15/06/2024
thứ bảy tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Mt 5,33-37
dối trá là nô lệ ác thần
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả… Hễ ‘có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (Mt 5,34.37)
Suy niệm: Trong đời sống xã hội, người ta thường đưa ra lời cam đoan, cam kết để bảo đảm cho những hình thức giao dịch khác nhau. Các đối tác trong các thương vụ làm ăn ký kết những hợp đồng, giao kèo. Nguyên thủ quốc gia có lời tuyên thệ nhậm chức. Hai người nam nữ có lời thề hứa khi kết hôn. Đến cả những người bán hàng rong cũng luôn miệng khẳng định món hàng của mình là tốt nhất. Những việc cam kết đó hiện thực được là nhờ dựa trên niềm tin. Ngược lại sẽ là đổ vỡ phũ phàng khi các bên cam kết lại không giữ chữ tín. Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ sự dối trá, bội tín như thế, và gọi đó là hành vi thuộc về ma quỷ: “‘Có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Mời Bạn: Kẻ dối trá là tay sai của ác thần. Sự dối trá có thể giúp người ta đạt được tham vọng trước mắt, nhưng về lâu về dài, và chung cục, dối trá sẽ dẫn đến diệt vong. Một công việc dù có mục đích tốt đi nữa, nhưng nếu sử dụng thủ đoạn dối trá thì không thể là một hành vi tốt được. Ở giữa thế gian đầy dẫy gian dối lọc lừa này, mời bạn dám sống như con cái của Chúa, luôn trung thực từ lời nói đến việc làm, cho dù vì thế bạn phải chịu nhiều thiệt thòi, chế diễu
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn lặp lại với Chúa lời cam kết nói ‘không’ với tất cả những gì là gian dối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới mà gian dối, lừa lọc thường được cho là khôn ngoan, lanh lợi, xin cho chúng con dám chấp nhận bị coi là điên dại trước mặt thế gian để trở nên khôn ngoan trong Nước Chúa. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 10 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2Cor 5, 14-21
“Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta”.
Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.
Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa.
Ai ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được đổi mới.
Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.
Chính Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.
Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy.
Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.
Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Ðức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2, 3-4, 9-10, 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng thương xót và nhân ái
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.
Xướng: Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng. – Ðáp.
Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.
Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 19, 19-21
“Êlisê chỗi dậy đi theo Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia xuống núi tìm đến cùng Êlisê, con ông Saphat, đang cày với mười hai đôi bò; chính Êlisê là người dẫn đôi bò thứ mười hai. Êlia tiến đến gần ông và ném áo choàng mình trên ông. Êlisê bỏ đôi bò đó, chạy lại Êlia và thưa rằng: “Xin cho tôi về hôn cha mẹ tôi đã, rồi tôi sẽ theo Ngài”. Êlia nói với ông: “Cứ về rồi trở lại, vì ta đã làm gì ngươi đâu?” Êlisê rời Êlia, bắt đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi, nấu thịt bò và đem cho dân chúng ăn. Ðoạn Êlisê chỗi dậy đi theo làm đồ đệ Êlia.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).
Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con.
Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Lạy Thiên Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý, và thương ban cho con luật pháp Ngài. Alleluia.)
Phúc Âm: Mt 5, 33-37
“Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: “Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
Suy niệm
SỐNG THẬT
Lm. Giuse Vũ Công Viện
Hôm nay Chúa Giê-su dạy về sự trung thực trong lời nói. Điều cốt yếu của lời nói là sự trung thực: “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Và một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.
Trong một xã hội dối trá lừa đảo đã trở thành lẽ thường, thì sự trung thực quả là quí giá. Phải chăng nhiều người Ki-tô hữu đã cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác là được.
Chúa Giê-su không chấp nhận bất cứ luật trừ nào trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra”, nghĩa là không được nói hai ý, úp mở hai lòng, ương ương dở dở. Có những câu nói, có những sự thật nói ra sợ mất lòng, nên có người tìm cách để rồi bớt xén, thêm hoa lá cành, thành thử cuối cùng cũng ra nói dối. Lỗi về sự trung thực không chỉ là nói dối, vu khống, hứa mà không làm, nói đúng mà lại không sống đúng… mà còn là nói lệch đi một chút: thêm bớt một chút sự thật. Hãy nhớ trong vườn địa đàng, ma quỉ cám dỗ ông bà Adam – Eva bằng một sự thật được sửa đi một chút.
Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật. Nói dối ngược hẳn lại với bản tính Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng. Người tôn trọng phẩm giá của mình đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền tảng luân lý nào.
Đón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Ki-tô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tuỳ thuộc ở mức độ trung thực của họ. Sự trung thực không chỉ ở lời nói, nhưng bản sắc của người Ki-tô hữu có được thể hiện hay không là tuỳ thuộc ở suốt cuộc sống của họ. Họ có sống đúng với những lời chân thực họ đã rao giảng hay không. Niềm tin của người Ki-tô hữu có khả tín hay không là tuỳ họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống hay không.
Chúa Giê-su đã sống đến cùng những lời rao giảng của Ngài. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết trên thập giá của Ngài cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Ki-tô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ miệng, mà còn những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta ơn can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài bằng chính cuộc sống chân thực của chúng ta.
KHÔNG ĐƯỢC THỀ! (Mt 5, 33-37)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: “Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giê-su lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả […]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giê-su cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.
Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!
Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.
Lạy Chúa Giê-su, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
NGHIÊNG VỀ THÁNH Ý CHÚA
(THỨ BẢY TUẦN 10 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 10 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van, mà soi dẫn cho chúng ta biết những gì là chính đáng, và giúp chúng ta đủ sức thi hành.
Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, chúng ta phải luôn quy hướng về Chúa, và chỉ phụng sự một mình Người mà thôi, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giôsuê cho thấy: Thiên Chúa không ngừng đòi chúng ta lựa chọn giữa sự lành và sự dữ. Mỗi người trong chúng ta phải xác nhận lại cho chính mình giao ước giữa Thiên Chúa với Dân của Người, không phải một lần thôi, nhưng là mỗi khoảnh khắc trong suốt cả cuộc đời. Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác: Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người.
Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, chúng ta phải đàn hát, tán tụng Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Vua Đavít đã nói rất hay rằng: Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thỏa tình biết mấy! Đúng thế, Thánh Vịnh là lời chúc tụng của dân, là lời ngợi khen Thiên Chúa, là tiếng vỗ tay của muôn loài, là lời lẽ của vũ trụ, là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan lạc của con người tự do, là tiếng reo vui mừng, và là âm vang của niềm hoan hỷ.
Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, chúng ta phải chọn Chúa là ưu tiên số một, là gia nghiệp đời đời của chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển I tường thuật lại: Ông Êlisa bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 15, vịnh gia đã cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Thiên Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý, và thương ban cho con luật pháp Ngài. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đừng thề chi cả, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ. Thánh ý Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Đức Giêsu khi đến trần gian, Người cũng tự nhận: Thánh ý của Chúa Cha là lương thực nuôi sống Người. Các bánh xe của đoàn tàu, hằng ngày, ăn hai thanh sắt của đường ray: các bánh xe phải ăn khớp, và phải lăn trên đường ray, thì đoàn tàu sẽ được sống, và sẽ cập bến an toàn. Xatan là cha của sự dối trá, luôn muốn làm cho chúng ta sai lạc; Xatan là nguồn phát sinh mọi điều bất hảo, nghe theo lời xúi giục của Xatan, chắc chắn, chúng ta sẽ bị lầm đường lạc lối và đưa tới tử lộ. Ngược lại, sống theo đường lối, huấn lệnh của Chúa, chúng ta sẽ tiến bước trên đường ngay nẻo chính, dẫn đến sự sống muôn đời. Ước gì chúng ta luôn biết nghiêng về thánh ý Chúa, tỉnh thức trước những lời mời gọi phù phiếm của Xatan, để thẳng bước tiến về với Thiên Chúa, là Đấng tuyệt đối chân thật: phát sinh mọi điều thiện hảo. Ước gì được như thế!
TRUNG THỰC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Đừng thề chi cả!”.
“Một đứa trẻ sống trong sự chỉ trích, nó sẽ học cách lên án. Một đứa trẻ sống trong sự thù địch, nó sẽ học cách đánh nhau. Một đứa trẻ sống trong sự khích lệ, nó sẽ học được sự tự tin. Một đứa trẻ sống trong tình yêu, nó sẽ học được rằng, thế giới là một nơi tuyệt vời để sống. Một đứa trẻ sống với sự trung thực, nó sẽ học được sự thật là gì!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
“Một đứa trẻ sống với sự trung thực, nó sẽ học được sự thật là gì!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự ‘trung thực’; Ngài nói với các môn đệ, “Thầy bảo cho các con biết: đừng thề chi cả!”.
Ở đây, Chúa Giêsu không nói đến những hình thức tuyên khấn trước Thiên Chúa và Giáo Hội. Thay vào đó, Ngài nói đến một thói quen mà một số người thường làm; theo đó, họ thường thề thốt nhân danh Chúa về tính ‘trung thực’ của những gì họ nói. Đó là những người cần một thứ gì đó trang trọng, thiêng liêng; và như thế, bất cẩn biến nó thành một thứ bình thường. Thực ra, không cần “thề với Chúa” về mọi điều mình nói.
Trước hết, nếu một người cảm thấy cần phải thường xuyên kêu cầu danh Chúa để thuyết phục người khác về tính ‘trung thực’ của họ, thì rất có thể họ đang đấu tranh với sự thiếu trung thực. Việc thề thốt thường xuyên dường như giả định trước một xu hướng xấu - nói dối! Vì lý do đó, sẽ không lý tưởng khi thực hiện các tương tác hàng ngày của một người với ‘tiền giả định’ - xu hướng nói dối - này. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải cố đạt được khuynh hướng căn bản về sự ‘trung thực’, “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ!”. Nói cách khác, hãy nỗ lực để trở thành một người ‘trung thực’ và chính trực; chân thành trong mọi lời nói việc làm và đừng bắt đầu với giả định là không trung thực. Hãy trung thực và chân thành, thế là đủ!
Hơn nữa, nếu một người suốt ngày thề thốt trung thực nhân danh Chúa, điều này sẽ làm giảm đi tính trang trọng của một số ít lần khi đây là một thực hành tốt và thánh thiện. Lời thề của các đôi bạn trong Bí tích Hôn Phối, hay của các linh mục ngày thụ phong là độc nhất và trang trọng. Việc công khai đổi mới đức tin của chúng ta trong Giáo Hội; một người bắt đầu đảm nhận trách nhiệm của một cơ quan công quyền nào đó, hoặc bất kỳ cơ hội tuyên thệ trang trọng nào khác phải được coi là một dịp đặc biệt. Vì vậy, những cam kết hàng ngày của chúng ta phải đơn giản là kết quả của sự liêm chính với tư cách là con cái Chúa.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đừng thề chi cả!”; “Sống trung thực, bạn sẽ học được sự thật là gì!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về cách tiếp cận hàng ngày của bạn đối với sự ‘trung thực’ và chân thành. Ngày sống của bạn có mục tiêu là sống trong sự thật, nói sự thật và tìm kiếm sự thật không? Bạn có thành thật với người khác, tìm kiếm sự giao tiếp tốt và rõ ràng với họ không? Hãy suy gẫm những câu hỏi này và biết rằng, sự ‘liêm chính nội tâm’ đòi hỏi những nhân đức trung thực và chân thành này. Hãy tìm kiếm sự chính trực đó và những người khác sẽ hưởng lợi khi họ ngày càng tin tưởng bạn hơn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết xấu hổ và tự thẹn mỗi khi thiếu ‘liêm chính nội tâm’. Như một em bé, cho con luôn sống hồn nhiên, ‘trung thực!’”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn