TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa và sự đau khổ

Thứ ba - 22/03/2022 20:08 | Tác giả bài viết: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ |   1138
Có một điều mà con vẫn luôn thắc mắc là sự dữ ở đâu ra. Thiên Chúa có thật sự là Đấng toàn năng và yêu thương con người không? Tại sao Ngài không dẹp bỏ sự dữ ra khỏi thế giới này?
Thiên Chúa và sự đau khổ

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 45: THIÊN CHÚA VÀ SỰ ĐAU KHỔ

Hỏi: Có một điều mà con vẫn luôn thắc mắc là sự dữ ở đâu ra. Thiên Chúa có thật sự là Đấng toàn năng và yêu thương con người không? Tại sao Ngài không dẹp bỏ sự dữ ra khỏi thế giới này? Mỗi khi đối diện với sự dữ, con cảm thấy rất sợ và mất bình an! Chúa giàu lòng thương xót và luôn cứu con người. Vậy sao con thấy lúc nào cũng có đau khổ, nhiều chết chóc?

Trả lời:

Chào bạn,

Vấn đề sự dữ tồn tại là một vấn đề muôn thuở. Đã có không ít giấy mực được viết ra để giải thích về chuyện này. Các đầu óc tầm cỡ của nhân loại cũng đã tốn rất nhiều chất xám để cố gắng đưa ra một lời giải đáp cho vấn đề vẫn luôn thách thức trí khôn và sự hiểu biết của con người. Đứng trước sự dữ, nhiều người, trong đó có người Công Giáo, đã đặt câu hỏi về sự hiện hữu của một Thiên Chúa nhân lành và quyền năng. Họ cho rằng Thiên Chúa không thể quyền năng được vì Ngài đã thua sự dữ, hoặc nếu Ngài quyền năng thì Ngài cũng không nhân lành, vì Ngài đã để mặc cho sự dữ xảy ra.

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bày một bài luận về nó, nhưng chỉ xin đưa ra một vài giải thích vắn tắt, cùng chút tâm tình mà mẹ Giáo Hội đã dạy chúng ta.

Một vài lời giải thích

Nhiều người đã cố gắng đưa ra lời giải đáp về sự tồn tại của sự dữ. Chẳng hạn, đối với thánh Âu–tinh, sự dữ cũng giống như bóng tối, tự nó không phải là một cái gì đó, mà chỉ là sự thiếu vắng của điều thiện, của tình yêu, của ánh sáng. Người khác thì ví sự dữ như một chấm đen trong trật tự vũ trụ, giúp làm nên một bức tranh đẹp nhiều màu sắc; bức tranh mà chỉ có một màu thì không đẹp, thậm chí, đôi khi bức tranh cũng cần những mảng tối đen thì mới trở nên lôi cuốn và hấp dẫn.

Số khác nữa thì coi sự dữ như một phương tiện mà Thiên Chúa dùng để giáo dục con người, giống như bố mẹ dùng đòn roi để sửa dạy hay nhắc nhở con cái khi chúng làm điều gì đó sai. Cũng có người cho rằng những sự dữ xảy đến trong thế giới này là lời cảnh báo hay những dấu chỉ và có khi là hình phạt mà Thiên Chúa gửi đến nhân loại. Nhưng lý thuyết vẫn là lý thuyết. Sự dữ vẫn cứ nhan nhản đó. Bất chấp bao nhiêu lời giải thích đưa ra, sự dữ vẫn nằm trong cái mà ta gọi là mầu nhiệm.

Người ta phân biệt giữa sự dữ thể lý (động đất, sóng thần, lũ lụt…) và sự dữ luân lý (giết người, lừa gạt, gian dối…). Sự dữ thể lý phần lớn xảy ra theo quy luật vận hành của thế giới tự nhiên. Vì vũ trụ này chưa hoàn hảo nên nó phải trải qua những giai đoạn chuyển biến. Sự thay đổi của thế giới này nhắc nhớ chúng ta về sự mau qua của kiếp sống mà chúng ta đang trải qua, để hướng về một thực tại vĩnh viễn. Tuy vậy, cũng có nhiều sự dữ thể lý xảy đến do sự tham lam và thiếu trách nhiệm của con người (ví dụ: phá rừng vô tội vạ sẽ dẫn đến thiên tai, lũ lụt…). Còn sự dữ luân lý thì liên quan đến tự do của con người. Nói cách khác, chính con người lạm dụng tự do của mình để rồi gây ra bao sự dữ cho thế giới.

Tác giả sách Sáng Thế đã cố gắng đưa ra một câu trả lời mà có lẽ chúng ta cần nhiều thời gian để suy nghĩ về nó: sự dữ đến trong trần gian này từ thói hống hách ngang tàng của con người. Con người vốn dĩ là loài thụ tạo, thân phận nhỏ bé như hạt cát giữa vũ trụ này, vậy mà cứ luôn cho rằng mình là Tạo Hóa, là Chúa Tể, là số một, là nhất. Hình ảnh Adam và Eva đã ăn trái cấm theo lời dụ dỗ của con rắn bất chấp mệnh lệnh của Thiên Chúa chính là minh hoạ cho việc con người (mà Adam và Eva là hình mẫu đại diện) đã cãi lệnh Thiên Chúa, muốn làm theo ý riêng, muốn tự quyết định cuộc đời mình, thậm chí là muốn mình ngang hàng với thần linh.

Thế nhưng, chẳng cần ai giải thích, từ khi có ý thức, con người đã nhận biết rằng mình có tự do, nhưng tự do của mình là một tự do có giới hạn. Ấy vậy mà chẳng bao giờ con người chịu bằng lòng với sự thật này. Con người luôn muốn vượt qua giới hạn của mình để cố gắng chiếm đoạt cái không thuộc về mình. Con người nuôi trong mình tham vọng bá chủ thế giới mà quên đi thân phận thật sự của mình. Nếu Ngài ra tay xoá bỏ sự dữ thì cũng đồng nghĩa với việc Ngài lấy đi khỏi con người sự tự do. Lúc đó, con người không còn là con người nhưng  chỉ là những cỗ máy mà thôi. Thật ra, chính con người đã tự đưa mình vào chỗ chết khi không chấp nhận sự giới hạn của mình.

Có phải chúng ta đang đổ lỗi cho Thiên Chúa?

Khi xảy ra chiến tranh, dịch bệnh, lũ lụt, sóng thần… dẫn đến cái chết của bao nhiêu người, người ta vẫn tự hỏi “Thiên Chúa ở đâu rồi”, “có Thiên Chúa tồn tại không” rồi người ta chối bỏ Thiên Chúa. Phải chăng khi đặt những câu hỏi như thế, ta dường như cho rằng Thiên Chúa phải có trách nhiệm cho những gì con người chúng ta gây ra từ lối sống bừa bãi của mình? Phải chăng trong mắt ta, đáng lẽ Thiên Chúa phải dùng quyền năng của mình để dẹp bỏ những chuyện này đi? Hình bóng của những điều xấu xa như thế không được xuất hiện trên thế giới này. Nếu Thiên Chúa làm được như thế, thì họ sẽ tin là có Thiên Chúa. Không thì thôi!

- Họ muốn rằng họ cứ bất chấp phá rừng, phá núi theo ý muốn của họ nhưng Thiên Chúa đừng để lũ lụt xảy đến.

- Họ muốn rằng họ cứ tham nhũng, lộng quyền, ghen ghét, đua tranh, nhưng Thiên Chúa đừng để chuyện đánh chém chết người xảy đến.

- Họ muốn rằng họ cứ mặc sức hãm hại nhau, nói xấu nhau, gian lận với nhau, lừa gạt nhau… nhưng Thiên Chúa đừng để điều tai hại nào xảy đến với họ.

- Họ muốn rằng tất cả những người xấu trên thế giới này chết hết đi, chỉ trừ họ mà thôi, như thể họ là người công chính, chẳng bao giờ vương phải tội lỗi nào!

Những ước muốn vô lý này của họ như muốn biến Thiên Chúa thành trò cười, một nhà ảo thuật và một nô lệ phục vụ họ. Nhưng thử đặt câu hỏi: Nếu Thiên Chúa ra tay tiêu diệt hết những người có tội, liệu có ai tồn tại trên đời để đặt câu hỏi về vấn đề sự dữ nữa không? Chúng ta có chắc là mình đủ thánh thiện và trong sạch để còn ngồi đây mà đặt câu hỏi “tại sao Thiên Chúa không xoá bỏ mọi bóng dáng sự dữ trên thế giới này”?

Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính mình khi sáng tạo ra quy luật tự nhiên rồi phá vỡ nó cách tuỳ thích, như thế chẳng còn khoa học nữa. Thiên Chúa cũng không thể lấy lại tự do đã ban cho con người. Con người, vì sống như một cộng đồng nhân loại, phải gánh chịu những gì mà chính mình đã gây ra.

Xét cho cùng, cả thế giới hay vũ trụ này có tiêu tan đi chăng nữa thì đối với Chúa cũng chẳng có gì ghê gớm. Ngài có thể tạo ra cả tỷ vũ trụ như thế này “trong vòng một nốt nhạc”. Nhưng Ngài đã không làm điều đó. Huỷ bỏ thế giới cũ để làm lại một thế giới mới sẽ là một bằng chứng cho thấy sự thất bại của Thiên Chúa. Quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở chỗ: Ngài không huỷ bỏ cái cũ, nhưng chính từ trong bùn lầy của cái xấu xa đó, Ngài làm phát sinh sự sống. Sự dữ sẽ bị thất bại ngay tại nơi mà nó tưởng là nó chiến thắng.

Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện thế nào trước sự dữ?

Dù con người chúng ta phải chịu những gì do chính mình gây ra, Thiên Chúa vẫn biểu lộ tình yêu và quyền năng của Ngài. Quả vậy, nếu Thiên Chúa không còn yêu thương thế giới này, chắc nó đã tan vào hư vô, con người chúng ta chắc chắn cũng sẽ không còn tồn tại. Sẽ chẳng còn nụ cười, chẳng còn tình thương, không còn hơi ấm.

Thiên Chúa cũng thể hiện quyền năng của Ngài không theo như cách chúng ta vẫn nghĩ. Nếu có ai đặt câu hỏi là tại sao Thiên Chúa cứ dửng dưng trước sự dữ như thế, thì câu trả lời sẽ là: bạn có chắc là như thế không. Ta vẫn thường bị ám ảnh khi một cây to đổ xuống, nhưng lại không để ý đến chuyện có cả tỷ tỷ cây nhỏ đang mọc lên, như lời một khuyết danh nào đó đã nói.

Giữa thế giới này, ta đâu chỉ thấy những điều xấu xa. Đâu đó vẫn có rất nhiều những tổ chức thiện nguyện, những con người dám hy sinh cả cuộc đời mình vì người khác. Cuộc sống này tuy nhiều bùn lầy, nhưng cũng không thiếu những cánh sen đẹp. Đang khi có nhiều người nhắm mắt lìa đời vì nhiều lý do khác nhau, thì cũng có biết bao em bé được đi vào thế giới. Bên cạnh những con người tàn ác, ta vẫn thấy biết bao anh hùng giữa thế gian. Chẳng qua là giữa ruộng lúa tươi tốt vẫn còn chen chút đám cỏ dại xen ngang. Bản thân chúng ta được mời gọi hãy sống thật tốt với bản tính lương thiện của mình.

Còn những người làm nên những điều ác, ta đành để họ nói chuyện với Thiên Chúa thôi. Thật ra, có nhiều chuyện xảy ra chúng ta không thể biết thực hư đúng sai thế nào. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng toàn tri và toàn năng mới biết rõ lòng người, và với tư cách là Đấng Công Bình, Ngài sẽ có cách mang mọi sự đến chỗ tốt đẹp tuỳ theo công trạng của mỗi người.

Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy, sau những biến cố tang thương, luôn có một cái gì đó tốt lành xuất hiện. Không phải là Thiên Chúa chỉ có thể làm ra cái tốt đẹp từ cái xấu xa như thể Ngài là người “chủ mưu” làm ra điều xấu ấy, và cũng không phải là Thiên Chúa tìm cách khắc phục nó như một giải pháp “chữa cháy tức thời” như thể Ngài chỉ là người “đi sau”, cố gắng giải quyết vấn đề trong thế bị động. Chẳng có điều gì xảy đến mà nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Tất cả đều nằm trong “tri thức thần linh” của Ngài. Ngài là chủ của mọi sự và có quyền năng trên mọi sự.

Khi Đức Giêsu đến trong trần gian này, Ngài bước vào thân phận thụ tạo, Ngài cũng chịu biết bao phiền phức do sự dữ gây ra, nhưng chẳng bao giờ Ngài giải thích cho chúng ta biết do đâu mà sự dữ xuất hiện. Dường như Ngài chẳng quan tâm đến chuyện đó và cũng không đặt vấn đề về nó. Nhưng bằng lối sống và cách hành xử của mình, Ngài chỉ cho chúng ta làm sao để chiến thắng nó: đó chính là sự vâng phục thánh ý Cha.

Ngài thậm chí còn dạy rằng phúc cho những người chịu đau khổ (x. Mt 5,1–12; Cv 5,41). Thánh Phaolô đã cảm thấy hạnh phúc khi gặp đau khổ[1]. Sự dữ có thể đến với chúng ta như nó vẫn thường đến, nhưng chúng ta đã được chỉ cho cách làm sao để vẫn có được bình an ngay nơi tâm điểm của sự dữ. Chúng ta đã được mặc khải cho biết dựa vào đâu và dựa vào Ai mà ta có thể hiên ngang đối diện với nó mà không chút sợ hãi gì. Chúng tôi tin rằng bạn đã hiểu chúng tôi đang muốn nói điều gì và đến Ai rồi, đúng không?

Vũ trụ này vốn được tạo dựng, nên nó luôn có những bất ổn trong đó. Chỉ nơi Thiên Chúa, mới có sự hoàn hảo, không có một vết ô nhơ nào. Chúng ta được mời gọi để hướng về Ngài để có được hạnh phúc vĩnh viễn là vì vậy. Hơn hết, chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm mầu nhiệm Thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu để cảm nghiệm cách rõ ràng và thâm sâu cách Thiên Chúa làm việc. Chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá là một bằng chứng hùng hồn hơn bao giờ hết về một Thiên Chúa tình yêu và cũng quyền năng vô cùng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (21.3.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây