Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha hy vọng cuộc gặp gỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đóng góp vào một mô hình phục hồi có khả năng tạo ra các giải pháp mới, bao gồm và bền vững hơn để hỗ trợ nền kinh tế và trợ giúp mọi người và cộng đoàn đạt được khát vọng sâu sắc của chính họ và công ích toàn cầu.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, cần phải bắt đầu với các tương quan con người, rồi sau đó đi đến các quan hệ tài chính. Và tất cả phải được xác định qua một văn hóa gặp gỡ, đưa đến một kế hoạch toàn cầu có thể tạo ra các thể chế mới.
Để đạt điều trên cần phải trao cho các quốc gia nghèo và chậm phát triển một vai trò hiệu quả trong quá trình quyết định và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia này tiếp cận với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó còn phải giảm bớt gánh nặng nợ do đại dịch. Theo Đức Thánh Cha, một nghĩa cử nhân văn sâu sắc có thể giúp mọi người phát triển và được tiếp cận với vắc-xin, sức khỏe, giáo dục và việc làm.
Sau đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng công nghiệp tài chính, được chú ý đặc biệt do sự sáng tạo lớn của nó, cho thấy khả năng phát triển một cơ chế linh hoạt để tính toán khoản nợ sinh thái này, để các quốc gia giàu có có thể thanh toán nợ không chỉ bằng cách hạn chế đáng kể việc tiêu thụ năng lượng không tái tạo hoặc bằng cách trợ giúp các quốc gia nghèo hơn trong các chính sách và chương trình phát triển bền vững, nhưng còn bằng cách trang trải chi phí cho những yêu cầu đổi mới hướng đến mục đích trên.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha hy vọng cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ giúp phân định các các giải pháp khôn ngoan cho một tương lai bền vững và bao gồm hơn. Trong đó, tài chính phục vụ công ích, những người dễ bị tổn thương, những người bị thiệt thòi được đặt ở trung tâm, và có sự quan tâm đến trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.
Ngọc Yến - Vatican News