TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Nga, Ucraina

Thứ năm - 04/11/2021 20:20 | Tác giả bài viết: |   1217
Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Nga, Ucraina và Belarus có điểm chung vì các quốc gia này trước đó thuộc một thực thể quân chủ thời Trung cổ, đó là vương quốc Kiev.
Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Nga, Ucraina

Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Nga, Ucraina và Belarus

Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Nga, Ucraina và Belarus có điểm chung vì các quốc gia này trước đó thuộc một thực thể quân chủ thời Trung cổ, đó là vương quốc Kiev. Khi vương quốc này đón nhận Ki-tô giáo, hơn một ngàn năm trước, công cuộc loan báo Tin Mừng ở khu vực này đã bắt đầu và vươn xa đến tận Mátxcơva.

Vương quốc Kiev được thành lập vàp cuối thế kỷ thứ 9, bao gồm một phần lãnh thổ của miền đông Ucraina ngày nay, miền tây nước Nga, Belarus, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia. Vương quốc này đón nhận Ki-tô giáo, hơn một ngàn năm trước, với sự trở lại của thành phố Vladimir. Tại đây, nhà thờ đầu tiên dâng kính Đức Maria được xây dựng vào năm 990. Nhà thờ này được gọi là nhà thờ Desityna (thập phân), bởi vì nó được xây dựng bằng tiền thuế thu được.

Năm 2020, Giáo hội Nga công bố Năm Đức Maria Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa. Đây là một trong nhiều biểu hiện của lòng kính yêu Đức Mẹ của các dân tộc ở Nga. Những cách diễn tả lòng yêu mến Đức Mẹ gắn kết họ với người dân Ucraina và Belarus. 

Lòng tôn kính các bức icona

Lòng tôn sùng Đức Mẹ ở các nước Đông Âu này được thể hiện trên hết qua lòng tôn kính các bức icona, một thể loại tranh ảnh thánh được vẽ trên gỗ, xuất hiện trong bối cảnh văn hoá Kitô giáo Byzantine và Xlavơ, chuyển tải một sứ điệp thần học đặc biệt qua ngôn ngữ của các bức icona, được diễn tả bằng màu sắc hoạ sĩ sử dụng.

Giữa các thế kỷ 10 và 11, dân cư di chuyển từ Kiev về phía đông bắc, và do đó trung tâm di chuyển về phía Mátxcơva. Các trung tâm mới xuất hiện, ví dụ như Szdal và Vladimir, nơi có các thánh đường dâng kính Đức Mẹ Hồn xác lên trời. Tại Vladimir có bức ảnh “Đức Bà dịu dàng” nổi tiếng, được biết như là bức icona “Mẹ Thiên Chúa” của Vladimir và hình mẫu của mọi bức icona khác trên lãnh thổ Nga.

Lễ kính sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa được Andrei Boglibiskij bắt đầu và rất phổ biến. Trong các cuộc xâm lược của người Tartar vào thế kỷ 13, Kiev, Suzdal, Vladimir và các thành phố khác đã bị phá hủy. Tuy nhiên, chính trong thời kỳ đó, người ta đã cảm nhận được hiệu quả của sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ qua các bức icona.

Mỗi ngôi nhà của người Nga luôn có một bức icona nhỏ trong nhà, và trong số này không bao giờ thiếu ảnh Mẹ Thiên Chúa. Khi nhà nước Nga bắt đầu được thành lập dưới triều Đại đế Ivan (1462 - 1505), Mátxcơva được mở rộng, các kiến ​​trúc sư người Ý như Aristotle Fioravanti đến chỉnh trang thủ đô và xây dựng Nhà nguyện Đức Bà Hồn xác lên trời của Điện Kremlin; nhiều bức icona đã được mang đến đây: bức icona Đức Mẹ Dịu dàng của Vladimir, bức icona của Kazan, của Smolensk (sau đó được trả về thành phố xuất xứ) và của Don, và của Ivirov, một bản sao của hình ảnh được tôn kính trên Núi Athos.

Sự hiện diện của Đức Mẹ trong những biến cố lịch sử của Nga

Cuộc sống của tín hữu Công giáo Đông phương chưa bao giờ dễ dàng; họ luôn phải chịu áp lực từ Tòa Thượng phụ Mátxcơva. Một áp lực gần như không thể chịu đựng nổi khi, giữa thế kỷ XVII và XVIII, Đế quốc Nga bắt đầu chiếm ngày càng nhiều lãnh thổ từ vương quốc Ba Lan. Như chúng ta biết, chính trong những trường hợp này, Đức Trinh Nữ đã tỏ mình ra. Những lần ảnh Đức Mẹ chảy nước mắt, bao gồm cả máu, được ghi lại và được hiểu là biểu hiện của sự đau đớn đối với những gì đã xảy ra.

Cuộc xâm lược của Napoléon từ năm 1811 - 1812 bị coi như một sự xúc phạm đến vùng đất của Thánh địa Nga, và do đó là một cuộc tấn công vào “Mẹ Thiên quốc” của nước Nga. Mối quan tâm chính của người dân là bảo vệ các bức icona, và đặc biệt là những bức icona - rất được tôn kính - của Kazan và Smolensk.

Bức icona của Smolensk được đưa vào giữa các đoàn quân vào đêm trước trận chiến Borodino, để mang lại lòng dũng cảm cho những người lính, trong khi bức icona của Kazan được đặt trong nhà thờ Saint Peterburg, ngôi nhà thờ nhắc nhớ đền thánh Phêrô ở Roma. Bức icona vẫn ở đó cho đến năm 1904, khi nó bị đánh cắp.

Vài tháng sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, cuộc Cách mạng Nga đã diễn ra. Đó là năm 1917. Chương trình của chính phủ nhắm xóa bỏ Kitô giáo, quân cách mạng phá hủy nhà nguyện của Điện Kremlin, nơi tôn kính bức icona Iviriron, trong khi đền thánh Đức Mẹ đồng trinh Kazan ở Saint Petersburg bị biến thành Bảo tàng Vô thần.

Nhiều bức icona được đưa đến Phòng trưng bày Tetrjakov ở Mátxcơva, trong đó có tác phẩm “Chúa Ba Ngôi” nổi tiếng của Rublev. Người Nga đổ xô đến đó, với lý do là thăm viếng văn hóa, để tôn kính các bức ảnh thánh. Phòng trưng bày đó sẽ là một nơi đền thánh thực sự trong thời Xô Viết.

Trong số các đền thánh Đức Me nổi tiếng nhất ở Nga là Nhà thờ chính toà Đức Mẹ Hồn xác lên trời, do Nga hoàng Ivan III ra lệnh xây cất, nơi có bức icona của Vladimir.

Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Ucraina 

Ở Ucraina, ngoài bức ảnh “Bức tường vững chắc” tại đền thánh Hagia Sophia – Đấng Khôn ngoan, còn có bức icona Mẹ Thiên Chúa của Zarvanitsia, đền thánh nổi tiếng nhất ở Trans-Carpathian Galicia, nơi luôn thuộc về Giáo hội Công giáo Hy Lạp.

Có hai truyền thuyết về nguồn gốc của đền thánh. Truyền thuyết đầu tiên thuật lại rằng một đan sĩ đã dùng bức ảnh icona chúc lành cho một người đàn ông địa phương bị lạc trong rừng và bị ốm. Truyền thuyết khác cho rằng một đan sĩ đi lang thang trong rừng đã cố gắng cứu bức icona và trong một giấc mơ, Đức Trinh Nữ đã bảo ông hãy cứu nơi đó.

Bức icona được cho là đã tạm thời cứu những cư dân đã trú ẩn ở đó trong lễ hội Prokov. Được cất giấu nhiều lần, vào năm 1944, ngay trước khi quân đội Nga đến, bức icona được đưa đến nơi an toàn trước nguy cơ Giáo hội Công giáo Nghi lễ Đông phương bị xoá sổ, và được giấu kín cho đến năm 1991, khi đền thánh được trả lại cho Giáo hội Công giáo.

Lòng sùng kính Đức Mẹ tại Belarus

Ở Zyrovici, Belarus, "Nữ Vương của sắc dân Ruteno" được tôn kính. Đó là một lòng sùng kính bắt đầu vào năm 1470, khi một số người chăn cừu tìm thấy một bức icona Đức Mẹ trên một cây cao. Họ mang bức icona đến cho lãnh chúa địa phương, và ông đã đặt nó vào một chiếc rương. Bức icona biến mất và sau đó xuất hiện lại trên cùng cây cao nơi nó được nhìn thấy lần đầu tiên, như là dấu chỉ rõ rằng bức ảnh sẽ được tôn kính ở đó .

Nhà thờ được xây dựng lại bằng gạch, trong khi một ngôi làng hình thành xung quanh nó. Từ năm 1596, sau sự thống nhất của Brest, đền thánh này trở thành một đan viện dòng thánh Basiliô và ngày càng trở nên quan trọng, và viện phụ đầu tiên là thánh Giosaphat, được coi là vị thánh bảo trợ của người Ucraina.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây