Trong cùng năm nhà khoa học Guglielmo Marconi thành lập Radio Vatican, tại Brazil, tượng Chúa Ki-tô Cứu Thế được thắp sáng lần đầu tiên. Chính nhà vật lý Marconi, từ văn phòng ở Roma, bằng sóng điện từ vượt đại dương, đã bật sáng các ngọn đèn ở tượng Chúa.
90 năm qua, tượng Chúa bị hao mòn theo thời gian bởi các yếu tố thiên nhiên như nắng gió. Dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Cristiana Ventura, một nhóm chuyên gia trùng tu đã thực hiện một bức ảnh chụp X-quang hoàn chỉnh của tượng, xác định tình trạng bị bào mòn và lập kế hoạch trùng tu, để đến ngày 12/10 năm nay tượng lại được chiếu sáng.
Tượng Chúa Ki-tô Cứu Thế
Tượng Chúa Ki-tô Cứu Thế cao 37 mét được dựng trên đỉnh núi Corcovado cao 710 mét. Ngày nay tượng Chúa đã trở thành biểu tượng của thủ đô Rio de Janeiro.
Ý tưởng dựng một tượng đài tôn giáo trên đỉnh núi xuất phát từ ý tưởng của cha Pedro Maria Boss. Đó là giữa thế kỷ 19, Brazil vẫn còn là một vương quốc, và vì vậy Cha Boss đã kêu gọi Công chúa Isabella làm điều này nhưng không thành công. Năm 1899, khi chế độ quân chủ sụp đổ, và được thay thế bởi nền Cộng hòa, sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước được phê chuẩn và dự án không còn được nói đến nữa.
Năm 1921 tổng giáo phận Rio de Janeiro đã chính thức đưa ra đề xuất xây dựng tượng đài tôn giáo nhắm chống lại chủ nghĩa vô thần tôn giáo đang bắt đầu lan rộng trong nước, đặc biệt là sau Thế chiến thứ nhất, nhân kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 1922.
Nhiều bản phác thảo được đưa ra nhưng cuối cùng tác phẩm của nghệ sĩ Carlos Oswald đã được chọn, bởi vì Chúa Kitô với vòng tay rộng mở rất đơn giản và có tác động. Tác phẩm được kỹ sư Heitor da Silva thực hiện cùng với nhà điêu khắc Paul Landowski.
Sau 9 năm, tác phẩm được hoàn thành vào năm 1931 và khánh thành vào ngày 12/10/1931.
Cư dân thủ đô Rio rất gắn bó với tượng Chúa Cứu Thế bởi vì Chúa Ki-tô, đối với tất cả mọi người, là Đấng bảo vệ thành phố, bất kể đức tin của mỗi người.
Hồng Thủy - Vatican News