TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Toà giảng - diễn đàn của Linh mục

Thứ ba - 08/06/2021 03:49 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   1125
Toà giảng - diễn đàn của Linh mục

Toà giảng - diễn đàn của Linh mục

Với cuộc đời của linh mục, có lẽ, tòa giảng là nơi gắn bó nhất, để mỗi ngày phải lên đăng đàn trước giáo dân. Vì thế, tòa giảng đóng một vai trò quan trọng trong đời linh mục, để mỗi linh mục trước khi lên tòa, phải có một sự chuẩn bị kỹ lượng về bài giảng, về cách diễn ngôn, diễn ý…Cả về phong cách, thể trạng và tinh thần nữa. Vì nơi đó, chính linh mục đóng vai trò là phát ngôn viên thay cho Chúa Giêsu, Linh Mục Đệ Nhất. Có thể nói, tòa giảng là nơi phản ánh về tính cách con người rõ nét nhất của một linh mục.

Toà giảng là diễn đàn, nơi để linh mục quảng diễn lời Chúa. Tuy thế, mỗi linh mục có những cách diễn đạt ý tưởng theo sở trường riêng của mình.
Cũng là bài giảng, nhưng có linh mục nhập đề lung khởi chuyện xã hội, kinh tế, chính trị, dâu bể cuộc sống…rồi mới dẫn nhập vào bài phúc âm hoặc bài đọc để đưa ra những áp dụng vào cuộc sống. Lối giảng mang tính thời sự này, dễ thu hút người nghe, vì câu chuyện gần gũi với đời thường, lại đem lời Chúa áp dụng cụ thể vào cuộc sống, nên bài giảng dễ thẩm thấu và hiệu quả với người nghe.

Có những linh mục theo lối cổ điển, lấy các bài đọc ra để diễn giải câu từ, ý nghĩa và tính thời sự của dụ ngôn vào thời Chúa sống, để giáo dân có thể nắm vững được tinh thần của dụ ngôn. Lối giảng này hơi bị khô cứng, sáo mòn, không mấy hấp dẫn, nhưng ai đã chịu nghe thì mới thấy sự lợi ích, vì những diễn giải câu từ, ý nghĩa thần học tỏ tường, để thấu đáo về ý nghĩa của lời Chúa hơn. Những linh mục khác lại dùng một ẩn dụ đời thường nào đó, rồi rút ra một bài học đạo đức. Lối giảng này, sâu sắc, khiến người nghe nhớ mãi, nhưng không dễ linh mục nào cũng có được.

Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến những bài giảng mà linh mục đem cảm tính bức xúc quay quắt của mình về những chuyện ngoài đời…vào bài giảng, rồi răn đe giáo dân mấy câu và kết thúc bài giảng, chứ không hề đả động đến nội dung các bài đọc. Loại bài giảng này thường gây phản cảm cho giáo dân. Có thể, vì sự bức xúc của linh mục về một vấn đề nào đó, để giận cá chém thớt, khiến cho giáo dân phải ngậm bồ hòn làm ngọt vậy.

Trong cuộc sống, có những lúc tâm hồn linh mục không được thư thái, hay bị bức xúc, ức chế về một chuyện nào đó ở ngoài đời, nên khi giảng đã không kiềm chế được những cảm tính nóng giận, khiến cho lời giảng cáu gắt, nặng lời thô thiển với giáo dân, hoặc dùng những ngôn từ thô tục đời thường…không cần thiết cho một bài giảng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bài giảng phản cảm của linh mục, có khi: mỉa mai, mạt sát, phỉ báng, và thậm chí là chúc dữ giáo dân. Những lúc như thế, hình như toà giảng trở nên là một chổ xả stress, xả hơi độc của linh mục cho giáo dân chăng!?

Tòa giảng phải là nơi chuyển tải tin mừng về tình yêu của Chúa Giêsu đến với mọi người, vô tình lại làm cho tòa giảng trở nên nơi áp bức, khủng bố, khiến cho giáo dân khiếp sợ…thì quả, tòa giảng đã trở nên phản tác dụng mất rồi.

Là một người giáo dân, tôi không hiểu khi lên toà giảng, bài giảng của linh mục có được giáo hội quy định rõ ràng những nội dung và cách thế thể hiện nào không? Theo thiển ý của tôi, toà giảng là nơi diễn giải lời Chúa, linh mục cần phải giữ sự điềm tĩnh, nói năng ý tứ, đừng vì cảm tính thái quá mà giận mất khôn, lạm dụng toà giảng thành diễn đàn của riêng mình, để nói những lời hồ đồ, dung tục, đánh mất vẻ thánh thiêng nơi toà giảng, gây phản cảm cho người giáo dân, để lợi bất cập hại.

Là giáo dân, chúng ta cũng nên thông cảm và bỏ quá cho các ngài, bởi vì các ngài cũng là con người phàm cả thôi. Và chúng ta luôn cầu nguyện cho các Ngài biết dùng toà giảng làm máng thông ơn, để chuyển tải những lời Chúa, như đèn soi bước ta đi.

Nguyễn Vĩnh Căn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây