SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NAM VÀ NỮ
Thiên Chúa dựng nên người nam và nữ có nhiều điểm khác biệt về thể chất cũng như tinh thần, để mỗi người hoàn thành thiên chức, sứ mệnh riêng của mình. Đồng thời để bổ túc giúp đỡ nhau hoàn thành sứ mệnh chung trong đời sống gia đình.
Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc, nên hạnh phúc thật chỉ có được từ nơi Thiên Chúa, và bí quyết của hạnh phúc là khám phá và thực hiện thánh ý Ngài. Chính trong lúc đi tìm sự hòa hợp giữa vợ chồng, người này phải khám phá tâm hồn người kia và gọt dũa góc cạnh tâm hồn mình, là ta đang thực tập điều đó ngay trong môi trường gia đình. Đây là một công việc trường kỳ, đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhiều gia đình không được hạnh phúc chỉ vì thiếu hiểu biết và lười biếng. Người ta lo học hỏi mọi điều trên thế gian này, nhưng lại không chịu học cách sống.
Để giúp các bạn trẻ có một cái khung cho việc hiểu biết lẫn nhau, xin được giới thiệu những nét khác nhau căn bản giữa nam và nữ:
1. Về thể chất:
Người nam được dựng nên để bảo vệ và nuôi sống gia đình, đương đầu với những khó khăn thực tế. Do đó thân thể người nam thường cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữ. Ngược lại, cơ thể người nữ được dựng nên để hoàn thành chức năng làm mẹ, và đồng thời tạo sự hấp dẫn người nam, do đó uyển chuyển, mềm mại và duyên dáng hơn.
2. Về nhận thức:
Trí óc người nam thiên về lý luận, phân tích.- Coi việc làm quan trọng hơn lời nói. Còn người nữ thì hướng về trực giác và thực tế.- Coi lời nói là quan trọng
3. Về tình yêu:
Nam coi tình yêu là một trong những điều quan trọng bên cạnh những điều quan trọng khác. Khi yêu, nam thường chủ động, muốn chiếm đoạt và dễ bị kích động. Nữ coi tình yêu là tất cả. Khi yêu, họ sẵn sàng dâng hiến. Cảm xúc của nữ đến từ từ nhưng kéo dài.
4. Về tôn giáo và luân lý:
Nam có lòng đạo đức kém sốt sắng, nhưng bền vững. Khó giữ đức tiết độ và khiết tịnh. Nữ thì nhiệt thành, thích hình thức, chi tiết. Nhưng dễ thay đổi và dễ bị lung lạc.
5. Về tâm lý:
Tâm sinh lý mỗi người được hình thành tùy theo môi trường xã hội nơi người đó sinh ra và lớn lên. Các nhà tâm lý học đã khám phá và thu gọn những khác biệt về tâm lý giữa nam và nữ trong 5 định luật:
5.1) Luật ưu tiên:
Người ta kể rằng: Chú bé nọ được một vị ẩn tu đưa lên núi từ nhỏ, ngày ngày tu học và cầu nguyện, xa cách cuộc sống trần gian. Cho đến một ngày kia, chú đã trở thành một thanh niên. Vị ẩn tu đưa chú xuống núi để trắc nghiệm. Cảnh sống của người trần tục có bao nhiêu điều khiến chú ngạc nhiên. Chú hỏi, thầy trả lời suốt dọc đường đi. Đến khi trên đường về, bất chợt gặp một đám các cô thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng, chú hỏi:
- Thưa thầy, đó là cái gì vậy?
Vị ẩn tu ngước nhìn mấy cái nón các cô đội và đáp:
- Ồ, đó chỉ là mấy cái nón thôi con ạ!
Về đến trên núi, chàng tu sĩ trẻ bỗng ngẩn ngơ. Thầy hỏi tại sao, chàng thật lòng trả lời:
- Thưa thầy con nhớ mấy cái nón quá. Con thích mấy cái nón đó lắm!
* Nhận định: trên đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng cũng thật thâm thúy, đủ nói lên rằng sự hấp dẫn giữa nam và nữ là một cái gì tự nhiên, không cần ai dạy bảo. bởi vì nó là một định chế Thiên Chúa đã gắn với bản chất con người thông qua giới tính.
Khi người đàn ông nghĩ về một người phụ nữ, thường hình dung tới thân hình, tới đường nét, sắc diện của thể xác. Vì thế trong tình yêu của người đàn ông, thể xác luôn chiếm ưu tiên. Thực tế cho thấy, khi người con trai đứng trước một thiếu nữ xinh đẹp đầy quyến rũ, sẽ thấy thể xác rung động trước rồi sau đó tình cảm trái tim mới hòa nhịp.
Trong đời sống vợ chồng, người đàn ông dễ bị lôi cuốn bởi thể xác người phụ nữ, nên việc kết hợp thân xác thường chủ động và mau chóng.
Đối với người phụ nữ thì khác, điều ưu tiên nơi họ không phải chỉ là thể xác nhưng là một trái tim, một tình cảm. Một trái tim muốn được hòa nhịp với trái tim khác và một tình cảm tha thiết muốn hiến trọn cho người mình yêu.
Những dị biệt trên là định luật ưu tiên:
- Đối với người đàn ông: thể xác ưu tiên.
- Đối với người phụ nữ: trái tim ưu tiên.
* Trong đời sống thực tế:
- Khi hiểu tình yêu của người phụ nữ thiên về tình cảm như vậy, người chồng phải biết quan tâm săn sóc vợ bằng những lới âu yếm, bằng cử chỉ thân mật, dịu dàng, tôn trọng. Đừng quá chú ý tới thể xác hoặc vội vàng mỗi khi gần gũi.
- Người vợ biết tâm lý người đàn ông như vậy, nên thực tế một chút, đừng quá khắc khe, cũng đừng buồn khi thấy chồng quá chú ý tới thể xác của mình hoặc quá lý tưởng khi yêu đương.
5.2) Luật phân cách:
Nàng đem hết khả năng làm một món ăn đặc biệt. Cơm dọn xong rồi nhưng chàng còn mải mê với cờ tướng. Đến khi chàng chiếu tướng được thì cơm canh đã nguội lạnh, còn nàng chỉ biết ôm con thinh lặng, thở dài: “anh ấy mê cờ tướng hơn mình!”
Cũng có khi cả mấy ngày liền chàng câm như hến, bỗng dưng có người bạn đến nói chuyện đạo lý hoặc nói chuyện thời sự, chiến tranh và hòa bình, chàng nói thao thao bất tuyệt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều rồi từ chiều đến tối. Nàng tự nhủ: “Phải chăng mình không còn hấp dẫn, nên anh ấy chỉ mải mê những chuyện không đâu?”
* Nhận định:
Trái tim của người phụ nữ có thể nói là một toàn thể dành hết cho người mình yêu, không có phân cách. Mối tình dành cho anh chiếm hết trái tim chị và tình yêu chi phối mọi hoạt động của cuộc đời chị. Hai mối tình không thể chung sống hòa bình: đó là đặc điểm trái tim phụ nữ.
Trái tim người đàn ông thì khác: rắc rối, nhiều chuyện mà các chuyên gia thường nói trái tim của các ông có tới bốn ngăn, và các ngăn ấy hoạt động độc lập với nhau, nên nhiều khi khiến người phụ nữ khó hiểu.
- Ngăn thứ nhất: dành cho vợ, anh yêu chị và khi ở với chị thì không nghĩ tới gì khác.
- Ngăn thứ hai: dành cho sự nghiệp, trong cuộc đời người đàn ông, sự nghiệp luôn chiếm địa vị quan trọng, vì thế đã có nhiều người vì sự nghiệp mà quên cả vợ con gia đình.
- Ngăn thứ ba: dành cho sở thích, như hoạt động xã hội, giáo dục, chính trị hay vì lý tưởng...
- Ngăn thứ tư: dành cho giải trí, như thể thao, ca hát, tìm thú vui nơi chim, cây, cá kiểng... hoặc nghỉ ngơi.
* Trong đời sống thực tế:
Chị hãy an tâm tin rằng anh chỉ yêu chị và yêu thương gia đình. Đừng thấy anh say mê những công việc khác mà vội nghĩ rằng anh thờ ơ với gia đình rồi nghi ngờ, khó chịu. Chị hãy tập cảm thông, chia sẻ với anh, và trong mọi lúc nên biết tươi cười hoặc lo âu với anh, an ủi, khuyến khích anh những khi cần. Đừng ngăn cấm hoặc cản trở công việc của anh.
Anh không nên bắt chị phải theo những hoạt động anh thích. Phải chừng mực trong công việc. Biết dùng tình yêu để dung hòa những dị biệt. Nếu được nên để chị cùng tham gia công việc của mình. Biết đền bù cho vợ bằng những lời nói, thái độ, cử chỉ yêu thương, hoặc phụ giúp công việc của chị mỗi khi có dịp.
5.3) Luật chi tiết:
Trong xóm ai cũng cho anh chồng là người đáng trách, không phải vì anh rượu chè, cờ bạc hoặc đam mê vợ bé. Nhưng anh ấy đáng trách ở chỗ cứ lông bông và để vợ đi làm nuôi cả gia đình. Thế nhưng người vợ lúc nào cũng bênh vực chồng: “Anh ấy thật tốt, lúc nào cũng vậy, luôn nghĩ đến vợ con”. Quả thật chị đã không dối lòng, bởi một lý do thật đơn giản: không có dịp nào trong cuộc đời chị, mà anh ấy không chứng tỏ tình yêu và sự săn sóc đối với chị bằng những món quà nhỏ.
* Nhận định:
Người phụ nữ được phú bẩm có trực giác nhạy cảm về chi tiết để họ có khả năng chu toàn sứ mạng làm vợ, làm mẹ và săn sóc gia đình, nên chị thường hay chú ý đến chi tiết của sự việc. Trong khi người đàn ông chỉ nhớ đến những nét đại cương. Chị chú ý quan sát và nhớ rất kỹ những chi tiết trong đời sống của anh, của gia đình. Trong khi anh ít để ý và hay quên.
* Trong đời sống thực tế:
Sự sai biệt tâm lý này là nguyên nhân của nhiều vui buồn trong đời sống vợ chồng. Một việc nhỏ cũng làm chị bực mình đau khổ. Một quên sót của chồng đối với vợ có thể làm chị buồn tủi, nghi ngờ, giận hờn. Vì thế, người chồng hãy chịu khó để ý đến vợ, nhẫn nại nghe chị nói dù là những chuyện nhỏ nhặt. Hãy lợi dụng những cơ hội làm chị vui: quà tặng ngày sinh nhật, nhớ ngày bổn mạng, ngày cưới, những ngày vui buồn của chị... Một lời khen, một sự quan tâm hay giúp đỡ đúng lúc có khả năng làm chị sung sướng hạnh phúc.
Người chồng thường dễ bực bội khi vợ hay than phiền về những chuyện nhỏ nhặt hoặc khó chịu khi thấy vợ hay dò xét. Hiểu như vậy, chị hãy rộng lượng với chồng, thông cảm với những dự tính công việc, những sinh hoạt hoặc những giao tế của anh. Chị cũng nên bớt những chi tiết có thể làm bận tâm chồng một cách vô ích.
Tình yêu chân thật không có giới hạn. Không bao giờ được coi là quá đủ. Yêu là nghĩ đến người yêu và không ngừng tìm hạnh phúc cho người mình yêu.
5.4) Luật bất đồng cảm:
Trước khi về với chàng, nàng có quan hệ tình cảm khá sâu sắc với một người. Nàng cũng đã cho chàng biết. Bất ngờ hôm nay đi làm về sớm, chàng thấy nàng đang ngồi nói chuyện với người ấy. Chàng không nói một tiếng, mà bỏ ra ngay và đóng sập cửa lại. Mãi đến khuya chàng trở về trong hơi men nồng nặc, rồi nằm ngủ tới sáng. Thế nhưng hôm sau vừa thức dậy, chàng đã tìm gặp để nói ngay với nàng: “Em à, nghĩ lại hôm qua anh làm như vậy là không đúng, anh xin lỗi!”
Nhưng nếu trường hợp ngược lại, nàng đi chợ về sớm, gặp chàng đang tiếp người bạn gái cũ thì sao?
Nàng hơi giật mình một chút, nhưng trấn tĩnh lại ngay và vồn vã:
- Chào chị, mới tới chơi, thật quí biết bao!
Rồi quay sang chồng:
- Anh tệ thật, sao không pha nước chị ấy uống!
Nàng vội vã đi pha nước cho hai người rồi nói:
- Chị ngồi nói chuyện với chồng em, em xin lỗi phải lo công việc một chút!
Chàng yên tâm ngồi nói chuyện mãi, đến lúc tiễn cô bạn về xong, vẫn không thấy động tĩnh gì. Vào bếp thấy lạnh ngắt. Vào phòng thấy nàng đang nằm khóc thút thít. Chàng ngồi an ủi, phân trần một lúc nàng mới nguôi ngoai dậy lo cơm nước.
Rồi mọi chuyện tưởng chừng như không có gì xảy ra. Cho đến một buổi sáng, hai tuần sau, chàng vừa thay bộ đồ mới, còn đang mang giày, chải đầu thì nàng sừng sộ:
- Diện đồ đẹp đi đâu đó, định đi với nó nữa hả?
Câu chuyện trên đây diễn tả được phần nào cách cảm xúc của hai phía mà các chuyên gia tâm lý gọi đó là luật bất đồng cảm: người đàn ông phản ứng nhanh nhưng mau dứt, người phụ nữ phản ứng chậm nhưng kéo dài.
* Nhận định:
Trong phạm vi tình cảm, người đàn bà như một đầu máy xe lửa: chuyển bánh chầm chậm, có đà đi rất nhanh, nhưng dừng lại cũng chậm. Chị không phản ứng cùng lúc nhưng sau anh. Tuy nhiên khi đã bắt nhịp thì xúc cảm ấy kéo dài và sâu đậm hơn anh. Người đàn ông thì ngược lại, tình cảm chóng bộc phát nhưng cũng chóng nguội tàn. Vì vậy mà “tiếng sét ái tình” thường xảy ra đối với phái nam.
* Trong đời sống thực tế:
Hiểu biết định luật tâm lý này để biết tha thứ, tránh những xích mích, nghi kỵ lẫn nhau. Trong mọi việc anh hãy kiên nhẫn chờ đợi. Trong quan hệ thân mật cũng vậy, tránh những cử chỉ vội vàng hấp tấp, nên dịu dàng tế nhị.
5.5) Định luật thính giác:
Một người khao khát nghe và một người lên tiếng yêu thương, khen ngợi, còn gì tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Thế nhưng trong cuộc sống bình thường, thì một người muốn nghe những lời dịu ngọt, nhưng một kẻ chẳng nói nửa lời hoặc chỉ nói những lời cộc lốc. Đó là do định luật thính giác chi phối.
* Nhận định:
Trong đời sống gia đình, sự im lặng thường tạo nên bầu khí nặng nề. Người chồng vì thế thích ra quán cà phê hay đến một nơi khác vui vẻ hơn. Còn vợ sẽ thích la cà bên nhà hàng xóm để chuyện trò... Do đó, muốn tránh bầu không khí ấy, là nguyên nhân đưa tới xa cách, đôi bạn cần chú ý đến định luật tâm lý này.
Người phụ nữ có lỗ tai gắn liền với trái tim. Những gì vào lỗ tai thì rơi thẳng vào tim, do đó chị có nhược điểm là thích nghe và dễ tin những điều người ta nói hơn là việc người ta làm. Chồng làm rất nhiều việc giúp chị mà không nói gì, chị vẫn cho là anh không thương chị hoặc thương không hết lòng. Bởi vì chị là người rất thích nghe.
Người đàn ông ở trong gia đình nhiều khi lại là người thiếu cái “lưỡi”. Ở quán xá hoặc ở những nơi khác anh nói thao thao bất tuyệt về những chuyện chính trị, xã hội, nghề nghiệp hay giải trí... Vì những chuyện đó có tính cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Ở nhà thì ngược lại, miệng anh câm như hến, ít nói, trầm ngâm... vì anh không thích những chuyện vụn vặt, chi tiết. Anh ngại tâm sự, bộc lộ có đụng chạm tới bản thân mình.
* Trong đời sống thực tế:
Anh cần phải “tập nói”, phải chủ động phá tan bầu không khí nặng nề trong gia đình. Phải biết nói những lời yêu thương, vỗ về, an ủi... Hay nhắc lại những kỷ niệm đẹp, êm đềm ngày trước. Vì người đàn bà thích sống lại những quá khứ đẹp như vậy. Khi nói phải với cung điệu nhẹ nhàng , ôn tồn. Những gì anh với giọng dịu dàng, âu yếm, tôn trọng, chị sẽ cho là đúng và sẽ chấp nhận. Nhưng nếu anh nói với giọng gắt gỏng, khó chịu hoặc khinh khỉnh, chị sẽ cho là sai, khó chấp nhận mặc dù đó là những điều đúng hoàn toàn. Khi phải xây dựng khuyết điểm của chị, anh nên áp dụng như vậy và đùng bao giờ chê hoặc chế giễu vợ trước mặt người khác.
Giữa vợ chồng cần phải có thói quen đối thoại cởi mở, trao đổi thẳng thắn mọi vấn đề. Đối thoại sẽ giúp tránh được những nghi ngờ, hiểu lầm. Nghe vợ tâm sự, nói chuyện nhà cửa, cơm áo gạo tiền, con cái, bạn bè... Nghe chồng nói chuyện về chính trị, xã hội, thể thao, giải trí... Yêu là nói là nghe, nghĩa là đối thoại, là mở tâm hồn và lý trí để cùng đón nhận, tham dự, chia sẻ tâm tình của nhau.
6. Kết luận:
Những định luật trên đây không áp dụng riêng rẽ, nhưng bổ túc, liên hệ với nhau và là những định luật rất quan trọng, chi phối đời sống vợ chồng. Nó không phải là tất cả những sự khác biệt, bởi mỗi con người là một huyền nhiệm. Nhưng ít ra nó rất hữu ích giúp đôi bạn hiểu được phần nào người yêu của mình, đồng thời tránh được những phán đoán, những thái độ chủ quan thường đưa đến bất hòa đổ vỡ.
Tình yêu chân thật là thấy rõ khuyết điểm của người yêu, nhưng vui vẻ đón nhận, đồng thời khám phá ra ưu điểm của họ mà khéo léo phát huy. Trong đời sống hôn nhân gia đình, để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và vững bền, hai vợ chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong dự tôn trọng và yêu thương chân thành.
theo tài liệu giáo lý Hôn Nhân và Gia Đình của HĐGMVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn