TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

LẼ SỐNG -Tháng Bảy

Thứ bảy - 29/05/2021 02:59 |   730
LẼ SỐNG -Tháng Bảy

LẼ SỐNG THÁNG 7


01 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù

Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:

Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: “Ta đã trả thù được rồi”.

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”.

“Lấy ân trả oán”, đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.

Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.

Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.

Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.

02 Tháng Bảy
Đấng Cứu Thế Đang Có Mặt

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: “Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình”. Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài”.

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Đấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?”. Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Đấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Đấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...

Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Đôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Đấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Đấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Đấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.

Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người...

Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa...

03 Tháng Bảy
Vị Tiên Tri Cô Độc

Người Ấn Độ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Đất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.

Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...

Động đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.

Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Đúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...

Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...

Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.

Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ...”

Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...

Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...

Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Đau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...

Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Đức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chung ta chỉ là một thiểu số cô độc.

Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Điều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Điều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Điều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

04 Tháng Bảy
Củ Cà Rốt Của Tôi

Một lão bà nọ qua đời, được các Thiên Thần mang đến tòa phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của bà lúc còn sống, Đấng phán xét đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái nào, ngoại trừ có một lần bà đã cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Đấng phán xét tối cao đầy lòng nhân từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người đàn bà lên Thiên Đàng. Dĩ nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để người đàn bà bám vào và leo lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Đàng.

Người ăn mày cũng chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của người đàn bà để được đưa lên Thiên Đàng.

Một người khác cũng qua đời vào ngày hôm đó. Người này cũng níu lấy chân của người hành khất. Không mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận: mọi người đều níu kéo nhau để lên Thiên Đàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống, người đàn bà bỗng châu mày khó chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ căng ra rồi đứt chăng. Cho nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho mình củ cà rốt và la lên: “Các người giang ra, đây là củ cà rốt của tôi”.

Người đàn bà cố gắng giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi theo.

Một tác giả nào đó đã nói như sau: “Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu từ câu nói điều này thuộc về tôi, điều kia thuộc về tôi”.

Khi con người muốn chiếm giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác. Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người. Đó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại bản thân”. Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao cho người khác được hạnh phúc.

05 Tháng Bảy
Con Người Tự Do

Đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Khi còn trẻ, tôi cảm thấy tràn đầy năng lực... Một buổi sáng nọ, tôi ra khỏi nhà và hô lớn: “Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Thế là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến. Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại và nói với tôi: “Ta đưa ngươi vào cung hầu hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho ngươi quyền hành”. Ngẫm nghĩ, không biết dùng quyền hành để làm gì, tôi đành lặng lẽ bỏ đi...

Tôi tiếp tục ra đi và hô lớn: “Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Chiều hôm đó, có một cụ già ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.

Tôi tiếp tục ra đi và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị với tôi: “Tôi thuê anh và bù lại, tôi sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi”. Tôi cảm thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến vào bóng tối...

Khi tôi rời bỏ căn nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã người trên thảm cỏ và ngủ thiếp. Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi: “Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi không có gì để cho anh cả”. Tôi đón nhận ngay giao kèo của cậu bé. Và chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát. Những người qua lại ngỏ ý muốn thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự cảm thấy mình là một con người tự do.

Không gì quý bằng độc lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một cách rất xác thực vào đời sống Đức Tin của chúng ta... Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để làm cho chúng ta được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do khỏi danh vọng, tiền bạc và tất cả những gì ràng buộc con người...

06 Tháng Bảy
Thiên Chúa Trong Ánh Mắt

Theo một câu chuyện cổ tích của người Nhật Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên cạnh một đứa con gái nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ samourai, nhưng anh chỉ sống khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng đến độ nhút nhát. Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.

Một hôm, nhân dịp lễ đăng quang của Nhật hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có bổn phận phải về kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của một hiệp sĩ, anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một tấm gương soi mặt bằng bạc...

Đón nhận món quà, người đàn bà bỡ ngỡ vô cùng: chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa một lần nhìn thấy mặt mình. Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ mới ngạc nhiên hỏi chồng: “Người đàn bà này là ai?”. Người đàn ông mỉm cười đáp: “Mình không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao?”.

Một thời gian sau, người đàn bà lâm bệnh nặng. Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ: “Mẹ không còn sống trên mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương này và sẽ thấy mẹ”.

Sau khi người mẹ qua đời, sớm tối, lúc nào đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói chuyện với chính hình ảnh của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với chính mẹ nó.

Ngày kia, bắt gặp đứa con gái đang nói chuyện với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa con gái mới trả lời: “Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như lúc bị bệnh. Mẹ lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con”.

Nghe thế, người đàn ông không cầm nổi nước mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với nó: “Nếu con nhìn vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ con”.

Tha nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc quan, khi chúng ta vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng ta sẽ nhận ra nét đó trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta cau có, khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta thất vọng, chúng ta cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người khác...

Tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương mặt khỏe mạnh, vui tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy hình ảnh của người vợ trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

Có Thiên Chúa trong ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng đời có ý nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đáng xa lánh...

Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn nhận ra được bộ mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

07 Tháng Bảy
Để Cho Lòng Tha Thứ Tiếp Tục Hiện Hữu

Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:

Có hai người anh em ruột nọ bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định... Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử... Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn”.

Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tội xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”.

Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.

Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người...

Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa”.

Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát... Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ...

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.

08 Tháng Bảy
Sự Hiện Diện Của Con Dê

Để khuyên chúng ta chấp nhận cuộc sống, người Đức thường kể câu chuyện sau đây:

Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ cho những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực... Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và bảy đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì bị sự quấy phá của bảy đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau: “Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh”. Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu gom hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm tai chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu đựng được... Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh: “Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác”. Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống xưởng may rồi mỉm cười nhìn mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của anh, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn... Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc hơn ngày hôm đó.

Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường...

Mang lấy thân phận con người, sống trọn vẹn kiếp người, Chúa Giêsu mặc cho tất cả mọi thực tại của cuộc sống một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Chỉ qua những thực tại từng ngày, chỉ qua các sinh hoạt hàng ngày con người mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa.

Giá trị của mỗi một phút giây hiện tại chính là mang nặng sự hiện diện của chính Chúa. Giá trị của cuộc sống chính là được dệt bằng những gặp gỡ triền miên giữa Thiên Chúa và con người...

Không ai trong chúng ta chọn lựa để được sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh. Có ngưòi đần độn... Mỗi người chúng ta đến trong cuộc đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng Ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ... Nói như Thánh Phaolô: “Tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.

09 Tháng Bảy
Nụ Hôn Của Đứa Bé

Người Ả Rập thường kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một ông lão tên là Bi Quan, đãng trí và vô tình đến độ không còn nhớ được mình đã một lần trải qua tuổi hoa niên. Kỳ thực, cả cuộc sống, dường như ông chưa bao giờ biết sống là gì. Ông đã không học biết sống, cho nên cũng không học chết cách nào cho hợp lý, cho xứng đáng với con người...

Ông không có hy vọng, cũng chẳng có ưu tư. Ông không biết cười cũng chẳng biết khóc. Không gì trên trần gian này có thể gây được sự chú ý và ngạc nhiên cho ông. Suốt ngày, ông ngồi trước cửa lều, nhìn trời mà không biết trời xanh hay trời đục...

Ngày kia, có người tìm đến vấn kế vì nghĩ rằng tuổi đời chồng chất, ông hẳn phải là bậc thông thái khôn ngoan. Không mấy chốc, thiên hạ tuôn đến căn lều để tham khảo ý kiến... Những người thanh niên hỏi ông: “Làm thế nào để có được niềm vui?”. Ông trả lời: “Niềm vui là một bày vẽ của những kẻ ngu dốt”.

Những người có tâm huyết phục vụ đến xin ông chỉ giáo để trở nên người hữu dụng cho xã hội. Họ hỏi ông: “Làm thế nào để xả thân phục vụ người anh em một cách hữu hiệu?”. Ông trả lời: “Ai xả thân hy sinh cho nhân loại, người đó là một thằng điên”.

Các bậc phụ huynh đến hỏi ông: “Làm thế nào để hướng dẫn con cái trên đường ngay nẻo chính?”. Ông trả lời: “Con cái chỉ là loài rắn độc. Chúng chỉ có thể phun ra nọc độc mà thôi”.

Các nghệ sĩ, thi sĩ cũng đến xin chỉ giáo để diễn tả được những gì là cao quý nhất trong tâm hồn, ông trả lời: “Tốt nhất là nên thinh lặng”. Những lời chỉ giáo của con người chưa biết sống, biết yêu, biết chết ấy không mấy chốc được quảng bá trên khắp thế giới. Tình yêu, lòng thiện hảo, nghệ thuật không mấy chốc biến khỏi Trái đất. Cuộc sống con người chìm ngập trong ảm đạm buồn thảm...

Nhận thấy những tai hại do những lời chỉ giáo của ông lão Bi Quan gây ra trên mặt đất, cho nên Thượng đế mới tìm cách chữa trị. Thì ra, suốt cả đời, ông lão này chưa hề nhận được một cái hôn nào. Thế là Thượng đế mới sai một em bé đến với ông lão. Đứa bé đã vâng lệnh Thượng đế, nó tìm đến với ông lão Bi Quan, bá lấy cổ ông và đặt lên gò má sần sù của ông một nụ hôn... Ông lão như sực tỉnh. Lần đầu tiên trong đời, ông biết ngạc nhiên và ngây ngất. Ông mở mắt nhìn đứa bé, nhìn vào cuộc đời, rồi nhắm mắt xuôi tay mà nụ cười vẫn còn tươi nở trên môi nhờ nụ hôn của đứa bé.

Cô đơn là nguyên nhân làm cho con người bi quan. Người cô đơn không những không cảm nhận được tình yêu mà cũng không biết yêu.

Tín hữu Kitô phải là người lạc quan bởi vì họ cảm nhận được Tình Yêu của Chúa và được mời gọi để loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho người khác.

Có biết bao nhiêu tâm hồn già nua vì không cảm nhận được tình yêu, vì không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống. Có biết bao nhiêu tâm hồn khô cằn, chai đá vì không hề nhận được một nghĩa cử yêu thương của những người xung quanh...

Người tín hữu Kitô không những sống lạc quan, nhưng còn có sứ mệnh mang lại tinh thần lạc quan cho những người xung quanh. Có biết bao nhiêu người xung quanh đang chờ đợi một cái mỉm cười, một nụ hôn, một cái bắt tay, một lời chào hỏi, một cử chỉ an ủi, đỡ nâng... Bầu trời của cuộc đời sẽ trong sáng biết bao, nếu người người chỉ biết đối xử với nhau bằng Tình thân ái, sự tử tế, lòng quảng đại, tha thứ...

10 Tháng Giêng 
Hạt Giống Của Hy Vọng 

 
Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.

Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.

Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: “Má sẽ biết khi mùa xuân đến”. Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.

Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.

Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.

Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: “Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.

Một người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.

Sao trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.

11 Tháng Bảy
Một Quy Luật Đơn Sơ

Hôm nay Giáo hội tôn kính nhớ thánh Bênêđictô, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.

Vào cuối thế kỷ thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của những người mà thế giới Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.

Một người thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia muốn trốn thoát khỏi cuộc loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn núi Subiaco để dìm mình trong cuộc sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng Chúa phán trong tâm hồn: có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn. Càng ra sức làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.

Lấy những thôi thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người thanh niên quý tộc ấy đã quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí hướng và thiết lập tu viện đầu tiên tại Montecassino.

Chàng đã nói với Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau: “Chúng ta giam mình trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách những người khác, nhưng là để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa và thông đạt cho thế giới, để học hỏi một cách sâu xa hơn nền văn minh vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn minh ấy chiếu sáng giữa những người anh em của chúng ta. Tôn chỉ của chúng ta là thập giá và cái cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động”.

Những điểm chính trong quy luật của chúng ta là: Hát bảy lần một ngày để ca tụng Chúa và làm cho màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng, học hỏi những sự trên trời và dịch lại những tác phẩm cổ điển. Sau cùng, phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất là tại bàn ăn, là nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.

Vị thánh đã đưa ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn mạng của toàn thể Âu Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay, nền văn minh nhân bản của thế giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu thương để ca tụng Chúa và phục vụ con người.

Giữa cơn khủng hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến hiện nay tại hầu hết các nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu đầy hy vọng: các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật, nhưng trống rỗng, hơn bao giờ hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu phải cầu nguyện, phải sống kết hợp với Chúa.

Đời sống tu trì, dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một lẩn trốn đầy sợ hãi trước thế gian... Người tu sĩ đích thực xa lánh thế gian, chứ không xa lánh con người. Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa đọa của thế gian, để rồi lại kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, dễ thở hơn, dễ sống hơn.

Đó không chỉ là sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện, mà cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi để thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế tục, để tiêu diệt nơi mình những sức mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới, nhưng không thuộc về thế gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh của họ là kiến tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên chính những cái chóng qua ở đời này.

12 Tháng Bảy
Những Niềm Vui Nhỏ

Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.

Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi... Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi... Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.

Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.

Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.

Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.

Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Đàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.

Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe... Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.

“Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống”: đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng... Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa... Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh.

13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.

Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.

Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Đạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.

Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: “Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?”. Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.

Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.

Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: “Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi”. Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.

Trong quyển sách có tựa đề “Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần”, Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Đức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui”.

Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.

Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người “vui lòng”, nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác “vui lòng” để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.

14 Tháng Bảy
Tự Do Đích Thực

Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:

“Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôi.

Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được”.

Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.

Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáo.

Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự do.

Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an... Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.


15 Tháng Bảy
Dây Chuyền Của Liên Đới

Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.

Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.

Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: “Đã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa”. Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình... Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: “Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa”.

Dè dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một thêm khép kín... Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con người.

Mỗi một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân loại... Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi.

Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta.

16 Tháng Bảy
Không Gì Đẹp Bằng...!

Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình, một cụ già nọ đã kể một câu chuyện như sau:

Ngày nọ, từ một đỉnh núi cao, người ta thấy ở một chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy nhau. Một em bé thơ ngây buộc miệng nói: “Hai bóng đen đó là ba với má đang ôm nhau”. Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu: “Đó là hai tình nhân đang quấn quýt nhau”. Người có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: “Hẳn phải là hai người bạn gặp lại nhau sau hằng vạn thế kỷ xa nhau”. Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc thì lại quả quyết: “Đây hẳn phải là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn”. Một người đàn bà có quả tim trìu mến thì thào thốt lên: “Đây là một người cha trở về từ chiến trận đang ôm lấy đứa con gái của mình”. Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: “Đây phải là hai người đàn ông đấm đá vật lộn nhau trong một cuộc giao chiến một mất một còn”. Một người đàn ông không màng đến những gì đang xảy ra xung quanh mình lên giọng gắt gỏng: “Ai mà biết được họ ôm nhau hay cắn xé nhau”. Nhưng cuối cùng, một vị thánh có quả tim chứa đầy Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hòa: “Không có gì đẹp bằng hai người ôm nhau”.

Kể xong câu chuyện trên đây, cụ già kết luận: “Mỗi một tư tưởng của bạn để lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem thử bạn thường tưởng nghĩ đến những gì. Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết bạn là ai”.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chúng ta thường trích dẫn câu thơ này của cụ Nguyễn Du để nói lên hình ảnh của tư tưởng, của tâm cảnh đối với ngoại giới. Khi chúng ta vui, cảnh cũng vui lây, người cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh cũng buồn, mà người cũng buồn lây. Khi chúng ta vui, chúng ta muốn cho mọi người cùng vui với chúng ta. Khi chúng ta buồn, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi người khác vui.

Hãy chất đầy tâm hồn bằng những tư tưởng vui tươi, lạc quan: đó là một trong những bí quyết để được hạnh phúc trên đời này. Riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, bí quyết sống hạnh phúc của chúng ta chính là: trở thành Đền thờ sống động của Chúa. Có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn đời, nhìn người bằng chính cái nhìn của Ngài.

17 Tháng Bảy
Điều Quý Giá Nhất Trên Đời

Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.

Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Đi tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: “Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy”.

Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: “Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Đấng đi tìm tôi”.

Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.

Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.

Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.

Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

18 Tháng Bảy
Tình Yêu Mời Gọi

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông đang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: “Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?”.

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình... Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người... Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.

19 Tháng Bảy
Đôi Cánh Thiên Thần

Một người Nga, sau khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.

Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: “Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?”. Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trả lời: “Cục bướu đấy cháu ạ”.

Tôi chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: “Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó”. Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.

Biết nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.

20 Tháng Bảy
Ai Cũng Có Lý

Cách đây không lâu, tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan tòa dõng dạc tuyên bố: “Anh có lý”. Đến lượt người thứ hai phân trần, anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau khi nghe anh trình bày dông dài, quan tòa cũng tuyên bố: “Anh có lý”.

Cậu con trai nhỏ của quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau: con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của người khác cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của mọi bất hòa.

Vô nhân thập toàn, nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.

21 Tháng Bảy
Lúa Mì và Hoa Mồng Gà

Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.

Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa.

Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.

Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.

22 Tháng Bảy
Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viết đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Đó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi “7 quỷ dữ”. Cách nói “7 quỷ dữ” này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Đoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: “Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài”.

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Maria Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: “Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em”.

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: “Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta”.

23 Tháng Bảy
Những Lọ Đựng Muối Tiêu

Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.

Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: “Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối”.

Đó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...

Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Đức Tin, Đức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.

24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Đức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.

Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Để đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...

Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Đến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau...

10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Đức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.

Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Đất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...

Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.

Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...

25 Tháng Bảy
Hạt Giống Rơi Xuống Đất Có Thối Đi...

Giacôbê, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.

Giacôbê và Gioan là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha. Được Chúa gọi, hai ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Điều này chứng tỏ lòng hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là “con cái của sấm chớp” như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?”.

Sau đó, trong chuyến đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy, khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý nghĩa câu hỏi của Chúa: “Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?”, hai ông đã nhất quyết thưa: “Chúng tôi uống được”. Vì thế, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.

Năm 42, vua Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách Tông Đồ Công Vụ ghi: “Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa”.

Với nguồn tin này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin của mình.

Trong thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: “Xin anh làm ơn cắt dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho các anh”.

Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.

“Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái”. Không gì minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin.

Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.

26 Tháng Bảy
Vết Sẹo Nơi Bàn Chân

Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa... Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.

27 Tháng Bảy
Ánh Sáng Cho Đền Thờ

Tại một khu phố cổ của Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...

Ngôi đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Đó có lẽ phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng ta.

Chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hội.

Cộng đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau, chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.

Mỗi một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.

28 Tháng Bảy
Những Kỷ Niệm Nhỏ

Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.

Lần kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố thuộc tiểu bang Montana.

Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay em một cách nhiệt tình.

Cậu bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng.

Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật... Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng ta...

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật...

Thiên Chúa luôn trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh...

29 Tháng Bảy
Một Tiếng Cám Ơn

Trong một bài huấn đức ngắn ngủi trước khi đọc kinh truyền tin, Đức Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng của mỉm cười, đã kể một câu chuyện như sau:

Trong một gia đình nọ, một người đàn bà phải lo phục dịch cho một người chồng, một người anh và hai người con trai lớn. Bà phải làm tất cả mọi sự trong nhà: từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn trong nhà. Một ngày Chúa Nhật nọ, sau một buổi sáng đi dạo ngoài trời trở về, những người đàn ông bỗng nhận thấy có một điều lạ trong nhà, bàn ăn đã được chuẩn bị cho bữa trưa, nhưng thay vì thức ăn, họ chỉ thấy toàn cỏ khô. Mọi người đều nhao nhao phản đối người đàn bà... Chờ cho mọi người im tiếng, người đàn bà mới bình tĩnh giải thích:

“Tất cả thức ăn đều có sẵn rồi, nhưng cho phép tôi được nói một điều. Tôi phải chuẩn bị thức ăn hằng ngày cho các người, tôi phải dọn dẹp trong nhà, tôi phải giặt giũ quần áo cho các người, tôi phải làm mọi sự trong nhà này, nhưng chưa bao giờ các người mở miệng khen lấy một tiếng, hay nói một lời cám ơn... Các người chỉ chực có một thiếu sót của tôi để la ó, phản đối mà thôi”.

Vô ơn là thái độ thường xuyên của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta dễ thấy những thiếu sót của người khác đối với chúng ta, nhưng chúng ta lại thiếu nhạy cảm đối với những gì người khác đang làm cho chúng ta. Một chút tế nhị, một chút cảm thông, một lời nói an ủi vỗ về, một tiếng cám ơn, đó là men làm dậy niềm vui trong cuộc sống của chúng ta.

30 Tháng Bảy
Người Tử Tù

Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.

Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Đám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.

Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Đám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.

Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.

Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.

Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Độ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: “Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?”. Cô trả lời: “Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được”.

Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...

Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống…

Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.

31 Tháng Bảy
Tiếng Kêu Của Ếch

Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.

Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: “Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?”.

Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: “Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi”. Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: “Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?”. Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: “Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?”.

Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: “Nào, hãy hát lên đi”. Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Đêm vắng bỗng trở nên vui hơn.

Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.

Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Đó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Đó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.

Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.

Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống “xin vâng” trong từng phút giây.

VDB sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây