TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cách thức xông hương

Thứ năm - 03/06/2021 03:54 | Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa |   1666
Cách thức xông hương
Giải đáp phụng vụ: Cách thức xông hương
 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi là một linh mục Công Giáo thuộc Giáo Hội Đông Phương Syro-Malankara. Tôi muốn biết về tầm quan trọng của số lắc xông hương khác nhau trong phụng vụ Thánh lễ Rôma. Liệu có ý nghĩa gì cho việc phân loại này không? - L. K., Leuven, Bỉ.


Đáp: Trong bài trả lời hôm nay, chúng tôi sẽ sử dụng một số tài liệu đã được công bố cách đây 12 năm trước. Hầu hết các chỉ dẫn liên quan đến việc xông hương được ghi trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) và trong Sách Lễ Nghi Giám mục. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma quy định cụ thể:

"276. Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3).

“Ðược tuỳ ý xông hương trong bất cứ hình thức Thánh Lễ nào:

“a. Khi đi rước tiến vào;

“b. Ðầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;

“c. Khi rước và công bố Tin Mừng;

“d. Sau khi đặt bánh và chén rượu trên bàn thờ, xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ, cũng như vị tư tế và giáo dân;

“e. Khi nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.

“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Cùng với các chỉ dẫn chung này cho Thánh Lễ, Sách Lễ Nghi Giám Mục (số 84-98) cho biết thêm chi tiết. Hương được sử dụng:

- cho nghi lễ cung hiến một nhà thờ hoặc bàn thờ.

- trong nghi thức làm phép dầu và thánh hiến dầu thánh, khi dầu đã làm phép và dầu thánh không có sẵn ở đó.

- khi chầu Mình Thánh với Mặt Nhật được đặt lên.

- tại đám tang.

- trong các cuộc kiệu trọng thể, chẳng hạn lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh, Chúa Nhật Lễ Lá và Lễ Mình Thánh Chúa.

- khi hát Thánh Ca Tin Mừng trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều trọng thể.

Sách Lễ mới làm sáng tỏ quy định của lễ nghi, nêu ra rằng chỉ có Giám mục mới có thể đặt hương vào bình hương, trong khi ngài ngồi, và Thánh Thể được xông hương từ vị trí quỳ gối.

Tất cả những ai tiếp nhận việc xông hương là phải đứng. Toàn thể các vị đồng tế được xông hương chung, trước khi giáo dân được xông hương. Các Giám mục và các kinh sĩ không đồng tế cũng được xông hương chung với giáo dân. Nhưng trong các trường hợp này, khi một Giám mục chủ tọa nhưng không đồng tế, ngài được xông hương chung với các vị đồng tế.

Theo tập tục, vị lãnh đạo nhà nước, trong khi tham dự chính thức trong buổi phụng vụ, được xông hương sau Đức Giám Mục.

Vị chủ lễ không nên đọc kinh nào hoặc nói lời nào cho đến khi việc xông hương đã hoàn tất. Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, Điệp ca của bài ca “Chúc tụng” (Benedictus) hoặc của bài ca “Linh hồn tôi” (Magnificat) không được lặp lại, cho đến khi việc xông hương hoàn tất.

Sách đưa thêm một số chú thích được lấy từ ấn bản năm 1886 về lễ nghi liên quan đến cách đưa bình hương tới gần Giám mục, đề nghị đổ ba thìa hương vào bình hương, và mô tả cách thức cầm bình hương. Thí dụ, chú thích 75 nêu rõ:

"Người thủ hương cầm dây đầu bình hương bằng tay trái, cầm dây phía cuối gần bình hương bằng tay phải, sao cho bình hương có thể lắc qua lại dễ dàng. Người thủ hương chú ý để thực hiện việc này với nét mặt nghiêm trang và duyên dáng, chứ không cử động đầu hoặc thân thể trong khi lắc bình hương, giữ bàn tay trái với đầu dây gần ngực mình, và chuyển động cánh tay phải qua lại với một nhịp đều đặn".

Cùng với các tài liệu chính thức này, chúng ta có thể đưa thêm các chỉ dẫn được cung cấp bởi Đức cha Peter Elliott trong cuốn sách xuất sắc của ngài “Các buổi lễ của Nghi lễ Rôma hiện đại” (Ceremonies of the Modern Roman Rite):

"216. Thái độ và kỹ năng sử dụng bình hương trước tiên phụ thuộc vào cách thức cầm dây chuỗi của bình hương, khi xông hương cho người hay vật. Mỗi người nên thực hiện những gì là thuận tiện nhất qua thực hành, nhưng xin đề xuất một phương pháp dễ dàng như sau (a) Giữ đĩa và phần trên của dây xích trong tay trái, ngang với ngực của mình. Với bàn tay phải, giữ dây xích giữa ngón trỏ và ngón giữa. Giữ dây bằng ngón cái, sao cho bát lắc của bình hương có thể được điều khiển và kiểm soát cách dễ dàng. (b) Với bàn tay phải, nâng bát bình hương lên ngang ngực. Sau đó, nâng bàn tay phải lên ngang mắt (thấp hơn khi xông hương bàn thờ), và lắc bát bình hương tới lui về hướng người hoặc vật được xông hương, xoay nó một cách vững chắc và không vội vã bằng cách điều khiển dây. (c) Sau khi đã hoàn thành số lần lắc theo yêu cầu, hãy hạ thấp bát bình hương xuống một chút. Sau đó đưa bình hương về phía mình, hoặc giao nó cho ngưởi thủ hương hoặc thầy phó tế.

"217. Có hai loại lắc hoặc 'ductus'. Để thực hiện một cú hai lắc, người thủ hương lắc hai lần vào người hoặc vật được xông hương, rồi hạ xuống. Để thực hiện một lắc đơn, bình hương chỉ được lắc một lần rồi hạ xuống, ngoại trừ khi xông hương bàn thờ, khi các lắc đơn được thực hiện liên tục khi chủ tế đi xung quanh bàn thờ.

"218. Các quy tắc thông thường về các hình thức xông hương khác nhau là như sau: (a) Ba cú và mỗi cú hai lắc được thực hiện để xông hương Mình Thánh Chúa, tượng Chịu nạn, các tượng hay ảnh Chúa khi trưng bày công khai để tôn kính, lễ vật trên bàn thờ, thánh giá trên bàn thờ, Sách Tin Mừng, Cây nến Phục sinh, chủ tế (Giám mục hay linh mục), đại diện của chính quyền chính thức có mặt tại buổi lễ, ca đoàn, cộng đoàn và thi hài ngưởi chết; (b) hai cú và mỗi cú hai lắc được thực hiện để xông hương cho di ảnh và tượng Đức Mẹ, và tượng các thánh khi trưng bày công khai để tôn kính. Bàn thờ được xông hương bằng các lắc đơn. Khi rước kiệu, người thủ hương di chuyển bình hương theo chiều dài từ tay phải. Trong tay trái của mình, người thủ hương cầm tàu hương ngang ngực, nhưng tay trái nằm phẳng trên ngực nếu có một người khác cầm tàu hương.

"219. Không cần thiết để cho bình hương va vào dây xích. Khi xông hương người, hoặc lễ vật trên bàn thờ, dây xích nên được giữ xa bình hương khoảng 20 cm (8 inch); khi xông hương bàn thờ hoặc thánh giá, dây xích nên được giữ xa khoảng 30 cm (12 inches). Trước và sau khi xông hương xong, cần cúi mình sâu trước người được xông hương. Trong khi cúi mình sâu trước và sau khi xông hương một người, người thủ hương cầm bình hương bằng tay phải, vốn được đặt trên ngực.

"220. Khi đặt hương vào bình hương, số lượng hương sử dụng cần phải được điều chỉnh bởi các yếu tố, chẳng hạn kích thước của nhà thờ. Tuy nhiên, dấu hiệu hương cháy lên chỉ hoàn tất khi hạt hoặc bột hương được bố trí đều trên than đốt. Việc khơi than hoặc làm vỡ than bằng thìa, mà chỉ làm xáo trộn các hạt và đu đưa bình hương để không tạo ra khói, là nực cười".

Các quy định trước Công đồng Vatican II, và vẫn có thể áp dụng khi sử dụng hình thức ngoại thường, là giống như thế nhưng chi tiết hơn, và có một số khác biệt phức tạp.

Mặc dù các tài liệu chính thức được trích dẫn trên đây không đặc biệt quy định "hai cú hai lắc", vốn được đề cập bởi Đức cha Elliott, việc lắc này mô tả cách thức xông hương, vốn là tập tục phổ quát trong thực tế, trong đó mỗi "cú" (ductus) gồm có hai “lắc” (ictus, swings). Vì vậy, bình hương được nâng lên, lắc hai lần về vật hoặc người được xông hương, rồi hạ xuống.

Thí dụ, sự mô tả sau đây về “hai cú hai lắc” được tìm thấy trong quyển sách nghi thức trước công đồng Vatican II của Fortescue-O'Connell: "Hai cú hai lắc ('ductus duplex') được thực hiện bằng cách nâng bình hương lên ngang mặt, sau đó lắc về phía vật hoặc người được xông hương, và lắc thêm lần nữa, sau đó hạ thấp bình hương". Sự mô tả này về hai cú hai lắc (double swing), được dựa trên các sắc lệnh của Thánh bộ Nghi lễ năm 1862 và 1899 (Các sắc lệnh số 3110 và 4048).

Sự khó khăn xuất hiện, bởi vì các sách phụng vụ hiện nay không phân biệt giữa lắc đơn và lắc đôi trong “cú, ductus", nhưng chỉ nói số lượng "cú" trong mỗi trường hợp, hoặc bao nhiêu lần bình hương được nâng lên và hạ xuống cho việc lắc.

Tuy nhiên, luật trước đây đã đưa ra sự phân biệt này và quy định hai cú hai lắc cho người và vật như quy định hiện tại. Không có lý do để giả định rằng sự thực hành này đã bị hủy bỏ.

Tương tự như vậy, vì tập tục đích thực cũng là một nguồn luật, việc sử dụng hai cú hai lắc, như được Đức cha Elliott mô tả, được sử dụng trong thực tế ở mọi nơi - kể cả trong các Thánh lễ của Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, mặc dù thật là rất hữu ích để nhắc lại luật, câu hỏi của bạn đọc đề cập nhiều hơn đến ý nghĩa nào được gắn với số lần lắc bình hương. Có một ý nghĩa rõ ràng là số lần lắc càng nhiều càng nói đến sự cao trọng hơn, nhưng tôi không tán thành quan điểm này, bởi vì số lần lắc như nhau không hàm ý sự bình đẳng. Nếu không, chúng ta sẽ đặt Bí Tích Thánh Thể ngang hàng với chủ tế, và rõ ràng như thế là không được.

Về mặt lịch sử, việc sử dụng hương đã đi vào phụng vụ Công Giáo Latinh theo nhiều cách khác nhau và cho các mục đích khác nhau.

Các sự xuất hiện sớm nhất của hương trong một nhà thờ ở Rôma bắt đầu từ thế kỷ IV, và việc sử dụng là trước tiên để lấp đầy không gian bằng hương thơm dễ chịu, theo một thời trang cũng được sử dụng trong các nhà ở tại Rôma.

Cách thức thứ hai là thông qua việc sử dụng hương cho các nghi lễ an táng. Đã có một sự đề cập đến điều này trong tác phẩm của Tertullian (160-220), và có khá nhiều bằng chứng về việc sử dụng nó cho mục đích này trong Kitô giáo thời ban đầu. Sự thực hành này sau đó được mở rộng đến các di tích và ngôi mộ của các vị tử đạo, và sự cung hiến nhà thờ.

Việc sử dụng hương phụng vụ trong phụng vụ Rôma sớm nhất trong các thế kỷ VII và VIII là một cử chỉ tôn kính được dành cho Đức Giáo Hoàng và Sách Tin Mừng. Điều này có thể đã được cảm hứng từ việc người Rôma sử dụng hương cho các quan tòa và sách các Đạo luật.

Việc xông hương cho các giáo sĩ bàn thờ và lễ vật đã được thực hành từ thế kỷ IX, có thể thông qua ảnh hưởng của cái gọi là phụng vụ Gallican được sử dụng ở Pháp và Đức, vốn chịu ảnh hưởng của Ảnh hưởng Đông phương. Vào khoảng năm 1350, các chữ đỏ về cách thức xông hương đã được thiết lập khá tốt. Tuy nhiên, các giao thức chi tiết hơn và sự tiêu chuẩn hóa của việc thực hành lại là sản phẩm của nhiều thời đại sau đó.

Vì lý do này, số lần lắc bình hương được quy định sẽ đáp ứng nhu cầu thiết lập một sự thống nhất nhất định về việc thực hành, theo một luật tôn vinh, và không có các ý nghĩa tượng trưng.

Nhìn chung, mặc dù hương tôn vinh một người thánh hoặc một vật, nó trước tiên và trước hết là một sự chứng tỏ lòng tôn kính và tôn vinh đối với Thiên Chúa, mà trong đó khói hương trầm bay lên thể hiện các lời cầu nguyện của Giáo Hội lên ngai Thiên Chúa. Bằng cách này, ý nghĩa tổng thể cũng là giống như ý nghĩa của hương trầm được sử dụng trong phụng vụ Đông phương. (Zenit.org 10-4-2018)
 
 
Nguyễn Trọng Đa
www.vietcatholic.net
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây