TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 13/01/2025 13:44 |   83
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,15-18)

25/01/2025
Thứ Bảy tuần 2 thường niên

Thánh Phaolô tông đồ trở lại.
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất

Thánh Phaolô

Mc 16,15-18


nước thiên chúa đến gần
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (Mc 1,15-18)

Suy niệm: Sinh thời, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã ao ước được đi khắp năm châu để rao giảng Tin Mừng. Ngày 22/11/08, cộng đoàn Chúa Ba Ngôi, dòng Cát Minh tại Texas đã chấp thuận lời thỉnh nguyện của đại tá Ron Garan, trao cho ông một mẫu di vật của thánh nữ để ông này mang lên không gian trong chuyến làm việc sắp tới của ông trên tàu vũ trụ con thoi Discovery vào tháng 5 năm sau đó. Niềm ao ước của chị thánh nay có dịp thể hiện qua một dấu chỉ mang chiều kích vũ trụ. Chị thánh đã đồng cảm với mối ưu tư lớn lao của Chúa Giê-su: Gio-an Tẩy Giả vừa mới bị Hê-rô-đê bắt giam, Chúa vẫn mạnh dạn thực hiện sứ vụ công khai bằng việc rao giảng Tin Mừng. Sau đó, Ngài chọn gọi các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Mệnh lệnh cuối cùng của Ngài cũng là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Mời Bạn: Ga-li-lê của việc rao giảng Tin Mừng là chính trần thế này với tầm mức rộng nhất. Đó là những anh chị em đồng loại của chúng ta đang cần được đón nghe Lời Chúa. Đó là những lãnh vực văn hoá, xã hội, chính trị, v.v… đang cần được thấm nhuần những giá trị của Tin Mừng. Ga-li-lê còn mở rộng đến tất cả mọi vật trong vũ trụ này đang mong chờ được thành toàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. Rm 8,19-21). Còn bạn, đâu là ‘Ga-li-lê’ mà hôm nay Chúa sai bạn đến rao giảng Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Thăm và chia sẻ một cử chỉ bác ái với một gia đình lương dân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám từ bỏ lối sống ích kỷ, cầu an, hưởng thụ, để chia sẻ với Chúa sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.

t7 t2 TN


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ Bảy tuần 2 thường niên

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14

“Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.

Còn Chúa Ki-tô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Ki-tô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Xướng: Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta!

Xướng: Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 1, 1-4, 11-12. 19. 23-27

“Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường như thế?”

Khởi đầu sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, sau khi thắng quân A-ma-lếch, Ða-vít trở về, và tạm nghỉ hai ngày tại Si-cê-lê. Qua ngày thứ ba, có người từ trại quân của Sao-lê trở về, áo quần rách nát, đầu tóc đầy bụi bặm, anh đến trước mặt Ða-vít sấp mình kính lạy. Ða-vít hỏi anh: “Ngươi từ đâu tới?” Anh ta trả lời: “Tôi trốn từ trại quân Ít-ra-en về”. Ða-vít lại hỏi: “Có chuyện gì xảy ra đó, hãy kể lại cho ta nghe”. Anh ta nói: “Dân chúng chạy trốn khỏi chiến trường, nhiều người trong dân đã bị hạ sát, vua Sao-lê và thái tử Giô-na-than cũng tử trận”.

Ða-vít liền xé áo mình ra, các người hầu cận của ông cũng làm như thế. Tất cả đều than van khóc lóc và ăn chay cho tới chiều để chịu tang vua Sao-lê, thái tử Giô-na-than, dân Chúa và nhà Ít-ra-en, vì họ ngã gục dưới lưỡi gươm. (Và Ða-vít đã khóc rằng:)

“Các nhân tài Ít-ra-en đều bị giết trên núi. Cớ sao các anh hùng bị ngã gục như thế?

“Sao-lê và Giô-na-than đáng yêu đáng quý, khi sống cũng như khi chết, họ không hề lìa nhau. Họ lanh lẹ hơn chim phượng hoàng, và hùng dũng hơn loài sư tử. Hỡi thiếu nữ Ít-ra-en, hãy than khóc Sao-lê đi, người đã mặc cho các cô áo điều sặc sỡ, đã gắn lên y phục các cô những đồ nữ trang bằng vàng.

“Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường như thế?

“Giô-na-than đã bị giết trên đồi cao. Hỡi anh Giô-na-than, tôi thương tiếc anh. Tôi yêu mến anh, và tình bạn giữa đôi ta cao quý hơn tình yêu phụ nữ.

“Cớ sao mà các anh hùng lại ngã gục như thế? Cớ sao binh khí lại bị phá huỷ như thế?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2-3. 5-7

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt của Israel, xin hãy lắng tai! Chúa là Ðấng chăn dẫn Giu-se như thể bầy chiên. Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng, trước mặt con cháu Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-sê. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, Chúa còn thịnh nộ tới bao giờ, bởi vì dân Chúa đang dâng lời khẩn nguyện? Chúa nuôi chúng con bằng cơm bánh trộn giọt châu, và cho chúng con uống bằng nước mắt chảy tràn trề. Chúa biến chúng con thành miếng mồi cho lân bang tranh chấp, và quân thù phỉ báng chúng con.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 20-21

“Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy Chúa Giê-su cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. 

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

PHỤC VỤ QUÊN MÌNH
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Bài Tin mừng hôm nay thật ngắn, chỉ vỏn vẹn trong hai câu, nhưng lại cho chúng ta thấy một nhân cách vĩ đại của Chúa Giê-su, một con người vì tha nhân và của tha nhân.

Tin mừng cho biết: sau một ngày làm việc miệt mài, “trở về nhà đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. Với Đức Giê-su chẳng có gì quan trọng bằng các linh hồn. Ngài chăm sóc họ bằng tình yêu và sự thật đến mức quên cả việc chăm sóc bản thân. Điều này đã làm cho “thân nhân” Ngài hiểu lầm: Ngài “mất trí”. “Mất trí” ở đây không có nghĩa là điên khùng, mất khả năng về trí khôn; nhưng là một lối sống điên dại vì phục vụ, vì người khác đến mức quên đi bản thân. Đức Giê-su đã sống như thế, và không chỉ có thế, Ngài còn dấn thân đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá để chu toàn thánh ý Cha và mang lại sự sống đời đời cho nhân loại.

Các tha nhân Ngài không chấp nhận được lối sống của Ngài. Họ muốn trói buộc Ngài trong suy nghĩ của họ, nên họ đã tìm đến để bắt Ngài về. Họ không muốn Ngài phục vụ như thế, nhưng phải tìm cách làm vinh danh bản thân, vinh danh gia tộc.

Chúng ta đang sống những giờ phút cuối cùng của năm cũ âm lịch. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ. Năm qua chúng đã đã sống thế nào? Quả thật, chúng ta đã tất bật làm việc. Chúng ta đã sống điên cuồng, quên cả bản thân, quên cả gia đình, nhưng không phải vì tha nhân mà vì chính bản thân chúng ta, chỉ để tìm kiếm lợi lộc vật chất, địa vị xã hội chứ không phải phục vụ. Chúng ta đã “thả mồi bắt bóng”. Chúng ta nhân danh gia đình để lo làm giàu, lo thăng tiến gia đình; nhưng lại bỏ bê chính gia đình: vợ chồng thiếu thời gian quan tâm, lắng nghe nhau, con cái không được chăm sóc gần gũi, thấu hiểu, để rồi khi có tất cả tiền của giàu sang thì cũng là lúc gia đình mất nền tảng, để rồi như một đại gia kia trong một vụ tranh chấp ly hôn đã phải thốt lên “tiền nhiều để làm gì!”

Cũng giống người thân của Chúa Giê-su, chúng ta cũng muốn trói buộc Thiên Chúa trong quan niệm của con người. Thay vì tìm biết đâu là thánh ý Chúa, đâu là việc của Chúa, đâu là điều Chúa muốn chúng ta đón nhận. Chúng ta lại đòi Chúa phải thỏa mãn ý chúng ta. Khi không được như ý nguyện, người ta lại quay ra kêu trách Chúa hay nghi ngờ Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta có được thái độ của Chúa Giê-su dám quên mình phục vụ tha nhân, và nhất là xin Chúa hướng dẫn để chúng ta đừng vì giá trị trước mắt mà đánh mất những giá trị nền tảng và vĩnh cửu là gia đình và sự sống đời đời.

 

NGƯỜI ĐÃ BỊ MẤT TRÍ (Mc 3,20-21)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi đi rao giảng một thời gian, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà và giảng dạy tại nhà bà mẹ vợ ông Phê-rô ở Ca-phác-na-um, dân chúng lại đổ xô tới đông đúc, đến nỗi các ngài không có thời giờ ăn uống. Thấy vậy, các thân nhân của Chúa đến bắt giữ Ngài vì được tin người ta cho biết là Ngài đã mất trí. Thân nhân Ngài làm như vậy có ý cho các môn đệ của Ngài được rảnh rỗi nghỉ ngơi, đồng thời cũng để cho họ khỏi bị liên lụy về Ngài. Vì nếu dân chúng kéo theo Ngài đông đảo rùm beng như vậy thì sợ nhà chức trách sẽ làm khó dễ.

2. Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn gọn, nhưng cũng hé mở cho chúng ta biết Chúa nhiệt thành phục vụ đến mức nào. Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giê-su đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng. Ngài phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, Ngài hoạt động ở nơi hội đường, ở ngoài trời và ở đây ngay tại nhà. Điều đó chứng tỏ Ngài hiến thân trọn vẹn cho tác vụ, miệt mài với công việc bổn phận, không còn thì giờ nghĩ đến mình đến nỗi không có cả thời giờ dùng bữa.

3. Trong thời Tam Quốc, khi Lưu Bị khởi quân chống Tào Tháo, nhiều tướng lãnh oai hùng và nhiều hiền nhân lỗi lạc đã đến giúp đỡ ông, vì tin rằng ông chính là minh chủ, sẽ thống nhất sơn hà.       

Thánh Mác-cô hôm nay kể rằng có nhiều người kéo đến với Đức Giê-su, đông đến nỗi Người không có thời gian để dùng bữa, vì họ tin rằng Người là Đấng uy quyền và bởi Thiên Chúa mà đến. Họ nghe Người giảng và đi theo Người. Chính đức tin đã thúc đẩy họ hành động, thúc đẩy họ tìm đến và bước theo Đức Giê-su.

4. Ngài không phải là con người dễ hiểu, ngay các Tông đồ đã ở với Ngài gần ba năm trời, khi Chúa hỏi các ông cho Ngài là ai, thì các ông cũng chỉ biết lơ mơ như dân chúng hiểu thôi. Còn đối với quần chúng thì cũng có người, nhất là các biệt phái và luật sĩ còn cho Ngài là bị quỉ ám. Còn hôm nay thì người ta cho là Ngài bị mất trí.

Người ta kể rằng, ngày nay ở bên Mỹ tại nhà quốc hội có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hàng năm có cả ngàn người viết thư đến hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất, đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất”?

Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau

Có 1735 cuốn viết về Napoléon.

Có 1755 cuốn viết về George Washington,

Có 2319 cuốn viết về Abraham Lincoln,

Có 3175 cuốn viết về William Shakespeare,

Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giê-su Ki-tô.

5. “Phải chăng  Đức Giê-su là người mất trí, một kẻ điên” ?

- Bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu lột tả hết sự thật của tình yêu đôi lứa là: “Em chỉ là người điên trong vòng tay tình ái”. Thật vậy, khi yêu nhau, người ta như một “kẻ điên” theo sự rung cảm của con tim hơn là lý trí; người ta biết đau khổ và rắc rối do chính sự lựa chọn đem lại, nhưng vẫn lao vào, thậm chí biết rằng có thể mất tất cả từ danh dự đến sự nghiệp, thậm chí mất cả mạng sống… chỉ vì yêu.

Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như NGƯỜI ĐIÊN.

Nhưng cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phao-lô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giê-su ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin chăng? Quả thật, Ngài đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người. Để rồi từ đó, rất nhiều tâm hồn bước theo Chúa Giê-su và “điên vì Chúa”…

6. Truyện: Phải biết đúng sự thật khi nói.

Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrate, một triết gia Hy lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:

– Này ông Socrate, ông đã nghe chuyện này chưa?

Socrate vội ngắt lời:

– Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?

Ông hàng xóm ấp úng:

– À, cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể thôi.

Socrate mỉm cười bảo:

– Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt không?

Ông hàng xóm thật sự lúng túng:

– Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.

Socrate vỗ vai ông ta hỏi thêm:

– Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.

Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:

– Ờ… Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được cho ai!

Socrate kết luận:

– Thế này nhé, chúng ta hãy quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện  đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô tông đồ trở lại

Ca nhập lễ

Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào, và tôi chắc chắn rằng: vị thẩm phán công minh là Đấng quyền năng, sẽ gìn giữ kho tàng của tôi cho đến ngày đó.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phao-lô tông đồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Ki-tô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cv 9, 1-22

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con, như xưa Người vẫn soi sáng Thánh Phao-Lô Tông Ðồ, để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

 Lời tiền tụng tông đồ

Ca hiệp lễ

Tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa thánh Phao-lô tông đồ đã nhờ lửa yêu mến đó mà xả thân lo lắng cho tất cả các giáo đoàn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Nói đến thánh Phao-lô là nói đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một chàng có tên gọi là Sao-lô, ở Tac-xô, là người Do-thái, trí thức, có thể nói ông là người đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do-thái – Hy-lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem, nhiệt thành đến nỗi, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và rong ruổi mọi đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.

Nói đến Phao-lô là nói đến sự cải đạo của ông

Đối với Phao-lô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phao-lô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại.

Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Ki-tô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Sao-lô. Thần Khí của Đấng Phục sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Sao-lô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các Ki-tô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Sao-lô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết. 

Chúa Ki-tô Phục sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Sao-lô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phao-lô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Ki-tô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Phao-lô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Sao-lô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm tử nạn Phục sinh của Chúa Giê-su. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các dân ngoại. 

Rõ ràng là Ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Sao-lô bằng tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Kha-na-ni-a, và Phao-lô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Sao-lô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đa-mát, biến Sao-lô thành chứng nhân vĩ đại là Phao-lô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Từ đây cuộc đời của Phao-lô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Ki-tô.

Ý Trời hay ý muốn của Chúa Giê-su, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giê-su, tất cả đều thay đổi.

Chúa Ki-tô Phục sinh đã đổi mới tư tưởng và trái tim của Phao-lô. Không biết Đức Giê-su tại thế, Phao-lô đã ghét cay ghét đắng và sát hại không thương tiếc các môn đệ của Người. Giờ đây trái tim của Phao-lô được Chúa Giê-su chiếm lĩnh như chiếm đoạt trái tim của người yêu (Pl 3, 12). Và Phao-lô trở nên như một “người tình” của Chúa Giê-su, đến nỗi Phao-lô phải thú nhận: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). 

Đúng như Phao-lô viết: “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phao-lô đều phát xuất từ mối tình đó: Tình yêu của Chúa Ki-tô là “chủ thể yêu thương Phao-lô”, Tình yêu Chúa Ki-tô là “đối tượng mà Phao-lô yêu mến”. Tâm trí của Phao-lô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Ki-tô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người. Phao-lô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin Mừng tình yêu” mà người rao giảng. 

Phao-lô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Ki-tô. Biết mình đã tin vào ai, Phao-lô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18; 2 Cr11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Ki-tô. Phao-lô không ngại hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.

Nói đến Phao-lô là nói đến vị tông đồ của mọi thời đại

Phao-lô đã trở thành vị “Tông đồ của mọi thời đại”. Là Dothái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp, là người tự do, nhưng trở thành nô lệ của mọi người để phục vụ mọi người (1 Cr 9, 19 – 21), Phao-lô cũng có thể là Việt Nam với người Việt Nam, là Thái với người Thái, Phi với người Phi, Hàn Quốc với người Hàn Quốc. 

Không những là “con người của tình yêu”, Phao-lô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phao-lô, chân lý là “Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô”  “Chân lý về một Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, trở thành nơi hội tụ của toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới thụ tạo của Thiên Chúa.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 57 ngày cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Ki-tô hữu, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta tuân hành giới luật yêu thương, hầu chúng ta có thể gặt hái được nhiều hoa trái. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để nguyện vọng của Chúa Giê-su được hoàn thành, tất cả chúng nên một: tình hiệp nhất luôn luôn cao trọng hơn những xung đột. Amen.
 

Cú ngã ngựa lịch sử – Lễ Thánh Phao lô Tông đồ trở lại
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức,thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống buôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta ” (Rm 8,35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hylạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

– Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

– Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”

– Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

– Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

– Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, tổng GP sài gòn, tháng 01.2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô… (Pl 3,7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do-thái hay Hy-lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3,27-28). Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2 Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai… (2 Tim 1,8-12).Vì đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy “chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4,8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).

3. Những cú “ngã ngựa” trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 4,6-8; Rm 8,18-19.32.33.38.39)

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.


CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
(THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI 25/01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô Tông Đồ mà dạy dỗ muôn dân. Hôm nay, mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Đức Kitô, xin Chúa cho chúng ta hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa,trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng Phục Sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một. Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

Tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân Tin Mừng, khi nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Galát cho thấy: Phaolô, một người Dothái, trở thành Tông Đồ Đức Kitô. Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người, vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Có chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, vì tôi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Đức Kitô.

Tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân Tin Mừng, chấp nhận mất hết để được Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Vì lòng yêu mến Đức Kitô, thánh Phaolô chịu đựng tất cả… Tôi đã được Chúa xót thương, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.

Tiến đến gần Chúa, và trở nên chứng nhân Tin Mừng, thực thi sứ mạng khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: ông Khanania nói với ông Phaolô: Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa, thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Đức Giêsu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 116, vịnh gia cho thấy: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng. Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng. Chúa đã chọn thánh Phaolô từ giữa thế gian, để người ra đi và sinh hoa trái, người đã thi hành lệnh truyền đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng. Bất cứ ở đâu khi bị đánh đòn, bị lăng nhục, người luôn xử sự như kẻ mừng chiến thắng khải hoàn, và hãnh diện, tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng chiến thắng khải hoàn nơi chúng ta. Người mau mắn đến với những nhục nhằn tủi hổ vì rao giảng Tin Mừng, còn hơn là, chúng ta mau mắn đến lãnh nhận danh dự vinh quang; người ước mong được chết, hơn là, chúng ta ham sống, thích khó nghèo, hơn là, được giàu có; người chỉ khiếp sợ và xa tránh một điều, là làm mất lòng Thiên Chúa, chứ chẳng sợ bất cứ điều gì khác. Người chẳng ao ước điều gì hơn là luôn luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đối với người, điều lớn hơn tất cả là được hưởng tình yêu của Đức Kitô; được như thế, người cho mình là hạnh phúc hơn hết mọi người. Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô Tông Đồ mà dạy dỗ muôn dân, ước gì chúng ta hằng noi gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa,trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Ước gì được như thế!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây