TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 09/06/2024 14:43 |   445
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-15)

20/06/2024
thứ năm tuần 11 THƯỜNG NIÊN

t5 t11 TN

Mt 6,7-15


người ki-tô hữu cầu nguyện
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-15)


Suy niệm: Có thể nói rằng niềm tin vào “Ông Trời” là tín ngưỡng bình dân của người Việt Nam. Những câu ca dao như: “lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..” cho thấy việc tưởng nhớ, thở than với “Ông Trời” không phải là thái độ xa lạ với tâm hồn người Việt nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu rất khác biệt với việc “cầu Trời” trên đây. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Chúa như người con thân thưa với Cha. Trước hết, với tấm lòng tin tưởng và yêu mến Cha, chúng ta xin những gì tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất theo ý Cha, và sau đó, chúng ta xin cho cuộc sống của chúng ta cũng được am hợp theo điều Cha mong muốn.

Mời Bạn: Như vậy, chúng ta thấy rõ: cần phải học để biết cầu nguyện theo cách thức Chúa dạy; làm sao để mỗi người có thể nói: lời kinh của Chúa là lời nguyện của tôi. Cha mẹ và các giáo lý viên cần quan tâm dạy cho trẻ em biết và yêu mến việc cầu nguyện. Muốn thế, chính họ phải là những người siêng năng cầu nguyện với lòng xác tín nơi hiệu quả của lời cầu xin.

Chia sẻ: ‘Đọc kinh’ là một trong những cách cầu nguyện chung rất phổ biến. Thử xét lại cung cách đọc kinh của chúng ta: Có điểm nào chúng ta cần chỉnh đốn để việc đọc kinh’ trở thành một giờ cầu nguyện ấm cúng, tràn đầy tình Chúa tình người?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi quyết tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình. Cần có những thích nghi cần thiết (ví dụ: thay đổi kinh hay giờ đọc kinh) để giờ kinh được sốt sắng, sống động.

Cầu nguyện: Hát Kinh Lạy Cha.

Ngày 20: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Nếu chúng con lấy “sự thật” ra khỏi “tình yêu”, thì “sự thật” không còn là sự thật trước mặt Thiên Chúa, vì “sự” mà chúng con cho là “thật” ấy đã thuộc về Satan, là cha đẻ của mọi gian dối, bạo lực, và hủy diệt. Nơi Chúa, thập giá đã trở thành dấu chứng của Tình Yêu. Tình yêu tuyệt đối của Chúa dường như bất lực, không nỡ hủy hoại người mình yêu, dù họ vô ơn, bạc nghĩa. Đó chính là sự thật. Xin cho chúng con đừng nhân danh sự thật để đóng đinh những người xung quanh. Xin giúp chúng con đóng đinh xác thịt mình vào Thánh Giá Chúa, để những người quanh chúng con được bình an hạnh phúc. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 11 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 11, 1-11

Tôi đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phải chi anh em chịu đựng một phần nào sự ngu dại của tôi, chắc là anh em đành chịu đựng: vì tôi yêu mến anh em như Chúa có lòng yêu mến. Tôi đã đính hôn anh em cho một người, như dâng một trinh nữ trong trắng cho Ðức Kitô. Nhưng tôi lại sợ rằng như con rắn đã dùng mưu chước mà cám dỗ bà Evà thế nào thì lòng anh em cũng ra hư đốn, không còn chân thành đối với Ðức Kitô như vậy. Vì nếu có ai đến rao giảng một Ðấng Kitô nào khác mà chúng tôi không hề rao giảng, hay anh em nhận lãnh một Thánh Thần nào khác hoặc một Phúc Âm nào khác không phải như anh em đã nghe, thì chắc là anh em chịu theo ngay. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm việc không thua kém gì các vị tông đồ cả kia đâu. Bởi vì dầu tôi có ăn nói không thanh lịch, nhưng về sự thông biết thì không phải thế đâu, vì trong mọi mặt, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy rõ rồi.

Hay là tôi đã phạm tội gì khi hạ mình không để anh em được nhắc lên? Hoặc vì đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa. Tôi đã bóc lột các giáo đoàn khác, khi lãnh trợ cấp nơi họ, để phục vụ anh em. Khi tôi ở giữa anh em, mà phải lâm cảnh túng thiếu, tôi đã không làm phiền lòng ai: vì tôi có thiếu thốn điều gì, thì các anh em ở Macêđônia đến giúp đỡ cho. Trong mọi sự, tôi đã giữ mình không làm phiền lòng ai, sau này, tôi vẫn giữ mình như thế. Ðã có sự thật của Ðức Kitô trong tôi, nên tôi không để ai giựt khỏi tôi được sự tôi khoe như thế trong khắp miền Akaia. Vì sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Ðã có Thiên Chúa biết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!

Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Ngài muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi.

Xướng: Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho tới muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chánh.

Bài Ðọc I: (Năm II) Hc 48, 1-15 (Gr 1-14)

“Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người”.

Trích sách Huấn Ca.

Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 3-4. 5-6. 7

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Một làn lửa đi trước thiên nhan, để đốt những quân đối nghịch chung quanh Chúa. Chớp của Người sáng rực cõi trần, địa cầu xem thấy và run rẩy sợ hãi.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Hãy hổ ngươi tất cả những ai phụng thờ hình ảnh, những ai khoe khoang về thần tượng, bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.

Alleluia: Tv 144, 13bc

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 6, 7-15

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã trao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THIÊN CHÚA LÀ CHA CHÚNG CON (Mt 6,7-15)
Lm. Gioan Trần Văn Viện

“Lạy Cha chúng con” là những lời đầu tiên trong kinh nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy các tông đồ và cho cả chính chúng ta, là những người muốn bước đi theo Ngài.

“Lạy Cha” là lời thân thưa của một người con đối với người cha. Với hai từ “lạy Cha”, tương quan giữa con người với Thiên Chúa trở nên gần gũi, thân tình, giống như tình cảm giữa cha và con. Với hai từ “lạy Cha”, căn tính của người Ki-tô hữu được thể hiện cách rõ nét: là con cái của Thiên Chúa. Đây là một phẩm giá cao quý mà chúng ta được lãnh nhận nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, đã xuống thế làm người.

Thiên Chúa không chỉ là “Cha” của tôi, của bạn hay của riêng bất kỳ một ai, nhưng Ngài là Cha của tất cả mọi người: “Lạy Cha chúng con”. Như thế, tất cả chúng ta đều có một người Cha chung và chúng ta là anh em với nhau.

“Lạy Cha chúng con”, những lời thân thương này đã mở ra cho chúng ta một sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Trong cuộc sống, chúng ta đã đọc nhiều lần lời kinh Lạy Cha nhưng điều quan trọng chúng ta có một cảm nghiệm như thế nào mỗi khi lặp lại lời nguyện đó? Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Đấng tạo thành trời đất vạn vật, là Cha chúng ta, thì có lẽ chúng ta dễ dàng tin tưởng, phó thác mọi sự cho Ngài. Nếu chúng ta là anh em con một Cha, thì những sự bất hòa, ghen ghét… trong cuộc sống đời thường cũng sẽ được giảm bớt và thay vào đó là sự tha thứ và tình yêu thương.

Trong mỗi Thánh lễ chúng ta cử hành, chúng ta được liên kết với Chúa Giê-su và bước vào trong mối thân tình với Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ Bí tích Thánh Thể. Và qua cử chỉ cùng chia sẻ chung một tấm bánh, chúng ta được kết hiệp mật thiết với nhau như những chi thể trong cùng một Thân Thể mầu nhiệm. Thật là quan trọng và ý nghĩa trước khi chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta đều cùng nhau thưa lên “Lạy Cha chúng con” trong lời kinh nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và trong Ngài chúng ta được kêu lên rằng: “Abba! Cha ơi” (x.Rm 8,15), khơi mở tâm hồn và ban ơn trợ giúp cho chúng ta. Amen.

 

PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO (Mt 6,7-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người biết rõ chúng ta cần gì và điều gì tốt hơn cho chúng ta. Vì thế, khi cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời. Chúa muốn lắng nghe những lời tâm tình đơn sơ chân thành của chúng ta, những quan tâm của ta đối với cuộc sống, với anh em… chứ không phải là  những nhu cầu cá nhân, ích kỷ. Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su dạy chúng ta cách cầu nguyện đẹp ý Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta phải đặt mình trong tương quan Cha – con với Thiên Chúa: Cha muốn gì, con xin vâng theo.

2. Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giê-su và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giê-su căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giê-su dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta khẩn xin (Mỗi ngày một tin vui).

3. Chúa Giê-su không muốn cho các môn đệ nói nhiều lời với Thiên Chúa. Cầu nguyện không phải là nói nhiều lời như con két. Nhưng trước hết, phải là hành động của con tim, của lòng yêu mến đối với Thiên Chúa Cha, là trao đổi tâm tình với Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thánh Au-gút-ti-nô đã khuyên các tín hữu như sau: Tất cả những gì chúng ta muốn cầu nguyện đều có sẵn trong kinh Lạy Cha. Và những gì không có trong kinh này, thì chúng ta không nên cầu xin”.

4. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

Các nhà tu đức học thường coi cầu nguyện là câu chuyện thân mật  giữa ta và Chúa với tâm tình con thảo. Vì thế, cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Đã nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại. Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiểu việc cầu nguyện với Chúa như thế nào.

Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì? Sau đây là một số câu trả lời:

Thành Ignatiô Loyola nói: “Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa, xin Ngài an ủi và khuyên bảo”.

* Còn thánh Phaxicô Xaviê trả lời: Có khi tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa”.

*Vua Louis IX của nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh:
– Tại sao bệ hạ thích dự Thánh Lễ hơn là nghe giảng?
– Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.
* Khi thánh Phanxicô khó khăn trình lên Đức Thánh Cha Hônôriô II bản qui luật của Dòng để xin Ngài phê chuẩn thì Đức Thánh Cha có hỏi thánh nhân:
– Có bao giờ con thấy Chúa chưa?
Phanxicô:
– Dạ thưa có. Con vừa thấy đêm hôm qua.
Đức Thánh cha:
– Người có nói gì với con không?
Phanxicô:
– Người và con ở bên nhau suốt đêm mà không nói được gì. Tuy nhiên mỗi lần con nói “Abba” với Người thì Người lại trả lời với con: “Con Ta”. Cứ thế… chẳng có gì hơn cho tới sáng.

5. Truyện: Thế nào là cầu nguyện không ngừng.

Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau:

Một người kia học Thánh Kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế, ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy ông. Vị tu sĩ mời khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.

Một ngày kia vị tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông vừa làm như thói quen vị tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa”, khi thở ra, ông đọc tiếp “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã thành hơi thở của ông: dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng… Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu: Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng (Chờ đợi Chúa).

ĐỂ CHÚA CAI TRỊ TRÍ LÒNG TA
(THỨ NĂM TUẦN 11 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 11 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin Chúa nghe lời chúng ta cầu khẩn: loài người chúng ta thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ. Xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta tuân giữ huấn lệnh Chúa truyền, mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, quả thật, chính Chúa mới là Đấng cai trị Dân của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Thủ Lãnh cho thấy: Ít lâu nữa, Thiên Chúa quan phòng sẽ dùng thể chế quân chủ để làm cho nước Ítraen được hợp nhất, đồng thời để củng cố đức tin. Hiện tại, đối với các bậc khôn ngoan, đây là một thể chế vô tích sự, chỉ làm cho dân sinh kiêu hãnh. Sau này, các ngôn sứ sẽ xem các vua như những người có trách nhiệm lớn nhất đối với tình trạng ù lì về đời sống tôn giáo cũng như luân lý. Chính tôi sẽ không cai trị, mà con tôi cũng không cai trị anh em, nhưng, Đức Chúa sẽ cai trị anh em. Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, quả thật, Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con cái của Người, vì thế, chúng ta hãy chạy đến tìm nương ẩn nơi Người như con thơ đến cầu xin Cha hiền, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Síprianô nói: Xin ban lương thực rồi, chúng ta cũng xin ơn tha tội nữa. Nghe lời Chúa khuyên dạy mà nhớ mình là kẻ tội lỗi, điều đó cần thiết biết bao, hợp lẽ khôn ngoan và ích lợi dường nào! Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, quả thật, Chúa là Vua hiển trị, luôn gìn giữ bảo vệ các ngôn sứ và Dân của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca nói: Khi ông Êlia được ẩn trong cơn lốc, thì ông Êlisa được đầy thần khí của người. Suốt đời ông Êlisa, không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc, cũng chẳng ai khuất phục được ông. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 96, vịnh gia cũng kêu gọi: Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng. Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Mây u ám bao phủ quanh Người, bệ ngai rồng là chính trực công minh.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: Ápba! Cha ơi! Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo. Với lời kinh này, chúng ta không những cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều chúng ta đáng ao ước nữa. Vì vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta nữa. Ước gì chúng ta biết dùng Kinh Lạy Cha để chúc tụng thờ lạy Chúa Cha, bởi vì, Người đã cho chúng ta được tái sinh vào sự sống của Người, khi nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một của Người. Ước gì, khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, và những bất đồng chia rẽ. Chúng ta không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, ước gì chúng ta biết để cho Chúa cai trị lòng trí chúng ta, để chúng ta biết mở rộng cõi lòng mình theo biên độ tình yêu của Chúa Cha, được biểu lộ trong Đức Kitô: mức độ của tình yêu Thiên Chúa là yêu không mức độ. Ước gì được như thế!

UỐN NẮN TÂM HỒN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin!”.

Tổng thống William McKinley gắn bó đặc biệt với mẹ mình; ông đến thăm hoặc nhắn tin cho bà mỗi ngày. Khi bị ám sát, ông không hề tỏ ra oán ghét kẻ bắn mình; ông nói, “Ý Cha thể hiện!”. Trước khi chết, ông yêu cầu nghe lại bài thánh ca “Gần Hơn, Chúa Ơi, Gần Hơn!” mà mẹ ông đã hát cho ông từ thuở nằm nôi. Bà đã uốn nắn tâm hồn ông!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu một bà mẹ đã dạy cho một tổng thống hát bài “Gần Hơn, Chúa Ơi, Gần Hơn!”, thì trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một ca khúc tương tự - “Kinh Lạy Cha!”. Thế nhưng, có điều gì đó xem ra khó hiểu, vì khi vừa dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, Ngài lại vừa tiết lộ, “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin!”. Tại sao? Thánh Augustinô giải thích, sẽ không mâu thuẫn chút nào, chẳng qua; Ngài muốn ‘uốn nắn tâm hồn’ con cái!

Việc “Cha trên trời biết rõ” là một niềm an ủi và hy vọng vô bờ, vì những lời này không ngừng khuyến khích chúng ta liên tục hướng về Cha Trên Trời. Lòng đạo đức chân chính không hệ tại ở số lượng ‘lời nói’, cho bằng hệ tại ‘tần suất’ và tình yêu mà một người hướng về Thiên Chúa qua mọi sự kiện lớn nhỏ xảy ra trong ngày sống! Tại các nhà dòng ngày xưa, cứ mỗi giờ, một hồi chuông nhỏ được ngân lên, nhắc các tu sĩ nhớ Chúa; và họ thường làm dấu, chấp tay, cúi đầu thầm thĩ “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”.

Thánh Augustinô khẳng định, “Kinh Lạy Cha”, “Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu”, hoàn hảo đến mức tài tình tóm gọn chỉ trong một vài từ, đủ mọi điều con người cần kêu xin. Nó được xem như “Một lời kinh, bảy lời cầu”; trong đó, “ba lời dành cho Chúa, bốn lời dành cho người!”. Hai thỉnh cầu đầu tiên, danh Cha cả sáng, Nước Cha và ý Cha trị đến, sẽ chạm đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Và như thế, chúng ta được mời gọi để trở thành tông đồ của Vương Quốc, truyền bá tình yêu Chúa cho anh chị em mình. Ước gì lửa nhiệt thành được nhen nhóm mỗi khi chúng ta ‘phát ra’ những lời này! Xin “ý Cha thể hiện” nghĩa là xin cho tâm hồn được uốn nắn theo ý Chúa.

Thật thú vị, sách Huấn Ca hôm nay gọi Êlia là người “làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa, đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu”. Ông đã ‘uốn nắn tâm hồn’ Israel! Như Êlia, một khi chúng ta thuộc trọn về Chúa, thì đến lượt mình, bạn và tôi cũng có khả năng ‘uốn nắn tâm hồn’ người khác hướng về Chúa để họ cũng hân hoan nhận biết Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Trước thánh nhan Chúa, người công chính hãy vui mừng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cha các con đã biết rõ các con cần gì!”. Thiên Chúa là Cha, biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết mình; Ngài chăm sóc chúng ta như một người cha! Ngài không nhìn vào những thành quả bạn chưa đạt được, nhưng nhìn vào những hoa trái bạn đang cưu mang! Ngài không truy tìm thiếu sót, nhưng khuyến khích những tiềm năng. Ngài không chăm chăm vào quá khứ, nhưng tự tin đặt cược vào tương lai. Tại sao? Bởi Thiên Chúa ở gần chúng ta, rất gần! Đừng quên, phong cách của Ngài là gần gũi với lòng nhân ái, sự dịu dàng. Theo cách này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta: gần gũi, xót thương và trìu mến!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin uốn nắn con, để con gần Chúa, gần Chúa hơn. Cho con thuộc về Chúa; từ đó, con có thể ‘uốn nắn tâm hồn’ những ai con gặp trên đường đời!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây