TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dở Dang

Thứ ba - 01/06/2021 04:08 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   999



DỞ DANG

(Lễ tang cha Gioan Nguyễn Sơn) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Từ rất lâu, khoảng 18 năm về trước khi dự lễ an táng cha bạn cùng lớp, linh mục Gb. Nguyễn Đình San, ngài qua đời khi tuổi còn trẻ và đời linh mục mới qua con số 7 năm, tôi không thể quên vị giảng lễ đã trích lời ngôn sứ Isaia:

Lạy Chúa, con như người thợ dệt,
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12)

Đã từng một thời và hình như vẫn còn ở trong tâm trí nhiều người, kể cả các vị mục tử, đó là xem sự kết thúc cuộc đời của con người như là việc Chúa gọi. Thậm chí với sự ra đi của người trẻ thì lại cố an ủi người thân của họ bằng câu từ rất dễ nghe nhưng thật phản cảm và không đúng chút nào, chẳng hạn: “Đóa hoa nào đẹp thì Thiên Chúa ngắt về”. Làm sao có thể nói những người chết vì thiên tai động đất, sóng thần là do Chúa gọi? Ai có thể to gan nói cái chết của trên dưới 6 triệu người Do Thái trong thế chiến thứ 2, cách riêng 1.1 triệu người chết ở lò hơi ngạt tại Auschwitz bởi bàn tay độc ác phát xít Đức là do Thiên Chúa gọi? Làm sao có thể nói những người bị chết vì cơn dịch bệnh Covid 19 là do Chúa muốn? Chưa kể chuyện có người tự kết liễu đời mình bằng chai thuốc diệt cỏ cũng đã từng được cất lên câu hát: “khi Chúa thương gọi con về…”. Quả thật với nhiều lối diễn suy khởi đi từ nhận thức còn hạn chế của chúng ta đã khiến cho nhiều người phẫn uất và chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Sự ra đi của cha Gioan Nguyễn Sơn thì sao đây? Ước gì sẽ được nghe rất ít câu” Cha Gioan đã được Chúa gọi về. Thiên Chúa là Cha toàn năng chí ái, nếu Người gọi Cha Gioan về thì chắc hẳn Người sẽ gọi đúng giờ, đúng lúc ngài sẵn sàng nhất. Và với hệ luận như thế thì hẳn mọi người đều ra đi trong tình thương của Chúa, một hệ luận xem ra có vấn đề.

Thiên Chúa đã dựng nên các quy luật và Người tôn trọng quy luật Người đã làm ra. Cái chết của người này hay kẻ kia và của Cha Gioan chúng ta đây vốn có nguyên nhân của chúng, các nguyên nhân từ các định luật tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Xin đừng quên rằng một kết quả thường được cấu thành do bởi nhiều nguyên nhân. Có nhiều kết quả vốn được dự đoán thời điểm xảy ra, nhưng với cái chết của bản thân mình thì đại đa số đều là bất ngờ mà Chúa Kitô đã từng ví như giờ kẻ trộm viếng nhà. Và lời mạc khải từ miệng ngôn sứ Isaia sẽ được hoàn hảo hơn theo cái nhìn Tân Ước thì nên đọc là: Lạy Chúa, con là người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, thì bỗng dưng bị đứt ngay hàng chỉ.

Đang mải mê dệt dời mình mà bỗng dưng bị đứt ngay hàng chỉ thì quả thật là dở dang. Cha Phêrô Trần Ngọc Anh, cha bạn cùng lớp Matthia chúng tôi đã từng thú nhận công khai về một mơ ước lớn của ngài là được mừng ngân khánh linh mục cách trọng thể và ngài đã như toại nguyện. Theo kiểu nhìn này thì Cha Gioan đây quả là dở dang vì còn đến 2 tháng 10 ngày nữa mới tròn ngân khánh đời linh mục. Vì ngài chịu chức linh mục cùng ngày với tôi, 30 tháng 11 năm 1995. Khi lâm cơn bệnh đột quỵ tai biến nhẹ cách đây hơn một năm, ngài tâm sự với tôi là bao nhiêu chuyện chuẩn bị cho các chú, nào là giúp phân định ơn gọi, nào là chương trình tĩnh tâm, nào là công tác tuyển chọn các ứng sinh khóa mới. Tất thảy đều như bỏ vào sọt rác khi bệnh tật ập tới. Đúng là dở dang thật. Qua vài nét dang dở đời ngài, tôi nghiệm ra rằng đừng lầm tưởng “bàn tay ta làm nên tất cả”. Cha ông ta kinh nghiệm một thực tiễn: “không mợ thì chợ cũng đông”. Và nhiều khi “không có mợ thì chợ lại đông hơn nhiều”. Xin chớ quên công trình cứu độ là của Thiên Chúa và do Thiên Chúa thực hiện. Còn chúng ta, nếu được mời gọi cộng tác thì phải ý thức mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” mà thôi.

Hiểu được chân lý này thì chúng ta sẽ biết sống tự do theo tinh thần tỉnh thức của Tin Mừng. Chức vụ này hay vai vế nọ, dù có quan trọng hay cao cả đến đâu đều sẽ qua đi. Khi nhấn mạnh đến việc sống tự do với cả những thiện hảo đời này thì Chúa Kitô đã dùng một lối nói so sánh mạnh mẽ với các từ yêu ghét. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời” (Ga 12,24).

Anh em Phật tử diễn cách thế sống tự do là “vô chấp” nghĩa là không quỵ lụy, không dính bén, không lệ thuộc. Vô chấp không chỉ với những sự không tốt như các thất bại, các lầm lỗi của bản thân hay những điều trái ý tha nhân gây cho mình mà còn phải vô chấp với cả những sự tốt đẹp thế trần vốn là vô thường. Với Kitô hữu chúng ta thì vô chấp hay biết sống tự do chỉ là một trong những phương thế để chúng ta biết sẵn sàng đón nhận hạnh phúc thật mà Thiên Chúa tặng ban.

Thiển nghĩ rằng dù chẳng mong nhưng khi đành chịu nhiều cảnh tình dở dang thì Cha Gioan chúng ta đây hẳn ít nhiều cảm nghiệm về sự hữu hạn và chóng qua của những thiện hảo đời này để rồi biết tập sống tự do hơn. Và một cách nào đó ngài đã sẵn sàng đón nhận thiên ân hằng hữu. Đã biết sẵn sàng thì dù cho cánh cửa sự chết mở ra cách từ từ hay cách đột ngột thì không còn là vấn đề. Tuy nhiên chẳng thể một ai bảo đảm là mình đã sẵn sàng đủ, chính vì thế chúng ta vẫn mãi nài xin lòng nhân từ của Chúa ủ ấp và nỗ lực lập công nghiệp để dâng cho những người đã khuất và cho Cha Gioan.

Xin Cha Gioan khi về cùng Chúa hãy cầu bàu cho chúng tôi.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây