TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư Chung Gởi CĐ Dân Chúa, Đặt Biệt Là Các Bạn Trẻ, 4.10.2019

Thứ hai - 10/05/2021 11:06 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   844
 - 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
Thư Chung Gởi CĐ Dân Chúa, Đặt Biệt Là Các Bạn Trẻ, 4.10.2019

Học Hỏi Thư Chung HĐGM VN Gởi CĐ Dân Chúa, Đặt Biệt Là Các Bạn Trẻ, 4.10.2019

Thư Chung
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA,
ĐẶC BIỆT LÀ CÁC BẠN TRẺ
 

Ngày 4 tháng 10 năm 2019 
 

1.        Anh chị em thân mến,
 
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 Giáo phận, tham dự Đại hội XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, xin gửi lời chào thân ái trong Chúa Kitô đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ. Đại hội là cơ hội để chúng tôi nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, vào lúc kết thúc Đại hội, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội Việt Nam trong những năm tới.
 
Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình “Mục vụ gia đình”. Cảm ơn anh chị em đã đồng lòng hưởng ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục bằng những nỗ lực hành động cụ thể. Tạ ơn Chúa vì chương trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
 
2.        Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
 
Cùng chung những thao thức ấy, chúng tôi quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 - 2022).
 
Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ. Đấng Phục sinh đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Vì thế, hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: (1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ; (2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
 
A-      Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay
 
3.        Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.


Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.
 
B-       Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ
 
4.        Trong bối cảnh trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.
 
Hơn thế nữa, “tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134). Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).
 
Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50). Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).
 
C-      Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân
 
5.        Theo hướng đi trên, chúng tôi mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221). Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.
 
6.        Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề sau:
 
 - 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
 
 - 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
 
- 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
 
Để thực hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị:
 
a- Học hỏi:
-          Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
 
-          Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
 
b- Cử hành:
 
-          Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
 
-          Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
 
c- Sống:
 
- Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
 
- Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
 
- Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.
 
7.        Trong Thư Chung này, chúng tôi muốn trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2020: “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”.
 
Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
 
a-Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
 
b-Tâm lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
 
c-Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.
 
d- Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).
 
e-Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.
 
8.        Kết thúc thư này, chúng tôi muốn ngỏ lời với tất cả các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam.
 
Các con rất thân mến,
 
Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
 
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
 
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
 
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.
 
Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.



Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng
Ngày 4 tháng 10 năm 2019 
đã ký
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam       
                 
+++++++++++++++++++++++++
 
Học Hỏi Thư Chung
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA,
ĐẶC BIỆT LÀ CÁC BẠN TRẺ
 

Ngày 4 tháng 10 năm 2019
79 Câu Hỏi thưa & Trắc Nghiệm
 


79 Câu Hỏi Thưa
 
01. Hỏi: Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ được làm tại đâu?
   - Thưa: Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng.
 
02. Hỏi: Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ có bao nhiêu số?
   - Thưa: Có 8 số.
 
03. Hỏi: Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ gồm 3 phần chính, là những phần nào?
   - Thưa: Lắng nghe, Phân định và Hành động.
 
04. Hỏi: Cụ thể Lắng nghe, Phân định và Hành động là gì?
   - Thưa: Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay; Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ và - Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân.
 
05. Hỏi: Hội Thánh Việt Nam hiện nay có bao nhiêu giáo phận?
   - Thưa: 27 Giáo phận.
 
06. Hỏi: Đại hội là cơ hội để chúng tôi (HĐGM VN) làm gì?
   - Thưa: Nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn.   
 
07. Hỏi: Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình gì?
   - Thưa: Chương trình “Mục vụ gia đình”. 
 
08. Hỏi: Chương trình mục vụ gia đình đã đem lại được những gì?
   - Thưa: Chương trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
 
09. Hỏi: Ai luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội?  
   - Thưa: Các Kitô hữu trẻ.
 
10. Hỏi: Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề gì?
   - Thưa: “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”.
 
11. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của ai đang sống giữa chúng ta?
   - Thưa: Chúa Kitô Phục sinh.
 
12. Hỏi: Chúa Kitô Phục sinh là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống thế nào?
   - Thưa: Để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
 
13. Hỏi: Cùng chung những thao thức ấy, HĐGM VN quyết định chọn chủ đề gì cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 - 2022)?
   - Thưa: Mục vụ Giới trẻ.
 
14. Hỏi: Trình thuật gì là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ?
   - Thưa: Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus.
 
15. Hỏi: Đấng Phục sinh đã làm gì cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại?
   - Thưa: Đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích.
 
16. Hỏi: Trình thuật này không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là gì?
   - Thưa: Cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
 
17. Hỏi: Hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: là những bước nào?  
   - Thưa: Một là lắng nghe cuộc sống của người trẻ; hai là cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; ba là giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
 
18. Hỏi: Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận được những gì?
   - Thưa: Đón nhận được những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. 
 
19. Hỏi: Sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội làm gì?
   - Thưa: Nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.
 
20. Hỏi: Người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng gì vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội?
   - Thưa: Hiện tượng di dân.
 
21. Hỏi: Điều gì vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ?  
   - Thưa: Thế giới kỹ thuật số.
 
22. Hỏi: Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ thế nào?
   - Thưa: Làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. 
 
23. Hỏi: Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như là gì?
   - Thưa: Nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. 
 
24. Hỏi: Trong bối cảnh trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm điều gì?
   - Thưa: Đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. 
 
25. Hỏi: Cũng như ai đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng?  
   - Thưa: Chúa Kitô.
 
26. Hỏi: Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: đó là những gì?
   - Thưa: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. 
 
27. Hỏi: Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần làm gì?  
   - Thưa: Cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện. 
 
28. Hỏi: Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tuổi trẻ còn là một phúc lành cho ai?
   - Thưa: Giáo Hội và thế giới.
 
29. Hỏi: Người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh ai giữa lòng nhân thế?
   - Thưa: Phản ảnh Đức Giêsu Kitô.
 
30. Hỏi: Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc gì? 
   - Thưa: Nên thánh.
 
31. Hỏi: Điều gì tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời?
   - Thưa: Hương thơm thánh thiện.
 
32. Hỏi: Các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái ở đâu?   
   - Thưa: Trong gia đình và trong xã hội.
 
33. Hỏi: Nhiều người trẻ còn tham gia tích cực vào các điều gì nữa?
   - Thưa: Vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội.
 
34. Hỏi: Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để điều gì xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa?
   - Thưa: Phúc Âm hóa.
 
35. Hỏi: Theo hướng đi trên, HĐGM VN mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa làm gì với giới trẻ?
   - Thưa: Đồng hành và đổi mới mục vụ giới trẻ. 
 
36. Hỏi: Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt ai, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ?
   - Thưa: Các linh mục.
 
37. Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những điều gì?
   - Thưa: Giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống.
 
38. Hỏi: Những gì họ được dạy về những gì không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy?
   - Thưa: Về các giá trị tôn giáo và luân lý.
 
39. Hỏi: Họ cũng không học được điều gì và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội?
   - Thưa: Cách cầu nguyện.
 
40. Hỏi: Vì thế, cần phải làm gì với các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó?
   - Thưa: Cần phải đồng hành và lắng nghe.
 
41. Hỏi: Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ thế nào?
   - Thưa: Sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.  
 
42. Hỏi: Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề nào?
    - Thưa: - 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
 - 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
- 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
 
43. Hỏi: Để thực hiện chương trình mục vụ trên, HĐGM VN đề nghị những gì?
   - Thưa: Học hỏi, Cử hành và Sống.
 
44. Hỏi: Học hỏi những gì?
   - Thưa: Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”.
 
45. Hỏi: Và chú trọng hơn đến việc gì?
   - Thưa: Việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
 
46. Hỏi: Cử hành những gì? 
    - Thưa: Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp và kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
 
47. Hỏi: Và sống thế nào?
   - Thưa:  Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
 
48. Hỏi: Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ làm gì?
   - Thưa: Gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến.
 
49. Hỏi: Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ điều gì?
   - Thưa: Giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
 
50. Hỏi: Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để làm gì?
   - Thưa: Để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng. 
 
51. Hỏi: Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm điều gì?  
   - Thưa: Tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.
 
52. Hỏi: Trong thời gian sống tại đâu, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ ?(Lc 2, 52) 
   - Thưa: Tại Nadarét.
 
53. Hỏi: Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với ai?
   - Thưa: Với Chúa Cha và với tha nhân. 
 
54. Hỏi: Đức Giêsu không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về mặt gì nữa?
   - Thưa: Tâm linh.
 
55. Hỏi: Trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo điều gì?
   - Thưa: Sứ mạng cao cả ấy.
 
56. Hỏi: Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi (HĐGM VN) đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về những mặt gì?
   - Thưa: Về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
 
57. Hỏi: Thể lý giúp gì cho người trẻ? 
   - Thưa:  Giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
 
58. Hỏi: Tâm lý giúp gì cho người trẻ?  
   - Thưa: Giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm.
 
59. Hỏi: Trưởng thành về tâm lý còn tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần gì? 
   - Thưa: Tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha. 
 
60. Hỏi: Mở các lớp kỹ năng sống để làm gì?
   - Thưa: Nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
 
61. Hỏi: Về phương diện tâm linh thì thế nào?
   - Thưa: Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô.  
 
62. Hỏi: Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ vào điều gì?
   - Thưa: Nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực.  
 
63. Hỏi: Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách nào?
   - Thưa: Bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.
 
64. Hỏi: Đào tạo văn hóa đích thực là gì?
   - Thưa: Phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời
 
65. Hỏi: Người trẻ cũng cần được làm gì trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa?
   - Thưa: Đồng hành và hướng dẫn.
 
66. Hỏi: Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ‘Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy thế nào và khi Người bẻ bánh, mắt họ thế nào?’
   - Thưa: Lòng ấm lên, trí sáng ra và mắt họ mở ra.
 
67. Hỏi: Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và làm gì?
   - Thưa: Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
 
68. Hỏi: Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, làm gì, để nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con?
   - Thưa: Tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể.
 
69. Hỏi: Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích gì? 
   - Thưa: Cộng đoàn.
 
70. Hỏi: Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của ai? 
   - Thưa: Giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ.
 
71. Hỏi: Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được điều gì?
   - Thưa: Sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
 
72. Hỏi: Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về điều gì?
   - Thưa: Kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. 
 
73. Hỏi: Chính các con phải là gì cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con?  
   - Thưa: Tông đồ.
 
74. Hỏi: Được như thế, các con sẽ trở thành gì của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc?
   - Thưa: Những sứ giả loan báo Tin Mừng.
 
75. Hỏi: Vào thời điểm nào, Mẹ cũng là một người trẻ?
   - Thưa: Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria.
 
76. Hỏi: Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã làm gì ?
   - Thưa: Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. 
 
77. Hỏi: Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc nào?
   - Thưa: Khó khăn và thử thách nhất. 
 
78. Hỏi: Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là gì, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng?  
   - Thưa: Ngôi Sao Hy Vọng.
               
79. Hỏi: Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình gì? Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.
   - Thưa: Với tâm tình cậy trông và yêu mến.
 
Gb. Nguyễn Thái Hùng
2020
 ++++++++++++++++++++++++++++++++++
Học Hỏi Thư Chung
HĐGM VN GỬI CĐ DÂN CHÚA,
ĐẶC BIỆT LÀ CÁC BẠN TRẺ
 

Ngày 4 tháng 10 năm 2019
 
79 Câu Trắc Nghiệm
 
01. Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ được làm tại đâu?
   a. Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.
   b. Trung tâm Mục vụ Giáo phận Xuân Lộc.
   c. Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ tho.
   d. Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng.
 
02. Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ có bao nhiêu số?
   a. Có 7 số.
   b. Có 8 số.
   c. Có 10 số.
   d. Có 12 số.
 
03. Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng Đồng Dân Chúa, đặc biệt là Các Bạn Trẻ gồm 3 phần chính, là những phần nào?
   a. Lắng nghe.
   b. Hành động.
   c. Phân định.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
04. Cụ thể Lắng nghe, Phân định và Hành động là gì?
   a. Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay.
   b. Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ.
   c. Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
05. Hội Thánh Việt Nam hiện nay có bao nhiêu giáo phận?
   a. 25 Giáo phận.
   b. 26 Giáo phận.
   c. 27 Giáo phận.
   d. 29 Giáo phận.
 
06. Đại hội là cơ hội để chúng tôi (HĐGM VN) làm gì?
   a. Nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục.
   b. Chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm.
   c. Bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn.   
   d. Cả a, b và c đúng.
 
07. Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình gì?
   a. “Mục vụ giới trẻ”. 
   b. “Mục vụ tân tòng”. 
   c. “Mục vụ gia đình”. 
   d. d. Cả a, b và c đúng.
 
08. Chương trình mục vụ gia đình đã đem lại được những gì?
   a. Nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn.
   b. Giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
   c. Giúp cho các tân tòng sống đức tin một cách thiết thực.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
09. Ai luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội?  
   a. Các dân tộc thiểu số.
   b. Các người ngoài Kitô giáo.
   c. Các Kitô hữu trẻ.
   d. Các trẻ sơ sinh.
 
10. Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề gì?
   a. “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”
   b. “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”.
   c. “Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng”
   d. Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong giáo hội và trong thế giới
 
11. Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của ai đang sống giữa chúng ta?
   a. Chúa Kitô Phục sinh.
   b. Chúa Thánh Thần.
   c. Hội Thánh.
   d. Các Kitô hữu tử đạo hôm nay.
 
12. Chúa Kitô Phục sinh là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống thế nào?
   a. Sống tuổi trẻ cách sung mãn.
   b. Lớn lên trong sự thánh thiện.
   c. Dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
13. Cùng chung những thao thức ấy, HĐGM VN quyết định chọn chủ đề gì cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 - 2022)?
   a. Mục vụ Giới tính.
   b. Mục vụ Giới trẻ.
   c. Mục vụ Gia đình.
   d. Mục vụ Thiếu nhi.
 
14. Trình thuật gì là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ?
   a. Trình thuật Chúa Phục sinh.
   b. Trình thuật Chúa lmà phép lạ cho Ladarô sông lại.
   c. Trình thuật Chúa lên trời.
   d. Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus.
 
15. Đấng Phục sinh đã làm gì cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại?
   a. Đã đồng hành.
   b. Lắng nghe.
   c. Đặt câu hỏi và giải thích.
  d. Cả a, b và c đúng.
 
16. Trình thuật này không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là gì?
   a. Gợi hứng cho mọi thăng tiến xã hội.
   b. Cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
   c. Kiểu nẫu cho những gặp gỡ xã hội.
   d. Gợi hứng cho tìm hiểu Lời Chúa.
 
17. Hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: là những bước nào?  
   a. Lắng nghe cuộc sống của người trẻ.
   b. Cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng.
   c. Giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
  d. Cả a, b và c đúng.
 
18. Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận được những gì?
   a. Những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. 
   b. Những giáo dục làm người.
   c. Những tình cảm tốt đẹp của cha mẹ, anh chị em.
   d. Nếp sống chân thành tốt đẹp.
 
19. Sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội làm gì?
   a. Học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng.
   b. Du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ.
   c. Những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
20. Người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng gì vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội?
   a. Toàn cầu hóa.
   b. Di dân.
   c. Phá thai.
   d. Đồng tính.
 
21. Điều gì vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ?  
   a. Xu hướng hưởng thụ.
   b. Thế giới kỹ thuật số.
   c. Kinh tế toàn cầu.
   d. Não trạng văn minh tiêu thụ.
 
22. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ thế nào?
   a. Lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả.
   b. Sống ảo, sống vội.
   c. Sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. 
   d. Cả a, b và c đúng.
 
23. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như là gì?
   a. Nghiện ngập, buôn bán ma túy.
   b. Hôn nhân thử, đồng tính.
   c. Phá thai. 
   d. Cả a, b và c đúng.
 
24. Trong bối cảnh trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm điều gì?
   a. Một cuộc sống mới lạ, hấp dẫn.
   b. Ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống.
   c. Một cuộc sống vật chất đầy đủ.
   d. Ý nghĩa và đời sống làm con Thiên Chúa.
 
25. Cũng như ai đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng?  
   a. Thiên Chúa.
   b. Chúa Kitô.
   c. Hội Thánh.
   d. Các tông đồ.
 
26. Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: đó là những gì?
   a. Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn.
   b. Chúa Kitô đã cứu độ các bạn.
   c. Ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết.
  d. Cả a, b và c đúng.
 
27. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần làm gì?  
   a. Đón nhận với lòng biết ơn.
   bSống sung mãn chứ không lãng phí.
   c. Hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện. 
   d. Cả a, b và c đúng.
 
28. Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134, Đức Thánh Cha Phanxicô nói tuổi trẻ còn là một phúc lành cho ai?
   a. Giáo Hội và thế giới.
   b. Xã hội và nhân loại.
   c. Những người di dân.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
29. Người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh ai giữa lòng nhân thế?
   a. Khuôn mặt của Thiên Chúa.
   b. Đức Giêsu Kitô.
   c. Hội Thánh.
   d. Các Kitô hữu.
 
30. Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc gì? 
   a. Cầu nguyện.
   b. Ăn chay.
   c. Nên thánh.
   d. Bố thí.
 
31. Điều gì tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời?
   a. Sự nhiệt thành.
   b. Đời sống hy sinh, bác ái.
   c. Dấn thân xã hội.
   d. Hương thơm thánh thiện.
 
32. Các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái ở đâu?   
   a. Trong nhà thờ.
   b. Trong gia đình.
   c. Trong xã hội.
   d. Chỉ có b và c đúng.
 
33. Nhiều người trẻ còn tham gia tích cực vào các điều gì nữa?
   a. Các hoạt động giáo xứ.
   b. Dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội.
   c. Dấn thân phục vụ kinh tế toàn cầu.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
34. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để điều gì xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa?
   a. Xã hội hóa.
   b. Phúc Âm hóa.
   c. Thánh Thần hóa.
   d. Toàn cầu hóa.
 
35. Theo hướng đi trên, HĐGM VN mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa làm gì với giới trẻ?
   a. Giáo dục giới trẻ.
   b. Đổi mới mục vụ giới trẻ. 
   c. Đồng hành với giới trẻ. 
   d. Chỉ có b và c đúng.
 
36. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt ai, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ?
   a. Các Giám mục.
   b. Các linh mục.
   c. Các tu sĩ.
  d. Cả a, b và c đúng.
 
37. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những điều gì?
   a. Giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống.
   b. Giữa những kiến thức xã hội và tôn giáo.
   c. Giữa những trăn trở và cuộc sống thực tế.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
38. Những gì họ được dạy về những gì không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy?
   a. Về kiến thức xã hội.
   b. Về yêu thương và bác ái.
   c. Về các giá trị tôn giáo và luân lý.
   d. Về sự hy sinh bản thân.
 
39. Họ cũng không học được điều gì và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội?
   a. Sống đức ái.
   b. Sống cộng đoàn.
   c. Cách cầu nguyện.
   d. Sống Lời Chúa.
 
40. Vì thế, cần phải làm gì với các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó?
   a. Đồng hành.
   b. Lắng nghe.
   c. Hành động.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
41. Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ thế nào?
   a. Vui tươi.
   b. Can đảm.
   c. Nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.  
   d. Cả a, b và c đúng.
 
42. Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề nào?
    a. - 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
   b. - 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
   c. - 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
43. Để thực hiện chương trình mục vụ trên, HĐGM VN đề nghị những gì?
   a. Học hỏi.
   b. Cử hành.
   c. Sống.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
44. Học hỏi những gì?
   a. Youcat.
   b. Docat.
   c. Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
45. Và chú trọng hơn đến việc gì?
   a. Việc giúp phân định thiêng liêng.
   b. Tư vấn tâm lý cho người trẻ.
   c. Những sinh hoạt của giới trẻ.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
46. Cử hành những gì? 
   a. Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm.
   b. Hoặc một ngày khác phù hợp.
   c. Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
47. Và sống thế nào?
   a. Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ.
   b. Giúp người trẻ khám phá thế giới chung quanh.
   c. Tạo cho người trẻ có nhiều chuyến hành hương.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
48. Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ làm gì?
   a. Tìm kiếm những nhà trọ thích hợp.
   b. Gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến.
   c. Tìm kiếm công ăn việc làm.
   d. Sống đức tin Kitô giáo.
 
49. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ điều gì?
   a. Có khả năng hội nhập.
   b. Sống.
   c. Làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
50. Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để làm gì?
   a. Để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng.
   b. Cung cấp thông tin về mục vụ xã hội.
   c. Trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng. 
   d. Cả a, b và c đúng.
 
51. Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm điều gì?  
   a. Trình thuật Đức Giêsu ra đời.
   b. Trình thuật Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus.
   c. Tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
52. Trong thời gian sống tại đâu, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ ?(Lc 2, 52) 
   a. Tại Bêlem.
   b. Tại Nadarét.
   c. Tại Caphácnaum.
   d. Tại Xiđôn.
 
53. Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với ai?
   a. Với Chúa Cha.
   b. Với tha nhân. 
   c. Với xã hội.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
54. Đức Giêsu không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về mặt gì nữa?
   a. Tâm linh.
   b. Xã hội.
   c. Tâm lý.
   d. Nhân linh.
 
55. Trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo điều gì?
   a. Lời đề nghị của ông Gioan Tẩy giả.
   b. Sứ mạng cao cả ấy.
   c. Ngôn sứ Môsê.
   d. Tình thương của Thiên Chúa.
 
56. Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi (HĐGM VN) đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về những mặt gì?
   a. Thể lý.
   b. Tâm lý.
   c. Tâm linh, và phân định ơn gọi.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
57. Thể lý giúp gì cho người trẻ? 
   a. Giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh.
   b. Giữ kỷ luật đối với chính bản thân.
   c. Phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
58. Tâm lý giúp gì cho người trẻ?  
   a. Giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực.
   b. Ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng.
   c. Tinh thần trách nhiệm.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
59. Trưởng thành về tâm lý còn tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần gì? 
   a. Liên đới.
   bQuảng đại.
   c. Vị tha. 
   d. Cả a, b và c đúng.
 
60. Mở các lớp kỹ năng sống để làm gì?
   a. Nhận diện giá trị bản thân.
   b. Trưởng thành tâm lý và tính dục.
   c. Phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
61. Về phương diện tâm linh thì thế nào?
   a. Giúp các bạn trẻ học hỏi giáo lý cách thiết thực.
   b. Giúp các bạn trẻ thăng tiến trong đời sống xã hội.
   c. Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô.  
   d. Giúp các bạn trẻ sống dấn thân trong mọi môi trường.
 
62. Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ vào điều gì?
   a. Cầu nguyện với Lời Chúa.
   b. Tôn thờ Thánh Thể.
   c. Tham dự phụng vụ cách tích cực.  
   d. Cả a, b và c đúng.
 
63. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách nào?
   a. Tổ chức các buổi tọa đàm.
   b. Thảo luận theo chuyên đề.
   c. Tổ chức những cuộc hành hương.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
64. Đào tạo văn hóa đích thực là gì?
   a. Phát triển sự khôn ngoan.
   b. Tri thức nhân văn và phát triển nhân bản.
   c. Không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
65. Người trẻ cũng cần được làm gì trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa?
   a. Đồng hành.
   b. Hướng dẫn.
   c. Bảo vệ.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
66. Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ‘Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy thế nào và khi Người bẻ bánh, mắt họ thế nào?’
   a. Lòng ấm lên.
   b. Trí sáng ra.
   c. Mắt họ mở ra.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
67. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và làm gì?
   a. Ra thăm viếng mộ Thầy.
   b. Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
   c. An ủi các tông đồ.
   d. Củng cố niềm tin cho các môn đệ đang sợ hãi.
 
68. Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, làm gì, để nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con?
   a. Tâm sự với Người trong cầu nguyện.
   b. Lắng nghe lời Người trong Sách Thánh.
   c. Đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
69. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích gì? 
   a. Thánh thiêng.
   b. Trần thế.
   c. Cộng đoàn.
   d. Xã hội.
 
 
70. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của ai? 
   a. Giáo xứ.
   b. Hội đoàn.
   c. Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
71. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được điều gì?
   a. Sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn.
   b. Học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
   c. Học được giáo lý chân chính của Kitô giáo.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
72. Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về điều gì?
   a. Kinh nghiệm đức tin của mình.
   b. Kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. 
   c. Kể về những thành công của mình.
   d. Chỉ có a và b đúng.  
 
73. Chính các con phải là gì cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con?  
   a. Thầy dạy.
   b. Tông đồ.
   c. Bạn hữu.
   d. Nhà lãnh đạo.
 
74. Các con sẽ trở thành gì của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc?
   a. Các Kitô hữu gương mẫu.
   b. Những sứ giả loan báo Tin Mừng.
   c. Những người công chính.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
75. Vào thời điểm nào, Mẹ cũng là một người trẻ?
   a. Mẹ đứng dưới chân thánh giá.
   b. Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria.
   c. Mẹ ở giữa các tông đồ.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
76. Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã làm gì ?
   a. Đã lắng nghe.
   b. Suy đi nghĩ lại trong lòng.
   c. Quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
77. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc nào?
   a. Khó khăn.
   b. Thử thách. 
   c. An vui.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
78. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là gì, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng?  
   a. Người dẫn đường.
   b. Đường hy vọng.
   c. Ngôi Sao Hy Vọng.
   d. Cả a, b và c đúng.
 
79. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình gì? Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.
   a. Yêu mến.
   b. Cậy trông.
   c. Phó thác.
   d. Chỉ có a và b đúng.
 
Gb. Nguyễn Thái Hùng
2020
 
    
 
 
Lời giải đáp
79 Câu Trắc Nghiệm
 
01. d. Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng.
02. b. Có 8 số.
03. d. Cả a, b và c đúng.
04. d. Cả a, b và c đúng.
05. c. 27 Giáo phận.
06. d. Cả a, b và c đúng.
07. c. “Mục vụ gia đình”. 
08. d. Chỉ có a và b đúng.
09. c. Các Kitô hữu trẻ.
10. b. “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”.
11. a. Chúa Kitô Phục sinh.
12. d. Cả a, b và c đúng.
13. b. Mục vụ Giới trẻ.
14. d. Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus.
15. d. Cả a, b và c đúng.
16. b. Cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
17. d. Cả a, b và c đúng.
18. a. Những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. 
19. d. Cả a, b và c đúng.
20. b. Di dân.
21. b. Thế giới kỹ thuật số.
22. d. Cả a, b và c đúng.
23. d. Cả a, b và c đúng.
24. b. Ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống.
25. b. Chúa Kitô.
26. d. Cả a, b và c đúng.
27. d. Cả a, b và c đúng.
28. a. Giáo Hội và thế giới.
29. b. Đức Giêsu Kitô.
30. c. Nên thánh.
31. d. Hương thơm thánh thiện.
32. d. Chỉ có b và c đúng.
33. d. Chỉ có a và b đúng.
34. b. Phúc Âm hóa.
35. d. Chỉ có b và c đúng.
36. b. Các linh mục.
37. a. Giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống.
38. c. Về các giá trị tôn giáo và luân lý.
39. c. Cách cầu nguyện.
40. d. Chỉ có a và b đúng.
41. d. Cả a, b và c đúng.
42. d. Cả a, b và c đúng.
43. d. Cả a, b và c đúng.
44. d. Cả a, b và c đúng.
45. d. Chỉ có a và b đúng.
46. d. Cả a, b và c đúng.
47. a. Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ.
48. b. Gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến.
49. d. Cả a, b và c đúng.
50. d. Cả a, b và c đúng.
51. c. Tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.
52. b. Tại Nadarét.
53. d. Chỉ có a và b đúng.
54. a. Tâm linh.
55. b. Sứ mạng cao cả ấy.
56. d. Cả a, b và c đúng.
57. d. Cả a, b và c đúng.
58. d. Cả a, b và c đúng.
59. d. Cả a, b và c đúng.
60. d. Cả a, b và c đúng.
61. c. Giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô.  
62. d. Cả a, b và c đúng.
63. d. Chỉ có a và b đúng.
64. d. Cả a, b và c đúng.
65. d. Chỉ có a và b đúng.
66. d. Cả a, b và c đúng.
67. b. Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
68. d. Cả a, b và c đúng.
69. c. Cộng đoàn.
70. d. Cả a, b và c đúng.
71. d. Chỉ có a và b đúng.
72. d. Chỉ có a và b đúng.  
73. b. Tông đồ.
74. b. Những sứ giả loan báo Tin Mừng.
75. b. Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria.
76. d. Cả a, b và c đúng.
77. d. Chỉ có a và b đúng.
78. c. Ngôi Sao Hy Vọng.
79. d. Chỉ có a và b đúng.
 
Gb. Nguyễn Thái Hùng
2020
 
 Tags: vhgl vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây