TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày Thế Giới Di Dân & Tị Nạn 2015 Hỏi Thưa, Trắc Nghiệm & Ô Chữ

Thứ ba - 11/05/2021 08:17 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   852
Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion;
trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.
Ngày Thế Giới Di Dân & Tị Nạn 2015 Hỏi Thưa, Trắc Nghiệm & Ô Chữ

Ngày Thế Giới Di Dân & Tị Nạn 101 (2015) Hỏi Thưa. Trắc Nghiệm & Ô Chữ

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015) 

HỎI THƯA - TRẮC NGHIỆM & Ô CHỮ

 
 

 
Kính Dâng Mẹ Tình Yêu
Xin Mẹ chúc lành cho tình yêu của chúng con
Hôm Nay và Mãi Mãi

Kỷ Niệm
25 Năm Hôn Phối
4.1.1991- 4.1.2015


 

I. * Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015)

Giáo hội giang tay đón nhận mọi dân tộc, không phân biệt một ai và vượt qua mọi biên giới, để loan báo cho mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16).
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn
lần thứ 101 (năm 2015)
Giáo hội không biên giới, Mẹ của mọi người
 
Anh chị em thân mến,
Đức Giêsu “là người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo và là hiện thân của Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 209). Trước lòng ân cần Người dành đặc biệt cho người dễ bị tổn thương nhất và người bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn cả, chúng ta được mời gọi phải chăm sóc cho những người yếu ớt hơn mình và nhận ra diện mạo đau khổ của Người, nhất là nơi những nạn nhân của các hình thức nghèo khổ và nô lệ mới. Chúa nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25, 35-36). Vì vậy, Giáo hội lữ hành trên trần gian và là Mẹ của mọi người có sứ mạng phải yêu mến Chúa Giêsu Kitô, tôn thờ và yêu mến Người đặc biệt nơi những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết; chắc chắn trong số những người này có những người di dân và tị nạn, họ đang tìm cách thoát khỏi những điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm tứ bề. Do đó, năm nay Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn có chủ đề: Giáo hội không biên giới, Mẹ của mọi người.


Quả thật, Giáo hội giang tay đón nhận mọi dân tộc, không phân biệt một ai và vượt qua mọi biên giới, để loan báo cho mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16). Sau khi chịu chết và sống lại, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ vụ làm chứng cho Người và loan báo Tin Mừng của niềm vui và lòng thương xót. Ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ ra khỏi Nhà Tiệc ly, lòng đầy can đảm và hân hoan; sức mạnh của Thánh Thần đã thắng mọi hồ nghi và khiến cho ai nấy đều hiểu được trong tiếng của mình những gì các môn đệ loan báo; như thế, ngay từ đầu, Giáo hội là một người mẹ với tấm lòng mở ra cho cả thế giới, vượt qua mọi biên giới. Từ đó đến nay, nhiệm vụ này đã trải qua hai ngàn năm lịch sử, nhưng ngay từ những thế kỷ đầu tiên, việc loan báo truyền giáo đã cho thấy rõ tính cách hiền mẫu của Giáo hội đối với toàn thể nhân loại, sau đó, các Giáo phụ cũng đã khai triển và Công đồng Vaticanô II cũng đã nhắc lại vai trò này của Giáo hội. Các nghị phụ đã nói đến “Ecclesia Mater” (Giáo hội là Mẹ) để giải thích bản chất của Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội sinh ra những người con, cả nam lẫn nữ, mà Giáo hội ôm vào lòng và “yêu thương săn sóc họ” (Hiến chế Giáo hội Lumen Gentium, số 14).

Giáo hội không biên giới, Mẹ của mọi người, truyền bá trên thế giới văn hoá đón tiếp và liên đới, văn hoá này chủ trương không được xem ai là người vô ích, vướng víu, và không được loại trừ ai. Quả thật, khi sống vai trò làm mẹ, cộng đoàn Kitô hữu nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn đồng hành và tìm cách trở nên gần gũi qua kinh nguyện và các công việc thể hiện lòng thương xót.

Ngày nay, tất cả những điều này có một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, trong thời đại có những cuộc di dân trên diện rộng, một số đông người rời bỏ quê nhà lòng tràn trề hy vọng, họ chấp nhận nguy hiểm để lên đường, với ước muốn và sợ hãi làm hành trang, họ chỉ mong sao tìm được những điều kiện sống nhân đạo hơn. Tuy nhiên, những trào lưu di cư này thường hay gây ra ngờ vực và chống đối, ngay cả nơi các cộng đoàn của Giáo hội, và ngay cả khi người ta cũng chưa biết những người trong cuộc đã phải sống, bị bách hại và chịu khốn khổ như thế nào. Trong trường hợp này, nghi ngờ và thành kiến đi ngược lại với điều răn trong Kinh Thánh dạy chúng ta đón tiếp khách lạ đang túng quẫn với lòng tôn trọng và trong tình liên đới.

Một mặt, trong lương tâm chúng ta cảm nhận được lời kêu gọi phải chạm đến sự khốn cùng của nhân loại và thi hành mệnh lệnh yêu thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta khi Người đồng hoá mình với khách lạ, với người đau khổ, với tất cả các nạn nhân bị bạo hành và bóc lột. Nhưng mặt khác, vì bản chất yếu đuối, “chúng ta lại cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 270).

Khoảng cách chúng ta giữ đối với những thảm cảnh của nhân loại sẽ rút ngắn lại nếu chúng ta có một đức tin, đức cậy, đức mến can trường. Chúa Giêsu Kitô luôn chờ đợi chúng ta nhận ra Người nơi những người di dân và tị nạn, những người phải di tản và lưu vong, và bằng cách đó, Người cũng kêu gọi chúng ta phải chia sẻ nguồn lực mình đang có, và đôi khi phải từ bỏ phần nào những tiện nghi và sung túc mình đang hưởng. Trước đây, Đức Thánh Cha Phaolô VI vẫn nhắc nhở chúng ta điều đó, ngài nói: “những người được ưu đãi hơn cả phải từ bỏ một số quyền lợi của mình, để thanh thản hơn mà đem của cải ra phục vụ người khác” (Tông thư Octogesima Adveniens, 14 tháng 5 năm 1971, số 23).

Vả lại, do các xã hội thời nay mang tính đa văn hoá, nên Giáo hội phải cảm thấy mình cần dấn thân hơn nữa để xây dựng tình liên đới, sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng. Quả thật, các trào lưu di cư buộc chúng ta phải đào sâu và tăng cường những giá trị cần thiết để bảo đảm sao cho các cá nhân và các văn hoá sống chung với nhau cách hài hoà. Để đạt được yêu cầu này, sự dung nhận thôi chưa đủ, mặc dù hành động này mở đường cho việc tôn trọng sự khác biệt và đưa đến việc chia sẻ giữa những con người có nguồn gốc và văn hoá khác nhau. Còn phải lồng vào đây lời của Giáo hội kêu gọi chúng ta vượt qua biên giới và tạo điều kiện nhằm “chuyển từ một thái độ tự vệ và sợ hãi, thờ ơ hoặc gạt qua bên lề... sang một thái độ lấy ‘văn hoá gặp gỡ’ làm nền tảng, vì chỉ có văn hoá này mới có thể xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2014).

Tuy nhiên các trào lưu di cư đã đạt đến những chiều kích quá lớn đến nỗi chỉ khi nào các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế cộng tác với nhau một cách có hệ thống và tích cực, mới điều tiết được cách hữu hiệu và quản lý được các trào lưu này. Quả thật, vấn đề di dân phải làm cho mọi người quan tâm, không phải chỉ vì hiện tượng này đạt đến tầm cỡ rộng lớn, nhưng còn là vì “nó nêu lên nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo và vì nó đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và cho cộng động quốc tế những thách đố đầy kịch tính” (ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 29 tháng 6 năm 2009, số 62).

Trên bình diện quốc tế, vẫn thường diễn ra những cuộc bàn thảo về cơ hội, phương pháp và quy định để đối phó với hiện tượng di dân. Có những cơ quan và định chế, ở cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương, đang làm việc cật lực để giúp những người mong tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn qua việc di cư. Mặc dù những nỗ lực của họ thật quảng đại và đáng ca ngợi, nhưng cần phải có một hành động cương quyết và hữu hiệu hơn, nhờ vào sự cộng tác của mạng lưới thế giới, nhằm bảo vệ phẩm giá của mỗi người và tôn trọng con người như là mối quan tâm hàng đầu. Bằng cách này, công cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn người ô nhục và gây nhiều tội ác, chống lại sự xâm phạm các quyền cơ bản, chống lại mọi hình thức bạo lực, áp bức và nô lệ, sẽ trở nên khốc liệt hơn. Tuy nhiên, làm việc chung với nhau đòi hỏi sự tương trợ và đồng bộ, cùng với sự cởi mở và tin tưởng nhau, vì “không một đất nước nào có thể một mình đương đầu với những khó khăn liên quan đến hiện tượng này, vì nó quá rộng lớn đến nỗi kể từ nay nó kéo theo tất cả các châu lục vào trong một trào lưu kép nhập cư và di cư” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giớiDi dân và Tị nạn năm 2014).

Trước sự toàn cầu hoá của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hoá của đức ái và hợp tác, hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn. Đồng thời, phải tăng cường nỗ lực để tạo những điều kiện có thể bảo đảm làm giảm dần những nguyên nhân thúc đẩy dân của cả một nước rời bỏ quê nhà, vì lý do chiến tranh và đói kém, thường nguyên nhân này lại gây ra nguyên nhân kia.

Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có lòng can đảm và óc sáng tạo, rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chính công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hoà bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực.
Các bạn di dân và tị nạn thân mến! Các bạn có một chỗ đặc biệt trong con tim của Giáo hội, và các bạn giúp Giáo hội mở rộng lòng mình để biểu lộ tình hiền mẫu cho toàn thể gia đình nhân loại. Xin các bạn đừng đánh mất niềm tin và hy vọng! Chúng ta hãy nhớ đến Thánh Gia phải lưu vong sang Ai Cập: cũng như trái tim từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và trái tim ân cần của Thánh Giuse luôn ấp ủ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các ngài, xin cho niềm tin tưởng ấy cũng không thiếu nơi các bạn. Tôi xin trao phó các bạn vào bàn tay che chở của các ngài, và tôi thân ái ban Phép lành Toà Thánh cho tất cả các bạn.
 
Từ Vatican, ngày 3 tháng 9 năm 2014
PHANXICÔ
 
Người dịch: LTD; Hiệu đính: Toà Tổng giám mục Tp.HCM

II . * Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn lần thứ 101
HỎI THƯA


01.  Hỏi : Chủ đề Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015) là gì ?
- Thưa : Chủ đề Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015) là Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người.


02. Hỏi : Theo Tông huấn Evangelii Gaudium, số 209, Đức Giêsu là ai ?
- Thưa : Là người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo và là hiện thân của Tin Mừng.


03. Hỏi : Trước lòng ân cần Người dành đặc biệt cho người dễ bị tổn thương nhất và người bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn cả, chúng ta được mời gọi phải phải làm gì ?
- Thưa :  Phải chăm sóc cho những người yếu ớt hơn mình và nhận ra diện mạo đau khổ của Người, nhất là nơi những nạn nhân của các hình thức nghèo khổ và nô lệ mới.


04. Hỏi : Giáo Hội lữ hành trên trần gian và là Mẹ của mọi người có sứ mạng phải làm gì?
- Thưa : Phải yêu mến Chúa Giêsu Kitô, tôn thờ và yêu mến Người đặc biệt nơi những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết.


05. Hỏi : Những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết; chắc chắn trong số những người này có những người di dân và tị nạn, họ đang làm gì?
- Thưa : Họ đang tìm cách thoát khỏi những điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm tứ bề.


06. Hỏi : Giáo Hội giang tay đón nhận mọi dân tộc, không phân biệt một ai và vượt qua mọi biên giới, để loan báo cho mọi người biết điều gì ?
- Thưa : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16)


07. Hỏi : Sau khi chịu chết và sống lại, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ vụ gì?
- Thưa : Làm chứng cho Người và loan báo Tin Mừng của niềm vui và lòng thương xót.


08. Hỏi : Vào ngày lễ gì các môn đệ ra khỏi Nhà Tiệc ly, lòng đầy can đảm và hân hoan; sức mạnh của Thánh Thần đã thắng mọi hồ nghi và khiến cho ai nấy đều hiểu được trong tiếng của mình những gì các môn đệ loan báo; như thế, ngay từ đầu, Giáo Hội là một người mẹ với tấm lòng mở ra cho cả thế giới, vượt qua mọi biên giới?
- Thưa : Ngày Lễ Ngũ Tuần.


09. Hỏi : Các Giáo phụ Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc lại vai trò này của Giáo Hội. Các nghị phụ đã nói đến “Ecclesia Mater” (Giáo Hội là Mẹ) để giải thích bản chất của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội sinh ra những người con, cả nam lẫn nữ, mà Giáo Hội ôm vào lòng và để làm gì ? (Hiến Chế Giáo Hội Lumen Gentium, số 14).
- Thưa : Để yêu thương săn sóc họ.


10. Hỏi : Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người, truyền bá trên thế giới văn hoá đón tiếp và liên đới, văn hoá này chủ trương điều gì ?
- Thưa : Chủ trương không được xem ai là người vô ích, vướng víu, và không được loại trừ ai.


11. Hỏi  : Khi sống vai trò làm mẹ, cộng đoàn Kitô hữu nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn đồng hành và tìm cách trở nên gần gũi qua điều gì ?

- Thưa : Qua kinh nguyện và các công việc thể hiện lòng thương xót.

12. Hỏi : Những trào lưu di cư này thường hay gây ra ngờ vực và chống đối, ngay cả nơi các cộng đoàn của Giáo Hội, và ngay cả khi người ta cũng chưa biết những người trong cuộc đã phải sống, bị bách hại và chịu khốn khổ như thế nào. Trong trường hợp này, nghi ngờ và thành kiến đi ngược lại với điều răn trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì ?
- Thưa : Đón tiếp khách lạ đang túng quẫn với lòng tôn trọng và trong tình liên đới.


13. Hỏi :  Một mặt, trong điều gì chúng ta cảm nhận được lời kêu gọi phải chạm đến sự khốn cùng của nhân loại và thi hành mệnh lệnh yêu thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta khi Người đồng hoá mình với khách lạ, với người đau khổ, với tất cả các nạn nhân bị bạo hành và bóc lột ?
- Thưa : Lương tâm.


14. Hỏi : Nhưng mặt khác, vì điều gì  “chúng ta lại cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa” ? (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 270).
- Thưa : Vì bản chất yếu đuối “chúng ta lại cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa”


15. Hỏi : Khoảng cách chúng ta giữ đối với những thảm cảnh của nhân loại sẽ rút ngắn lại nếu chúng ta có điều gì ?

- Thưa : Khoảng cách chúng ta giữ đối với những thảm cảnh của nhân loại sẽ rút ngắn lại nếu chúng ta có một đức tin, đức cậy, đức mến can trường.


16. Hỏi : Ai luôn chờ đợi chúng ta nhận ra Người nơi những người di dân và tị nạn, những người phải di tản và lưu vong, và bằng cách đó, Người cũng kêu gọi chúng ta phải chia sẻ nguồn lực mình đang có, và đôi khi phải từ bỏ phần nào những tiện nghi và sung túc mình đang hưởng ?
- Thưa : Chúa Giêsu Kitô.


17. Hỏi : Các xã hội thời nay mang tính đa văn hoá, nên Giáo Hội phải cảm thấy mình cần dấn thân hơn nữa để xây dựng điều gì?

- Thưa : Để xây dựng tình liên đới, sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng.

18. Hỏi : (Đối với các trào lưu di cư) Giáo Hội kêu gọi chúng ta vượt qua biên giới và tạo điều kiện nhằm “chuyển từ một thái độ tự vệ và sợ hãi, thờ ơ hoặc gạt qua bên lề... sang một thái độ lấy điều gì làm nền tảng, vì chỉ có văn hoá này mới có thể xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn” ? (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2014).
- Thưa : Lấy ‘văn hoá gặp gỡ’ làm nền tảng, vì chỉ có văn hoá này mới có thể xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn”.


19. Hỏi : Trước sự toàn cầu hoá của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hoá của điều gì hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn?
- Thưa : Của đức ái và hợp tác.


20. Hỏi :  Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có điều gì rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chính công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hoà bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực ?
- Thưa : Lòng can đảm và óc sáng tạo.


21. Hỏi : (Đức Giáo Hoàng) Xin các bạn đừng đánh mất điều gì ?
-Thưa : Niềm tin và hy vọng.


22. Hỏi : Chúng ta hãy nhớ đến ai phải lưu vong sang Ai Cập: cũng như trái tim từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và trái tim ân cần của Thánh Giuse luôn ấp ủ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các ngài, xin cho niềm tin tưởng ấy cũng không thiếu nơi các bạn ?
- Thưa : Thánh Gia.

 

III . * Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhânNgày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn lần thứ 101

TRẮC NGHIỆM

 
01.  Chủ đề Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015) là gì ?
a. Di dân và Tân Phúc âm hóa
b. Giáo hội không biên giới, Mẹ của mọi người
c. Người di dân và tị nạn: hướng về một thế giới tốt đẹp hơn
d. Cuộc lữ hành đức tin và hy vọng.


02. Theo Tông huấn Evangelii Gaudium, số 209, Đức Giêsu là ai ?
a. Người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo
b. Hiện thân của Tin Mừng
c. Đấng giải phóng
d. Chỉ có a và b đúng.


03.  Trước lòng ân cần Người dành đặc biệt cho người dễ bị tổn thương nhất và người bị gạt ra ngoài lề xã hội hơn cả, chúng ta được mời gọi phải phải làm gì ?
a. Chăm sóc cho những người yếu ớt hơn mình
b. Nhận ra diện mạo đau khổ của Người, nhất là nơi những nạn nhân của các hình thức nghèo khổ và nô lệ mới.
c. Tiếp đón những người bị gạt ra ngoài xã hội
d. Chỉ có a và b đúng.


04. Giáo Hội lữ hành trên trần gian và là Mẹ của mọi người có sứ mạng phải làm gì?
a. Yêu mến Chúa Giêsu Kitô
b. Tôn thờ và yêu mến Người đặc biệt nơi những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết.
c. Trung thành với sứ mạng được Chúa Giêsu Kitô trao phó
d. Chỉ có a và b đúng.


05. Những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi hơn hết; chắc chắn trong số những người này có những người di dân và tị nạn, họ đang làm gì?
a. Làm việc lao động cực khổ
b. Bị gạt ra bên ngoài xã hội
c. Tìm thoát ra khỏi cảnh nghèo khó
d. Tìm cách thoát khỏi những điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm tứ bề.


06. Giáo Hội giang tay đón nhận mọi dân tộc, không phân biệt một ai và vượt qua mọi biên giới, để loan báo cho mọi người biết điều gì ?
a. Yêu thương là chu toàn Lề Luật (Rm 13,1)
b. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8.16)
c. Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Ep 2,4)
d. Yêu người như chính mình (Lc 10,27).


07. Sau khi chịu chết và sống lại, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ vụ gì?
a. Làm chứng cho Người
b. Loan báo Tin Mừng của niềm vui và lòng thương xót.
c. Đưa mọi người về với Chúa
d. Chỉ có a và b đúng.


08. Vào ngày lễ gì các môn đệ ra khỏi Nhà Tiệc ly, lòng đầy can đảm và hân hoan; sức mạnh của Thánh Thần đã thắng mọi hồ nghi và khiến cho ai nấy đều hiểu được trong tiếng của mình những gì các môn đệ loan báo; như thế, ngay từ đầu, Giáo Hội là một người mẹ với tấm lòng mở ra cho cả thế giới, vượt qua mọi biên giới?
a. Ngày Lễ Phục Sinh
b. Ngày Lễ Thăng Thiên
c. Ngày Lễ Chúa Hiển Linh
d. Ngày Lễ Ngũ Tuần.


09. Các Giáo phụ Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc lại vai trò này của Giáo Hội. Các nghị phụ đã nói đến “Ecclesia Mater” (Giáo Hội là Mẹ) để giải thích bản chất của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội sinh ra những người con, cả nam lẫn nữ, mà Giáo Hội ôm vào lòng và để làm gì ? (Hiến Chế Giáo Hội Lumen Gentium, số 14).
a. Để dạy dỗ họ
b. Để nâng đỡ đức tin cho họ.
c. Để yêu thương săn sóc họ.
d. Để thăng tiến họ trong đời sống xã hội.


10. Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người, truyền bá trên thế giới văn hoá đón tiếp và liên đới, văn hoá này chủ trương điều gì ?
a. Không được xem ai là người vô ích, vướng víu
b. Không được loại trừ ai.
c. Không kết án ai
d. Chỉ có a và b đúng.


11. Khi sống vai trò làm mẹ, cộng đoàn Kitô hữu nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn đồng hành và tìm cách trở nên gần gũi qua điều gì ?
a. Đóng góp vật chất
b. Kinh nguyện
c. Các công việc thể hiện lòng thương xót
d. Chỉ có b và c đúng.


12. Những trào lưu di cư này thường hay gây ra ngờ vực và chống đối, ngay cả nơi các cộng đoàn của Giáo Hội, và ngay cả khi người ta cũng chưa biết những người trong cuộc đã phải sống, bị bách hại và chịu khốn khổ như thế nào. Trong trường hợp này, nghi ngờ và thành kiến đi ngược lại với điều răn trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì ?
a. Yêu người thân cận như chính mình
b. Ai đón tiếp trẻ nhỏ vì danh Thầy là đón tiếp Thầy
c. Yêu thương là chu toàn Lề Luật
d. Đón tiếp khách lạ đang túng quẫn với lòng tôn trọng và trong tình liên đới.


13.  Một mặt, trong điều gì chúng ta cảm nhận được lời kêu gọi phải chạm đến sự khốn cùng của nhân loại và thi hành mệnh lệnh yêu thương mà Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta khi Người đồng hoá mình với khách lạ, với người đau khổ, với tất cả các nạn nhân bị bạo hành và bóc lột ?
a. Lương tâm.
b. Tình yêu
c. Lòng thương xót
d. Cảm xúc.


14. Nhưng mặt khác, vì điều gì  “chúng ta lại cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa” ? (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 270).
a. Ích kỷ
b. Bản chất yếu đuối
c. Tội lỗi
d. Thất vọng.


15. Khoảng cách chúng ta giữ đối với những thảm cảnh của nhân loại sẽ rút ngắn lại nếu chúng ta có điều gì ?
a. Đức tin
b. Đức cậy
c. Đức mến can trường
d. Cả a, b và c đúng.


16. Ai luôn chờ đợi chúng ta nhận ra Người nơi những người di dân và tị nạn, những người phải di tản và lưu vong, và bằng cách đó, Người cũng kêu gọi chúng ta phải chia sẻ nguồn lực mình đang có, và đôi khi phải từ bỏ phần nào những tiện nghi và sung túc mình đang hưởng ?
a. Thiên Chúa
b. Chúa Giêsu Kitô
c. Giáo Hội
d. Mẹ Maria.


17. Các xã hội thời nay mang tính đa văn hoá, nên Giáo Hội phải cảm thấy mình cần dấn thân hơn nữa để xây dựng điều gì?
a. Loan báo Tin Mừng                  
b. Sự hiệp thông
c. Tình liên đới                      
d. Cả a, b và c đúng.


18. (Đối với các trào lưu di cư) Giáo Hội kêu gọi chúng ta vượt qua biên giới và tạo điều kiện nhằm “chuyển từ một thái độ tự vệ và sợ hãi, thờ ơ hoặc gạt qua bên lề... sang một thái độ lấy điều gì làm nền tảng, vì chỉ có văn hoá này mới có thể xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn” ? (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2014).
a. Văn minh sự sống
b. Văn hoá gặp gỡ
c. Niềm hy vọng
d. Lòng thương xót.


19. Trước sự toàn cầu hoá của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hoá của điều gì hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn?
a. Hợp tác                             
b. Đức ái
c. Hy sinh                              
d. Chỉ có a và b đúng.


20.  Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có điều gì rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chính công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hoà bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực ?
a. Sự kiên nhẫn                      
b. Óc sáng tạo
c. Lòng can đảm                    
d. Chỉ có b và c đúng.


21 (Đức Giáo Hoàng) Xin các bạn đừng đánh mất điều gì ?
a. Sự nâng đỡ                         
b. Niềm tin
c. Hy vọng                             
d. Chỉ có b và c đúng.


22. Chúng ta hãy nhớ đến ai phải lưu vong sang Ai Cập: cũng như trái tim từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và trái tim ân cần của Thánh Giuse luôn ấp ủ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi các ngài, xin cho niềm tin tưởng ấy cũng không thiếu nơi các bạn ?
a. Thánh Gia                                
b. Ông Giuse
c. Gia đình ông Giacóp         
d. Gia đình ông Ápraham

 
Ngày 1.1.2015
Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
 
 
IV. Ô CHỮ 

Ô Chữ
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 1




 
 
Những gợi ý từ Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015)


01. Đức Giáo Hoàng xin các bạn đừng đánh mất điều gì ?

02. Sống vai trò làm mẹ, cộng đoàn Kitô hữu nuôi dưỡng, định hướng và chỉ đường, kiên nhẫn đồng hành và tìm cách trở nên gần gũi qua điều gì và các công việc thể hiện lòng thương xót ?

03. Thánh Gia phải lưu vong sang đâu ?

04. Trên bình diện nào vẫn thường diễn ra những cuộc bàn thảo về cơ hội, phương pháp và quy định để đối phó với hiện tượng di dân ?

05. Vào ngày nào các môn đệ ra khỏi Nhà Tiệc ly, lòng đầy can đảm và hân hoan; sức mạnh của Thánh Thần đã thắng mọi hồ nghi và khiến cho ai nấy đều hiểu được trong tiếng của mình những gì các môn đệ loan báo ?

06. Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có điều gì cùng óc sáng tạo, rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chính công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hoà bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực?

07. Chủ đề Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 "Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người" là của Đức Giáo Hoàng nào ?

08. Ai “là người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo và là hiện thân của Tin Mừng” ?

09. Thêm vào tình liên đới đối với người di dân và tị nạn, phải có lòng can đảm và diều gì, rất cần thiết để phát triển ở quy mô quốc tế một trật tự kinh tế tài chính công minh chính trực hơn, kết hợp với sự gia tăng dấn thân vì hoà bình, là điều kiện tối cần của mọi bước tiến triển đích thực?

10. Các xã hội thời nay mang tính đa văn hoá, nên Giáo Hội phải cảm thấy mình cần dấn thân hơn nữa để xây dựng điều gì cùng sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng ?

11. Các nghị phụ Công Đồng Vaticanô II đã nói đến “Ecclesia Mater” (Giáo Hội là Mẹ) để giải thích bản chất của ai ?

12. (Vấn đề di dân phải làm cho mọi người quan tâm) vì “nó nêu lên nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo và vì nó đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và cho cộng động quốc tế những thách đố đầy kịch tính”. Đây là lời của Đức Giáo Hoàng nào ?

13. “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Câu này là của thánh nào ?

14. Giáo Hội không biên giới, Mẹ của ai ?

15. “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. Câu này trích từ Tin Mừng của thánh nào ?

16. Vì bản chất thế nào “chúng ta lại cảm thấy bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa” ?

17. Ai luôn chờ đợi chúng ta nhận ra Người nơi những người di dân và tị nạn, những người phải di tản và lưu vong?

18. Trước sự toàn cầu hoá của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hoá của  hợp tác và điều gì, hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn ?

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
 
 
Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion;
trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.
Bài ca kính CHÚA TRỜI, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người?
Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại!
Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giêrusalem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.
Thánh Vịnh 137,1-6

 
 
Ô Chữ
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2
 

 
 
Những gợi ý từ Thánh Kinh
 
01. Thiên Chúa mạc khải cho ông Môsê danh của Ngài là gì khi kêu gọi ông đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập ? (Xh 3,14)
 

02. Vua Giuđa tên là gì khi bị vua Nabucôđônôxo bắt lưu đày sang Babylon ? (2V 24,12)
 

03. Thánh gia trốn sang đâu theo lời sứ thần Chúa báo ? (Mt 2,13)
 

04. Vua Ba Tư, ra sắc chỉ cho dân Xion trở về tên là gì ? (Er 1,1)
 

05. Vua Pharaô phong ông Giuse làm gì trong triều đình ? (St 41,40)
 

06. Vua nào kế vị cha cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ không dám về đó ? (Mt 2,22)
 

07. Đức Chúa trao sứ mệnh cho ai giải thoát Dân Người ra khỏi đất Ai Cập ? (Xh 3,1...)
 

08. Sau khi đến Ai Cập, gia đình ông Giacóp được cư ngụ tại đâu ? (St 46,34)
 

09. Ai đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập ? (Mt 2,13)
 

10. Vua nào thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh? (Mt 2,16)
 

11. Tổng đốc, cùng ông Étra, tư tế kiêm kinh sư... trở về xây dựng Nhà Đức Chúa tên là gì? (Nkm 8,9)
 

12. Vua Babylon, lưu đày vua và dân chúng vương quốc Giuđa tên là gì ? (2V 24,11)
 

13. Ai bị các anh em mình bán sang Ai Cập ? (x.St 37,1...)
 

14. Đây là nơi ông Môsê chạy trốn vua Pharaô. (Xh 2,15)
 

15. ĐỨC CHÚA phán với ai : "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" ? (St 12,1)
 

16. Trong những ngày ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đánh bại Pharaô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy tại đâu ? (x.Xh 14,15...)
 

17. Ngày con cái Ítraen được đưa ra khỏi Ai Cập gọi là ngày lễ gì ? (x. Xh 12,1...)
 

18. Từ Ai Cập trở về, thánh gia cư ngụ tại đâu? (Mt 2,23)
 

19. Ông Giuse bị bán cho ai ở Ai Cập ? (St 37,36)
 

20. "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa."  Đây là lời của ngôn sứ nào ? (Mt 2,18)
 

21. Bên bờ sông gì Dân Ítraen ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion ?  (Tv 137,1...)
 

22. Ông Giuse giải mộng cho Vua nào ở Ai cập ? (St 41,1...)
 

23. Vua Átsua, đánh chiếm và lưu đầy vua và dân vương quốc Ítraen tên là gì ? (2V 17,1...)
 

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
 
 
V. PHẦN GIẢI ĐÁP
* * * * * * *
* Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân
Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn lần thứ 101


01.  b. Giáo hội không biên giới, Mẹ của mọi người
02. d. Chỉ có a và b đúng.
03.  d. Chỉ có a và b đúng.
04. d. Chỉ có a và b đúng.
05. d. Tìm cách thoát khỏi những điều kiện sống khắc nghiệt và nguy hiểm tứ bề.
06. b. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8.16)
07. d. Chỉ có a và b đúng.
08. d. Ngày Lễ Ngũ Tuần
09. c. Để yêu thương săn sóc họ.
10. d. Chỉ có a và b đúng.
11. d. Chỉ có b và c đúng.
12. d. Đón tiếp khách lạ đang túng quẫn với lòng tôn trọng và trong tình liên đới.
13.  a. Lương tâm.
14. b. Bản chất yếu đuối
15. d. Cả a, b và c đúng.
16. b. Chúa Giêsu Kitô
17. d. Cả a, b và c đúng.
18. b. Văn hoá gặp gỡ
19. d. Chỉ có a và b đúng.
20.  d. Chỉ có b và c đúng.
21. d. Chỉ có b và c đúng.
22. a. Thánh Gia



PHẦN GIẢI ĐÁP Ô CHỮ
                                                 Lời giải đáp
Ô Chữ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 1

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015)

01. Niềm tin
02. Kinh nguyện
03. Ai Cập
04. Quốc tế
05. Lễ Ngũ Tuần
06. Lòng can đảm
07. Phanxicô
08. Đức Giêsu
09. Óc sáng tạo
10. Tình liên đới
11. Giáo hội
12. ĐGH Bênêđictô XVI
13. Gioan
14. Mọi người
15. Mátthêu
16. Yếu đuối
17. Chúa Giêsu Kitô
18. Đức ái

Hàng dọc : Thiên Chúa là Tình Yêu


 Lời giải đáp
Ô Chữ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2
01. Đấng Hiện Hữu (Xh 3,14)
02. Vua Giơhôgiakhin (2V 24,12)
03. Ai cập (Mt 2,13)
04. Vua Kyrô (Er 1,1)
05. Tể tướng (St 41,40)
06. Vua  Áckhêlao (Mt 2,22)
07. Ông Môsê (Xh 3,1...)
08. Gôsen (St 46,34)
09. Thánh Giuse (Mt 2,13)
10. Vua Hêrôđê (Mt 2,16)
11. Ông Nơkhemia (Nkm 8,9)
12. Vua Nabucôđônôxo (2V 24,11)
13. Ông Giuse (x.St 37,1...)
14. Mađian (Xh 2,15)
15.Ông Ápram (St 12,1)
16. Biển Đỏ (x.XHh 14,15...)
17. Lễ Vượt Qua (x. Xh 12,1...)
18. Nadarét (Mt 2,23)
19. Ông Pôtipha (St 37,36)
20. Ngôn sứ Giêrêmia (Mt 2,18)
21. Sông Babylon (Tv 137)
22. Vua Pharaô (St 41,1...)
23. Vua Sanmanexeu  (2V 17,1...)

Hàng dọc : Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn
 
Ngày 1.1.2015
Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
 
Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.
Tin Mừng thánh Gioan 14,23
 Tags: gh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây