TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ sáu - 06/12/2024 13:34 |   140
“Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỉ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,16-19)

13/12/2024
Thứ sáu tuần 2 Mùa Vọng
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo

t6 t2 MV

Mt 11,16-19


trật đường rầy
“Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỉ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,16-19)

Suy niệm: Ca dao ta có câu: “Ở sao cho vừa lòng người. Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Đây không phải là vấn đề Đức Ki-tô không thể sống dung hoà giữa một xã hội ‘bá nhân bá tánh’: sống nhiệm nhặt, khắc khổ như Gio-an thì chê là “bị quỉ ám”; sống hoà đồng như Giê-su thì phê phán là phóng túng. Giống như một con tàu bị trật đường ray, con người mang thân phận là thụ tạo của Thiên Chúa thế mà lại đòi Đấng Tạo Thành phải khóc, phải cười theo tính khí đành hanh bất nhất của mình. Ngược lại, chính con người phải đặt lại con tàu đời mình vào đúng đường ray của nó bằng cách đón nhận Lời Chúa và hoán cải đời sống theo những đòi hỏi của Lời Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta dễ than trách Chúa vì mình cầu xin mà không được nhận lời.  Mặt khác, chúng ta lại thích lý sự, nêu lý do để bào chữa cho việc mình không sống theo thánh ý Chúa. Trái lại, thay vì yêu cầu Thiên Chúa phải thay đổi qui luật hoặc chương trình của Ngài, chính chúng ta mới cần ‘uốn lại lưỡi câu’ của mình ‘cho vừa miệng cá’: tôi mới là người cần phải hoán cải để thăng tiến. Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu xem Chúa muốn điều gì nơi mình để rồi mình sẽ muốn điều Chúa mong muốn.

Sống Lời Chúa: Để sống như Chúa mong muốn, mời bạn tập nhận ra ý Chúa nơi bề trên của mình (các bậc chủ chăn, cha mẹ, thầy cô, v.v…) và thực hành đức vâng phục đối với các vị ấy.

Cầu nguyện: Bạn sốt sắng đọc Kinh Lạy Cha.

Thứ Sáu MV II: Lạy Chúa! Chúa đã ví thế hệ của Chúa như lũ trẻ đành hanh khó chiều: thổi sáo không chịu nhảy múa, hát bài đưa đám không chịu khóc than. Xin cho chúng con đừng bao giờ ấu trĩ, trẻ con như thế. Chúng con cứ tưởng: mình phải phản kháng, chống đối, thì mình mới có giá trị, nhưng thật ra, giá trị của chúng con nằm ở bản lĩnh: chấp nhận được những điều không thể chấp nhận, bao dung được những điều không thể bao dung. Xin cho chúng con biết kiên trì tỉnh thức mà chờ đợi Chúa quang lâm. Ước gì chúng con biết hăm hở cầm đèn sáng trong tay ra đón Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 2 Mùa Vọng

 

Ca nhập lễ

Đây Chúa sẽ vinh quang ngự đến, Người xuống viếng thăm, ban bình an cho dân Người, và cho họ hưởng phúc trường sinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin làm cho dân Chúa biết kiên trì tỉnh thức mà chờ đợi Con Chúa quang lâm. Ước gì chúng con biết hăm hở cầm đèn sáng trong tay ra đón Người như chính Người là Ðấng cứu độ chúng con đã phán dạy. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 48, 17-19

“Chớ gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Ít-ra-en, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Này đây Ðức Vua là Thiên Chúa địa cầu sẽ đến. Chính Người sẽ cất ách tù đày của chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 16-19

“Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”

“Vì Gio-an đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta phải quỷ ám!” Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: “Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ, là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh, và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương dạy dỗ để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA TRÁCH NHỮNG KẺ CỨNG LÒNG (Mt 11,16-19)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gio-an Tẩy Giả không ăn không uống thì họ cho là bị quỉ ám. Còn Đức Giê-su ăn uống như mọi người thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi!. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp thục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới.

2. Chúa lấy trò chơi của trẻ em Do thái để nói lên ý của Ngài: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại: Nếu xướng điệu ca buồn giả làm đám ma, thì bè bên kia than khóc, đấm ngục rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hòa hợp như vậy thì trò chơi rất vui. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ khó nết lì lợm, hay theo ý riêng, không hòa hợp thì làm cho trò chơi mất vui: vì “chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa”… !

3. Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do-thái này, chúng ta thấy người Do-thái khước từ Gio-an Tẩy Giả cũng như khước từ Đức Giê-su vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gio-an chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giê-su lại nêu lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

4. Người Do-thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tim cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.

Ngày nay, nhiều người có lối sống đạo ngược đường: họ chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.

Cách sống ngày nay là cách sống hưởng thụ, người ta chỉ ưa nhũng gì hợp với ý mình còn cái gì không hợp với mình thì chống đối, ví dụ họ chống đối Giáo hội về hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v.v... họ đòi Giáo hội phải xét lại, phải sửa đổi.

5. Trong một lá thư gửi các chủng sinh, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết như sau: Đời sống tập thể không chỉ cần thái độ quảng đại, bao dung và chịu đựng lẫn nhau, nhưng điều quan trọng là làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa”.

Hôm nay, Đức Giê-su phê phán những người Do-thái vì thái độ tự cho mình là chuẩn mực và bắt người khác phải làm theo ý mình, lấy mình làm khuôn vàng thước ngọc bắt người khác noi theo. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa trao cho mỗi chúng ta những “nén bạc” khác nhau (x. Lc 19,13). Chắc chắn rằng, mỗi người sẽ đáp lại hồng ân ấy theo những cách thức khác nhau, tùy theo khả năng Chúa ban.

6. “Nhưng đức Khôn ngoan được chứng minh bằng hành động”.

Câu này khó hiểu. Đức Giê-su muốn nói rằng giá trị thật của một người không tùy thuộc vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó.

Vì vậy Đức Giê-su quả quyết là cả hai người (là Gio-an và chính Người) với hai nếp sống khác nhau, đều phục vụ một chính nghĩa của Thiên Chúa. Bằng chứng là cả hai đều thực hiện những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan, là công việc của Gio-an trong sứ vụ tiền hô và công việc của Đức Giê-su trong sứ vụ cứu thế đều thể hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Vì vậy người ta nói Gio-an Tẩy Giả  “bị quỉ ám”, nói Đức Giê-su là “tay ăn nhậu” thì cũng không sao. Chính hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.

7. Truyện: Phải biết đánh giá trị.

Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ đề hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng con này gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo:

– Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết tại sao con ngựa này giá gấp đôi giá con ngựa kia?

Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ:

– Chắc các ngươi đã nhận ra rằng: trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu vết gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại, con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngợp trời, chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá trị gấp đôi con ngựa thứ hai.

TUÂN HÀNH THÁNH Ý CHÚA
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Thứ Sáu Tuần 2 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình: biết kiên trì tỉnh thức mà đợi chờ Con Một Chúa quang lâm. Ước gì chúng ta biết hăm hở cầm đèn sáng trong tay ra đón Người, như chính Người là Đấng cứu độ chúng ta đã phán dạy.

Ơn xin của Lời Tổng Nguyện xoay quanh ba nhân đức đối thần: kiên trì giữ vững niềm cậy trông; hăm hở nhiệt thành sốt mến; và cầm đèn đức tin cháy sáng mà ra đón Chúa. Đức tin, đức cậy, đức mến được thể hiện qua thái độ khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: khi Dân Chúa không đi theo đường lối những huấn lệnh của Chúa, thì họ như vườn nho bị cướp phá, tan hoang, nhưng, khi họ biết sám hối, quay trở về, thì Chúa lại làm cho vườn nho đâm bông kết trái. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê cho thấy: hậu quả do sự bất tuân của bà Eva, và hoa trái của sự vâng lời mà Đức Maria đã mang lại cho nhân loại.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã cho Dân Chúa biết những phúc lành mà họ sẽ nhận được, nếu họ lo vâng giữ các mệnh lệnh của Chúa: Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia cho chúng ta thấy niềm hạnh phúc của những ai đi theo đường lối Chúa: Lạy Chúa, ai theo Ngài sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống. Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã cho thấy: Thế hệ của Đức Giêsu là một thế hệ đành hanh, khó chiều: Họ không nghe lời ông Gioan, cũng chẳng nghe Con Người. Gioan, thì họ cho là quỷ ám, còn Đức Giêsu, thì họ cho là tay ăn nhậu: đám tang họ không khóc, còn đám cưới họ cũng không nhảy múa.

Đi theo đường lối, những huấn lệnh của Chúa, làm theo những gì Chúa dạy, chắc hẳn, sẽ bị thiệt thòi, mất mát. Tuy nhiên, chúng ta hãy giữ vững niềm trông cậy của mình, bởi vì, Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người, như lời Ca Hiệp Nhập Lễ hôm nay: Người xuống viếng thăm, ban bình an cho dân Người và cho họ hưởng phúc trường sinh. Cũng vậy, để có thể sống đạo đức thánh thiện, chúng ta phải đối mặt với một thực tế: tinh thần thì hăng hái, nhưng, thể xác lại yếu đuối, cho dù vậy, chúng ta vẫn cứ kiên trì, nhẫn nại, Chúa sẽ đến cứu chúng ta như lời Ca Hiệp Lễ hôm nay: Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống như thân xác vinh hiển của Người.

Chúa sẽ đến giải cứu và ban bình an cho chúng ta, đó là điều chắc chắn, phần chúng ta, chúng ta hãy biết kiên trì tỉnh thức mà đợi chờ Chúa. Ước gì chúng ta biết hăm hở cầm đèn sáng trong tay ra đón Chúa, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Chúa ngự đến, anh em hãy ra nghênh đón Người; chính Người là hoàng tử ban bình an. Ước gì được như thế!

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Lu-xi-a đồng trinh, tử đạo, vinh hiển bước vào Trời. xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp mà khơi lửa yêu mến trong lòng chúng con, để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Lu-xi-a xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Lu-xi-a là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Ki-tô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lòng sùng kính thánh nữ Lucia, tử đạo tại Syracusa (Sicilia), đã được chứng thực từ thế kỷ IV, và lễ nhớ ngài được ghi trong sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô là vào ngày 13 tháng 12. Khoảng giữa thế kỷ VI, người ta vẽ hình thánh nữ trong cuộc rước các trinh nữ ở nhà thờ Saint-Apollinaire-le-Neuf ở Ravenne, và một bia chí được tìm thấy ở Syracusa trong hang toại đạo thánh Lucia có nguồn gốc từ thế kỷ V cho thấy hàng chữ “ngày lễ kính Bà Lucia”. Được tôn kính ở Rôma từ thế kỷ VI, tên của thánh Lucia được ghi vào lễ qui Rôma cùng với tên của các thánh Agata, A-nê và Cécilia.

Lòng sùng kính thánh Lucia được phổ biến khắp phương Tây và lan rộng tới cả các vùng Bắc Âu, tại đây lễ ngài được cử hành vào ngày đông chí, như muốn nói lên ánh sáng mặt trời ngài đem đến giữa đêm dài của các nước vùng Bắc Âu. Thực ra, tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng.

Chắc là thánh Lucia chịu tử đạo ở Syracusa, thành phố quê hương của ngài, vào khoảng năm 304, trong cuộc bách đạo của hoàng đế Diocletian (†305). Nhưng những câu chuyện nổi tiếng về cuộc tử đạo của ngài (thế kỷ V hay VI) đều mang dáng dấp những truyền thuyết. Sau đây là một vài chi tiết:

Ngài thuộc dòng họ quí tộc ở Syracusa, đã hứa hôn, nhưng Lucia tỏ lộ ước muốn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và đòi phần thừa kế di sản của mình để phân phát cho người nghèo. Người được hứa hôn với ngài tức giận đã tố cáo ngài với quan tổng trấn Syracusa là Paschasius, ông này kết án tống ngài vào chuồng sư tử. Nhưng khi người ta muốn lôi ngài tới đó, ngài chống trả quyết liệt: người ta nhổ răng, xẻo ngực ngài; người ta gọi các thày pháp tới, đưa những con bò tới… nhưng không gì có thể khuất phục nổi ngài. Theo một câu truyện, Lucia còn tự móc mắt mình gửi cho người hứa hôn, nhưng Đức Mẹ đã làm cho mọc ra hai con mắt đẹp hơn gấp bội. Sau cùng, người ta lấy gươm đâm vào cổ ngài, nhưng trước khi chết, ngài còn có thể rước Mình Thánh Chúa.

Di hài của ngài lúc đầu được tôn kính ở Syracusa, sau được dời về Constantinople rồi về Venise. Ở Napôli, người ta sùng kính cặp mắt ngài.

Các tranh ảnh vẽ cuộc tử nạn của ngài rất phong phú: Lucia đứng trước Paschasius, hay bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Ngoài rất nhiều tranh ảnh khác, có các bức hoạ của Di Niccolo (New York), Zurbaran (Chartres), Furini (Rôma), Luini (Milan), Lotto (Jesi), Tiepolo (Venise), Caravage (Syracusa).

Thông điệp và tính thời sự

Trong Lời Nguyện thánh lễ, chúng ta xin Chúa “đốt cháy lòng sốt mến của chúng ta nhờ lời chuyển cầu của thánh Lucia”  khi chúng ta kính nhớ cuộc tử đạo của ngài. Cuộc tử nạn của trinh nữ thành Syracusa đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ. Đứng trước toà án, thánh Lucia tuyên bố: “Bây giờ tôi không còn gì để hi sinh, tôi dâng hiến bản thân tôi làm của lễ sống cho Thiên Chúa tối cao… Thánh Tông đồ đã nói: “Những ai sống trong sạch và đạo đức thì là đền thờ của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cư ngụ trong họ.” Thân xác chỉ bị ô uế nếu tâm hồn chiều theo… Nếu ông bắt tôi vi phạm ngược với ý tôi, thì sự trinh khiết của tôi sẽ mang lại cho tôi triều thiên đáng giá gấp hai.” Thánh Thomas Aquinô trích lại những lời sau cùng này và nói: “Không phải ngài nhận được hai hào quang của sự trinh khiết, nhưng ngài sẽ nhận được hai phần thưởng: một do sự trinh khiết mà ngài đã giữ được, và một do sự sỉ nhục mà ngài đã chịu.” (Summa theologiae, Suppl., q. 96, a. 5, ad 4).

Điệp ca của kinh Benedictus nhấn mạnh sự hiến mình hoàn toàn của thánh Lucia: “. . . Tôi hiến mình hoàn toàn cho Người.”  điệp ca của kinh Magnificat cũng như bài đọc I thánh lễ làm nổi bật hình ảnh “vị hôn thê của Đức Kitô”: “Hỡi vị hôn thê của Đức Kitô, nàng giữ gìn được sự sống mình bằng sự kiên trì…” (điệp ca). “Tôi đã dẫn anh chị em tới gặp Tân Lang duy nhất: anh chị em là vị hôn thê trinh trong và thánh thiện mà tôi đã giới thiệu với Đức Kitô” (2 Cr 11, 2). Hình ảnh Tân Lang cũng được lặp lại trong Tin Mừng thánh lễ: Kìa Tân Lang đã tới! Hãy ra đón Người.

Bài đọc Giờ Kinh Sách trích từ Khảo luận của thánh Ambroise về sự trinh khiết, ca ngợi nhân đức Kitô giáo này, nhờ đó mà “vẻ kiều diễm của thân xác được chiếu sáng bởi ánh rực rỡ của tâm hồn.” Nhưng nếu sự trinh khiết là nguồn ánh sáng, thì trên hết nó là ước muốn nồng cháy được gặp Tân Lang: “Hãy suy gẫm không ngừng về Đức Kitô và mong chờ Người đến trong mọi lúc… Vì thế hãy ôm ấp Đấng mà bạn đã tìm kiếm; hãy đến gần Người và bạn sẽ nhận được ánh sáng.” Và làm thế nào để giữ được Người? “Người chỉ được trói buộc bằng các sợi dây tình yêu, bằng tình cảm của linh hồn.”

Lễ thánh nữ Lucia luôn rơi vào mùa Vọng, nên thích hợp tuyệt vời với phụng vụ của mùa này: “Con mở lòng con ra, lạy Chúa, để nghe lời ánh sáng của Ngài” (Xướng đáp của Kinh Sách). Tâm hồn và thân xác con kêu vang lên tới Thiên Chúa hằng sống (Tv 83, trong thánh lễ).

Enzo Lodi


NGHÊNH ĐÓN CHÚA
(LỄ THÁNH LUXIA 13/12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Luxia hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Luxia đồng trinh tử đạo vinh hiển bước vào trời, xin Chúa nhậm lời người cầu thay nguyện giúp mà khơi lửa yêu mến trong lòng chúng ta, để mai sau, chúng ta được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (năm 340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.

Khơi lửa yêu mến trong lòng, bằng cách quay trở về phụng thờ Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Vườn nho của Chúa lại được vun trồng. Đối với chúng ta, Thiên Chúa vẫn là Cha giàu lòng thương xót. Trong khi chiến thắng thế gian tội lỗi, Người tuôn đổ ơn cứu độ để chuộc các lỗi lầm của chúng ta. Tuần vừa qua chúng ta thấy vườn nho đầy tội lỗi và bị cướp phá; nay vườn nho ấy nở rộ hoa và được chúc phúc. Đức Chúa sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy. Các thiên sứ sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia. Họ sẽ đến và thờ lạy Đức Chúa trên núi thánh của Người tại Giêrusalem.

Khơi lửa yêu mến trong lòng, bằng cách giữ tâm hồn trong sạch, để giữ Chúa ở lại mãi trong tâm hồn ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Ánh sáng tâm hồn con sẽ làm cho thân xác con thêm duyên dáng. Con hãy gìn giữ căn nhà ấy, hãy tẩy sạch mọi ngóc ngách. Khi nhà sạch mọi vết nhơ, thì sẽ vươn lên thành ngôi nhà thiêng liêng cho tế vụ thánh, được xây trên tảng đá vững vàng, và Chúa Thánh Thần sẽ đến ngự nơi ấy… Được tôn vinh trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người phàm, thánh nhân đã chiến đấu anh dũng, đã làm đẹp lòng Chúa. Đối diện với các nhà lãnh đạo, người có những lời lẽ thật khôn ngoan. Nên Chúa Tể càn khôn đã đem lòng sủng ái. Đây là người trinh nữ đã dành cho Thiên Chúa một nơi ở đặc biệt trong lòng mình.

Khơi lửa yêu mến trong lòng, bằng cách tuân giữ những mệnh lệnh, thánh chỉ Chúa đã truyền, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia: Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, ai theo Ngài sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống. Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa ngự đến, anh em hãy ra nghênh đón Người; chính Người là hoàng tử ban bình an. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ… Họ không nghe lời ông Gioan, cũng chẳng nghe Con Người. Tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, ta sẽ được bình an. Chúa chính là Hoàng Tử Bình An, chúng ta hãy mở rộng lòng ra nghênh đón Người, đừng như lũ trẻ đành hanh khó chiều, cứ bắt Chúa làm theo ý mình, mà không chịu làm theo ý Chúa. Nếu ta cứ bắt Chúa, bắt người khác làm theo ý mình, cuộc đời chúng ta sẽ đầy tràn bất hạnh. Ta hãy nghênh đón Chúa, níu giữ Người lại bằng lòng yêu mến, tuân giữ những gì Người truyền dạy, bởi vì, tuân giữ lời Chúa, Chúa sẽ ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa. Ta đừng sợ vất vả, đừng sợ bị bách hại, nhưng, hãy khát khao tìm kiếm Chúa và yêu mến Người. Hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Luxia đồng trinh tử đạo vinh hiển bước vào trời, xin Chúa nhậm lời người cầu thay nguyện giúp mà khơi lửa yêu mến trong lòng chúng ta, để mai sau, chúng ta được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Ước gì được như thế!

ĐỜ ĐẪN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

“Thiên thần Niềm Tin bước vào căn phòng lòng tôi; vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Những vị khách lần lượt ra đi: Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có một hoà khí như vậy? Niềm Tin thì thầm, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi chung sống!’” - Một nhà thơ cổ.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thường bước vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Tiếc thay, khác nào lũ trẻ ngoài chợ, trước Ngài, không ít lần chúng ta ‘đờ đẫn’, một sự đờ đẫn thiêng liêng!

Isaia biểu lộ ‘nhã nhạc’ - giai điệu yêu thương - Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, công chính của ngươi dạt dào như sóng biển!”. Nhưng Israel bỏ ngoài tai! - bài đọc một. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp điều tương tự, Ngài cất giọng mà xem ra không ai hưởng ứng! Họ từ chối Ngài; gán cho Ngài là ‘bợm nhậu’, gán cho Gioan là ‘quỷ ám’.

Với chúng ta, không muốn nghe những gì Chúa nói, chúng ta thường hợp lý hoá cách này cách khác để khéo từ chối thông điệp của Ngài; và với thời gian, chúng ta ‘đờ đẫn!’. Cần phân biệt ‘trọng tâm’ sứ điệp và ‘cách thức’ sứ điệp được loan truyền! Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”. Chiếc bình thực sự không quan trọng cho bằng những gì nó mang! Cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân hoặc phát ngôn nhân, nhưng quan trọng là nhận ra điều Chúa đang nói, đang hát cho tôi qua các tác nhân hoặc phát ngôn nhân hèn yếu đó. Nhiều người trong họ có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!

Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”. Chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết mình đang ở trong bóng tối. Hiếm ai trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không ‘sàng lọc’ nó qua lịch sử hoặc phong cách người chuyển tải. Khi tôi chia sẻ Lời Chúa cho 20 người, có thể có đến 20 thông điệp khác nhau. Điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự nghe cho được những gì Chúa đang soi rọi và không để mình ra ‘đờ đẫn’, đờ đẫn của linh hồn!

Kính thưa Anh Chị em,

“Các anh không nhảy múa?”. Có thể bạn và tôi không nhảy múa, không khóc than vì chúng ta để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm” chiếm cứ. “Đó là những con người buồn bã vốn luôn chỉ trích những người rao giảng chân lý vì sợ rằng, họ sẽ mở lòng ra trước Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện để không trở thành những Kitô hữu buồn bã, những người cướp đi ‘sự tự do của Thánh Thần’ vốn thường đến giữa chúng ta qua sự vụng về - và có thể cả bê bối - của người rao giảng. Thật là bê bối khi Chúa nói với chúng ta qua những con người tội lỗi đầy giới hạn; và thậm chí còn bê bối hơn khi Ngài nói và cứu chúng ta qua một người tự nhận mình là Con Thiên Chúa, nhưng lại kết thúc như một tên tội phạm. Điều đó thật là bê bối!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘đờ đẫn mãn tính!’. Con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào căn phòng trái tim con mỗi ngày, đang ‘hát’, đang ‘thổi sáo’ nhằm biến đổi con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây