TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tìm hiểu về ÂN XÁ

Thứ năm - 03/06/2021 04:03 | Tác giả bài viết: Phó tế Anrê PHẠM VĂN TUYỀN |   2637
Nội dung bài viết này chỉ nêu một số thu thập và ý kiến nhỏ, dựa theo Sổ Bộ mới nhất về Ơn Xá (Enchiridion Indulgentiarum -1999).
Tìm hiểu về ÂN XÁ

TÌM HIỂU VỀ ÂN XÁ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
 

Ngỏ

Nội dung bài viết này chỉ nêu một số thu thập và ý kiến nhỏ, dựa theo Sổ Bộ mới nhất về Ơn Xá (Enchiridion Indulgentiarum -1999).
Giáo hội là Thừa Tác Viên Ơn Cứu Chuộc, được quyền lấy kho tàng đền tội của Chúa Kitô và các Thánh mà phân phát.

Giáo hội giúp Tín hữu gặt hái thật nhiều Ơn Xá là ơn tha hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội, tuy tội đã được tha trước Toà Chúa.

Giáo hội khuyến khích Tín hữu phát triển Đức Ái thiêng liêng thật rộng rãi, qua việc nhường Ơn Xá cho những người đã qua đời hiện còn trong Luyện ngục, để họ sớm được gặp Chúa, Đấng cực thánh.

Muốn lãnh được Ơn Xá, Tín hữu phải chuẩn bị chu đáo và thực hiện hoàn hảo mọi ấn định của ơn ban.

Khi tha thiết thường xuyên tìm lãnh Ơn Xá, đời sống thiêng liêng người Tín hữu sẽ tiến rất nhanh trên đường trọn lành, tức là nên thánh. Đây hẳn là chủ đích tối hậu của Giáo hội trong việc ban Ơn Xá.

Phó tế Anrê PHẠM VĂN TUYỀN


Hiện tại có khá nhiều phổ biến và giải thích về Ân Xá của Giáo Hội Công Giáo. Người ta cứ tưởng các phổ biến đều giống nhau và cùng phát xuất từ một nguồn duy nhất là Sổ Bộ Ân Xá của Giáo Hội Công Giáo – Enchiridion Indulgentiarum

Thực tế, các phổ biến ấy có những điểm khác nhau. Điều này khiến nhiều người hoang mang, không biết thế nào là đúng. Vậy phải làm sao cho tất cả mọi phổ biến và giải thích về Ân Xá của Giáo Hội Công Giáo đều giống nhau, để mọi người hiểu như nhau, không còn phân vân nữa?

Rất tiếc, chúng tôi không thể tìm thấy một bản dịch Việt ngữ chính thức và đầy đủ về Ân Xá. Thiết tưởng đây là điểm thiệt thòi cho sự thống nhất hiểu biết. Ước gì một ngày nào đó sẽ có bản dịch tiếng Việt chính thức về Ân Xá để mọi người thống nhất áp dụng.

Bài viết này đặt trong khuôn khổ Sổ Bộ Ân Xá - Enchiridion Indulgentiarum - Ấn Bản Thứ Tư, là Ấn Bản mới nhất của Thánh Bộ Xá Giải Rôma công bố năm 1999, qua Bản Anh ngữ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, xuất bản năm 2006, tái bản lần 5 năm 2017.

Nội dung bài viết được khai triển theo thứ tự sau:
(A)- Sổ Bộ Ân Xá của Giáo Hội
(B)- Những hiểu biết thiết yếu
(C)- Bốn Ơn Ban Tổng quát
(D)- Kinh và Việc có Ơn Xá
(E)- Một số thắc mắc

A. SỔ BỘ ÂN XÁ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Enchiridion Indulgentiarum, Fourth Edition 1999 – Sổ Bộ Ân Xá - là Văn Bản chính thức và mới nhất của Rôma ấn định mọi điều về Ân Xá, được Thánh Bộ Xá Giải công bố để toàn thể Giáo Hội căn cứ vào đó mà áp dụng trong việc lãnh Ân Xá. Không kể đến các Bản Văn về Ân Xá có trước Công Đồng Vatican II, thì Sổ Bộ Ân Xá được công bố:

- lần đầu tiên vào Ngày 29 Tháng 6 Năm 1968,

- lần thứ hai vào Tháng 10 Năm 1968,

- lần thứ ba vào Tháng 5 Năm 1986,

- và lần thứ tư vào Tháng 7 Năm 1999 trong ngày Lễ Đức Mẹ Núi Camêlô, dưới thời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Từ sau Ấn Bản Thứ Tư này đến nay, chưa có thêm Ấn Bản nào khác được công bố.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chuyển dịch Ấn Bản Thứ Tư sang Anh ngữ và in thành sách với Tựa đề: MANUAL OF INDULGENCES Norms and Grants (Cẩm Nang Ân Xá, Quy tắc và ân ban), và xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2006 và tái bản lần 5 năm 2017 (Tham khảo a và h). Bản Anh ngữ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ này được Thánh Bộ Xá Giải chuẩn nhận, Đức Hồng Y William Wakefield Baum, Thánh Bộ Xá Giải, ấn ký ngày 16 tháng 7 năm 1999.

Chúng tôi không thể tìm được một bản dịch chính thức Tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nên bài viết này phải dựa vào nội dung cuốn “Manual of Indulgences Norms and Grants” xuất bản năm 2006 vừa nói trên.

Thiết nghĩ tất cả những cắt nghĩa, giải thích, giảng dạy và phổ biến, phải căn cứ vào Ấn Bản Thứ Tư của Sổ Bộ Ân Xá này để áp dụng, không nên căn cứ vào những Ấn Bản cũ, hay bất cứ văn bản nào khác, hoặc nguồn tài liệu nào không xuất phát từ Ấn Bản Thứ Tư này.

Ngay bây giờ, chúng ta nên duyệt lại các phổ biến về Ân Xá hiện đang dùng, đem so với Sổ Bộ Ân Xá Thứ Tư (Enchiridion Indulgentiarum - Fourth edition 1999), với bất cứ ngôn ngữ nào của Hội Đồng Giám Mục địa phương, có chuẩn nhận của Thánh Bộ Xá Giải, để nhờ đó mọi giải thích và phổ biến sẽ đồng nhất.

B. NHỮNG HIỂU BIẾT THIẾT YẾU

Sổ Bộ Ân Xá Ấn Bản Thứ Tư, ngoài chỉ dẫn quan trọng ngày 16 tháng 7 năm 1999 của Thánh Bộ Xá Giải do Đức Hồng Y William Wakefield Baum ấn ký, và Phần Phụ lục chính là Bản Hiến pháp về Ân Xá — Apostolic Constitution Indulgentiarum doctrina (Tham khảo c) của Đức Thánh Cha Gioan VI, ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1967, thì nội dung chính xin trích đoạn làm ba phần:

- Quy tắc về Ân Xá.
- Bốn Ơn ban Tổng quát.
- Kinh và Việc có Ơn Xá.

I. NHỮNG QUY TẮC VỀ ÂN XÁ

a. Ân Xá là gì?

Ân Xá là việc Thiên Chúa tha hình phạt tạm ta còn phải đền bù sau khi tội được tha thứ. Đây là sự tha thứ mà người tín hữu, khi có sự chuẩn bị xứng đáng, có thể lãnh nhận được nếu hội đủ điều kiện, và thi hành trọn việc đã được quy định, qua trung gian Giáo Hội. Giáo Hội, với tư cách là Thừa tác viên ban phát Ơn Cứu Chuộc, có quyền phân phát và áp dụng kho tàng công ơn của Chúa Kitô và của các Thánh (GLCG số 1471).

Theo định nghĩa này, chúng ta cần phân biệt: Bí tích Hoà giải tha thứ tội lỗi, còn Ân Xá thì tha, hay đền bù, các hình phạt tạm (Cha JBM. Trần Anh Thư, CSJB, ghi theo Quy tắc số 1).

b. Có mấy thứ Ân Xá?

Có hai thứ Ân Xá: ân xá từng phần (partial) và ân xá toàn phần (plenary). Ở đây, xin gọi ân xá từng phần (a partial indulgence) là Ơn Phần Xá; còn ân xá toàn phần (a plenary indulgence) là Ơn Toàn Xá. Ơn Phần Xá tha một phần hình phạt tạm, Ơn Toàn Xá tha hết mọi hình phạt tạm, tha toàn bộ.

Quy tắc số N2 ghi: Ân Xá từng phần (partial) hay toàn phần (plenery) tùy theo Ân xá ấy tha một phần hay tha tất cả mọi hình phạt tạm bởi tội (An indulgence is partial or plenary according to whether it removes either part or all of the temporal punishment due sin.)
Việt Nam ta xưa nay vẫn quen dùng từ Tiểu Xá, Đại Xá, và Toàn Xá. Tiểu là ít, Đại là to, là nhiều, chỉ có Năm Thánh mới dùng từ Toàn Xá, nghĩa là tha hết, tha hoàn toàn. Như vậy, thoạt nghe, ai cũng có thể thắc mắc và hiểu lầm là có ba thứ ân xá.

ĐẠI là TO, người ta chỉ hiểu là to lớn, nhưng không biết to lớn đến đâu, mà dù to lớn đến mấy, cũng không thể hiểu là hoàn toàn, cho nên không lột trọn được ý nghĩa của từ TOÀN (Theo Cha Giuse Phạm Phúc Huyền). Lại thêm một ngộ nhận nữa là chỉ có Năm Toàn Xá mới là dịp được tha hoàn toàn, còn ngày thường và những dịp khác khó có thể hiểu là có thể được tha hoàn toàn.

Thực tế, theo Quy Tắc số N2 nói trên, chỉ có hai loại Ân Xá: Ân Xá từng phần và Ân Xá toàn phần. Ngoài các Năm Thánh và các dịp đặc biệt, bất cứ ngày thường nào cũng có thể lãnh được Ơn Toàn Xá.

c. Sơ lược các Quy Tắc về Ân Xá:

Có tất cả 26 Quy Tắc về Ân Xá được ghi trong Ấn Bản Thứ Tư này. Ở đây, xin ghi một ít Quy Tắc cần thiết thông thường:

Tín hữu thật lòng thống hối và làm việc có Ơn Phần Xá, thì được tha nhiều hay ít là tùy mức độ chính việc họ làm (Quy tắc số N4).

Ân Xá ban cho ngày nào, nếu đòi phải viếng nhà thờ hay nhà nguyện, thì viếng từ trưa ngày hôm trước cho đến nửa đêm của ngày ấy (Quy tắc số N14).

Người được hưởng Ân Xá phải là người đã chịu Phép Rửa, không mắc Vạ Tuyệt Thông, đang có ơn nghĩa cùng Chúa ít là đến khi làm xong việc (Quy tắc N17, §1).

Ai muốn được Ân Xá, ít nhất phải có ý muốn hưởng (Giáo Luật 996 – (Tham khảo j), phải thi hành việc ấn định vào thời gian đã nêu và đúng cách thức (Quy tắc N17, §2).

Mỗi ngày chỉ được nhận một Ơn Toàn Xá, nhưng nhiều Ơn Phần Xá (Quy tắc N18 Triệt 1). Tuy nhiên, Tín hữu được hưởng thêm một ơn Toàn Xá nữa vào lúc lâm chung, dù trong ngày đã lãnh được một Ơn Toàn Xá rồi (Quy tắc N18, §2).

Việc làm của Ơn Toàn Xá đòi phải viếng nhà thờ hay nhà nguyện, thì vào nhà thờ hay nhà nguyện ấy, đọc một Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính (Quy tắc N19).

Để hưởng Ơn Toàn Xá, cần phải làm việc chỉ định cho Ơn Toàn Xá, với Ba điều kiện: Xưng tội, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (ĐGH), cũng phải tẩy trừ mọi dính bén đến tội lỗi, kể cả tội nhẹ (Quy tắc N20, §1).

Một lần xưng tội đủ điều kiện để lãnh mấy Ơn Toàn Xá; nhưng mỗi lần Rước Lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH, thì chỉ lãnh được một Ơn Toàn Xá mà thôi (Quy tắc N20, §2).

Ba Điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH, có thể làm trước, hoặc sau mấy ngày của ngày làm việc có Ơn Toàn Xá. Tuy nhiên, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH nên cùng ngày với ngày làm việc của Ơn Toàn Xá (Quy tắc N20, §3).

Nếu việc thực hiện Ơn Toàn Xá thiếu hoàn hảo, hoặc nếu việc làm và Ba Điều kiện ấn định không trọn vẹn, thì chỉ còn là Ơn Phần Xá (Quy tắc 20 Triệt 4).

Điều kiện cầu theo ý ĐGH thì cần đọc đủ một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, tùy lòng đạo đức và kính tin, tín hữu có thể đọc thêm bất cứ Kinh gì khác (Quy tắc N20, § 5).

Khi đọc Kinh chung với người khác để xin hưởng Ơn xá, có thể chia bè đọc nối tiếp nhau, hoặc cầm trí theo Kinh người khác đọc cũng được (Quy tắc N23).

Cha Giải tội có thể thay việc làm hoặc Điều kiện của những người không thể thực hiện đúng việc và điều kiện, vì ngăn trở hợp pháp (Quy tắc N24).

C. BỐN ÂN BAN TỔNG QUÁT

Bốn Ơn Ban tổng quát gồm bốn ơn ban chung cho bốn nhóm, mỗi nhóm có việc làm cùng loại. Nhưng không phải khi làm hết mọi việc như thế đều đương nhiên được hưởng Ân Xá, mà chỉ có những việc có chủ ý làm cách đặc biệt mới được.

Ai chăm chỉ sốt sắng làm được những việc như ấn định hàng ngày, thì họ đáng được hưởng dồi dào Ơn Chúa hơn, nghĩa là được tha hình phạt tạm rộng rãi hơn, và nếu vì Đức Ái mà nhường cho các linh hồn Luyện ngục thì giúp được nhiều linh hồn ấy hơn.

Ơn Ban 1: Ban Ơn Phần Xá cho Tín hữu nào khi làm việc bổn phận, hoặc chịu vất vả vì cuộc sống, mà giục lòng khiêm nhường, cậy trông, nhắc trí lên cùng Chúa và sốt sắng than thở một câu gì, dù thầm thĩ trong lòng cũng được.

Nhờ Ơn Ban này, Tín hữu như được dẫn dắt làm tròn Lời Chúa dạy: “Phải cầu nguyện luôn không ngừng” (Lc 18:1). Đây là nhắc nhở cho mọi người phải chu toàn bổn phận của mình, để gìn giữ và củng cố sự kết hợp với Chúa Kitô.

Ơn Ban 2: Ban Ơn Phần Xá cho Tín Hữu nào, theo tinh thần Phúc Âm, dấn thân, hay bỏ của cải ra vì từ tâm, để giũp đỡ anh em túng cực.

Ơn Xá này khuyến khích các Tín hữu thường xuyên làm việc bác ái theo gương sáng và lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Không phải việc bác ái nào cũng được hưởng Ơn Xá, mà chỉ những việc để giúp đỡ anh em lâm cơn túng cực, như đói ăn, thiếu mặc, hoặc cần được dạy dỗ an ủi về phần hồn.

Ơn Ban 3: Ban Ơn Phần Xá cho Tín Hữu nào gặp điều được phép và vừa ý thích, nhưng tự ý khước từ có ý để đền tội.

Ơn Ban này khuyến khích Tín hữu thực hành việc giữ chay để đền tội. Nhờ kiềm chế được các ham muốn, họ làm chủ được thân xác mình để nên giống Chúa Kitô nghèo hèn và đau khổ. Việc tự khước từ ấy càng cao quí hơn nếu kết hợp với bác ái.

Ơn Ban 4: Ban Ơn Phần Xá cho Tín hữu, tự chứng tỏ niềm tin của mình trước người khác trong môi trường đời thường.

Ơn ban này khuyến khích Tín hữu tuyên xưng Đức tin công khai trước người khác để vinh Danh Chúa và xây dựng Giáo hội. Thánh Augustinô viết: “Bạn hãy lấy Kinh Tin Kính làm gương soi cho mình. Bạn sẽ thấy mình trong đó, nếu Bạn tin mọi điều Bạn tuyên xưng và hàng ngày hân hoan trong niềm tin ấy.”

D. KINH VÀ VIỆC CÓ ƠN XÁ
(Chỉ ghi tượng trưng)

I. ƠN PHẦN XÁ

a. Những KINH có Ơn PHẦN XÁ:

- Kinh Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đọc ngoài ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa. - Ân Ban N3 (Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội...)

- Kinh Tạ ơn sau khi Rước Lễ, và Kinh Rước Lễ thiêng liêng. - Ân Ban N8, §2.

- Kinh Ăn Năn Tội, hay bất cứ Kinh nào được chuẩn nhận - Ân Ban N9, §2 (như Kinh Ăn Năn Tội, Kinh Cáo Mình, hoặc một trong các Thánh Vịnh sám hối).

- Kinh Mân Côi không ở trong nhà thờ, nhà nguyện, không ở trong gia đình, Tu hội, Hội đoàn, không ở trong các nhóm hội họp cầu nguyện – Ân Ban N17, §1.

- Kinh Ngợi Khen ‘Magnificat’ - Ân Ban N17, §2.

- Kinh Thiên Thần Bản Mệnh ‘Angele Dei’ – Ân Ban N18.

- Kinh Ông Thánh Giuse ‘Ad te, beate Joseph’(Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng người...) Ân Ban N19.

- Kinh kính nhớ vị Thánh theo Lịch Phụng vụ, hoặc Kinh ở trong Sách Lễ – ÂnBan N21.

- Các Kinh Cầu Chúa Giêsu, Đức Bà, và Kinh Cầu các Thánh – Ân Ban N22, §2.

- Kinh khởi đầu và kết thúc một ngày - Kinh khởi đầu và kết thúc một việc

- Kinh trước và sau bữa ăn – Ân Ban N26, §2.

- Kinh Tin Kính Tông Đồ - Kinh Tin Kính Công Đồng - Kinh Tin, Cậy, Mến – Ân Ban N28, §2.

b. Những VIỆC có Ơn PHẦN XÁ:

- Kính viếng Thánh Thể (dưới nửa giờ) và đọc Kinh Kính Mình Thánh Chúa – Ân Ban N7.

- Kính cẩn dùng các đồ đạo, được Linh mục hay Phó tế làm phép – Ân Ban N14.

- Cầu nguyện thầm thĩ cách sốt sắng – Ân Ban N15.

- Lặp lại lời hứa Phép Rửa tội của mình với bất cứ công thức nào (không phải ngày kỷ niệm Rửa Tội của mình và không phải trong Lễ Vọng Phục Sinh) – Ân Ban N28, §2, 1.

- Làm Dấu Thánh Giá cách trang trọng và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen – Ân Ban N28, §2, 2.

II. ƠN TOÀN XÁ

a. Những KINH có Ơn TOÀN XÁ:

- Kinh dâng loài người cho Chúa Kitô Vua, cách công khai, trong ngày Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Ân Ban N2. (Iesu dulcissime, Redemptor – Lạy Đức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng là Đấng đã chuộc tội loài người ta . . .)

- Kinh Đền tạ Thánh Tâm Chúa, trong ngày Lễ Trọng Kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu – Ân Ban N3. (Iesu dulcissime – Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, . . .)

- Trong mỗi Thứ Sáu Mùa Chay, sau Rước Lễ, trước Tượng Chuộc Tội, sốt sắng đọc Kinh En ego, o bone et dulcissime Iesu (Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, rất cam thay vô cùng ...) Ân Ban N8.

- Sốt sắng đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, trong Hội Dòng, gia đình, với Hội đoàn, hoặc với một nhóm tín hữu – Chỉ năm chục cũng được, nhưng phải đọc liên tục, không cách quãng – Ân Ban N17, §1,1.

- Sốt sắng đọc hoặc hát Kinh Veni Creator, hoặc vào ngày Đầu Năm để xin Chúa phù giúp cho cả năm, hoặc vào ngày Lễ Hiện Xuống. - Ân Ban N26, §1,1.

- Sốt sắng đọc hoặc hát Kinh Te Deum, vào ngày cuối năm, để cảm tạ Chúa về mọi ơn nhận được suốt cả năm. - Ân Ban N26, §1,2.

b. Những VIỆC có Ơn TOÀN XÁ:

- Ngày đầu tiên tận hiến gia-đình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, hoặc cho Thánh Gia, có Linh mục hay Phó tế chủ sự, các thành viên của gia-đình hiện diện nếu sốt sắng đọc Kinh dâng mình có chuẩn nhận, trước ảnh Thánh Tâm hay ảnh Thánh Gia – Ân Ban N1.

- Vì không thể hiện diện tại chỗ, tín hữu sốt sắng đón nhận Phép lành của Đức Thánh Cha cho Rôma và Thế giới, qua trực tiếp truyền hình hay truyền thanh - Ân Ban N4.

- Chầu Mình Thánh Chúa ít nhất nửa giờ - Ân Ban N7, §1,1.

- Sốt sắng đọc Ca vịnh Tantum Ego (Đây Nhiệm tích ...) sau Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh, lúc cất Mình Thánh Chúa cách trọng thể - Ân Ban N7, §1,2.

- Sốt sắng tham dự Rước Kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa, trong hoặc ngoài nhà nhờ, vào ngày Lễ trọng Mình và Máu Chúa Kitô - Ân Ban N7, §1,3.

- Người rước Lễ lần đầu, và người sốt sắng tham dự Lễ Nghi Rước Lễ Lần Đầu ấy, đều được Ơn Toàn Xá - Ân Ban N8.

- Tham dự ít nhất ba ngày tròn trong một kỳ tĩnh tâm – Ân Ban N10.

- Ban Ơn Toàn Xá trong lúc nguy tử cho tín hữu nào, dù không được gặp Linh mục, nhưng có ý xin hưởng Ơn ấy, có ăn năn tội cách trọn, có hôn kính tượng chịu nạn, và trong đời sống tín hữu có thường đọc một số Kinh nguyện. Trường hợp này, Giáo Hội miễn cho việc thực hiện ba Điều kiện thường lệ của Ơn Toàn Xá – Ân Ban N12.

- Sốt sắng suy tôn Thánh giá trong nghi thức trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh - Ân Ban N13, §1.

- Tự mình viếng đủ 14 chặng Đàng Thánh giá, suy niệm và đọc thành tiếng lời nguyện ngắm có sẵn – nếu viếng Đàng Thánh Giá chung thì chỉ cần người hướng dẫn đi đến từng chặng.- Ân Ban N13, §2a.

- Linh mục dâng Lễ Mở Tay và tín hữu sốt sắng dự Lễ ấy – Ân Ban N27, §1.

- Linh mục dâng Lễ kỷ niệm 25, 50, 60, 70 năm thụ phong linh mục mà có tuyên lại lời hứa trung thành làm tròn bổn phận ơn gọi của mình – Ân Ban N27, §2.

- Trong Lễ Vọng Phục Sinh, hoặc trong ngày kỷ niệm Rửa Tội, tín hữu có tuyên lại lời hứa phép rửa tội của mình, theo bất cứ công thức được chuẩn nhận nào – Ân Ban N28, §1.

- Sốt sắng viếng Nghĩa trang vào bất cứ ngày nào từ 1 đến 8 Tháng 11, chỉ cần thầm thĩ cầu nguyện cho người qua đời – Ân Ban N29, §1, 1.

- Kính viếng Nhà thờ hoặc Nhà nguyện vào ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, đọc một Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính – Ân Ban N29, §1, 2.

- Đọc Kinh Thánh, với sự kính trọng Lời Chúa, như đọc sách thiêng liêng, ít nhất nửa giờ - Ân Ban 30, §1. * Nếu có lý do chính đáng không thể đọc được, thì có thể nghe người khác đọc, hoặc nghe qua máy phát thanh hay phát hình - Ân Ban N30, §2.

E. MỘT SỐ THẮC MẮC

1. H: Ai có quyền ban Ân Xá?

Đ: Ngoài thẩm quyền tối cao của Giáo hội, chỉ những ai được Luật ban cho, hoặc Đức Giáo Hoàng ban cho, thì mới có thể ban ơn xá – Quy tắc N5, §1.

- Giám mục Giáo Phận có quyền ban Ơn Phần Xá cho các tín hữu thuộc thẩm quyền các ngài, trong hay ngoài lãnh thổ Giáo phận - Quy tắc N7, 1.

- Các Hồng Y có quyền ban Ơn Phần Xá bất cứ ở đâu, nhưng chỉ cho những ai hiện diện và chỉ lần ấy mà thôi - Quy tắc N10.

2. H: Tại sao Ân Xá không được phổ biến rộng rãi?

Đ: Để tránh lạm dụng và xuyên tạc, việc phổ biến Ân Xá có phần hạn chế:

- Phải có phép của Toà Thánh mới được xuất bản Sổ Bộ Ân Xá (Enchiridion Indulgentiarum) dưới bất cứ ngôn ngữ nào - Quy tắc N11, §1.

- Không có phép của thẩm quyền địa phương, thì các ơn ban Ân Xá không được in thành sách, tờ rơi, hoặc hình thức tương đương - Quy tắc N11, §2.

3. H: Ai được hưởng Ân Xá?

Đ: Người được hưởng Ân Xá phải là người đã chịu Phép Rửa Tội, không mắc Vạ tuyệt thông, đang có ơn nghĩa cùng Chúa ít là đến khi làm xong việc - Quy tắc N17, §1.

- Muốn hưởng Ân Xá, người ấy phải có ý xin (Giáo Luật 996), phải làm việc buộc làm, làm đúng thời điểm chỉ định, và theo quy định của ơn ban - Quy tắc N17, §2.

4. H: Nếu thực hiện không đầy đủ các quy định, Ân Xá sẽ như thế nào?

Đ: Nếu việc thực hiện thiếu hoàn hảo, hoặc nếu việc làm và việc thi hành ba điều kiện không đầy đủ, (trừ khi có ngăn trở hợp lệ được miễn chuẩn nêu ở Quy Tắc số 24 và 25), thì hiệu quả Ân Xá bị giảm: Ơn Toàn Xá chỉ còn là Ơn Phần Xá - Quy tắc N20, §4.

5. H: Hiệu lực của Ân Xá kéo dài bao lâu?

Đ: Ân Xá chỉ tha hình phạt tạm cho các tội quá khứ đã được tha, nghĩa là đã xưng. Cho nên Ơn Xá chỉ kéo dài đến khi nào cần ơn tha hình phạt tạm mới của tội mới. Nói cách khác, nếu phạm tội mới thì tội ấy cần được tha và cần Ơn Xá mới để tha hình phạt tạm mới.

6. H: Có thể nhường Ân Xá không?

Đ: Người tín hữu lãnh được Ơn Xá thì lãnh cho chính mình, hoặc có thể nhường cho người đã chết, không được nhường cho người đang sống (GL 994) - Quy tắc N3.

7. H: Hiện nay vẫn còn lưu hành một số các Kinh có ghi “Ơn Xá 100 ngày”, 300 ngày, hoặc 1 năm, 2 năm . . . còn hiệu lực không?

Đ: Quy tắc số 4 của Hiến Chế về Ân Xá – Indulgentium Doctrina – do Đức Phaolô VI ban hành ngày 1/1/1967 có ghi: “Ơn Phần Xá từ nay chỉ được định bằng chữ ‘Ơn Phần Xá’ mà thôi, không định ngày và năm nữa”. Những ghi chú của một số Kinh như thế không còn hiệu lực gì. Đó là những chú thích còn sót lại từ những ấn bản cũ trước 1967, hoặc sai sót không bỏ đi khi tái bản.

8. H: Điều kiện Đọc Kinh Mân Côi thì phải đọc thế nào?

Đ: Trong Ơn Ban N17 có ghi rằng: “Regarding the plenary indulgence for the recitation of Marian Rosary, ... The recitation of a third part of the rosary is sufficient, but the five decades must be recited without interuption.” (Để được Ơn Toàn Xá trong việc đọc Kinh Mân côi, đọc năm chục là đủ, nhưng không được gián đoạn). Nếu một lần đọc thêm các Mùa khác nữa thì cũng chỉ được một Ơn Toàn Xá.

9. H: Ở đây nói rằng cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, nhưng có nơi bảo: một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, lại có chỗ khác nói một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh. Vậy đâu mới đúng?

Đ: Có sự lầm lẫn gì chăng (?),

- Quy tắc số N19 ghi: Việc làm để lãnh Ơn Toàn Xá liên hệ tới nhà thờ hay nhà nguyện thì gồm Kính viếng nhà thờ hay nhà nguyện ấy và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, trừ khi có chỉ dẫn khác. Đây là việc làm được chỉ định của Ơn Toàn Xá. Còn việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì vẫn phải thi hành, không nên hiểu cách khác và không được tự miễn.

- Nói rằng cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc Một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính là SAI. Trong tất cả các Bản Sổ Bộ Ân Xá được công bố sau Công Đồng Vatican II, không bản văn nào ghi rằng cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, mà đều ghi một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng. Hơn nữa, Kinh Tin Kính là bản Tuyên Xưng Đức Tin, chứ không phải là một kinh cầu nguyện.

- Quy tắc số N20, §5 ghi: Điều kiện cầu theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng là đủ. Tuy nhiên, Tín hữu có thể đọc thêm bất cứ Kinh gì khác, tùy mỗi cá nhân. Do đó, thêm vào sau Kinh Lạy Cha và Kính Mừng bất cứ một hoặc nhiều Kinh khác đều tốt, nhưng không được kể thành điều kiện ấn định.

10. H: Về điều kiện Xưng tội, có nơi nói: xưng trước hay sau một tuần ngày làm việc có Ơn Toàn Xá, có chỗ nói: có thể xưng trước 21 ngày, lại có người người suy rằng: nếu không có tội trọng thì không cần phải xưng tội.Vậy hiểu như thế nào mới đúng?

Đ: Quy tắc N20, §3 nói: The three conditions may be fulfilled several days before or after the performance of the prescribed work; it is, however, fitting that Communion be received and the prayer for the intention of the Holy Father be said on the same day the work is perforrmed. (Ba điều kiện có thể làm trước hoặc sau khi làm việc chỉ định mấy ngày; tuy nhiên, rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng nên cùng ngày với ngày làm việc có Ơn Toàn Xá). Several days - mấy ngày – nêu ra một ấn định không chính xác. Chính vì thế mà có sự cắt nghĩa khác nhau về thời hạn xưng tội, cũng không nên tự suy rằng không cần xưng tội nếu không thấy mình có tội, vì có thể không có tội trọng, nhưng có thể có tội nhẹ, hoặc các tội do thiếu sót không làm việc phải làm. Theo thiển ý: thời gian 21 ngày là quá lâu, nhiều lắm là 7 ngày thôi. Nếu xưng tội đều đặn hai Tuần một lần, thì đủ điều kiện về xưng tội để lãnh Ơn Toàn Xá cho mọi ngày.

11. H: Ơn Toàn xá của Năm Thánh, Ơn Toàn Xá của những dịp đặc biệt, và Ơn Toàn Xá của ngày thường có mức độ hiệu quả khác nhau không?

Đ: Chỉ có một cách hiểu: Toàn Xá nghĩa là tha hoàn toàn. Như vậy, được Ơn Toàn Xá là được tha hoàn toàn mọi hình phạt tạm. Hiệu quả của Ơn Toàn Xá bất cứ khi nào cũng như nhau, nhưng việc làm được chỉ định của từng khi, từng dịp, có phần khác nhau.

F. KẾT
Giáo hội là Thừa tác viên Ơn Cứu Chuộc, được quyền lấy Kho tàng đền tội của Chúa Kitô và các Thánh mà phân phát. Giáo hội giúp tín hữu gặt hái thật nhiều ơn tha hình phạt tạm đáng phải chịu vì tội, tuy tội đã được tha trước Toà Chúa; đồng thời khuyến khích tín hữu phát triển Đức Ái thiêng liêng thật rộng rãi, qua việc nhường Ơn Xá cho những người đã qua đời để họ sớm được gặp Chúa.

- Khi người tín hữu xưng tội đều đặn hai Tuần một lần (Đức Thánh Cha xưng tội mỗi Tuần một lần), thì đời sống thiêng liêng luôn trong sạch và thánh thiện. Ai lập cho mình một kỷ luật thường xuyên đến với Bí tích Hoà giải như vậy, người ấy hẳn phải có lòng yêu mến Chúa lớn lao, khát khao nên thánh mãnh liệt, ý chí chiến đấu kiên cường. Đó là con đường nên thánh đầy cam go. Đấng Toàn Năng sẽ đồng hành cùng với người ấy và dẫn đưa người ấy đến thành toàn.

- Đồng thời với việc cố gắng sống trong sạch để có điều kiện lãnh Ơn Xá, rồi nhường Ơn Xá lại cho người đã qua đời, người tín hữu đang thực hiện việc Bác ái thiêng liêng cao quý cho những linh hồn đang đớn đau trong Luyện ngục.

Có mến Chúa qua việc thường xuyên xưng tội, có yêu người qua việc cứu vớt các linh hồn luyện ngục, phải chăng đây là con đường nên thánh đơn giản và hiệu nghiệm mà mọi người, ở bất cứ bậc sống nào cũng đều có thể dấn thân, không e ngại điều gì.

- Tuy nhiên, rất cần có sự hiểu biết thống nhất và chuẩn xác cho mọi người. Chúng tôi muốn nói đến một Bản dịch Tiếng Việt đầy đủ về Ân Xá, theo ấn bản mới nhất, có chuẩn nhận của Thánh Bộ Xá Giải. Điều này cần có bàn tay và tiếng nói của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Lại nữa, cần phải có một Chiến dịch phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng hiểu cho đúng để thực hiện cho đúng, hầu đáng nhận được được ơn tha hình phạt ban sẵn.

Tóm lại, khi Giáo Hội tha thiết khuyến khích mọi tín hữu chúng ta thường xuyên tìm lãnh Ơn Xá, thì đời sống thiêng liêng của chúng ta chắc chắn sẽ tiến rất nhanh trên đường trọn lành, tức là nên thánh. Đây hẳn là chủ đích tối hậu của Giáo hội trong việc ban Ơn Xá vậy.
Viết xong ngày 14 tháng 01 năm 2017
Hiệu đính ngày 22 tháng 6 năm 2018
Pt. Anrê Phạm Văn Tuyền

THAM KHẢO (Ctrl+right click to open links)
(a) MANUAL OF INDULGENCES Norms and Grants, USCCB, 2006 (Sách)
(b) The HANDBOOK of INDULGENCES, Catholic Book Publishing CO. 1991 (Sách)
(c) Apostolic Constitution Indulgentiarum doctrina, Paul VI, 1 January 1967 (Online)
https://w2.vatican.va/content/paul-vi/en/apost_constitutions/documents/hf_p- vi_apc_01011967_indulgentiarum-doctrina.html
https://www.ewtn.com/library/PAPALDOC/P6INDULG.HTM
(d) http://caunguyenbangtraitim.com/on-dai-xa-va-tieu-xa-trong-giao-hoi-cong-giao/
(e) http://www.xuanha.net/anxa/3banglietke.htm
(f) DECREE Fourth Edition of the 'Enchiridion Indulgentiarum': (Online)
https://www.ewtn.com/library/CURIA/APINDULG.HTM
(g) ENCHIRIDION INDULGENTIARUM, VATICANA 1999: (Online)
http://www.vatican.va/roman_curia/tribunals/apost_penit/documents/rc_trib_appen_doc_20020826_enchiridion-indulgentiarum_lt.html
(h) MANUAL OF INDULGENCES Norms and Grants, USCCB 2006: (Online)
https://books.google.com/books?id=IMEof2fFCHMC&printsec=frontcover&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false
(i) Bộ Giáo Luật, Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ xuất bản năm 1987 (Sách)
(j) Bộ Giáo Luật – The Code of Canon Law, 1987: (Online)
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giaoluat/giaoluat.htm
(k) Ơn Toàn Xá: đầu năm-cuối năm-quanh năm- Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (Online)
http://thoidiemmaria.net/TDM2014/GHHT/OnToanXa.html
* * *

 

TẢI VỀ file PDF
TẢI VỀ file Word

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây