TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chốn trở về bình yên

Thứ hai - 31/05/2021 05:37 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   893
Chốn trở về bình yên

Chốn trở về bình yên
 


Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi để trở về. Trong bất kỳ xã hội nào, nhất là xã hội phát triển ngày nay, chúng ta có rất nhiều nơi để đến, vì mục đích công việc, để giải trí, giao lưu và gặp gỡ, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là gia đình. Gia đình là điểm hẹn thân thương, là nơi có mọi người lúc nào cũng chờ đợi chúng ta, dù bất cứ hoàn cảnh và tình trạng nào. Tiếc rằng, trong cơn giông bão của cuộc sống hiện đại, được đánh dấu bằng chủ nghĩa tiêu thụ, gia đình hôm nay đang có nguy cơ tan vỡ, không còn là chốn trở về bình yên đối với nhiều người.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, người ta thường nói thế để tự động viên và an phận trong lúc gia đình gặp khó khăn ly tán. Khó có thể thống kê chính xác tỷ lệ gia đình ly hôn ở Việt Nam, nhưng chắc chắn số gia đình tan vỡ là không nhỏ và đang có chiều hướng gia tăng. Trước đây, gia đình Công giáo vẫn tự hào là bền vững vì có mối giây hôn phối qua bí tích, tuy vậy, khá nhiều cặp đôi đã tuyên hứa trung thành trước bàn thờ Chúa mà vẫn chia tay, để lại những kỷ niệm buồn và những đứa con có cha thì mất mẹ hoặc ngược lại. Người ta tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho sự chia tay. Có người đã so sánh hôn nhân giống như một quyển sách, chương đầu được viết bởi những vần thơ, nhưng các chương sau thường là văn xuôi hiện thực phê phán. Bởi lẽ khi mặn nồng thì toàn nói những lời hoa mỹ lãng mạn, khi chán nhau thì đổ lỗi cho nhau. Cũng có tác giả diễn tả một cách cay đắng đời sống gia đình: Trước hôn nhân, hai người là thi sĩ; trong hôn nhân, họ trở thành những nhà hùng biện; sau hôn nhân, họ đều là những nhà phê bình chuyên nghiệp. Dù viện cớ nào đi nữa, nguyên nhân dẫn tới ly tán vẫn là sự ích kỷ của cả hai bên. Vì ích kỷ nên họ chỉ nghĩ về mình, bắt người khác phải theo ý mình và lấy mình làm tiêu chuẩn để rồi mọi sự phải quy hướng về mình. Khi loại bỏ ích kỷ, người ta sẽ sống cho người khác, lấy niềm vui và hạnh phúc của người bạn đời cũng như của con cái làm phương châm sống. Lúc đó, cái tôi sẽ bị loại bỏ dần dần, để sống hòa hợp trong tình yêu thương. Muốn cho người khác được hạnh phúc, đó chính là tình yêu đích thực.
Đài truyền hình Việt Nam, trên kênh VTV1 hằng tuần đều có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Những cuộc gặp gỡ của những người thân thật cảm động, lấy đi bao nước mắt của cô dẫn chương trình cũng như những người xem truyền hình. Quả thật, cuộc gặp gỡ sau bao năm xa cách làm cho niềm vui vỡ òa. Nhưng hỡi ôi, nếu có những người bỏ cả đời để đi tìm người thân, chấp nhận bao phiền lụy và tốn kém, thì trong khi đó lại có những người họ hàng gần gũi, thậm chí là anh chị em ruột thịt, chỉ ở cách nhau vài trăm mét mà chẳng bao giờ muốn nhìn mặt nhau. Nguyên  nhân cũng chỉ vì tiền bạc, đất đai hoặc chia gia tài của cha mẹ không đồng đều. Cuộc đời vẫn có những mâu thuẫn nghịch lý như thế. Tiền bạc vật chất làm cho người ta sẵn sàng bán đứng anh em máu mủ, để rồi coi nhau như kẻ thù.
Người ta có thể dùng tiền để mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm.  Nhiều người trong chúng ta đã hơn một lần cảm nhận điều này. Một hai thập kỷ trước đây, gia đình lý tưởng được diễn tả như sau: một vợ, hai con, ba phòng bốn bánh (một vợ, hai con, nhà có ba phòng và gia đình có xe hơi). Tuy vậy, những mơ ước trên ngày hôm nay đã thành hiện thực với rất nhiều người, vậy mà hạnh phúc vẫn không bền, gia đình vẫn ly tán. Nhiều cặp vợ chồng giàu có, thành đạt, mà vẫn không hạnh phúc trong hôn nhân. Điều đó chứng minh, hạnh phúc lâu bền không chỉ nhờ vật chất, mà còn ở tình yêu, lòng trung thành, sự tôn trọng nhau và tâm tình đạo đức.
Người ta chỉ có một chốn để về, nhưng về với chốn ấy đôi khi lại không dễ. Người viết bài này luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt đau buồn của một người đàn ông luống tuổi, chiều 30 tết, đi ngang qua cửa nhà mình mà không muốn bước vào, vì những đứa con bất hiếu, đòi bán nhà để chia gia tài ngay khi bố mẹ còn sống. Được biết, cuối cùng người đàn ông bất hạnh ấy đã tìm đến nhà một người bạn, trong lúc giao thừa thiêng liêng của đầu năm mới. Những mâu thuẫn bất hòa đã làm cho ngôi nhà không còn là một mái ấm, không còn là nơi trở về, nhưng là nơi xung đột cãi vã và khắc sâu hận thù.
Tìm lại những giá trị nền tảng của gia đình, đó là một trong những ưu tư hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngay vừa khi mới được bầu làm Chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha đã có sáng kiến triệu tập Thượng Hội đồng ngoại thường về gia đình được tổ chức tại Rôma, từ ngày 5 đến ngày 18-10-2014 với chủ đề “Các thách đmục vcủa gia đình trong bối cảnh Tân Phúc âm hóa”. Năm sau, 2015, Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 14 được tổ chức tại Rôma từ ngày 4 đến 25-10, với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới đương đại”. Trong giáo huấn của vị Giáo Hoàng người Achentina, vai trò gia đình luôn được nhấn mạnh. Ngài cũng luôn khích lệ những cặp vợ chồng đang gặp khó khăn thử thách, khẳng định với họ rằng Giáo Hội luôn yêu thương và chăm sóc họ với tình mẹ hiền.
Gần đây nhất, Cuộc Gặp gỡ thế giới các Gia đình lần thứ 9 (9th World Meeting of Families) đã được tổ chức tại Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan, với đề tài “Tin Mừng gia đình: Niềm vui cho thế giới”. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức 3 năm một lần. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiện diện tại Dublin và chủ sự thánh lễ tạ ơn vào thứ Bảy, 25-8. Mục đích và ý nghĩa của sự kiện này được Đức Thánh Cha nêu rõ trong thông điệp Video gửi cho nhân dân Ái Nhĩ Lan trước ngày khai mạc: Như các bạn đã biết, Cuộc Gặp gthế giới các Gia đình là một cuộc cử hành vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa dành cho gia đình. Đây cũng là dịp để các gia đình khắp thế giới gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc sống ơn gọi đặc biệt của họ. Các gia đình ngày nay phải đối diện với nhiều thách đố trong các nỗ lực của họ muốn hiện thân cho tình yêu trung thành, nuôi dưỡng con cái bằng các giá trị vững chắc và trở thành chất men cho sự tốt lành, tình yêu và quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng lớn hơn.
Trở lại Rôma sau khi tham dự Cuộc Gặp gỡ thế giới các Gia đình lần thứ 9, Đức Thánh Cha chia sẻ trong cuộc tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 29-8: “Giấc mơ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất, hòa hợp, và hòa bình, trong các gia đình và trong thế giới hoa trái của lòng chung thủy, sự tha thứ và hòa giải mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Thiên Chúa mời gọi các gia đình tham dự vào giấc mơ đó và làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà, nơi không ai phải cô đơn, không ai cảm thấy không được thương mến và bị loại trừ. Vì thế thật là thích hợp khi đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế này là “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.
Theo Đức Thánh Cha, hạnh phúc của các gia đình, không chỉ là niềm mong ước của con người, mà còn là giấc mơ của Thiên Chúa! Mỗi chúng ta đang cộng tác phần mình để làm cho giấc mơ này được thực hiện. Giữa cuộc sống hiện tại, có biết bao người, nam cũng như nữ, đang kiên trì nhẫn nại để diễn tả vẻ đẹp của hôn nhân. Trong cuộc gặp gỡ tại Dublin, nhiều chứng từ cụ thể đã được trình bày, để khẳng định với thế giới hôm nay rằng, dù trong bất cứ xã hội nào và trong hoàn cảnh nào đi nữa, hạnh phúc hôn nhân và lòng chung thủy vẫn là điều có thể thực hiện được, với ơn phù trợ của Thiên Chúa và với lòng bao dung độ lượng và kiên nhẫn của con người. Gia đình hạnh phúc là khởi đầu cho một xã hội ổn định và một cộng đoàn Kitô hữu thánh thiện.
“Hỡi gia đình, hãy trở nên đúng với bản chất của mình!” Đó là lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Tổng huấn Familiaris Consortio, số 17). Ngài ước mong cho mỗi gia đình hãy trở thành “cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”. Khi thấm đượm tình yêu, gia đình không chỉ là một “ngôi nhà” cho con người trú mưa trú nắng, nhưng là “mái ấm”, là chốn trở về thân thương, để mọi người được bù đắp những thiệt thòi cô đơn trong những lúc xa nhà.
Hải Phòng, 13/9/2018
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây