TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Giuse sống trọn vẹn tinh thần Mùa Chay

Thứ tư - 16/03/2022 21:00 |   1572
Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận.
Thánh Giuse sống trọn vẹn tinh thần Mùa Chay

 

 
  •  
    •  


THÁNH GIUSE SỐNG TRỌN VẸN TINH THẦN MÙA CHAY
Phêrô Phạm Văn Trung

Lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, 2022


WHĐ (16.3.2022) - Trong Mùa Chay, Giáo Hội mừng lễ Thánh Giuse, Ban Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria. Điều này hẳn có ý nghĩa của riêng nó.  Thánh Giuse là gương mẫu đời sống kín đáo về việc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh vốn được kêu gọi trong các bài đọc Mùa Chay, rõ ràng nhất là trong bài Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay Thánh:

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, sẽ trả lại cho anh.”
Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,1-6.16-18).

Thánh Giuse, người bạn trăm năm khiết tịnh của Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu, cho chúng ta một gương mẫu về nhân đức và sự thánh thiện. Nơi Ngài câu ngạn ngữ “Hành động lớn hơn lời nói”, hay như ông bà người Việt ta thường nói: “Lời nói gió bay, gương bày lôi cuốn”, được áp dụng cách hoàn hảo. Không có lời nào được ghi lại của Thánh Giuse trong các trình thuật Tin Mừng; tuy nhiên, những hành động của Ngài, khi được xem xét và suy ngẫm, nói lên những nhân đức mà mọi tín hữu có thể rút ra để thăng tiến tâm linh của chính họ, nếu họ vẫn cố gắng, dù trong thầm lặng, sống theo cung cách của Thánh Giuse, nhất là trong mùa chay: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, vì họ biết rằng: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6: 18).


ĐTC Phanxicô trong Tông thư “Patris Corde - Với trái tim của người cha[1] đã giải thích những đặc điểm tính cách của Thánh Giuse như một người cha nhân đức và yêu thương: đón nhận thánh ý Thiên Chúaluôn sẵn sàng thi hành thánh ý Thiên Chúa như đã được mạc khải trong Lề Luật (x. Lc 2,22.27.39) và trong bốn giấc mơ (x. Mt 1,20; 2: 13.19.22)[2] bày tỏ ơn gọi làm cha của Ngài trong một công cuộc sáng tạo một cách can đảm “Thiên Chúa đã hành động qua thái độ tin tưởng vào lòng can đảm đầy sáng tạo của Thánh Giuse[3]. Thánh Giuse thể hiện giá trị và phẩm giá của công việc là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình[4] và tự hiến chân thành để phục vụ nhu cầu của Mẹ Maria và Chúa Giêsu “Phúc Âm kể lại rằng ngài trỗi dậy, ẵm lấy Hài nhi và cùng với Mẹ Người làm như Thiên Chúa đã truyền (x. Mt 1,24; 2,14.21)”[5] như “là hình bóng trần gian của Cha trên trời” của chúng ta.[6]

Chay tịnh trong tĩnh lặng.

Chúng ta hãy hình dung, cùng với Mẹ Maria ở hậu trường, Thánh Giuse là người thầy chuẩn bị cho Chúa Giêsu bước vào sứ vụ công khai của Ngài với tư cách là Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu. Tuy nhiên Mẹ Maria và Thánh Giuse không được công chúng khen ngợi hay công nhận. Từ khi trở về từ đền thờ Giêrusalem năm Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, các trình thuật Tin Mừng cho thấy Mẹ Maria và nhất là Thánh Giuse không nói một lời nào, và các thánh sử Tin Mừng cũng không cho biết Mẹ Maria và Thánh Giuse sinh sống như thế nào trong những năm sau đó. Người ta có thể suy nghĩ không sai lầm rằng Thánh gia sinh sống như tất cả các gia đình bình thường khác “Thánh Gia đã phải đối mặt với những vấn đề cụ thể như mọi gia đình khác…”[7]
Riêng về Thánh Giuse, kể từ trình thuật “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốtNhưng ông bà không hiểu lời Ngài vừa nói” (Luca 2: 48-50) các thánh sử không nói gì về Ngài nữa, thậm chí Ngài chết khi nào, ra sao…cũng không chỗ nào nhắc tới! Phải chăng các thánh sử qua sự im lặng đó có ý muốn nói rằng Thánh Giuse sống, làm việc, lo liệu mọi nhu cầu vật chất cụ thể cho vợ con và chuyên cần sống đạo theo lề luật Môsê như bất cứ một người chồng, người cha Do Thái nào khác vào thời đó?

Sự im lặng ấy có lẽ cho phép chúng ta ngày nay hiểu ra được sự khác biệt vừa mới mẻ vừa lớn lao so với bất cứ người chồng người cha nào, mà chỉ Thánh Giuse có được. Đó là Ngài cảm nghiệm và hiểu ra rằng trẻ Giêsu, vốn là con trai của Ngài theo pháp lý và cũng là người con được thiên sứ, tức là Thiên Chúa, giao phó cho Ngài, không phải là một con trẻ như mọi trẻ con khác, mà “là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 2: 20-23). Và điều này luôn luôn khiến Ngài suy nghĩ trong trầm mặc, đến độ chiêm niệm như xuất thần không nói lên lời:
Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1: 20-22).

Con trẻ này được Giuse đặt tên là Giêsu, người con trai do bà Maria sinh ra: “Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria sao…?” (Mt 13: 55), nhưng cũng là con  do quyền năng Chúa Thánh Thần…”

Ở đây Thánh Giuse hẳn cảm thấy: “có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp!” (Xuất hành 3: 19). Đó là bàn tay của Thiên Chúa, Thiên Chúa của Abraham và của các tổ phụ, của các nhà lãnh đạo Môsê và Giôsuê tràn đầy uy lực của Thiên Chúa, của Vua Đavít hùng mạnh, của các tiên tri cao cả Isaia, Giêrêmia, Êlia, Êlisa, của bao đời cha ông, của toàn dân Israel. Bàn tay mạnh mẽ ấy đang sắp đặt lại lịch sử của thế giới, của dân Israel, thông qua vận mạng của Giuse…! Vốn dĩ vẫn nghĩ mình như bao người đàn ông Do Thái bình thường thời bấy giờ, và vốn dĩ ân cần lắng nghe Sách thánh nơi hội đường, đọc sách thánh nơi phòng riêng, suy ngắm lời các tổ phụ và tiên tri khi lao tác trong xưởng thợ của mình, nay bỗng dưng được Thiên Chúa kêu mời đóng góp phần mình, thì Giuse còn có thể làm gì hơn là “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1:24)?


Như thế, Thánh Giuse không thi hành sứ mệnh ngôn sứ qua miệng lưỡi – Ngài là ngôn sứ im lặng thi hành sứ mạng qua bàn tay phục vụ tận tình và hết sức mau mắn: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập” (Mt 2: 14). Thánh Giuse không do dự vâng phục, không đặt ra những câu hỏi liên quan đến những khó khăn mà Ngài sẽ phải đương đầu “Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “fiat” của chính mình, cũng như khi Đức Maria được sứ thần truyền tin và như Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.[8] Lời đáp của Thánh Giuse là tức khắc: vâng nghe trong im lặng, khiêm cung tôn thờ Thánh ý cao vời không thể dò thấu từ Thiên Chúa các đạo binh, của các tổ phụ của Ngài:

Thánh! Thánh! Chí Thánh!
Thiên Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! "
Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển;
khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên:
"Khốn thân tôi, tôi chết mất!
Vì tôi là một người môi miệng ô uế,
tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế,
thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Thiên Chúa các đạo binh!”
(Isaia 6:3-5)


Thánh Giuse hẳn đã từng sửng sốt, kinh ngạc và hoang mang không ít trước những điều không thuộc phàm nhân, đến độ định tâm tránh xa nơi Thiên Chúa hành động, vì: “bà Maria… đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1:18).

Phản ứng “chạy trốn” Thiên Chúa, hoặc “tránh xa” những điều thánh thiêng là điều tự nhiên của con người vốn tội lỗi:

Ađam thưa với Thiên Chúa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (Stk 3: 10) hoặc:

Từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Môsê! Môsê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây!" Ngài phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Ngài lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ábraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp." Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa” (Xuất hành 3:5-6).

Sách Xuất hành 33,18-20 còn viết: “Môsê nói: Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài. Chúa phán: Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Thiên Chúa trước mặt ngươi. Ta sẽ thương ai thì thương, xót ai thì xót. Ngài phán: Ngươi sẽ không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”.

Ông Gióp cũng đã từng khẳng định:

Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa,
phàm nhân cho mình là công chính thế nào được?” (Gióp 9,2)

“Phàm nhân là gì để tự cho mình là thanh sạch,
và đứa con do người phụ nữ sinh ra là gì,
để tự cho mình là công chính?
Ngay các thánh của Ngài, Thiên Chúa còn không tin tưởng,
ngay các tầng trời, cũng chẳng thanh sạch trước mắt Ngài,
huống chi con người ghê tởm và hư đốn,
con người chuyên làm điều gian ác như uống nước lã?”
(Gióp 15,14-16)


“Trước nhan Thiên Chúa
phàm nhân cho mình là công chính thế nào được,
và đứa con do người phụ nữ sinh ra
làm sao dám coi mình là thanh sạch?
Này, trước mắt Thiên Chúa, ngay cả ánh trăng cũng lu mờ
và tinh tú cũng không thanh sạch,
thì phương chi người phàm chẳng qua là giòi bọ
và con người, cũng chỉ thuộc loại sâu.”
(Gióp 25,4-6).


Thánh Giuse hẳn cũng thuộc câu của Ông Môsê nói với dân Israel trong sách Đệ nhị luật rằng: “Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Aicập, trước mắt anh em không?” (Đnl 4:32-34),
hoặc lời Thánh vịnh 2:

Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm.
Vậy giờ đây, hỡi các vua chúa, hãy biết điều,
thủ lãnh trần gian, nào tỉnh ngộ!
Đem lòng kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa,
hãy khiếp run phủ phục dưới chân Người!
Kẻo Chúa nổi lôi đình là các ngươi mạt lộ,
lửa giận của Người giây lát sẽ bừng lên!”
(Tv 2:9-12).


Nhưng Thiên Chúa lại ghé mắt nhìn đến người công chính:
Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo
(Tv 32:11)


Thánh Giuse được coi “là người công chính” (Mt 1: 19), chứ không phải kẻ tội lỗi, nên Thiên Chúa sai “sứ thần Chúa hiện đến” chặn đứng “toan tính” của Ngài và “báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”, là người mà Giuse “không muốn tố giác, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” Sứ thần Chúa còn giải thích và khích lệ Giuse: “Vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần… để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1: 18-25).

Hơn nữa, đời sống của trẻ Giêsu trong gia đình Nadarét đã phản ánh dung mạo của Thiên Chúa và mang đậm dấu ấn của Thánh Thần Thiên Chúa. Lẽ nào Thánh Giuse, ngay cả chỉ với nghĩ suy bình thường như mọi người đàn ông khác, lại không nhận ra điều lạ lùng nhưng rất đỗi hiển nhiên đó trong gia đình của mình?

Chắc chắn thánh Giuse vẫn cần phải nói năng trao đổi với bà con hàng xóm, với khách hàng nghề mộc của Ngài, với các rábbi nơi hội đường làng Nadarét, và nhất là với Mẹ Maria. Tuy nhiên sự im lặng của Thánh Giuse là một sự thinh lặng nội tâm, sự thinh lặng của một cung thánh, nơi chỉ những ai đã chứng kiến và cảm nếm được quyền uy vô cùng của Thiên Chúa vốn khiến họ cảm thấy mình như tan biến đi hết để bước vào một cõi tĩnh lặng sâu thẳm, bước vào tận cung lòng Thiên Chúa.

Chính Thánh Giuse cảm thấy khao khát thinh lặng để có thể luôn nhận ra, luôn thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa và sống dưới cái nhìn của Ngài, vốn mời gọi mọi người dìm mình vào trong sự sống viên mãn của Thiên Chúa, sống trong bầu khí của Thiên Chúa, trong Cảnh Vực Thần Linh!

Ở nơi Thánh Giuse, lời nói đã được hoàn toàn kiềm chế, dành chỗ cho sự hiệp thông với Thiên Chúa, trong tĩnh lặng sâu xa của đáy lòng, để chiêm ngắm các công trình mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đó chính là mục đích tối thượng của mọi hành vi chay tịnh.

Vả lại, những người cha và người mẹ thường thực hiện vô số những hành động yêu thương và vô số những hy sinh không được công nhận mà chỉ Cha trên trời của chúng ta mới nhìn thấy, công nhận và ban thưởng? Tất cả chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse một con người đi qua mà chẳng được nhận ra, con người của sự hiện diện hằng ngày, kín đáo và âm thầm, một người biện hộ, một người nâng đỡ và một người hướng dẫn trong những lúc khó khănĐây là sự hy sinh, là “chay tịnh” trong Mùa Chay: hy sinh từ bỏ sự công nhận, cho đi mà không tính đến công sức hoặc nhận lại một điều gì đó như sự trả ơn xứng đáng.

Chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả những điều này trong cuộc sống của mình trong tinh thần Mùa Chay chưa?

Chính trong những năm ẩn dật lặng im tại Nadarét mà Chúa Giêsu, về nhân tính, đã học được ở trường thánh Giuse bài học căn bản và quan trọng nhất, đó là làm theo Thánh ý của Thiên Chúa Cha, đến nỗi Thánh Ý đó trở nên lương thực hàng ngày của Ngài: “Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài.” (Gioan 4:34).

Cho đi – Từ bỏ chính mình.

Hãy tưởng tượng cách Thánh Giuse lao động hết ngày này qua ngày khác bằng nghề thợ mộc, kiếm sống để lo cho các nhu cầu của Thánh Gia và để Mẹ Maria ở nhà chăm sóc cho con trai của các Ngài là Chúa Giêsu. Không còn nghi ngờ gì nữa, các Ngài chắc hẳn đã trao đổi về việc phải làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình và cũng góp phần vào các nguồn từ thiện. Đây là sự “bố thí” không được công nhận mà người ta cảm thấy khi phải từ bỏ những nhu cầu và sở thích của chính mình nhằm chu cấp không chỉ tiền bạc mà còn công việc và sức lực cho người khác. Việc bố thí này, vốn thực chất là sự từ bỏ con người ích kỷ của mình, đặc biệt được kêu mời thực hiện trong Mùa Chay. Thánh Giuse đã cho đi hết, tận căn, con người của mình, để chỉ còn “liền trỗi dậy, và đang đêm… làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1: 14, 24) trong tin tưởng, phó thác, cậy trông và vâng theo Lời Thiên Chúa. 

Trong Lễ trọng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Mẹ Maria, Giáo hội đã sử dụng thư Rôma nói về tổ phụ Abraham để nói về Thánh Giuse, ví Ngài như tổ phụ Abraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế… Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rôma 4: 18,22). Abraham đã tin kính Thiên Chúa hết lòng như thế nào, thì Thánh Giuse cũng một lòng kính tin như vậy:Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1: 24).

Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Ngài tin vào lời sứ thần đã nói. “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, nơi mà bạo lực tinh thần, ngôn từ và thân xác đối với phụ nữ đã quá rõ ràng, thì Thánh Giuse trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế. Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp ngài quyết định”.

“Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình, chúng ta sẽ không thể đi tiếp, vì chúng ta sẽ luôn là con tin cho những kỳ vọng và những thất vọng theo sau.”


“Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Chỉ khi nào biết chấp nhận và giao hoà như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một lịch sử bao quát hơn, một ý nghĩa sâu sắc hơn.[9]

Tinh thần cầu nguyện

Hãy tưởng tượng gánh nặng của những hoàn cảnh không thể vượt qua và những khó khăn mà Thánh Gia phải gánh chịu, và sự trông cậy của Thánh Cả Giuse vào Thiên Chúa qua lời cầu nguyện tin cậy cho phép thánh nhân luôn trung thành với sự kêu gọi của Thiên Chúa và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nhiều cảm nghiệm tưởng như vô vọng mà Thánh Giuse đã thành tâm chịu đựng và kiên nhẫn vượt qua, nhờ ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa, là “lời cầu nguyện” của tinh thần Mùa Chay mà Thánh Giuse làm gương cho tất cả chúng ta khi chúng ta mở lòng với Thiên Chúa trong Mùa Chay để nhận ra và đón nhận nhiều hơn tình yêu của Ngài. Chỉ trong tinh thần cầu nguyện lặng lẽ thẳm sâu như vậy, đến độ cuộc đời mình đã trở nên một với lời mình cầu nguyện, từng hơi thở là từng nhịp cầu nguyện, liên lỉ chiêm niệm và kết hiệp với thánh ý Thiên Chúa, mà Thánh Giuse trở thành nguyên mẫu tuyệt diệu cho bất cứ ai muốn sống đời cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa  mọi nơi mọi lúc.


Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, “Cầu nguyện chiêm niệm là cách diễn tả đơn giản mầu nhiệm cầu nguyện. Đó là một cái nhìn của đức tin chăm chú vào Chúa Giêsu, một sự chăm chú vào Lời Chúa, một tình yêu thầm lặng. Cầu nguyện chiêm niệm đạt được sự kết hợp thực sự với lời cầu nguyện của Chúa Kitô đến mức khiến chúng ta thông phần vào mầu nhiệm của Ngài”.[10]

Định nghĩa trên đã tóm tắt hoàn hảo cuộc đời của Thánh Giuse, người có cái nhìn của đức tin chăm chú vào Chúa Giêsu, một sự chăm chú vào Lời Chúa, một tình yêu thầm lặng đến mức đã khiến Thánh Giuse thông phần vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu?

 Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập.” (Mt 2: 13-15).


Ngay cả trong nỗi sợ hãi như vậy, thánh Giuse vẫn nhanh chóng để cho thánh ý và kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa một vị trí hành động có hiệu quả. Qua đó Thánh Giuse trao cho chúng ta một bài học rằng đức tin vào Thiên Chúa bao gồm việc tin rằng Ngài có thể tác động đầy hiệu quả ngay cả khi chúng ta sợ hãi, kém cỏi và yếu đuối “Ý Chúa, lịch sử và kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, ngay cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giuse. Vì thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn[11].
Cùng với ĐTC Phanxicô chúng ta dâng lên Thánh Giuse lời cầu nguyện này:

 
Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài. 
 
Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin giúp chúng con đón nhận ân sủng, lòng thương xót và lòng can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.[12]
 
 
[1] Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pius IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Với trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.
[2] Tông thư Patris Cordephần Dẫn Nhập, đoạn 3
[3] đã dẫn, số 5, Một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo, đoạn 2.
[4] đã dẫn, số 6, Một người cha làm việc, đoạn 1.
[5] đã dẫn, số 5, Một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo, đoạn 7.
[6] đã dẫn, số 7, Một người cha trong bóng tối, đoạn 1.
[7] đã dẫn, số 5, Một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo, đoạn 6.
[8] đã dẫn, số 3. Một người cha vâng phục, đoạn 8.
[9] đã dẫn, số 4. Một người cha chấp nhận, đoạn 1,2 và 3.
[10] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2724.
[11] Tông thư Patris Corde, số 2, Một người cha dịu dàng và yêu thương, đoạn 7.
[12] Phần kết thúc Tông thư Patris Corde – Với trái tim của người cha.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-giuse-song-tron-ven-tinh-than-mua-chay-44689

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây