TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sáng kiến cho Hội nghị COP26

Thứ năm - 04/11/2021 06:50 | Tác giả bài viết: |   837
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 đã chính thức khai mạc vào Chúa nhật 31/10/2021 tại Glasgow, Scotland.
Sáng kiến cho Hội nghị COP26

Sáng kiến của các Giáo hội địa phương và các tổ chức Công giáo cho Hội nghị COP26

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 đã chính thức khai mạc vào Chúa nhật 31/10/2021 tại Glasgow, Scotland. Các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hơn 200 quốc gia sẽ diễn ra cho đến ngày 12/11, tập trung vào việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Trong tinh thần đồng hành với Hội nghị này, một số tổ chức Công giáo và Giáo hội địa phương đã có những sáng kiến và đưa ra lời kêu gọi giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chung này.

Giáo hội Đức

Hội nghị Cop26

Hội nghị Cop26

Ngày 25/10, lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Đức trình bày tài liệu liên quan đến hoạt động của các Giáo phận trong việc bảo vệ công trình sáng tạo. Tài liệu có tựa đề “Dấn thân của chúng ta cho tương lai của thụ tạo - Báo cáo về khí hậu và bảo vệ môi trường 2021”.

Nội dung của tài liệu, trước hết nói đến dấn thân của Giáo hội trong các lĩnh vực phụng vụ, rao giảng và giáo dục, quản lý các toà nhà, phương tiện di chuyển và kinh doanh bền vững. Tiếp đến là các hoạt động trong các Giáo phận, các tổ chức Công giáo như Caritas, Hội đồng các bề trên các hội dòng, Uỷ ban Trung ương Công giáo Đức và các cơ quan viện trợ của Giáo hội thế giới. Một trong những mục đích của việc công bố này là để khuyến khích một sự thay đổi sâu sắc hơn về dấn thân cho công trình sáng tạo của các Giáo phận và các tổ chức.

Đức cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức nói về tài liệu: “Với khả năng của mình, Giáo hội muốn đóng góp vào việc chuyển đổi sinh thái-xã hội”.

Nhận xét về việc làm này của Giáo hội Đức, ông Svenja Schulze, Bộ trưởng Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân, nhấn mạnh rằng: “Báo cáo của Hội đồng Giám mục Đức về khí hậu và bảo vệ môi trường là một tín hiệu chính trị xã hội quan trọng. Các Giáo phận, các dòng tu, các hiệp hội và các tổ chức giáo dân là những tác nhân đảm bảo tính bền vững hơn về các ý tưởng bảo vệ khí hậu”.

Giáo hội Pháp

Tổng thống Pháp tại Hội nghị Cop26

Tổng thống Pháp tại Hội nghị Cop26

Trong tinh thần hướng tới Hội nghị COP26, Giáo hội Công giáo Pháp đã cùng với Hội đồng các Giáo hội Kitô tại Pháp quảng bá Ngày Quốc gia ăn chay và cầu nguyện.

Với mối quan tâm sâu sắc cho “tương lai ngôi nhà chung của chúng ta” các Giáo hội viết trong một tuyên bố đại kết hướng đến Hội nghị COP26 rằng: “Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự mỏng manh của nhân loại chúng ta. Và nó cũng chỉ ra rằng điều tệ hại có thể tránh được nếu người ta đưa ra những quyết định mạnh mẽ và nhanh chóng”.

Hội đồng các Giáo hội Kitô đã đề nghị các tín hữu ăn chay cầu nguyện trên toàn quốc vào ngày 31/10 và tại các Giáo phận 06/11.

Các vị lãnh đạo các Giáo hội lưu ý, cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tiếp tục gây ra nhiều cái chết và nhiều người phải di dời. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, vào năm 2050 có khoảng từ 250 đến 500 triệu người phải di dời. Hai cuộc khủng hoảng này có mối liên hệ với nhau và nguyên nhân chính bắt nguồn từ “chủ nghĩa quy nhân lệch lạc”. Hội đồng các Giáo hội Kitô kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới kiên quyết tăng cường các phương tiện hành động để đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris là kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ lên 1,5ºC; ủng hộ việc giảm phát thải hơn là các cơ chế bồi thường có thể và các giải pháp địa kỹ thuật “có những vấn đề về đạo đức”; “không hỗ trợ hoặc trợ cấp cho bất kỳ dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch mới nào” và “thực hiện khoản đóng góp tối thiểu 100 tỷ đô la của các nước phát triển cho cơ chế Quỹ Khí hậu Xanh, nhằm cho phép giảm thiểu, cũng như khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu tại những quốc gia dễ bị tổn thương nhất”.

Giáo hội Scotland

Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Glasgow,

Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Glasgow,

Tại Tổng Giáo phận Glasgow của Giáo hội Scotland trước và trong lúc diễn ra Hội nghị, Giáo phận đã có những hoạt động hướng đến sự kiện quan trọng này như các buổi cầu nguyện, các buổi gặp gỡ chuyên đề nhằm khuyến khích các nhà lãnh đạo đưa các quyết định can đảm.

Vào thứ Bảy, 06/11, sẽ có một cuộc tuần hành toàn cầu cho công bằng khí hậu. Tại Glasgow, một cuộc tuần hành sẽ bắt đầu tại công viên Kelvingrove lúc 11 giờ 30 và kết thúc tại Glasgow Green để nhóm họp lúc 3 giờ chiều.

Các Giám mục Công giáo Scotland mời các đại biểu chính thức, du khách đến Glasgow và các tín hữu Scotland đến tham dự Thánh lễ tại nhà thờ thánh Luy Gonzaga vào lúc 13 giờ Chúa nhật 07/11.

Cộng đoàn Taizé Pháp đã được Ủy ban Điều phối COP26 của các Giáo hội Glasgow mời tham gia tổ chức các buổi cầu nguyện. Các sư huynh cùng với các bạn trẻ địa phương hướng dẫn cầu nguyện từ ngày 8 đến 12/11 vào mỗi buổi trưa ở trường Đại học và mỗi buổi tối ở các khu vực của thành phố. Ngày 11/11, buổi cầu nguyện canh thức sẽ được tổ chức tại nhà thờ thánh Luy Gonzaga. Cộng đoàn Taizé mời gọi: “Chúng tôi mời các bạn đồng hành cùng COP26 bằng một cuộc hành hương cầu nguyện trong thời gian trước và trong khi nhóm họp”.

Ngoài ra, Giáo hội Công giáo cùng với các Giáo hội Kitô khác thiết lập một trung tâm thông tin và đón tiếp ở trung tâm Glasgow, mở cửa trong suốt thời gian diễn ra COP26 nhằm cung cấp thông tin hữu ích về các sự kiện và hoạt động dựa trên đức tin. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động khác như: Thánh lễ dành riêng về chủ đề khí hậu, triển lãm, biểu diễn văn hóa, hội thảo và hội nghị với hơn 100 nhà triển lãm, 200 sự kiện và 11 nhà tài trợ “để lắng nghe, học hỏi và cử hành hành động vì khí hậu”.

Caritas Quốc tế

Hoạt động của Caritas

Hoạt động của Caritas

Về các tổ chức Công giáo. Trước hết, có tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo, Caritas Quốc tế. Tại Hội nghị COP26, một số thành viên trong số 162 thành viên của Liên minh tham gia.

Từ lâu Caritas luôn đi đầu trong các hoạt động ứng phó với hậu quả nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến nhiều cộng đoàn. Vì thế, phù hợp với thông điệp Laudato si’, Caritas Quốc tế lặp lại lời kêu gọi ủng hộ công bằng khí hậu và chính sách bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt những người di cư.

Ông Aloysius John, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế lưu ý: “Các trận bão tàn phá, nước và đất bị nhiễm mặn do mực nước biển dâng cao và lũ lụt nghiêm trọng tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng. Các cộng đồng này mặc dù không phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu những hậu quả: mất nhà cửa, phương tiện mưu sinh, môi trường sống và cơ sở hạ tầng. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt buộc nhiều người phải di cư, làm cho họ bị mất bản sắc văn hoá và xã hội”.

Ông Aloysius John nói thêm rằng, cho tới nay không có quy chế tị nạn nào nhằm bảo vệ những người phải di cư vì khủng hoảng khí hậu. Vì thế các quốc gia phải hành động trước khi quá muộn. Cụ thể cần phải có quỹ về khí hậu để tiếp cận các cộng đồng địa phương nhằm tạo điều kiện cho họ thích nghi và cung cấp cho họ khả năng kiểm soát tốt các ưu tiên và nhu cầu trước mắt. Điều quan trọng trong Hội nghị này, là các quốc gia thành viên trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận các nghĩa vụ đạo đức luân lý và pháp lý của họ đối với các cộng đồng và thế hệ tương lai bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Caritas Quốc tế kêu gọi các quốc gia giàu bảo vệ vô điều kiện các nhóm dân nghèo và các quốc gia đang phát triển, những người dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu nhưng lại không phải là người gây là khủng hoảng này.

Liên minh mạng lưới các Giáo hội vì Hệ sinh thái Toàn diện

Sinh thái học toàn diện

Sinh thái học toàn diện

Một tổ chức Giáo hội khác cũng tham gia thúc đẩy các lãnh đạo thế giới cam kết bảo vệ trái đất là Liên minh mạng lưới các Giáo hội vì Hệ sinh thái Toàn diện, một tập hợp các tổ chức Giáo hội năm châu tham gia bảo vệ và thúc đẩy các hệ sinh thái, và được sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Laudato si’ và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.

Trong một tuyên bố có tựa đề “Chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng hành tinh gìn giữ mọi sự sống trên trái đất”, các thành viên của Liên minh kêu gọi các lãnh đạo thế giới “thức tỉnh và đối phó với thách đố này với tinh thần canh tân, không luôn áp dụng các biện pháp thông thường, bởi vì tuyên bố và hứa hẹn những mục tiêu, như không phát thải chỉ bằng cách dựa trên những điều chỉnh theo công nghệ, là chưa đủ. Tốt hơn, để đạt được mục tiêu rõ ràng và chính xác cho năm 2030 cần phải có một sự thay đổi kiểu mẫu, và điều này có nghĩa là thay đổi con tim và não trạng, chính sách và thực hành hướng tới một tư duy thay đổi hệ thống.

Phong trào Laudato si’

Phong trào Laudato si'

Phong trào Laudato si'

Phong trào Laudato si’, với sự tham gia của hơn 800 tổ chức và hàng ngàn linh hoạt viên của Laudato si’ trên khắp thế giới, hoạt động lấy cảm hứng từ thông điệp của Đức Thánh Cha.

Tại Hội nghị COP26, ông Tomas Insua, Giám đốc điều hành của Phong trào Laudato si’ yêu cầu các chính phủ đưa ra các cam kết nhiều tham vọng hơn. Cụ thể là phải ngưng phát thải nhiên liệu hoá thạch, và trong lĩnh vực này các nước phát triển phải có trách nhiệm lớn hơn các nước nghèo. Ông Tomas Insua khẳng định “Đây là vấn đề công bằng, không phải là bác ái”.

Giám đốc điều hành còn đưa ra một yêu cầu quan trọng khác, đó là các nước giàu phải giữ lời hứa trong các cam kết tài chính được đưa ra trong năm 2009, là chuyển 100 tỷ đô la cho các nước nghèo để giúp thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái. Thực tế, điều này vẫn chưa được thực hiện, vẫn còn rất xa so với lời hứa.

Ông Tomas Insua nói thêm rằng: “Về vấn đề này, thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti của Đức Thánh Cha và học thuyết xã hội của Giáo hội là một la bàn giúp hiểu những gì phải thực hiện. Chúng ta phải chọn ưu tiên cho người nghèo, bởi vì một trong những vấn đề lớn là các nước giàu không sửa chữa những bất công trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục đối xử như thế với các nước nghèo. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói ‘các nước giàu có một món nợ sinh thái với các nước nghèo’, đây là một ví dụ về một nguyên tắc rất đơn giản nhưng lại bị các vị lãnh đạo lãng quên. Chúng ta phải nhớ rằng Hội nghị này là COP26, nghĩa là trước đây đã có 25 Hội nghị như thế và chúng ta vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng này”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây