TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ VINH AN

Thứ hai - 29/03/2021 01:12 |   2757
GIÁO XỨ VINH AN

GIÁO XỨ VINH AN

Thành lập ngày: 19.3.1956
Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm
Địa chỉ: Xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông
Số Giáo dân: 13422
Số Gia đình: 3289


Giờ lễ:
Ngày thường: 4g45, 17g00
Chiều thứ Bảy: 17g00,19g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 4g45, 7g30, 17h00

Giáo họ Xuân Thành
Giờ lễ:

Ngày thường: 5g00, 19g00
Chiều thứ Bảy: 17g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 5g00, 7g30


(cập nhật ngày 31.12.2019)

Thông tin bổ sung:

* Cha Phụ Tá tại các Giáo xứ:
Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm:

- Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thiện (Dòng Thánh Giuse) làm phụ tá Giáo xứ Vinh An – Giáo hạt Đăk Mil.

(theo Thông Tin tháng 10-2020 của VP. TGM) 

 

GIÁO XỨ VINH AN
Năm thành lập: 19.3.1956
Bổn mạng Giáo xứ: Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

PHẦN I
LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ
1956-2016

I. TỔNG QUAN
1. Vị trí địa lý
Giáo xứ Vinh An thuộc xã Đức Minh, tọa lạc trên trục đường Gia Long, cách trung tâm huyện Đăk Mil và quốc lộ 14 khoảng 3km về hướng tây, cách thành phố Buôn Ma thuột 60km về hướng đông bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 300km về hướng Tây Nam.
- Địa danh hành chính trước năm 1975: xã Đức Minh, quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức, thuộc Cao Nguyên Trung phần, Việt Nam.
- Địa danh hành chính hiện nay: xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, thuộc Tây Nguyên, Việt Nam.
2. Nét đặc trưng
Giáo xứ Vinh An tọa lạc trên một vùng đất đỏ Bazan phì nhiêu, mầu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi, nên có đầy đủ khe, suối, đập, hồ, nguồn nước dồi dào, rất thuận lợi cho ngành nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp cà phê, cao su và hồ tiêu. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, cộng với tính cần cù lao động của người dân Nghệ Tĩnh, sau nhiều năm miệt mài lao động, đến nay xã Đức Minh, trong đó có Giáo xứ Vinh An đã trở thành một vùng kinh tế phát triển và dẫn đầu tỉnh Đăk Nông về phong trào xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đại bộ phận giáo dân làm nghề nông, nhưng nhờ nguồn điện lưới quốc gia trải rộng khắp, nên nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh cũng phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Nhờ những năm cà phê và hồ tiêu được giá cao, bà con giáo dân đã xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, mua sắm các phương tiện, tiện nghi phục vụ cho đời sống. Các trường Mầm non, Mẫu giáo, cấp I, II, đều được xây dựng kiên cố, trạm xá khang trang, sạch đẹp. Trục đường chính hơn 6km trong xã được trải nhựa, các đường nội thôn đã được bêtông hóa.
Năm 1996, Giáo xứ Vinh An đã xây dựng ngôi Thánh đường mới, diện tích 1.500m2 với kiểu dáng hiện đại bên cạnh một Tháp chuông cao 29m đứng sừng sững giữa trung tâm Giáo xứ trong khuôn viên rộng gần 2ha. Bên cạnh đó, Giáo xứ còn có một hội trường và nhiều điểm dạy giáo lý.
Ngoài ra, tại 9 Giáo họ đều có 1 nhà nguyện. Các giáo họ, các đoàn thể, các hội đoàn được tổ chức qui mô, nề nếp, biểu hiện cho sự lớn mạnh về đức tin và phát triển về cơ sở vật chất.
Giáo xứ và chính quyền địa phương, luôn phối hợp hài hòa với nhau để cùng chăm lo đời sống đạo đời cho nhân dân. Đại đa số giáo dân trong Giáo xứ là người Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Giáo phận Vinh nên Giáo xứ đã đặt tên là Vinh An để nhớ về cội nguồn (người giáo dân Giáo phận Vinh gốc Nghệ An).
Hiện nay, Giáo xứ Vinh An có 11 giáo họ, 10 Giáo họ người kinh và một Giáo họ người dân tộc M’nông tại Buôn Junjú, cách trung tâm Giáo xứ khoảng hơn 8km về hướng Tây Nam.
3. Dân số
Có 2661 gia đình với 12.890 người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số M’nông có 62 gia đình với 372 người.

II. NHỚ VỀ CỘI NGUỒN
Sau hiệp định Genève 20/ 07 /1954, một số đông người Công giáo thuộc Giáo phận Vinh đổ về miền Nam để sinh sống, lập nghiệp. Tháng 3 năm 1955 bà con dắt dìu nhau về cửa hội (Nghệ An) để lên tàu “Há Mồm” vào Nam. Sau 4 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, chiếc tàu Ba Lan to lớn chở hàng ngàn người cập bến Nhà Bè ngày 02/4/1955, những người dân di cư thật vui mừng vì chuyến vượt biển an toàn và cũng đầy lo âu vì đây là lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Miền Nam xa lạ. Từ bến cảng, đoàn người được di chuyển đến trại tạm trú Xuân Trường. Vì điều kiện ăn ở khó khăn, thiếu thốn, hơn nữa trại liên tục tiếp nhận rất nhiều người di cư khác cập bến, nên được sự hướng dẫn của các Linh mục, bà con giáo dân một số đã tìm đến Tầm Hưng, Vinh Thủy, Vinh Phú (Phan Thiết), một số tìm tới Lagi (Hàm Tân), Xoài Minh, Bến Gỗ, một số khác thì bám trụ lại Sài Gòn. Vì khí hậu Phan Thiết quá khắc nghiệt và điều kiện ăn ở quá thiếu thốn, dịch bệnh xảy ra, vì thiếu thuốc men, nhiều trẻ nhỏ bị tử vong, thế là một lần nữa các Linh mục lại quyết định phải đi tìm một địa điểm mới để bà con được an cư lạc nghiệp. Được sự giúp đỡ của Phủ Tổng Ủy Di Cư và sự hướng dẫn của Cha Phêrô Nguyễn Viết Khai, Cha J.B. Nguyễn Quang Diệu cùng với một số cụ ông đã quyết tâm lên vùng Cao Nguyên Darlac tìm đất lập nghiệp.

III. THỜI KỲ HÌNH THÀNH
Giáo xứ Vinh An được thành lập từ ngày 19/03/1956, cha J.B. Nguyễn Quang Diệu, Quản xứ tiên khởi cùng với khoảng 300 gia đình Công giáo di cư từ các Giáo xứ Vinh Thủy, Vinh Phú, Tầm Hưng, Nghĩa Yên ở Phan Thiết lên lập nghiệp.
Những ngày đầu mới bước chân đến mảnh đất Cao Nguyên hoang dã này, một số người nhìn thấy cảnh hoang vu, rừng núi bạt ngàn đã nản lòng và bỏ cuộc. Cuộc sống ban đầu tuy gặp nhiều vất vả, khó khăn, nhưng bù lại mảnh đất bazan màu mỡ đã khiến nhiều người quyết tâm bám trụ. Đồi Thanh Lâm chính là điểm dừng chân đầu tiên và chính nơi đây là trung tâm của Giáo xứ thuở ban đầu. Tất cả bà con đều dựng lều bạt chung quanh đồi để tạm trú. Ngôi Thánh đường làm bằng tranh, tre, nứa lá đầu tiên được xây dựng nơi đây để bà con sớm tối kinh nguyện và làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người.
Rừng núi âm u, cảnh vật hoang dã, đêm về nghe chó hú, cọp gầm nên bà con sống co cụm bên nhau, chung quanh đồi Thanh Lâm và khu vực Xuân Sơn hiện nay. Chỗ ở thì tạm mượn những căn nhà bỏ trống của đồn điền Tây dành cho những người chăn bò ở. Chuồng bò của đồn điền Tây được cải tạo lại thành nơi ở tập trung, số khác thì dựng tăng bạt để che mưa tránh nắng. Dần dà bà con phát rẫy, chặt tre, nứa làm lán, dựng lều riêng từng gia đình cách biệt.
Những ngày đầu lập nghiệp, cuộc sống khó khăn về mọi mặt, thiếu thốn đủ mọi thứ, từ dụng cụ sản xuất, cho đến giống cây trồng, vật nuôi. Phương tiện đi lại chỉ có mấy chiếc xe đạp mang từ ngoài quê vào. Trước cảnh thiếu thốn đó, Phủ Tổng Ủy Di Cư đã cấp cho trại định cư một chiếc xe Dodge để làm phương tiện vận chuyển và ông Nguyễn Văn Liên (Mỹ Yên) được giao trách nhiệm quản lý và lái xe. Cha J.B. Nguyễn Quang Diệu cùng với ban đại diện đã vất vả về miền Đông Nam bộ để chở những bó dây lang, những vác cây mì (sắn), những bao lúa giống, ngô, đậu… để làm cây giống cho bà con sản xuất. Phương tiện sản xuất chủ yếu là cưa tay, dao, rựa, cuốc xẻng. Đàn ông thì lo đốn cây, cắt tranh, dựng lán trại để có nơi tránh nắng, che mưa, đàn bà thì lo cuốc xới để có đất gieo trồng.
Được Chính quyền giúp đỡ, cộng với tính siêng năng cần cù lao động của mọi người, dần dần cuộc sống cũng tạm ổn. Tuy còn lắm truân chuyên, vất vả nhưng đời sống tinh thần thì được thoải mái. Ngôi Thánh đường tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng sớm chiều vang tiếng cầu kinh, là nơi qui tụ những người con xa quê Mẹ và là nơi nối kết tình liên đới, thắm đượm biết bao tình yêu thương. Chính nơi đây niềm tin Kitô giáo đã giúp bà con thắng vượt được mọi khó khăn, thử thách để hy vọng một tương lại tươi sáng mà an tâm bám trụ.
Để giúp Cha Quản xứ điều hành công việc, mà trước mắt là phân phối hàng viện trợ và xây dựng cơ sở vật chất cho cộng đồng, nên đã thành lập Ban Định cư gồm các ông: Ông Thái Bá Long, Ông Nguyễn Văn Lý, ông Trương Anh Sơn, ông Nguyễn Văn Sơn và ông Trương Đình Khả. Ban định cư đã quy hoạch các khu định cư, khai hoang, quy hoạch đường bộ và phân lô cho từng giáo họ.
Đời sống tạm ổn định, nên bà con giáo dân từ chỗ co cụm bên nhau chung quanh khu vực Thánh đường, bây giờ đã bắt đầu tiến ra xa và những người cùng quê quán với nhau ở miền Bắc lại muốn sống gần nhau nên đã hình thành 8 khu vực, mỗi khu vực là một giáo họ, mà tên gọi được lấy từ Giáo xứ hoặc Giáo họ gốc ở miền Bắc là: Xã Đoài, Mỹ Yên, Kẻ Đọng, Bình Thuận, Xuân Phong, Trang Nứa (Xuân Trang), Thanh Lâm và Kẻ Gai (Xuân Sơn).
Đến cuối năm 1957, cha phó J.B. Hồ Sĩ Cai cùng với một số giáo dân thuộc Giáo xứ gốc Thanh Phong, Bùi Ngọa tách ra khỏi Giáo xứ Vinh An, thành lập thêm một trại định cư mới, nằm dọc theo hai bên đường quốc lộ 14 về hướng đông bắc và đặt tên là “TRẠI MỚI”, tên gọi hành chánh là thôn TƯ MINH để mở rộng thêm vùng định cư. Hiện nay là Giáo xứ Vinh Hương thuộc xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.
Năm 1958, ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo xứ được xây dựng bằng công sức của giáo dân trong xứ. Cha con đã vận dụng nhân tài vật lực sẵn có để xây dựng ngôi Thánh Đường tương đối rộng rãi và khang trang có đủ chỗ cho tất cả giáo dân tham dự Thánh lễ và các buổi kinh nguyện. Gỗ sao được lấy từ chung quanh vườn nhà thờ, mái lợp ngói, tường xây gạch đúc xi măng, mặt tiền sảnh hướng về phía bắc, đắp nổi tượng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là Bổn mạng của Giáo xứ. Từ nay mọi thành phần dân Chúa tham dự Thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, các bí tích được cử hành tại Thánh Đường linh thiêng rất nghiêm trang và sốt sắng.
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là Đấng bảo trợ Giáo xứ, hàng năm, Giáo xứ tổ chức mừng kính lễ Bổn mạng thật long trọngvào ngày 08/12. Ngày này cũng là dịp để Giáo xứ kiểm điểm lại mọi sinh hoạt trong một năm qua và hoạch định phương hướng cho năm tiếp theo.
Để có nơi dạy văn hóa cho con em, cha Quản xứ đã sử dụng hai căn nhà gỗ mượn của đồn điền Tây, mở hai lớp cuối của bậc tiểu học và đặt tên là trường Trần Hữu Đức, để nhớ về vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận Vinh. Số học sinh đầu tiên này, một số có chí hướng theo đuổi Ơn Thiên Triệu, sau khi học hết bậc tiểu học được gửi học tại Tiểu chủng viện Chân Phước Tự (Thủ Đức), số còn lại thì theo học tại trường Ngô Đình Khôi ở Phan Thiết.
Đến năm 1967, do nhu cầu mục vụ, Giáo phận chia tách Giáo họ Xã Đoài ra khỏi Giáo xứ Vinh An, thành lập Giáo xứ mới (Đức Hạnh) và cha Phêrô Nguyễn Quý Cảnh, phó xứ Vinh An được bổ nhiệm làm Quản xứ tiên khởi.

IV. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN
Thời gian đầu, Giáo xứ chỉ có 3 gian nhà tôn, vách ván dành cho cả 2 cha Chánh và Phó xứ làm nơi sinh hoạt, một gian nhà làm kho. Nhà bếp thì ở xa nên việc sinh hoạt rất khó khăn.
Năm 1960, ngôi trường tiểu học đầu tiên của Giáo xứ được xây dựng mang tên là trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ do cha J.B. Hồ Sỹ Cai làm hiệu trưởng, để lo việc học hành cho con em. Những giáo viên là: Thầy Điều, Thầy Hạnh, thầy Đào, thầy Nhường, thầy Vân, thầy Vĩnh…
Đầu năm 1963 cha J.B. Nguyễn Quang Diệu bắt đầu xây dựng nhà xứ, nằm bên cánh trái nhà thờ, để sinh hoạt được thuận lợi và tốt hơn.
Đầu năm 1964 một hang đá lớn được xây dựng phía trái, trước nhà thờ, dâng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là thánh Bổn Mạng của Giáo xứ.
Sau khi đã an cư, bà con tập trung vào phát triển kinh tế. Để tăng thu nhập, giải quyết cuộc sống hằng ngày. Một số người phải đi làm công cho đồn điền cà phê của Tây. Sáng 5g00 có xe hơi vào đón, chiều 5g00 có xe chở về trả tại Dốc Dầu. Một số khác có nghề chài lưới thì đi đánh cá ở hồ Lac (Lạc Thiện), được cá, lại cử người đem ra chợ Ban Mê Thuột bán một phần lấy tiền, phần còn lại chia nhau đem về cho gia đình ở Đức Minh làm thực phẩm.
Bà con tập trung vào phát rừng làm rẫy để trỉa lúa, trồng bắp và các loại đậu ngắn ngày. Ngoài làm rẫy, bà con còn khai hoang đồng ruộng để sản xuất lúa nước.
Sau khi phát hoang dọn đốt xong, đầu năm 1959, cố Lê Văn Đoán đã xuống Bình Giả, Bà Rịa - Vũng Tàu hợp đồng công ty Huỳnh Gia đem 6 chiếc máy cày loại 5 chảo lên cày đất. Sau hơn 2 tháng vất vả, vật lộn với việc vỡ hoang, giờ đây những đường cày xếp hàng nối tiếp nhau trông thật đẹp mắt, bà con vui mừng khôn xiết, vì từ nay bà con đã có đất để canh tác lúa nước, thỏa lòng mong ước bấy lâu.
Sau một vài vụ mùa bội thu, bà con vui mừng phấn khởi và cảm nghiệm rằng: Đúng là một đặc ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho người dân xứ Nghệ, vì tại quê hương, bà con nổi tiếng là siêng năng, cần cù lao động nhưng cuộc sống vốn cơ cực, bần hàn, thiếu, đói quanh năm. Vì đất đai thì khô cằn, chật hẹp, khí hậu thì khắc nghiệt: hết nắng hạn gió lào, lại đến mưa to bão lụt, không có điều kiện để phát triển, thoát nghèo. Do đó khi gặp được vùng đất Tây Nguyên, khí hậu ôn hòa, đất bazan màu mỡ, người dân đã vui mừng hân hoan vì đã gặp được miền đất hứa, nên đã tích cực lao động sản xuất để mong sớm đổi đời, kiến tạo một cuộc sống mới. Sự vất vả nhọc nhằn của bà con đã được bù đắp một cách xứng đáng: Những trái bí xanh to, dài như chiếc thùng sắt tây (loại thùng bằng sắt có dung tích 20 lít dùng để dựng dầu hỏa), những cây ngô cho 2-3 trái, to dài như bắp tay, những củ khoai lang nặng hàng ký, đậu xanh, đậu đen, lạc có gia đình thu hàng tấn… khiến bà con cứ tưởng mình sống trong mơ.
Những vườn cà phê càng ngày càng xanh tốt và cho quả trĩu cành, bà con mừng khôn xiết. Sản xuất ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắm đượm. Đất đai thì màu mỡ, cây cối thì xanh tươi, trĩu quả. Bà con ai cũng muốn làm nhiều diện tích, nhưng không đủ sức chăm sóc và đủ vốn đầu tư.
Để giúp bà con giải quyết sức kéo, đầu năm 1959, cha J.B. Nguyễn Quang Diệu đã mua 40 con bò từ Đồng Dài, Tuy Hòa về giao cho cố Đoán, cố Hoạt và cố Bang chăn giữ. Bò cái thì sinh sản, bò đực thì dùng vào việc cày bừa và từ đây đàn bò được nhân rộng. Vào khoảng năm 1964, hầu như nhà nào ở Giáo họ Vinh Đức cũng có một vài con bò.
Những căn nhà tranh, tường trét đất, đây đó rải rác đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái lợp tôn, vách thưng ván trông khá khang trang, một vài chiếc xe gắn máy đã bắt đầu xuất hiện trên đường làng, những học sinh hết cấp tiểu học đã được cha mẹ gửi đi các tỉnh như Ban Mê Thuột, Kon Tum, Đà Lạt hoặc Sài Gòn để học tiếp những năm trung học. Những đồng lúa xanh bạt ngàn, những rãy cà phê xanh tươi trĩu quả làm cho bà con vui mừng khôn xiết. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày.
Vào cuối năm 1964, một số giáo dân di cư gốc Giáo xứ Thổ Hoàng, định cư ở vùng Sùng Đức, Doãn văn, thuộc quận Khiêm Đức, sau một thời gian sinh sống, thấy an ninh không bảo đảm, nên đã di chuyển về Đức Minh lập nghiệp, định cư dọc hai bên đường Gia Long cách Giáo xứ Vinh An khoảng 3 km về hướng Đông và thành lập một Giáo họ mới thuộc Giáo xứ Vinh An.
Năm 1970, khi cuộc sống của giáo dân đã ổn định và kinh tế đang trên đà phát triển thì cha J.B. Nguyễn Quang Diệu được thuyên chuyển về nhận nhiệm sở mới, Quản xứ Chi Lăng, cuộc chia ly đầy nước mắt với bao luyến nhớ tiếc thương. Ngày tiễn chân ngài, giáo dân Vinh An khóc như mưa vì thương tiếc, lúc gieo vãi đầy khó khăn vất vả thì có ngài hiện diện nhưng đến lúc thu hoạch thành quả thì ngài lại ra đi, nói sao cho hết nghĩa tình. Hình ảnh một vị chủ chăn hiền lành, khiêm nhường và tận tụy nơi ngài không bao giờ phai nhạt trong lòng và trong ý nghĩ của giáo dân Vinh An.
Cha Augustino Hoàng Đức Sinh được bổ nhiệm về làm Quản xứ Vinh An. Nhận thấy các em học xong bậc tiểu học là phải đi học tiếp bậc trung học ở các tỉnh xa, vì Giáo xứ chưa có trường trung học, rất tốn kém, nhất là thiếu sự quản lý của gia đình, nên Ngài đã cho xây dựng thêm phòng học kiên cố, nâng cấp và đổi tên trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ thành trường Trung-Tiểu học Vinh Đoài (để nhớ Giáo phận Vinh ở Xã Đoài). Đồng thời ngài cũng cho xây 8 phòng học trong khuôn viên Giáo xứ, phía trước nhà thờ, để có chỗ cho các em thiếu nhi học giáo lý và các đoàn thể sinh hoạt. Từ đây, phụ huynh không còn phải lo lắng chuyện con đi học xa.
Ngài lập dự án, kế hoạch thu gom nguồn vốn, vật liệu chuẩn bị xây dựng nhà thờ mới và đặt 3 quả chuông ở bên Pháp nhưng không kịp vì ngài được lệnh thuyên chuyển về Giáo xứ Vinh Quang ở Buôn Hồ.
Ngày 13/6/1974, cha Phêrô Trần Anh Kim được bổ nhiệm về làm Quản xứ Vinh An thay cha Augustino Hoàng Đức Sinh. Ngài đã xây dựng 2 phòng phía sau nhà xứ, một để làm phòng ăn và một để làm nơi sinh hoạt của hội đồng Giáo xứ. Thực hiện tiếp kế hoạch của cha Quản xứ tiền nhiệm về việc xây dựng nhà thờ mới. Để có nguồn kinh phí, một mặt Ngài bắt đầu huy động vốn, một mặt Ngài giao cho mỗi gia đình giáo dân trồng 3 cây cà phê cho Giáo xứ và hằng năm giao sản phẩm cho Giáo xứ. Nhưng dự định chỉ là dự định. Xây dựng nhà thờ không thành, ngài quyết tâm dựng một tháp chuông bằng bêtông cốt thép nhưng điều kiện và hoàn cảnh không cho phép. Cuối cùng, ngài dựng tháp chuông bằng gỗ ngay bên cạnh nhà thờ, phía trước nhà xứ... Sau gần 20 năm, lần đầu tiên giáo dân Vinh An được nghe tiếng chuông vang lên, thúc giục mọi người đến với Chúa sau những năm tháng làm ăn vất vả. Thật sung sướng biết bao! Hạnh phúc dường nào!
Ngày 9/3/1975, Vùng đất Đức Lập lật qua trang sử mới, mọi dự định đều tạm dừng, mọi công việc đều đình trễ. Mọi người hoang mang, lo lắng, theo dõi tình hình để lo toan cuộc sống. Đứng trước hoàn cảnh đó, cha Phêrô Trần Anh Kim đã hết sức cố gắng, thuyết phục giáo dân an tâm sản xuất. Sau một thời gian ngắn cuộc sống trở lại bình thường.
Sau ngày 30/4/1975, nhiều gia đình bao năm ly tán, xa cách, nay có cơ hội đoàn tụ. Một số bà con, họ hàng từ Nghệ An, Hà Tĩnh do quan hệ ruột thịt, thân thiết, đã vào miền Nam xây dựng kinh tế. Từ đây, cha Phêrô Trần Anh Kim lại thêm một trọng trách mới. Ngoài công tác mục vụ, ngài còn phải chăm lo đời sống cho số giáo dân mới tới định cư, lo đất đai để sản xuất, lo cây giống để trồng tỉa, v.v...
Mặc dù đường sá xa xôi, lầy lội, xe máy lưu thông khó khăn, phải sử dụng xe càng để đi lại. Chúa Nhật, Lễ Trọng nào, ngài cũng đến dâng Thánh Lễ cho giáo dân tại Giáo họ Thổ Hoàng.
Đất nước chuyển mình qua chế độ mới, nền kinh tế chưa ổn định, nên mọi sinh hoạt tinh thần và xây dựng cơ sở chậm dần lại. Mọi phát triển xây dựng chỉ đủ khả năng tôn tạo lại như đóng trần gỗ nhà thờ, đóng mới bàn ghế, duy trì các sinh hoạt đã có, chăm lo phát triển tinh thần, giúp bà con giáo dân hội nhập vào hoàn cảnh mới, là “đồng hành với dân tộc” theo thư chung của hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 1980. Mọi sinh hoạt đi dần vào ổn định và vững vàng.
Với những công đức mà ngài đã dày công vun đắp, ngày 5/9/1989, ngài đã được Thiên Chúa gọi về để ân thưởng ở chốn vĩnh hằng. Ngài ra đi trong bao luyến nhớ tiếc thương của mọi người. Hình ảnh cha Phêrô Trần Anh Kim hiền lành, nhân hậu và tận tâm luôn in đậm trong lòng người giáo dân Vinh An. Phần mộ của ngài được Giáo xứ xây dựng phía trước, bên trái nhà thờ, dưới chân tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn Lành. Ngài ra đi, cha Giuse Trần Mạnh Cường, em ruột ngài, tiếp tục chăm sóc đàn chiên.
Giữa tháng 12 năm 1989, cha Anrê Trần Xuân Cương được bổ nhiệm làm Quản xứ Vinh An. Cha Giuse Trần Mạnh Cường nhận nhiệm sở mới là Giáo xứ Đức Hạnh, xã Thuận An thay thế cha Anrê Trần Xuân Cương.
Nghe tin miền Nam đất rộng người thưa, bà con giáo dân từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào Đăk Săk và Đăk Mol lập nghiệp ngày càng đông, cha Quản xứ Anrê lo kiện toàn và thiết lập thêm các Giáo họ: Đăk Suk, Xuân Lộc, Xuân Tình, Xuân Bình, Tân Bình, Phương Trạch, Tân Bùi và Xuân Kỳ. Qua hoạt động của Ban Loan Báo Tin Mừng của Giáo xứ, có hơn 300 đồng bào dân tộc thiểu số M’nông xin gia nhập đạo, ngài đã thành lập các Giáo họ Nữ Vương Hòa Bình tại thôn A3, xã Đăk Mol; Giáo họ Giuse JunJuh. Từ đây, ngài gánh thêm trọng trách, vừa lo công tác mục vụ cho bà con di dân, vừa phải chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc.
Các Giáo họ Thọ Hoàng, Xuân Lộc, Hòa Tiến, Xuân Hòa lần lượt được nâng lên hàng Giáo xứ. Đồng thời phân chia ranh giới và kiếm đất cho các Giáo họ Xuân Tình, Tân Bình, Phương Trạch, Đắk Săk, Xuân Bình, Tân Bùi, Xuân Kỳ, Đăk Mol, buôn A3, Phêrô Đăk Mun sớm có nơi thờ tự và học giáo lý.
Giáo xứ đã lên kế hoạch tỏa sang các cơ sở của Giáo họ Thọ Hoàng và kiếm đất để làm Nhà nguyện cho các Giáo họ mới được thành lập để cùng xin lên hai Giáo xứ là Thọ Hoàng và Xuân Lộc, định hình các Giáo họ vùng kinh tế mới vùng Đăk Săt và đưa cha phó Giuse Nguyễn Văn Khánh vào thường trú tại Giáo họ Thổ Hoàng để tiện lợi trong công tác mục vụ.
Từ đầu năm 1995, cha Đaminh Phạm Sỹ Hiển được sai về tiếp phó xứ Vinh An. Sau khi Giáo xứ Gia Nghĩa nhận được quyết định tái lập lại (2004), Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Niệm làm Quản xứ Gia Nghĩa và cha Đaminh Phạm Sỹ Hiện làm Quản xứ Thọ Hoàng (31.05.2005) và cha Giuse Bùi Văn Trường, Quản xứ Xuân Lộc. (2008). Dân số Giáo xứ Vinh An ngày càng tăng cơ học do có nhiều bà con, họ hàng từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Vinh An xây dựng kinh tế, nên Giáo xứ phát triển thêm 3 Giáo họ mới: Xuân Hòa, Thanh Sơn (tách ra từ Giáo họ Thanh Lâm), Xuân Thành (tách ra từ Giáo họ Xuân Sơn) đây là các Giáo họ kinh tế mới thuộc vùng ven Giáo xứ.

Những công trình đã xây dựng:
* Năm 1991: Xây dựng mới tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn, phía bên trái tiền sảnh nhà thờ, đơn giản, thanh thoát và mang nét văn hóa dân tộc.
* Năm 1993: Xây dựng mới tháp chuông, phía bên phải tiền sảnh nhà thờ, đối diện với đài Đức Mẹ, cao 29m, với 3 quả chuông được đặt đúc từ Pháp, nặng trên 600kg.
* Năm 1994: Mua thêm đất, xây dựng cơ sở Dòng Nữ Vương Hòa Bình và nhà nội trú cho các em học sinh tại Giáo họ Mỹ Yên.
* Năm 1995: Trùng tu hội trường, làm Nhà nguyện và xây trường Mầm Non Tư Thục Tuổi Thơ thuộc Giáo họ Mỹ Yên.
* Năm 1996: Khởi công xây dựngNhà Thờ mới trên nền nhà thờ cũ, có từ năm 1958 sau nhiều lần cải tạo và nâng cấp. Ngôi nhà thờ rộng 1.500m2, có 1.200 chỗ ngồi.Mặt tiền sảnh có đắp nổi tượng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chóp Thánh Giá cao 28m. Đóng thêm bàn quỳ trong nhà thờ.
* Năm 1997: Khánh thành và Cung hiến Nhà thờ (20.03.1997 và 12.12.1997)
* Năm 2004: Để chuẩn bị mừng Kim Khánh, Giáo xứ đã xây dựng Nhà Xứ mới làm nơi sinh hoạt cho quý cha và là nơi hội họp, tiếp các đoàn khách của Giáo xứ, làm lại nhà bếp mới khang trang và đầy đủ tiện nghi.
* Cuối 2005: Xây dựng mới hai dãy nhà, gồm 6 phòng học giáo lý dành cho các em thiếu nhi, phòng tập hát cho ca đoàn, phòng sinh hoạt cho các hội cầu nguyện và Tông đồ giáo dân, đồng thờitrùng tu nhà xứ cũ để làm phòng truyền thống, văn phòng hội đồng Giáo xứ, phòng làm việc của các hội đoàn phục vụ công việc của Giáo xứ.
Ngoài ra, trong các buổi họp đông người, các buổi tổ chức tiệc mừng được sử dụng hội Trường cũ được xây dựng vào năm 1970 và được trùng tu vào năm 1995 nằm phía trước khuôn viên nhà thờ. Trước hội trường là một sân ximăng rộng dùng để làm nơi giữ xe cho giáo dân tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Khuôn viên nhà thờ được chỉnh trang hoa, cây cảnh tạo không gian xanh, thoáng mát.
* Năm 2006: Xin mở Năm Thánh, mừng Kim Khánh, kỷ niệm Giáo xứ tròn 50 tuổi.
* Năm 2007: Giáo xứ mua lại khu nhà đất, trước đây là nhà của ông bà Lê Xuân Khâm, sau cải cách công thương nghiệp, đã trở thành trụ sở UBND xã Đức Minh, phía trước nhà thờ. Sau này, chính quyền thấy không tiện nên đã quyết định không bán đấu giá theo nguyên tắc chung mà ưu tiên để lại cho Giáo xứ Vinh An. Giáo xứ đã gặp ông bà cụ Khâm và thúc dục ông bà làm đơn khiếu nại lên trung ương và được trung ương từ chối, vì trước đây đã cung cấp đất cho gia đình rồi. Sau khi có quyết định rõ ràng, hội đồng Giáo xứ và cha Quản xứ đã trao đổi với gia đình ông bà Lê Xuân Khâm và đã có sự chấp thuận, nên Giáo xứ đã nhận mua với giá là trên một tỷ bảy. Chính quyền đã cấp sổ đỏ và giấy tờ sang nhượng. (hồ sơ còn lưu giữ)
* Năm 2008: Xây dựng Nhà thờ mới Giáo họ Nữ Vương Hòa Bình tại thôn A3, xã Đăk Mol. Nhà thờ các Giáo họ Thanh Lâm, Mỹ Yên, Kẻ Đọng, Xuân Kỳ. Nhà nguyện cần mua thêm đất cho Giáo họ Tân Bùi và xây mới Nhà nguyện Giáo họ Xuân Kỳ.
Để kỷ niệm 60 năm, Ngọc Khánh Giáo xứ Vinh An hình thành và phát triển, Giáo xứ đã khởi công xây dựng một nhà sinh hoạt có diện tích 2400m2 bao gồm 16 phòng học giáo lý và một hội trường có sức chứa 3000 người, làm nơi sinh hoạt, lễ hội đạo đức, đào tạo, huấn luyện mọi lứa tuổi, để nâng cao nền văn minh tình yêu và văn hóa sự sống.
Toàn Giáo xứ có một Nghĩa Trang chung cho các Giáo họ: Mỹ Yên, Thanh Lâm, Xuân Trang, Xuân Thành, Xuân Sơn, Lavang, 4 Giáo họ khác có nghĩa trang riêng và một nghĩa trang cho thai nhi.
* Năm 2016: Mừng kết thúc Năm Thánh, kỷ niệm Giáo xứ tròn 60 năm hình thành và phát triển và Dưới sự hướng dẫn và quan tâm của các cha Quản xứ và các cha Phó, các đoàn thể Gia trưởng, Thanh niên, Thiếu nhi, hội Hiền mẫu, hội Cầu nguyện, hội Legio Mariae, hội Truyền giáo, Bác ái Vinh Sơn và Thăng tiến Hôn nhân và Gia đình sinh hoạt theo đúng tôn chỉ và mục đích của đoàn, hội mình. Từ đó, sinh hoạt chung của cộng đoàn Giáo xứ ngày càng phát triển sống động hơn.
Giáo xứ có 1 đội kèn và 6 ca đoàn phục vụ các Thánh Lễ và các Nghi thức Phụng vụ khác.
Các hội Dòng lần lượt về phục vụ-mục vụ trong Giáo xứ như: Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột, Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa, Vũng Tàu, Nha Trang, Dòng Mẹ Nhân Ái, Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, Dòng Lasan, Dòng Don Bosco, Ngôi Lời, v.v... Sự hiện diện của quý hội Dòng làm cho đời sống đạo đức của giáo dân được tăng thêm và là gương sáng cho giáo dân trong tinh thần phục vụ.
Trong công cuộc đào tạo ơn gọi, được sự quan tâm của các cha Quản xứ, cha Phó, hội đồng Giáo xứ và từng gia đình, vườn hoa tu đức, ơn gọi thánh hiến được ươm trồng và chăm sóc đặc biệt, nên ngày càng phát triển. Hiện nay, Giáo xứ có 55 Linh mục và 132 tu sĩ Nam Nữ (26 nam và 106 nữ) đang phục vụ tại các giáo phận trong nước và một số phục vụ và truyền giáo ở nước ngoài.
Cùng với 11 thầy đang theo học tại các Đại Chủng Viện và khoảng 120 em đệ tử, tập sinh đang tìm hiểu, học hỏi và theo đuổi ơn gọi trong 36 hội Dòng trên toàn quốc. Đây là một nét son của Giáo xứ Vinh An.
Bên cạnh đó, số học sinh, sinh viên đạt được học vị cao ngày càng gia tăng. Một số đã trở thành giáo viên, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, và một số khác được đầu tư du học ở nước ngoài.
Với anh em sắc tộc thiểu số M’nông, sự âm thầm hoạt động của cha Quản xứ, ban Truyền giáo, các hội Dòng, sự nâng đỡ của giáo dân trong Giáo xứ đã giúp cho trên 300 anh em sắc tộc thuộc khu vực Đăk Mol và Junjú được lãnh Bí tích Rửa tội, gia nhập hội thánh. Các ngày Chúa Nhật, anh em sắc tộc về nhà nguyệnGiáo họ dự lễ và học hỏi giáo lý do các hội Dòng đảm trách. Lòng đạo đức và niềm tin của giáo dân sắc tộc M’nông, đã trở nên gương sáng cho anh em sắc tộc còn lại, tìm hiểu và gia nhập Đạo Chúa ngày càng nhiều hơn.

V. QUÝ ĐỨC CHA COI SÓC GIÁO PHẬN QUA CÁC THỜI KỲ
Năm 1956 -1964 Giáo xứ Vinh An thuộc Giáo phận Kom Tum, dưới sự coi sóc của Đức cố Giám mục Paul Seitz (tên Việt Nam là Cố KIM )
Năm 1964 -1966 Giáo xứ thuộc Giáo phận Đà Lạt do Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền coi sóc.
Đến năm 1967 Giáo phận Ban Mê Thuột được thành lập, Giáo xứ Vinh An thuộc giáo hạt Quảng Đức, Giáo phận Ban Mê thuột do các Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai là Giám mục tiên khởi của Giáo phận:
Đức Cha tiên khởi, Phêrô Nguyễn Huy Mai:     1967 - 1990.
Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực:                    1990 -2001.
Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức:                    2001-2006.
Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám quản:  2006 - 2009
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản:               2009 - đến nay.
VI. QUÝ CHA COI SÓC Giáo xứ QUA CÁC THỜI KỲ
Quý cha Quản xứ
Cha J.B. Nguyễn Quang Diệu:                          Năm 1956 - 1970
Cha Augustino Hoàng Đức Sinh:                      Năm 1970 - 1974.
Cha Phêrô Trần Anh Kim:                                Năm 1974 - 9/1989.
Cha Giuse Trần Mạnh Cường (G.Q.):               Tháng 9/1989-12/1989.
Cha Anrê Trần Xuân Cương:                            Năm 1989- đến nay.
Quý cha Phó xứ
Cha J.B. Hỗ Sỹ Cai:                                          Năm 1956-1957.
Cha Giuse Nguyễn Huyền Linh:                        Năm 1958-1963.
Cha Phêrô Nguyễn Quý Cảnh:                          Năm 1963-1967.
Cha Gioan Bùi Quang Đạo:                              Năm 1967-1968.
Cha Giuse Nguyễn Văn Niệm:                          Năm 1968-1970.
Cha Anrê Trần Xuân Cương:                            Năm 1973 - 1974.
Cha Gioan Hồ Hán Thanh:                               Năm 1972 - 1982
Cha Giuse Nguyễn Văn Khánh:                        Năm 1992 - 2004.
Cha Đaminh Phạm Sỹ Hiển:                             Năm 1995 - 2004.
Cha Phêrô Nguyễn Minh Huân:                        Năm 2005 - 2010
Cha Phaolô Trần Vĩnh Niệm:                            Năm 2010 - 2014
Cha Philípphê Nguyễn Văn Hòang:                  Năm 2012 - 2014
Cha Vinh Sơn Ngô Văn Hùng:                          Năm 2013 - đến nay.
Quý cha Dòng Vinh Sơn
Cha Bình
Cha Vinh Sơn Mai Hoài Thương:                     Năm 2005 - 2010
Cha Châu
Về xây dựng cộng đoàn Vinh Sơn và phụ giúp mục vụ phần nào tại Giáo họ Xuân Hòa.
Quý Cha Dòng Don Boscô
Cha Phạm Quang Thảo
Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Phương
Cha Giuse Vũ Đức Lợi:                                     Năm 2014
Cha Phêrô Ngô Xuân Thinh
Quý cha Dòng Ngôi Lời
Cha Vinh Sơn Ngô Văn Hùng - đã nhập Linh mục đoàn Giáo phận Ban Mê Thuột
Cha Giuse Lê Văn Quốc (SVD)                          
Một điều mà giáo dân Vinh An cảm nhận được là trong suốt 60 năm qua, mặc dù nhiều biến động của thời cuộc, nhưng Giáo xứ không lúc nào vắng bóng vị chủ chăn, đây là một ân huệ đặc biệt mà Giáo xứ Vinh An được nhận lãnh.
Giáo xứ cũng được quý thầy Đại Chủng Viện về giúp xứ như: thầy Huê, thầy Sự, thầy Huệ, thầy Sơn, thầy Thược, thầy Hảo, thầy Tâm, thầy Hải, thầy Kỳ, thầy Chương, thầy Triều, v.v... Hầu hết các thầy đều được nhận thừa tác vụ Linh mục.

VII. QUÝ ÔNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG Giáo xứ QUA CÁC THỜI KỲ
Cố phaolô Nguyễn Văn Hòang (Xã Đoài):         1956-1962
Cố phaolô Bùi Văn Khiêm (Bình Thuận):          1962-1967
Cố phêrô Trần Trường (Kẻ Đọng):                     1970 - 1974
Cố Giuse Trần Ngọc Hoán (Mỹ Yên):                1974 - 1984
Cố Giuse Trần Ngọc Hoán (Mỹ Yên):                1984- 1991
Cụ Giuse Ngô Văn Báu (Thanh Lâm):                1991 - 1995
Cố Phêrô Đinh Bạt Báu (Xuân Sơn):                  1995 - 1999
Ông J.B Trần Ngọc Hậu (Thanh Lâm):               1999 - 2006
Ông Antôn Trương Anh Minh (Mỹ Yên):           2006 - 2010
Ông Antôn Trương Anh Minh (Mỹ Yên):           2010 - 2016.
Ông Phêrô Tự Phạm Viết Ngữ (Bình Thuận):     2016- nay
Bên cạnh các vị Chủ tịch còn có 5 vị Ủy viên Ban Thường vụ cộng tác với quý cha Quản xứ, cha Phó, điều hành Giáo xứ với các chức việc.

VIII.  THAY LỜI KẾT
Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Trên đây là một số thông tin lược sử Giáo xứ Vinh An trong 60 năm qua, dựa theo sử liệu của Giáo xứ và lời kể của các vị cao niên. Bài viết không sao tránh khỏi những sơ suất, thiếu sót, kính mong quý vị cảm thông và lượng thứ cho những bất cập.
Xin dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân với biết bao Hồng Ân mà Ngài đã ban tặng cho Giáo xứ Vinh An.Tạ ơn Đức Maria Vô Nhiễm Bổn mạng Giáo xứ. Tạ ơn Thánh Cả Giuse, Đấng phù trợ cùng đồng hành với Giáo xứ trong suốt 60 năm qua.Tạ ơn các Thánh tử Đạo Việt Nam, nhờ hạt giống đức tin của các Ngài đã gieo trồng, nay đã nảy mầm phát triển.
Trong tâm tình con thảo và biết ơn, chúng con tưởng nhớ đến quý Đức Cha Giáo phận Kon Tum, Giáo phận Đà Lạt và đặc biệt quý Đức Cha Giáo phận Ban Mê Thuột: Đức Cha Cố Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục tiên khởi Giáo phận, Đức Cha cố Giuse Trịnh Chính Trực và Đức Cha cố Giuse Nguyễn Tích Đức.
Chúng con ghi lòng tạc dạ công đức quý Cha già cố: J.B. Nguyễn Quang Diệu, Phêrô Nguyễn Huyền Linh, Phêrô Nguyễn Quý Cảnh, J.B. Hồ Sỹ Cai, Augustinô Hoàng Đức Sinh, Phêrô Trần Anh Kim, Gioan Hồ Hán Thanh, quý cha Tiền Nhiệm, quý cha Quản xứ, quý cha Phó, các vị tiền bối, quý hội đồng Giáo xứ, quý chức sắc, quý ân nhân, đã không quản ngại gian lao, vất vả một đời hy sinh dày công xây dựng Giáo xứ Vinh An.
Trải qua 60 năm, với biết bao biến đổi và bao thăng trầm của cuộc sống, Giáo xứ Vinh An đã vượt qua bao khó khăn,mới có được như ngày hôm nay. Chúng con cám ơn hết thảy mọi người, bằng cách này hay cách khác, tinh thần lẫn vật chất, xây dựng Giáo xứ Vinh An hình thành và phát triển trong 60 năm qua, sẽ là tiền đề cho thế hệ con cháu tiếp bước. Với trách nhiệm kế thừa, ước mong mọi thành phần dân Chúa, luôn ĐOÀN KẾT - YÊU THƯƠNG- HIỆP NHẤT, để Giáo xứ Vinh An ngày càng thăng tiến về mọi mặt cả trong Giáo hội lẫn ngoài Xã hội: Vững về Đức tin, mạnh về Kinh tế, ngõ hầu Giáo xứ Vinh An ngày càng hoàn thiện hơn như mong ước của Chúa, của các vị tiền nhân và của những người thành tâm, thiện chí.

Thông tin Bổ sung:

Tháng 01.2018: Cha Anrê Trần Xuân Cương về hưu tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột

Tháng 01.2018: Cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng quản xứ
 Tags: Vinh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây