TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giải đáp thắc mắc - Bất khả phân ly

Thứ hai - 19/12/2022 21:32 | Tác giả bài viết: Thiên Di CND - CSA |   1117
Con thấy bên luật pháp cho phép ly hôn, nhưng tại sao Giáo hội Công giáo vẫn không cho phép ly hôn?
Giải đáp thắc mắc - Bất khả phân ly

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 70: BẤT KHẢ PHÂN LY


Hỏi: Con thấy bên luật pháp cho phép ly hôn, nhưng tại sao Giáo hội Công giáo vẫn không cho phép ly hôn?

Trả lời:

 


Mới hôm qua trời vẫn còn hanh nóng, vậy mà chỉ sau trận mưa rào cùng những đợt gió rít lách qua khe cửa. Sáng nay, cái lạnh đầu mùa đã bao trùm khắp vùng Bắc Bộ. Ông Toan khoác vội chiếc áo dạ cũ, ngồi bên chiếc bàn nhỏ quen thuộc, tay ông vân vê nhúm thuốc lá cho vào chiếc điếu cầy cũ kỹ, ông rít một hơi thật dài. Ông nhả đám khói lên trần nhà, mắt nhắm nghiền mông lung nghĩ suy, khuôn mặt ông hiện rõ những đường nhăn nheo của tuổi tác. Cùng làn khói thuốc ông càng trầm tư, những nếp nhăn lại càng hằn sâu trên khuôn mặt xạm nắng của ông.

Có lẽ trong sáu đứa con, ông Toan nặng lòng nhất với Thu Vân, con gái thứ tư của ông. Thu Vân năm nay đã ngoài 30, mới năm ngoái ông còn bận lòng với cảnh “ế chồng” của Thu Vân. Ông nói: “con gái lớn chưa chồng như cảnh hũ mắm treo đầu giường”. Vậy mà năm nay, khi Vân đã có nơi có chốn, ông lại đứng ngồi không yên. Ông âu lo vì con rể tương lai nhà ông khác tôn giáo. Khi bàn đến chuyện cưới xin, bên nhà trai quả quyết “đạo ai người đó giữ”... Ông thở dài não nề khi nghĩ về cuộc sống tương lai của Thu Vân.

Thu Vân bước vào nhà trong bộ quần áo xinh đẹp, mặt tươi như hoa nhưng vừa thấy ông Toan ngồi đó trầm tư, mặt cô liền đổi sắc. “Con chào Bố, con mới về”. Ông Toan nói với Vân: “Con ngồi xuống bố nói chuyện!”. Vân nhẹ nhàng ngồi vào ghế. 

“Chuyện cưới xin của hai đứa, con tính sao?”

Nghe bố hỏi vậy, Vân nghĩ ngay đến nghi thức tôn giáo, bởi Vân biết rõ bố rất lo lắng việc cưới xin khác đạo của cô.

Thu Vân trả lời: “Dì Hoan đang lo giúp con liên lạc với cha xứ chuẩn bị nghi thức làm phép tha…” (nghi thức phép chuẩn dành cho đôi tân hôn không cùng Công giáo).

Ông Toan: “Thằng Vinh nhất định không theo đạo sao con?”

“Vâng! Anh ấy là cháu đích tôn nên ông bà bên đó không cho theo đạo. Anh Vinh phải giữ đạo ông bà để sau lo việc đạo hiếu với tổ tiên nhà anh bố ah!”

Ông Toan nhăn nhó: “Vợ chồng với nhau, chung nhà chung cửa, chung một chiếc giường, chung con chung tài sản… vậy là niềm tin tôn giáo lại hai hướng khác nhau. Bố thấy cuộc sống gia đình con phiêu lưu quá. Lại còn bao nhiêu cái chuẩn mực luân lý Công giáo trong đời sống gia đình mà cả hai phải biết và sống, bố không an lòng…”

Thu Vân im lặng nhìn vào khoảng không xa xăm đầu ngõ. Ông Toan nói tiếp: “Hôn nhân Công giáo là chuyện hệ trọng, con lấy ai kể như sống chết với người đó. Đời con kể như ràng buộc với chồng con vĩnh viễn. Chồng con tử tế con hưởng, mà chồng con lỗ mãng con ráng chịu... Khi đã bước vào nhà thờ làm nghi thức rồi thì vợ chồng con vĩnh viễn sống – chết với nhau. Con suy nghĩ kỹ chưa? Con lấy chồng chứ không phải chọn một chiếc áo, nay thích mặc, mai có thể thay áo khác được đâu…!”.

Ông Toan uống vội ly trà vối, rồi nhìn vào vết loang lổ trên nền xi măng.  

Thu Vân không nói gì, cô vân vê gấu áo như đứa trẻ lên 4 lên 5 bị bố bắt quả tang làm chuyện sai. Trong lòng cô ruột gan rối bời, cô không biết mình phải làm gì đây, “Bên tình bên hiếu biết chọn đường nào”. Cô yêu Vinh, Vinh cũng yêu cô. Cô có thể chứng minh tình yêu của Vinh dành cho mình bằng sự quan tâm, chăm sóc anh dành cho cô, thứ tình yêu ở tuổi ngoài 30 cô mới cảm nhận.

Trong mắt Vân, Vinh là người tốt; trong tim Vân, anh yêu cô chân tình. Mặc dù Vinh cộc tính, hơi gia trưởng… Lúc này Vân nghĩ: “Ừ ! Đàn ông mà, như vậy mới làm chủ gia đình được.” Cô biện minh cho tình yêu của mình. Còn bố cô thì lo lắng đủ điều. Vân gặp Vinh như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao cứu sinh. Khi ở tuổi 30 Cô đã sợ cảnh “hết thì” của mình. Cô không muốn mình giống cảnh bà Miến không chồng – không con, ngày ngày thui thủi một mình, vậy mà cũng có lắm kẻ nói dọc nói ngang bà, Vân nghe cũng chạnh lòng. Vân không muốn mình vướng cảnh của bà Miến. Vinh đến với Vân làm cuộc đời cô nở hoa, rạo rực và muốn yêu. Thu Vân không thể từ chối tình yêu này được.

Trước ngày cưới, Dì Hoan dẫn Thu Vân, Vinh lên gặp cha xứ. Vị linh mục lớn tuổi nhìn đôi bạn chuẩn bị kết hôn nhắn nhủ:

- “Đời sống gia đình êm ấm khi cả hai thương yêu nhau thật, cùng nhau nhìn về một hướng, tôn trọng nhau, san sẻ công việc cho nhau, đặc biệt là bao dung, tha thứ cho nhau. Hai con đã chín chắn trong tuổi lập gia đình, Cha tin hai con có cách để xây dựng hạnh phúc gia đình mình…”

Vinh nhanh nhẹn thưa vâng một cách xác quyết sau những lời nhắn nhủ đầy ưu ái của cha xứ.

Trong ngày Thu Vân và Vinh làm phép chuẩn hôn nhân, cha xứ tâm tình với đôi bạn:

“Để gia đình các con hạnh phúc trọn đời yêu thương nhau, sinh con và giáo dục chúng cho tốt thì đòi buộc các con phải một vợ một chồng chung thủy với nhau và bất khả phân ly. Đó cũng là mục đích của hôn nhân Công giáo[1]. Đặc tính đơn hôn và bất khả phân ly trong hôn nhân Công giáo xuất phát từ ý định của Thiên Chúa “…Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Trong Tin Mừng Matthêu khi trả lời với các nhà biệt phái về việc ly dị, Đức Giêsu quả quyết: “Tại các ông chai đá cứng lòng, nên ông Môsê cho phép rẫy vợ, chứ thửa ban đầu không có thế đâu.” (Mt 19,9). Lời Chúa đã phán: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Khi hai con ưng thuận đến đây và để Thiên Chúa chứng nhận và chúc phúc, hai con đã trở nên MỘT – một xương một thịt – trọn đời bên nhau. Thu Vân con phải là ánh sáng, là muối, là Tin Mừng cho Vinh và Vinh cũng vậy... Hai con phải thực sự yêu thương nhau và tha thứ cho nhau… thì hôn nhân mới bền chặt… Cha cầu chúc hai con trăm năm hạnh phúc.”

Sau ngày cưới, Thu Vân và Vinh vào miền Nam sinh sống. Thấm thoát con gái đầu lòng của Vân cũng đã 3 tuổi. Thu Vân tạm ổn công việc trong một trường mầm non của các sơ, còn Vinh nghề nghiệp tự do nên cũng bấp bênh. Cuộc sống nơi đất khách quê người phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít ỏi của người vợ. Dần dà tính khí gia trưởng cọc cằn của Vinh lộ rõ khi người chồng sống lệ thuộc vợ, mất hết uy thế của người đàn ông. Vinh viện cớ cấm cản vợ đi nhà thờ, đọc kinh liên gia…

Trước đây, khi Thu Vân nhờ Vinh chở đi viếng Đức mẹ Fatima Bình Triệu, anh lừng khừng, nhăn nhó rồi cũng chở đi rồi đứng bên ngoài chờ Vân khấn nguyện. Nhiều lần Vinh nói: “Có chân tự mà đi!  Bà ấy có cho tiền không mà bà cứ đi đến đó…” Thu Vân chỉ biết khóc trong lòng trước những câu nói vô tình đến bạc bẽo của chồng. Vân cầu nguyện với Chúa: “Con muốn làm ánh sáng, làm muối men của Chúa ngay trong chính gia đình con mà sao khó quá Chúa ơi!”. Vân lấy tay quệt vội giọt nước mắt khi nghĩ về câu nói của bố trước ngày cưới: “Cuộc đời con kể như sống chết với chồng con, hôn nhân này, gia đình này là của con…”.

Nhiều lần trong cơn say Vinh đấm đá vợ vô cớ, đập phá đồ đạc mỗi khi có chuyện bất bình trái ý. Vân chỉ biết cắn răng chịu đựng cho êm cửa yên nhà. Bố mẹ hỏi thăm gia đình cuộc sống vợ chồng nơi xa quê thế nào, Cô tỏ vẻ gia đình mình hạnh phúc cho ông bà yên tâm, nhưng trong lòng cô ngổn ngang những cảm xúc. Cô nuôi hi vọng mình phải là ánh sáng cho chồng vì hôn nhân này Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly.   

Đã lâu lắm rồi Thu Vân thèm một bữa cơm tối có đủ chồng con. Cũng từng ấy ngày, Thu Vy, con của Vân, không nhìn thấy mặt bố. Con dậy đi học bố còn ngủ, con ngủ bố mới về. Khi Vinh về đến nhà là nồng nặc mùi rượu, Thu Vân lại trở thành kẻ hầu hạ cho Vinh khi anh nôn ói khắp nhà, có khi lên cả chăn màn, Vinh rên la văng tục chì chiết vợ con. Lúc này Vinh khác hẳn so với hình ảnh Vinh trước đây.

Đêm nay, Thu Vân cảm thấy rùng mình ớn lạnh cảm giác có chuyện chẳng lành. Đêm đã quá khuya, tiếng chó sủa inh xóm, Vân nghe tiếng xe máy đổ rầm trước khu nhà trọ, cô chạy ra thấy Vinh nằm sõng soài trên đất. Hàng xóm đỡ phụ Vân đưa Vinh vào nhà. Vinh nửa tỉnh nửa mê chửi rủa thóa mạ Vân vô cớ, rồi hất tung mâm cơm trên bàn Vân chuẩn bị cho chồng, Vinh như một tên hung thần lao xuống bếp cầm dao đòi chém Vân. Vân chỉ kịp túm lấy con gái lao đi trong màn đêm xám xịt.

Hai tuần sau, Thu Vân nghe tin chồng bị đột quỵ, cô liền đến bệnh viện chăm sóc chồng. Cô không nhận ra hình dáng của chồng: Vinh gầy gò, hốc hác, khuôn mặt đen sạm nhìn Vinh thật thảm hại. Vinh nằm bất động, nhưng miệng vẫn ú ớ nói được từng chữ. Gia đình ở xa nên mọi việc chăm sóc Vinh đều một tay Vân đảm nhận. Sức khỏe Vinh ngày một yếu đi vì thêm căn bệnh sơ gan cấp tính. Vinh có bịt tai bịt mắt anh vẫn cảm nhận tình vợ chồng Thu Vân dành cho mình, nhìn vợ hao gầy, xơ xác Vinh bộc bạch: “Anh xin lỗi đã làm cuộc đời em khổ. Anh không xứng đáng nhận tình thương này của em!”

Thu Vân mặt quay đi hướng khác với hai dòng lệ. Vinh cũng nước mắt lưng tròng. “Tại sao em tốt với anh vậy, anh đã hành hạ em đủ điều, mà sao em…?” Vân không cho Vinh nói nữa vì sợ anh mệt, Thu Vân trả lời: “Vì em phải mang Tin Mừng của Chúa cho anh, em phải là ánh sáng cho anh, anh còn nhớ cha xứ đã giảng trong lễ cưới của anh và em không?” Vinh gật đầu rưng rưng xúc động. 

Vinh thỏ thẻ trong đau đớn: “Có lẽ anh không còn sống bao lâu, em có thể giúp anh một việc không?”

Thu Vân gật đầu như ngày Vinh cầu hôn mình, Vinh nói: “Anh có thể theo đạo của em được không?” Vân không thể tin những gì mình vừa nghe, Vân sung sướng ôm chầm lấy vai Vinh khóc thút thít như một đứa trẻ.

Vân xin một cha Dòng Thánh Thể đến giúp Vinh xét mình trước khi được rửa tội. Trong ngày Vinh rửa tội, bố mẹ và một số anh chị của Thu Vân cũng có mặt chúc mừng Vinh theo Chúa. Vinh mặc chiếc áo trắng nằm trên trước băng ca trong bệnh viện, nghi thức rửa tội diễn ra thật xúc động ngay nơi con người cận kề với các chết. Bố Vân giúp Vinh làm dấu thánh giá, ông nở nụ cười mãn nguyện. Khóe mắt Vinh hai dòng lệ ứa tràn xúc động, khuôn mặt Vinh rạng ngời hạnh phúc, mắt anh hướng nhìn mọi người như muốn thổ lộ nhiều điều trong cõi lòng mình.

Sau một tuần rửa tội, Vinh được Chúa gọi về bình an trong vòng tay của Thu Vân và gia đình. Anh được gia đình Vân đưa xác về Bắc chôn cất cho gần tổ tiên dòng họ. Nhìn cảnh vợ goá con côi ai cũng thương cảm cho Thu Vân thân phận phụ nữ long đong vất vả.

Trời cuối Xuân, bầu trời còn trong vắt và mát dịu. Thu Vy nắm tay mẹ đứng bên mộ bố trên cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những con chim ri ríu rít chuyền cành xua tan bầu khí ảm đạm của đám tang hôm trước.

Thu Vân nhìn cây hoa gạo đỏ rực giữa cánh đồng lúa vàng, lòng cô cảm thấy bình an - thanh thản sau gia biến của gia đình. Cô chợt nhớ đến mùa hoa gạo năm nào Vân đã được Vinh ngỏ lời yêu, mắt cô rưng rưng hai dòng lệ khi nhớ về ngày ấy.

Thu Vân nắm tay con gái đặt lên mộ Vinh một nén nhang rồi chắp tay nguyện cầu, khói hương lan tỏa lên cao, rồi tản ra biến mất trong không gian mang theo cõi lòng người ở lại.

Thiên Di CND - CSA
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
WHĐ (19.12.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây