TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2/2022

Thứ tư - 23/02/2022 17:53 | Tác giả bài viết: |   1206
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2 Đức Thánh Cha đã trình bày loạt bài giáo lý mới về chủ đề “Tuổi già”: Ý nghĩa và giá trị của tuổi già, được nhìn dưới ánh sáng Lời Chúa.
Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2/2022

ĐTC Phanxicô: Phải tìm lại sự liên kết, liên minh giữa người già và người trẻ

Bắt đầu một loạt suy tư mới về ý nghĩa và giá trị của tuổi già, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2/2022, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết của một liên minh giữa các thế hệ, dưới ánh sáng Lời Chúa.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 23/2 Đức Thánh Cha đã trình bày loạt bài giáo lý mới về chủ đề “Tuổi già”: Ý nghĩa và giá trị của tuổi già, được nhìn dưới ánh sáng Lời Chúa.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng tuổi thọ gia tăng dẫn đến việc gia tăng số người cao tuổi trong thời đại chúng ta, và do đó cần phải suy tư lại về mối quan hệ giữa các thế hệ. Xã hội của chúng ta, với khuynh hướng vứt bỏ những gì bị cho là không hữu ích, thường đề cao sự trẻ trung và thậm chí coi người già như một gánh nặng không được mong muốn. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét và đánh giá cao thành quả tinh thần mà khoảng thời gian sống này có thể mang lại cho chính người cao tuổi, cũng như những món quà mà họ có thể cống hiến cho cộng đồng mà họ là một phần không thể thiếu.

Theo nghĩa này, chúng ta cần khám phá lại “giao ước” gắn kết các thế hệ trong việc hướng tới tương lai của gia đình nhân loại chúng ta. Trong những ngày đại dịch này, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm quan trọng của việc cung cấp cho những người trẻ của chúng ta sự hướng dẫn khôn ngoan, hy vọng và nhiệt huyết khi họ nhìn về tương lai.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu và đánh giá cao sự đóng góp to lớn mà người cao tuổi có thể tạo ra cho một xã hội công bằng và huynh đệ.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Chúng ta đã kết thúc các bài giáo lý về thánh Giuse. Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý tìm sự soi sáng của Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già. Từ một vài thập kỷ, giai đoạn này của cuộc sống nói đến một “lớp người mới” thực sự - những người cao tuổi. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người chúng ta người già lại đông như vậy. Nguy cơ bị loại bỏ thậm chí còn thường xuyên hơn: người cao tuổi thường bị xem là “gánh nặng”. Trong giai đoạn đầu bi thương của đại dịch, chính họ là những người phải trả giá đắt nhất. Họ vốn đã là nhóm yếu nhất và bị lãng quên nhất: chúng ta đã không gặp họ nhiều khi họ còn sống, chúng ta thậm chí không nhìn thấy họ khi họ chết. Ngoài ra, tôi đã thấy bản Hiến chương về quyền của người cao tuổi và các bổn phận của cộng đồng: bản này đã được các chính phủ viết, không phải do Giáo hội. Thật tốt, thật thú vị để biết rằng người cao tuổi có quyền. Thật tốt khi đọc nó.

Cùng với vấn đề di cư, tuổi già là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà gia đình nhân loại được mời gọi đương đầu lúc này. Nó không chỉ là một câu hỏi về sự thay đổi số lượng; nó là sự thống nhất giữa các lứa tuổi của cuộc sống đang bị đe dọa: đó là điểm quy chiếu thực sự để hiểu và đánh giá toàn bộ sự sống của con người. Chúng ta tự hỏi: liệu có tình bạn, có sự hợp tác giữa các giai đoạn khác nhau của cuộc sống không, hay sự chia cách và vứt bỏ vẫn chiếm ưu thế?

Tất cả chúng ta đang sống trong một hiện tại mà trẻ em, người trẻ, người lớn và người già cùng chung sống. Nhưng tỷ lệ đã thay đổi: người sống thọ đã trở thành đa số và ở nhiều nơi trên thế giới, tỷ lệ trẻ em rất thấp. Chúng ta đã nói về vấn đề mùa đông dân số. Sự mất cân bằng kéo theo nhiều hệ quả. Nền văn hóa thống trị có hình mẫu duy nhất là người trẻ trưởng thành, tức là một cá nhân tự lập và luôn luôn trẻ trung. Nhưng liệu có đúng là tuổi trẻ chứa đựng trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống, trong khi tuổi già chỉ đơn giản là biểu hiện cho sự trống trải và mất mát? Việc tôn vinh tuổi trẻ như là lứa tuổi duy nhất xứng đáng là hiện thân của lý tưởng con người, cùng với sự coi thường tuổi già như là sự yếu đuối, suy tàn, khuyết tật, đã là hình ảnh chủ đạo của chủ nghĩa độc tài thế kỷ XX. Chúng ta đã quên điều đó rồi sao?

Tuổi thọ gia tăng có tác động đến lịch sử của các cá nhân, các gia đình và xã hội. Nhưng chúng ta phải tự hỏi: phẩm chất tâm linh và ý thức cộng đồng của nó có phù hợp với thực tế này không? Phải chăng người già cần phải xin lỗi vì việc họ cố sống bất chấp người khác? Hay họ có thể được vinh danh vì những quà tặng mang lại cho ý nghĩa sống của mọi người? Trên thực tế, trong việc thể hiện ý nghĩa của cuộc sống - và chính xác là trong cái gọi là các nền văn hóa ‘phát triển’ - tuổi già ít có tác động. Tại sao? Bởi vì họ bị xem là lứa tuổi không có điều gì đặc biệt để trao tặng, cũng không có ý nghĩa để sống. Thêm vào đó, thiếu sự khuyến khích để mọi người tìm kiếm họ, và thiếu sự giáo dục để cộng đồng nhận ra họ. Nói tóm lại, đối với một lứa tuổi mà hiện nay là một phần quyết định của không gian cộng đồng và chiếm đến một phần ba thời gian của toàn bộ cuộc đời, đôi khi có những kế hoạch chăm sóc, nhưng lại không có những dự án sống để giúp họ sống tràn đầy. Và đây là một sự thiếu vắng những suy nghĩ, trí tưởng tượng và sự sáng tạo.

Tuổi trẻ thì tươi đẹp, nhưng sự tươi trẻ mãi mãi là một ảo tưởng rất nguy hiểm. Là những người già thì cũng quan trọng - và xinh đẹp - như là những người trẻ. Chúng ta hãy nhớ điều này. Sự liên minh giữa các thế hệ, điều trả lại cho con người mọi giai đoạn tuổi tác của cuộc sống, là món quà đã mất của chúng ta. Nó phải được tìm lại.

Lời Chúa nói nhiều về giao ước này. Chúng ta vừa nghe lời của ngôn sứ của Giô-en: “Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3,1). Nó có thể được hiểu như sau: khi người già chống lại Thần Khí, chôn vùi ước mơ trong quá khứ thì người trẻ không còn thấy được những việc phải làm để mở ra tương lai. Ngược lại, khi người già truyền đạt ước mơ của họ, thì người trẻ nhìn thấy rõ ràng những gì họ phải làm. Khi những người trẻ tuổi không còn hỏi về những ước mơ của người già nữa, khi họ cắm đầu vào những tầm nhìn không vượt tầm mắt của họ, họ sẽ vất vả để thực hiện hiện tại và chịu đựng tương lai của họ. Nếu ông bà chúng ta khép kín trong sự buồn bã, thì những người trẻ sẽ nhìn vào các điện thoại thông minh của họ nhiều hơn. Màn hình có thể vẫn sáng, nhưng sự sống sẽ chết trước thời điểm của nó. Chẳng phải hậu quả nghiêm trọng nhất của đại dịch chính là sự lạc hướng của những người trẻ tuổi sao? Người già có những nguồn sự sống đã được trải nghiệm mà họ có thể cậy dựa vào. Họ sẽ đứng nhìn những người trẻ lạc hướng, hay sẽ đồng hành cùng họ bằng cách sưởi ấm ước mơ của họ?

Sự khôn ngoan của cuộc hành trình dài đồng hành với tuổi già đến cuối đường phải được trải nghiệm như một món quà có ý nghĩa của cuộc sống, chứ không phải bị xem như sự ù lì của sự tồn tại của tuổi già. Đức Thánh Cha cảnh báo: Nếu tuổi già không được trả lại phẩm giá của một cuộc sống xứng đáng với con người, thì nó kết thúc với việc đóng kín mình trong nỗi tuyệt vọng, điều tước đi tình yêu của mọi người. Thách đố này của nhân loại và của nền văn minh đòi hỏi sự dấn thân của chúng ta và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần. Với những bài giáo lý về tuổi già này, tôi muốn khuyến khích mọi người dành suy nghĩ và tình cảm của mình vào những quà tặng mà tuổi già mang lại và vào những lứa tuổi khác nhau của cuộc sống. Tuổi già là một quà tặng cho tất cả mọi lứa tuổi của cuộc sống. Là một quà tặng của sự trưởng thành, của sự khôn ngoan. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta phân định ý nghĩa và giá trị của tuổi già; xin Chúa Thánh Thần cũng ban cho chúng ta những ước mơ và tầm nhìn mà chúng ta cần.

Và tôi muốn nhấn mạnh, như chúng ta đã nghe trong lời ngôn sứ Giô-en rằng điều quan trọng không chỉ là người già có sự khôn ngoan, giữ vai trò lịch sử họ đã sống trong xã hội, mà còn là một cuộc trò chuyện, nói chuyện với những người trẻ. Người trẻ phải nói chuyện với người già, và người già với người trẻ. Và cây cầu này sẽ là sự trao truyền sự khôn ngoan trong nhân loại. Tôi hy vọng rằng những suy tư này sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta, để phát triển thực tế mà ngôn sứ Giô-en đã nói, rằng trong cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già, người già có thể trao các ước mơ và người trẻ có thể tiếp nhận và thực hiện chúng. Chúng ta đừng quên rằng trong văn hóa gia đình và xã hội, người cao tuổi giống như gốc rễ của cây: họ có tất cả lịch sử ở đó, và người trẻ như hoa và quả. Nếu không có nhựa từ gốc rễ chúng sẽ không bao giờ có thể nở hoa. Đừng quên bài thơ mà tôi đã nhiều lần nói: “Tất cả những gì cây có để cho hoa, đều đến từ những gì chôn vùi dưới đất” (Francisco Luis Bernárdez). Tất cả những gì đẹp đẽ về một xã hội đều liên quan đến cội nguồn của những người cao tuổi. Vì lý do này, trong các bài giáo lý này, tôi muốn nêu bật hình ảnh người cao tuổi, để hiểu rõ rằng người già không phải là vật phế thải: họ là một phúc lành cho một xã hội.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây