TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 28/08/2024 14:13 |   261
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,16-30)

02/09/2024
thứ hai tuần 22 THƯỜNG NIÊN

t2 t22 TNb

Lc 4,16-30


tán thành và thán phục
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,16-30)

Suy niệm: Dân làng Na-da-rét “tán thành và thán phục” những lời Đức Giê-su giảng dạy. Nhưng đàng sau sự thán phục đó là thái độ hỗn độn của thành kiến pha lẫn ghen tức và vụ lợi. Dưới mắt họ, Đức Giê-su chỉ là một người bình thường, con bác thợ mộc Giu-se và bà Ma-ri-a những người cũng có cuộc sống bình dị như họ, thế mà sao giờ đây ‘ông ấy’ giảng hay như thế, và làm những phép lạ kỳ diệu như thế! Họ ‘khen’ Chúa như vậy chẳng qua là vì mong Ngài cũng sẽ làm cho họ những phép lạ như Ngài đã làm ở Ca-phác-na-um. Nhưng khi Đức Giê-su vạch trần ý đồ vụ lợi đó, lập tức họ đã ‘trở mặt’ thành phẫn nộ đến mức họ lôi Ngài lên núi để xô xuống vực.

Mời Bạn: Khi bạn có thành kiến với ai đó, bạn ‘nhốt’ họ trong bốn bức tường cứng nhắc là những quan điểm của bạn thay vì cảm nhận được con người và giá trị của họ. Dưới mắt bạn, họ là như vậy, mãi mãi không thể thay đổi. Thế mà, cuộc sống luôn biến đổi, phát triển không ngừng, trong khi đó, con người là một ‘mầu nhiệm’ mà bạn không thể thấu hiểu. Tất cả những điều đó đòi hỏi bạn phải phá đổ mọi bức tường thành kiến để nhận biết và thán phục những giá trị luôn luôn mới nơi cuộc sống và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn khám phá một giá trị tốt nơi người khác, nhất là nơi người mà, tự nhiên, bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “trên thập giá, Chúa đã phá đổ mọi bức tường ngăn cách” (x. Ep 2,14-16), xin giúp con phá đổ bức tường thành kiến ở nơi con.

Ngày 2: Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết rằng: Muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau. Khi móng tay dài chúng con cắt móng, chứ không cắt ngón, cũng tương tự, khi có chuyện hiểu lầm, xin cho chúng con biết cắt bớt cái tôi, chứ đừng cắt đứt mối quan hệ. Chẳng ai sinh ra mà đã hợp nhau, một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng, một chút nhẫn nại… và có cả một chút hy sinh vì nhau, thì tình yêu của chúng con mới bền vững. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 4, 13-17

“Nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một với Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.

Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Ðức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 11-12. 13

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả úy hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.

Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 2, 1-5

“Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 97. 99. 100. 101. 102

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao (c. 97a).

Xướng: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao, suốt ngày con mải suy gẫm về luật đó.

Xướng: Chỉ thị Chúa khiến con thành khôn ngoan hơn quân thù, vì muôn đời chỉ thị đó vẫn theo con.

Xướng: Con khôn ngoan hơn những bậc tôn sư, nhờ suy gẫm về những lời nghiêm huấn của Ngài.

Xướng: Con am hiểu hơn những bậc lão thành, vì huấn lệnh của Ngài con tuân giữ.

Xướng: Con kìm hãm chân con xa mọi đường gian ác, để con giữ trọn lời dạy của Ngài.

Xướng: Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài đã dạy bảo con.

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. – Alleluia.)

Phúc Âm: Lc 4, 16-30

“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình”; “điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông”. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐẤNG ĐƯỢC XỨC DẦU LÀ VỊ THẦY THUỐC CAO TAY (Lc 4, 16-30)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ngày Sa-bát Chúa vào hội đường mở sách ngôn sứ I-sai-a và đọc: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hôn sám hối… trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4, 14-18). Mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng. Chúa Giê-su tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21).

Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giê-su một cách rất tự nhiên. Khi áp dụng những lời sấm của tiên tri I-sai-a vào bản thân mình, dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe: “Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người” (Lc 4, 20). Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.

Nhưng điều này đã khơi dậy sự bất bình của dân làng Na-da-rét: một đàng, “mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra” (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương lại nói: “Người này không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Na-da-rét có thể có khát vọng gì đây?

Sự biết của họ gợi nhớ câu ngạn ngữ: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình! Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Ca-phác-na-um, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông” (Lc 4, 23). Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sê đã làm cho những người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Ít-ra-en có nhiều kẻ tin mạnh hơn. Tới đây thì: “Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 28-30).

Người rẽ qua giữa họ mà đi”, nghĩa là Chúa Giê-su là một thầy thuốc cao tay đã đến giữa chúng ta. Người vẫn rẽ ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta để làm cho chúng ta được khỏe mạnh. Người đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta bằng liều thuốc khiêm nhường.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con người thời nay nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế.

 

CHÚA GIÊ-SU VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG (Lc 4,16-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su về thăm quê hương với tình cảm thân thiện, chân thành; Người vào hội đường chia sẻ Kinh Thánh với anh em đồng hương của Người. Qua đoạn sách tiên tri I-sai-a, Ngài thẳng thắn tuyên bố: lời sấm này đã ứng nghiệm nơi Người. Dân thành Na-da-rét rất thán phục ân sủng và sự khôn ngoan của Đức Giê-su với lời tuyên bố kia. Nhưng thực tế họ khó chấp nhận vì thân thế Người quá bình thường, hơn nữa khó do điều khiển được Người làm những điều họ mong muốn, họ đầy căm phẫn và định thủ tiêu Người.

2. Người đời vẫn nói: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương” hoặc “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.  Khi nói những điều đó là người ta muốn chứng minh rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương của mình, yêu nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương.

Còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giê-su đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài, tại quê hương Na-da-rét của Ngài (Phạm Văn Phượng).

3. Sau hơn một năm đi giảng dạy nhiều nơi, làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài đã vang đi khắp nơi và về tới cả quê hương mình, Chúa Giê-su trở về thăm quê hương là Na-da-rét. Theo thói quen Ngài vào hội đường cầu nguyện và nghe Sách Thánh. Ngài được mời đọc Sách Thánh và mở đúng đoạn sách tiên tri I-sai-a  nói về vai trò  và sứ mạng của người Tôi tớ Thiên Chúa… Ngài gấp sách lại và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Theo câu nói đó, Chúa Giê-su muốn tự giới thiệu mình một cách xa xa: Ngài là ai, là người được Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi. Ngài hơn cả tiên tri Ê-li-a và Ê-li-sê. Nghe Chúa nói vậy dân làng Na-da-rét hết sức tức giận, kéo Ngài ra khỏi hội đường, đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi, nhưng giờ Ngài chưa tới, nên họ không làm gì được Ngài.

4.  Tuy tỏ ra tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su, nhưng người Na-da-rét chỉ nhìn thấy một phương diện của Đức Giê-su là con ông Giu-se, họ không thể nhận ra nơi Người, vị tiên tri cuối cùng mà Is 61 đã ám chỉ, tức là họ không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, bởi lẽ họ đã có thành kiến với Ngài. Thánh Lu-ca đã mô tả thái độ thành kiến của dân chúng bằng những lời lẽ như sau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao”.  Câu hỏi đó chứng tỏ bắt đầu họ hoài nghi về Chúa Giê-su. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng: Tưởng ai chứ ông đó thì chúng ta quá biết rồi, vì ông ấy ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giu-se hàng xóm, chứ ai đâu mà lạ.

Hiểu rõ tâm trạng mù tối của dân nơi quê hương, Đức Giê-su đã diễn tả tâm tình ấy bằng kiểu nói vấn nạn: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình… Đòi hỏi này sẽ được lặp lại ở chân thánh giá rằng: “Nếu ông là Đấng Mê-si-a thì hãy tự cứu mình đi”. Đáp lại yêu sách này, Đức Giê-su trả lời bằng một câu tục ngữ: “Không một tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình”. Ý tưởng này cũng đồng nghĩa: Bụt nhà không thiêng”.

5. Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giê-su đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối vơi họ thì gà thì đẻ ra gà chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giê-su mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).

6. Truyện: Tránh thành kiến với người khác

Một hôm cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh tỏ vẻ khinh và nói: “Dở lắm”.

Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bĩu môi nói: “Thơ mày là thơ thẩn”.

Tagore mới nghĩ ra kế sách. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích trong cuốn thơ cổ. Cậu ta lại quên đề tên của cuốn thơ cổ đó. Nhưng lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt! Tuyệt”! Rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học: “Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này”.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên mặt báo của ông… Bấy giờ ông anh cũng như thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia để đối chiếu chứng minh và cũng dễ bề ghi xuất xứ khi đăng báo.

Đến đây cậu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cách dàn cảnh bịa đặt của cậu Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với ánh mắt thán phục và hối hận cho thái độ thành kiến của mình.

ĐEM TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO KHÓ
(THỨ HAI TUẦN 22 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 22 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin Chúa cho chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để biết sám hối quay về với Chúa, chứ không cứng lòng, bách hại những người Chúa sai đến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Cái bình bị đập vỡ. Sau khi nói lời sấm đầy đe doạ, Giêrêmia bị khủng bố tàn nhẫn. Đến lúc Giêrusalem bị vây hãm, bao chuyện khủng khiếp xảy ra, dân cư phải lưu đày, người ta mới khám phá ra là Giêrêmia có lý, và mới chịu ăn năn trở lại. Ông Pátkhua cho đánh đòn ngôn sứ Giêrêmia và cho cùm ông tại cửa Bengiamin… Giêrusalem, ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ngươi cứng đầu cứng cổ, không chịu nghe lời Ta. Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà ngươi không chịu?

Thêm lòng tin yêu Chúa, để luôn kiên trì trung tín với đường lối của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, sách Gương Chúa Giêsu nói: Điều Ta hứa, Ta sẽ ban, điều Ta phán, Ta sẽ hoàn thành, miễn là người ta trung tín trong tình yêu của Ta cho đến cùng… Con ơi, hãy hết lòng tin tưởng vào thầy, và hãy để mắt noi gương thầy, khôn ngoan của thầy, con hãy chú tâm học hỏi, hiểu biết của thầy, con hãy lắng tai nghe, vì những lời thầy dạy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu.

Thêm lòng tin yêu Chúa, để đón nhận sự khôn ngoan của thập giá, điều mà thế gian cho là ngu dại và điên rồ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia đã cho thấy: Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại! Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thủ, vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình... Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Tất cả chúng ta đều là những con người nghèo hèn trước Chúa, tất cả chúng ta đều cần được nghe Tin Mừng của Chúa. Tuy nhiên, có không ít người không chấp nhận, không chịu nhận mình là người nghèo khó, cho nên, họ đã khước từ và bách hại những người mà Chúa sai đến. Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình, dường như, đã trở thành một quy luật chung trong cách ứng xử hằng ngày của con người. Trong tư cách là người đón nhận Tin Mừng, chúng ta hãy sám hối quay trở về đón nhận Tin Mừng của Chúa, và đón tiếp những người Chúa sai đến; trong tư cách là những  người được giao sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Chúa, chúng ta hãy can đảm đối mặt với những chống đối, bách hại, loại trừ. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, ước gì chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển,được Chúa chăm nom giữ gìn. Ước gì được như thế!

LUÔN LÀ “HÔM NAY”
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe!”.

“Lời tiên tri của Isaia có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng Chúa Giêsu - “trong quyền năng của Thánh Thần” - làm cho nó ‘liên quan’ và trên hết, đưa nó đến sự ‘ứng nghiệm’; đồng thời, chỉ ra ‘cách thức’ chúng ta đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa luôn là “hôm nay!”. Lời tiên tri này nói với trái tim bạn hôm nay!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lấy lại lời Isaia, những lời vượt ra ngoài thời điểm lịch sử cụ thể khi chúng được nói ra. Chúa Thánh Thần chiếm ngự trọn vẹn trong Ngài; Chúa Thánh Thần sai Ngài đến với những kẻ tin. Và “Lời tiên tri này nói với trái tim bạn hôm nay”; bởi lẽ, Lời Chúa luôn là “hôm nay!”.

Người đồng hương của Chúa Giêsu ấn tượng bởi lời Ngài. Và mặc dù bị che khuất bởi những định kiến, họ không tin, nhưng họ vẫn nhận ra lời Ngài dạy khác với những vị thầy khác. Họ cảm thấy Ngài còn nhiều điều hơn thế. Điều gì ở đây? Đó là sự xức dầu của Thánh Thần! Đôi khi, bài giảng và lời dạy của chúng ta vẫn chung chung, trừu tượng; chúng không chạm đến tâm hồn và cuộc sống của ai. Tại sao? Vì chúng thiếu sức mạnh của điều này: “hôm nay”. Những gì Chúa Giêsu “công bố” trong quyền năng của Thánh Thần, chính là ngày hôm nay. Ngài đang nói với chúng ta “hôm nay”. Phaolô đã xác tín, “Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa!” - bài đọc một.

Ngoài ra, những lời trong Phúc Âm là những lời ban sự sống ‘vĩnh cửu và hiện tại’. Chúng là ‘vĩnh cửu’ vì Đấng Hằng Hữu đã phán, là ‘hiện tại’ vì Chúa Giêsu làm cho chúng được ứng nghiệm vĩnh viễn. Lắng nghe Lời, bạn tiếp nhận “không phải như lời người phàm, nhưng như lời của Thiên Chúa, và đích thực là thế, lời đó có sức biến đổi linh hồn”. Chúa không nói ‘với tai’ mà ‘với tim!’. Bất cứ điều gì Ngài nói đều sâu sắc, đầy ý nghĩa và tình yêu. Lời Chúa là nguồn sống vô tận, “Ai có thể thấu hiểu dù chỉ một lời Chúa phán? Như người khát uống từ một nguồn nước, bạn để lại nhiều hơn những gì có thể nắm bắt” - thánh Ephraem. Lời Chúa xuất phát từ trái tim Thiên Chúa; và, từ trái tim này, từ lòng Ba Ngôi, Con Thiên Chúa - Ngôi Lời của Cha - đã đến với nhân loại.

Kính thưa Anh Chị em,

Đó là lý do tại sao mỗi ngày, lắng nghe Lời Chúa, chúng ta phải có thể thưa lên cùng Đức Trinh Nữ Maria: “Xin hãy thực hiện nơi tôi theo lời Người!” và Chúa sẽ trả lời: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai con vừa nghe!”. Tuy nhiên, để Lời Chúa có hiệu quả, bạn và tôi phải loại bỏ mọi định kiến. Người đương thời với Chúa Giêsu không hiểu điều đó, họ chỉ nhìn Ngài bằng con mắt phàm tục, “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Họ có thể thấy nhân tính của Chúa Giêsu, nhưng không thể đánh giá được thần tính của Ngài. Bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe Lời Chúa, ngoài phong cách văn chương, vẻ đẹp của cách diễn đạt hay tính đặc thù của hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ rằng, chính ‘Chúa đang nói với tôi!’. Vì Lời Chúa luôn là “hôm nay!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cám ơn Chúa chỉ cho con một sự thật. Sở dĩ, cuộc sống con cứ ‘ì à ì ạch’, vì lẽ Lời Chúa chưa ‘đọng mấy hột’ trên con. Con quên mất, Lời Chúa luôn là “hôm nay!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây