Chúa nhật thứ hai Mùa Chay -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 9, 1-9).
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật II Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Bước vào mùa chay, Đức Giêsu đã giới thiệu cho mỗi người những việc làm cụ thể, nhưng rất linh thánh, để giúp người tín hữu thay đổi cuộc đời và trái tim của chính mình. Lời hướng dẫn đó không đưa con người đến ngõ cụt trong hành trình đức tin, nhưng dẫn con người tới chỗ được nên đồng hình, đồng dạng với Thầy mình trong chặng đường khổ nạn, từ đây, Thầy dẫn các học trò tới mầu nhiệm phục sinh vinh quang, tất cả được biến đổi thành con người mới, tất cả được tắm trong máu con Chiên vô tì tích. Để có thể thực hiện những việc làm linh thánh đó, đòi hỏi người tín hữu cần có một niềm tin chân thành nhưng mãnh liệt, một niềm tin trung tín nhưng khiêm tốn, để có thể đối diện với muôn vàn thách đố trong đời sống hiện tại, từ đây, niềm tin sẽ là động lực giúp người tín hữu gặp được Thầy mình đang vác thập giá, được cùng vác với Thầy, được đứng dưới chân thập giá, chia sẻ với Thầy những nỗi đau vì tội lỗi của nhân loại, của chính mình.
Sách Sáng Thế kể lại câu chuyện ông Ap-ra-ham được Thiên Chúa thử thách, khi Ngài bảo ông hãy sát tế đứa con trai duy nhất của ông, để tế lễ cho Thiên Chúa. Nỗi lòng xót xa của một người cha phải giết đứa con trai duy nhất đau đớn biết chừng nào. Nỗi niềm của người cha đó chưa thể sánh được nỗi niềm của người Cha trên trời, khi phải trao người Con duy nhất của mình cho con người, rồi còn bị giết chết đau thương: “Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Chứng kiến người Con bị đóng đinh đau đớn, chắc chắn người Cha của Ngài trên trời cũng sẽ xót xa, đau khổ đến chừng nào, nhưng đau khổ hơn là không có một bàn tay nào giữ ngọn giáo không cho đâm vào cạnh sườn của Con, như bàn tay thiên thần giữ tay người cha trên núi Mo-ri-a kia. Nỗi đau tột cùng của người Cha sâu thẳm dường nào, Ngài chấp nhận tất cả, chỉ vì yêu con người.
Đọc lại tâm tình của thánh Phaolô khi ngài chia sẻ với con cái thành Roma, mới hiểu được phần nào nỗi niềm của người cha xót xa trước những lầm lỗi của con cái. Là con người, bao trái tim của người cha đã tan vỡ trước những lầm lỗi của con cái, Thiên Chúa là một người cha yêu, đau khổ tột cùng, xót xa cùng cực khi trao người con cho nhân loại: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?”. Thiên Chúa Cha đã phải nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến nhân loại treo người con duy nhất của mình lên thập giá. Chứng kiến nỗi đau đó, nếu không có niềm tin đủ lớn, làm sao con người có thể hiểu được chiều sâu của tình yêu, của mầu nhiệm tự hiến mà Thiên Chúa đã thực hiện, tất cả vì yêu và yêu con người.
Được chứng kiến vinh quang của Thầy trên núi cao, các môn đệ hết sức vui mừng và hạnh phúc ngập tràn, ước gì được ở lại mãi trong bầu khí hạnh phúc đó. Vậy mà Thầy lại bắt xuống núi với sự im lặng khó hiểu. Nghe lời Thầy là nghe lời Cha, Thầy thì thấy, Cha thì không, làm sao nghe được lời Cha: “Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Được chứng kiến vinh quang của Thầy trên núi, thế mà khi đối diện với thực tế, các ông đã có những thái độ ngược lại, kẻ thì theo Thầy đến cùng, người thì bỏ của chạy lấy thân, kẻ thì dửng dưng, hững hờ trước mọi sự việc. Niềm tin bấy lâu nay Thầy gieo và chăm sóc trên mảnh đất tâm hồn các ông, như là muối bỏ biển. Có phải các Tông đồ cũng thiếu đi một chút cố gắng để đứng lại với niềm tin, chứng kiến Thầy đang thất bại hay đang thành công.
Thực tế và niềm tin là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn, nhưng luôn bổ trợ cho nhau để tương lai tốt đẹp, nhịp cầu để kết nối hai phạm trù này là niềm tin. Chứng kiến Thầy biến hình rực rỡ, ai cũng mơ được ở lại đó mãi, nhưng chứng kiến Thầy bị bắt, bị kết án, bị vác thập giá và bị đóng đinh, các ông mất định hướng, mất luôn niềm tin, bỏ Thầy một mình để bảo toàn mạng sống. Niềm tin vào Thầy là Con Thiên Chúa của các ông bấy lâu nay, bị đánh đổi bởi sự phản bội niềm tin. Những bài giáo huấn Thầy dạy, nhằm giúp họ đối diện với những thách đố trong tương lai, nay tan biến theo mây khói. Thế thì làm sao các ông đủ điều kiện để nói về một Thiên Chúa tình yêu đã trao người Con cho nhân loại, và người Con đó đã hy sinh sự sống để cứu con người. Niềm tin chính thống của các ông có đủ mạnh để lời chứng các ông đủ thuyết phục mọi người trước một viễn cảnh xem ra mơ hồ.
Thiên Chúa luôn hy sinh cho con người hơn con người hy sinh cho Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh đứa con duy nhất của mình cho con người, nhằm đưa con người trở về với ngôi nhà ban đầu, thế nhưng, con người thay vì đón nhận người Con đó trong niềm tin và lòng mến, họ đã quay lưng, phủ nhận sự hiện diện của người Con đó, hơn nữa, họ còn kết án và đóng đinh Ngài trên thập giá. Tình thương cao cả của một người cha đã bị tổn thương, tất cả bởi thiếu niềm tin nơi con người. Hiện diện trên trần gian với con người, nhưng họ chưa nhận ra đó là Con Thiên Chúa làm người, có thể nói tôn giáo của họ là tôn giáo tin thờ Thiên Chúa chứ chưa phải là tôn giáo tin thờ vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất. Và hôm nay con người cũng đang đi lại con dường đó khi tin có một Thiên Chúa, nhưng chưa chấp nhận sự hiện diện của Đức Giêsu, chưa chấp nhận con đường khổ nạn mang tên Giêsu. Chính con đường đó cùng với giáo lý của Ngài, mới đem con người tới chỗ được cứu độ và được sống.
Lạy Chúa, biến cố Chúa biến hình giúp củng cố niềm tin cho các Tông đồ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thế mà các ông vẫn chưa vững tin, còn chúng con hôm nay, được chứng kiến bao việc Chúa làm trong chương trình cứu độ, nhưng niềm tin của chúng con vẫn mơ hồ, vẫn mong manh, xin Chúa củng cố niềm tin và giúp chúng con kiên định hơn với niềm tin của mình trước mọi nghịch cảnh cuộc đời. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng con thay đổi nhận thức về ơn gọi Kitô hữu của mình để sám hối, xin Chúa ban thêm cho chúng con những ơn cần thiết, để chúng con dám mạnh dạn sống công chính hơn các Biệt phái và Luật sĩ. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn