12/12/2024
Thứ năm tuần 2 Mùa Vọng
Đức Mẹ Guađalupê
Mt 11,11-15
nối tiếp sứ mạng
“Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe.” (Mt 11,11-15)
Suy niệm: Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a tái sinh, nhưng ông nối tiếp sứ mạng của vị ngôn sứ ấy. Cũng giọng điệu mạnh mẽ, sôi nổi như lửa cháy, thái độ cương quyết, triệt để, Gio-an quả thật đang làm sống lại phong cách của Ê-li-a, người của Thiên Chúa. Là người hùng trong việc bảo vệ niềm tin tinh tuyền vào Gia-vê, và lòng trung thành với giao ước, Ê-li-a vẫn để lại sứ mạng còn dang dở, qua hình ảnh tấm áo để lại cho đồ đệ là Ê-li-sê và để lại cho dân Chúa niềm mong đợi rằng sẽ có ngày ông trở lại để hoàn tất sứ mạng dọn đường cho Đấng Mê-si-a. Hôm nay, Ê-li-a đã có truyền nhân của mình, đó chính là Gio-an Tẩy Giả, người mà Chúa Giê-su cũng xác nhận: “Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.”
Mời Bạn: Một sự thật đã được chính thức công nhận bởi thẩm quyền cao nhất: “Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.” Thế mà quyền quyết định cuối cùng thì Đức Ki-tô lại dành lại cho bạn quyền nghe hay không nghe tiếng nói của Chúa: “Ai có tai thì nghe.” Và dĩ nhiên là bạn có tai, nghĩa là có khả năng nghe. Vậy mời bạn đáp lại tương xứng với những gì bạn nghe được từ sứ điệp của Gio-an, đó là: hoán cải chính mình và tin vào Đấng mà Gio-an giới thiệu.
Chia sẻ: Chúa Giê-su có ý gì khi để cho bạn quyền tự do đáp lại hay không đáp lại lời mời gọi của Chúa?
Sống Lời Chúa: Thực hành đức vâng phục đối với những người có trách nhiệm nói lời của Chúa cho bạn (cha mẹ, các bậc bề trên của bạn…).
Cầu nguyện: Hát: “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối… Lời Ngài dạy con trong cuộc sống.”
Thứ Năm MV II: Lạy Chúa! Chúa nói: chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Ông là ngôn sứ, là người dọn đường cho Chúa. Chúa là Lời, còn ông chỉ là tiếng; Chúa là vũ công, còn ông chỉ là vũ điệu. Xin cho chúng con có được lòng khiêm nhường như ông Gioan, biết ở đúng vị trí của mình, để chúng con có thể kín múc được sức mạnh của Chúa mà chiếm lấy Nước Trời, một sức mạnh khiêm nhường, âm thầm, nhỏ bé như hạt cải, nắm men. Xin thôi thúc tâm hồn chúng con lo dọn đường cho Chúa đến, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Chúa, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 2 Mùa Vọng
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Nhờ Chúa thương chỉ dạy, từ lâu con đã hiểu: Chúa tồn tại muôn đời
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin thôi thúc tâm hồn chúng con lo dọn đường cho Con Một Chúa, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Chúng con cầu xin
Bài Ðọc I: Is 41, 13-20
“Ta là Ðấng Thánh của Ít-ra-en, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.
Hỡi con sâu Gia-cóp, hỡi dân Ít-ra-en, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Ít-ra-en, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Ít-ra-en.
Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.
Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab
Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng
Xướng: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 11-15
“Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gio-an và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gio-an là Ê-li-a, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiẽn, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin
Lời tiền tụng Mùa Vọng I
Ca hiệp lễ
Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức ở thế gian này, trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin
Suy niệm
TÁI SINH TRONG THẦN KHÍ
Lm. Gioan Trần Văn Viện
Ông Gio-an Tẩy Giả sống cùng thời với Chúa Giê-su và được diễm phúc là anh em họ của Chúa. Cách đặc biệt ông được Thiên Chúa tuyển để trở thành người mở đường cho Đấng Mê-si-a, Con Một yêu dấu của Ngài. Có thể nói rằng dù vị Tiền hô là cầu nối giữa hai thời Cựu ước và Tân ước, tuy nhiên ngài vẫn là người sống trong thời gian chờ đợi Đấng cứu thế. Ngài đã gặp và chỉ cho nhiều người đến với Chúa Giê-su, nhưng chính ngài cũng đưa ra những thắc mắc khi sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thật có thật là Đấng phải đến hay không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su đã khen ông Gio-an là người cao trọng hơn tất cả số phàm nhân đã lọt lòng mẹ. Đương nhiên chúng ta hiểu rằng, Chúa đang nói về thời đại của những người đang khát khao Đấng Cứu chuộc, và giờ đây, sự chờ đợi đó đã trở thành hiện thực. Với sự hiện diện của Chúa Giê su nơi trần gian, sự kiện toàn của giao ước cũ được thực hiện, cánh cửa bước vào Nước Trời đã được mở rộng. Và ai tin vào Ngài, trở thành môn đệ của Người, sẽ được ân phúc tham dự vào hạnh phúc viên mãn trên Thiên Quốc. Như thế, một lịch sử mới được hình thành, một thời kỳ mới đã được khai mở. Tất cả sẽ bắt đầu nơi chính con người của Đức Giê-su, và đỉnh cao trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Thưa anh chị em, ai sinh ra từ lòng mẹ, dù có cao trọng nhưng không thể so sánh với người được sinh ra bởi Thần Khí. Ông Gio-an làm phép rửa cho mọi người bằng nước nhưng để hướng dẫn họ đến với Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.
Mỗi người tín hữu chúng ta ngày hôm nay thật vinh dự khi đã được rửa tội, đã chết cho con người cũ, con người từ lòng mẹ, và tái sinh với sự sống mới, là con Thiên Chúa và anh em của Chúa Giê-su. Đây là một ân huệ đặc biệt. Chúng ta đã lãnh nhận được hồng ân cao quý này, nhưng chính chúng ta được mời gọi gìn giữ và nâng niu món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng. Con người chúng ta giống như chiếc bình sành dễ vỡ, và ước gì trong mùa vọng năm nay, chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhuần trong đời sống của mình, giúp chúng ta luôn sống như là một công dân trong Nước Trời, dù cho thực tại này chưa được biểu lộ hoàn toàn nơi dương thế. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp cho chúng ta. Amen.
CHÚA KHEN GIO-AN TẨY GIẢ (Mt 11,11-15)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Gio-an Tẩy Giả từ trong ngục tù đã sai các môn đệ đến phỏng vấn Đức Giê-su có phải là Đấng Cứu Thế không. Sau khi đã trả lời, Đức Giê-su khen và so sánh Gio-an Tẩy Giả với mọi người thì Gio-an cao trọng hơn hết, vì ông đã giúp dọn đường cho Chúa đến cứu nhân loại, đã làm phép rửa giúp mọi người thống hối. Nhưng nếu so sánh Gio-an với người ở trong Nước Trời, thì người nhỏ nhất trong nước này còn cao trọng hơn ông: phần thưởng ở đó rất lớn lao vì luôn có Chúa hiện diện.
2. Đức Giê-su khen Gio-an Tẩy Giả về chức vụ tiền hô của ông vì ông đã thi hành rất hoàn hảo. Ông là người cao trọng hơn tất cả mọi người phàm từ trước tới nay, vì ông được vinh dự dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và khi Ngài đến, ông còn được vinh dự giới thiệu Ngài cho mọi người biết.
Quả vậy, sánh với đạo cũ, ông là tiên tri trọng hơn các tiên tri vì ông đã giúp vào việc dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời gần hơn các tiên tri khác, và vì ông đã được thấy Chúa cũng như các việc Người làm.
Nhưng ông vẫn là người thuộc đạo cũ, bởi vậy, tuy là trọng nhất trong các tín đồ đạo cũ, nhưng lại nhỏ hơn hết sánh với các tín đồ thời đạo mới, vì trong luật đạo mới Thiên Chúa ban các ân huệ cao quí cho loài người cách rộng rãi hơn.
2. “Cuộc lữ hành khám phá thật sự không phải là nhìn những cảnh tượng mới, nhưng là nhìn bằng đôi mắt mới” (M. Proust).
Gio-an Tẩy Giả đi trước dọn đường với lòng nhiệt thành nóng bỏng như Ê-li-a ngày nào, rồi Đức Giê-su xuất hiện với quyền năng của Đấng Cứu Thế, y như cảnh tượng các tiên tri loan báo từ xa xưa. Thế nhưng, người Do thái chỉ quen nhìn với đôi mắt cũ: Đấng Cứu Thế phải đáp ứng mong mỏi của họ, phải là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma. Vì thế, họ khước từ Gio-an, người Thiên Chúa sai đến. Họ cũng chối bỏ Đức Giê-su, không chấp nhận tư cách Thiên Sai của Ngài. Với đôi mắt cũ, họ không nhận ra sự thật, một “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) (5 phút Lời Chúa).
3. Có câu: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.
Người ta chỉ có thể chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh. Chúng ta có thể hiểu câu này bằng hai cách:
– Ai muốn vào Nước Trời thì phải dũng cảm chiến đấu với bản thân. Muốn vào Nước Trời để nên cao trọng thì phải can đảm chiến đấu với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt.
– Những người ở trong Hội thánh luôn luôn bị người đời chèn ép và chống đối, người ta dùng áp lực để ngăn cản việc gia nhập Nước Trời, nên ai mạnh sức thì mới vượt thắng được những cản trở để vào Nước Trời.
4. Theo đó, người ta phải can đảm mới chiếm được Nước Trời.
Thánh Gio-an Tẩy Giả là người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ. Ông dám can đảm ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình. Ông đã từ bỏ mọi sự, sống đời khó nghèo và sám hối trong hoang địa. Và sau cùng đã chịu cho người ta chặt đầu bỏ trên đĩa.
Đức Giê-su đã từng bảo chúng ta: “Muốn vào được Nước Trời phải “qua cửa hẹp”.
Khi Đức Giê-su nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ, từ bỏ hết mọi của cải trần gian, từ bỏ những gì cản bước chúng ta trên đường theo Chúa. Bước qua cửa hẹp còn có nghĩa là giữ và sống Lời Chúa, thi hành giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh. Bước qua cửa hẹp còn là nhìn vào chính con người của mình như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta bước đi dưới con mắt của Ngài, vì biết rằng Chúa luôn luôn làm chủ cuộc sống của ta.
5. Truyện: Muốn vào hàng trai tráng.
Trong nhiều bộ lạc Da Đỏ Mỹ Châu, họ hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng. Người ta tổ chức như sau: Khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rợn rùng. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của con chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ bừng sáng. Nỗi sợ hãi của đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha sẽ hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.
Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi chúng ta cũng phải chấp nhận biết bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe dọa của sự dữ, gầm rú của đau khổ, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng ta thêm can trường dũng mãnh. Và trong suốt chiều dài của bóng đêm đó, dù ta có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh dõi mắt trông nhìn chúng ta.
CHƯA CÓ AI CAO TRỌNG HƠN ÔNG GIOAN
(THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 2 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa thôi thúc tâm hồn chúng ta lo dọn đường cho Con Một Chúa, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ sương ánh sáng mà Chúa sẽ ban cho những ai khao khát đợi trông Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Vừa cầu xin, vừa tha thiết mong chờ, khi cầu nguyện và cậy trông, chúng ta mong Chúa ban cho dân Người sự sống viên mãn. Ngày Chúa Kitô ngự đến, Người sẽ cứu thế gian khỏi chết. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì sương Đức Chúa ban là sương ánh sáng. Trong số những kẻ nghỉ yên trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ lòng khao khát được ngắm nhìn Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô Kim Ngôn nói: Vì yêu mến, người ta khát khao được ngắm nhìn Thiên Chúa. Tình yêu không thể không nhìn thấy điều mình yêu. Bởi thế, tất cả các thánh đều cho rằng những điều mình đã đạt được, vẫn còn quá ít, nếu không được nhìn thấy Chúa… Đức Chúa phán: Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy. Các ngươi sẽ nhận được ơn phù trợ từ Giêrusalem là đền thánh Ta đã chọn. Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ chan chứa niềm vui. Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Xion, sẽ cho Giêrusalem được vinh quang rạng rỡ.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ tin tưởng vào lòng từ bi thương xót, và tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia cho thấy: Chính Ta là Đấng cứu chuộc ngươi, là Đức Thánh của Ítraen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia đã kêu xin: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính đất mở ra đi, cho nẩy mầm Đấng cứu độ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Không ai cao trọng hơn ông Gioan, bởi vì, ông là ngôn sứ trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Độ, Đấng mà muôn dân khao khát đợi trông. Khi thấy thế gian chìm ngập trong sợ hãi, Thiên Chúa không ngừng hành động. Người lấy tình thương mà kêu gọi, lấy ân sủng mà thúc giục, lấy đức ái mà giữ gìn, và lấy sự dịu dàng mà ấp ủ. Đó là lý do khiến Người phải dùng đến hình phạt Hồng Thủy mà tẩy rửa mặt đất đã hóa ra khô cằn vì bao điều xấu xa. Đó cũng là lý do khiến Người kêu gọi ông Ápraham từ giữa dân ngoại, thêm cho tên ông một vần, đặt ông làm tổ phụ những người tin. Đó cũng là lý do khiến Người dùng các chiêm bao để khích lệ ông Giacóp, đang lúc ông trốn chạy. Đó cũng là lý do khiến Người dùng tiếng mẹ đẻ của ông Môsê kêu gọi ông, trò chuyện thân mật với ông như cha con, mời ông trở nên anh hùng giải phóng dân tộc mình. Ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đốt cháy lòng người, nên những ai mang vết thương lòng đều mong ước được nhìn xem Thiên Chúa nhãn tiền. Tình yêu nếu không được thoả mãn, sẽ làm cho người đang yêu héo hắt. Tình yêu làm nảy sinh ước muốn, lao mình vào những điều quá giới hạn. Chúa luôn thôi thúc tâm hồn chúng ta lo dọn đường cho Con Một Chúa, ước gì nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Ước gì được như thế!
LẮM PHÚC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”.
Trong đoản thơ “Những Chiếc Bóng Đổ”, “Shadows”, tác giả chia sẻ, “Thật tuyệt vời khi bạn chạy và ‘những chiếc bóng đổ’ chạy! Khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ reo ca; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ nhại lại. ‘Những chiếc bóng đổ’ chạy theo khi cuộc sống của bạn ngập tràn ánh nắng và hân hoan. Bạn quả là ‘lắm phúc!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu nữ thi sĩ Martha Wadsworth không tiếc lời để nói về ‘những chiếc bóng đổ’ của một người mẹ, thì với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không tiếc lời làm điều tương tự với Gioan Tẩy Giả, người Ngài ngưỡng mộ. Tuy nhiên, Ngài bất ngờ kết luận, “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Vậy sẽ có người ‘lắm phúc’ hơn Gioan?
Đúng thế! Chúa Giêsu thường ít khen ai ngoài một vài đối tượng có lòng tin mạnh! Dẫu vậy, ở đây, Ngài nức tiếng khi nói về Gioan. Ngài coi Gioan như đại ngôn sứ Êlia tái thế, người dọn đường cho Đấng Messia. Nhưng bất chợt, Ngài đảo ngược nhận định khi tiết lộ kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn Gioan. Họ là ai? Nước Trời ở đây là gì?
Hạng nhỏ nhất ở đây là những người ‘lắm phúc’ hơn Gioan; trong đó có chúng ta. Một ngạc nhiên đầy thú vị! Rõ ràng, Gioan vĩ đại, nhưng sự vĩ đại của Gioan chỉ để chuẩn bị cho một Đấng Vĩ Đại. Gioan ‘biết’ Ngài, nhưng không biết Ngài về sau! Gioan chỉ tay về phía Chúa Giêsu, nói cho các đồ đệ, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”, nhưng Gioan không sống để chứng kiến ‘sự xoá tội’ của Ngài sẽ thực hiện cách nào! Giao Ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô trên thập giá, Gioan chưa bao giờ nhìn thấy điều đó; Gioan cũng chưa bao giờ hoàn toàn là môn đệ của Ngài. Gioan không thể chia sẻ sự sống dồi dào khi được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô như mọi Kitô hữu có thể có.
Không hưởng nhận Thánh Thần của Chúa Kitô, Gioan mù tịt về Giáo Hội; đang khi chúng ta được ngụp lặn giữa biển ân sủng của Chúa Phục Sinh. Gioan không biết Vương Quốc Ngài thiết lập là gì, Nước Trời là gì và những ai thuộc về nó. Và Nước Trời không gì khác, chính Chúa Kitô! Đó là lý do tại sao “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời cao trọng hơn Gioan!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Những gì Gioan không biết là những gì chúng ta sở hữu: Được Thánh Thần tưới gội qua các Bí tích; Phúc Âm, các thư Phaolô và các tài liệu làm nên Tân Ước; sống trong lòng Mẹ Hội Thánh với sự hiện diện tràn đầy của Chúa Thánh Thần. Như vậy, chúng ta ‘lắm phúc’ hơn Gioan bội phần; không vì làm được nhiều, nhưng được ban nhiều. Rõ ràng, bạn và tôi không hề tầm thường chút nào. Vậy, hãy sống cho xứng tầm với ân sủng, mang lấy sức mạnh của Thần Khí để dám sống, dám nói và dám chết như Gioan hầu có thể làm chứng cho Tin Mừng và mở rộng Vương Quốc! “Hãy cầu xin Gioan ban cho ơn can đảm tông đồ để luôn nói sự thật; ơn yêu thương mục vụ. Điều này có nghĩa là đón nhận mọi người bằng những gì ít ỏi mình có thể cho đi, đó là bước đầu tiên. Chúa sẽ làm những bước còn lại!” - Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì con là ‘chiếc bóng đổ’ của Chúa. Những ngày Mùa Vọng, cho con biết chia sẻ ân phúc, nụ cười và ‘ánh nắng’ cho những ai ‘vận xúi, vô phúc!’”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn