TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vài nét về chân dung mục tử thời đại

Thứ tư - 28/07/2021 20:12 | Tác giả bài viết: Aug. Trần Cao Khải |   1444
Trong xã hội Việt Nam hôm nay, càng ngày giáo dân càng phản ảnh về những tiêu cực của đời sống linh mục, nhất là lối sống hưởng thụ, quyền hành, ngặt nghèo, xa cách giáo dân…
Vài nét về chân dung mục tử thời đại

PHÁC HỌA VÀI NÉT VỀ CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ THỜI HIỆN ĐẠI

WHĐ (28.7.2021) - Để nói về hình ảnh đặc trưng của người mục tử ngày nay, người ta thường nhắc đến con người và nếp sống của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, đương kim Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo toàn cầu. Quả thực từ khi còn là Tổng giám mục ở Buenos Aires đến khi lên ngôi giáo hoàng, ngài luôn tỏ ra là một mục từ sống thánh thiện, đơn sơ, bình dân, khó nghèo và giản dị. Đây quả là mẫu gương mục tử thích hợp trong thời đại hiện nay.

Trong bài viết có tựa đề “Đức Thánh Cha Phanxicô, khuôn mặt người linh mục hôm nay[1], tác giả đã mở đầu như sau:

“Trong xã hội Việt Nam hôm nay, càng ngày giáo dân càng phản ảnh về những tiêu cực của đời sống linh mục, nhất là lối sống hưởng thụ, quyền hành, ngặt nghèo, xa cách giáo dân…Xin chia sẻ một số nét tiêu biểu trong tính cách rất dễ thương, và là khuôn mặt người linh mục rất dễ mến của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là tính cách rất hấp dẫn của con người linh mục, vì nó phác họa lại dung mạo của Đức Kitô, đem lại một sức năng động mới cho các linh mục hôm nay.”

Tiếp theo, nội dung bài viết nêu trên đã đề cập đến một vài lối sống tiêu biểu cụ thể của ĐTC Phan-xi-cô, có thể tóm tắt như sau:

- Sống khó nghèo và sống cho người nghèo: Sau khi được bầu, ĐTC đã chọn danh hiệu là thánh Phanxicô Assisi, và ngài giải thích: “Vì tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Trong một buổi lễ tại nhà nguyện thánh Matta, ĐTC đã công kích việc tôn thờ tiền bạc và tỏ ra rất phiền muộn. Ngài nói rằng, dính bén tiền bạc thì sẽ xa cách Thiên Chúa. “Tiền bạc làm cho tinh thần trở thành bệnh tật, làm đức tin trở thành tàn tật”. Ngài còn nói thêm rằng, tình yêu tiền bạc khiến các linh mục và giám mục phạm tội. Và nếu lòng tham nổi lên, thì “tinh thần hư hỏng, có nguy cơ coi tôn giáo như một nguồn thu lợi”.

- Mục tử nhân lành và chứng nhân lòng thương xót: ĐTC Phan-xi-cô đã từng khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngay từ những tháng đầu tiên, ngài đã diễn tả sứ vụ của mình: “Tôi thấy rõ rằng điều mà Giáo hội cần nhất lúc này là khả năng chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, sự gần gũi, sự thân thiện. Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến sau một cuộc chiến… Chúng ta phải chữa những vết thương đã, sau đó mới trao đổi về những gì còn lại…” ĐTC cũng nhấn mạnh đến lòng Chúa thương xót, không ai được để cho mình thất vọng. Phải biết đón nhận lòng thương xót và trở nên người biết xót thương. Trong một bài giảng, ngài nói: “Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện.”

- Quyền hành là phục vụ: “Quyền hành đích thực là phục vụ, như Chúa Giêsu đã phục vụ. Người vĩ đại nhất là người phục vụ nhiều nhất”. Trong bài giảng Chúa nhật 18-10-2015, khi suy niệm bài Phúc Âm Mc 10, 33-40, ĐTC Phan-xi-cô đã nói như sau: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn…Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông…Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên”.

- Chân thành và giản dị: Điều giúp ĐTC Phan-xi-cô gần gũi với đại chúng là sự chân thành, nhất là khi ngài đề cập cả đến những thiếu sót của Giáo hoàng: “Ngay cả giáo hoàng cũng đi xưng tội 2 tuần 1 lần, vì giáo hoàng cũng là một tội nhân…”. Các giáo hoàng khác cũng nói tương tự như thế, nhưng mang kiểu cách thánh thiêng, còn cách nói của Đức Phanxicô làm phá vỡ hết mọi bệ tượng. Mỗi ngày ngài đều rời phòng ở lúc 10g sáng để đến chỗ làm việc. Người ta có thể gặp ngài nơi hành lang, trong thang máy, có khi thấy ngài uống café và đang tìm tiền lẻ để trả tại máy bán café…

ĐTC chân thành nhưng cũng thẳng thắn tố cáo những tham nhũng trong Giáo hội, không ngại nói tới những giáo sĩ sống bất xứng với sứ vụ của mình, và chạy theo những của cải trần gian. Ngài đã than phiền: “Tôi đau buồn khi chứng kiến một linh mục hay tu sĩ đi chiếc xe hơi đời mới… Nếu con yêu thích chiếc xe hơi đẹp đẽ thì hãy nghĩ đến tất cả những đứa trẻ đang chết đói”. Đôi khi ngài gay gắt: “Điều làm tất cả chúng ta ghê tởm là thấy giữa chúng ta có những linh mục không chân chính hay nữ tu không chân chính”.

- Sống gần gũi thân tình và liên đới với mọi người: ĐTC Phan-xi-cô luôn tìm cách gặp gỡ con người, đụng chạm đến người ta và để người ta đụng chạm đến mình. Việc tiếp xúc về thể lý là một phần trong cung cách giao tiếp của ngài. Ngài không muốn trở thành bức tượng. Các tín hữu đều có thể ôm ngài, như trường hợp anh quân nhân người Ý sau trận chiến Afganistan trở về đã ở bên ngài thật lâu. Trong mọi cuộc lễ, Đức Phan-xi-cô không đặt khoảng cách với các tín hữu, không giữ khoảng cách nghi lễ. Ngài đón tiếp họ, lôi kéo họ, đụng chạm tới họ. Ngài nói chuyện, lắng nghe và nhìn vào mắt các tín hữu. Trời mưa, ngài vẫn để đầu trần như đám đông khách hành hương.

Trong chuyến tông du Đại hội Giới trẻ tại Rio de Janeiro, Đức Phan-xi-cô đã đến thăm khu dân nghèo Varginha. Ngài đã xuống khỏi xe để đi bộ dưới trời mưa trên những con đường lầy lội trong khu ổ chuột. Như một cha xứ, ngài vào thăm một gia đình trong căn nhà lụp xụp, cùng cầu nguyện và trao đổi với họ, chúc lành và ôm hôn tất cả những đứa con trong gia đình. Sau đó, từ khán đài nhỏ, ngài nói: “Tôi muốn gõ cửa từng nhà chào thăm anh chị em…”

Tác giả bài viết trên cho hay, có người đã thú nhận: “Tôi đã tách rời khỏi Giáo hội, và bây giờ Đức Phanxicô đã đưa tôi trở lại với Giáo hội”. Hoặc ông Marco Tarquinio, tổng biên tập tờ báo Avvenir trích lời một độc giả: “Đã từ lâu người ấy không cầu nguyện, nhưng bây giờ mỗi ngày đều cầu nguyện cho Đức Phanxicô. Giáo hoàng đã đốt nóng con tim người tín hữu, đụng chạm tới những người dè dặt, và tiếp xúc được với những người ở xa nhất”.

Trên đây là một thoáng chân dung mục tử nổi bật nơi ĐTC Phan-xi-cô. Chân dung ấy người ta có thể chiêm ngưỡng, khám phá và đụng chạm đến một cách dễ dàng, như lời Đức Hồng y Tauran đã nhận xét: “Người ta đến Rôma để xem Đức Gioan Phaolô II, để nghe Đức Bênêđictô XVI, và để đụng chạm đến Đức Phanxicô”.

Nhân bài viết đã dẫn trên, xin mạn phép thử phác họa đôi nét về chân dung vị mục tử ngày nay dưới góc nhìn của một giáo dân. Nội dung bài suy tư này gồm 5 phần sau:

1. Mục tử: người chăn chiên mang nặng mùi chiên

2. Mục tử: thân phận người đầy tớ “bị ăn”

3. Mục tử: người phục vụ khiêm nhu và khó nghèo

4. Mục tử: chứng nhân lòng Chúa thương xót

5. Mục tử: mẫu gương nhà truyền giáo nhiệt thành

1. MỤC TỬ: NGƯỜI CHĂN CHIÊN MANG MÙI CHIÊN

Ngày thứ Năm Tuần Thánh 28-3-2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30. Trong buổi lễ này, ngài đã nói với các linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”. Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng, đó là mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt mục tử. Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải như vậy. [2]

Thực vậy, linh mục là vị mục tử được sai đến với cộng đoàn dân Chúa phải “thấm mùi chiên” thì mới chứng tỏ ngài quan tâm chăm sóc chiên của mình, chấp nhận đồng hành và sống chết với họ. Mục tử càng gần gũi với chiên, thì ngài càng hiểu chiên, càng thông cảm và yêu mến chiên. Ngài không biến chức vụ, quyền hành của mình thành rào cản để xa dân Chúa, trái lại ngài sẽ luôn là điểm hấp dẫn mọi người đến với mình để chia sẻ với họ những gì họ đang thiếu, đang khát khao, đang mong đợi.

Cha Andrew Greeley, một tác giả viết sách và một nhà xã hội học đã định nghĩa: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Điều đó cũng có thể hiểu được là mục tử trở nên điểm hẹn đáng trân trọng của mọi tín hữu. Cộng đoàn tìm đến mục tử của họ là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày tâm sự, được khuyên giải, được trấn an vv. Sự thất vọng lớn nhất của người giáo dân đối với vị mục tử của họ là khi tiếng nói của họ không còn được nghe nữa. Lúc đó giữa chiên và chủ chiên như có một bức tường ngăn cách vô hình nào đó, và mối tương quan “ta biết chiên ta và chiên ta biết ta” không còn ý nghĩa gì nữa!

Lời của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en còn đây: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34, 14-16)

2. MỤC TỬ: THÂN PHẬN NGƯỜI ĐẦY TỚ “BỊ ĂN”

Linh mục Antoine Chevrier đã nói một câu đầy ý nghĩa như sau: “Linh mục là người bị ăn”. Điều đó có nghĩa là thân phận của người mục tử là thân phận của người đầy tớ “bị ăn”.

Các linh mục của Chúa được sai đi, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người như lời Đức Ki-tô đã khẳng định (x. Mc 10, 45). Linh mục là người của muôn người, được sai đi để làm “đầy tớ” thiên hạ. Nói linh mục là “đầy tớ” vì các ngài không được tuyển chọn để làm quan trong thiên hạ, mà làm kẻ phục vụ người khác. Càng phục vụ tích cực, càng phải hi sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Khi con người của linh mục bị vắt cạn sức lực, đó là lúc Đức Ki-tô Mục Tử lớn lên trong các ngài và tỏa lan sức nóng ấm áp trong cộng đoàn. Đó cũng là lúc hạt giống chun vùi trong lòng đất sinh hoa kết trái, “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12, 24).

Có lẽ không gì hùng hồn và thuyết phục bằng việc đơn cử mẫu gương mục tử sáng ngời của cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Ngài nổi tiếng là một linh mục rất nhiệt tình trong việc rao giảng và giải tội. Hai thánh vụ này đã làm hao tốn biết bao sức lực của một người tông đồ nhiệt thành và một đầy tớ chuyên chăm của giáo dân.

Về giảng dạy, cha quan tâm soạn bài giảng thật kỹ lưỡng. Cha thường dùng phòng áo để dọn giảng cho yên tĩnh. Cha nghiên cứu các tác giả, có khi xem tới 7 tác giả. Cha đánh dấu những đoạn cần phải chép lại và lắm khi phải phiên dịch tới 40 hay 50 trang sách. Học thuộc lòng trước vào thứ bảy và buổi tối sau khi bổn đạo về nhà, cha đi chung quanh nghĩa địa để lập lại những đoạn khó. Cha lại không quên cầu nguyện trước khi giảng...Cha giảng rất hùng hồn. Có người hỏi: “Tại sao lúc cầu nguyện thì cha nói nhỏ mà khi giảng cha lại nói to thế ?”. Cha trả lời : “Khi giảng phải nói to vì người nghe họ buồn ngủ và nặng tai, nhưng khi cầu nguyện với Chúa thì nói nhỏ vì Người không nặng tai”. Cha giảng rất hùng hồn và dạy dỗ với uy quyền. Bài giảng rất cụ thể với đời sống Dân Chúa và chỉ bảo phải làm gì hay làm như thế nào để giáo dân dễ thực hành.

Về việc giải tội, cha sở họ Ars là một LM nổi tiếng trong việc siêng năng giải tội. Có thể nói tội nhân đã chiếm đoạt tất cả tâm tư, lời cầu nguyện, hãm mình và mọi hành động của ngài. Cha thường ngồi tòa 15 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya…Người ta nối nhau để chờ xưng tội. Có thể nói là cha ngồi tòa liên tục, bởi vì giáo dân xứ Ars xưng tội thường xuyên, lại có các khách hành hương từ các nơi xa kéo đến, có khi lên tới 80.000 người hằng năm. Cha giải tội cả lúc đêm về, bất cứ lúc nào cha cũng sốt sắng với việc giải tội khi có người xin vào những lúc bất thường. Trước ngày qua đời 5 hôm, người ta còn thấy các tội nhân chen chúc bên giường bệnh của cha để lãnh nhận ơn tha thứ. Cha còn được ơn thấu suốt tâm tư và tâm hồn của người khác và ngài biết khôn ngoan đưa dẫn họ vào việc xưng tội, cả khi họ không có ý đi xưng tội khi gặp ngài. Đặc biệt cha còn làm việc đền tội với tội nhân. Cha nói: “Tôi ra cho họ việc đền tội nhẹ nhàng và tôi làm thay cho họ việc đền tội còn lại”....

Một linh mục sống và làm việc như thế thì hiển nhiên là người-bị-ăn đích thực rồi. Chính giáo dân vừa yêu mến ngài lại vừa “hành hạ” ngài. Nhưng nét đẹp diệu vợi và thánh thiêng của vị mục tử là ở chỗ đó. Mọi giáo dân đều có chung một ý nghĩ này là chỉ nguyên sự hiện diện thường xuyên tích cực và sống động của linh mục giữa họ thôi cũng đủ đem lại bình an và niềm vui cho cộng đoàn rồi. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi trái ngược, có nhiều nơi được gặp linh mục đã là khó, được ngồi nói chuyện giãi bày tâm sự với các ngài còn khó hơn, và được ngài lắng nghe, chỉ bảo, tâm sự còn khó hơn gấp nhiều lần...

3. MỤC TỬ: NGƯỜI PHỤC VỤ KHIÊM NHU VÀ KHÓ NGHÈO

Có thể nói, một trong những hình ảnh ấn tượng nhất về vị mục tử ngày nay đó là một con người phục vụ với đức tính khiêm khu và tinh thần khó nghèo. Chúng ta đều biết rằng, linh mục không phải là một nghề và linh mục được sai đến để sống và làm việc giữa dân Chúa như một người cha, người mẹ, người anh, người chị trong tư cách là một đầy tớ phục vụ, chứ không phải là một người cai trị. Trong khi phục vụ, ngài luôn nêu gương khiêm nhường và khó nghèo.

Công đồng Vat II đã nêu rõ: “Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Ki-tô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn (x.1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo hội Thiên Chúa (x.1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người Công giáo và ngoài Công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống...” (x. Vat II, LG 28).

Và Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục (Presbyterorum Ordinis) cũng nói về những đòi hỏi của thừa tác vụ linh mục, “Thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn, từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi”.

Như vậy, linh mục được chọn từ những người bình thường để làm những công việc phi thường. Để thực hiện những việc phi thường, linh mục luôn là người bận rộn và vất vả. Bản thân con người của linh mục qua bí tích Truyền chức thánh đã trở nên một hiến lễ vì cộng đoàn và cho cộng đoàn. Như Đức Ki-tô Mục Tử, linh mục có thể nói, “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Gio 10,10); “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Có thể nói con người và đời sống của linh mục như là tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang khao khát sự sống đích thực của Đức Ki-tô.

Cộng đoàn tín hữu là một gia đình trong đó linh mục được sai đến để chăm sóc, lo lắng và làm gương. Ngài xác tín tuyệt đối việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là người chịu thiệt thòi, lo trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ. Nỗi lo lắng của ngài không phải là an hưởng bản thân mà là gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người đang mong đợi và cần sự hiện diện của ngài.

Linh mục sẽ luôn luôn phải thao thức về nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên làm gì và làm như thế nào để họ “được sống và sống dồi dào”. Nỗi băn khoăn thao thức thường xuyên của linh mục, đó là làm sao mình phải bé nhỏ, tiêu hao đi để cho Đức Ki-tô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để Tin Mừng thực sự lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu. Làm sao hạn chế được những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái... để mọi người sống hiệp nhất yêu thương như Chúa đã dạy. Nguyên chỉ với những thao thức đó thôi, linh mục cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư...Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài.

Đức Giám mục GB Bùi Tuần, giáo phận Long Xuyên đã chia sẻ với các linh mục như sau: “Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hi sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết...” (Tĩnh tâm LM Gp Long Xuyên tháng 6-2002).

Nhìn vào một giáo xứ, có thể nhận ra ảnh hưởng của vị mục tử lớn lao như thế nào. Linh mục xây nhà thờ kiên cố thì giáo dân được yên lòng. Linh mục quan tâm đến người nghèo, bất hạnh thì cộng đoàn bớt đi nhiều cảnh khổ. Linh mục để mắt tới những người khô khan, nguội lạnh, những đôi vợ chồng rối, thì giáo xứ giảm bớt được gương xấu. Linh mục sống nghèo khó, khiêm tốn thì giáo dân có gương sáng sống động để dõi theo vv. Bao lâu linh mục chưa là tấm-bánh-được-bẻ-ra cho người tín hữu “ăn” thì bấy lâu cộng đoàn vẫn còn phải chịu đựng sự đói, sự khát, sự nghèo về tâm linh, về sự sống, về gương sáng chứng tá Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh. 

4. MỤC TỬ: CHỨNG NHÂN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Trong bài giảng lễ cầu nguyện cho linh mục nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục ngày thứ sáu 3-6-2016, ĐTC Phan-xi-cô đã giúp các linh mục chiêm ngắm trái tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô. [3]

ĐTC đã chia sẻ như sau: “Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta đối diện với một câu hỏi căn bản về đời sống linh mục của chúng ta: Con tim của tôi hướng về đâu? Sứ vụ của chúng ta thường đầy những hoạch định và những công việc khác nhau: từ việc giảng dạy cho đến việc phụng vụ, các công việc bác ái, những dấn thân mục vụ và cả những công việc hành chánh nữa. Giữa vô số những hoạt động ấy, chúng ta vẫn luôn phải chất vấn bản thân mình: con tim của tôi gắn chặt vào đâu, con tim của tôi đang hướng về đâu, và đâu là kho tàng mà tôi đang tìm kiếm? Vì Chúa Giêsu đã nói: ‘Kho tàng của anh ở đâu, thì tâm hồn anh ở đó’ (Mt 5,21).

Ngài nhấn mạnh: “Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không còn là một ‘con tim bị dao động’ hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

Ngài cũng lưu ý các linh mục điểm quan trọng này: “Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16). Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình.

Thực vậy, mang trái tim hiến tế như Chúa Ki-tô, linh mục đến với tha nhân nhất là những người đau khổ, tội lỗi, khô khan, để biểu tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận, hoàn cảnh, con người của họ. Sự cảm thông đôi khi không nhiều lời, không ồn ào, mà chỉ cần là một sự hiện diện đồng cảm, một sự im lặng cầu nguyện, một thái độ chan hòa yêu thương. Các tín hữu có cảm giác gần gũi với linh mục chính nhờ cung cách phục vụ khiêm hạ và dễ thương như thế của ngài.

5. MỤC TỬ: MẪU GƯƠNG NHÀ TRUYỀN GIÁO NHIỆT THÀNH

Nếu truyền giáo là bản chất của Hội thánh thì truyền giáo cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các linh mục và các ngài chính là những nhà truyền giáo chuyên trách. Do vậy, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù đang thi hành chức vụ gì thì linh mục cũng luôn sống và làm việc trong bầu khí truyền giáo. Truyền giáo như hơi thở, như nhịp đập trái tim của các ngài. Có thể khẳng định một điều là truyền giáo luôn là mối ưu tư hàng đầu của các chủ chăn.

ĐTC Phan-xi-cô rất quan tâm đến công cuộc truyền giáo, đặc biệt là đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của các mục tử. Ngài đã từng nói:

Cha muốn mọi người ra đi. Cha muốn Giáo hội ra ngoài đường phố…Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình…

Cha muốn một Hội thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội thánh xinh đẹp khi biết ra đi.

Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng.

Trong thư Mục vụ năm 2014 chủ đề “Tân Phúc Âm hoá đời sống các giáo xứ và đời sống thánh hiến”, HĐGMVN đã khẳng định: “Chúng tôi xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục. Chúng tôi cảm ơn anh em đã tận tụy và trung kiên với công việc phục vụ cộng đoàn được trao phó cho anh em. Tuy nhiên chúng ta không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục. Vì thế, xin anh em nghe lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và hãy xem đó như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục tại giáo xứ: Cùng với hàng giám mục, các linh mục ‘phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới’ (Niềm Vui Tin Mừng, số 31).”[4]

Giáo xứ luôn là yếu tố thúc đẩy việc truyền giáo quan trọng nhất: Giáo xứ phải là môi trường thuận lợi nhất giúp giáo dân học hỏi và thực thi mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Ki-tô. Nếu giáo xứ quá thiên về “quản trị hành chánh” thì giáo dân sẽ rơi vào tình trạng thụ động.

Chúng ta thử tham khảo vài chỉ dẫn của ĐGM Phao-lô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Hà Tĩnh theo Thông báo ngày 28-6-2019, như sau:[5]

“Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm và là sứ vụ của các linh mục đã được Thiên Chúa mời gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Linh mục quản xứ không chỉ được mời gọi ‘giữ chiên’ mà còn có bổn phận phát triển đoàn chiên tại nơi mình được sai đến.

“Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa, mọi ban ngành, đoàn thể, HĐMV giáo xứ, các giáo họ, các hội đoàn trong giáo xứ và của mỗi người giáo dân. Loan báo Tin Mừng là mục tiêu của mọi hoạt động của giáo xứ và của từng người Kitô hữu.

“Quan tâm đến việc tìm kiếm ‘chiên lạc’ và đến với những người chưa biết Chúa, đang có thiện chí muốn vào đạo.

“Quan tâm đến việc đối thoại và hướng dẫn họ trong việc truy tầm chân lý; phải đến với mọi thành phần trong xã hội.

“Quan tâm chương trình dạy Giáo lý tân tòng và củng cố giáo lý đức tin hậu tân tòng.

“Quan tâm đào tạo nền tảng giáo lý vững chắc cho thế hệ trẻ trong giáo xứ.

Vậy người chịu trách nhiệm chính về công cuộc truyền giáo của giáo xứ chính là cha xứ và các tu sĩ nam nữ giúp xứ. Nếu cha xứ lơ là, không quan tâm đến công việc quan trọng này thì chẳng ai có thể thay thế ngài được. Nếu trong một năm, cha xứ chỉ “nói” đến công cuộc truyền giáo một hai lần nhân dịp lễ nào đó, còn ngoài ra không có những hoạt động xuyên suốt nào gọi là “Truyền giáo” thì chắc chắn giáo dân sẽ ít có cơ hội làm việc tông đồ truyền giáo!

Thực vậy, “Các giáo xứ cần quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng trong mọi hoạt động của giáo xứ. Xin các cha xứ quan tâm, đồng hành và khích lệ để hoạt động loan báo Tin Mừng được kết quả. Xin các cha quản xứ làm nhân tố nối kết mọi hoạt động để việc loan báo Tin Mừng có hiệu quả thực sự. Cần trao trọng trách loan báo Tin Mừng cho một số hội đoàn như Legio, Thiếu nhi Thánh Thể vv… để có kết quả tốt hơn.[6]

Aug. Trần Cao Khải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây