TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin 5/11/2023

Thứ tư - 08/11/2023 23:39 | Tác giả bài viết: |   500
Trưa Chúa Nhật ngày 5/11, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Kinh Truyền Tin 5/11/2023

Kinh Truyền Tin (5/11): Chứng tá từ sự nhất quán giữa lời nói và việc làm

Trưa Chúa Nhật ngày 5/11, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 31 thường niên.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, chúng ta nghe một số lời của Chúa Giêsu nói về các luật sĩ và người Pha-ri-sêu, tức là các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân chúng. Về những nhà cầm quyền này, Chúa Giêsu dùng những lời rất nghiêm khắc: “vì họ nói mà không làm” (Mt 23:3) và “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (c. 5).

Chúng ta hãy dừng lại ở hai khía cạnh này: khoảng cách giữa việc nói và làm, và sự nổi trội của cái bên ngoài hơn cái bên trong.

Khoảng cách giữa nói và làm. Đối với những thầy dạy của Israel, những người được coi là dạy người khác về Lời Chúa và được tôn trọng như những người có thẩm quyền trong Đền thờ, Chúa Giêsu phê phán lối sống hai mặt của họ: họ dạy một đàng, nhưng sau đó lại sống một nẻo. Những lời này của Chúa Giêsu gợi lại những lời của các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Isaia: “Dân này chỉ tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Is 29:13). Đây là mối nguy hiểm cần phải cảnh giác. Chúng ta cũng gặp mối nguy hiểm này: đó là tính hai mặt của con tim, tạo ra mối nguy cho tính chân thực của chứng tá và tính khả tín của chúng ta với tư cách là con người và Kitô hữu.

Tất cả chúng ta, vì sự mong manh của mình, ai cũng có kinh nghiệm về một khoảng cách nhất định giữa việc nói và làm; nhưng ngược lại, có một con tim hai mặt là một chuyện khác, sống kiểu “xỏ một chân vào hai giày” mà chẳng xem đó là vấn đề. Đặc biệt khi chúng ta được mời gọi – trong cuộc sống, trong xã hội hay trong Giáo hội – đảm nhận vai trò trách nhiệm, chúng ta hãy nhớ điều này: không hai mặt! Đối với một linh mục, một nhân viên mục vụ, một chính trị gia, một giáo viên hay bậc cha mẹ, quy tắc này luôn được áp dụng: những gì bạn nói, những gì bạn giảng cho người khác, bạn phải cam kết thực hiện điều đó trước tiên. Để trở thành những thầy dạy chính danh, trước tiên chúng ta phải là những chứng nhân đáng tin cậy.

Khía cạnh thứ hai đến như một hệ quả: sự nổi trội của cái bên ngoài hơn cái bên trong. Thực tế, khi sống hai mặt, các kinh sư và người Pha-ri-sêu bận tâm che giấu sự bất nhất để cứu lấy danh tiếng bên ngoài. Thực vậy, nếu để người ta biết được cái gì thật sự trong lòng họ, thì ắt họ sẽ phải xấu hổ, mất hết uy tín. Và do đó, họ làm những việc để tỏ ra chính trực, để “cứu lấy bộ mặt”, theo cách người ta thường nói. Kiểu hoá trang này rất phổ biến: hoá trang bộ mặt, hoá trang cuộc sống, hoá trang con tim. Những người này hoá trang, nhưng không biết sống sự thật. Nhiều lần chúng ta có cám dỗ sống hai mặt này.

Anh chị em thân mến, khi chấp nhận lời cảnh báo này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy tự hỏi: chúng ta có cố gắng thực hành những gì chúng ta rao giảng hay chúng ta sống hai mặt? Chúng ta nói một đàng mà lại làm một nẻo. Chúng ta chỉ bận tâm tỏ ra hoàn hảo bên ngoài hay chúng ta chăm sóc đời sống nội tâm của mình bằng sự chân thành của con tim?

Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ: Xin Mẹ là người sống chính trực và khiêm nhường trong lòng theo ý Chúa giúp chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Tin Mừng.

Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây