày sống lại thì thân xác này chỉ là thứ vất đi, chẳng để làm gì; nhưng ai cũng muốn giữ gìn thân xác của mình cách này hay cách khác. Dù có ăn chơi bệ rạc, khi thân xác bệnh tật cũng lo cứu chữa, kiêng khem để lành bệnh, đó là quy luật tự nhiên. Dù có tự tử, người ta vẫn hy vọng sẽ có một cuộc sống khác. Ai cũng muốn sống, nên thân xác này hư đi là một điều đáng tiếc, Chu Hy viết: “Ở đời có ba điều đáng tiếc: Một là việc hôm nay bỏ qua. Hai là đời này chẳng học. Ba là thân này lỡ hư”. Thân xác này sẽ sống lại không giống như “Hồn trương ba da hàng thịt”. Thân xác sống lại là thân xác của chính ta, ta đã được có nó mang lấy phần hồn, khi hồn bất tử thân xác của ta cũng sẽ sống lại để mang lấy sự bất tử. Ta hãy yêu lấy thân xác của ta mà trau dồi phần hồn của ta trong đạo hạnh.
Thực tâm không chỉ là giữ tâm trong mà còn là thực hành gia tăng cho tâm thiện, tâm từ bi. Giả hình, giả mạo đều là đánh lừa chính mình và làm mất khả năng để sống thực tâm, sống hạnh phúc đời này và đời sau.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây