TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những giếng nước nghĩa tình ở Tây nguyên

Thứ sáu - 09/07/2021 20:52 | Tác giả bài viết: Sr. Minh Du O.P. |   1033
Mùa hè sông suối cạn khô, lại ô nhiễm, người dân tộc ở Tây nguyên phải cuốc bộ vài cây số để lấy nước.
Những giếng nước nghĩa tình ở Tây nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em dân tộc ở Tây nguyên

Mùa hè sông suối cạn khô, lại ô nhiễm, người dân tộc ở Tây nguyên phải cuốc bộ vài cây số để lấy nước. Mùa mưa nước nhiều, nhưng đến nhà thờ, quần áo lấm lem vì "vồ ếch", lại không có nước rửa mặt mũi chân tay để tham dự Thánh lễ cho đàng hoàng một tí. Nhờ tình liên đới chia sẻ của những tấm lòng đầy nghĩa tình, qua các nữ tu, những giếng nước được khoan và mang nước đến cho người dân tộc. Những giọt nước tinh khiết nhưng đậm nghĩa tình!

Nước là nguồn sống, nơi nào có nước nơi ấy có sự sống. Nước ở đồng bằng thì dễ, nhưng nước trên đại ngàn Tây Nguyên là một bài toán khó cho anh chị em tu sĩ Loan báo Tin mừng tại đó.

Người dân thường hay ra suối tắm giặt và lấy nước về uống; mùa mưa nước đổ xuống đục ngầu; mùa nắng cạn khô hoặc chỉ còn cạn và cấn… Có những vùng có nước giọt, tức là nước trên núi chảy xuống, dân bản xứ lấy những cây tre chẻ làm đôi và đóng nào núi, tạo ra những dòng nước cho dễ lấy… nhưng mùa khô thì nước hiếm.

Mà nước bây giờ cũng ô nhiễm lắm rồi, người Kinh làm rẫy bón phân. Người ta chăn bò và phân bò cứ chỗ trũng mà chảy, dân cứ chỗ có nước đến lấy…

Hình ảnh mùa khô, các bà các chị bế theo những đứa con, lưng gùi những bình nhựa ra suối, những đứa con lớn lon ton chạy theo váy mẹ. Ra suối họ tắm giặt và gùi nước về làng. Quãng đường dài, gần thì hai cây số, xa thì ba bốn cây. Lưng gùi những bình nước đã đầy, tay ôm con, miệng nhắc nhở những đứa chạy lon ton theo kịp mẹ; thi thoảng mấy chú chó cũng quấn quýt theo chủ ra suối.

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Giếng nước là cái gì đó rất xa xỉ và xa lạ với anh chị em J’rai, Bana… Xa lạ vì văn hoá của họ là cùng nhau tắm giặt gặp gỡ bên suối hay bên những giọt nước từ trên núi xuống. Nước nhìn thấy chứ không tưởng tượng nổi một cái lỗ bé tí có thể mang nước về cho cả làng. Xa xỉ vì anh chị em đong gạo hàng ngày, hôm nay ăn hết gạo, ngày mai không biết có tiền mua gạo hay không, nên mỗi cái giếng khoan cộng với tất cả những gì đi theo nó tổng cộng ít nhất cũng năm mươi triệu đồng là điều họ không bao giờ dám nghĩ tới.

Rồi nắng hạn và nước cạn dần, khó lòng tìm được các con suối và giọt nước. Thi thoảng ở những ngôi nhà người Kinh có giếng, anh chị em đến đó xin, nhưng mùa nắng người đến xin đông quá, họ không chịu xiết tiền điện nên cho hạn chế.

Các nữ tu mới “đánh liều xin trợ giúp giếng khoan”. Một cái giếng có thể cho cả làng sử dụng, hoặc làng nào địa lý quá rộng thì hai đầu làng hai cái… Cứ cần mẫn như chú ong, các nữ tu dòng Đa Minh Rosa Lima đã làm được mười tám cái giếng. Mười sáu cái trên Tây Nguyên cho mười sáu làng và hai cái trên vùng anh em dân tộc ở Đà Lạt cho hai làng.

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Ngày bắt đầu khoan giếng, bà con trong làng tụ tập chung quanh già làng và cùng nhau cầu nguyện, xin cho việc khoan giếng được mọi việc suôn sẻ. Bởi vì mỗi vùng địa chất khác nhau nên các nữ tu đứng ra lo việc khoan giếng cũng lo lắm. Có những cái giếng chỉ 50m đã có nước nhưng có vùng phải khoan tới 80 hay 90 hay 100m. Chỗ nào cũng có đá, mũi khoan mang lên những viên đá tròn đường kính 20cm và dài nhất là 2m.

Sau khi có nước, các nữ tu sẽ gọi lũ trẻ trong làng cho nếm thử những giọt nước đầu tiên ấy. Thường thì chúng là những đức trẻ lẫm chẫm chẳng mặc gì vì trời nóng…; đứa lớn hơn may ra có cái quần xà-lỏn… Chúng reo hò tắm mát dưới vòi nước; chúng tròn xoe mắt khi thấy điều diệu kỳ từ cái vòi đen đen. Làm sao cái ống này lại cho nhiều nước đến thế, nước trắng toát, tuôn xối xả… và chúng thích chí reo hò gọi tên những đứa bạn gần đấy chưa kịp chạy tới…

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Các sơ sẽ mua xi măng về láng một khoảng đủ rộng để dân làng đến tắm giặt. Mua thêm một cái bồn và hàn cái chân để cho bồn lên cao, mua mô-tơ để lấy nước lên bồn… Các bà các chị đến chỉ việc mở vòi nước từ bồn là đã có nước xài, những dòng nước tinh khiết lấy lên từ lòng đất mẹ, trong lành mát rượi.

Mười bảy cái giếng đều như thế… Thi thoảng có cái kịch tính là đá nhiều quá, gãy mũi khoan…, phải mua thêm nhiều mũi khác… Nhưng đến giếng thứ mười tám là hú hồn. Cái giếng này được khoan trong khuôn viên của một nhà nguyện cho bảy làng anh chị em dân tộc J’rai sử dụng. Họ rất cần nước, nhưng nhà nguyện không có nước.

Mỗi Chúa Nhật gia đình bồng bế nhau đi lễ. Họ đi bộ nếu nhà cách xa khoảng 4 cây số đổ lại. Đối với những gia đình ở xa, họ sẽ chở nhau bằng xe máy. Ngôi làng ở xa nhất là 20 cây số đường rừng, ngoằn nghèo, ổ gà ổ voi, với đất đỏ ba-zan, mùa nắng bụi bám đỏ người, mùa mưa sình lầy nhem nhuốc. Họ đã không ít lần “chụp ếch” trên hành trình về nhà nguyện. Phải rửa mặt mũi tay chân sạch sẽ trước khi vào Thánh lễ… Không có nước rửa, các sơ phải đi mướn xe càng chở nước về…; mấy năm nay đều là như thế. Tiền mướn xe không nhiều, vì chủ xe chỉ lấy tiền dầu, nhưng vùng đất nghèo ấy kiếm được tiền mua một ký gạo đã khó, các sơ cũng chẳng hơn gì họ… Thôi thúc trước nỗi khổ của bà con bảy làng với mấy trăm con người lấm lem mỗi sáng Chúa nhật, các sơ muốn xin khoan một cái giếng.

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Thấu hiểu nỗi khổ của anh chị em vùng cao, bác sĩ Christine Hoàng tặng cho bà con giếng nước này.

Vùng đất này rất ít nước, đá nhiều và phải khoan từ 120m mới mong có nước. Có nhiều nhà khoan sâu như thế mà phải bỏ đi vì mạch nước rất yếu! Bỏ giếng mà vẫn phải trả tiền khoan…, vậy mới hồi hộp!

Giếng số 18 này đã phải khoan lần thứ ba mới được. Cái thứ nhất 30m, cát chung quanh xô lại làm bể ống; rút mũi khoan lên bỏ đi. Giếng thứ hai sâu 120m, mạch nước yếu, không đủ cho bảy làng xài vì chỉ dùng mô-tơ một ngựa. Cái thứ ba sâu 150m và tạ ơn Chúa nguồn nước dồi dào. Và kinh phí gấp đôi 17 cái giếng trước đây.

Nhìn lũ trẻ đón những dòng nước đầu tiên từ giếng lên mà thấy ấm lòng bởi tiếng cười giòn giã tinh khôi của chúng.

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Tạ ơn Chúa vì mong ước của bà con bao nhiêu năm nay bây giờ đã thành hiện thực, vui lắm!!!!

Chị Christine Hoàng “mở hàng” bảo trợ cái giếng đầu tiên trong chương trình và cũng là người ngỏ lời với bạn hữu thêm 5 cái giếng khác trong chương trình khoan giếng cho anh chị em vùng Tây Nguyên. Bây giờ là giếng thứ 18 bác sĩ gửi tặng $3,300 Mỹ kim. Xin cám ơn bác sĩ vì không chỉ đóng góp công sức mang lại dòng nước ngọt cho anh chị em mà còn luôn giữ giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót lúc 3g chiều cho từng cái giếng khoan và trong cơn đại dịch này, mặc dù chị mới phẫu thuật mắt xong.

Xin Thiên Chúa gia ân trên tất cả những anh chị em rộng lòng với đồng bào với mười tám cái giếng khoan và những chương trình chia sẻ khác nữa.

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Những giếng nước nghĩa tình cho anh chị em người dân tộc ở Tây Nguyên

Chúng tôi, những nữ tu ở hai đầu trao và nhận, cảm nhận được niềm vui sẻ chia, niềm vui nhận lãnh và đoan chắc rằng: Thiên Chúa sẽ gửi thiên thần của Người đến chia sẻ những nhu cầu mà con cái của Người đang cần. Ước chi mỗi người chúng ta là thiên thần của nhau.

Sr. Minh Du O.P. - CTV Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây