TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ THỔ HOÀNG

Thứ sáu - 02/04/2021 04:05 |   1227
GIÁO XỨ THỔ HOÀNG

GIÁO XỨ THỔ HOÀNG

Thành lập ngày: 31.12.2005
Bổn mạng: Thánh Giuse
Địa chỉ: Xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông
Số Giáo dân: 2582
Số Gia đình: 560


Giờ lễ:
Ngày thường: 4g45
Chiều thứ Bảy: 16g45 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 4g45, 7g30


(cập nhật ngày 31.12.2019)
 
GIÁO XỨ THỔ HOÀNGNăm thành lập: 31.01.2005
Bổn mạng Giáo xứ: Thánh Cả Giuse

LƯỢC SỬ
1. Tên Giáo xứ: THỔ HOÀNG, Giáo hạt Đăk Mil
Diện tích tổng thể 2.5 Km2
Bổn mạng: Thánh Giuse, Bạn Đức Trinh Nữ Maria
Ngày kính: 19/3
Địa chỉ: Thôn Thổ Hoàng 1, Đăk Săk, Đăk Mil, Đăk Nông
Số giáo dân: 2553, được tổ chức thành 4 giáo họ:
Giáo họ Phêrô Tự - Giáo họ Giuse thợ - Giáo họ Phaolô Trở Lại – Giáo họ Maria Mẹ Thiên Chúa.
2. SỰ KIỆN: HÌNH THÀNH – PHÁT TRIỂN
Năm 1955, những người dân thuộc Giáo xứ Thổ Hoàng, giáo phận Vinh miền Bắc đã lên đường di cư vào Nam, tạm cư tại trại Bình Đông – Chợ lớn, sau đó định cư tại làng 1, Bình Giả, Thành lập Giáo xứ Vinh Hà (Vinh - Hà Tĩnh) do cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều Quản xứ.
- Năm 1958, trên 100 gia đình người Thổ Hoàng rời Bình Giả lên Sùng Đức, xã Di Lập, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp, thành lập Giáo xứ Hoàng Hoa (Thổ Hoàng và Gia Hòa), cha Stêphanô Bùi Văn Thể làm Quản xứ.
- Ngày 23.01.1959 Quận Đăk Song được tách ra khỏi tỉnh Đăk Lăk, và vùng đất nầy trở thành phần đất chính của Tỉnh Quảng Đức, tại vùng Sùng Đức có Quận mới là Quận Kiến Đức, lúc nầy vùng Sùng Đức có tên gọi mới Sùng Đức, Kiến Đức, Quảng Đức…
- Vào đầu thập niên của năm 1960, những người Thổ Hoàng đầu tiên từ Sùng Đức-Kiến Đức, Quảng Đức tới vùng đất Đăk Săk, Đăk Mil lập nghiệp.
 - Khoảng cuối năm 1962 đầu 1963 Giáo họ Thổ Hoàng được hình thành với khoảng hơn 50 gia đình gia đình, trực thuộc Giáo xứ Vinh An, cha GB. Nguyễn Quang Diệu làm Quản xứ.
 - Trong thời gian nầy từ 1962 tới 1968 Giáo họ sinh hoạt, tham dự thánh lễ và nguyện kinh trong một ngôi Nhà nguyện nhỏ lợp tôn, vách ván ttại mảnh đất của ông Giuse Ngô Xuân Học dâng cúng. Hiện tại mảnh đất nầy Giáo họ Giuse đang canh tác và một ít diện tích làm sân chơi cho thanh thiếu niên.
 - Sau cuộc chiến Mậu Thân 1968, Nhà nguyện được di dời ra vùng đất nhà thờ và nhà xứ hiện tại.
- Sau năm 1975, cha Quản xứ Phêrô Trần Anh Kim đã nhờ cha Giêrađô Trần Lộc thuộc cộng đoàn dòng Giuse giúp mục vụ cho Giáo họ Thổ Hoàng tới ngày 06-05-1977. (ngày nhà dòng bị giải tán)
 - Năm 1979 - 1981 và những năm sau này những người dân phía Bắc vào lập nghiệp hình thành các giáo họ: Xuân Lộc, Xuân Tình, Tân Bình, Phương Trạch, Xuân Bình, Tân Bùi, Xuân Kỳ. Số giáo dân trực tiếp sinh hoạt tại nhà thờ Thổ Hoàng lên đến trên 7000 người, quy mô tổ chức như một Giáo xứ.
 - Nhà nguyện lúc này trở nên quá nhỏ, nên cha Quản xứ Andrê Trần Xuân Cương đã cho nới rộng thêm hầu tạm thời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt mục vụ hàng tuần của đông đảo giáo dân.
- Ngày 04 tháng 10 năm 1994, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh (phó xứ Vinh An) về quản nhiệm Giáo họ Thổ Hoàng và kiêm các Giáo họ Xuân Lộc, Xuân Tình, Tân Bình, Phương Trạch, Đăk Săk, Xuân Bình, Xuân Kỳ và Giáo họ Tân Bùi.
- Đời sống người giáo dân có phần ổn định, cha Giuse Nguyễn Văn Khánh đã lên kế hoạch xây dựng nhà thờ kiên cố hơn. Cha đã tổ chức Ban hành Giáo họ Thổ Hoàng làm việc như ban hành giáo của 1 Giáo xứ, đồng thời thành lập 4 khu vực 1, 2, 3, 4 tiền thân của 4 Giáo họ sau nầy. Nguồn đóng góp tài chính xây nhà thờ chủ yếu từ 4 Giáo họ này.
- Ngày 18 tháng 09 năm 2000 ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực về làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ Thổ Hoàng.
- Ngày 5/2/2002, ĐGM Giuse Nguyễn Tích Đức làm phép khánh thành nhà thờ
- Ngày 08 tháng 11 năm 2004, cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện, phó xứ Vinh An vào nhận Giáo họ Thổ Hoàng thay cha Giuse Nguyễn Văn Khánh.
- Ngày 22/02/2005, cha Giuse Nguyễn Văn Khánh về Gia Nghĩa nhận xứ mới.
- Ngày 31 tháng 01 năm 2005, ĐGM Giáo phận Ban Mê Thuột Giuse Nguyễn Tích Đức ra văn thư thiết lập Giáo xứ Thổ Hoàng. Cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện chính thức trở thành cha xứ tiên khởi Giáo xứ Thổ Hoàng. Vùng Đăk Săk được tách ra thành lập Giáo xứ Xuân Lộc. Vùng Đăk Song thành lập Giáo xứ Xuân Hòa.
- Ngày 28.09.2006, bắt đầu xây dựng nhà xứ.
- Ngày 10.08.2007, ĐGM Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm phép khánh thành nhà xứ.
- Năm 2006, cha Giuse Huỳnh Ngọc Vũ về làm phó, sau đó năm 2011 chuyển về Giáo xứ Vinh Quang.
- Ngày 16/12/2011, cha Giuse Trần Thế Thành về nhận Quản xứ Thổ Hoàng, sau đó 19/12/ 2011 tiễn cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện đi nhận Quản xứ Kim Châu.
 3. Linh mục Quản xứ tiên khởi: Cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện
- Linh mục đương nhiệm: Cha Giuse Trần Thế Thành
- Ơn gọi: - Linh mục: 10 - tu sĩ nam nữ: 31

GIÁO XỨ THỔ HOÀNG HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Năm 1955, cùng với phong trào di cư, những người giáo dân thuộc Giáo xứ Thổ Hoàng giáo phận Vinh miền bắc đã rời bỏ quê cha đất tổ di cư vào Nam. Trải qua cuộc hành trình gian khổ, họ đã ghé qua nhiều nơi và cuối cùng dừng chân tại vùng đất xa xôi thuộc quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức. Vào thời điểm này tỉnh Quảng Đức đang thuộc về Giáo phận Đà Lạt, nay là tỉnh Đăk Nông, Giáo phận Banmêthuột.
Năm 1960, những người Thổ Hoàng đầu tiên rời bỏ Sùng Đức, Quảng Đức đặt chân lên khai phá vùng đất mới. Đây là một thung lũng bằng phẳng, chung quanh được bao bọc bởi những rặng đồi và được tưới mát bởi hai con suối chảy hai bên. Đây là vùng đất đai trù phú, khí hậu trong lành, nhưng vào những năm của thập kỷ 60 lại phải gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh.
Năm 1956, Linh mục JB Nguyễn Quang Diệu đem những người di cư giáo phận Vinh từ Phan Thiết, Lagi, Hàm Tân lên thành lập Giáo xứ Vinh An, sau này phát triển thành các Giáo xứ Vinh Hương, Xã Đoài, Bác Ái, Thổ Hoàng, Đức Hạnh, Xuân Lộc… Giáo họ Thổ Hoàng, trực thuộc Giáo xứ Vinh An được thành lập ngày 19 tháng 03 năm 1962, nhận sự bảo trợ của Thánh cả Giuse. Trong năm 1965, vì tình hình an ninh mất ổn định, một số dân làng đã rời bỏ làng mạc ra đi. Năm 1966, Đồn Đăk Săk được thành lập, tạo cho vùng này trở thành điểm nóng về quân sự. Một phi trường dã chiến được xây dựng để phục vụ chiến tranh. Năm 1968, cuộc chiến tết Mậu Thân hầu như chỉ xảy ra nơi các tỉnh, thành thị miền Nam, không ai nghĩ rằng sẽ tiếp tục xảy ra nơi những vùng nông thôn heo hút. Ngày 23 tháng 08 năm 1968, trận đánh đồn Đăk Săk đã xảy ra, biến toàn bộ vùng này trở thành vùng chiến sự nóng bỏng, nhà cửa, làng mạc đã trở thành mồi lửa của chiến tranh, tất cả chỉ còn lại đống tro tàn; dân làng bị chết 17 người, bị thương 30 người. Trong những nghịch cảnh thương đau nhất của cuộc đời, không làm cho người dân nơi đây mất niềm tin mà còn làm cho họ trở thành dày dạn và luôn đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa. Những người dân bị nạn đã được tôi luyện để niềm tin trở thành vững chắc, khi mà chính bản thân họ đã phải chịu đựng, vượt qua và đứng vững trong những nghịch cảnh của đường đời, giờ đây họ lại bắt đầu xây dựng cuộc sống mới…
II. THỜI ĐIỂM SAU NĂM 1975
A. HỒI HƯƠNG
Ngày 09/03/1975, Quận Đức Lập giải phóng, mở đầu chiến dịch Giải phóng miền Nam. Nơi vùng đất này hóa ra lại bình yên, trong khi các tỉnh thành tại miền Nam đang bị khuấy động mãnh liệt bởi chiến tranh và không khí căng thẳng của tình hình chính trị, thì người dân nơi đây đã bắt tay vào chuẩn bị vụ mùa mới. Những người dân tha hương tại các thành thị, nay trở về quê cũ để cùng nhau dựng xây lại quê hương. Dần dà, lượng người nhập cư ngày càng đông, làng mạc phát triển trở thành một vùng rộng lớn. Trong thời điểm này, Linh mục Quản xứ Vinh An Phêrô Trần Anh Kim đã dành cho Giáo họ Thổ Hoàng nhiều ưu ái, là một Giáo họ cách xa trung tâm Giáo xứ trên 3km, đường sá không thuận lợi, nhiều khi vào làm lễ thứ 7 và Chúa nhật mà lại phải đi đường vòng tới 7 cây số vì đường sá lầy lội không thuận tiện như sau này. Mọi sinh hoạt của Giáo họ rất khó khăn và được cha Quản xứ ưu tiên dành quyền quản trị như một Giáo họ độc lập.
Từ năm 1975 – 1977, Linh mục Giuse Trần Lộc được cử về về phụ trách Cộng đoàn Dòng Giuse vốn cư ngụ tại Thổ Hoàng từ năm 1960; trong thời gian này Ngài đã giúp Thổ Hoàng trong công việc mục vụ cho tới khi cộng đoàn bị giải tán.
Năm 1979, 1981 và những năm sau này những người dân phía Bắc vào lập nghiệp hình thành các giáo họ: Xuân Lộc, Xuân Tình, Tân Bình, Phương Trạch, Xuân Bình, Tân Bùi, Xuân Kỳ. Số giáo dân trực tiếp sinh hoạt tại nhà thờ Thổ Hoàng lên đến trên 7000 người, quy mô tổ chức như một Giáo xứ. Linh mục Quản xứ Anrê Trần Xuân Cương đã có nhiều nỗ lực vận động để Thổ Hoàng được thành lập Xứ nhưng hoàn cảnh lúc ấy chưa thuận lợi.
B. HÌNH THÀNH GIÁO XỨ
- Ngày 04 tháng 10 năm 1995, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh về Quản nhiệm, khu vực này trở thành cụm Giáo xứ Thổ Hoàng gồm Giáo họ Thổ Hoàng và vùng Đăk Săk.
- Ngày 18 tháng 09 năm 2000, Đức Giám mục giáo phận Banmêthuột về làm lễ đặt viên đá đầu tiên, đánh dấu việc khởi công xây dựng nhà thờ Thổ Hoàng.
- Ngày 05 tháng 02 năm 2002, nhà thờ hoàn tất và khánh thành, đồng thời đánh dấu Giáo họ Thổ Hoàng tròn 40 tuổi. Trong 40 năm qua, những con người bám trụ tại vùng đất này đã phải chịu đựng nhiều cam go thử thách. Những ngôi nhà thờ được làm đi dựng lại tất cả 6 lần. Sự chịu đựng của con người đã nói lên được niềm tin tối thượng vào Thiên Chúa.
- Ngày 25 tháng 10 năm 2004, Lm. Giuse Nguyễn Văn Khánh có bài sai nhận xứ mới, nhưng tới 22/02/2008 mới chính thức tiễn chân cha về Gia Nghĩa.
- Ngày 08 tháng 11 năm 2004, Linh mục Đa Minh Phạm Sỹ Hiện vào nhận xứ Thổ Hoàng.
- Ngày 31 tháng 01 năm 2005, ĐGM Giáo phận Ban Mê Thuột ra văn thư thiết lập Giáo xứ Thổ Hoàng. Vùng Đăk Săk được tách ra thành lập Giáo xứ Xuân Lộc.
- Năm 2006, Linh mục Giuse Huỳnh Ngọc Vũ về làm cha phó tại Thổ Hoàng.
C. TỔ CHỨC GIÁO XỨ

Những con số là để chỉ những mốc thời gian, nhưng trong thực tế, giữa lòng giáo phận Banmêthuột thì Giáo xứ Thổ Hoàng đã có từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh xã hội chưa cho phép để danh xưng được hiển thị. Giáo xứ Thổ Hoàng hiện có 2640 giáo dân, được tổ chức thành 5 giáo họ, Giáo họ Phêrô Tự, Giáo họ Phaolô, Giáo họ Giuse thợ, Giáo họ Maria mẹ Thiên Chúa và Giáo họ Phanxicô…
1. Giáo họ Phêrô Tự: Gồm 650 nhân danh trên 120 gia đình. Ở đây tồn tại những gia đình dân kỳ cựu mà hầu như những người lớn tuổi thuộc thế hệ của những người khai hoang lập ấp hầu hết đã ra đi, con cháu của họ đã trưởng thành và đang nắm giữ những vai trò chủ chốt trong sinh hoạt của làng mạc và Giáo xứ. Những con người trẻ nơi đây đã có nhiều nỗ lực đóng góp trong việc xây dựng và phát triển chung, có những bài ca câu hát phản ánh lại một thời gian khổ và quyết tâm vượt qua những nghiệt ngã của đời sống: “Thổ Hoàng ơi! Lắng nghe ngọt ngào, nghe ngày mai giục giã. Đừng làm chia ly, tình như bát nước đầy luôn thắm đượm, dù rằng gian lao cùng nhau ta xiết chặt, thay đổi cuộc đời” (Thổ Hoàng ơi - La Ngàn)
2. Giáo họ Giuse thợ: Gồm 570 nhân danh trên 95 gia đình. Đây là phần đất Giáo họ đậm dấu vết của chiến tranh. Rải rác trong các khu vườn nhà vẫn còn dấu vết của những ngôi mộ, là nạn nhân của chiến cuộc 1968. Những hố bom sâu thẳm đã được lấp đầy, nhưng trong lòng của mỗi người không hề quên ký ức của những ngày tháng thương đau và nước mắt. Những người lớn tuổi vẫn thường ôn lại những câu chuyện xưa và lớp trẻ lắng nghe với nỗi niềm xúc động. Đi sâu vào con đường ở cuối khu vực Giáo họ Giuse thợ, dẫn vào nghĩa trang, nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân. Phải công nhận trong những năm sau này, hầu như các Giáo xứ đều tô điểm các nghĩa trang Giáo xứ xứng đáng là vùng Đất thánh. Cũng là cách thể hiện tinh thần hiếu đễ của người dân Việt đồng thời xác tín vào niềm tin Phục sinh.
3. Giáo họ Phaolô trở lại: Đây là Giáo họ có số nhân danh ít nhất, 270 nhân danh trên 45 gia đình. Giáo họ Phaolô nằm bên kia khúc quanh của dòng suối, vượt qua cây cầu, dòng suối uốn lượn, làng mạc ẩn hiện nên thơ, mọi người ngỡ ngàng vì tên gọi của cây cầu cũng đượm chất hoang dã: “Cầu Mơ”. Khi xưa, Linh mục JB. Bùi Đình Thể đã cùng với những giáo dân thuộc Giáo xứ Hoàng Hoa, Sùng Đức, Quảng Đức xây dựng nơi đây một Nhà nguyện để quy tụ mọi người, nhưng rồi sự việc không thành. Những gia đình gia đình ở đây, đa số còn rất trẻ, tuy nhiên với công việc chung, chẳng bao giờ ai nề hà.
4. Giáo họ Maria Mẹ Thiên Chúa: Gồm 630 nhân danh trên 110 gia đình. Ở đây chủ yếu là các gia đình từ miền Bắc nhập cư sau năm 1975, nằm bao bọc chung quanh ngọn đồi, khi xưa là Đồn Đăk Săk. Tại vị trí này vào năm 1968 đã xảy ra trận giao tranh ác liệt. Ngày hôm nay không còn hầm hố trú ẩn, không còn hàng rào kẽm gai và những ngăn cách, tất cả đã trở thành những vườn cà phê xanh mượt bao bọc làng mạc giữa cuộc sống thanh bình.
5. Giáo họ Phanxicô: Còn gọi là Giáo họ Xuân Bình, gồm 520 người trên 86 gia đình. Những người dân nơi đây hầu như là những giáo dân thuộc Giáo xứ Bùi Ngọa, giáo phận Vinh vào lập nghiệp sau năm 1975. Vùng đất này vào những năm 1960-1965 là nơi mà những người Thổ Hoàng đầu tiên lập làng. Qua năm 1966 vì tình hình an ninh, họ phải di chuyển qua khu vực Đồng Rộng… Giáo họ Xuân Bình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, là một địa bàn nằm giáp ranh giữa 2 huyện (Đăk Mil và Dak Song) và ba xã (Đăk Săk, Đăk Song và Đức Minh). Tuy nhiên những trở ngại này cũng chỉ là nhất thời và người giáo dân đang có những nỗ lực để kiến tạo cuộc sống.
D. CÁC ĐOÀN THỂ CÔNG GIÁO
Các đoàn thể tại đây đã được hình thành từ lâu, vào những năm 1972, những thầy Dòng Giuse, nguyên có cơ sở dòng cư ngụ tại Thổ Hoàng từ năm 1960 đã từng kết hợp và tổ chức đoàn Hướng Đạo cho tầng lớp thanh niên, sau này chuyển qua phong trào Thiếu nhi Thánh Thể:
1. Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể: Thành lập phân đoàn Hiển Linh năm 1974. Trong những giai đoạn khó khăn, Phân đoàn vẫn sát cánh với Ban Hành Giáo trong mọi công tác xây dựng và phát triển Giáo họ; trở thành lực chủ chốt của giáo họ, bởi vì những Huynh trưởng khi không còn trực tiếp sinh hoạt thì lại gia nhập lực lượng Cựu Huynh trưởng. Năm 1995 phiên chế thành Xứ Đoàn Thổ Hoàng, bao gồm cả Giáo vùng Đăk Săk gồm 1700 em thiếu nhi và 200 anh chị Giáo lý viên. Năm 2005 tách rời thành 2 xứ đoàn, xứ đoàn Thổ Hoàng và Xuân Lộc. Hiện nay các anh chị Trưởng lại trở thành đội ngũ Giáo lý viên. Xứ đoàn tổ chức thành 5 phân đoàn theo từng đơn vị giáo họ. Gồm 700 em thiếu nhi và 80 Huynh trưởng. Lễ bổn mạng mừng kính thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giêsu, ngày 01 tháng 10 hàng năm.
2. hội các bà mẹ Công giáo: Thành lập năm 1996 gồm 450 hội viên, được chia thành 5 toán tính theo đơn vị giáo họ. Đây là đoàn thể có sinh hoạt hữu hiệu nhất, gắn liền với mọi công tác của Giáo xứ, công tác tông đồ và truyền giáo. Lễ bổn mạng 27 tháng 08, mừng kính thánh Monica.
3. Hội Legio: Thành lập năm 1995, gồm 100 hội viên. Ban đầu hội Legio chỉ có các người lớn tuổi tham gia nhưng dần dà cũng quy tụ nhiều người trẻ vào hội. Vào những ngày chủ nhật, ta thấy từng 2 người đi tới các gia đình thăm viếng. Mọi người gần gũi nhau hơn.

E. THÀNH PHẦN TU TRÌ
Giáo xứ Thổ Hoàng thuộc giáo phận Vinh, vốn có tiếng là nơi có nhiều người tận hiến: “Cam Xã Đoài, xoài Thạc Khẹc, rươi Mỹ Dụ, Cụ Thổ Hoàng”, điều này gợi nhớ một truyền thống xa xưa mà trong đó Linh mục Phaolô Nguyễn Hoằng là người Thổ Hoàng vừa làm Linh mục, vừa làm quan “Lễ bộ Tả Tham tri” từ thời Tự Đức tới Đồng Khánh. Đã từng được mệnh danh là “Tiền giảng đạo, hậu khâm sai”, và được nhà sử học Cao Vĩnh Phan đánh giá là độc nhất vô nhị trong Giáo hội Việt Nam. Tiếp tới là 2 Đức cha JB. Trần Hữu Đức và Phaolô Nguyễn Đình Nhiên, Giám mục chính và phó giáo phận Vinh…, và những bậc tu trì tiếp tục sau này đã tạo dựng cho quê hương một truyền thống tận hiến. So với tỷ lệ số giáo dân tại Giáo xứ, con số còn khiêm tốn. Số con em thuộc Giáo xứ Thổ Hoàng, tỉnh Đăk Nông đang làm việc, học đại học và làm các ngành nghề tại thành phố Hồ Chí Minh là 120 người. 06 Linh mục xuất thân tại đây, 2 thầy Đại chủng viện, 12 thầy thuộc các dòng tu, 16 nữ tu và một số lớn đang là tập sinh…
II. TRONG SỰ BẢO TRỢ CỦA THÁNH CẢ GIUSE
Từ năm 1960 đến nay, thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Những bậc lão thành gầy dựng làng mạc và Giáo xứ cũng lần lượt ra đi, Thổ Hoàng chuẩn bị bước vào tuổi 50 kể từ ngày đặt chân lên vùng đất này. Nhìn lại cuộc đời, chúng ta nhận ra Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ con cái Người một cách đặc biệt, để trong gian khổ chúng con vẫn chống chỏi với phong ba; trong thất vọng, vẫn lóe lên niềm hy vọng và trong bất kỳ cảnh ngộ nào của đời thường chúng con vẫn nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Xin dâng lên Thánh Cả Giuse lời cảm tạ, Người vẫn luôn bảo trợ chúng con, để chúng con biết chịu đựng, biết củng cố niềm tin và nhận ra niềm hạnh phúc khi được sống giữa quê hương để cùng nhau kiến tạo cuộc sống.
HOÀNG CÔNG NGA
(Nguồn Hành trình quê hương của Giáo xứ Thổ Hoàng)

Từ năm: 2011
LM Chính xứ: Giuse Trần Thế Thành
Từ năm: 2006
LM Phụ tá: Giuse Huỳnh Ngọc Vũ
Địa chỉ: xã Đăk Săk, huyện Đak Song, Đak Nông
Trang web: GIÁO XỨ THỔ HOÀNG
http://gxthohoang.net/

 
 Tags: Thổ Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây