TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tại sao kiêng thịt mà không kiêng cá?

Thứ năm - 03/06/2021 03:49 | Tác giả bài viết: Lm. Phan Tấn Thành, O.P. |   863
Tại sao kiêng thịt mà không kiêng cá?

Tại sao kiêng thịt mà không kiêng cá?

Luật Giáo hội buộc tín hữu phải ăn chay kiêng thịt. Nhưng mà tại sao phải kiêng thịt? Tại sao phải kiêng thịt mà không kiêng cá, kiêng trứng hay kiêng trái cây? Ăn thịt có gì xấu không?

Trước hết, nên lưu ý tới việc sử dụng từ ngữ. Tiếng “ăn chay kiêng thịt” gợi lên cho chúng ta hai điều: một điều cấm (kiêng) và một điều khuyến khích. Điều cấm là kiêng thịt; điều khuyến khích là ăn chay. Chắc Chúng ta đã biết rằng ở Việt Nam có vài tôn giáo đã hiểu như vậy: ăn chay có nghĩa là ăn đồ chay, những đồ lạt, không mặn. Còn đối với Kitô giáo, ăn chay có nghĩa là kiêng ăn. Như thế, ngoài chuyện kiêng thịt lại còn thêm chuyện kiêng ăn nữa.

 

 

Vì vậy nếu muốn diễn tả cho đúng tư tưởng thì thay vì nói “ăn chay kiêng thịt”, chúng ta phải nói “kiêng ăn kiêng thịt” hoặc là “chay ăn chay thịt”! Nếu đặt lại vấn đề như vậy thì câu hỏi “tại sao phải kiêng thịt” đã được giải quyết một phần rồi, nghĩa là chúng ta kiêng thịt không phải tại vì thịt nó xấu xa, cũng như chúng ta kiêng ăn không phải tại vì sự ăn uống xấu xa: sự ăn uống cần thiết cho sự sống; nếu ai tuyệt thực hoàn toàn thì sẽ sớm qua bên kia thế giới.

Chúng ta kiêng thịt không phải vì nó xấu; thế thì tại sao lại chỉ kiêng thịt mà không kiêng luôn cả cá nữa?

Vấn đề kiêng thịt không phải là cái gì riêng của Kitô giáo. Nó đã có một truyền thống lâu đời ở các tôn giáo trên thế giới, tuy với những lý do và động lực khác nhau. Chẳng hạn như các tín đồ Phật giáo kiêng thịt bởi vì họ tin vào thuyết luân hồi: khi giết các súc vật, biết đâu ta đã giết chính ông bà của mình bị phạt đầu thai làm kiếp súc vật. Dĩ nhiên, Kitô giáo đã đặt ra kỷ luật kiêng thịt không phải tại vì tin theo thuyết luân hồi nhưng dựa theo một động lực khác. Trong Cựu ước, ta đã thấy có những luật về kiêng thịt với những chi tiết khá phức tạp, thí dụ trong chương 11 của sách Lê vi, phân biệt những thú vật ô uế với vật tinh tuyền.

Tại sao lại có sự phân biệt giữa các thú vật tinh tuyền với thú vật ô uế?

Các nhà chú giải Kinh thánh không trả lời được. Có lẽ tác giả của sách Lêvi đã lấy lại một tập tục có từ xa xưa mà không còn ai nhớ rõ gốc gác. Cho dù lý do phân loại thế nào đi chăng nữa, đến khi bước sang Tân ước, ta thấy có những cuộc cách mạng quan trọng. Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa các vật tinh tuyền và vật ô uế. Sự tinh tuyền và ô uế nằm ở trong lòng của mình chứ thú vật chẳng có tội tình chi cả (Mc 7,15). Tuy nhiên, xem ra các Kitô hữu tiên khởi (phần lớn gốc Do thái) không thể thay đổi não trạng nhanh chóng, thí dụ như ở chương 10 của sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy thánh Phêrô còn sợ chưa dám ăn một vài thứ chim trời đã bị xếp vào hàng ô uế; lật qua chương 15 (câu 20 và 29) ta còn thấy thánh Giacôbê muốn đòi buộc các tín hữu tân tòng phải kiêng tránh vài thức ăn. Nhưng thánh Phaolô đi mạnh mẽ hơn, nhất là vì ngài để ý tới dân ngoại hơn là tới dân Do thái.

 

 

Thực vậy, thánh Phaolô chấp nhận hoàn toàn giáo lý của Đức Kitô, theo đó chẳng có lương thực nào là ô uế hết. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là có được ăn đồ cúng hay không? Trong thư gửi Rôma 14,14-16 thánh Phaolô đã phân biệt như thế này: tự nó, đồ cúng hay đồ không cúng chẳng có gì khác nhau, cho nên các tín hữu không phải kiêng cữ. Tuy nhiên, nếu có người non nớt bị vấp phạm vì việc người tín hữu ăn đồ cúng, thì mình phải tránh. Nói khác đi, mình kiêng ăn đồ cúng không phải tại vì nó là đồ ô uế nhưng mà mình phải tránh gây gương xấu cho người anh em mình; đây là một bổn phận thuộc giới răn bác ái yêu thương.

Như vậy, thánh Phaolô khuyến khích chúng ta cứ tha hồ ăn uống, phải không?

Thánh Phaolô không bao giờ xúi các tín hữu ăn uống say sưa; trái lại, ngài đã hơn một lần khiển trách những người lấy cái bụng làm chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn huấn luyện lương tâm của các tín hữu, hãy tìm hiểu cái lý do của các luật lệ, chứ không phải chỉ giữ luật lệ cách máy móc. Tất cả các lương thực đều tốt bởi vì do Chúa dựng nên cho con người. Chúng ta hãy hưởng dụng để ngợi khen Ngài. Việc ăn uống có thể trở thành cơ hội để chúc tụng tạ ơn Chúa như chúng ta đọc thấy ở thư gửi Rôma 14,6. Tuy nhiên, cần có chừng mực.

Hơn thế nữa, thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy tiến thêm một bước nữa, biết hy sinh cả những cái gì được phép làm: việc kiêng cữ những điều tốt nằm trong chương trình thao luyện tinh thần giống như các lực sĩ tập luyện ở thao trường (1Cr 9,27), nhất là để hoạ theo gương của Đức Kitô chịu thụ nạn trên thập giá vì yêu thương chúng ta.

 

 

Nhưng nếu đã muốn kiêng khem lương thực thì kiêng hết các món, chứ sao lại chỉ kiêng thịt?

Như tôi đã nói ở đầu, trong Việt ngữ, vì đã quá quen với thành ngữ “ăn chay kiêng thịt” cho nên chúng ta chỉ giới hạn sự kiêng vào chuyện ăn thịt. Vấn đề kiêng cữ bao hàm việc kiềm chế hết những gì đem lại thỏa mãn thích thú, nhằm giúp cho ý chí chế ngự được bản năng. Theo một vài sử gia, trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội phải mệt với những phe khắc khổ hơn là với phe phóng túng. Phe khắc khổ đòi Giáo hội phải ra luật buộc tất cả các tín hữu phải giữ chay.

Nhưng mà Giáo hội đâu có thể bắt hết mọi người phải trở thành nhà khổ tu được. Mặt khác, trong số các vị khổ tu thời đó, không thiếu những người chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ giáo, coi xác thịt và hôn nhân là tội lỗi. Dù sao, việc khổ chế vào những thế kỷ đầu hoàn toàn mang tính cách tự nguyện. Nếu có luật lệ thì cũng chỉ giới hạn cho từng địa phương chứ không bao trùm toàn thể Giáo hội. Việc kiêng khem tuyệt đối thường được dành cho ngày thứ 6 tuần thánh, rồi dần dần kéo dài ra các ngày thứ 6 hằng tuần. Nhưng mà dần dần kỷ luật kiêng khem tuyệt đối (chay ăn) được gia giảm bởi vì nhiều tín hữu phải làm việc lao động nặng nhọc, cần ăn uống để lấy sức. Mức độ châm chế được thay đổi tùy vùng tùy nơi. Bên Trung đông, người ta kiêng cả sữa, bơ, trứng; nhưng mà bên Tây phương, người ta chỉ đòi kiêng thịt.

Từ thời Trung cổ, sự khổ chế tự nguyện biến thành khổ chế bắt buộc, nghĩa là trở thành luật buộc. Ngoài ra việc chay tịnh cũng là một hình phạt đền tội dành cho những hối nhân. Việc soạn thảo một bản văn pháp lý đòi hỏi phải xác định tỉ mỉ các chi tiết của nghĩa vụ. Hậu quả là người ta trở lại với não trạng của các luật sĩ vào thời Chúa Giêsu, với đủ thứ vấn nạn được nêu lên: luật kiêng thịt buộc phải kiêng những thứ gì? Có phải kiêng mỡ heo, kiêng sữa bò, tiết canh hay không? Các giống động vật nào phải kiêng: máu nóng hay máu lạnh? thú vật trên bộ hay là dưới nước? Ngan, ngỗng, vịt, lươn, rùa, sò ốc nhái có phải kiêng không? Các chuyên gia về luân lý tha hồ mà nghiên cứu tranh luận về các loại thịt. Tiếc rằng người ta đã mất đi cái động lực của nó là tinh thần khổ chế lúc đầu. Vì thế có cảnh ngược đời là có người mong tới ngày thứ 6 để có dịp đi ăn ở nhà hàng thủy sản thập cẩm. Đối lại là cái cảnh chảy nước mắt của bao dân nghèo phải chi tiền nhiều hơn vào ngày thứ 6, khi mà cá mắc hơn thịt.

 

 

Giáo luật ngày nay vẫn giữ nguyên tình trạng như vậy chứ?

Bộ giáo luật hiện hành vẫn còn duy trì luật kiêng thịt, tuy nhiên với một tinh thần mới của công đồng Vaticanô II mà đức Phaolô VI đã muốn tiêm nhiễm với Tông Hiến Poenitemini (17/2/1966). Tinh thần đó có thể tóm lại 3 điểm sau: Tiên vàn là phải kiêng những gì xấu xa, tức là kiêng phạm tội; nói khác đi việc chay ăn chay thịt phải được lồng trong tinh thần thống hối cải hoán.

Ngoài sự kiêng cái xấu, chúng ta hãy gắng tiến thêm một bước để kiêng cả cái tốt: sự kiêng cái tốt cũng nằm trong tinh thần đền tội và tu đức, để tập kiềm chế những đòi hỏi của bản năng dục vọng. Dưới khía cạnh này, lãnh vực kiêng khem rất là rộng: từ kiêng ăn uống cho tới kiêng thuốc lá, tivi, các thứ tiêu khiển giải trí, các thứ tiêu pha hoang phí. Bước thứ ba nữa là ngoài tính cách tiêu cực (kiêng lánh) cần thêm tính cách tích cực: nhịn ăn nhịn mặc để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, tỏ tình tương trợ với người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là cái động lực của việc kiêng khem. Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương mà đề ra những hình thái cụ thể trong việc áp dụng luật ăn chay kiêng thịt chiếu theo đ.1251 và 1253 của bộ giáo luật.

Lm. Phan Tấn Thành, O.P.

(http://daminhvn.net/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây