TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 12/09/2024 14:11 |   235
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,1-3)

20/09/2024
Thứ sáu tuần 24 THƯỜNG NIÊN

Thánh Anrê Kim và Phaolô Chung và các bạn tử đạo

t6 t24 TNb

Lc 8,1-3


‘nữ tông đồ’ của chúa
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,1-3)

Suy niệm: Trả lời cho phóng viên tờ La Croix trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng không có phụ nữ, Giáo Hội mất đi sức phong phú của mình. Vì chưng, một Giáo Hội không có các phụ nữ cũng giống như đoàn Tông Đồ không có Mẹ Ma-ri-a. Vai trò của phụ nữ không chỉ là người mẹ trong gia đình mà còn là hình ảnh của Đức Ma-ri-a, Đấng làm cho Giáo Hội sinh ra và lớn lên. Trong Tin Mừng Luca, cùng với nhóm Mười Hai, còn có các “nữ tông đồ” đi theo Chúa “trên từng cây số,” hỗ trợ vật chất cho các ngài. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng được thuận lợi hơn.

Mời Bạn: Hội Thánh được khai sinh để làm cho Nước Thiên Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu mọi dân nhận biết danh Thiên Chúa. Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Cho nên, dù bạn là nam hay nữ, giáo sĩ hay giáo dân, hãy tích cực đóng góp công sức, thời gian, khả năng, vật chất cho sứ vụ cao quý ấy của Hội Thánh.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi đọc điều răn thứ năm của Hội Thánh: “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu của Hội Thánh”? (GLHTCG, số 2043).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tự nguyện và thành tâm đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay Tòa Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả những gì con có là của Chúa ban; xin cho con biết sử dụng những nén bạc ấy cách tích cực và xứng hợp, hầu làm rạng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân.

Ngày 20: Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng cứ nghĩ mãi về một vấn đề, cũng đừng đặt tất cả tình cảm của mình vào một người duy nhất, bên cạnh chúng con, còn có gia đình, bạn hữu và rất nhiều việc khác cần phải lo. Xin cho chúng con nhớ rằng: cuộc sống luôn cho chúng con những cơ hội mới, gọi là ngày mai. Mỗi ngày trong đời, đều đáng trân trọng, xin cho chúng con đừng hối tiếc sự do dự hôm qua, rồi thụ động chờ đợi ngày mai đến. Xin cho chúng con sống trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện tại với Chúa, bởi vì, ngày mai có đến thì cũng đến từ hôm nay. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu tuần 24 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12

“Phần con, hỡi con người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.

Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20

Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ

Xướng: Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn.

Xướng: Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết.

Xướng: Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ.

Xướng: Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: “Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu”, họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 12-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại. Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.
Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 6-7. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!

Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.

Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

“Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐI THEO ĐỨC GIÊ-SU (Lc 8,1-3)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su không ngừng thi hành sứ mệnh của mình. Người đi khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin Mừng và quên cả mệt nhọc. Các môn đệ và các phụ nữ đi theo Đức Giê-su cũng cộng tác với Ngài trong sứ mệnh ấy. Đặc biệt tác giả Lu-ca cho biết những người phụ nữ theo Chúa là những người đã được Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh. Họ lấy của cải giúp đỡ Chúa. Tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi và ban ơn đều cùng với Đức Giê-su đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

2. Giữa một xã hội Do-thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hạng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do-thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam. Xuyên suốt Thánh Kinh Cựu Ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Judith, Esther và vài tiên tri) , thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông. Các luật sĩ Do-thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy (Hiền Lâm).

3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, để nói lên sự bình đẳng giữa nam và nữ, Đức Giê-su cho các phụ nữ tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Đức Giê-su và nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Đức Giê-su ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông đồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.

4. Đồng hành với Đức Giê-su, không chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có các phụ nữ – là những người đã được Ngài trừ cho khỏi quỷ và chữa lành bệnh. Tác giả Lu-ca còn cho biết thêm, họ “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ”. Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, đi theo ông thầy Giê-su, họ còn bị đòi hỏi nhiều hơn nữa: Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Như vậy, tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, kể cả hạng người tội lỗi, thu thuế hay chài lưới đều có cơ hội như nhau trong việc bước theo Đức Giê-su. Chỉ cần họ dám sẵn sàng từ bỏ mọi sự để “cùng đi với Ngài” (5 phút Lời Chúa).

5. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về chuyện Chúa dựng nên Adong và Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Adong. Rồi một cô bé nói tiếp: “Chúa dựng nên Adong xong, Người đứng ngắm và tự nhủ: “Ta sẽ làm đẹp hơn”, và thế là, Người dựng nên Evà.

Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ với những đức tính rất tốt đẹp: kiên trì, hy sinh, quảng đại… Nhờ vậy, họ có thể chu toàn nhiều vai trò rất quan trọng: sinh sản, nuôi dạy và giáo dục con cái trong gia đình, đồng thời cộng tác với mọi người để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Trong Giáo hội, người phụ nữ cũng có sứ mệnh quan trọng: cộng tác với mọi người để loan báo Thiên Chúa cho thế giới. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một ví dụ cụ thể cho điều này.

6. Nhìn lại hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng…! Nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạnh đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Ma-ri-a Madđalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gio-an-na thì lại là vợ viên quản lý của Hê-rô-đê.

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giê-su mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những người phụ nữ này đã “buông theo ân sủng” để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giê-su, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng sám hối, biến đổi, quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách chân thành.

7. Truyện: Phong chân phước cho hai phụ nữ.

Ngày 24/04/1994, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong chân phước cho “Hai bà mẹ gia đình”: bà Giana Beritta, người đã chấp nhận cái chết khi sinh con để con được sống. Và bà Elizabeth Catannory, người đã bị chồng ruồng bỏ để đi theo tình nhân và tệ hơn nữa đã hại đứa con gái đầu lòng làm cho nó phải chết khi vừa mới chào đời. Tuy nhiên, bà vẫn trung thành với sứ mệnh làm vợ, làm mẹ, bà đã biết chấp nhận những hy sinh để xin thánh hóa bản thân cũng như tha nhân theo tinh thần của dòng Chúa Ba Ngôi mà bà gia nhập như hội viên dòng ba. Niềm mong ước của bà đã được thể hiện sau khi bà qua đời: người chồng đã trở lại, lúc đầu cũng xin gia nhập dòng Chúa Ba Ngôi và sau đó đã trở thành linh mục dòng Phan-xi-cô.

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã nhận định rằng: “Việc làm mẹ có thể trở thành nguồn vui nhưng thường cũng là nguồn đau khổ. Trong trường hợp đó, tình yêu trở nên thật cần thiết ở mức độ anh hùng trong con tim của bà mẹ. Ngày hôm nay, chúng tôi muốn tôn kính không những hai bà mẹ phi thường này mà còn biết bao bà mẹ khác, không quản ngại hy sinh để giáo dục con cái của mình”.                                                                            

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Anrê Kim và Phaolô Chung và các bạn tử đạo

 

Ca nhập lễ

Linh hồn các Thánh, những Đấng đã theo chân Chúa Kitô, được vui mừng trên trời; và vì yêu mến Người, các ngài đã đổ máu mình ra, bởi thế các ngài luôn luôn hân hoan với Chúa Kitô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng tạo thành và cứu độ muôn dân. Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin công giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhận lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến lễ vật của cộng đoàn dân Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn, tử đạo. Xin biến đổi chúng con thành của lễ được Chúa chấp nhận, để chúng con có khả năng góp phần vào công trình cứu độ thế giới. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Các con đã kiên trì với Thầy trong cơn gian nan của Thầy, và Thầy sắp đặt Nước trời cho các con, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong lễ mừng các thánh tử đạo hôm nay, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để ban sức mạnh cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Con Một Chúa, nhờ đó, trong Hội Thánh chúng con sẽ cộng tác tích cực hơn vào công trình cứu độ. Chúng con cầu xin…
 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang được phong thánh cùng với một trăm mười một vị tử đạo khác do Đức Gioan Phaolô II, năm 1984, nhân dịp Đức giáo hoàng tới Triều Tiên. Lễ kỷ niệm được ghi vào lịch năm 1985, định vào ngày giữa 16 tháng 9, kỷ niệm thánh Anrê Kim tử đạo, bị chặt đầu ở Séonl, và 22 tháng 9, ngày tử đạo của thánh Phaolô Chong, cũng bị hành quyết năm 1846.

Việc truyền giáo cho Triều Tiên bắt đầu từ thế kỷ XVII, nhờ lòng can đảm của một số giáo dân; họ đã lập nên một cộng đoàn sốt sáng tồn tại cho tới khi các thừa sai người Pháp tới. Các vị tử đạo tôn kính hôm nay đều thuộc cộng đoàn đó, tất cả đều là người Triều Tiên, trừ ba vị giám mục và bảy linh mục thuộc Hội truyền giáo hải ngoài Paris, đều bị hành quyết trong các cuộc bách hại 1839, 1846. Trong số đó có thánh Laurent Imbert, sinh tại Aix-en-Provence, thụ phong giám mục tại Triều Tiên, tử đạo năm 1839, thánh Pierre Maubant và Jacques Chastan.

Anrê Kim Taegon sinh trong một gia đình quyền quí ở Triều Tiên. Thân phụ là ông Ignace cũng tử đạo, năm 1821. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được hai bức thư của cha Kim: một lá viết từ trong tù gửi cho giám mục Ferréol, người đã truyền chức linh mục cho cha tại Macao, Trung Quốc; lá thư thứ hai gửi các đồng đạo Triều Tiên khác. Thánh Anrê Kim Taegon là linh mục tử đạo thứ nhất người Triều Tiên.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh tính phổ quát trong nhiệm cục cứu rỗi của Chúa, là “Đấng sáng tạo và là sự cứu rỗi cho mọi dân tộc”. Vậy nên Giáo hội tự bản chất phải truyền giáo, như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở: “Được Chúa sai đến với lương dân để trở thành bí tích cứu rỗi mọi người, Giáo hội, vì các yêu cầu nội tại do tự bản chất phổ quát của mình và tuân theo lệnh truyền của Đấng sáng lập (Mc 16,16) hết sức cố gắng hướng tới việc rao giảng cho mọi người” (TG 1).

Đề tài khác được phụng vụ trong ngày triển khai là tử đạo được Giáo hội xem là ơn huệ lớn lao và là chứng cứ của lòng mến siêu việt (LG 42). Chính nhờ tử đạo mà hạt giống rơi xuống đất mang lại nhiều hoa trái (Ga 12,24).

Enzo Lodi
 

TRUNG THÀNH TUÂN GIỮ GIỚI RĂN CHÚA
(LỄ THÁNH ANRÊ KIM TÊGON & PHAOLÔ CHUNG HASAN 20/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ muôn dân, Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin Công Giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn, Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh Anrê Kim, Phaolô Chung và các bạn, tử đạo. Xin Chúa nhậm lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng ta biết noi gương các ngài để lại, là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, mới có những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp đến. Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866 và 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Kế đó là người tông đồ giáo dân Phaolô Chung Hasan. Còn những vị khác, đa số là giáo dân. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.

Trung thành tuân giữ giới răn Chúa, như Chúa hằng ghi nhớ giao ước của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Giêrusalem là người vợ bất trung. Dùng lối văn phúng dụ của Hôsê, Êdêkien kể lại câu chuyện tình giữa Thiên Chúa với Dân Người. Là người vợ bất trung, Dân Chúa đã bị trừng phạt, rồi được thứ tha, nhưng chứng nào tật nấy. Thiên Chúa là người chồng bị xúc phạm, vẫn quảng đại thứ tha. Ơn thứ tha là một cái gì khủng khiếp, vượt xa mọi khái niệm công trạng, sẽ là hình phạt thiết thực nhất khiến người vợ bất trung phải hổ thẹn. Ta đã gọi ngươi về như gọi người phụ nữ bị bỏ rơi. Lúc bừng bừng lửa giận, Ta đã ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa keo sơn, Ta chạnh lòng thương xót. Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân, Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu.

Trung thành tuân giữ giới răn Chúa, dù cho có hy sinh cả mạng sống mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Huấn dụ cuối cùng của thánh Anrê Kim Têgon cho thấy: Chúng ta hãy tuân theo ý Thiên Chúa, anh em hãy hết lòng chiến đấu cho thủ lãnh trên trời là Đức Giêsu… Đây là các vị tử đạo đã làm chứng cho Chúa Kitô và ca ngợi Thiên Chúa mà không sợ những lời đe doạ. Máu các ngài đổ ra là mầm giống làm nảy sinh các Kitô hữu. Bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực các ngài được mọi người biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng kỳ thực các ngài vẫn sống; bị coi như chẳng có gì, nhưng kỳ thực là có tất cả.

Trung thành tuân giữ giới răn Chúa, bằng việc giữ vững niềm tin vào Đức Kitô phục sinh và trung thành làm chứng cho tình yêu Chúa, trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 16, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, khi thức giấc, con được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan. Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài khỏi quân thù xông đánh. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Trong bài Tin Mừng, các bà cùng đi với Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai, đã lấy của cải mình mà giúp đỡ các ngài. Những người phụ nữ là những người bé mọn được Chúa mặc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời, nên, các bà đã bỏ mọi sự mà dấn thân phục vụ Chúa. Các thánh tử đạo Hàn Quốc cũng là những người giáo dân bé mọn, nên, đã quyết đổ máu mình để làm chứng cho đức tin. Ước gì chúng ta biết noi gương các ngài để lại, mà trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Ước gì được như thế!

PHỤ NỮ

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cùng đi với Ngài, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ đã được Ngài trừ quỷ và chữa lành”.

“Trái ngược với phong tục Do Thái đương thời, theo đó, phụ nữ được coi là có địa vị thứ yếu. Chúa Kitô đã đạt được một điều gì đó mà chúng ta có thể gọi là ‘giải phóng phụ nữ!’” - Bênêđictô 16.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu không lên đường thi hành sứ vụ một mình; đi theo Ngài, còn có Nhóm Mười Hai và mấy ‘phụ nữ’ đã được Ngài chữa lành - và nói như Đức Bênêđictô 16 - ‘được giải phóng!’.

Với Đức Phanxicô, “Không thể phủ nhận, các ‘phụ nữ’ đã đóng góp vào lợi ích chung theo cách riêng của họ. Chúng ta thấy điều này trong Thánh Kinh, nơi ‘phụ nữ’ thường đóng một vai trò quan trọng vào những thời khắc quyết định trong lịch sử cứu độ. Hãy nghĩ đến Sarah, Rêbêcca, Judith, Susanna và Ruth, lên đến đỉnh điểm với Maria và những ‘phụ nữ’ đã đi theo Chúa Giêsu thậm chí đến tận thập giá, nơi - chúng ta đừng quên - người đàn ông duy nhất còn lại là Gioan, đang khi những người khác đều đã bỏ trốn. Chỉ những người can đảm mới dám ở lại, và họ là ‘phụ nữ!’. Sau đó, trong lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể nghĩ đến những ‘phụ nữ’ như Catarina Siêna, Joséphine Bakhita, Edith Stein, Têrêxa Calcutta!”.

“Và chúng ta cũng có thể nghĩ đến “những người phụ nữ hàng xóm”, những liệt nữ anh hùng chịu đựng những cuộc hôn nhân khó khăn, những đứa con có vấn đề... đó là những con người mạnh mẽ sống chủ nghĩa anh hùng của phụ nữ. Ngoài những khuôn mẫu của một thể loại tiểu sử của một số thánh nữ, tất cả ‘phụ nữ’ này đều có quyết tâm, lòng dũng cảm, lòng chung thủy ấn tượng, đáng chú ý vì khả năng kiên trì, cả trong đau khổ, để truyền đạt niềm vui, sự chính trực, sự khiêm nhường và quyết tâm vững chắc!”.

“Lịch sử của chúng ta đầy dẫy những ‘phụ nữ’ như thế, dù nổi tiếng hay vô danh - mặc dù không phải với Chúa! - họ đã truyền cảm hứng và duy trì hành trình của các gia đình, xã hội và Giáo Hội. Đó là lý do tại sao các Nghị phụ Công Đồng Vaticanô II đã viết, “Vào thời điểm này, khi nhân loại đang trải qua những thay đổi sâu sắc như vậy, ‘phụ nữ’ có thể giúp nhân loại thoát khỏi sự thoái hoá rất nhiều!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cùng đi với Chúa Giêsu, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ”. Đây là nhận xét của chỉ một mình Luca. Ước muốn đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một cảm xúc; đúng hơn, đó là một cảm nhận biết ơn đáng kinh ngạc và kết quả là, một ‘tương quan mới’ được tạo ra bởi quà tặng ân sủng và cứu rỗi. Ân sủng đã biến đổi cuộc sống họ; và họ sẵn sàng và sẵn lòng biến Chúa Giêsu thành trung tâm đời mình. Họ hỗ trợ sứ vụ của Ngài bằng cách cung cấp vật chất cho công cuộc truyền giáo. Họ sẽ còn được Luca nhắc đến khi từ đồi Canvê, theo dõi tất cả những gì diễn ra chung quanh cái chết của Thầy. Họ thấy ngôi mộ và cách thi hài Ngài được đặt; sau đó, đến mồ ngày thứ nhất trong tuần, họ đã gặp Chúa Phục Sinh. Họ trở nên mẫu mực về sự cởi mở trước ân sủng, về sự sẵn sàng cho đi một cách hào phóng và về lòng yêu mến Đấng họ đã đi theo!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin trả công bội hậu cho những liệt nữ quảng đại - được biết đến hay vô danh - đã cống hiến cho xã hội và Giáo Hội; cách riêng cho sứ vụ của con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây