TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐCV Thánh Giuse Sàigòn: 150 năm nhìn lại

Thứ sáu - 11/06/2021 03:09 |   1969
ĐCV Thánh Giuse Sàigòn: 150 năm nhìn lại

Đại chủng viện Thánh Giuse Sàigòn: 150 năm nhìn lại

“Linh mục hiện hữu và hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và để xây dựng Giáo hội nhân danh Đức Kitô là Đầu và Mục Tử”. (PDV 15)

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, vào sáng 19/3/2013, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) đã long trọng mừng kính Thánh Cả Giuse - bổn mạng ĐCV - và kỷ niệm 150 năm thành lập.

Đến tham dự có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục phụ tá TGP TP.HCM, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, Cha Etcharen - Nguyên Bề trên Tổng quyền Hiệp hội Thừa sai Paris (MEF), quý cha trong Ban Giám đốc, quý cha giáo, quý cha trong Tổng Giáo phận, quý tu sĩ nam nữ đại diện các dòng tu, quý chức đại diện HĐMV các giáo xứ cùng quý thầy ĐCV.

Khi bước chân vào tiền sảnh Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, với bốn tấm pano lớn, mọi người đã được giới thiệu về “Quá trình đào tạo linh mục” và “Ba thời kỳ hình thành và phát triển ĐCV”, kèm theo những tấm hình chụp từ năm 1878 đã giúp người tham dự có cái nhìn khái quát về ĐCV trước khi vào tham dự buổi hội thảo.

Lược sử hình thành và phát triển

Đúng 08g30, sau lời chào mừng của Cha Gioakim Trần Văn Hương - Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã trình bày “Lược sử hình thành và phát triển ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn”.

Qua những tư liệu và hình ảnh được chụp từ thế kỷ 18, Cha Phêrô đã phác họa đôi nét về lịch sử hình thành và phát triển của ĐCV qua ba thời kỳ:

- Thời kỳ tiền Chủng viện (1659-1863): Năm 1659, qua Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo hoàng Alexandre VII đã chính thức thành lập Giáo hội Việt Nam. Do bối cảnh chính trị xã hội và cuộc bách hại đang diễn ra tại Việt Nam, các vị thừa sai đã thành lập Chủng viện Ayuthia tại Thái Lan. Do thời cuộc, Chủng viện tiếp tục di tản đến nước Cao Miên, Ấn Độ, Macao… để đến tháng 9/1775, Chủng viện Câu Quao được xây dựng trên đất Việt tại Cà Mau. Qua nhiều lần thay đổi, đến cuối năm 1863, Chủng viện được đưa vào nội thành Sài Gòn (nay là ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn).

- Thời kỳ Chủng viện Sài Gòn được thành lập (1863-1960): Như vậy, trải qua dòng lịch sử 200 năm đầy biến động, từ khi Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong, thành lập Chủng viện tại Ayuthia vào năm 1665, Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã tìm được chỗ dừng chân cố định vào năm 1862. Một năm sau đó, tức năm 1863, Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn chính thức được thành lập. Công trình được trao phó cho Cha Théodore Louis Wibaux, ngài trở thành Ông Tổ của ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn. Mộ phần của ngài hiện nằm phía sau ngôi nhà nguyện của ĐCV, để hằng ngày ngài vẫn hiện diện giữa đoàn con cái trong suốt dòng lịch sử 150 năm qua.

- Thời kỳ từ năm 1960 đến nay:

Sau cuộc di cư năm 1954, nhiều Chủng viện di tản từ miền Bắc vào đang hoạt động độc lập. Tại cuộc họp các Giám mục miền Nam, một quyết định liên quan đến Chủng viện:

- Từ sau niên khóa 1959-1960, ngưng tiếp nhận các chủng sinh tại các Chủng viện mới di cư vào Nam.

- Các Tiểu Chủng viện di cư vào Sài Gòn trực thuộc quyền Giám mục địa phương (Bản quyền Giáo phận).

- Thành lập hai Đại Chủng viện Miền: Đại Chủng viện Quy Nhơn cho các Giáo phận: Quy Nhơn, Huế, Kontum, Nha Trang; Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cho các Giáo phận Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ; và sau này, cho các Giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên được thành lập năm 1960; và cho các Giáo phận: Phú Cường, Xuân Lộc được thành lập năm 1965.

Ngày 24/11/1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Giám mục Sài Gòn ngày 2/4/1961, với ý thức: “Chủng viện là con ngươi của Giám mục”, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình dành mọi tâm lực cho việc củng cố và phát triển Chủng viện.

Tháng 7/1961, Đức Tổng Phaolô đã bổ nhiệm Cha Giuse Phạm Văn Thiên làm Giám đốc Đại Chủng viện, đây là vị Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của Chủng viện Sài Gòn.

Trong giờ giải lao, Ông Giuse Trương Văn Đông - HĐMV Gx. Chính Lộ - bộc bạch: Qua sự trình bày của Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, là một giáo dân, tôi đã hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển ĐCV trong suốt một chặng đường dài. Qua đây, mọi người cũng hiểu được trách nhiệm phải hỗ trợ và phát triển ơn gọi linh mục nơi gia đình và nơi giáo xứ của mình.

Định hướng và Chương trình đào tạo tại Chủng viện

Tiếp nối chương trình vào lúc 09g00, Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã trình bày nội dung “Định hướng và Chương trình đào tạo tại Chủng viện”. Sau hơn nửa giờ theo dõi, tham dự viên đã hiểu rằng: Để trở thành linh mục, các chủng sinh phải trải qua tối thiểu 4 năm dự tu trước Chủng viện (Đào tạo mở đường). Khi gia nhập Chủng viện - Chủng sinh (Đào tạo căn bản) sẽ theo học 8 năm. Và sau Chủng viện, linh mục tiếp tục được đào tạo trường kỳ qua các khóa thường huấn.

Cha Giuse nhấn mạnh thêm: Đào tạo linh mục là một quá trình biến đổi. Chủng sinh được đào tạo theo 4 chiều kích sau: Nhân bản - Thiêng liêng - Tri thức - Mục vụ để được biến đổi hầu có những tâm tình, thái độ, phản ứng như Chúa Giêsu. Khi đã trở thành linh mục, các ngài tiếp tục được đào tạo để biến đổi ngày càng trở nên giống Chúa Kitô mục tử hơn: “Linh mục hiện hữu và hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và để xây dựng Giáo Hội nhân danh Đức Kitô là Đầu và Mục Tử”. (PDV 15)

Giờ đây, chúng ta thật vui mừng và tin tưởng hướng đến tương lai, vì sau biến cố năm 1975, Nhà nước đã chấp thuận cho chiêu sinh Khóa 1 năm 1986. Đến nay, chúng ta đã có 15 khóa, với tổng số hiện nay là 171 thầy đang theo học tại ĐCV và 33 thầy Khóa 13 đang đi thử.

Hồi ức về những kỷ niệm trong giai đoạn 1986-1992 (Khóa 1 sau năm 1975), Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ - Chánh xứ Vườn Xoài - bộc bạch:

Sau biến cố 1975, ĐCV hoạt động cầm chừng. Đến năm 1986, được sự chấp thuận của Nhà nước, ĐCV bắt đầu tiếp nhận chủng sinh từ 6 Giáo phận: Sài gòn, Mỹ Tho, Phú Cường, Đà lạt, Phan Thiết, Long Xuyên. Tổng cộng có tất cả 54 chủng sinh. Các thầy khá chênh nhau về độ tuổi, kinh nghiệm tu trì, cuộc sống đạo đức, kiến thức... Thế nhưng, họ rất thông cảm và yêu thương nhau. Dù điều kiện của Chủng viện rất khó khăn như: Cơ sở vật chất thiếu thốn, phải nuôi heo, nuôi bò, thậm chí ai cho gì hoặc mua rẻ (dưa cải, bí đỏ) các thày để dành ăn cả tháng. Thế nhưng, chính sự khó khăn đó đã tạo ra những mối tương quan mật thiết. Các thầy vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là anh em với nhau.

Thầy Phêrô Nguyễn Chí Công (Khóa 10) cho biết thêm: Chủng viện là môi trường thánh thiêng đào luyện con người trở nên giống Chúa Kitô, luôn cảm hứng khi kể về Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu và nghĩ như Chúa Giêsu nơi anh em mình. Bằng lối sống hy sinh phục vụ, đức ái, thầm lặng lắng nghe và cầu nguyện, chủng sinh sẽ theo gót những bậc đàn anh, tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn người.

Thánh lễ tạ ơn

Lúc 09g45, mọi người đã cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế.

Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Phêrô mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận cùng hiện diện, bày tỏ tâm tình liên đới và chia sẻ niềm vui với gia đình Đại Chủng viện nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập. Đây cũng là dịp để gia đình ĐCV tri ân quý Đức cha, quý cha, quý giáo sư, quý ân nhân và thân hữu đã cộng tác phần mình cho ngôi nhà chung này trong suốt 150 năm qua.

Chia sẻ Tin Mừng, Đức cha nhắc đến việc Chúa Giêsu thành lập Nhóm 12 để tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng của Ngài. Vì thế, ngày nay, Giáo hội cũng có trách nhiệm chăm lo và đào tạo các linh mục. Việc đào tạo linh mục cần có 3 yếu tố quan trọng:

- Nhà đào tạo: Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần có những linh mục đạo đức, thánh thiện, có trình độ để tiếp nối việc đào tạo linh mục.

- Chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo cần có sự liên kết với chương trình đào tạo chung toàn cầu, đồng thời phù hợp với văn hóa của Đất nước và Giáo hội địa phương.

- Cơ sở đào tạo: Giáo hội Việt Nam thật hạnh phúc khi được thừa hưởng di sản của Hội Thừa sai Paris đã gầy dựng và để lại cho Giáo hội Việt Nam. Vì thế, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản đức tin mà chúng ta đang được thừa hưởng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 đã để lại trong lòng người tham dự một dấu ấn khó phai. Đó là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, những con người trong đức tin, đã thắp lên ngọn lửa yêu mến Giáo hội Việt Nam khi dốc lòng xây dựng và duy trì ngôi chủng viện này.

CHIẾN SƠN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây