TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT III MÙA CHAY –B

Thứ ba - 20/02/2024 13:44 |   625
Đức Giê-su liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. (Ga 2,13-15)

03/03/2024
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – B

cn t3 MCb

Ga 2,13-15

 

BẢO VỆ SỰ LINH THÁNH
“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,13-15)

Suy niệm:
Trong những năm gần đây, báo chí thường chạy những bài phóng sự về cảnh tượng xô bồ nơi các đền chùa trong những dịp lễ hội đầu năm: nào là chen lấn xô đẩy để lĩnh ấn đền Trần, nào là buôn bán chặt chém khách hành hương Chùa Hương, nào là hỗn loạn xin lộc đền bà Chúa Kho. Dễ thấy rằng chính não trạng vụ lợi muốn biến thần thánh thành công cụ phục vụ lòng ham muốn của mình đã mở đường cho việc thương mại hoá những giá trị cao quý linh thiêng của văn hoá và tín ngưỡng. Cũng với não trạng ấy, người Do Thái đã biến sân đền thờ, nơi thánh thiêng để thờ phượng Thiên Chúa, trở thành một cái chợ để buôn bán. Là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, Chúa Giêsu không chấp nhận để đền thờ, “nhà của Cha Ngài,” bị tục hoá. “Hiền lành và khiêm nhường” như Ngài mà cũng phải nổi giận, dùng roi xua đuổi những người buôn bán nơi đền thờ như thế thì đủ hiểu những gì thuộc về Thiên Chúa là linh thánh và bất khả xâm phạm.

Mời Bạn: Nhà thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Đến đó, bạn mặc y phục chỉnh tề, cử chỉ tác phong trang nghiêm cung kính, đó là điều chính đáng. Nhưng xin bạn cũng lưu ý đến những đền thờ khác của Thiên Chúa; đó là bàn thờ Chúa trong gia đình bạn; đó là đền thờ Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn bạn cũng như nơi anh chị em của bạn. Bạn đã giữ gìn sự linh thánh và tôn nghiêm nơi những đền thờ đó chưa? Bạn đã coi đó là nơi cầu nguyện, nơi bạn gặp gỡ Thiên Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Dù bận rộn, bạn quyết tâm dành thời giờ, dù ít dù nhiều, để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


CN MC III NĂM B: Lạy Chúa! Chúa nói: Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại. Chúa chính là Đền Thờ. Chúng con phải thờ phượng Chúa đích thực, nếu không chúng con sẽ thờ ngẫu tượng. Nhiều lúc, chúng con tự nặn đúc nên một Thiên Chúa theo như suy nghĩ của mình để rồi thờ lạy. Tâm trí chúng con rất sợ phải đối mặt với những điều mà nó không biết. Chúa thì siêu việt, vượt xa những gì tâm trí chúng con có thể nghĩ tới. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: vượt ra khỏi mọi rào cản của tâm trí, không cứng lòng cứ bắt Chúa phải theo suy nghĩ của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa nhật III Mùa Chay -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, Chúa Giêsu không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi đền thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa, bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn với tiền bạc, chiên bò, chim câu..ra khỏi đền thờ. Người tẩy uế đền thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa, sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ mới, là thân xác Phục Sinh của Người, và tồn tại mãi mãi, thay cho sự thờ phượng tại đền thờ Giêrusalem bằng gỗ đá, chỉ có tính tạm thời và sẽ bị phá hủy sau này. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải thay đổi cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp với ý thức mới là trong tinh thần và chân lý. Giờ đây chúng ta hãy gạn lọc tâm hồn bằng việc thống hối ăn năn để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Mắt tôi luôn hướng nhìn về Chúa, vì chính Người gỡ chân tôi khỏi lưới dò. Xin Chúa đoái nhìn và thương xót tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng:Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.

Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

“Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã tỏ ra nghiêm nghị và quyết liệt khi dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ, không sợ bị thù ghét hãm hại. Cung kính đón nhận hành động của Chúa, chúng ta khiêm tốn cầu xin :

1. Ta tỏ lòng nhân lành đến với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta” Xin cho Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô, luôn thủy chung với Đấng Phu Quân của mình trong việc tuân giữ lề luật Chúa, và được Chúa yêu thương.

2. “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá” Xin cho các tín hữu siêng năng suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để biết tránh xa đam mê tội lỗi, giữ tâm hồn trong sạch, hầu xứng đáng đáp lại tình yêu Chúa.

3. “Người hất tung tiền của những người đổi bạc”,- Xin cho các thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, thoát khỏi bùa mê của tiền bạc, mà giữ mãi nét đơn sơ, trong sạch của tuổi thơ.

“4. Các ông cứ phá đền thờ này đi”,- Xin cho tội nhân can đảm phá hủy đền thờ ngẫu tượng tội lỗi nơi bản thân, để Chúa Thánh Thần hoàn tất việc xây dựng nơi họ đền thờ Chúa Ba Ngôi, bằng muôn vàn ơn thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin lửa nhiệt thành của Chúa Kitô thiêu đốt tâm hồn chúng con, để chúng con biết từ khước, loại bỏ những gì cản trở chúng con sống bác ái, thánh thiện, sẵn sàng chịu hao mòn vì Chúa và phần rỗi các linh hồn, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ những của lễ này, xin tha thứ tội lỗi chúng con đã phạm, và giúp chúng con biết thật tình tha thứ mọi lỗi lầm cho anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã thương ấn định cho con cái Chúa một thời gian đặc biệt/ để phục hồi sự trong sạch các tâm hồn, để khi lòng trí được thoát khỏi những tâm tình bất chính, con cái Chúa sử dụng của cải chóng qua/ mà gắn bó hơn với những thực tại bền vững muôn đời.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Ai uống nước Ta sẽ cho, thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời. Xin cho mọi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà bí tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Yếu tố con người

Paganini là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng của Ý vào thế kỷ XIX. Trong một cuộc trình diễn, ông linh cảm như có một điều gì bất ổn và khi nhìn kỹ cây đàn, ông khám phá ra đó không phải là cây đàn quen thuộc đã từng đưa ông lên đài danh vọng. Ông đứng lặng trong giây lát, rồi lên tiếng: Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây lát, vì tôi đã cầm lộn cây đàn. Nói xong, ông vào hậu trường bước thẳng đến nơi ông vẫn để cây đàn quen thuộc. Ông bàng hoàng nhận ra có người đã đánh cắp cây đàn quý giá của ông và đã đặt một cây đàn rẻ tiền thay thế vào đó. Trong lúc còn bàng hoàng thì bỗng một ý tưởng loé lên trong đầu, khiến ông mạnh dạn cầm lại cây đàn rẻ tiền kia mà bước ra sân khấu. Ông nói vơi khán giả: Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng trong buổi trình diễn này tôi muốn chứng minh cùng quý vị là vẻ đẹp và nét tinh tuý của âm nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng hàm ẩn nơi chính con người của nhạc sĩ. Phải yếu tố con người mới là quan trọng.

Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, qua đó chúng ta thấy Chúa Giêsu xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, vì họ đã biến đền thờ, nơi cầu nguyện thành một chốn buôn bán, thành một hang ổ trộm cướp. Và những người Do Thái đã vặn hỏi: Ông lấy quyền gì mà làm như vậy? Chúa Giêsu đã trả lời: Các ông cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Và Phúc âm đã ghi nhận: Đền thờ Ngài muốn nói đến ở đây chính là thân xác Ngài. Lần khác, bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã nói với người phụ nữ Samaria: Không phải thờ phương Thiên Chúa ở núi này hay núi nọ, mà phải thờ phượng trong tinh thần và chân lý.

Với những lời xác quyết trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đặt nặng yếu tố con người. Con người với thân xác và tâm hồn chính là một đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị, chính là một nhạc sĩ làm vang lên muôn cùng điệu chúc tụng Thiên Chúa. Thực vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta trở thành ngôi đền thờ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta phải gìn giữ tâm hồn chúng ta khỏi mọi dấu vết của tội lỗi, để xứng đáng làm đền thờ của Ngài. Mặc dầu bên ngoài chúng ta nghèo túng, ốm đau, hay gặp phải những điều bất hạnh, thì trong thẳm sâu cõi lòng, trong ngôi đền thờ thiêng liêng ấy, luôn vang lên những lời ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.

Thế nhưng, nếu lúc này Chúa Giêsu cũng đến và viếng thăm chúng ta, liệu Ngài có nhận ra tâm hồn chúng ta là một nơi cư ngụ lý tưởng cho Ngài hay là bằng những hành động tội lỗi, chúng ta đã biến tâm hồn chúng ta thành một hang ổ trộm cướp?

Đền thờ

Những người quản lý đền thờ, lúc ban đầu, có thể đã tổ chức bán chiên bò, chim bồ câu, hay đổi tiền đổi bạc với tinh thần phục vụ, với ý hướng ngay lành là để giúp cho người lên đền thờ có sẵn lễ vật, khỏi phải mang theo từ xa. Cũng là một thứ dịch vụ, thế nhưng đồng tiền lại là một cái dốc, có thể nói được là êm ả và người ta cũng có thể bị tuột trên cái dốc này một cách êm ả không hay biết.

Có biết bao nhiêu việc khởi đầu là phục vụ, là cứu trợ, là bác ái, là từ thiện, là tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn, cho xã hội. Nhưng rồi theo hơi men của đồng tiền đã biến thành chuyện kinh tài thuần tuý, chạy theo lợi nhuận, mưu cầu địa vị, thanh danh hay quyền lực riêng cho mình. Lợi nhuận sẽ kéo theo gian dối, chèn ép, bất hoà và bất công.

Và như chúng ta đã thấy, đền thờ, mặc dù vẫn được coi là nơi thiêng liêng, nơi để con người hướng tâm hồn lên trên những cái quen được gọi là trần tục, chóng qua, nơi giúp con người tìm gặp cái vô giá, cũng có thể biến thành chợ búa, thành hang trộm cướp, nơi người ta cãi cọ nhau, giành giật nhau.

Trước cảnh tượng như vậy, cùng với lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa, Ngài đã lấy dây thừng làm roi để xua đuổi phường buôn bán và quân đổi tiền ra khỏi đền thờ. Ngài đổ tung tiền của họ xuống đất và xô nhào bàn ghế của họ.

Với chúng ta cũng thế, kể từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tâm hồn chúng ta đã trở nên như một đền thờ, một gian cung thánh sống động, một nơi cho Thiên Chúa ngự trị. Thế nhưng, cùng với thời gian, lòng đam mê tiền bạc, của cải vật chất đã xô đẩy chúng ta vấp phạm hết tội này đến tội khác. Bởi vì như chúng ta thường nói: tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng nó lại là một ông chủ hà khắc, khả dĩ bóp nghẹt những tình cảm cao đẹp nhất của chúng ta.

Đúng thế, vì đam mê chạy theo tiền bạc mà chúng ta sao lãng những bổn phận đối với Chúa. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng gian tham, chèn ép và đối xử bất công với những người chung quanh. Vì đam mê chạy theo tiền bạc, chúng ta sẵn sàng ăn trộm, ăn cắp, ăn gian, ăn quỵt, cũng như ăn hối lộ. Tất cả những tội lỗi phát sinh từ lòng đam mê chạy theo tiền bạc ấy, đã biến tâm hồn chúng ta trở nên như một cái chợ, một hang ổ trộm cướp, chứ không còn phải là một gian cung thánh, một ngôi đền thờ sống động cho Chúa nữa.

Nếu như bây giờ Chúa bước vào trong tâm hồn chúng ta thì liệu, Ngài sẽ vui mừng hay là sẽ nổi nóng vì tất cả những sai lỗi đã làm cho tâm hồn chúng ta trở thành ô uế và nhơ nhớp?

Thanh tẩy Đền Thờ
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay là nạn ô nhiễm môi sinh. Các giòng sông đang bị ô nhiễm vì biết bao chất thải dơ bẩn, độc hại. Không khí ta hít thở đang bị đe dọa vì bụi bặm, vì khói xe, khói nhà máy. Nước biển bị ô nhiễm vì nạn dầu nhớt rò rỉ, vì chất thải của những lò phản ứng nguyên tử. Tầng khí quyển bị những chất khí độc chọc thủng đang làm thay đổi khí hậu và gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Để con người có thể sống và phát triển được, thế giới cần phải được thanh tẩy khỏi các nguồn ô nhiễm.

Sự ô nhiễm không chỉ trong môi trường vật lý. Nhiều môi trường khác như môi trường văn hóa, môi trường đạo đức cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tôn giáo không tránh khỏi nạn ô nhiễm. Muốn cho bầu khí đạo đức được trong sạch, muốn cho đời sống tâm linh tồn tại và phát triển, tôn giáo cũng cần được thanh tẩy. Hôm nay Đức Giêsu vào Đền thờ và đã thanh tẩy Đền thờ. Người đã làm 3 cuộc thanh tẩy

1) Người đã thanh tẩy Đền thờ khỏi ô nhiễm vì súc vật. Trong nghi lễ của đạo Do Thái, cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa. Khi dâng lễ hy sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút. Người giầu thì dâng một con bò hay một con chiên. Người nghèo có thể dâng một cặp chim bồ câu hoặc một đôi chim gáy. Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ,dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên Đền thờ. Ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong Đền thờ. Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt. Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm. Và dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật nghễu nghện ngự trị ngay trong khuôn viên Đền thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là “đền vàng”, là “nơi thánh”. Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Đức Giêsu không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi Đền thờ.

2) Khi xua đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng. Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon”. Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của”, và “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước Thiên đàng”. Những con buôn đưa súc vật vào Đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì lợi nhuận. Đưa súc vật vào nơi tôn nghiêm, họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Để cho súc vật làm ô uế Đền thờ cao trọng, họ đã dùng Đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tiền của họ. Các tư tế coi sóc Đền thờ có lẽ cũng được chia phần nên đã cho phép con buôn được tự do họp chợ trong Đền thờ. Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Đền thờ để phục vụ tư lợi.

3) Khi đuổi súc vật ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu muốn thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta. Trước kia người ta dâng súc vật làm của lễ. Lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật. Dâng con vật to sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Đức Giêsu cho thấy Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê. Chúa đã ghê sợ mùi khói mùi khét lẹt, mùi máu tanh tưởi (cf. Is 1,11). Thánh vương Đavít đã hiểu: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” (Tv 50,16). Chúa muốn ta đến với Người bằng chính bản thân ta. Lễ dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối như lời Thánh vịnh: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Lễ dâng đẹp lòng Chúa là phó thác trót cả tâm hồn thân xác trong tay Chúa như Đức Giêsu đã làm trên Thánh giá: “Lạy Cha, con dâng phó hồn con trong tay Cha”. Lễ dâng được Chúa vui lòng chấp nhận là sát tế chính bản thân mình để làm theo ý Chúa: “Máu chiên bò Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Chúa (Tv). Ta sát tế chính bản thân mỗi khi ta từ bỏ ý riêng, chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ của dục vọng, tiền bạc, thói gian tham, tính tự ái kiêu căng, sự chia rẽ bất hòa.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ. Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người. Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi Đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công. Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ. Thân xác ta là Đền thờ của Chúa. Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác. Hãy tu bổ những Đền thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Hãy sửa chữa những Đền thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích. Hãy kính trọng thân xác của người khác vì đó là Đền thờ của Chúa.

Trong mùa Chay này, ta hãy cố gắng thanh tẩy bản thân, để tâm hồn và thân xác ta trở thành một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Khi tham dự thánh lễ, bạn có giữ cho nhà thờ có bầu khí trang nghiêm, lắng đọng không?

2) Đền thờ tâm hồn và thân xác bạn có những gì cần phải thanh tẩy không?

3) Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để trở nên một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự?

YẾU HÈN LẦM LỖI, XIN CHÚA ĐỠ NÂNG
(CHÚA NHẬT TUẦN 3 MÙA CHAY NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng ta cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyệnchia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Chúng ta nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn, xin Chúa thương đoái nhìn đến chúng ta và đưa tay nâng đỡ.
 
Mặc dù, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, nhưng, do thân phận yếu hèn lầm lỗi, con người thường lãng quên Giao Ước của Thiên Chúa, và lạc xa đường lối của Người. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành đã cho thấy: Qua các điều khoản của Giao Ước, Thiên Chúa muốn làm cho Dân của Người thành một cộng đoàn huynh đệ, sống tình bác ái chân thật. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng: Ítraen đã không luôn sống theo luật đó.
 
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho thấy: Đền Thờ đích thực chính là Đức Kitô: Đức Kitô đã đón nhận một thân xác thuộc dòng dõi Ađam. Người Dothái đã phá hủy Đền Thờ thuộc dòng dõi Ađam này, tức là thân xác của Đức Kitô, nhưng, Thiên Chúa đã tái thiết Đền Thờ này vào ngày thứ ba.
 
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành cho thấy: Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê. Mười Điều Răn được tóm lại trong một điều duy nhất: Mến Chúa và yêu người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18B, vịnh gia đã cho thấy: Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
 
Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã nói: Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Tin vào Đấng bị đóng đinh, sẽ được cứu độ, đây là điều được nói đến trong câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.
 
Trong bài Tin Mừng, khi những người Dothái hỏi Đức Giêsu: Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? Đức Giêsu đã trả lời cho họ: Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại. Chúng ta nhớ lại một lần khác, người ta đòi dấu lạ, nhưng, Đức Giêsu nói: không có dấu lạ nào khác, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna ở trong bụng cá ba ngày. Đức Giêsu sau ba ngày, Người đã trỗi dậy. Đây là một dấu lạ, mà Người muốn chúng ta tin để được cứu độ. Đức Giêsu là Đền Thờ đích thực, Đền Thờ vĩnh cửu, không ai có thể hủy hoại được. Chúng ta là chi thể của Đức Kitô, chúng ta cũng được thông dự vào sự vĩnh cửu đó, nếu chúng ta đừng để cho đền thờ của mình ra ô uế, thành nơi buôn bán, thành sào huyệt của quân trộm cướp. Để giữ cho đền thờ của mình luôn được trong sạch, chúng ta phải tuân giữ Giao Ước của Chúa, làm theo những gì Luật Chúa dạy, nhất là, ba việc đạo đức mà Hội Thánh mời gọi chúng ta thực hiện trong Mùa Chay là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Qua Phép Rửa Tội, chúng ta đã được cùng sống lại với Đức Kitô, nhưng, khuynh hướng chiều theo dục vọng vẫn còn. Muốn Thiên Chúa được tôn vinh nơi đền thờ của chúng ta, thì chúng ta phải để cho Người chiếm hữu thân xác của chúng ta, chứ đừng để cho nó chiều theo những dục vọng thấp hèn. Nhờ đó, sự sáng của Đức Kitô trong chúng ta, sẽ chiếu giãi trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành chúng ta làm, mà tôn vinh Cha trên trời. Ước gì được như thế!

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ ba mùa chay – năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 
CN3MCb a2

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 2, 13-25)

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật III Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 
 

Suy niệm

Bước vào tuần thứ ba mùa chay, người tín hữu được hướng dẫn thanh tẩy tâm hồn, nhận thức và thái độ đức tin của bản thân, để hòa mình vào những việc làm thiết thực của mùa chay là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Thanh tẩy đền thờ là việc làm cần được hiểu và thực hiện theo nhiều phương diện khác nhau trong hành trình đức tin của người Công giáo, bởi trong nhận thức, người tín hữu còn lưu lại đó những quan niệm không còn phù hợp với đời sống đạo hôm nay, thanh tẩy những kinh nghiệm sống đạo của mình về Thiên Chúa, về Giáo hội, tất cả như đóng khung con người với những bức tường kín, đóng khung Thiên Chúa với những quan niệm cổ hũ, thanh tẩy niềm tin về đời sống tôn giáo có phần bị tục hóa, bị vật chất hóa những giá trị thánh thiêng, những giá trị từ Thánh lễ, tất cả những giá trị được quan tâm thanh tẩy, sẽ giúp con người nhẹ nhàng và thanh thản hơn trong việc đón nhận thập giá đời mình, theo Thầy tới đỉnh đồi Can-vê, cùng chết với Thầy Chí Thánh yêu dấu.

Dưới góc nhìn của Giáo hội học, gia đình Giáo hội của Thiên Chúa có những đặc tính sau: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Những đặc tính đó nói lên Giáo hội đến từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa thiết lập, nơi đó tập hợp những con người tội lỗi đang giúp nhau nên thánh mỗi ngày trong từng ơn gọi. Cũng nơi đó, tính hiệp thông của Giáo hội giúp con người liên đới với nhau, nâng đỡ nhau trong đời sống tâm linh, giúp nhau đền tội và gắn bó với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù đó là anh chị em đã qua đời hay còn sống. Với đặc tính Thánh thiện, các thành viên trong Giáo hội vẫn mang chất người trong bản thân, vẫn gánh trên vai nhiều tội lỗi, nhiều tật xấu, nhiều tính ích kỷ hẹp hòi, vì thế, dù thánh thiện, nhưng con cái của Giáo hội vẫn là những tội nhân, do đó, Giáo hội luôn có nhiều tội lỗi cần được thanh tẩy.

Bên cạnh đó, tính Hiệp thông của Giáo hội liên kết mọi thành phần dân Chúa như một gia đình, trong đó, mọi anh chị em đã qua đời hay còn sống, tất cả đều là những tội nhân, những con người còn mang đầy tính tham – sân – si. Những tính xấu đó làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó, đầy những tai tiếng. Lời thánh Phaolô đã nhắc từ xưa về thái độ niềm tin thiếu tính hiệp thông, cũng là lời nhắc cho các tín hữu hôm nay: “Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người”. Tính hiệp thông này không giới hạn trong không gian và thời gian, nên từ trong quá khứ, tới hiện tại, mọi tội lỗi của anh chị em, của các cộng đoàn, đều liên đới với chúng ta hôm nay. Vì thế, Giáo hội cần phải thanh tẩy mỗi ngày và mọi ngày.

Không thiếu những giai đoạn và những việc làm của Giáo hội vẫn còn mang tính vật chất hóa, mang màu sắc thế tục. Việc dâng của lễ cho Thiên Chúa ngày xưa trong đền thờ là việc làm lành thánh, tốt đẹp. Thế nhưng, khi giúp những anh chị em từ xa tới, các vị lãnh đạo tôn giáo đã độc quyền cung cấp những gì cần thiết cho việc dâng lễ, đồng thời, họ cũng ấn định giá cả cho các lễ vật. Tất cả không còn giữ nguyên mục đích ban đầu nữa, tất cả đã bị tục hoá, đã vật chất hóa trong quyền bính. Phải chăng đó là việc lường gạt Thiên Chúa không: “Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt”. Đó là lời của Thiên Chúa lên tiếng trong sách Xuất hành. Thiên Chúa không còn là người nhận lễ vật từ con người nữa, vô tình Ngài đã trở thành dịch vụ để con người trục lợi và kinh doanh.

Trong xã hội hiện đại, con người còn biến tôn giáo, biến Thiên Chúa như là tấm lá ngụy trang để che lấp những việc làm sai lệch của con người. Tham gia mọi sinh hoạt để phục vụ Giáo hội, phục vụ cộng đoàn là một việc làm tốt, lành thánh, nhưng khi phục vụ, tất cả những tham vọng, những tính toán hơn thiệt, những kế hoạch rất con người đã hình thành để phục vụ tham vọng của con người, hơn nữa, còn là cơ hội để chỉ trích nhau, để lên án nhau và để nhận chìm nhau xuống hố sâu tội lỗi và hận thù. Đức Giêsu đã phá đổ tất cả những gì liên quan đến tính thế tục trong đền thờ, để phần nào họ hiểu được tính linh thánh của đền thờ: “Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Trước khi bước vào tuần thánh, bước vào những ngày con người được mời vác thập giá cùng Thầy lên đồi Can-vê, người tín hữu cần được thanh tẩy mọi thứ, từ bên trong cho đến bên ngoài. Khởi đi từ nhận thức tôn giáo bên trong, con người cần ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh để tránh những suy nghĩ, những tính toán và những thói quen tôn giáo thiếu tính thánh thiện, đạo đức, thứ đến, người tín hữu cần ý thức thân phận của mình là tội nhân, không thiếu những tội lỗi tày trời mình phạm mỗi ngày trong từng ơn gọi, không thiếu những lầm lỗi con người gây ra làm tổn thương đến tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tiếp sau việc thanh tẩy nhận thức, con người cố gắng thanh tẩy những việc làm tôn giáo hàng ngày của bản thân. Từ việc xin lễ cho các linh hồn hay cho bản thân, đến việc tham dự các bí tích, đặc biệt là Thánh lễ, hãy làm vì niềm tin và lòng mến, đừng vì hình thức và thói quen cũng như tính toán hơn thua.

Sau nữa là đừng ngụy trang với Thiên Chúa, bởi Ngài là đấng thấu suốt mọi bí ẩn, dù cho người đói khát một chén nước lã, hay một chén cơm, với một tinh thần cảm thông, thì việc làm đó được Thiên Chúa ghi nhận, chứ đừng rêu rao này kia khi làm một việc gì giúp đỡ tha nhân và các linh hồn. Thiên Chúa là một người yêu con người không tính toán, không điều kiện, Ngài chỉ mong con người cố gắng, chỉ mong con người nỗ lực đứng lên từ sự yếu đuối, để nắm lấy tay Ngài, để được cứu, đừng dùng phương tiện của thế gian để mong đạt được mục đích là được Thiên Chúa cứu độ, đừng tục hóa mọi nghi lễ lành thánh, để mong được Thiên Chúa nhận những lời cầu nguyện hằng ngày.

Lạy Chúa, lời mời thanh tẩy của Mẹ Giáo hội nhắc chúng con ý thức rằng, Chúa đợi chờ nơi chúng con sự cố gắng thay đổi chính mình, xin giúp chúng con biết cố gắng thanh tẩy từ bên trong tới bên ngoài con người, để tất cả trở nên con người mới, sống khiêm tốn, chân thành trong niềm tin và lòng mến. Chúa biết con người là nạn nhân của tội lỗi và sự chết, xin nâng đỡ chúng con mỗi khi đối diện với những cám dỗ của ma quỷ, những cám dỗ từ vật chất, quyền bính, để cuộc đời chúng con luôn thuộc trọn về Thiên Chúa, người Cha luôn yêu thương, đợi chờ chúng con trở về để tha thứ, để yêu thương. Amen.

NƠI BUÔN BÁN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”.

Gặp gỡ các Giám mục Armeni ngày 28/02/2024. Đức Phanxicô cảnh giác về điều mà ngài gọi là “ngoại tình mục vụ” khi một Giám mục coi Giáo Phận của mình là bước đệm để đạt tới một vị trí “uy tín” hơn, trong khi quên rằng mình ‘đã kết hôn’ với Giáo Phận. Ngài cũng cảnh giác việc lãng phí thời gian để đàm phán ‘những điểm đến’ hoặc việc ‘thăng chức mới’ bởi vì “người ta không mua các Giám mục ở chợ, nhưng chính Chúa Kitô đã chọn họ làm người kế vị các tông đồ và mục tử cho đàn chiên Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tôi e rằng, khi Đức Thánh Cha nói những lời mạnh mẽ trên - “ngoại tình mục vụ”, “người ta không mua các Giám mục ở chợ” - hẳn ngài đã liên tưởng đến những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Đừng biến nhà Cha tôi thành ‘nơi buôn bán!’”.

Mùa Chay, mùa xét xem những không gian thánh của Chúa nơi chúng ta, liệu chúng có biến dạng vì đã trở thành ‘nơi buôn bán?’. Mùa Chay còn là thời gian để tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa trong mỗi người, vốn là đền thờ của Ngài, của Chúa Thánh Thần. Như vậy, những gì ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ đâu còn thuộc về mình!

Bài đọc Xuất Hành nói đến mười điều răn. Luật pháp Chúa luôn chuẩn mực, có giá trị cho mọi thế hệ và mọi thời đại. Bỏ qua chúng, thế giới sẽ sụp đổ, tội lỗi sẽ xảy ra. Mọi hành động tội lỗi đều bắt nguồn từ việc vi phạm nó. Chính tội lỗi và những gì ô uế đã tràn ngập, làm nhuốc nhơ linh hồn, đền thờ Chúa Kitô; nhuốc nhơ Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài.

Tin Mừng nói đến việc Chúa Giêsu trục xuất những kẻ mua bán ra khỏi đền thờ, hành động này nhắc chúng ta rằng, có lẽ chúng ta đã làm ô uế ‘các đền thờ’ của Ngài. Không chỉ những gì chúng ta được giao - Giáo Phận, Giáo Xứ, cộng đoàn, gia đình… nhưng có thể là chính thân xác chúng ta. ‘Đền thờ’ trở thành ‘nơi buôn bán’ là điều bất thường. Việc sử dụng những ân tứ, địa vị và thân thể Chúa ban vào mục đích thương mại là một tội lỗi.

Hãy bắt đầu cuộc chiến bằng cách vạch tên chúng tại toà giải tội. Xác định được một vấn đề đã là một thành công trong việc giải quyết nó. Hãy cầu xin lòng thương xót Chúa và Ngài sẽ thứ tha. Khi đi xưng tội, chúng ta không chỉ nhận được ơn tha thứ mà còn nhận được ân sủng để vượt qua những cám dỗ trong tương lai. Nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến, bạn và tôi hãy trang bị vũ khí cho mình tại toà giải tội.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”. Có lẽ chúng ta đã biến nhiều không gian thánh thành ‘nơi buôn bán’ khi tích lũy rất nhiều thứ vốn đang đè nặng về mặt tinh thần. Cuộc sống chúng ta chứa đầy những điều phù phiếm vốn đã chiếm giữ không gian của Chúa. Để mang vào cái mới, cái cũ phải nhường chỗ! Vì vậy, phải loại bỏ những thói quen, khuynh hướng và đường lối tội lỗi vốn đã làm tê liệt ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống, khiến chúng ta phá sản về mặt thiêng liêng và chậm lớn trong việc phát triển tinh thần. Đó có thể là hám danh, tham lam, ngoại tình, thờ ngẫu tượng… khiến bạn và tôi suy sụp suốt những năm qua và khiến cuộc sống của chúng ta tràn ngập nhiều điều ô uế. Mùa Chay, mùa tuyên chiến và bày tỏ sự tức giận đối với những ‘nơi buôn bán’ không đáng có!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không là thiên thần, đừng để con thách thức bản thân! Dọn sạch lòng con, đừng để nó thành ‘nơi buôn bán’ hay ‘hang trộm cướp’ không hơn không kém!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây