Trước hết, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của các thị trưởng Ý: “Trong đại dịch, sự hiện diện của quý vị khuyến khích mọi người tiếp tục nhìn về phía trước. Quý vị đã là một điểm tham chiếu trong việc thực thi các quy định đôi khi nặng nề, nhưng cần thiết cho sức khỏe của công dân”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng, thường thì các thị trưởng được kỳ vọng vì có giải pháp cho mọi vấn đề. Nhưng những vấn đề không chỉ được giải quyết bằng cách sử dụng các nguồn tài chính. Sự hiện diện của các mạng lưới liên đới, cung cấp các khả năng ứng phó là điều rất quan trọng, cần phải chú trọng đến điều này. Mạng lưới tương quan liên đới này là một kho tàng cần phải được giữ gìn và củng cố.
Đức Thánh Cha đề xuất các từ khóa cho các thị trưởng trong khi lãnh đạo: “Tình phụ tử, ngoại biên, hòa bình”.
Trước hết về tình phụ tử. Theo Đức Thánh Cha, phục vụ công ích là một hình thức bác ái cao cả, có thể so sánh với vai trò của cha mẹ trong một gia đình. Vì thế, người lãnh đạo đừng ngại lãng phí thời gian để lắng nghe mọi người và vấn đề của họ. Lắng nghe giúp phân định và hiểu được những ưu tiên cần can thiệp. Và cùng với sự lắng nghe, cần phải can đảm đầu tư cho những nơi đang bị xuống cấp liên quan đến giáo dục, trật tự xã hội. Biết ước mơ về một thành phố tốt đẹp hơn và chia sẻ ước mơ với các nhà quản lý địa phương khác, và với tất cả những công dân có thiện chí.
Đức Thánh Cha nói đến điều thứ hai - “ngoại biên”: Bắt đầu từ những vùng ngoại biên không có nghĩa là loại trừ ai đó. Đây không phải là một lựa chọn ý thức hệ, nhưng là lựa chọn phương pháp, bắt đầu với người nghèo để phục vụ lợi ích của tất cả mọi người. Người nghèo làm giàu cho thành phố, vì họ nhắc nhở chúng ta về sự yếu đuối của chúng ta và chúng ta cần nhau, đó là điều chủ yếu của giáo lý Giáo hội.
Về điều này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh cần phải tạo công việc cho mọi người. Bởi vì, cách chắc chắn nhất để tước phẩm giá của một người hay một dân tộc là tước bỏ công việc. Vấn đề không phải là mang cơm bánh về nhà, nhưng là làm sao để kiếm được những điều ấy và mang về cho gia đình. Điều này mang lại phẩm giá cho con người.
Điều sau cùng - “hòa bình”. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta cần tạo ra một cấu trúc chung các giá trị dẫn đến giải trừ những căng thẳng giữa sự khác biệt về văn hóa và xã hội. Hòa bình không có nghĩa là không có xung đột, nhưng là khả năng làm cho nó tiến triển theo một hình thức mới để gặp gỡ và chung sống với nhau. Hòa bình xã hội là kết quả của khả năng chia sẻ nghề nghiệp, kỹ năng và nguồn lực. Tôi khuyến khích quý vị ở gần mọi người. Bởi vì, khi đối diện với trách nhiệm, người ta thường có một cám dỗ là trốn chạy và cô lập chính mình”.
Ngọc Yến - Vatican News