TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khát vọng hòa bình

Thứ tư - 23/03/2022 21:57 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   1377
ĐGH Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh Công giáo, vào lễ Truyền Tin sắp tới ngày 25/3, cùng với ngài cầu nguyện xin ơn thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ.
Khát vọng hòa bình

KHÁT VỌNG HÒA BÌNH

WGPMT (22.3.2022) - Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh Công giáo, vào lễ Truyền Tin sắp tới ngày 25/3, cùng với ngài cầu nguyện xin ơn thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, xin Mẹ là Nữ vương hòa bình, ban bình an cho thế giới.

Khát vọng hòa bình

Lời cầu nguyện ấy thể hiện khát vọng hòa bình của Đức Thánh Cha. Chiến tranh giữa hai nước Nga và Ukraina kéo dài đến nay đã gần một tháng, gây ra biết bao đau thương và chết chóc như Đức Thánh Cha nói: “Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai. Tôi đã đến thăm các trẻ em bị thương ở đây, tại Rôma. Một em bị mất một cánh tay, một em khác bị thương ở đầu… Những trẻ em vô tội. Tôi nghĩ đến hàng triệu người Ukraina phải chạy trốn, để lại đằng sau tất cả và tôi cảm thấy rất đau lòng cho những người không thể chạy trốn. Rất nhiều người cao niên, người bệnh, người nghèo phải chia lìa gia đình, nhiều trẻ em và người yếu thế phải chết dưới làn bom đạn, không được giúp đỡ và không tìm được nơi trú ẩn an toàn trước những đợt công kích. Tất cả những điều này là vô nhân đạo! Hay đúng hơn, đó là sự phạm thánh vì chống lại tính thánh thiêng của sự sống con người, nhất là sự sống của những người không có khả năng tự vệ” (Giờ đọc Kinh Truyền Tin, Vatican News, 21/03/2022).

Đứng trước sự tàn khốc của chiến tranh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm tất cả những gì có thể để mang lại hòa bình.  Khởi đầu Mùa Chay, ngài đã kêu gọi các tín hữu Công giáo dành Thứ Tư Lễ Tro để cầu nguyện cho hòa bình. Trong giờ đọc Kinh Truyền tin Chúa nhật 13/03 và 20/3, ngài luôn kêu gọi hai bên ngừng chiến và nhắc nhở mọi người cầu nguyện. Đồng thời ngay từ khi cuộc chiến nổ ra, ngài đã tìm cách tiếp cận các đại sứ của hai quốc gia bên cạnh Tòa thánh Vatican, và nói chuyện trực tuyến với Đức Thượng phụ Kirill của Giáo Hội Chính Thống Nga. Tất cả nói lên khát vọng hòa bình, kêu gọi hai bên giải quyết xung đột bằng con đường đối thoại thay vì chiến tranh.

Cầu nguyện cho hòa bình

Khát vọng hòa bình không chỉ là tâm tình của cá nhân Đức Giáo hoàng Phanxicô nhưng cũng là và phải là khát vọng của mọi người Công giáo trên toàn thế giới. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió. Tư tưởng này được Đức Thánh Cha nói nhiều lần trong mùa đại dịch Covid-19, và bây giờ cũng thế, khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.

Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi em bé được sinh ra trong bóng tối của bom đạn đang rơi xuống Kiev. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ trong một hầm trú ẩn ở Kharkiv. Nhận ra Chúa nơi chàng thanh niên 20 tuổi được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa (x. ĐTC Phanxicô đọc kinh nguyện đặc biệt cầu cho chấm dứt chiến tranh ở Ukraina, Vatican News, 16/03/2022).

Cầu nguyện không phải để chọn phe phái nhưng là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình. Trong cuộc hội kiến trực tuyến với  Đức Thượng phụ Kirill của Giáo Hội Chính Thống Nga, Đức Giáo hoàng nói: “Hội Thánh sử dụng ngôn ngữ của Chúa Giêsu, chứ không sử dụng ngôn ngữ chính trị”. Và ngôn ngữ của Chúa Giêsu là ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của hòa giải: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Tín thác nơi Đức Mẹ

“Tôi mời gọi các cộng đoàn và các tín hữu vào lễ Truyền Tin, Thứ Sáu 25 tháng 3, cùng với tôi thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, xin Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình ban bình an cho thế giới”. Đây không phải lần đầu tiên một vị Giáo hoàng làm việc này. Năm 1942, ngày áp lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Năm 1952, Đức Piô XII thánh hiến nước Nga và dân tộc Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Năm 1964, Đức Phaolô VI thánh hiến toàn thể nhân loại cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Năm 1984, ngày lễ Truyền Tin 25/3, Đức Gioan Phaolô II thánh hiến thế giới và nước Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Và năm nay 2022, vào lễ Truyền tin sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Thánh hiến nước Nga và Ukraina vì đây là hai nơi đang diễn ra chiến tranh, để cả hai dân tộc anh em biết đến với nhau bằng tình huynh đệ và giải quyết xung đột trong tình yêu thương.

Lời mời gọi hoán cải

Lời cầu nguyện cho hòa bình vang lên trong Mùa Chay, mùa hoán cải, nên cũng là lời mời gọi mọi người thay đổi cách suy nghĩ và hành động của mình.

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của hòa bình,
xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện.
Đã biết bao lần trong biết bao năm qua,
chúng con cố gắng giải quyết các xung đột
bằng sức riêng và bằng sức mạnh của vũ khí.
Chúng con đã trải nghiệm biết bao thời khắc thù nghịch và tăm tối;
biết bao máu đã đổ;
biết bao sinh mạng bị vùi giập;
biết bao hi vọng bị chôn vùi…
Nhưng những nỗ lực của chúng con đều vô ích.

Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con!
Xin ban hòa bình cho chúng con,
xin dạy chúng con về hòa bình;
xin hướng dẫn bước chân chúng con trên đường nẻo bình an.
Xin mở mắt và mở lòng chúng con ra,
và ban cho chúng con ơn can đảm để dám nói rằng:
“Không bao giờ chiến tranh nữa!”;
“Với chiến tranh, mọi sự chỉ là mất mát”.
Xin đổ vào lòng chúng con ơn can đảm
để có những bước đi cụ thể tiến tới hòa bình.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham,
Thiên Chúa của các tiên tri,
Thiên Chúa của Tình Yêu,
Chúa đã dựng nên chúng con
và kêu gọi chúng con sống với nhau như anh chị em.
Xin ban cho chúng con sức mạnh hằng ngày để làm khí cụ bình an;
xin giúp chúng con có thể nhìn mọi người
trên đường đi như người anh chị em của mình.
Xin làm cho chúng con biết nhạy bén trước lời khẩn nài của người dân,
đang mong ước chúng con biến các vũ khí chiến tranh thành khí cụ hòa bình,
biến nỗi sợ hãi thành sự tin tưởng,
và biến những tranh cãi thành sự tha thứ.

Xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa hi vọng,
để chúng con có thể kiên trì chọn con đường đối thoại và hòa giải.
Bằng cách đó, cuối cùng hòa bình có thể chiến thắng,
những từ ngữ như “chia rẽ, hận thù, chiến tranh”
sẽ bị gạt khỏi tâm hồn mọi người.
Lạy Chúa,
xin làm tan biến bạo lực trên miệng lưỡi và đôi tay chúng con.
Xin canh tân lòng trí chúng con,
để hai tiếng “anh em” sẽ là từ ngữ giúp chúng con xích lại gần nhau,
và nẻo đường cuộc sống chúng con sẽ luôn là Bình An”

(Lời cầu nguyện cho hòa bình của ĐTC Phanxicô, usccb.org).

Chúng ta sẽ hiệp thông với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện dâng nước Nga và Ukraina cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Việc này diễn ra vào lễ Truyền Tin, ngày Tin Mừng cứu độ được sứ thần Gabriel loan báo cho Mẹ Maria và gọi mời cộng tác. Ước gì lễ Truyền Tin 2022 cũng là ngày loan báo Tin Vui Hòa Bình cho hai dân tộc Nga và Ukraina, và cho toàn thế giới.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây