TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 05/09/2024 14:57 |   279
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” (Lc 6,20-26)

11/09/2024
Thứ tư tuần 23 THƯỜNG NIÊN

t4 t23 TNb

Lc 6,20-26


sự sống đời đời là trên hết
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” (Lc 6,20-26)

Suy niệm: Ngày 4 tháng 8 năm 2005, một chiếc tàu ngầm Nga gặp nạn ở độ sâu 190 mét dưới lòng biển. Sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ Nga đã lên tiếng xin các nước có khả năng giúp cứu sống 7 thuỷ thủ của họ đang mắc nạn trong tàu. Sinh mạng của các thuỷ thủ được đặt trên các lo ngại khác. Ba ngày sau, họ được cứu sống. Sự sống ở đời này còn quý vậy huống hồ sự sống đời đời. Các tín hữu thời thánh Lu-ca khốn khổ vì bị xã hội kỳ thị, tước mất quyền lợi, hành khổ chỉ vì họ là người thuộc về Giê-su Ki-tô. Càng xôn xao hơn khi có người trong cộng đoàn vì lợi lộc hay mạng sống đã phản bội và từ bỏ niềm tin vào Chúa Giê-su. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu đã nhớ lại lời của Chúa, nhắc lời Chúa cho nhau : Có thập giá trên con đường họ đi tới là dấu chỉ chắc chắn họ đang đi đúng đường. Đành rằng phải chịu mất mát, đớn đau, nhưng sự sống đời đời với Chúa Giê-su vẫn quý hơn, được đặt trên những thiệt thòi người đời gây nên.

Mời Bạn: Những lúc bối rối hoang mang bạn có nhớ tới lời của Chúa không? Sự sống đời đời được bạn coi trọng hơn hết không?

Chia sẻ: Mời bạn tìm hiểu cuộc đời của một thánh tử đạo Việt Nam (chẳng hạn thánh An-rê Kim Thông) để noi gương dấn thân theo Chúa đến cùng.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng một hy sinh để tỏ lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con rất vướng víu vì những giằng kéo hằng ngày làm con không sống trọn cho Chúa. Xin cho con dám chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi giữa cuộc đời để con luôn vui bước trọn con đường theo Chúa.

Ngày 11: Lạy Chúa! Xin cho chúng con ý thức rằng: Người có trí tuệ, sẽ không sống theo miệng lưỡi thế gian, cũng không sợ hãi ánh nhìn thiên hạ. Chỉ cần, chúng con hiểu được lòng mình, quan sát những điều hay dở của bản thân, rồi dần dần sửa đổi, cũng là một cách tu tập, và trui rèn bản thân. Đời người, lạc lõng lớn nhất, là không có chỗ nương tựa tâm linh, không biết nơi cần phải hướng về. Xin cho chúng con xác tín rằng: Chúa chính là cùng đích, và cứu cánh của cuộc đời chúng con, chúng con có thể đánh mất tất cả, nhưng, nhất định không bao giờ để mình bị lạc xa Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ tư tuần 23 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 3, 1-11

“Anh em đã chết với Ðức Kitô. Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, tức là những điều trần tục: là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Vì những tội ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những người con phản nghịch. Xưa kia anh em cũng đã sống trong những tội ấy, khi anh em sống trong những thói hư nết xấu đó. Nhưng bây giờ, anh em hãy loại bỏ tất cả những điều đó, là sự giận dữ, phẫn nộ, độc ác, phạm thượng, và lời tục tĩu bởi miệng anh em. Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa; nhưng Ðức Kitô là mọi sự và ở trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài (c. 9).

Xướng: Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 7, 25-31

“Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, về những người đồng trinh, tôi không có lời Chúa truyền dạy nào, nhưng tôi đã được Chúa thương, nên tôi cho ý kiến như một người đáng tin cậy. Vậy tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt theo nhu cầu hiện tại. Phải, người ta ở vậy quả là một điều tốt. Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa. Nhưng nếu ngươi cưới vợ, ngươi chẳng có tội gì. Và nếu kẻ đồng trinh kết bạn, thì chẳng có tội gì. Nhưng những người thể ấy, sẽ chuốc lấy khốn khổ vào thân. Phần tôi, tôi muốn cho anh em tránh được điều đó.
Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ăn ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 11-12. 14-15. 16-17

Ðáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai (c. 11a).

Xướng: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ, để Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người.

Xướng: Tất cả huy hoàng là nàng công chúa đi vào cung nội, áo nàng dệt bằng những sợi chỉ vàng. Bận áo gấm sặc sỡ, nàng được dẫn tiến Ðức Vua, theo sau nàng là những cô trinh nữ bạn bè, họ cũng được bệ kiến long nhan.

Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. Người sẽ có con nối gót tiên vương liệt vị, và phong họ làm quan trên cả sơn hà.

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia. alleluia! – Chúa nói: Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.- Alleluia)

Phúc Âm: Lc 6, 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

CÁC MỐI PHÚC THẬT (Lc 6,20-26)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca nêu lên bốn mối phúc và bốn mối họa như một lời báo trước cuộc phán xét của Đức Giê-su trong ngày cánh chung. Bốn mối phúc như là những đòi buộc của Chúa đối với các môn đệ chân chính. Bốn mối họa không phải là lời nguyền rủa nhưng là lời khuyến cáo và tha thiết kêu gọi thống hối ăn năn. Chúng ta đã sống thế nào trước lời nhắn nhủ chân thành của Chúa?

2. Bài giảng được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong Tin Mừng Mát-thêu kể ra 8 cái phúc (Bát phúc), hôm nay đến lượt Tin Mừng Lu-ca thu lại chỉ còn 4 cái phúc và  4 cái khốn. Theo Mát-thêu, đây là bài giảng trên núi, bao gồm 8 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Còn Lu-ca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bấy 4 lời chúc phúc kèm theo 4 cái khốn, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giàu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn

3. Khi tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giê-su không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng  phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ khó nghèo”, Chúa Giê-su nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giê-su đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giê-su là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người (Mỗi ngày một tin vui).

4. “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em (Lc 6,20).

Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu chung của cả toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Nghèo đói thường đi với cực khổ và cũng thường gắn liền với tự ti mặc cảm. Do đó, đối với nhiều người, coi nghèo khó là hạnh phúc như lời  Đức Giê-su thật là điều nghịch lý! Thật ra, Chúa không đề cao tình trạng khố rách áo ôm hay chạy ăn từng bữa, nhưng cổ võ cho lối sống phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa, trong tinh thần liên đới với người lân cận. Nghèo khó mà Đức Gisu muốn dạy chúng ta là tinh thần nghèo khó, lấy Chúa làm nền tảng của mọi giá trị, cùng đích cho cuộc đời mình, chứ không dựa vào của cải. Đức Giê-su đã sống triệt để mối phúc nghèo khó qua cuộc sống hoàn toàn phó thác nơi Cha: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (5 phút Lời Chúa).

5. Vậy hạnh phúc ở đâu?

Ermann Coen được mệnh danh là thánh Au-gút-ti-nô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do-thái rất giàu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong bài giảng Mùa vọng tại Đền thờ Đức Bà ở Paris, ngài nói:

Tôi đã đi khắp cả mặt đất. Tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở vàng bạc, ở sắc đẹp… Ôi! lạy Chúa, những điều con mơ ước ấy con đã tìm ở đâu? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.

6. Truyện: Hạnh phúc của dân làng Aman.

Không có dấu hiệu bên ngoài nào chứng tỏ dân làng Aman giàu có. Nhưng niềm vui tươi nở trên mặt, chứng tỏ cái nghèo vật chất không cản họ sống hạnh phúc thực sự.

Phải, tất cả mọi người trong làng đánh cá Aman này đều sống trong yên vui.

Nhưng rồi một ngày kia, hai anh em đánh cá trong làng là Sôpôt và Sôpa lưới lên một thùng thật nặng. Khi thuyền về đến bờ, họ mở thùng ra và rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy thùng chứa đầy những viên ngọc quí. Hai anh em không biết làm gì với kho tàng, bèn đem nhau đến hỏi ý kiến nhà hiền triết Akian sống gần bên. Sôpốt hỏi:

– Thưa ngài, chúng tôi phải làm gì với những hạt ngọc này? Số lượng đủ để phân phát cho dân trong làng chúng tôi, mỗi người một hột và như thế mỗi người chúng tôi sẽ trở thành giàu có.

Nghe thế, nhà hiền triết trả lời cách khô khan:

– Hãy nên đổ lại xuống biển.

PHẦN THƯỞNG LỚN LAO
(THỨ TƯ TUẦN 23 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 23 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, xin Chúa lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta là những kẻ tin kính Đức Kitô, xin Chúa cho chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.

Tự do đích thực, khi biết quy hướng mọi sự về Chúa, bởi vì, chính Chúa là Đấng xét xử chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Khabacúc cho thấy: Quân áp bức bị chúc dữ. Dưới bàn tay của Thiên Chúa, người áp bức có thể đóng vai người thi hành công lý đối với dân đắc tội. Nhưng rồi ra, chính người áp bức cũng sẽ bị trừng trị thôi. Đó là xác tín và hy vọng của ngôn sứ cũng như của chúng ta, khi chung quanh chúng ta, mọi sự có vẻ như sụp đổ hết rồi. Những người không biết Luật Môsê mà cứ phạm tội, thì sẽ bị diệt vong, nhưng không phải là chiếu theo Luật đó. Còn những người biết Luật Môsê mà cứ phạm tội, thì sẽ bị xét xử theo Luật đó. Mọi người đã phạm tội, và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.

Tự do đích thực, khi biết kính sợ và yêu mến Chúa như con thơ đối với Cha hiền, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Một đàng chúng ta sợ hãi và thấy mình hèn mọn, một đàng chúng ta trông cậy và mến yêu… Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ luật Người. Khôn ngoan là biết kính sợ Thiên Chúa.

Tự do đích thực, khi biết dùng những thụ tạo như những phương tiện để đạt tới cứu cánh là chính Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 44, vịnh gia đã kêu gọi: Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có. Phần thưởng trên trời thật lớn lao dành cho những ai biết tin tưởng, cậy trông vào Chúa, tự nhận mình nghèo hèn khốn quẩn, không còn biết cậy dựa vào ai, ngoài một mình Thiên Chúa, càng khoét rỗng chính mình, chúng ta sẽ càng được Chúa tuôn đổ đầy tràn chan chứa. Nguyên lý và nền tảng của cuộc đời chúng ta là chính Chúa. Chúa dựng nên chúng ta, để chúng ta phụng sự Chúa và được hưởng hạnh phúc muôn đời. Biết kính sợ Chúa như Cha con thơ kính sợ Cha hiền, chúng ta sẽ cố gắng làm đẹp lòng Chúa. Biết Chúa là cùng đích, là cứu cánh thực sự, chúng ta sẽ chỉ sử dụng những thụ tạo như những phương tiện, bao lâu, chúng giúp chúng ta đạt tới cứu cánh, còn khi, chúng cản trở, và không còn trợ giúp, chúng ta sẽ sẵn sàng vứt bỏ, chứ không bám víu, khiến mình mất tự do; càng cậy dựa vào tiền của, vào sức riêng của mình, chúng ta sẽ càng trở nên mất tự do, càng khốn khổ bi đát trong thảm kịch đời mình. Chúa cứu chuộc và nhận chúng ta làm nghĩa tử, cùng lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn chúng ta là những kẻ tin kính Đức Kitô, ước gì chúng ta được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Ước gì được như thế!

CẦN MỘT TẦM CAO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em!”.

“Phúc cho ai nghèo khó, đang đói, đang khóc! Để hiểu nó, niềm tin của bạn cần một tầm cao! Mất để mất, mất để được! Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài; đồng thời, xác tín, đây là những lời từ miệng Ngài phán ra, “Phúc cho anh em, những kẻ nghèo khó!”. Rất nghịch thường, nhưng đó là sự thật. Để hiểu nó, niềm tin của bạn và tôi ‘cần một tầm cao!’.

Hãy hình dung Chúa Giêsu đang trìu mến nhìn vào khuôn mặt những kẻ theo Ngài, Ngài cũng yêu thương nhìn vào mắt bạn và tôi để nói những lời đó. Chúng ta chấp nhận và tin điều Ngài nói. Đương nhiên, nghèo nàn, đói khát, buồn phiền không hấp dẫn ai, nhưng Ngài tuyên bố chúng là những giá trị đích thực của Nước Trời. Và thế là đủ!

Ngài khuyến khích chúng ta hướng lên kho báu Nước Thiên Chúa, đừng sợ phải thiếu thốn, khó nghèo. Ngài sẽ chăm sóc, bồi thường. Thiên đàng đang đợi; ở đó, tiếng cười và niềm vui, một sự viên mãn khôn lường. Quả là gian nan khi không tìm kiếm ‘thiên đàng trên đất’ trong giàu sang, danh lợi vốn là những gì làm người đời mất sức lực, mất thời giờ, sức khoẻ để tài bồi; và rốt cuộc, tay trắng ra đi. Họ mất để mất! Phaolô nói, “Thời gian chẳng còn bao lâu. Ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì bộ mặt thế gian này đang biến đi!” - bài đọc một. Như vậy, ai không bị ràng buộc, dám mất tất cả vì Nước Trời, sẽ được tất cả. Mất để được! Niềm tin đó ‘cần một tầm cao!’.

Khác với các phúc của Matthêu, bốn phúc của Luca còn kèm thêm bốn hoạ, “Khốn cho các người là những kẻ giàu có”, “no nê”, “được vui cười”, “ca tụng”. Nếu con đường của bạn và tôi xem ra ‘phù hợp hơn’ với những mặt đối lập này; thì hôm nay, hãy nhìn lại! Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?

Vậy, đừng đặt niềm tin vào các thứ phù du; đừng tìm ‘hạnh phúc rẻ’ bằng việc chạy theo ‘những người bán khói’ đang chào mời một nền văn hoá chết chóc; họ những chuyên gia về ảo tưởng vốn chỉ khiến bạn ‘mất để mất!’. Bạn ‘cần một tầm cao’ của niềm tin hầu biết nhìn sâu sắc hơn về các thực tại và tự chữa lành tật ‘thiển cận kinh niên’ mà tinh thần thế tục đã tiêm nhiễm. Chúa Giêsu đang khuấy động chúng ta; qua đó, Ngài tiết lộ điều gì thực sự làm chúng ta phong phú, no thoả; mang lại niềm vui và phẩm giá; mang lại ý nghĩa và sự viên mãn cho một cuộc sống ‘mất để được!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Phúc cho anh em, những người nghèo khó!”. Hãy đặt các giá trị thế gian vào đúng vị trí của chúng! Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi cơn khát của cải, khỏi việc chạy theo những hứa hão của thế gian và khỏi việc đặt trái tim mình vào những gì thuộc tầm thấp! Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi tìm kiếm bất kỳ niềm vui nào trong khen ngợi của thế gian, vì điều đó có nghĩa là chúng ta đã đặt trái tim mình vào ‘vinh quang đất cát’ thay vì ‘vinh quang thiên đàng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mất cả chài lẫn chì - đời này lẫn đời sau - nếu con chỉ tìm kiếm những gì không phải Chúa hay những gì ‘ít Chúa’ nơi chốn lè tè này!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây