TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC tiếp kiến ​​chung sáng ngày 7/4/2021

Thứ tư - 07/04/2021 19:29 | Tác giả bài viết: |   951
Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ.

ĐTC Phanxicô: Các thánh trên trời luôn muốn giúp chúng ta nhận ơn Chúa

va080421a

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến ​​chung sáng ngày 7/4/2021, Đức Thánh Cha nói lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ đơn độc nhưng liên đới chúng ta cách mầu nhiệm với những người đi trước đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy tín thác cho sự chuyển cầu của các thánh.

Đức Thánh Cha nói rằng khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình: ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó, chúng ta thấy mình ở giữa rất nhiều lời khẩn cầu trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, cho nhu cầu của cá nhân và của toàn thế giới, vì chúng ta cùng cầu nguyện với tất cả các thánh trong sự hiệp thông của Thân Mình Chúa Ki-tô là Giáo hội. Các thánh không ngừng chuyển cầu cho chúng ta.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tạ ơn Chúa về món quà của các thánh và tín thác chúng ta cho sự chuyển cầu của các ngài.

Rất nhiều câu chuyện là câu chuyện cuộc đời của mỗi người

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Trong những lời cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh, thường vang lên trong phụng vụ, chúng ta tìm thấy những câu chuyện cổ xưa, những cuộc giải thoát kỳ diệu, những cuộc trục xuất và lưu đày đau buồn, những cuộc trở về tràn đầy cảm xúc, những lời ca tụng vang lên trước những kỳ quan của tạo vật… Và như thế, những tiếng nói này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong sự đan xen liên tục giữa kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm của con người và nhân loại mà chúng ta thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, khỏi lịch sử của dân tộc mình; chúng ta luôn mang theo di sản này trong thói quen và cả trong lời cầu nguyện.

Những lời cầu nguyện tốt đẹp đó lan tỏa

Trong lời cầu nguyện ngợi khen, đặc biệt là lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim của những trẻ nhỏ và những người khiêm hạ, vang vọng những lời của kinh Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước sự hiện diện của người chị họ Elizabeth; hay câu cảm thán của cụ già Simeon, người đang ôm Hài Nhi Giêsu trên tay, đã nói: “Giờ đây, theo lời Chúa đã hứa, xin để tôi tớ Người được an bình ra đi” (Lc 2,29).

Những lời cầu nguyện tốt đẹp đó “lan tỏa”, như bất kỳ điều tốt nào, tự chúng không ngừng lan truyền, dù được hay không được đăng trên mạng xã hội: từ các khoa ở bệnh viện, từ những khoảnh khắc tụ tập vui tươi mừng lễ đến những lúc mà chúng ta âm thầm đau khổ… Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người, và hạnh phúc của một người được truyền sang tâm hồn người khác.

Sự chuyển cầu của các thánh

Đức Thánh Cha nhận xét: Lời cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi lần chúng ta chắp tay và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những người đang cầu nguyện với chúng ta và những người đã khẩn cầu cho chúng ta như những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cùng cuộc phiêu lưu của con người. Trong Giáo Hội không có nỗi đau buồn nào là của một cá nhân, không có giọt nước mắt nào bị rơi trong quên lãng, bởi vì mọi người thở và tham dự vào một ân sủng chung.

Ngài lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà trong các nhà thờ cổ xưa, người ta chôn cất người chết trong những khu vườn xung quanh nhà thờ, như để nói rằng, theo một cách nào đó, những người đi trước chúng ta tham dự vào mỗi Thánh lễ. Có cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, có những người cha mẹ đỡ đầu của chúng ta, những giáo lý viên của chúng ta và những giáo viên khác ở đó…

Các thánh: những đám mây nhân chứng

Đức Thánh Cha khẳng định: Các thánh vẫn ở đây, không xa chúng ta; và hình ảnh của các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn bao quanh chúng ta (xem Hr 12,1). Họ là những chứng nhân mà chúng ta không tôn thờ nhưng tôn kính và theo hàng ngàn cách khác nhau, họ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Một vị thánh mà không đưa bạn đến với Chúa Giê-su Ki-tô thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Ki-tô hữu. Vị thánh nhắc nhở bạn về Giê-su Ki-tô thánh nhân đã đi theo lối sống của Ki-tô hữu. Các vị thánh nhắc nhở rằng ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi yếu đuối và tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể nở hoa.

Không bao giờ là quá trễ để hoán cải

Ngay cả vào thời khắc cuối cùng chũng ta vẫn có thể hoán cải. Đức Thánh Cha nhắc rằng vị thánh đầu tiên được phong thánh là một tên trộm, và không phải bởi một Giáo hoàng nào mà bởi chính Chúa Giêsu. Thánh thiện là một hành trình sống, gặp gỡ Chúa Giêsu, dù dài hay ngắn, dù trong tích tắc. Một vị thánh là một nhân chứng, một người đã gặp Chúa Giêsu và đã theo Người. Không bao giờ quá trễ để hoán cải trở về với Chúa, Đấng tốt lành và vô cùng yêu thương (xem Tv 102, 8).

Liên đới trong cầu nguyện

Nhắc lại Giáo lý Công giáo, Đức Thánh Cha giải thích rằng các thánh “không ngừng quan tâm đến những kẻ còn ở trần gian... và chúng ta có thể và có bổn phận xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới (GLCG 2683).

Đức Thánh Cha nói: Chúng ta cảm nghiệm được mối liên kết cầu nguyện giữa chúng ta và các thánh ngay từ ở đây, trong cuộc sống trần thế: chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta cầu xin và dâng những lời cầu nguyện ... Cách đầu tiên để cầu nguyện cho ai đó là nói với Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên, mỗi ngày, trái tim của chúng ta không đóng lại, nó mở ra với các anh chị em. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và thúc đẩy chúng ta đến sự gần gũi cụ thể. Ngay cả trong những lúc xung đột, cách để giải tỏa xung đột, làm dịu nó là cầu nguyện cho người mà tôi đang xung đột. Và điều gì đó thay đổi nhờ lời cầu nguyện. Điều đầu tiên thay đổi là trái tim của tôi, đó là thái độ của tôi. Chúa thay đổi nó để có thể có  một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ mới và tránh để cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến bất tận.

Cách đầu tiên để đối mặt với thời gian khốn khó là cầu xin các anh em, đặc biệt là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc rằng tên mà chúng ta được đặt khi lãnh nhận bí tích rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Nó thường là tên của Đức Trinh Nữ, của một vị Thánh, những người không chờ đợi gì hơn là “giúp chúng ta một tay” trong cuộc sống, giúp chúng ta một tay để nhận được từ Thiên Chúa những ân sủng mà chúng ta cần nhất.

Các thánh chúng ta không biết giúp chúng ta một tay

Theo Đức Thánh Cha, nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức hết chịu nỗi, nếu chúng ta vẫn có khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi việc chúng ta vẫn tiến bước một cách tin cậy, có lẽ tất cả điều này nhờ sự chuyển cầu của tất cả các thánh, một số vị đang ở trên Thiên đàng, những vị khác đang lữ hành trên trái đất như chúng ta, những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì chúng ta đều biết ở trên trái đất này có các vị thánh, các thánh nam nữ sống thánh thiện, những vị thành hàng ngày, những vị thánh âm thầm hoặc các vị thánh ở nhà bên cạnh, những người cùng sống và cùng làm việc với chúng ta, những người sống một cuộc sống thánh thiện.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây