TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Thường Niên -Năm C

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”. (Lc 5, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Công Bố Văn Bản Tham Khảo Về Sự Phát Triển Của AI

Thứ ba - 04/02/2025 09:11 | Tác giả bài viết: Lê Hưng Chuyển ngữ |   25
WHĐ (04/02/2025) - Ngày 28 tháng Một năm 2025, Vatican đã công bố một văn bản tham khảo dài 35 trang về mối liên hệ giữa trí thông minh nhân tạo (AI) và trí thông minh con người. “AI phải được dùng như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó”, văn bản nhấn mạnh.
Capture
Capture

VATICAN CÔNG BỐ MỘT VĂN BẢN THAM KHẢO VỀ SỰ PHÁT TRIỂN VŨ BÃO CỦA AI

 

“Giáo Hội cổ vũ những tiến bộ trong khoa học, trong công nghệ, trong các môn nghệ thuật và trong tất cả những công việc của loài người” nhưng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “việc sử dụng có trách nhiệm sự hợp lý và khả năng kỹ thuật”, chú thích Antiqua et Nova về mối quan hệ giữa trí thông minh nhân tạo AI và trí thông minh con người, cho biết. Hai văn bản này được bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Văn hoá và Giáo dục Vatican, công bố chung ngày 28 tháng Một 2025.

Tài liệu dài 35 trang này, hiện chỉ được công bố bằng tiếng Ý, Tây ban nha và tiếng Anh – đa phần dựa trên những phát biểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vấn đề. Nó đưa ra một tổng hợp những suy tư của Giáo hội Công giáo về một chủ đề ngày càng chiếm trọng tâm trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội, từ giáo dục tới việc sử dụng truyền thông đại chúng, cho đến những vấn đề sức khỏe, quốc phòng hay cả những mối quan hệ quốc tế.

AI phải được sử dụng chỉ như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó.

Nhắc đến những phát hiện của một số nhà khoa học cho rằng AI “có thế bắt kịp và thay thế trí tuệ con người” và dẫn tới những tiến bộ “vượt quá mọi sự tưởng tượng”, bản ghi chú cảnh báo rằng “tham vọng thay thế Chúa thông qua một tác phẩm từ chính bàn tay mình là một sự tôn thờ ngẫu tượng”, chẳng khác gì một sự cám dỗ truyền thống mà những câu chuyện trong Kinh Thánh đã cảnh báo loài người.

“Đừng nên quên rằng AI chỉ là một phản ảnh mờ nhạt của nhân loại, vì nó được sản xuất từ trí óc con người, hình thành từ vật liệu của con người, chỉ định dùng cho việc kích thích con người và được công việc của con người hỗ trợ”, Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng y José Talentino, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, nhắc nhở một cách mạnh mẽ trong bản ghi chú mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn ngày 14 tháng Một vừa qua.

“AI phải được dùng chỉ như một công cụ bổ sung cho trí tuệ con người chứ không thay thế sự giàu có của nó”, một điều được nhấn mạnh. “Nó không thể có đa số những khả năng riêng có của đời sống con người và nó cũng có thể sai lầm. Tóm lại, khi tìm kiếm ở nó một “Chúa khác” vĩ đại hơn để chia sẻ cuộc đời và trách nhiệm, loài người có nguy cơ tạo ra một thứ thay thế Thiên Chúa”, Vatican cảnh báo.

Một “cuộc khủng hoảng sự thật”

“Tình hình mới này dẫn nhân loại tới chỗ tự hỏi về bản sắc của mình và mình đóng vai trò gì trong thế giới”, bản ghi chú cho biết. Những “tham gia vào nhân loại học và đạo đức học” của AI do đó nằm ở trung tâm của tài liệu này, ưu tiên dành cho các nhà giáo dục nhưng cũng muốn chạm đến số đông công chúng nhất có thể, nhằm ‘đóng góp tích cực vào việc phân định về AI”.

Lần lại quá trình phát triển của những công nghệ này từ khi khái niệm về chúng trổi dậy vào những năm 1950, tài liệu của Vatican vẽ một đường phân ranh giữa “AI giới hạn”, có thể là một công cụ có hiệu quả đáng kể, nhất là trong lãnh vực y khoa, dự báo thời tiết hay dịch thuật và “AI tổng quát”, cho rằng có thể vượt qua khả năng trí tuệ loài người và có nguy cơ làm cho nhân loại mất đi sự làm chủ số phận mình.

Trí tuệ loài người không chỉ giới hạn trong việc hoàn thành những công việc kỹ thuật, nhưng còn bao gồm cả năng lực cảm nhận và tính chủ quan. Ngược lại, AI chỉ hoạt động để thi hành công tác, để đạt mục tiêu hay đưa ra những quyết định dựa trên những dữ liệu định lượng và một lô gích điện toán”. Kiểu mẫu thuần toán học này không thể du nhập những sắc thái và sự phức tạp của đời sống con người.

Trách nhiệm đạo đức và những giới hạn của tiến bộ khoa học

“Mọi thứ công nghệ mới đều không đưa ra một tiến bộ thật sự trong chính bản thân chúng”, bản ghi chú cảnh báo dựa trên lời giảng dạy của Đức Phanxicô trong Sứ điệp Laudato Si (2015) và của cả Đức Biển Đức 16 trong Caritas in Veritate (2009).

“Bảo toàn khả năng hành động của con người” là một ưu tiên trong việc sử dụng AI một cách đạo đức. “Khi tỏ ra thận trọng, cá nhân và tập thể có thể phân định cách nào sử dụng AI để làm lợi cho nhân loại, mà vẫn tránh khỏi những App (ứng dụng) có khả năng gây hại cho phẩm giá của con người hay làm tổn thương hành tinh của chúng ta”, bản ghi chú nhấn mạnh.

Vatican cáo buộc “cách nói của các chuyên gia có khuynh hướng nhân cách hóa AI và từ đó xóa nhòa ranh giới giữa những gì là con người và những gì là nhân tạo”. Việc sử dụng những công cụ như vậy có nguy cơ thúc đẩy người ta sống những mối quan hệ giữa người với người một cách vị lợi và “xui khiến những người trẻ tuổi nhất xem thầy cô như những người cung cấp thông tin chứ không như những bậc thấy dẫn lối đưa đường và nâng đỡ sự lớn khôn của họ về trí tuệ cũng như đạo đức”.

Tác động đến nền kinh tế và giới lao động

Vatican lưu ý đến một sự nghịch lý ngày càng phổ biến trong giới lao động: “Trong lúc AI hứa hẹn sẽ kích thích năng xuất bằng cách đảm nhận những công việc thường lệ, người lao động lại bị buộc phải thích nghi với tốc độ và đòi hỏi của máy móc”. AI phải trợ giúp chứ không thay thế óc phán đoán của con người, cũng như nó không được làm xuống cấp óc sáng tạo hay biến người lao động thành những bánh xe trong một guồng máy”, bản ghi chú nhấn mạnh.

Cũng vậy, trên lãnh vực y khoa, nếu AI có thể giúp phát triển việc đạt được một số chẩn đoán và điều trị, trách nhiệm cuối cùng vẫn phải nằm trong tay những người chuyên nghiệp trong lãnh vực y khoa, những người phải “dùng hết khả năng và trí óc của mình để đưa ra những chọn lựa chín chắn và có đạo đức cho những người được giao vào tay họ mà vẫn luôn tôn trọng phẩm giá không thể bị xâm phạm của người bệnh và nguyên tắc của sự tự nguyện sáng suốt”.

Nguy cơ “xói mòn những nền móng của xã hội”

Bản ghi chú cũng đề cập đến vấn đề fake news và deepfake (tin giả và hình ảnh giả mạo) của AI có thể xúi giục công chúng hiểu sai lầm, như trường hợp chiến dịch tranh cử ở Mỹ mới đây. Vatican cáo buộc: “Việc sử dụng AI có chủ đích nhằm thao túng dư luận”, điều xảy ra khi một người vận hành hay một tổ chức phát tán có chủ đích những thông tin, chẳng hạn như hình ảnh, video và âm thanh bị làm giả, nhằm mục đích lừa đảo hay gây hại”. Tài liệu trên kêu gọi phải có “quy chế chu đáo” vì những thực hành như vậy có nguy cơ “xói mòn lần lần những nền móng của xã hội”, bằng cách nuôi nấng sự “tập trung chính trị và nỗi bất bình trong xã hội”. Trên bình diện những vấn đề quốc phòng và an ninh, xin nhắc lại sự chống đối kiên quyết của Tòa Thánh với những vũ khí tự hành. “Những tội ác đã thực hiện trong dòng lịch sử nhân loại đủ để gợi lên những mối lo ngại liên quan đến việc lạm dụng AI một cách tiềm tàng”, các tác giả bản ghi chú lo ngại.

Một chủ đề ưu tiên của Tòa Thánh

Những năm gần đây, Tòa Thánh đã tham gia tích cực vào cuộc tranh luận về những vấn đề đạo đức có thể xảy ra do sự phát triển như vũ bão của AI. Năm 2020, Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về đời sống đã đưa ra “Lời Kêu Gọi từ Roma cho một trí thông minh nhân tạo AI hợp đạo đức”, một giao ước được những công ty lớn IBM, Microsoft hay cả Cisco ký. Như sự tiếp nối văn bản ấy, đích thân đức Giáo Hoàng nhiều lần can thiệp để bảo vệ cho sự tiếp cận AI tập trung vào phẩm giá của con người, đặc biệt là phát biểu của ngài nhân hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ý tháng Sáu 2024.

Tài liệu mới nhất của Tòa Thánh này được công bố vài ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phát động “Stargate”, một kế họach, trị giá 500 tỷ đô la, nhằm nâng đỡ việc phát triển AI ở Mỹ. Dự án đó dự kiến xây dựng những “data centers” (trung tâm dữ liệu data) có thể cho phép tăng cường khả năng công nghệ và năng lượng trong việc xử lý dữ liệu của AI.

Còn Pháp sẽ tổ chức ở Paris một hội nghị thượng đỉnh vì hành động về trí thông minh nhân tạo, ngày 6 tháng Hai, nhằm thiết kế một khung điều tiết đa phương cho lãnh vực này, mà những tiến hóa nhanh chóng của nó khiến những hệ thống pháp lý các quốc gia không bắt kịp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng đề cập đến vấn đề này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 15 tháng Mười Hai vừa qua khi gặp nhau ở Ajaccio (đảo Corse) và rất có thể lịch công bố văn bản trên có liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra đó.

Hình: SomYu Zu | Shutterstock

Lê Hưng

Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (28/01/2025)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây