Có một ông già chịu chơi…
Tôi chẳng muốn bỏ hai chữ chịu chơi vào trong ngoặc kép để nghĩ rằng ông chịu chơi giả vờ. Ông chịu chơi thực sự và ông cũng chơi chịu thực sự. Thế mới chết người.
Tác phẩm của ông viết, tôi đều tìm mua và đọc ngấu nghiến. Đọc đi rồi đọc lại rồi chỉ thốt lên được một câu: Cha ơi! Con bái phục cha sát đất. Tôi gọi ông bằng Cha vì ông là linh mục, là Ông cha ( theo cách gọi của người Nam bộ) mà tôi quý mến và kính trọng.
Tác phẩm đầu tiên mà tôi tiếp xúc là tác phẩm Viết cho em. Em ở đây là đủ hạng người mà ông gặp gỡ. Từ chuyện vui đến chuyện buồn, ông giỡn với mọi người trong mọi tình huống rồi ông kết luận bằng những triết lý giản đơn hay bằng cảm nghiệm nhân ái về tình người. Những bài học ông đưa ra rất nhẹ nhàng mà thâm thúy. Chuyện ông kể có cái thành công, có cái thất bại. Đọc những lời cay đắng của ông khi ông thất bại, tôi càng kính trọng ông biết dường nào. Sự bất lực của ông trước những vấn đề nan giải trong cuộc sống đã dạy cho tôi biết sự bất toàn của con người luôn đi tìm sự hoàn hảo. Cha ơi, con đã nhiều lần ăn trộm tài liệu của cha kể cho tụi học trò của con, để học trò nói với con “ Sao thầy biết nhiều chuyện hay vậy?”.
Đọc Nhật ký truyền giáo của ông, tôi nhận ra nhiều điều thú vị. Cái cách nói tếu táo của ông khiến nhiều người tưởng ông nói tiếu lâm. Ai ngờ ông truyền đạo Chúa bằng ngôn ngữ và suy nghĩ bình dân nhất, mộc mạc nhất. Chuyện gì ông cũng liên hệ đến Thánh kinh để suy tư, cảm nghiệm. Ông vui mừng khi nhiều người theo đạo Chúa, ông buồn lòng khi nhiều người xa rời Chúa một cách lãng nhách. Ông khám phá ra hoạt động của Chúa Thánh thần trong những sự việc của những con người tầm thường, từ chuyện yêu thương của hai bà vợ đến lời cầu kinh của người theo đạo Phật… Phải là một người uyên thâm mới nhận ra cái trác tuyệt trong cái thô kệch của cuộc đời. Nhật ký của ông là nhật ký của con người nghèo tả tơi. Ông lầm lũi đi truyền giáo, đi gieo lòng tin vào mỗi thận phận con người mà quên làm nhà thờ. Cái “chuồng thờ” mà ông xây dựng ở nơi này nơi kia đã gieo vào lòng người đọc sự nghèo nàn thánh thiêng tựa hang đá Bê Lem năm xưa. Những tiếng thở dài ngao ngán của ông trước những tâm hồn nguội lạnh, những tiếng sỉ vả lương tâm của ông làm cho người đọc thảng thốt: Té ra, đời sống của linh mục cũng lắm đoạn trường. Câu nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhật ký của ông mà tôi ấn tượng nhất lại là một lời cầu xin thâm thúy: Xin Chúa sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con…
Nếu chọn một ông già giàu trí tượng nhất mà tôi tiếp xúc, thì tôi sẽ chọn ông. Đọc "Dấu Chân của Thầy", người đọc mới thấy ông có tài tưởng tượng tuyệt vời thế nào. Người đọc cứ ngỡ như ông chứng kiến mọi chuyện rồi kể lại cho chúng ta nghe. Ông tưởng tượng nhưng không bịa đặt. Ông nhập vai vào Thầy bằng cái nhìn của một người trần thế. Những nỗi hờn trách, giận dỗi ban đầu của ông đều được chính ông hóa giải thành tình yêu thương và trân trọng khi đã ngộ ra Thầy là Đấng Chí Thánh. Người đọc say mê với cái lối chú giải bình dân của ông. Ông không mời người đọc đi máy bay, đi xe hay đi đò mà ông mời người đọc đi bộ để đến với Chúa. Người đi bộ sẽ đi từ từ, cảm nhận từ từ và từ từ mà nhận ra Thiên Chúa.
Đọc tác phẩm Như Trái Mắm của ông, người đọc nhận ra tấm lòng nhân ái trộn lẫn trong những suy tư thâm thúy. Trong lặng lẽ bình thường, ông phát hiện ra cái phi thường mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Ông bước đi trên con đường đại kết để phát hiện ra những người theo đạo Phật cũng có nhiều lúc đã động lòng trắc ẩn trước tình yêu của Thiên Chúa. Một cách nào đó, ông cho thấy có nhiều người không theo đạo Chúa nhưng tấm lòng và cử chỉ của họ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thì ra theo Chúa đâu phải chỉ là cách gọi tên mà là tấm lòng. Câu chuyện của Bà Năm mới theo đạo, câu chuyện của Ni cô Diệu Thảo đã đem đến cho người đọc một cái nhìn rộng hơn và đồng cảm hơn… để thấy Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Ngài đang làm điều Ngài muốn để “ Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Thưa cha Ngô Phúc Hậu
Con xin cám ơn cha đã cho con biết được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Xin cha cứ mãi bình dân, xin cha cứ mãi tếu táo và xin cha cứ mãi đào sâu trong khu vườn tầm thường để đem đến cho người đọc những bông hoa phi thường về tình yêu Thiên Chúa. Những bông hoa rực rỡ ấy sẽ tỏa hương từ bàn tay của Ông Già Chịu Chơi rất đáng kính trọng.
ĐA MINH THIÊN SA
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn