TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu Kitô – Đường Vương quốc Thiên Chúa

Thứ hai - 07/11/2022 18:13 | Tác giả bài viết: Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên |   1082
Thiên Chúa là Vua với nghĩa rằng Người là Đấng Sáng Tạo, là Chủ Thể và là Thẩm Phán của con người cũng như vạn vật (1 Sbn 29,10-12; Tv 24,10; Tv 103,19).
Đức Giêsu Kitô – Đường Vương quốc Thiên Chúa
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA
WHĐ (07.11.2022) - Trong tiếng Hy-lạp, ‘βασιλεία του Θεού’ (Basileia tou Theou/ Kingdom of God) có nghĩa là Nước Thiên Chúa, Triều Đại Thiên Chúa hay Vương Quốc Thiên Chúa. Khái niệm tương đương với ‘βασιλεία του Θεού’ (Nước Thiên Chúa) là ‘βασιλεία τῶν Οὐρανῶν’ (Basileia ton Ouranon, Kingdom of Heaven) có nghĩa là Nước Trời. Khái niệm Nước Trời được sử dụng nhiều trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu. Tân Ước không có sự phân biệt về mặt ý nghĩa giữa ‘Nước Thiên Chúa’ và ‘Nước Trời’ bởi vì cả hai diễn tả cùng một thực tại. Chẳng hạn, theo thánh Mác-cô: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” [Hy-lạp: ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ] (Mc 1,15); còn theo thánh Mát-thêu: “Vì Nước Trời đã đến gần” [Hy-lạp: ἤγγικεν γὰρ ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν] (Mt 4,17). Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI) cho biết rằng khái niệm Nước Thiên Chúa hay Nước Trời xuất hiện 122 lần trong Tân Ước, trong đó 99 lần ở Tin Mừng Nhất Lãm, với 90 lần từ miệng Đức Giê-su (Joseph Ratzinger, Eschatology - Death and Eternal Life, 1988, 24-25). Điều này nói lên tầm quan trọng của ‘Nước Thiên Chúa’ trong giáo huấn của Đức Giê-su. Hơn bất cứ ai khác, Đức Giê-su dùng khái niệm Nước Thiên Chúa nhiều nhất để nói về thực tại gắn liền với căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Khái niệm βασιλεία bao gồm ba khía cạnh: Vương quốc (lãnh thổ), vương triều (thời kỳ), vương quyền (chế độ). Trong khi dân Do-thái quan tâm khía cạnh thứ nhất, Đức Giê-su lại quan tâm khía cạnh thứ hai và thứ ba.
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức về ba thực thể quan trọng của một vương quốc là đất đai, dân chúng và vua. Đối với nhiều nền văn hóa trên thế giới, người ta xem vua là người được tuyển chọn bởi thần minh hay con cái thần minh để đứng đầu một vương quốc, dân tộc hay vùng lãnh thổ. Vua thiết lập lề luật, ban ân huệ, ra hình phạt và là thẩm phán tối cao của những người thuộc quyền mình. Vua thường sở hữu nhiều tài sản, đất đai cũng như muôn hình thức lợi lộc khác. Đặc biệt, trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, người ta thường dùng hình ảnh quen thuộc của thế giới hữu hình để diễn tả thế giới vô hình, thế giới siêu việt, thế giới thần thánh. Đối với dân Do-thái, Thiên Chúa là Vua không phải là tước hiệu mới mẻ trong văn hóa của họ. Thiên Chúa là Vua với nghĩa rằng Người là Đấng Sáng Tạo, là Chủ Thể và là Thẩm Phán của con người cũng như vạn vật (1 Sbn 29,10-12; Tv 24,10; Tv 103,19).
Trên núi Xi-nai, Đức Chúa truyền cho Mô-sê nói với con cái Ít-ra-en: “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en” (Xh 19,5-6). Dân Do-thái thiết lập chế độ quân chủ vào khoảng thế kỷ XI trước Công Nguyên. Sách Sa-mu-en cho chúng ta biết rằng khi Sa-mu-en đã già, ông đặt các con trai của mình làm thủ lãnh Ít-ra-en nhưng họ đã không theo đường lối của ông. Các kỳ mục Do-thái đến gặp ông ở Ra-ma và nói: Xin ông lập cho chúng tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc (1 Sm 8,5). Thế rồi Sa-un được chọn và trở thành vị vua đầu tiên của Ít-ra-en (1 Sm 9,1-11,15). Tuy nhiên, vị vua lừng lẫy nhất trong lịch sử Ít-ra-en là Đa-vít (2 Sm 5,1-12). Qua dòng thời gian, dân Do-thái luôn mong đợi Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.
Khi nói về vương triều của Đấng Mê-si-a, tác giả Thánh Vịnh viết: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Tv 72,7-8); khi ngợi khen Đức Chúa là Vua, tác giả Thánh Vịnh viết: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145,10-12). Việc nhìn nhận Thiên Chúa là Vua và triều đại của Người siêu việt so với các vua cũng như các triều đại trên trần gian ăn sâu vào văn hóa, truyền thống của dân Do-thái. Chẳng hạn, trong thời lưu đày lần thứ hai ở Ba-bi-lon, ngôn sứ Đa-ni-en nói với vua Na-bu-cô-đô-nô-xo: “Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt” (Đn 2,44). Sau khi Đa-ni-en giải thích cho vua về giấc chiêm bao của mình thì vua nói với Đa-ni-en: “Thiên Chúa của ngươi quả là Thần các thần, là Chúa Tể các vua, và là Đấng mặc khải những điều bí ẩn; nhờ thế ngươi mới có thể tỏ lộ điều bí ẩn này” (Đn 2,47). Tác giả sách Khôn Ngoan cũng cho chúng ta biết: “Đức Khôn Ngoan hướng dẫn chính nhân đi đúng đường đúng lối… cho chính nhân được thấy Nước Thiên Chúa…” (Kn 10,10). Chính Đức Giê-su là Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã được đề cập trong Cựu Ước (Cn 8,12-31; Hc 24,8; Br 3,38).
Trình thuật trong sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa được thực hiện bởi Đấng Mê-si-a phát xuất từ dòng dõi Đa-vít: ”Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5-6). Trình thuật này trở nên hiện thực ở thời Tân Ước. Cụ thể là trong biến cố Truyền Tin, sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a về Đức Giê-su như sau: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Tuy nhiên, Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a mà sứ thần Gáp-ri-en loan báo vĩ đại và siêu việt hơn Đấng Mê-si-a mà dân Do-thái hằng mong đợi.
Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Người bị ma quỷ cám dỗ bốn mươi ngày trong sa mạc. Biến cố tiếp theo là khi Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê loan báo Tin Mừng. Lời đầu tiên trong sứ mệnh công khai của Người là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Theo các nhà chú giải, sám hối cũng có nghĩa là tin vào Tin Mừng hay sám hối và tin vào Tin Mừng đi đôi với nhau. Người ta thường nói ‘nghe nhạc dạo thì biết chương trình’. Thông thường, lời đầu tiên, lời dẫn nhập, lời giới thiệu giúp người nghe nhận ra nội dung của những gì sắp xảy đến cũng như lộ trình thực hiện. Lời đầu tiên này có những hạn từ quan trọng như ‘thời kỳ đã mãn’, ‘Triều Đại Thiên Chúa’, ‘sám hối’, ‘Tin Mừng’. Với biến cố Đức Giê-su hiện diện giữa lòng gia đình nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người không còn ẩn giấu như xưa nữa bởi vì Thiên Chúa đã đến với con người, mang thân phận con người. Thiên Chúa hiện diện ‘bằng xương bằng thịt’ trong môi trường nhân loại và gần gũi con người tới mức con người có thể nhìn thấy, đụng chạm và thiết lập tương quan liên vị (1 Ga 1,1). Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy sám hối và tin tưởng vào tình thương vô bờ của Thiên Chúa là cho phép con người được trở thành thành phần trong Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su nói: “Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo” (Lc 16,16).
Một trong những từ quan trọng nhất liên quan đến lời mời gọi của Đức Giê-su trong Tân Ước là ‘μετάνοια’ (metanoia/ repentance). Từ này được dịch là sám hối hay hoán cải. Đây là từ ghép bởi giới từ ‘μετά/ meta‘, nghĩa là phía sau, vượt trên, với và động từ ‘νοέω/ noéō’, nghĩa là nhận thức, hiểu biết, xem xét, suy đi nghĩ lại. Như vậy, sứ mệnh trần thế của Đức Giê-su là mời gọi con người hãy trở về tận đáy lòng, hãy xem xét lại, hãy vượt qua tình trạng hiện tại, hãy thay đổi não trạng, hãy thay đổi tâm trí. Nói cách khác, mỗi người hãy trở về với chính mình và cộng tác với Đức Giê-su để cải thiện, để biến đổi hầu có được nhãn quan mới về mình, về Thiên Chúa, về người khác, về thế giới thụ tạo và các tương quan trong đó. Hãy biến đổi để là ‘chính mình’ như Đức Giê-su trở thành con người nhưng vẫn luôn là Thiên Chúa. Việc hoán cải bao gồm thay đổi thói quen và vì vậy sẽ có những đau khổ, hy sinh, căng thẳng, xáo trộn nhất định. Chẳng hạn, các môn đệ Đức Giê-su đều phải từ bỏ gia đình, nghề nghiệp, lối sống của các ngài để theo Đức Giê-su sau khi nghe lời của Người (Mt 4,18-21; Mt 10,1-4). Đức Giê-su mời gọi họ hoán cải với mục đích là tham dự vào chương trình loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người.
Trong sứ mệnh công khai, Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ hay dấu chỉ để giúp mọi người tin rằng sự hiện diện và hoạt động của Người là sự hiện diện và hoạt động của Nước Thiên Chúa, chẳng hạn như Người chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết. Đặc biệt, Người đã chọn Nhóm Mười Hai để thiết lập Vương Quốc Ít-ra-en mới. Con số mười hai gợi lên trong chúng ta lịch sử dân Do-thái được hình thành bởi Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp (Ít-ra-en) với mười hai người con trai. Từ một gia đình, một bộ tộc, một dân tộc, Thiên Chúa đã cho dòng dõi Áp-ra-ham trở thành vương quốc hùng mạnh so với những dân khác trong các vùng phụ cận. Đức Giê-su ban năng quyền cho Nhóm Mười Hai để họ trở thành những tông đồ thực thụ của Người. Thánh Lu-ca trình thuật: “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,1-2). Mặc dù các môn đệ là những người yếu đuối và giới hạn trăm chiều, Đức Giê-su đã mời gọi họ sống với Người, lắng nghe và học hỏi từ Người, nhất là chứng kiến những công việc Người làm và làm theo những điều Người truyền dạy. Trong số mười hai môn đệ, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã phản bội và tự kết liễu đời mình. Sau khi Đức Giê-su phục sinh, sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết thánh Phê-rô đã chủ trì việc tuyển chọn Mát-thi-a thay thế Giu-đa Ít-ca-ri-ốt để tiếp tục sứ mệnh Đức Giê-su đã giao phó (Cv 1,15-26). Bởi vì, các ngài ý thức rằng Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải được loan báo luôn mãi trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế nhờ các môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su qua các thế hệ (Mt 28,18-20).
Với hành trình loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy thay đổi quan niệm về các tương quan giữa Thiên Chúa với con người và con người với nhau. Chẳng hạn: Thay đổi quan niệm về cách thức cầu nguyện (Lc 18,9-14), về người lớn nhất và người nhỏ nhất (Lc 9,46-48), về trật tự văn hóa, xã hội (Lc 14,7-11), về cha mẹ và anh chị em (Mt 12,46-50), về việc tái sinh trong ân sủng để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,1-5), về nơi phụng thờ Thiên Chúa (Ga 4,21-26), về cách nhìn nhận nguồn gốc Đấng Mê-si-a (Ga 7,25-30), về con cháu Áp-ra-ham (Ga 8,31-41), về sự công chính (Mt 5,20), về luân lý (Mt 5,27-30), về ly dị, tái hôn (Mt 5,31-32), về thề thốt (Mt 5,33-37), về công bằng (Mt 5,38,42), về tình yêu (Mt 5,43-48), về trật tự xã hội (Mt 20,25-26), về các thành phần trong Nước Thiên Chúa (Mt 21,31). Quả thực, ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su thì phải thay đổi, phải hoán cải tâm hồn, lắng nghe lời của Người và cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân sao cho ngày càng xứng đáng với danh hiệu là công dân của Nước Thiên Chúa giữa dòng đời.
Trong bài giảng Tám Mối Phúc (Hiến Chương Nước Trời), Đức Giê-su công bố và diễn giải những tiêu chuẩn luân lý mới cho những ai tham dự Nước Trời (Mt 5-7). Theo trình thuật của thánh Mát-thêu, trước Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã đến Ga-li-lê và công bố rằng Nước Trời gần đến (Mt 4,17). Người đã giảng dạy, chữa bệnh và kêu gọi các môn đệ. Đây là những dấu chỉ diễn tả sự hiện diện và hoạt động của Nước Trời. Trong bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su hai lần đề cập đến hạn từ ‘Nước Trời’: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) và “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Các mối phúc khác thì hạn từ ‘Nước Trời’ không xuất hiện. Tuy nhiên, hạn từ ‘Nước Trời’ ở mối phúc đầu và mối phúc cuối tạo nên cấu trúc quy tâm, nghĩa là ai sống theo những gì được nêu trong Tám Mối Phúc đều được thừa hưởng Nước Trời. Người mời gọi mọi người tuân giữ lề luật của Thiên Chúa đã được Người kiện toàn theo tinh thần Tám Mối Phúc (Mt 5,17-19), tức là luật Tin Mừng. Đồng thời, Người nhấn mạnh sự trổi vượt về đức công chính của các môn đệ khi giữ luật Tin Mừng so với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu chỉ giữ luật Mô-sê: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).
Thánh Lu-ca trình thuật rằng có một người giàu có đến với Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 18,18). Đức Giê-su đã liệt kê một số giới răn trong Cựu Ước, chẳng hạn như chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ (Lc 18,20). Ông ta trả lời rằng mình đã tuân giữ các điều răn đó từ thuở thiếu thời. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su nói rằng ông chỉ thiếu một điều là bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo để được kho tàng trên trời thì ông ta hết sức buồn sầu. Người nhìn ông và nói: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,24-25). Những người khác thì ngạc nhiên và hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Lc 18,26). Đức Giê-su nói với họ rằng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể (Lc 18,27). Lời của Đức Giê-su về ‘sự có thể’ của Thiên Chúa (possibility) gợi lại cho chúng ta lời của sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a về quyền năng và sự có thể’ của Thiên Chúa trong biến cố Truyền Tin (Lc 1,35-37).
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng người trần mắt thịt không thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa (Lc 17,20-21). Các thành phần trong Nước Thiên Chúa không phân biệt theo phẩm trật, địa vị, tuổi tác hay khôn ngoan, đa tài, thông giỏi. Thánh Mát-thêu trình thuật rằng: “Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-3). Kinh nghiệm cuộc sống cho mọi người nhận thức rằng trẻ nhỏ thường cậy dựa vào cha mẹ hơn là cậy dựa chính mình. Thiên Chúa mặc khải Người là Cha và mọi người được mời gọi mang lấy tinh thần, mang lấy trái tim, mang lấy tâm tình như trẻ nhỏ đối với cha mẹ chúng, nghĩa là luôn đơn sơ, luôn gần gũi, luôn hy vọng, luôn tin tưởng, luôn phó thác. Với Đức Giê-su, ai không đến với Thiên Chúa theo cách thức như vậy thì khó có thể đón nhận, sống và diễn tả Nước Thiên Chúa.
Tân Ước cho chúng ta biết rằng Nước Thiên Chúa là trọng tâm của Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng nhân loại. Tuy nhiên, trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su không đưa ra bất cứ định nghĩa nào về Nước Thiên Chúa. Tương tự như vậy, các giáo phụ, các thần học gia lỗi lạc trong lịch sử Giáo Hội cũng không đưa ra định nghĩa nào khả dĩ giúp mọi người hiểu biết toàn bộ thực tại có tên gọi là Nước Thiên Chúa. Nhìn chung người ta thường mô tả hơn là đưa ra định nghĩa về Nước Thiên Chúa. Trong nhãn quan Tân Ước, Nước Thiên Chúa là thực tại đa diện, chẳng hạn, có khi Đức Giê-su nói rằng Nước Thiên Chúa đến gần; có khi Người nói rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa mọi người; có khi Người nói rằng Nước Thiên Chúa sẽ đến trong tương lai. Chúng ta cùng nhau xem xét cách thức Đức Giê-su trình bày Nước Thiên Chúa và điều Người muốn mọi người hiểu biết thực tại này qua sứ điệp của Người.
Nước Thiên Chúa đến gần: Thánh Lu-ca trình thuật rằng Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ loan báo Tin Mừng và Người nói với họ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông" (Lc 10,9). Đồng thời, Người dặn họ rằng nếu nơi nào người ta từ chối không tiếp đón thì ra giữa các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần" (Lc 10,11). Khi đưa ra dụ ngôn cây vả đâm chồi báo hiệu mùa Hè, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,31). Khi trình bày như vậy, Đức Giê-su mời gọi mọi người luôn tỉnh thức, luôn sẵn sàng đón nhận Nước Thiên Chúa. Bởi vì, với bản tính của mình, con người thường sa chước cám dỗ, ham chuộng những gì thuộc thế gian hơn là sẵn lòng đón nhận những ơn ban của Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa hiện diện: Thánh Mát-thêu trình thuật rằng Đức Giê-su chữa một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm và cho anh ta nói và nhìn thấy được (Mt 12,22). Trong khi dân chúng thán phục thì những người Pha-ri-sêu lại cho rằng Đức Giê-su dựa vào thế quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ. Đức Giê-su nói với họ: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Còn thánh Lu-ca thì trình thuật rằng khi người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến, Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay ở kia kìa!, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông" (Lc 17,20-21). Điều này có nghĩa rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi ‘vương triều’ (thời kỳ cứu độ) và ‘vương quyền’ (quyền năng) của Đức Giê-su nhưng mắt trần không nhận ra; Đức Giê-su hiện diện nhưng người trần không nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Quả thực, con người thường quan tâm đến những gì khả giác, trong khi Thiên Chúa mời gọi con người hãy tin tưởng và quan tâm những gì mắt trần không thấy, chẳng hạn như khi thánh Tô-ma được Đức Giê-su phục sinh cho nhìn thấy vết thương thì tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa (Ὁ Κύριός μου καὶ Θεός μου). Đức Giê-su nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Khi trình bày Nước Thiên Chúa đã hiện diện, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Nước Thiên Chúa luôn gần gũi con người nhưng con người thường không nhận ra. Bởi vì, Nước Thiên Chúa không giống bất cứ nước nào trên trần gian này. Con người cần gắn bó với Đức Giê-su để có thể cảm nghiệm Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong tâm hồn mình cũng như trong thế giới thụ tạo.
Nước Thiên Chúa sẽ đến: Theo thánh Lu-ca, trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (Lc 22,18). Còn thánh Gio-an trình thuật rằng trong cuộc thương khó, khi Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su có phải là vua dân Do-thái không, Người đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18,36). Khi trả lời như vậy, Đức Giê-su cho Phi-la-tô và mọi người biết rằng Nước Thiên Chúa không thuộc ý muốn của con người, không phải là ‘sản phẩm’ do tay con người tạo nên. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhưng siêu việt lịch sử. Nước Thiên Chúa sẽ đến, Nước Thiên Chúa tương lai, Nước Thiên Chúa sung mãn sẽ làm cho lòng người no thỏa. Với Nước Thiên Chúa sung mãn, con người hữu hạn được kết hiệp với Thiên Chúa vô hạn, con người trong thời gian được kết hiệp với Thiên Chúa vĩnh cửu; con người tội lỗi được kết hợp với Thiên Chúa thánh thiện.
Nước Thiên Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến. Do đó, con người được mời gọi luôn ý thức về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa (chẳng hạn như sự thật, tình yêu, công bình, trung tín, bình an, liên đới) để được biến đổi và thông phần vào việc biến đổi anh chị em đồng loại. Khi diễn tả Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su thường dùng những hình ảnh. Chẳng hạn, Người nói: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng" (Mc 4,31-32). Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Nước Thiên Chúa giống như hạt cải gieo xuống lòng đất, nó thối đi và nẩy mầm. Hoạt động của hạt cải nằm ngoài sự kiểm soát của người gieo, nó lớn lên với năng lực nội tại của nó, chứ không phải năng lực của người gieo. Với dụ ngôn này, Đức Giê-su mời gọi mọi người tin tưởng vào lời Người hơn là tìm cách dự đoán, tính toán, lượng định hay đưa ra những phát biểu sai lạc về Nước Thiên Chúa. Quả thực, với quyền năng và ân sủng của Người, Thiên Chúa luôn thực thi những điều vượt quá sự hiểu biết của con người. Do đó, con người cần chuẩn bị tâm thế để có thể cảm nhận, có thể ngạc nhiên trước bao kỳ công Thiên Chúa thực hiện đối với bản thân, đối với anh chị em đồng loại và đối với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người quan tâm đến những thực tại sâu nhiệm qua những phép lạ hay dấu chỉ Người thực hiện. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, thánh Gio-an trình thuật: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,14-15). Rõ ràng, Đức Giê-su không muốn người ta hiểu Người là ‘vua xôi thịt’, vua thỏa mãn những nhu cầu đời sống vật chất của con người. Việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều nhắm đến hai điều quan trọng: (1) Nhắc nhở dân Do-thái về Man-na mà Thiên Chúa gửi đến cho cha ông họ ăn trong bốn mươi năm hành trình giữa sa mạc từ Ai-cập về Đất Hứa Ca-na-an và (2) chuẩn bị cho họ đón nhận bí tích Thánh Thể mà Người diễn tả trong hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6,22-71). Khi Đức Giê-su nói rằng Người là Bánh Hằng Sống cho mọi người, dân Do-thái tranh luận với nhau “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (6,52). Các môn đệ của Đức Giê-su cũng ngạc nhiên không kém: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Đối với dân Do-thái cũng như các môn đệ Đức Giê-su, việc Người hóa bánh ra nhiều cho họ ăn dễ hiểu và dễ đón nhận hơn là việc con người ăn Thịt và uống Máu của Người. Với họ, không làm mà có ăn là điều kỳ diệu rồi, là được ‘ở trong Nước Thiên Chúa’ rồi. Còn đối với Đức Giê-su, ai muốn ở trong Nước Thiên Chúa thì hãy ăn Thịt và uống Máu của Người để được nên một với Người như Người hằng nên một với Chúa Cha (Ga 17,20-21).
Trong cuộc khổ nạn, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” (Ga 18,33). Người trả lời: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36). Chắc rằng Phi-la-tô rất ngạc nhiên về câu trả lời của Đức Giê-su bởi vì trong thâm tâm ông không chuẩn bị để nghe câu trả lời ‘bất bình thường’ đến như vậy. Thông thường, khi nói đến vua, người ta thường nghĩ đến vua theo nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội. Quả thực, Đức Giê-su là Vua nhưng không phải vua theo nghĩa con người thường quan niệm mà là Vua tình yêu, Vua hạ mình, Vua phục vụ, Vua hy sinh, Vua thập giá. Điều Đức Giê-su muốn cho Phi-la-tô biết là hình thức và nội dung Nước của Người không giống bất cứ nước nào trên trần gian này. Nước của Người cũng không cạnh tranh với bất cứ nước nào hay thể chế nào trong gia đình nhân loại. Nước của Người hiện diện trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Theo trình thuật của thánh Gio-an, trước khi bị bắt và nộp cho Phi-la-tô, Đức Giê-su đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ của Người: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,14-17).
Cũng trong cuộc khổ nạn, khi chịu đóng đinh trên thập giá, Đức Giê-su xin Chúa Cha tha thứ cho những ai hành hạ Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Có hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su, một tên thách thức, trách mắng Đức Giê-su; một tên ăn năn sám hối những tội lỗi của mình. Anh ta thừa nhận rằng anh ta chịu đóng đinh như vậy là phải lẽ, xứng với việc anh ta làm (Lc 23,39-41). Đồng thời, anh ta nói với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" (Lc 23,42). Đức Giê-su trả lời rằng: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Tội lỗi của tên gian phi thật nhiều nhưng anh ta đã ăn năn sám hối và được tha thứ. Tên gian phi xin Đức Giê-su ở ‘thì tương lai’ (khi ông vào Nước của ông…) nhưng Đức Giê-su trả lời ở ‘thì hiện tại’ (hôm nay…). Đức Giê-su không nói rằng ‘sau này, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’ mà nói rằng ‘hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’. Đây thật là Tin Mừng lớn lao cho mọi người trong gia đình nhân loại bởi vì ai thành khẩn ăn năn sám hối tội lỗi của mình và nhận lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa thì tâm hồn được đầy tràn ân sủng và Nước Thiên Chúa thực sự hiện diện trong họ.
Chắc chắn rằng tên gian phi không nhìn thấy thần tính hay nhân tính của Đức Giê-su trên thập giá. Bởi vì, một vị Vua Trời hay vua nhân loại không thể kết thúc cuộc đời như vậy. Tuy nhiên, anh ta vẫn nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Vua đích thực của muôn người bởi vì anh ta đã lắng nghe Đức Giê-su nói, thấy việc Đức Giê-su làm cũng như quan sát cách thức người ta đối xử với Người trong biến cố Thập Giá. Thật là nghịch lý, một kẻ gian phi nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su, trong khi đó biết bao người am hiểu Kinh Thánh, lề luật và truyền thống Do-thái cũng như nhiều người khôn ngoan thông thái khác lại không nhận ra. Vương quyền Đức Giê-su thật cao cả nhưng lại được diễn tả trong cảnh bi thương như vậy. Đây là điều mà nhiều người Do-thái cũng như bao người khác không thể chấp nhận ngay cả trong thế giới hôm nay.
Đức Giê-su chịu chết trên thập giá là đỉnh điểm của sự tương phản giữa những giá trị của Nước Thiên Chúa và giá trị trần thế. Đức Giê-su là Vua, ngai của Người là thập giá, vương miện là mão gai, cẩm bào Người khoác là da thịt. Người thực hiện biết bao dấu chỉ, phép lạ để nâng đỡ và giải cứu người khác nhưng không thực hiện cho mình. Người đã không làm gì khi người ta thách thức xuống khỏi thập giá (Mt 27,39-44). Đức Giê-su chống lại các thế lực sự dữ với đôi bàn tay trống rỗng. Người không cầm khí cụ nào mà con người thường dùng. Khí cụ của người là tình yêu, tình yêu chiến thắng bao tội lỗi, hận thù, ghen ghét. Nói cách khác, Đức Giê-su đã minh chứng cho những giá trị của Nước Thiên Chúa bằng sự hy sinh, quên mình, trút bỏ. Điều Đức Giê-su muốn là những giá trị của Nước Thiên Chúa cần được thẩm thấu muôn người qua mọi thời đại. Quyền lực của Đức Giê-su không phải là quyền lực nhân loại nhưng là quyền lực Thiên Chúa, quyền lực yêu thương cho đến tận cùng, yêu thương cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự (Pl 2,6-8). Người đã không đến trần gian để trở thành Vua như bao vị vua khác trong lịch sử nhân loại nhưng trở thành Vua phục vụ và hiến dâng mạng sống hầu cứu chuộc muôn người (Mc 10,45).
Với Đức Giê-su, không phải ai mang danh là Ki-tô hữu thì được vào Nước Thiên Chúa, Người nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ’Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Kể cả những người đến thưa với Đức Giê-su rằng họ đã nhân danh Người mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm nhiều phép lạ cũng không thể được vào Nước Thiên Chúa (Mt 7,22-23). Đức Giê-su nói rằng những ai nghe lời Người và đem ra thực hành thì tương tự như người xây nhà trên đá nghĩa là tương quan giữa họ và Người luôn vững chắc. Ai mong đợi và đón nhận Nước Thiên Chúa bằng con tim của mình thì cũng hành động vì Nước Thiên Chúa với con tim thấm đượm giá trị Nước Thiên Chúa hầu làm cho Nước Thiên Chúa được tỏ hiện giữa lòng nhân loại. Như vậy, vấn đề chính yếu mà chúng ta cần quan tâm là những ai sống theo các giá trị mà Đức Giê-su loan báo và làm chứng thì được vào Nước Thiên Chúa (Lc 7,46-49; Lc 13,22-30).
Tân Ước cho chúng ta biết rằng những hy vọng, mong đợi của dân Do-thái về vị vua khôi phục sự hùng cường về mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho họ thì vắng bóng trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm của Đức Giê-su. Dân Do-thái mong đợi ‘bức tranh nhỏ’, Đức Giê-su ban tặng ‘bức tranh lớn’, cụ thể là: Dân Do-thái mong đợi nước Ít-ra-en hạ khởi, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa thượng xuất; dân Do-thái mong đợi nước Ít-ra-en trong thời gian, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa siêu việt thời gian; dân Do-thái mong đợi nước Ít-ra-en hữu hạn, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa vô hạn; dân Do-thái mong đợi vị vua xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, Đức Giê-su là vị Vua đến từ Thiên Chúa và cũng từ dòng dõi Đa-vít. Dân Do-thái mong đợi nước Ít-ra-en trong đó con người sống với nhau theo luật ‘mắt đền mắt, răng đền răng’ hay ‘yêu đồng loại và ghét kẻ thù’, Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa trong đó con người sống với nhau theo luật dẫn xuất từ Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1-12). Theo đó, ‘nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa’ hay ‘hãy yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ghét mình’. Dân Do-thái mong ước được giải thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang, Đức Giê-su giải thoát họ cũng như mọi người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Đây là sự giải thoát tận căn mà mọi người cần quan tâm để ý.
Như đề cập ở trên, Đức Giê-su không đưa ra định nghĩa về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm được một 'định nghĩa' về Nước Thiên Chúa trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Ai phục vụ Đức Ki-tô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng” (Rm 14,17-18). Kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức rằng hành trình của con người trong dòng lịch sử cũng là hành trình tìm kiếm công chính và bình an. Bởi vì, con người luôn đối diện với biết bao bất công, bất chính, bất an giữa lòng xã hội cũng như nơi bản thân mình. Nói cách khác, xã hội bất công, bất chính và tâm hồn con người bất an diễn ra nơi mỗi cá nhân cũng như các hình thức tập thể trong gia đình nhân loại. Khoảng bảy trăm năm trước Công Nguyên, lời Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết Đức Giê-su là ‘Vua công chính’, là ‘Hoàng Tử bình an’ (Is 9,5-6). Người không giống bất cứ vị vua hay vị lãnh đạo nào trong quá khứ, hiện tại cũng như mai ngày. Hành trình trần thế của Người là hành trình kêu gọi mọi người sống công chính để được hưởng bình an của Thiên Chúa. Sự công chính và bình an mà Đức Giê-su loan báo giúp con người không ngừng cải thiện đời sống trong hành trình hướng về sự công chính và bình an viên mãn trong Nước Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô cũng viết rằng Nước Thiên Chúa là ‘hoan lạc trong Chúa Thánh Thần’. Điều này giúp chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa lòng nhân loại. Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói: “Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3). Trước sự băn khoăn của Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói tiếp: "Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Quả thực, theo mặc khải Ki-tô Giáo, từ vĩnh cửu cũng như trong chương trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng Đức Giê-su (St 1,1-3; Is 11,1-2; Lc 1,35; Ga 14,16; Ga 20,21-23). Do đó, chúng ta không thể nói được điều gì đúng đắn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su mà không bởi sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Thánh Phao-lô khẳng định: “Không ai có thể nói rằng ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Quả thực, 'nước của con người' luôn bị ác thần chi phối, còn Nước Thiên Chúa luôn đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần, con người được trở thành công dân của Nước Thiên Chúa, thực thi thánh ý Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Giê-su cũng như Tin Mừng của Người.
Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng, sau khi phục sinh, Đức Giê-su còn hiện diện với các môn đệ theo nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn, những người đang tụ họp hỏi Đức Giê-su phục sinh: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? (Cv 1,6). Đức Giê-su đã trả lời: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,7-8). Quả thực, tâm thức chung của những người theo Đức Giê-su vẫn là tâm thức khôi phục Ít-ra-en, vương quốc xã hội trần thế, chứ không phải là Vương Quốc tâm hồn mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng đời sống của Người. Câu trả lời của Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng mọi người trong gia đình nhân loại đều được mời gọi chung hưởng ơn cứu độ và tham dự sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Như đề cập ở trên, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Nước Thiên Chúa không còn ẩn giấu, không còn là ‘tiềm năng’, nhưng đã ‘có hình có dạng’. Đức Giê-su hiện diện bằng xương bằng thịt giữa trần gian là điều lớn lao nằm ngoài sự tưởng tượng của con người qua mọi thời đại. Thiên Chúa đến với con người, đồng hành với con người, trực tiếp hướng dẫn con người. Trung tâm của Nước Thiên Chúa không còn là điều gì đó mơ hồ, trừu tượng, xa thực tế nhưng là một Ngôi Vị, là Đức Giê-su, Thiên Chúa thật và con người thật. Nhờ Người, con người mới có thể hiểu biết thực tại có tên gọi là Nước Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta có thể đặt câu hỏi ‘Nước Thiên Chúa là Ai (Who)?’ hơn là ‘Nước Thiên Chúa là cái gì (What)?’ bởi vì Đức Giê-su là ‘Nước Thiên Chúa’. Để tham dự sự sống của Nước Thiên Chúa, con người được mời gọi đi vào mối tương quan mật thiết với Đức Giê-su cho đến thời Thiên Chúa quy tụ tất cả trong Người (Ep 1,9-10).
Trở về với trình thuật thời thơ ấu của Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu, hình ảnh mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông hay các vua Phương Đông, vua Hê-rô-đê và Vua Giê-su đáng được chúng ta quan tâm (Mt 2,1-12). Bởi vì, ba hình thức vua này liên quan trực tiếp tới vận mệnh của chúng ta trong hành trình trần thế. Trình thuật của thánh Mát-thêu cho chúng ta biết rằng vua Hê-rô-đê bối rối, sợ hãi vì nghe tin vua dân Do-thái xuất hiện. Tâm thế vua bất an bởi vì vua chỉ ‘nhìn đất’, nhìn ngôi báu của mình và tìm cách hãm hại Vua Giê-su. Trong khi đó, các vua Phương Đông đã ‘nhìn trời’, đọc dấu chỉ của trời và lên đường tìm kiếm theo những dấu chỉ đó. Hơn nữa, khi tới Giê-ru-sa-lem, họ đã hỏi han dân bản địa về nơi sinh của Đấng Ki-tô. Như vậy, các vua Phương Đông đã thỉnh ý trời, thỉnh ý người để có thể đến được với Vua Giê-su. Khi gặp Người, họ mừng rỡ và dâng tiến Đức Giê-su tất cả những gì quý nhất (vàng, nhũ hương, mộc dược). Sau đó, ‘được trời hướng dẫn’, họ đã đi ‘đường khác’ mà trở về xứ sở mình. Trình thuật này giúp mọi người nhận thức rằng ai gặp gỡ Vua Giê-su cách chân thành thì được biến đổi; ai gặp gỡ Vua Giê-su cách chân thành thì không đi theo đường cũ, tức là đường qua ngả Hê-rô-đê, ngả của sự dữ; ai gặp gỡ Vua Giê-su cách chân thành thì cũng biết trút bỏ chính mình và cho đi tất cả những gì quý giá nhất mà mình sở hữu. Nói cách khác, ai gặp gỡ Vua Giê-su cách chân thành thì thực sự sống trong Nước của Người, Nước Thiên Chúa.
Với việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng cuộc sống mai hậu của mỗi người lệ thuộc vào sự cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa trên đường đời. Theo trình thuật của thánh Gio-an, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Chúa Cha ban quyền xét xử cho Người: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22). Trong bài giảng thời cánh chung, Đức Giê-su đồng hóa Người với những ai đau khổ dưới mọi hình thức: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Như vậy, khi con người diễn tả lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại, nhất là những người đau khổ, yếu đuối, bị bỏ rơi là khi con người thực sự sống và hành động trong Nước Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cho các tín hữu Ga-lát biết rằng những kẻ làm điều xấu thì không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (Gl 5,21). Trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân viết: “Chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người” (1 Tx 2,12).
Khi diễn tả Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: Trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa" (Mc 4,26-29). Quả thực, Nước Thiên Chúa thật huyền diệu, thật nhiệm mầu. Một mặt, con người có thể đón nhận, sống và diễn tả Nước Thiên Chúa. Mặt khác, Nước Thiên Chúa siêu việt mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con người. Nước Thiên Chúa là Nước đã đến nhưng chưa hoàn thành (already but not yet Kingdom). Những ai quan tâm đến Nước Thiên Chúa cần luôn phải đối diện với ‘căng thẳng’ này và hãy đón nhận với niềm tin, yêu và hy vọng bởi vì Đức Giê-su là Đấng Trung Tín. Nước Thiên Chúa hiện diện cùng với sự hiện diện của Người nhưng chưa biểu lộ cách sung mãn nơi trần thế, trong dòng lịch sử. Do đó, chúng ta cần để ý ba sai lầm phổ biến về Nước Thiên Chúa: (1) Nước Thiên Chúa đã hiện diện tròn đầy ngay trong dòng lịch sử thế giới thụ tạo, (2) Nước Thiên Chúa chỉ thực sự hiện diện trong thời cánh chung và (3) Nước Thiên Chúa nhiệm mầu, con người không cần tìm hiểu hay bàn luận.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Nước Thiên Chúa trong trần thế và Nước Thiên Chúa viên mãn không phải là hai thực thể biệt lập nhưng là một thực thể duy nhất. Thực thể duy nhất này hiện diện trên trần gian và đạt tới sung mãn trong tương lai theo chương trình của Thiên Chúa. Do vậy, bất cứ hình thức chia cắt nào về Nước Thiên Chúa (chẳng hạn như chỉ trừu tượng chứ không cụ thể; chỉ siêu việt chứ không giới hạn; chỉ vô hình chứ không hữu hình; chỉ thuần linh chứ không tham dự vào lịch sử; chỉ ở thời cánh chung chứ không ở thời hiện tại) đều không phản ánh đúng Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng. Với Đức Giê-su, con người đang sống trong thời đại của Nước Thiên Chúa. Đây thật là Tin Mừng cho hết mọi người vì điều không có thể đối với con người lại có thể đối với Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng Giáo Hội được Đức Giê-su thiết lập. Trong bốn Tin Mừng (Mát-thêu, Lu-ca, Mác-cô, Gio-an), từ Giáo Hội hay Hội Thánh chỉ xuất hiện ba lần và cả ba lần đều ở Mát-thêu (Mt 16,18; Mt 18,17). Khi giảng dạy, Đức Giê-su không trực tiếp so sánh giữa Nước Thiên Chúa và Giáo Hội hay nói rằng Giáo Hội là Nước Thiên Chúa trên trần gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng không có sự liên kết nào giữa Nước Thiên Chúa và Giáo Hội. Bởi vì, Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội như là thực thể bền vững để tiếp tục sứ mệnh của Người trên trần gian (Mt 16,18-19). Thánh Phao-lô diễn tả rõ hơn về điểm này khi khẳng định rằng Giáo Hội, cộng đoàn được Đức Giê-su thiết lập, đặt trên nền tảng là các tông đồ và ngôn sứ, còn Đức Giê-su là đá góc tường (Ep 2,19-22). Sự đồng hóa Giáo Hội lữ hành với Nước Thiên Chúa viên mãn hay từ chối sự liên kết giữa Giáo Hội và Nước Thiên Chúa đều không phản ánh đúng mặc khải Kinh Thánh về tương quan giữa Nước Thiên Chúa và Giáo Hội. Quả thực, tương quan giữa Nước Thiên Chúa và Giáo Hội quan trọng đến mức nếu không vì Nước Thiên Chúa, Giáo Hội không có lý do để hiện hữu và thực thi sứ mệnh của mình. Chúng ta có thể khẳng định: Tương quan giữa Giáo Hội và Đức Giê-su thế nào thì tương quan giữa Giáo Hội và Nước Thiên Chúa cũng tương tự như vậy. Do đó, chúng ta không thể tách rời Nước Thiên Chúa khỏi Giáo Hội và ngược lại. Thiên Chúa không ngừng mời gọi mọi người cộng tác để xây dựng Giáo Hội là Nước Thiên Chúa giữa gia đình nhân loại cho dù Giáo Hội bao gồm những người tội lỗi, yếu đuối, mọn hèn như chúng ta.
Mặc khải Kinh Thánh, nhất là giáo huấn của thánh Phao-lô, cho chúng ta rút ra kết luận rằng Giáo Hội là bí tích của Đức Giê-su, do đó Giáo Hội cũng là bí tích của Nước Thiên Chúa. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội diễn tả mình như là dấu chỉ hay khí cụ giúp mọi người kết hiệp với Nước Thiên Chúa và trở nên công dân của Nước Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế này. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa đang lớn lên và hướng về thời viên mãn. Bao lâu còn trong hành trình trần thế, Giáo Hội vẫn đóng vai trò như là hạt giống được gieo vào lòng đất, như men trong bột, như ánh sáng cho trần gian. Giáo Hội tiếp tục hiện diện trong dòng lịch sử nhân loại cho tới thời quang lâm (παρουσία/ parousia), thời Đức Giê-su vinh hiển ngự đến. Giáo Hội phục vụ Nước Thiên Chúa qua việc giúp mọi người biết về sự liên kết mật thiết giữa Đức Giê-su, Giáo Hội và Nước Thiên Chúa. Giáo Hội có sứ mệnh mời gọi mọi người sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và làm chứng bằng đời sống tận hiến của Người. Theo Công Đồng Vatican II: "Với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Ðang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang" (LG 5).
Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha trong đó có lời cầu xin cho ‘Nước Cha trị đến’ (Lc 11,2). Nước Thiên Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến nhưng câu hỏi đặt ra là ‘tại sao Đức Giê-su lại dạy các môn đệ cũng như mọi người phải cầu xin như vậy?’ Thưa, tại vì mọi người bị giam hãm bởi tội lỗi, sống trong cảnh tối tăm và luôn bị ma quỷ, thế gian, xác thịt chi phối. Nước Thiên Chúa đã đến với mọi người nhưng mọi người không ý thức, không biết đón nhận, không biết sống và hành động theo những giá trị của Nước Thiên Chúa. Khi mọi người cầu xin cho Nước Thiên Chúa trị đến nghĩa là cầu xin cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trong tâm hồn mọi người trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể chứ không cầu xin cho mình tự thân xây dựng Nước Thiên Chúa. Bổn phận của mọi người là không ngừng thiết lập tương quan mật thiết với Đức Giê-su và nhờ vậy được sống trong Nước Thiên Chúa ngay trên trần gian này. Do đó, câu hỏi mà mọi người đặt ra và trả lời là ‘mình thực sự sẵn lòng đón nhận, suy gẫm và sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng cuộc sống của Người chưa?’ hay ‘tâm hồn mình thực sự xứng đáng là địa chỉ để Nước Thiên Chúa hiện diện và hoạt động chưa?’ Ai cầu nguyện cho ‘Nước Cha trị đến’ thì người đó cũng ý thức rằng mình cần sống xứng đáng với danh hiệu là công dân Nước Thiên Chúa. Nghĩa là mình phải hoán cải và điều chỉnh cuộc đời theo giáo huấn của Đức Giê-su ngõ hầu mọi tư tưởng, lời nói và hành động của mình luôn phù hợp thánh ý Người. Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Với Đức Giê-su, Nước Thiên Chúa đã đến trần gian. Tuy nhiên, xem ra con người thích ‘nước trần gian’ hơn Nước Thiên Chúa. Con người muốn tự thân xây dựng nước trần gian theo những giá trị mình tự thân thiết đặt mà không màng tham chiếu những giá trị mà Đức Giê-su đã loan báo và làm chứng bằng cuộc sống của Người. Qua mọi thời đại, con người ưa thích quyền lực, vị thế và sở hữu (power, position, possession). Thật là nghịch lý! Con người chạy theo quyền lực, chẳng hạn như quyền lực quân sự, chính trị, kinh tế hơn là quyền lực tình yêu, liên đới, trút bỏ. Con người thích ăn trên ngồi trốc hơn là hạ mình, khiêm tốn, phục vụ. Con người thường chạy theo những gì bên ngoài, chóng qua, phù phiếm hơn là những gì bên trong, bền vững, chân thực. Hậu quả là con người tự gây đau khổ cho mình và anh chị em đồng loại. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng con người thường tìm cách thống trị người khác hơn là cộng tác, chia sẻ; tìm cách làm nhục người khác hơn là tìm cách xoa dịu nỗi đau của họ; tìm cách để bản thân, gia đình, dân tộc hay quốc gia mình luôn ở thế thượng phong so với những người khác, gia đình khác hay dân tộc khác. Hậu quả là gia đình nhân loại luôn ở trong tình trạng căng thẳng, chiến tranh, chết chóc.
Theo tác giả sách Tông Đồ Công Vụ, cộng đoàn tín hữu đầu tiên sống theo giáo huấn Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Họ đồng tâm nhất trí với nhau trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tham dự lễ bẻ bánh với tinh thần đơn sơ (Cv 2,42-47). Đặc biệt: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45). Để mọi sự làm của chung là điều khó tin nhưng sự thật đã diễn ra trong Giáo Hội sơ khai. Mỗi người trong cộng đoàn này thực sự là men, muối và ánh sáng cho trần gian. Từ cộng đoàn này, Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã lan rộng. Qua dòng thế kỷ, mô hình cộng đoàn tín hữu sơ khai luôn là mô hình tiêu biểu mà nhiều người mong muốn xây dựng nhưng khó thực hiện bởi vì vẫn luôn còn đó não trạng vị lợi, nhỏ nhen, ích kỷ. Với hành trình trần thế, Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy đón nhận những giá trị của Nước Thiên Chúa, sống theo những giá trị đó và đóng góp phần mình làm cho những giá trị đó thẩm thấu mọi chiều kích của gia đình nhân loại.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ biết rằng Người là Đường. Mọi người được mời gọi đi Đường này để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chúng ta có thể nói rằng Đường của Người là Đường Vương Quốc Thiên Chúa. Khi con người đi Đường Vương Quốc Thiên Chúa cũng là khi con người được giải phóng và đạt được tự do đích thực. Đồng thời, con người biết diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình cách phù hợp nhất, nghĩa là con người thực thi tinh thần bác ái trong gia đình, xã hội hoặc bất cứ môi trường nào mà mình hiện diện và hoạt động. Khi con người toàn tâm toàn ý với Đường Vương Quốc Thiên Chúa cũng là khi con người làm cho gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo ngày càng được tiến triển theo thánh ý Thiên Chúa.
Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết về những năm tháng cuối cùng của thánh Phao-lô tại Rô-ma: “Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28,30-31). Trình thuật này cho chúng ta nhận ra rằng mặc dầu không phải là môn đệ trong Nhóm Mười Hai được Đức Giê-su tuyển chọn ngay từ đầu và chứng kiến những phép lạ hay dấu chỉ của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su thực hiện trong thời gian ba năm loan báo Tin Mừng, thánh nhân đã được Đức Giê-su phục sinh mặc khải về Vương Quốc Thiên Chúa cũng như tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng về Vương Quốc này. Người đã trở thành chứng nhân sống động trong việc đi theo Đường Đức Giê-su, sống theo Đường Đức Giê-su và loan báo Đường Đức Giê-su cho anh chị em đồng loại. Bối cảnh thế giới hôm nay không còn giống như thời thánh Phao-lô hay thời Giáo Hội sơ khai. Tuy nhiên, sứ mệnh của Đức Giê-su loan báo cách đây hai ngàn năm vẫn không thay đổi. Đức Giê-su loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa thì những ai theo Đường của Người cũng phải làm như vậy. Nói cách khác, nếu như Nước Thiên Chúa là trọng tâm của sứ mệnh Đức Giê-su giữa lòng nhân loại thì Nước Thiên Chúa cũng là trọng tâm của sứ mệnh các Ki-tô hữu qua mọi thời đại. Căn tính của Tin Mừng Nước Thiên Chúa cũng như những giá trị của Nước Thiên Chúa không thay đổi nhưng cách thức loan báo cần phải ‘hội nhập’ sao cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa và những giá trị của Nước Thiên Chúa thực sự thẩm thấu các nền văn hóa trong gia đình nhân loại. Nhờ vậy, mọi người có thể nhận ra đâu là nguồn gốc, ý nghĩa và cùng đích của bản thân mình cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-su đến trần gian để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và mời gọi mọi người đón nhận. Dựa trên giáo huấn của Người, chúng ta biết rằng sự hiện diện và hoạt động của Người là sự hiện diện và hoạt động của Nước Thiên Chúa. Với Người, Nước Thiên Chúa không chỉ là thực tại thuộc tương lai mai hậu mà là thực tại đã đến, đang đến và sẽ đến. Chính Người thiết lập Giáo Hội là bí tích của Người và cũng là bí tích của Nước Thiên Chúa. Nhờ Giáo Hội, Nước Thiên Chúa tiếp tục hiện diện, hoạt động và lan rộng trong thế gian. Nước Thiên Chúa viên mãn khi Thiên Chúa quy tụ con người cũng như muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su hiển thắng, nghĩa là khi tội lỗi và sự chết hoàn toàn bị đánh bại và “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Dựa trên mặc khải Kinh Thánh như trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận diện ba hình thức căn bản của Nước Thiên Chúa: (1) Sự hiện diện của Đức Giê-su là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, (2) sự hiện diện của Giáo Hội là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và (3) Nước Thiên Chúa hiện diện cách viên mãn khi Thiên Chúa quy tụ con người và muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su ở thời cánh chung. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su diễn tả Người là Đường Vương Quốc Thiên Chúa. Chúng ta hãy đón nhận Đức Giê-su, đi Đường của Người, sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa và làm cho những giá trị đó sinh hoa kết quả dồi dào. Ước gì chúng ta sẽ được nghe lời của Đức Giê-su trong thời cánh chung: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).
Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây