TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sýp và Hy Lạp trước ngày tông du của ĐTC

Thứ ba - 30/11/2021 18:36 | Tác giả bài viết: |   1223
Từ ngày 2/12 Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu chuyến tông du thứ 35 tại nước ngoài
Sýp và Hy Lạp trước ngày tông du của ĐTC

Giáo hội Công giáo tại Sýp và Hy Lạp trước chuyến viếng thăm của ĐTC

Từ ngày 2/12 Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu chuyến tông du thứ 35 tại nước ngoài, với cuộc viếng thăm thủ đô Nicosia của Cộng hoà Sýp hai ngày, từ ngày 2-4/12/2021, và thăm thủ đô Athens và đảo Lesbos của Hy Lạp, từ ngày 4-6/12/2021. Hai nước này có mối quan hệ lịch sử, văn hóa và tôn giáo chặt chẽ từ thời cổ đại. Bên cạnh sắc tộc, họ có chung di sản, ngôn ngữ và tôn giáo, mặc dù qua nhiều thế kỷ, Sýp gần với Trung Đông hơn do vị trí địa lý và sự hiện diện đáng kể của các nhóm thiểu số từ khu vực này.

Kitô giáo ở Sýp và Hy Lạp bắt nguồn từ thời các thánh Tông đồ, cụ thể là với thánh Phaolô, người đã giảng đạo ở Hy Lạp, nhưng cũng loan báo Tin Mừng ở Sýp cùng với thánh Barnaba, người được coi là vị sáng lập Giáo hội Sýp. Hơn nữa, cả hai quốc gia đều theo truyền thống Chính Thống giáo, với Chính Thống giáo chiếm đa số.

Công giáo tại Cộng hoà Sýp

Tại Cộng hoà Sýp, quốc gia có diện tích 9.251 km2, tín hữu Công giáo chiếm 4,75% trong 850.000 dân, tương đương với 38.000, và phần lớn thuộc nghi lễ Latinh. Phần lớn trong số họ là hậu duệ của các nhà Thập tự chinh, những người đã định cư ở đó từ thế kỷ XII, sau cuộc Thập tự chinh lần thứ ba (1191) và sự sụp đổ của Giêrusalem (1187).

Cộng đoàn Công giáo Latinh tại Sýp

 Các tín hữu Công giáo Latinh phát triển mạnh cho đến khi đảo Sýp bị Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục vào năm 1570-1573, khi hàng ngàn người bị giết, các nhà thờ bị biến thành đền thờ Hồi giáo, và Giáo hội Công giáo Latinh bị giải thể. Tuy nhiên, họ sống sót qua sự cai trị của đế chế Ottoman một phần lớn là nhờ Dòng Phanxicô, đã có mặt trên đảo từ khi thành lập vào thế kỷ XIII và vẫn đóng vai trò trung tâm trong Giáo hội địa phương ngày nay.

Chính sách khoan dung dưới sự cai trị sau đó của người Anh (1878-1960) đã củng cố cộng đồng Công giáo Latinh, cho phép họ hội nhập hoàn toàn vào xã hội Sýp. Quá trình giải phóng đã tiến triển hơn nữa kể từ khi đảo này độc lập vào năm 1960, khi Hiến pháp mới chính thức nhìn nhận Giáo hội Công giáo và ở cấp độ chính trị, dành một ghế trong Quốc hội cho mỗi cộng đồng trong ba cộng đồng Công giáo hiện diện trên đảo.

Dù cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974 khiến nhiều gia đình Công giáo phải rời bỏ miền Bắc, cộng đồng Công giáo Latinh ở Sýp vẫn tiếp tục phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Cộng đồng Công giáo Latinh cũng rất tích cực trong lĩnh vực xã hội, thông qua các tổ chức từ thiện giúp đỡ những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, người tị nạn và người lao động nước ngoài.

Giáo hội Công giáo Latinh ở Sýp thuộc Quyền tài phán của Tòa Thượng phụ Latinh của Giêrusalem và được giao cho một Đại diện của Tòa Thượng phụ Latinh, hiện nay là cha Jerzy Kraj, dòng Phanxicô. Tòa Thượng Phụ phụ trách giáo xứ thánh Phaolô ở Paphos, trong khi ba giáo xứ còn lại do dòng Phanxicô quản lý.

Cộng đoàn Công giáo Maronite tại Sýp

Cộng đồng Công giáo lớn thứ hai ở Sýp là cộng đồng Công giáo nghi lễ Maronite (đọc: Ma-rô-nít), hiện chiếm 1,5% dân số. Họ đến đảo Sýp trong nhiều đợt, bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII và những đợt mới vào cuối thế kỷ XIII, và vào thời đó, họ trở thành cộng đồng Kitô giáo phương Đông lớn nhất sau cộng đồng Hy Lạp. Các con số đã giảm đáng kể sau khi đế quốc Ottoman thống trị đảo Sýp vào thế kỷ XVI và các cuộc đàn áp sau đó. Họ bắt đầu phát triển trở lại dưới sự cai trị của Anh và sau khi độc lập, với nhiều người Libăng đến sau cuộc chiến ở Libăng vào năm 1975.

Tuy nhiên, sau khi đảo Sýp bị phân chia vào năm 1974, số tín hữu Maronite đã giảm đáng kể ở miền Bắc. Nhìn chung, tín hữu Công giáo nghi lễ Maronite lên tới khoảng 13.000 người vào năm 2019. Họ tập trung phần lớn ở Nicosia và thuộc quyền của Tổng giáo phận đảo Sýp, hiện do Đức Tổng giám mục Selim Jean Sfeir cai quản.

Về đặc điểm văn hóa, tín hữu Công giáo Maronite của Sýp chủ yếu là người nói tiếng Hy Lạp bản địa. Tuy nhiên, hiện tại, họ cũng nói các ngôn ngữ khác, như trong suốt lịch sử của họ, bao gồm tiếng Syriac, tiếng Ả Rập, tiếng Pháp và tiếng Ý.

Cộng đồng Công giáo Armeni tại Sýp

Cộng đồng Công giáo nhỏ nhất ở đảo Sýp là cộng đồng Công giáo Armeni. Họ hiện diện tại đây từ thế kỷ VI khi các tù nhân Armeni được chuyển đến đảo. Sau đó, nhiều Kitô hữu Armeni, chủ yếu thuộc Giáo hội Chính Thống tông truyền Armeni, đến đảo Sýp, đặc biệt vào thế kỷ XIII.

Tín hữu Công giáo Armeni cũng được hưởng lợi dưới sự thống trị của Anh. Nhiều người Armeni đến Sýp trong các cuộc thảm sát của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến thứ nhất, sự phân chia của Palestine vào năm 1948, và cuộc chiến ở Libăng (1975-1990). Ngày nay có khoảng 3.000-4.000 tín hữu Công giáo Armeni sống ở Sýp, phần lớn ở thủ đô Nicosia.

Tương quan với các Giáo hội Kitô khác

Các Giáo hội Kitô lớn ở Sýp, bao gồm cả Tin lành và Anh giáo, hợp tác chặt chẽ với nhau và có mối quan hệ đại kết tốt đẹp. Trong 15 năm qua, Tòa Thánh và phần lớn Giáo hội Chính Thống đã củng cố mối quan hệ huynh đệ, được sự hỗ trợ tích cực của Giáo chủ Chrysostomos II, Tổng giám mục của New Giustiniana và Toàn đảo Sýp.

Vào ngày 16/6/2007, Giáo chủ Chính Thống giáo đã ký Tuyên bố chung với Đức Biển Đức XVI nhân chuyến thăm Vatican. Sau đó, Đức Biển Đức XVI đã gặp Đức Tổng Giám mục Chrysostomos II trong hai lần nữa: vào ngày 5/6/2010, trong chuyến viếng thăm đảo Sýp, khi ngài trao cho Giáo chủ Chính Thống giáo một bản tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Đặc biệt về Trung Đông, được tổ chức vào tháng 10 năm đó; và lần thứ hai vào ngày 28/3/2011, tại Vatican.

Công giáo tại Hy Lạp

Tại Hy Lạp, quốc gia có diện tích 131.957 km2, Giáo hội Chính Thống đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nước này. Các hiến pháp của Hy Lạp qua các thời kỳ và cả hiến pháp dân chủ mới năm 1974 đã khẳng định sự trỗi vượt của Chính Thống giáo. Hiến pháp năm 1974 xác định Chính Thống là tôn giáo “thịnh hành” trong nước, mặc dù nó công nhận quyền tự do tôn giáo cho tất cả các tín ngưỡng. Ngày nay, 90% người Hy Lạp vẫn xác định là Chính thống giáo Hy Lạp, mặc dù không phải tất cả đều là tín hữu thực hành.

Các tôn giáo thiểu số bao gồm Công giáo, Tin lành, Anh giáo, cũng như Hồi giáo (1%) tập trung ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và một cộng đồng nhỏ Do Thái.

Đa số là người nhập cư

Theo số liệu mới nhất của Vatican, người Công giáo, chủ yếu theo nghi lễ Latinh, chiếm 1,2% dân số (tức là 133.000 trong số khoảng 11 triệu dân), hầu hết không phải là người Hy Lạp. Tuy nhiên, số liệu địa phương cho thấy con số cao hơn, bao gồm vài ngàn lao động nhập cư có giấy phép cư trú tạm thời, người tị nạn và xin tị nạn. Năm 2018, Giáo hội Công giáo Hy Lạp ước tính có tới 400.000 người Công giáo sinh sống tại nước này.

Các nhóm người nước ngoài đông nhất là công dân Ba Lan (40.000) và Philippines (45.000). Ngoài ra, số người Công giáo từ Trung Đông đã tăng lên đáng kể do chiến tranh, cụ thể là từ Iraq và Syria. Các nhóm sắc tộc khác bao gồm người Albania, Bulgaria, Ucraina và Armenia. Hơn nữa, việc nhập cư đã gia tăng số tín hữu Công giáo theo nghi lễ Đông phương.

Các cộng đồng Công giáo quan trọng nằm ở Quần đảo Cyclades (đặc biệt là ở Syros và Tinos) và cả ở Corfu, Patras, Giannitsa, Thessalonica, Kavala, Volos và ở một số thành phố khác trong đất liền của Hy Lạp.

Tích cực trong hoạt động mục vụ và xã hội

Giáo hội địa phương tích cực trong hoạt động mục vụ và xã hội. Tuy nhiên, do cộng đồng Công giáo rải rác ở nhiều nơi và thành phần không đồng nhất của nó, trong bối cảnh các ơn gọi địa phương ngày càng giảm, đã làm cho công việc này trở nên khó khăn hơn.

Việc di dân chắc chắn đã làm phong phú thêm cho Giáo hội địa phương, nhưng cũng đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính tăng lên để đáp ứng nhu cầu mục vụ và xã hội ngày càng tăng, cũng như để hòa nhập những người mới đến trong các cộng đồng giáo xứ địa phương.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra từ năm 2009 đã khiến những khó khăn này càng thêm trầm trọng. Việc châu Âu thắt chặt tài chính đối với Hy Lạp cũng đã gây căng thẳng cho tài chính của các giáo phận, giáo xứ và tổ chức từ thiện Công giáo tham gia vào việc hỗ trợ các gia đình Hy Lạp nghèo khó, cũng như hàng ngàn người nhập cư và tị nạn chạy trốn chiến tranh và đói nghèo.

Với việc chi phí gia tăng và số tiền dâng cúng vào Chúa Nhật giảm, Giáo hội Công giáo đang phải trả thuế cao hơn đáng kể so với trước đây.

Các giám mục Công giáo Hy Lạp đã nhiều lần kêu gọi chú ý đến những khó khăn này; các ngài cũng chỉ trích các chính sách thắt lưng buộc bụng do châu Âu áp đặt đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói trên khắp đất nước, như mạng lưới Caritas địa phương xác nhận.

Thật vậy, Caritas Hy Lạp phối hợp với Caritas Quốc tế và các tổ chức từ thiện Công giáo khác đã đi đầu trong việc ứng phó với khủng hoảng và hỗ trợ các nhu cầu của người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người di cư ở quần đảo Aegean và ở lục địa Hy Lạp. Công việc này đã được tiếp tục trong đại dịch Covid-19.

Quan hệ đại kết Công giáo và Chính Thống Hy Lạp

Mối quan hệ đại kết giữa Công giáo và Giáo hội Chính Thống giáo chiếm đa số ở Hy Lạp đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây. Một bước tiến quan trọng là Cuộc Hành hương Năm Thánh của thánh Gioan Phaolô II theo dấu chân của thánh Phaolô Tông đồ, vào năm 2001. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tại đất nước này. Điểm nổi bật của sự kiện lịch sử đó là việc thánh Giáo hoàng xin tha thứ cho việc cướp phá Constantinople vào năm 1204 bởi cuộc Thập tự chinh và việc ký kết Tuyên bố chung về nguồn gốc Kitô giáo ở châu Âu với Giáo chủ Chính thống Hy Lạp Christòdoulos, vào ngày 4/5/2001.

Kể từ đó, Tòa thánh và Giáo hội Chính Thống tự trị của Hy Lạp đã tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực mục vụ và trong các vấn đề thực tế chung, đặc biệt là trong bối cảnh của Liên minh châu Âu. Điều này càng được chứng thực bằng Tuyên bố chung được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo chủ Chính Thống giáo Hy Lạp Hieronymos II và Thượng phụ Bartolomeo I của Constantinople, trong chuyến thăm trại tị nạn Moria, trên đảo Lesvos của Hy Lạp, vào ngày 16/4/2016.

Trong Tuyên bố đó, ba nhà lãnh đạo của Giáo hội đã cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế “sử dụng mọi cách để đảm bảo rằng các cá nhân và cộng đồng, bao gồm cả Kitô hữu, vẫn ở lại quê hương của họ và hưởng quyền cơ bản được sống trong hòa bình và an ninh”, đồng thời dấn thân “kiên định và hết lòng” để tăng cường nỗ lực của họ “để thúc đẩy sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả các Kitô hữu”.

Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã nhắc lại hy vọng của Tòa thánh về sự cộng tác nhiều hơn nữa giữa hai Giáo hội, đặc biệt trong việc phục vụ bác ái và trong việc quảng bá các giá trị Kitô giáo trong xã hội Hy Lạp, nhân dịp ngài thăm đất nước này vào tháng 11/2019.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây