TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sắc vàng mùa thu

Thứ bảy - 29/05/2021 03:33 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   1167
3 21 1347592240 56 1347578303 mua thu  5 [1]
3 21 1347592240 56 1347578303 mua thu 5 [1]

Sắc vàng mùa thu

Tạo Hóa thật tài tình khi dựng nên thiên nhiên vũ trụ. Ngài còn tiếp tục điều khiển để “tứ thời bát tiết” xoay vần luân chuyển theo một quy luật hài hòa. “Đến hẹn lại lên”, Xuân Hạ Thu Đông thay nhau đắp đổi càng làm cho thiên nhiên hùng vĩ. Vẫn biết rằng mùa nào cũng đẹp, nhưng mùa thu lại có nét đẹp rất riêng, vừa buồn man mác vừa lãng mạn trữ tình; vừa thơ mộng hư vô vừa trần ai thực tế, giống như làn sương mỏng giăng ngang nền xanh đồi núi khi tiết thu về. Có biết bao áng văn chương tuyệt vời để diễn tả mùa thu, nhưng vẻ đẹp của mùa thu vẫn lôi cuốn người cầm bút, mời gọi suy tư, khám phá.

Nói đến mùa thu là nói đến màu vàng của hoa và lá. Khi gió thu se lạnh thổi về, những tán lá vốn màu xanh bắt đầu rùng mình để chuẩn bị thay sắc. Những hàng cây vươn vai để chuẩn bị đổi màu. Màu vàng là màu đế vương, rất quý phái và trang nhã. Hãy xem sắc vàng của những bộ long bào, thêu dệt cầu kỳ tinh xảo, với hình rồng hình phượng, diễn tả ngôi vị của người đứng đầu muôn dân thiên hạ. Màu vàng cũng là màu của mặt trời. Mặt trời ban cho ta sức sống niềm vui và hạnh phúc. Màu vàng của mùa thu muốn phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, một vẻ đẹp vương hoàng, cao quý.

Trong vãn dâng hoa của người công giáo, những đoá hoa màu vàng được dâng kính Đức Maria để so sánh với đức mến của Mẹ. Màu vàng tượng trưng cho sự gắn bó trung thành của Mẹ đối với Chúa. Lòng trung thành này trải dài suốt cuộc đời của Mẹ. Với lời thưa xin vâng lịch sử của ngày truyền tin, Đức Mẹ đã sống tình mến và niềm hy vọng, trong lúc vui mừng cũng như khi sầu đau của cuộc đời dương thế:
“Quý thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn
Một niềm tin kính nhơn nhơn
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu” (Vãn dâng hoa kính Đức Mẹ).

Đức Mẹ đã suốt đời tuân phục Thánh ý của Chúa. Vào lúc Mẹ đã gần đi hết đường đời, lòng trung thành với Chúa của Mẹ vẫn sắt son, như màu vàng của đoá cúc:
Tuổi cao phúc đức càng đầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu (thu) (Vãn dâng hoa kính Đức Mẹ).

Hoa cúc gắn liền với mùa thu. Những đoá cúc vàng nói lên sự cao thượng và lòng yêu mến chân thành. Tặng hoa cúc cho người bậc trên là nghĩa cử của lòng biết ơn và hiếu thảo. Màu vàng trang nhã của hoa cúc tượng trưng cho tuổi xế chiều, là tuổi chững chạc, đầy kinh nghiệm về những truân chuyên của cuộc sống. Sắc màu hoa cúc không ồn ào mạnh mẽ, nhưng thâm trầm sâu lắng. Đoá hoa cúc mời gọi chúng ta hãy sống đời nội tâm, hãy nhìn ngắm và suy tư trước những biến cố xảy đến trong cuộc đời.

Màu vàng của những tán lá vào ngày đầu thu cũng là tín hiệu báo trước những chiếc lá ấy đã đến cuối thời, vì thế mùa thu cũng được gọi là mùa lá rụng. Mỗi năm lá rụng một lần, nên người ta có thói quen dựa vào mùa lá rụng mà tính tuổi đời: ba mươi tuổi tức là ba mươi mùa lá rụng. Những cành lá ngày nào còn xanh, khi gió thu về chuẩn bị ngả màu và rụng xuống. Cuộc sống chúng ta cũng như những chiếc lá mùa thu, vinh quang và tủi nhục vẫn đi liền với nhau, hạnh phúc và bất hạnh vẫn cùng sánh bước. Buồn với vui được ràng buộc với nhau trong kiếp nhân sinh. Những chiếc lá ngả màu vàng rực rỡ, rồi sau đó bước sang thời tàn tạ. Thế rồi, như cảm thấy cuộc đời quá ngắn ngủi và trong niềm tiếc nuối thời gian, những chiếc lá khi rơi xuống còn cố gắng vẫy vùng, như qua một cơn hấp hối trước khi nhẹ nhàng đặt mình trên mặt đất.
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).

Những chiếc lá vàng nhắc nhở chúng ta hãy “đếm thời gian” của cuộc sống, để biết mình là ai trong vũ trụ này và đang ở đâu trong mối tương quan với Thượng Đế và với tha nhân. Vào lúc năm cùng tháng hết, người khôn ngoan thường nhìn lại chặng đường đã qua để rút ra những bài học, đồng thời nhìn trước mắt để thấy rõ hướng đi. Người dại dột cũng nhìn lại đàng sau nhưng để hằn học đau khổ, cũng nhìn trước mắt nhưng để than vãn vì chỉ thấy những khó khăn cản đường.

Vào cuối thu, ngày 2-11 dương lịch, người công giáo tưởng nhớ những người qua đời, gọi là Lễ Cầu hồn. Trước ngày lễ, mọi người đến sửa sang chăm sóc phần mộ của cha mẹ và họ hàng thân thuộc. Lễ Cầu hồn nhắc ta hãy thể hiện lòng hiếu kính tổ tiên và tưởng nhớ những người đã khuất. Hơn thế nữa, trong thánh lễ Cầu hồn ngày 2-11 cũng như thánh lễ dâng hằng ngày, chúng ta cầu xin lòng từ bi của Chúa, xin Ngài đón nhận những ai đã qua đời vào hưởng hạnh phúc nơi Quê hương Vĩnh cửu. Ngày lễ này cũng nhắc nhở những ai còn sống, hãy cố gắng để sống tốt lành thánh thiện, gieo mầm cho cuộc sống tương lai.

Biết tạo nên ý nghĩa cho mỗi ngày sống, là bí quyết của hạnh phúc. Mỗi ngày sống sẽ đẹp hơn nếu ta biết đem niềm vui cho anh chị em mình. Như thế, trong chu kỳ vần xoay của năm tháng, chẳng có ngày nào là xấu, mỗi ngày đều là cơ hội Chúa ban và chúng ta là những người mang cho nó một ý nghĩa tuyệt vời. Một ngày không đẹp, là vì chúng ta làm cho nó trở nên xấu mà thôi. “Đếm tháng ngày mình sống” chính là những cố gắng để cho cuộc sống hiện tại đẹp tươi hơn.

Sắc vàng mùa thu nhắc ta nhớ lại con người có sinh có diệt. Cuộc đời có khởi đầu và có kết thúc. Hành trình chiếc lá cũng như hành trình cuộc đời: có những lúc xanh tươi đầy căng sức sống, nhưng cũng có ngày tàn úa đến mức tả tơi. Những chiếc lá đang hớn hở vẫy theo chiều gió, sẽ có ngày vàng úa và rụng xuống để trở về cội. Con đường nào cũng có một đích điểm, cuộc đời ta cũng đang nhằm tới một định hướng. Khi nào tới đích, ta chưa biết, nhưng chắc chắn một điều là hành trình nào cũng có chỗ tận cùng. Chỗ tận cùng ấy là hạnh phúc chan hòa, nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ hành trang trên con đường mà chúng ta đang tiến bước.

Hải Phòng, 13-10-2012
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây