Hành trình lãnh đạo của MÔ-SÊ
”Hành trình lãnh đạo của Mô-sê” là bài nói chuyện thứ hai của Cha Charles Conroy, MSC., trích từ Journeys and Servants, do Catholic Biblical Association of the Philippines xuất bản, (Quezon City, 2003). Bản dịch của thầy Phêrô Nguyễn Quí Khôi (ĐCV Huế).
Chủ đề của chúng ta hôm nay là cuộc hành trình lãnh đạo của Mô-sê. Tuần trước, tôi đã nói về hành trình đức tin của Áp-ra-ham. Vẫn là “hành trình”, nhưng đây là một loại hành trình khác, một cách nào đó nó có tính tương phản với cuộc hành trình trước. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một hành trình có thể hữu ích cho chúng ta trong thời đại hôm nay. Tôi sẽ không đề cập đến công trình nghiên cứu lịch sử gần đây nhất về sự hiện diện của người Do thái và người Ít-ra-en ở Ai-cập, hay về khảo cổ học. Điều tôi trình bày sẽ đơn giản hơn nhưng đồng thời cũng sâu hơn. Đó là các bản văn Thánh Kinh, tức Lời của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta khi tìm hiểu các bản văn này.
Chúng ta tiếp cận các bản văn này như một phần của Thánh Kinh, và đọc chúng để nghe chúng nói với kinh nghiệm của chúng ta trong tư cách là những người tin ngày nay. Tất cả điều tôi muốn làm là trao cho các bạn những suy tư của một độc giả của các bản văn này. Hết thảy các bạn đều là các độc giả. Có lẽ những gì tôi sắp chia sẻ sẽ có phần hơi khác với cách đọc của các bạn. Cũng có thể các bạn nghĩ rằng cách đọc của các bạn đã đi sâu hơn vào bản văn. Điều đó thật tuyệt. Chúng ta có thể chia sẻ những hiểu biết của mình và giúp nhau cởi mở hơn để đón nhận Lời Thiên Chúa.
Mục tiêu của chúng ta, vì thế, là cung cấp chất liệu cho việc suy tư; và quan trọng hơn nữa, đó là cung cấp chất dinh dưỡng cho việc cầu nguyện và việc kết hiệp với Chúa Phục Sinh, Đấng kêu gọi và sai mỗi người chúng ta vào sứ mạng hôm nay. Tiêu đề phụ của bài nói chuyện này là “Ơn gọi và sứ mạng của Mô-sê”. Nhưng ở đây chúng ta không chỉ đang quan tâm đến chuyện đời xưa. Chúng ta cũng đang quan tâm đến những gì Mô-sê có thể nói với hoàn cảnh của chúng ta trong hiện tại.
I. MÔ-SÊ TRƯỚC KHI ĐƯỢC GỌI
Trước hết tôi sẽ đề cập về Mô-sê trước khi được gọi. Lý do là vì để hiểu ơn gọi của bất kỳ ai, chúng ta phải nhận thức rằng ơn gọi đến với một người cụ thể có lịch sử, bối cảnh, những giới hạn và điều kiện riêng do quá khứ của mình. Ơn gọi không đến với mọi người theo cùng một cách giống nhau. Ơn gọi có tính đặc thù cho mỗi người, vì mỗi người đều độc đáo. Vì thế cần phải tìm hiểu Mô-sê trước khi được gọi.
Cách đọc mà tôi đang sử dụng ở đây là cách đọc mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh gọi là đọc bản văn ở dạng cuối cùng. Tôi sẽ dùng một số bản văn của Sách Xuất hành và vài bản văn thuộc một số sách khác nữa ngoài Sách Xuất hành, trong hình thức mà chúng ta thấy chúng ngày nay trong bộ Ngũ Kinh. Chúng ta biết rằng bộ Ngũ Kinh không phải được viết tất cả cùng một lúc hay do bởi một người. Nó đã trải qua một quá trình phát triển vô cùng phức tạp mà các chuyên gia vẫn thường bất đồng ý kiến về quá trình đó. Nhưng chúng ta sẽ dùng bản văn như ta thấy nó hôm nay, và tìm hiểu xem nó có thể nói với chúng ta những gì.
Chúng ta hãy nhìn thoáng qua Mô-sê trước khi ông được kêu gọi, bằng cách nêu câu hỏi: Tiếng gọi ấy đã đến với một con người như thế nào? Câu chuyện bắt đầu với việc lên ngôi của một vị tân vương Ai-cập, một Pha-ra-ô mới. Pha-ra-ô là tước hiệu chứ không phải tên người. Vị vua mới này khác xa với vị vua có tấm lòng rộng lượng thời Giu-se. Bạn hãy nhớ lại câu chuyện Giu-se được vua Ai-cập phong chức tể tưởng. Giu-se đã mời gia đình ông sang định cư ở Ai-cập. Sau đó, dân Ít-ra-en là ăn rất phát đạt ở Ai-cập khiến người dân nước này phải lo lắng. Pha-ra-ô bắt đầu một chính sách đàn áp và bóc lột những người lao động Ít-ra-en, và ra lệnh phải giới hạn nghiêm ngặt dân số của họ. Tất cả các con trai mới sinh của Ít-ra-en đều phải bị giết. Câu chuyện tiếp tục với việc cứu sống trẻ Mô-sê, với những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng: hai bà đỡ, chị gái của Mô-sê – người đã rất khéo léo thuyết phục công chúa của Pha-ra-ô nhận nuôi đứa trẻ và gọi bà mẹ của đứa trẻ đi theo chăm sóc cho nó, một công việc được trả thù lao đàng hoàng. Đây là cách xử trí đầy khôn khéo của Mi-ri-am, người chị gái Mô-sê.
Từ bé, Mô-sê được nuôi dạy như một người Ai-cập. Chúng ta muốn biết chi tiết hơn nhưng Sách Xuất hành không nói gì thêm. Về sau, truyền thống Do thái có kể những câu chuyện khác về việc này, và cũng có một đề cập thoáng qua trong sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 7,22). Trong lời phát biểu của mình, Tê-pha-nô nói rằng Mô-sê được dạy cho biết tất cả lẽ khôn ngoan của người Ai-cập, vì thế ông trở thành con người đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm. Nói cách khác, ông được giáo dục trong tư cách một thành viên thuộc tầng lớp được ưu đãi ở Ai-cập, được hướng đến một sự nghiệp sáng giá là làm quan triều đình, nghĩa là một cuộc sống dễ chịu và sung túc. Rõ ràng ông có nhiều khả năng và được sự hậu thuẫn của gia đình Pha-ra-ô. Mọi sự đều rất thuận tiện cho ông. Đó là con người Mô-sê trước khi được gọi.
Mô-sê “đi ra”
Một ngày kia, Mô-sê quyết định đi ra để thăm đồng bào Ít-ra-en của mình (Xh 2,11). Cụm từ “đi ra” thật thú vị. Ông đi ra từ một thế giới đầy ưu đãi để đến với một loại thế giới khác và chứng kiến những người lao động khổ sai. Tại sao ông đi ra? Bản văn không cho ta biết lý do. Có lẽ vì ông tò mò. Dù lý do nào đi nữa, quyết định có vẻ tình cờ này đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời Mô-sê và cũng là bước ngoặt của hàng triệu người Do thái, Ki-tô giáo, Hồi giáo – những người nhìn nhận Mô-sê là một trong các tổ tiên họ trong đức tin.
Tôi đã tra tìm từ “Mô-sê” trong kinh Co-ran thông qua bản dịch tiếng Anh và nhận thấy rằng tên gọi này xuất hiện ít nhất là một trăm ba mươi lần. Nghĩa là ông có một chỗ đứng rất quan trọng trong kinh Co-ran, chưa nói đến trong các truyền thống Do thái giáo và Ki-tô giáo. Khi bạn suy nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy một điều rất lạ lùng: bao nhiêu điều đã gắn liền với bao con người qua các thế hệ dọc theo bao thế kỷ… đã bắt đầu từ một chuyến đi ra tình cờ vào buổi sáng hôm đó!
Có một bài học cho tất cả chúng ta. Một tiếng gọi rất đặc biệt của Chúa có thể xuất phát từ những sự kiện xem chừng rất tình cờ, rất ngẫu nhiên. Tiếng gọi không nhất thiết phải giống như tiếng gọi dành cho Phao-lô trên đường đi Đa-mát, qua đó ông ngã ngựa và bị mù – một cái gì rất đặc biệt. Song tiếng gọi cũng có thể rất đỗi bình thường, như cách mà Mô-sê bắt đầu nghe tiếng gọi. Vì vậy, chúng ta nên trân trọng giây phút hiện tại.
Hôm ấy, Mô-sê nhìn thấy một người Ai-cập đánh một người Do thái, điều có lẽ xảy ra khá thường xuyên. Thường thì người ta sẽ không chú ý đến một điều như thế, nhưng Mô-sê chứng kiến sự việc xảy ra và nhận thức mối liên đới của mình với người Do thái đang bị đánh đập kia. Nhận thức này làm bộc phát một hành động bốc đồng: ông giết gã Ai-cập và đem giấu thi thể.
Chúng ta để ý rằng trong đoạn văn này không có đề cập gì đến danh Thiên Chúa. Có thể nói đây là một phản ứng tự phát tự nhiên của Mô-sê. Ông là một con người hành động: ông quyết định và thực hiện ngay tức khắc. Ông có khả năng bạo lực. Ông có thể giết người và đã thực sự giết người. Rõ ràng Mô-sê là một nhân vật rất mạnh mẽ, một người quyết định nhanh và quyết liệt.
Điều gì xảy ra sau đó? Không có chuyện gì cả! Mô-sê trở về ngôi nhà tiện nghi của mình giữa những người Ai-cập. Ngày hôm sau, ông lại đi ra ngoài và lần này nhìn thấy hai người Do thái đánh nhau. Việc đi ra ngoài ấy không làm thay đổi Mô-sê. Ông vẫn còn địa vị danh giá, vẫn sống ở một nơi giàu sang với nhiều đặc ân. Vẫn còn sự tách biệt giữa Mô-sê và đồng bào Do thái đang đau khổ của mình. Dù sao, ông quyết định đi ra để đến với họ.
Mô-sê can ngăn vụ đánh nhau giữa hai người Do thái. Ông xử sự như một người lãnh đạo. Cả ở đây nữa, cũng không có đề cập gì đến danh Thiên Chúa. Thiên Chúa không bảo Mô-sê: “Hãy can ngăn và giải hòa họ”. Mô-sê tự mình làm thế. Không ai trao cho Mô-sê vai trò lãnh đạo. Nhưng ông nghĩ rằng mình có quyền làm người lãnh đạo. Vì thế, ông đã can ngăn và cố gắng giải hòa dù không nhận được lời đề nghị nào. Tuy nhiên, sự can thiệp của Mô-sê đã bị từ chối một cách thô thiển. Người sai quấy trong hai người ấy đã lên tiếng: “Ai đặt ông làm người lãnh đạo hay xét xử chúng tôi?” Anh ta nhận hiểu Mô-sê đang hành xử như một người lãnh đạo. Và anh ta bồi thêm một lời nói bóng gió thật độc miệng: “Hay là ông định giết tôi như đã giết người Ai-cập kia?” Rõ ràng người ta đã biết câu chuyện ấy và việc nó đến tai các quan lại Ai-cập chỉ còn là vấn đề thời gian. Mô-sê lo lắng. Không còn cách nào khác hơn là đi trốn. Quả thế, khi Pha-ra-ô nghe biết sự tình, đã cho tìm giết Mô-sê, vì thế Mô-sê trốn thoát khỏi Pha-ra-ô.
Không còn ở vị thế được ưu đãi nữa
Chúng ta dừng lại một chút để xem xét tình cảnh của Môsê vào lúc này. Tất cả dường như mất mát và vô nghĩa. Mô-sê phải trốn đến sa mạc. Ông sống với một gia đình nghèo khổ. Ông đã hoàn toàn đánh mất địa vị danh giá trong triều đình Ai-cập. Ông bị tách ly khỏi những người Do thái. Toàn bộ sự việc xem ra rất trái khuấy: ông cố làm điều tốt nhưng thật sự đã làm ơn mắc oán. Mô-sê đã đánh mất tất cả. Tất cả tương lai của ông hẳn sẽ gắn với gia đình ở sa mạc này trong một khung cảnh rất tẻ nhạt, một lối sống quá đơn điệu, ngoài ra chẳng còn gì khác. Nơi đó, ông sẽ sống và sẽ chết. Nếu chúng ta xét về những khía cạnh tâm lý như thế thì cuộc sống vô nghĩa đối với Mô-sê biết là ngần nào.
Mô-sê sống trong sa mạc với một người Ai-cập ở vùng Man-đi-an, người này có bảy cô con gái. Câu chuyện này cũng khá nổi tiếng: ông giúp đỡ các cô con gái tại giếng nước và được mời về nhà. Ông kết hôn với Xíp-pô-ra, một trong các cô con gái ấy, và sinh được một cậu bé trai. Nghĩa là Mô-sê đang ổn định với lối sống của một gia đình du mục.
Sa mạc là nơi hoang sơ, khắc nghiệt, ở đó cuộc sống chỉ còn là sự tồn tại. Những nhu cầu của người ta chỉ ở mức tối thiểu: căn lều, vài loại thức ăn đạm bạc, nước uống (là thứ cần thiết trên hết), và manh áo đủ để che nắng và giữ ấm. Thật lạ là ban ngày sa mạc rất nóng nhưng nó không giữ được sức nóng nên ban đêm rất lạnh. Trong sa mạc, cuộc sống con người trở nên hết sức bấp bênh. Cơ man những khó khăn rình rập, và việc chính yếu là làm sao để tồn tại. Đó là kinh nghiệm mà Mô-sê trải qua, theo mô tả của các bản văn nói về giai đoạn ông ở Ai-cập.
Mô-sê đã bộc lộ tất cả những phẩm chất lãnh đạo xét theo quan điểm con người – đưa ra quyết định nhanh, thực hiện quyết định, can thiệp, được công nhận là người lãnh đạo. Ông có tất cả những phẩm chất tự nhiên của một người lãnh đạo, tuy nhiên ông chưa được gọi để làm người lãnh đạo. Sự việc đã đi trật đường rây.
II. ƠN GỌI CỦA MÔ-SÊ
Chúng ta bước sang điểm thứ hai để tập chú vào tiếng gọi dành cho Mô-sê và những phản ứng tức thời của ông trước tiếng gọi ấy. Ở cuối chương 2 Sách Xuất hành, vua Ai-cập băng hà. Điều này có nghĩa là Mô-sê đã sống một thời gian dài trong sa mạc.
Từ thân phận nô lệ của mình, dân Ít-ra-en kêu cầu Thiên Chúa giúp họ. Thiên Chúa nhớ đến giao ước của Ngài với Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, và Ngài lưu tâm đến họ. Thế là xảy ra tiếng gọi dành cho Mô-sê: đó là lời Thiên Chúa đáp trả lời khẩn cầu của dân Ít-ra-en. Những con người từng khước từ Mô-sê ấy đã cầu xin Thiên Chúa giải cứu – và họ sẽ có được một nhà lãnh đạo là chính người mà họ đã khước từ. Thiên Chúa đã làm những việc lạ lùng với dân của Ngài.
Trình thuật về tiếng gọi bắt đầu. Phần đầu tiên của trình thuật này là đoạn văn nổi tiếng về tiếng Chúa phán từ bụi gai đang bốc cháy. Lúc ấy Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô. Lần đầu tiên trong câu chuyện của Mô-sê, một cuộc thần hiện, một cuộc gặp gỡ với chính Thiên Chúa được đề cập đến. Mô-sê nhìn thấy bụi gai đang cháy; sự kiện này thu hút sự chú ý của ông. Bụi gai cháy nhưng không bị thiêu rụi. Khi Mô-sê đến gần, Thiên Chúa gọi tên ông hai lần: “Mô-sê, Mô-sê”. Và ông thưa: “Dạ, con đây”. Cảnh tượng lạ lùng này càng lên cao trào với lệnh truyền phải cởi dép ra, vì nơi ông đang đứng là nơi thánh.
Câu chuyện tiếp tục với việc Mô-sê được Thiên Chúa sai đi. Mô-sê phải rời bỏ cuộc sống yên hàn để trở lại với đồng bào mình. Giờ đây, ông được Thiên Chúa sai đi, được gọi trở thành nhà lãnh đạo. Mô-sê sẽ đi gặp Pha-ra-ô, người đang tìm giết mình, và ông sẽ dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi xứ sở đầy áp bức này để đến vùng đất tự do, tràn trề sữa và mật. Thật thú vị để ghi nhận rằng trong những lời Thiên Chúa nói với Mô-sê, Ngài không hề đề cập gì đến những việc ông đã làm trước kia.
Dường như Thiên Chúa mở ra một trang mới và quên hết tất cả những gì ông đã làm: việc ông giết gã Ai-cập nọ, và bao chuyện khác nữa. Đây là một sự khởi đầu mới. Nhưng đây là một sự khởi đầu mới cho Mô-sê là một con người đã học biết nhiều điều. Chúng ta sẽ nhận thấy sự thay đổi nơi Mô-sê khi ông bắt đầu phản ứng trước tiếng gọi này.
Tôi muốn nói rằng: Trước khi đối mặt với bụi cây đang cháy, có lẽ chính Mô-sê vốn đang cháy bỏng. Ông đầy nhiệt huyết, là một con người hành động; ông can thiệp mà không cần người ta lên tiếng yêu cầu. Mô-sê có ngọn lửa như thế trong mình. Người ta nghĩ rằng sau khi được Thiên Chúa kêu gọi, lòng nhiệt thành của Mô-sê sẽ càng tăng lên, vì tự bản chất ông là một người lãnh đạo, ông được phú bẩm đặc ân này. Người ta hẳn sẽ kỳ vọng như thế vì đó là bản chất tự nhiên của ông. Giờ đây Thiên Chúa gọi ông, hẳn là ông sẽ càng nhiệt thành hơn nữa và sẵn sàng hơn nữa để đảm nhận sứ mạng lãnh đạo. Nhưng, thật bất ngờ, sự việc lại không diễn ra như thế. Ngọn lửa bây giờ chỉ được thấy ở phía Thiên Chúa mà thôi. Dường như Mô-sê cố hết sức để tưới nước vào ngọn lửa này và dập tắt nó bằng cách kể ra cơ man những khó khăn và những hồ nghi về tiếng gọi dành cho mình.
Như thế, chúng ta chứng kiến một sự khủng hoảng ơn gọi ngay từ đầu. Nó không chỉ xảy ra một lần nhưng là năm lần. Mô-sê bây giờ khác biết bao so với một Mô-sê mà chúng ta từng biết trong năm chương đầu tiên. Giờ đây chúng ta nhìn thấy một con người lừng khừng, nhút nhát, sợ hãi. Một sự thay đổi thật lạ lùng.
Những phản kháng và những khó khăn
Chúng ta hãy xem xét năm phản ứng của Mô-sê. Những phản kháng mà Mô-sê đưa ra là những phản kháng mà đôi khi chúng ta có thể gặp thấy nơi chính mình. Đây là điểm thú vị của đoạn văn này.
Phản ứng đầu tiên là: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3,11). Đứng trước lời chống chế này, người ta sẽ nói: “Nhưng ông là người lý tưởng – ông biết triều đình Pha-ra-ô, ông biết ngôn ngữ và văn hóa Ai-cập”. Hẳn Mô-sê cũng ý thức điều đó. Nhưng dường như ông đang cảm nhận sự bất xứng quá hiển nhiên của bản thân mình. “Con không thể, con không phù hợp để làm công việc đó”. Khi được gọi đảm nhận một sứ mạng nào đó, cảm nhận mình yếu kém không chỉ là cảm nhận của Mô-sê. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm nghĩ y như thế. Vì vậy, ta hiểu tại sao một nhà lãnh đạo tầm cỡ như Mô-sê cũng đã từng có cảm nghĩ ấy. Có lẽ kinh nghiệm sống trong sa mạc đã dạy Mô-sê nhận biết một số giới hạn của bản thân mình.
Dù sao, kể từ lúc này ngọn lửa sẽ đồng hành với Mô-sê không phải là ngọn lửa tự nhiên của ông. Đó là một ngọn lửa khác, ngọn lửa đến từ câu trả lời của Thiên Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi”. Chừng đó thôi, nhưng chừng đó là quá đủ. Một khi Thiên Chúa đã hứa như thế, thì sẽ hoàn toàn trái khoáy việc Mô-sê hay bất cứ ai trong chúng ta chống chế rằng “Con là ai mà dám làm điều này? Con không đủ khả năng”. Nhưng đó không phải là điểm đáng chú ý nhất ở đây. Điểm đáng lưu ý là: nếu đó là một tiếng gọi thật sự thì quyền năng và sức mạnh nơi chúng ta không phải của chính chúng ta, nhưng là của Đấng đang gọi chúng ta. Có nhiều điều để ta ghi nhận trong đoạn văn vắn vỏi này. Chúng ta nhận ra rằng cảm thức về sự bất xứng của bản thân có thể song hành với một tiếng gọi đích thực từ Thiên Chúa. Việc cảm thấy bất xứng không hề có nghĩa rằng chúng ta không được kêu gọi.
Thánh Phao-lô đã nói điều tương tự như thế trong 2 Cr 12.
Thánh nhân kể cho chúng ta cách thức Thiên Chúa đáp trả lời ngài cầu xin cho được giải phóng khỏi sự bất lực của bản thân, một cái dằm bí hiểm nào đó của Sa-tan. Dù cái dằm đó là gì đi nữa, thì nó chính là cái làm cho Phaolô cảm thấy mình yếu ớt. Rất có thể đó là một sự đau ốm thể xác, căn bệnh mờ mắt hay bất cứ thứ gì khác. Và Phaolô đã nhận được câu trả lời của Chúa. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô”. Đấy là vì Thiên Chúa đã quả quyết với Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho con vì sức mạnh của Ta biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Đây là một châm ngôn tuyệt vời mà chúng ta cần liên lỉ nhắc nhở chính mình: Sức mạnh đạt mức trọn vẹn trong sự yếu đuối. Có lẽ chúng ta nên nói thêm một hàm ý ở đây: Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ bị cản trở nếu chúng ta cứ cố sấn tới làm việc bằng sức riêng của mình.
Cảm thức “Tôi là ai mà dám…?” thật hữu ích vì nó giúp chúng ta khiêm nhường và nhận biết chính mình. Nhưng đó cũng chỉ là một nửa của bức tranh, vì chúng ta không thể quên hay làm như điếc trước lời hứa “Ta sẽ ở với ngươi”. Lẽ ra Mô-sê nên bằng lòng. Nhưng ông lại đưa ra một chống chế khác. Ông nêu ra khó khăn bằng cách hình dung trước tương lai. Đứng trước một sứ mạng hay một lời mời gọi, chúng ta ngay lập tức cố hình dung nó sẽ ra sao, những khó khăn sẽ phải đương đầu là gì. Ý nghĩ này có thể khiến chúng ta nhụt chí.
Mô-sê thưa với Chúa: “Nếu con đến với con cái Ít-ra-en và nói với họ: ‘Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?’’’ Có lẽ Mô-sê muốn nói rằng: “Ngài không thể sai con vì con chưa trang bị đủ những kiến thức tôn giáo”. Chúng ta nhớ lại rằng ông được nuôi dạy như một người Ai-cập. Ông chấm dứt cuộc sống Do thái ngay từ khi còn là một đứa trẻ chưa biết gì, thậm chí có thể không biết cả tiếng mẹ đẻ của mình. Thế đấy, ông là một người nói tiếng Ai-cập mà lại được sai đến với dân chúng Do thái, ngộ nhỡ họ chất vấn: “Thiên Chúa của tổ tiên ông là ai?” thì quả là gay go để trả lời họ đây! Có một điều rất thú vị ở đây. Mô-sê ý thức rằng ơn gọi của ông là ra đi với tư cách là sứ giả, là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Ông không được kỳ vọng trình bày ý kiến riêng của mình, cũng như không vẽ ra một hình ảnh về Thiên Chúa của riêng mình. Ông phải trình bày cho dân hình ảnh chân thực về Thiên Chúa.
Kinh nghiệm ơn gọi có bao hàm nhu cầu khẩn thiết phải biết rõ hơn về Đấng gọi mình. Để phục vụ người khác và giúp giải phóng họ, chúng ta phải có khả năng chuyển thông cho họ cảm thức sống động về Đấng đã sai chúng ta đến để làm điều đó. Khía cạnh ngã vị ở đây là: “Đấng đã sai tôi đến với anh em là ai? Tên của Đấng ấy là gì?” Kiến thức sách vở có phần ở đây, nhưng không đủ. Sự hiểu biết hiện sinh, sự hiểu biết của trái tim, sự hiểu biết cầu nguyện mới là điều thiết yếu. Ta không nhất thiết phải luôn biết định thức hóa sự hiểu biết này trong những thuật ngữ thần học chuẩn xác; chỉ cần có sự hiểu biết này bên trong chính mình là đủ. Trong ngôn ngữ Ki-tô giáo, chúng ta nói rằng loại hiểu biết này được Chúa Thánh Thần ban cho. Và người ta có thể chuyển thông sự hiểu biết này qua hành động cũng như qua lời nói của mình.
Chúng ta cần biết Đấng đã kêu gọi mình là ai. Chúng ta không đang phục vụ cho một lý tưởng thuần lý thuyết, một ý thức hệ trừu tượng; nhưng chúng ta đang phụng sự một Thiên Chúa có ngã vị. Điều này được ghi nhận qua câu trả lời của Thiên Chúa đối với Mô-sê để mạc khải danh Ngài: “Ta là Đấng hiện hữu”. Những từ Híp-ri sử dụng ở đây là những động từ có nghĩa “hiện hữu, hiện diện, tác động”; những động từ này khá giống với tên “Gia-vê”. Ý nghĩa của tên được mạc khải ở đây không được rõ lắm. Một ý nghĩa huyền bí! Bản văn này dường như muốn nói rằng: “Vâng, Ta sẽ cho ngươi biết tên Ta, nhưng ngươi sẽ không hiểu tên Ta trọn vẹn, vì sự thực về Ta siêu vượt trên mọi tên gọi”. Thiên Chúa không thể được định loại, nhưng Ngài có thể được gặp gỡ. Nói đúng hơn, Ngài có thể đến để gặp con người. Và khi Ngài đến gặp ai, Ngài tỏ chính mình cho người đó biết. Vì thế, sự chống chế thứ hai mà Mô-sê nêu ra nhắc chúng ta rằng mỗi tiếng gọi là một lời mời gọi lớn lên trong sự phục vụ và đồng thời là một lời mời gọi lớn lên trong sự hiểu biết đầy tinh thần cầu nguyện về Đấng đang kêu gọi chúng ta. Hai điều này gắn với nhau và thiết yếu phải gắn với nhau.
Tới đây, Mô-sê vẫn chưa bằng lòng. Ông tiếp tục chống chế. Ta đọc thấy ở đầu chương 4 Sách Xuất hành: “Nếu họ không tin con thì sao?” Một lần nữa, Mô-sê lại mường tượng tất cả các loại khó khăn và trở ngại có thể xảy ra trong tương lai, và ông dựa vào đó để lập luận rằng Chúa không nên sai ông đi. Bấy giờ Thiên Chúa ban cho Mô-sê những quyền năng thật kỳ diệu. Ông có thể biến cây gậy thành con rắn, làm cho người sạch bị phong hủi hoặc người phong hủi nên sạch, khiến nước sông trở thành máu trên mặt đất. Ba phép lạ này có thể thuyết phục bất cứ người nào. Nhưng chúng vẫn không lay chuyển được Mô-sê.
Ông đưa ra lý do thứ tư để chống chế, lần này ông quay trở lại với sự bất tài, thiếu khả năng của mình, nhưng cụ thể hơn lần trước. Mô-sê viện dẫn một thực tế là ông không có tài ăn nói. Có lẽ một phần bởi vì ông không thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Híp-ri. Dẫu sao đi nữa, ông nói rằng mình không phải là một nhà hùng biện: “Lạy Chúa, từ hồi nào đến giờ, ngay cả lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi”. Mô-sê nhận hiểu rằng phần lớn công việc ông được kêu gọi đảm nhận sẽ là tác vụ giảng thuyết, tác vụ lời. Ông ý thức được sự ké cỏi của mình ở phương diện này. Phải chăng Mô-sê đang phóng đại, hay ông nói thật tình? Chúng ta thật sự không biết. Nhưng ta biết chắc rằng Mô-sê là một con người hành động, một con người sáng tạo, và ta dễ hiểu rằng ông không phải là một con người diễn thuyết dông dài. Thật vậy, loại người hành động thường không thích dùng nhiều lời lẽ.
Nhưng ngay cả khi Thiên Chúa kêu gọi một người đảm nhận sứ vụ lời, thì không có nghĩa là người đó phải có tài hùng biện. Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải đánh động được công chúng nhờ khả năng ăn nói lưu loát của bạn. Người lợi khẩu vẫn có thể là một người giảng thuyết tồi, vì sứ vụ lời đòi hỏi người ta phải có sự chân thành, phải có khả năng nội tâm hóa lời để rồi chia sẻ lời cho người khác. Có những lúc một bài giảng vấp váp, vụng về, mắc nhiều lỗi ngữ pháp nhưng lại chân thực và thuyết phục người ta hơn là những lớp ngôn từ trôi chảy, ngọt ngào và đầy hùng biện nhưng lại nghe quá chuyên nghiệp, quá giả tạo.
Như chúng ta có thể đoán, những chống chế của Mô-sê không lay chuyển được Thiên Chúa. Ngài đưa cho Mô-sê một câu trả lời có tính ‘bắt giò’: “Ai cho con người có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù lòa? Há chẳng phải là Ta, Đức Chúa, đó sao?” Hầu như Ngài muốn nói: “Ngươi có tài ăn nói hay không cũng chẳng sao. Ta sai ngươi đi để nói và Ta sẽ cho ngươi biết phải nói gì. Khỏi thắc mắc nữa nhé!” Theo như cách trình bày của bản văn thì Thiên Chúa có phần hơi ‘tức giận’. Cuối cùng, khi Chúa nói “Bây giờ ngươi hãy đi”, thì Mô-sê lại phản đối. Thiên Chúa nói: “Đừng chống chế nữa. Hãy cứ đi. Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và sẽ chỉ cho ngươi biết phải nói gì”. Việc phản đối dường như kết thúc, vì bạn có thể nói gì hơn được nữa?
Thế nhưng Mô-sê vẫn đưa ra sự chống chế thứ năm, và lúc này sự thật mới lộ ra. Trong Xh 4,13, Mô-sê nhất mực đòi: “Lạy Chúa, xin hãy sai người khác”. Cách diễn đạt rất ư lịch sự: “Xin Chúa hãy sai bất cứ ai mà Ngài sẽ sai”. Nghĩa là: “Con không muốn đi. Xin hãy sai bất cứ ai Ngài muốn, còn con không muốn đi. Con muốn ở lại đây hơn”. Trong ánh sáng ở đây, chúng ta có thể nói rằng một số trong những chống chế trước kia của Mô-sê chỉ là sự viện cớ. Ông đang tìm lý do thoái thác nhưng điều căn bản là tấm lòng ông không thật sự mở ra với Thiên Chúa. Ông thực sự không muốn đi. Và điều này cũng rất giống với mỗi chúng ta. Nếu không muốn làm điều gì đó, chúng ta thường tìm đủ thứ lý do có vẻ hợp lý và thuyết phục để thoái thác. Nhưng vấn đề thật sự nằm ở chỗ chúng ta không muốn làm gì cả – chúng ta ngại phiền toái, ngại nguy hiểm, ngại đủ thứ.
Đến mức này, có vẻ như Thiên Chúa đánh mất sự kiên nhẫn. Bản văn cho chúng ta biết: “Đức Chúa nổi giận với ông Mô-sê; Ngài phán: ‘Nào chẳng có A-a-ron, anh ngươi, là người Lê-vi đó sao? Ta biết: nó ăn nói được lắm. Nó đang tới gặp ngươi.’’’ Nói cách khác, việc này đã được chuẩn bị. “A-a-ron đang tới gặp ngươi. Ta sẽ đặt lời lẽ vào miệng nó và Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và nơi miệng nó. Ta sẽ chỉ cho các ngươi những gì các ngươi phải làm.” Bản văn chuyển sang dạng số nhiều ở đây. Và Thiên Chúa kết thúc cuộc trao đổi bằng một lệnh truyền: “Cây gậy này, ngươi hãy cầm nó trong tay; ngươi hãy dùng nó mà làm các dấu lạ”. Đó là một mệnh lệnh và cũng là sự chấm dứt những chống chế của Mô-sê. Trình thuật ơn gọi khép lại và Mô-sê bắt đầu sứ mạng của mình.
Nếu nhìn lại năm lần phản đối – gồm những cố gắng từ chối hay những cuộc khủng hoảng ơn gọi, chúng ta nhận thấy trong cả năm lần, lời nói, tâm trí, ý muốn của người được gọi tỏ ra ngập ngừng trong việc đi theo tiếng gọi – chúng ta có thể nhận ra trong bản văn này một bài học phổ quát hơn cho chúng ta là những người bằng cách này hay cách khác đã nhận được lời Chúa kêu gọi sống đời Ki-tô hữu và sống sứ điệp Tin Mừng. Câu chuyện có thể ở trong khung cảnh gia đình hoặc cộng đoàn, có thể liên hệ tới loại sứ vụ này hay sứ vụ khác. Ai trong chúng ta cũng đã nhận một tiếng gọi, và không phải bao giờ mọi khó khăn cũng ập đến ngay lúc đầu. Nhưng ở đây thì mọi khó khăn ập đến ngay từ đầu. Chúng ta biết rõ rằng đây không phải là tình huống thông thường. Như ta có thể thấy trong hành trình của Ap-ra-ham…
Chuyện của Mô-sê là chuyện đời của chúng ta. Quá trình đáp trả ơn gọi của chúng ta tiếp diễn trong nhiều năm, trong suốt đời. Chúng ta không ngừng được gọi, và được yêu cầu canh tân sự đáp trả của mình đối với ơn gọi. Rất có thể chúng ta không ngớt đưa ra những chống chế ở chỗ này hay sự dè dặt ở chỗ kia. Vì thế, tiếng gọi không xảy ra một lần thay cho tất cả vào lúc đầu, và nó không loại trừ những thăng trầm có thể diễn ra trong một thời gian dài. Một số người gặp nhiều khó khăn hơn người khác, một số người đáp trả ngay lập tức từ ban đầu. Hãy nhớ rằng Áp-ra-ham đã đứng lên ra đi, từ bỏ gia đình – không hỏi tới hỏi lui, không có khó khăn gì. Nhưng ông đã có những vấn đề về sau đó. Còn ở đây Mô-sê có đủ loại khó khăn ngay lúc khởi đầu, và cũng sẽ còn những vấn đề về sau. Có nhiều kiểu ơn gọi khác nhau. Thiên Chúa đối xử với mỗi người chúng ta một cách cá vị.
III. BA LÃNH VỰC TƯƠNG QUAN
Ở điểm thứ ba này chúng ta sẽ tập chú vào ba lãnh vực tương quan – giữa Thiên Chúa và Mô-sê, giữa Mô-sê và dân, giữa Thiên Chúa và dân. Chúng ta sẽ tìm hiểu những thăng trầm của các mối tương quan này, những thăng trầm của một hành trình lãnh đạo.
Tôi chia hành trình lãnh đạo của Mô-sê thành ba giai đoạn, dù có hơi gượng ép. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ khi Mô-sê được gọi đến lúc vượt qua Biển Sậy, mà ta vẫn gọi là Biển Đỏ. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ sau khi vượt qua Biển Đỏ và tiêu diệt quân Ai-cập đến hành trình dài về Đất Hứa. Giai đoạn thứ ba là khi tiến gần đến Đất Hứa.
1. Từ khi Mô-sê được gọi đến lúc vượt qua Biển Đỏ
Mô-sê và A-a-ron đã tập họp tất cả các kỳ mục của Ít-ra-en (Xh 4,29). A-a-ron nói với dân tất cả những lời Thiên Chúa đã phán với Mô-sê, làm nhiều dấu lạ, và dân đã tin. “Đã tin” là một động từ được nhấn mạnh ở đây. Nói cách khác, dân niềm nở đón nhận Mô-sê và A-a-ron, và họ tin vào lời của các ông. Họ sấp mình thờ phượng Thiên Chúa. Cuộc hành trình bắt đầu với âm hưởng vui vẻ. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Nhưng âm hưởng vui vẻ ấy không luôn luôn được duy trì. Nó không kéo dài đối với Mô-sê, và cũng không luôn luôn được duy trì trong hoàn cảnh của chúng ta. Những cam go thực tế sớm hiện ra. Trong Xh 5,14-21, những người quản đốc Ít-ra-en bị những ông cai Ai-cập đánh đập vì đã không làm đủ số gạch như yêu cầu. Họ trở về và nói với Mô-sê: “Xin Đức Chúa chứng giám và xét xử cho: các ông đã làm cho chúng tôi trở nên đáng ghét trước mắt Pha-ra-ô và bề tôi của vua; thật các ông đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi”. Nói khác đi, họ đang phàn nàn Mô-sê vì những sự ngược đãi mà họ phải chịu.
Mô-sê hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện. Một trong những điều thú vị trong lời cầu nguyện của Mô-sê – nhiều lời cầu nguyện như thế xuất hiện ở đây – đó là ông cầu nguyện rất thẳng thắn, tự nhiên và chân thành. Đây là đặc điểm của nhiều lời cầu nguyện trong Thánh Kinh. Bạn hãy nghĩ đến một số Thánh Vịnh, trong đó người cầu nguyện tỏ ra khá tự nhiên khi phàn nàn Thiên Chúa, thậm chí tố cáo Ngài nữa. Trong thực hành cầu nguyện Ki-tô giáo của chúng ta, tôi tự hỏi phải chăng chúng ta nên học hỏi từ sự thẳng thắn này, để có thể chân thành bày tỏ những cảm nghĩ của mình với Chúa. Tôi nghĩ điều này có thể rất bổ ích.
Mô-sê hướng về Thiên Chúa và thưa: “Lạy Chúa, tại sao Ngài làm khổ dân này?” Mô-sê đang buộc tội Thiên Chúa. Rồi ông lại than thở về hoàn cảnh của mình: “Tại sao Ngài sai con làm việc này?” Ông quay trở lại với những khó khăn của ông: “Từ khi con đến với Pha-ra-ô để nhân danh Ngài mà nói, thì vua ấy đã làm khổ dân này, và Ngài chẳng giải thoát dân Ngài gì cả!” Một lần nữa, ông nói thẳng với Thiên Chúa như lần trước: “Ngài hứa giúp chúng con, Ngài hứa ở với chúng con, nhưng rồi Ngài chẳng làm bất cứ điều gì cả”. Và Thiên Chúa đã lên tiếng. Ngài không vạch cái sai của Mô-sê, cũng không khiển trách ông. Thiên Chúa phán: “Giờ đây ngươi sắp thấy điều Ta làm cho Pha-ra-ô”. Và Thiên Chúa bắt đầu một loạt những hành động đối với người Ai-cập.
Nhưng trước hết ta hãy xem bản văn Xh 6,9-12. Đây là một trình thuật khác nữa xem ra tương tự hay là sự lặp lại của trình thuật trong Xh 3, đoạn mà Thiên Chúa mạc khải danh của Ngài. Mô-sê kể tất cả những điều này cho dân Ít-ra-en nhưng họ không nghe; lần này họ không tin Mô-sê (Xh 6,9). Dân không nghe Mô-sê vì tinh thần họ đang tan nát và vì họ đang chịu cảnh nô lệ cơ cực. Tôi tin rằng đây cũng là một trong những khó khăn lớn của vai trò lãnh đạo trong các cộng đoàn Ki-tô hữu tại nhiều nơi. Những người bị chà đạp khó lòng thực sự đón nhận ngay cả một sứ điệp giải phóng. Sứ điệp giải phóng dường như không thực tế đối với họ. Họ quá nản lòng và quá bị chèn ép đến nỗi không còn tin tưởng, dù sứ điệp được trao cho họ là: “Ta sẽ cứu các ngươi khỏi lao dịch cho người Ai-cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi thân phận nô lệ”. Việc thuyết phục người ta chấp nhận một sứ điệp giải phóng quả không dễ chút nào. Chúng ta cũng thấy điều này nơi một số tiên tri. Dù sao, phản ứng này của dân chúng làm cho Mô-sê lại rơi vào khủng khoảng. Ông cầu nguyện với Thiên Chúa và bảo: “Dân Ít-ra-en đã không nghe con”. Ông nói tiếp: “Làm sao Pha-ra-ô chịu nghe con, một người ăn nói vụng về?” Mô-sê rơi trở lại với ý nghĩ rằng mình thiếu khả năng và không biết ăn nói.
Thế rồi, Mô-sê và A-a-ron được sai đến để gặp Pha-ra-ô. Sắc thái của bản văn thay đổi kể từ lúc này. Từ chương 7 đến chương 15 trong Sách Xuất hành, dường như không có bất cứ cuộc khủng hoảng nội tâm nào nơi Mô-sê liên quan đến ơn gọi của mình. Mối tương quan giữa ông và dân dường như trở nên tốt đẹp. Họ vâng lời ông và chấp nhận những chỉ dẫn của ông. Họ cử hành cuộc Vượt Qua (Xh 12), hoàn toàn vâng lời Mô-sê và A-a-ron. Họ đi theo Mô-sê xuyên qua sa mạc để đến Biển Sậy; và ở cuối trình thuật này, dân chúng nhận ra và tin vào Gia-vê cũng như vào Mô-sê, tôi tớ Ngài (Xh 14,31). Chúng ta có bài ca của bà Mi-ri-am và của các phụ nữ ở Xh 15. Mọi sự dường như tốt đẹp. Dân đã chấp nhận Mô-sê, họ đã thoát khỏi quyền lực của người Ai-cập, và kể từ đây cuộc hành trình xem ra sẽ dễ dàng.
2. Hành trình tiến về Đất Hứa
Chúng ta sang giai đoạn thứ hai: cuộc hành trình dài về Đất Hứa. Ở đây ta chú ý một điều nghịch lý: dân đang trong hành trình đi đến tự do, nhưng nhiều lần họ bị khủng hoảng về điều đó. Hành trình đến với tự do quả không dễ dàng. Đôi khi ở lại trong kiếp sống nô lệ lại dễ dàng hơn. Ở lại trong tình trạng bị áp bức xem ra dễ dàng hơn, vì hành trình tiến đến tự do là một hành trình gắn liền với những rủi ro, nguy hiểm. Tình cảnh nô lệ và bị áp bức thì không hề dễ chịu, nhưng ít ra người ta được “an toàn” một mức nào đó. Khi bạn làm ra đủ số gạch yêu cầu, dẫu sao bạn sẽ sống. Ít nhất bạn sẽ nhận được khẩu phần ăn. Vì thế, ở đây người ta đứng trước một thế lưỡng nan: tự do là một sự mạo hiểm.
Đây là khởi điểm của tất cả những phàn nàn của dân Ít-ra-en. Đầu tiên, họ than phiền về vật chất – nước uống rất tệ. Nước ở Ma-ra có vị đắng. Họ kêu trách ông Mô-sê: “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống?” Và ông làm nước trở nên ngọt cho họ. Trong Xh 16, họ than phiền về thức ăn. Thức ăn quá tệ. Họ bắt đầu ao ước: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê”. Mô-sê nói thẳng với họ rằng “Anh em không phải kêu trách chúng tôi mà là kêu trách Đức Chúa”. Sau đó Thiên Chúa ban cho họ chim cút và man-na. Nhưng họ tiếp tục phàn nàn. Và sự phàn nàn của dân bắt đầu tác động đến Mô-sê. Gánh nặng của vai trò lãnh đạo đang bắt đầu được cảm nhận rõ. Mô-sê cầu nguyện với Thiên Chúa, và kêu lên: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Họ hầu như sẵn sàng để ném đá con rồi đó!” (Xh 17,4). Lúc này, Mô-sê thật sự bị dân ngán ngẩm. Thiên Chúa bảo Mô-sê đập vào tảng đá để nước chảy ra cho dân uống. Thế là nước chảy ra!
Ở điểm này, tôi muốn đề cập đến một đoạn văn nhỏ trong Xh 18 vì tôi nghĩ rằng nó rất quan trọng trong nhãn quan về vai trò lãnh đạo. Mô-sê quay về và gặp nhạc phụ Gít-rô. Ông đã đoàn tụ với vợ là Xíp-pô-ra và hai người con trai. Khi họ vẫn còn ở với gia đình Gít-rô thì Mô-sê ngồi xử kiện cho dân và dân đứng quanh ông từ sáng đến tối. Họ đang có đủ thứ bất đồng; trong tư cách thẩm phán, Mô-sê đưa ra những quyết định. Việc này kéo dài từ sáng đến tối. Sự tận tâm của Mô-sê bộc lộ qua sự kiện một mình ông làm hết mọi việc. Nhưng đó không phải là cách lãnh đạo tốt.
Và chúng ta thấy cụ Gít-rô đầy khôn ngoan nói: “Hãy nghe đây, anh nên phân chia một ít công việc cho người khác. Hãy chọn một số cộng sự để họ phụ trách một số việc đơn giản, còn những việc khó khăn thì chính anh hãy giữ lấy. Như vậy, anh mới không kiệt sức”. Các vị lãnh đạo có thể tự làm mình kiệt sức nếu nghĩ rằng mình phải can dự vào hết mọi việc lớn nhỏ. Sự phân nhiệm cho người khác là điều khôn ngoan ở chỗ ta biết rằng người khác có thể giúp mình, người khác có thể đảm nhiệm, và không nhất thiết mình phải có mặt mọi lúc mọi nơi. Điều này rất quan trọng. Vì vậy, Mô-sê phân công cho những người khác, ông tuyển chọn những người đàn ông trung thực, đáng tin cậy trong dân Ít-ra-en, và họ ngồi làm việc với Mô-sê trong tư cách những người lãnh đạo. Mô-sê có sự khiêm nhường để đón nhận lời khuyên và chia sẻ công việc. Một người lãnh đạo giỏi cần khiêm tốn đón nhận lời khuyên và ủy thác trách nhiệm cho người khác.
Tiếp đó, ta có Mười Điều Răn trong Xh 20, rồi còn có những luật khác nữa. Tiếp đến là việc lập giao ước trên núi Xi-nai (Hô-rép) mà tôi sẽ không khai triển vì nó không liên quan nhiều đến phương diện lãnh đạo. Tôi sẽ chuyển đến các chương 32-34 Sách Xuất hành. Trong những chương này đoàn dân thật sự rơi vào một cuộc khủng hoảng. Mô-sê lên núi, ở đó một thời gian dài với Chúa và nhận lãnh nhiều điều luật khác. Dân bắt đầu trở nên hoàn toàn mất định hướng và họ làm một tượng thần cho mình: một con bò vàng. A-a-ron cũng liên quan trong sự việc này. Đây quả là một sự bất trung lớn. Lòng trung thành của dân đối với Thiên Chúa không được nội tâm hóa, nó phụ thuộc quá nhiều vào sự hiện diện cụ thể của người lãnh đạo. Đó là một điểm đáng lưu ý trong thuật lãnh đạo. Người lãnh đạo không nên là một con người mà thiết yếu phải có sự hiện diện trực tiếp của anh ta thì cộng đoàn mới hoạt động tốt. Chức năng của người lãnh đạo là giúp cộng đoàn nội tâm hóa con đường đúng đắn, để cho dù không luôn luôn có sự hiện diện trực tiếp của anh ta thì cộng đoàn vẫn vững mạnh. Đây cũng là một mẹo trong thuật lãnh đạo.
Mô-sê chuyển cầu cho dân để Chúa không trừng phạt họ vì tội lỗi này. Đó là lời chuyển cầu của người lãnh đạo. Một trong những chức năng của vai trò lãnh đạo là cầu nguyện cho những người mà mình sống với và chịu trách nhiệm về họ. Sứ vụ cầu nguyện là một phần của việc lãnh đạo. Và lời cầu khẩn của Mô-sê được Thiên Chúa nhậm lời. Mô-sê có lúc thậm chí sẵn lòng hy sinh chính mình cho dân. Trong Xh 32,30-35, ông thưa: “Ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con ra khỏi cuốn sách Ngài đã viết”. Điều này có phần giống với người Tôi Tớ Đau Khổ trong Is 50: gánh tội cho kẻ khác. Mô-sê cũng thực sự chịu đau khổ thay cho người khác.
Chúng ta tiếp tục đi vào phần trình thuật của Sách Dân số, bắt đầu ở chương 10. Sau những chương dài về việc ban luật, phần kể chuyện được tiếp tục với sự phàn nàn của dân. Đây là sự lặp lại của điều đã xảy ra trước đó. Dân than phiền về man-na. Họ nhớ cá mà họ vẫn thường ăn bên Ai-cập, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi và đủ mọi của ngon. Bây giờ, họ chỉ có thứ man-na nhạt nhẽo này thôi. Tất cả những điều này bắt đầu tác động đến Mô-sê. Ông khổ tâm còn Thiên Chúa thì nổi giận. Mọi thứ dường như trở nên tệ hại vào lúc này. Thế rồi chúng ta gặp lời cầu nguyện này của Mô-sê, một lời cầu nguyện rất cảm động vì nó cho thấy hầu như Mô-sê đã bị dồn vào chân tường. Một người lãnh đạo có thể phải sẵn sàng để chịu đau khổ! Mô-sê thưa với Thiên Chúa như sau:
“Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không? Con không phải là mẹ chúng. Tại sao con lại chịu gánh nặng này? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn khi chúng khóc lóc đòi con: ‘Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn’. Con không làm được điều đó. Tại sao Ngài lại đặt con vào tình cảnh này? (Ds 11,11-13).
Mô-sê nói tiếp: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy thì thà giết con đi còn hơn. Đừng để con thấy mình phải khổ nữa”. Mô-sê thật sự thất vọng. Là những người lãnh đạo, đôi khi chúng ta phải chịu đựng loại đau khổ này. Ta cần ý thức rằng Mô-sê đã từng ở vào hoàn cảnh như thế.
Trong Ds 11, Thiên Chúa cho chúng ta một bài học khác, không duy chỉ là về chuyện xét xử các vụ kiện tụng của dân. Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên bảy mươi kỳ mục của dân”. Đây chính là sự chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo cụ thể hơn. Thế là bảy mươi kỳ mục được tuyển chọn. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng. Chúng sẽ cùng ngươi gánh vác dân này”. Nghĩa là, các kỳ mục không chỉ đưa ra các quyết định liên quan pháp lý nhưng còn mang lấy gánh nặng của dân.
Có một trình thuật rất hay về hai người không hiện diện với những kỳ mục khác khi Thần Khí ngự xuống trên họ và trên Giô-sua, người phụ tá của Mô-sê (các phụ tá lãnh đạo đôi khi là những con người cay nghiệt). Giô-sua rõ ràng là một con người nệ luật ở đây. Ông nói với Mô-sê: “Có hai người không hiện diện với những kỳ mục khác nhưng Thần Khí cũng ngự xuống trên họ. Xin ngài hãy ngăn cản và cho họ biết rằng họ không được làm thế”. Nhưng Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29). Quả là một câu trả lời tuyệt vời! Điểm cần lưu ý ở đây liên quan đến thuật lãnh đạo, đó là người lãnh đạo không phải lúc nào cũng nghe theo những người phụ tá khi họ muốn đưa ra những phản đối đầy tính nệ luật.
Có một chuyện hơi buồn trong Ds 12. Mô-sê gặp khó khăn với chính gia đình của mình. Chị gái Mi-ri-am, người đã cứu ông lúc còn nhỏ, và A-a-ron, người đã giúp ông nhiều trong việc ăn nói, đã lên tiếng chống đối Mô-sê vì người đàn bà dân ngoại xứ Cút mà ông lấy làm vợ. Họ nói: “Đức Chúa chỉ phán với một mình Mô-sê sao? Ngài đã chẳng nói với cả chúng ta nữa ư?” Bấy giờ, Mi-ri-am và A-a-ron bị Thiên Chúa trừng phạt. Mi-ri-am mắc bệnh phong. A-a-ron thì đã bị khiển trách về vụ con bò vàng. Nhưng Mô-sê khóc, kêu cầu lên Thiên Chúa và Mi-ri-am lập tức được chữa lành. Đây là một biến cố nhỏ mà nỗi buồn xen lẫn niềm vui.
3. Đến gần Đất Hứa
Tôi chuyển sang điểm cuối cùng với chương 20 Sách Dân số: đến gần Đất Hứa. Ở đây chúng ta có một tình tiết kỳ lạ, một tình tiết làm đau đầu các nhà chú giải Do thái giáo và Kitô giáo từ lâu nay. Đó là sự kiện lần thứ hai nước từ tảng đá chảy ra.
Sự kiện đầu tiên được nói đến trong Xh 17 và lúc đó không có vấn đề gì, mọi sự diễn biến tốt đẹp. Trong sự kiện lần thứ hai (Ds 20,2-6), dân lại than phiền về việc không có nước. Thiên Chúa trả lời Mô-sê: “Hãy cầm lấy cây gậy và cùng với A-a-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước”. Hãy cầm lấy cây gậy và nói với tảng đá. Đó là những gì Mô-sê được ra lệnh để thực hiện. Từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra. Mô-sê đã làm gì? Mô-sê cầm lấy cây gậy và cùng với A-a-ron triệu tập dân. Ông hùng hồn nói với họ rằng: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” – tức là ông muốn nói: “Chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra từ tảng đá này”. Sau đó, Mô-sê giơ tay và đập gậy vào tảng đá hai lần. Nước trào ra và dân uống. Tất cả dường như mỹ mãn. Thế nhưng sự tình thực ra có vấn đề.
Bấy giờ, Thiên Chúa nói với Mô-sê và A-a-ron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ít-ra-en, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng”. Đây là một hình phạt nghiêm khắc. Mô-sê và A-ra-ron đã dẫn dân đi suốt cuộc hành trình nhưng chính họ lại không được vào Đất Hứa. Nhưng họ đã làm gì sai quấy?
Nước đã trào ra từ tảng đá và dân đã lấy được nước uống, nhưng Mô-sê và A-a-ron đã làm gì sai? Họ đã không tin tưởng vào Thiên Chúa để biểu dương sự thánh thiện của Ngài như thế nào? Các độc giả và sinh viên đã nhức đầu với đoạn văn này trong nhiều thế kỷ qua. Có một luận án tiến sĩ cách đây ít năm, trong đó tác giả tìm không dưới mười ba lý do khác nhau, hay đúng hơn là mười ba giả thuyết hay cách giải thích khác nhau cho sự kiện này. Chính tác giả cũng đưa ra một giả thuyết của riêng mình. Nhưng không một sự giải thích nào trong số đó hoàn toàn thỏa đáng. Tôi sẽ chỉ đề cập ở đây một cách giải thích. Và rất có thể bạn cũng có những cách giải thích khác thuyết phục hơn.
Nếu xem lại lệnh truyền của Thiên Chúa, chúng ta thấy rằng Mô-sê được bảo hãy cầm lấy cây gậy và ra lệnh cho tảng đá. Thiên Chúa không hề bảo ông nói nặng lời với dân và đập vào tảng đá. Nào, chúng ta có thể kết hợp hai hành động của Mô-sê (nói nặng lời với dân và đập vào tảng đá) và suy ra rằng ông thích tỏ ra mình là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực. Ông mắng dân nặng lời và thể hiện một hành động mạnh bạo – như thể chính nhờ sức mạnh của ông đánh vào tảng đá mà nước sẽ trào ra. Có lẽ Mô-sê muốn tạo ấn tượng trên dân rằng đó là việc làm của ông chứ không phải của Thiên Chúa. Đấy có thể là lý do khiến Thiên Chúa nói rằng “Các ngươi đã không tin vào Ta”. Thật rõ ràng là chính quyền năng của Thiên Chúa đã khiến nước trào ra. Đây là một khả năng giải thích. Nhưng như tôi đã nói, có ít nhất mười ba giả thuyết. Và bạn cũng có thể có những cách giải thích khác tốt hơn.
Bây giờ tôi sẽ chuyển đến chương cuối cùng của sách Đệ nhị luật, một chương đượm buồn. Và đó cũng là chương kết thúc bộ Ngũ Kinh. Toàn bộ nguyên động lực của bộ Ngũ Kinh là lời hứa về một dân và lời hứa về một vùng đất. Và toàn bộ To-ra đều qui chiếu vào nội dung này. Điều kỳ lạ là bộ To-ra kết thúc nhưng dân vẫn chưa vào được Đất Hứa. Truyền thống Do thái đã hữu ý kết thúc bộ To-ra ở đây.
Một số học giả không hài lòng, và họ nói: “Chúng ta không nên nói về bộ Ngũ Thư, nhưng là bộ Lục Thư”. Nghĩa là nên nói về sáu quyển sách, bao gồm quyển kế tiếp là sách Giô-suê. Trong sách Giô-suê, dân Ít-ra-en vào Đất Hứa. Từ Sách Sáng thế đến sách Giô-suê, chúng ta nên làm thành một đơn vị, hẳn sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Và như thế thì mới trọn vẹn. Vâng, nhưng có lẽ đó là sự trọn vẹn theo lô-gic của chúng ta. Tôi cho rằng có nhiều điều thú vị cho cả độc giả Do thái và Ki-tô giáo trong sự kiện bộ Ngũ Kinh, tức To-ra, kết thúc trước khi dân Ít-ra-en thật sự tiến vào Đất Hứa.
Theo nhãn quan của độc giả Do thái, điều đó nói lên rằng “Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn ở trong Đất Hứa”. Nhiều người Do thái ở ngoài Đất Hứa – họ vẫn còn sống ở Ba-bi-lon, Ai-cập và một số nơi khác – và họ cũng được bao gồm trong bộ Ngũ Kinh, vì vẫn có gì đó liên hệ tới họ trong sự kiện rằng dân Ít-ra-en được Mô-sê dẫn đi vẫn còn ở bên ngoài Đất Hứa khi ông chết và bộ Ngũ Kinh khép lại.
Cả các độc giả Ki-tô giáo cũng có liên hệ với sự kiện trên. Cuộc lữ hành trần thế hay hành trình lãnh đạo của chúng ta xem ra đi đến kết thúc khi nó vẫn còn dang dở, khi chúng ta chưa làm xong tất cả những gì chúng ta muốn làm, khi những kế hoạch mà chúng ta dự tính vẫn chưa được hoàn thành. Điều đó chẳng sao cả, nó đã xảy ra với Mô-sê. Một lần nữa, chúng ta phải nhớ rằng khi Thiên Chúa kêu gọi một người trở thành lãnh đạo thì điều này không đảm bảo rằng tất cả các kế hoạch lãnh đạo sẽ chắc chắn được hoàn thành mỹ mãn trong sinh thời hay trong nhiệm kỳ của người ấy. Ta phải sẵn sàng chấp nhận khi mọi sự chưa được làm xong. Đây chính là trường hợp của Mô-sê.
Chúng ta chứng kiến cảnh tượng rất cảm động khi Mô-sê được đưa lên núi Nơ-vô ở Gio-đan, nơi ông có thể nhìn thấy Đất Hứa. Có một mô tả chi tiết về địa dư ở đây; tất cả các địa danh đều được đề cập. Thiên Chúa phán với Mô-sê: “Đây là miền đất Ta đã hứa ban cho Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và con cháu. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó”. Mô-sê qua đời trên núi và không ai biết mộ ông ở đâu. Ông hưởng thọ một trăm hai mươi tuổi.
Bản văn kết thúc với việc đề cập đến Mô-sê lần cuối cùng, cũng là sự trân trọng cuối cùng dành cho ông: “Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt”. Một ngôn sứ là một người trình bày Lời của Chúa. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng điều cốt yếu và quan trọng nhất nơi Mô-sê đích thực là sứ vụ lời. Người lãnh đạo can dự vào đủ loại công việc thực tế; nhưng có lẽ việc chuyển đạt lời Thiên Chúa cho dân mình hay cho nhóm mình là điều quan trọng nhất. Khuôn mặt Mô-sê nổi bật trong khía cạnh này, trong tư cách vị ngôn sứ quan trọng bậc nhất trong Ít-ra-en. Không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông. Những ai trong chúng ta muốn tiếp tục đọc phần còn lại của Thánh Kinh phải ghi nhớ điều này. Mô-sê được trình bày như một ngôn sứ vĩ đại hơn tất cả những ngôn sứ xuất hiện sau ông, hơn cả I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và tất cả những vị khác. Mô-sê là người vĩ đại nhất (Ga 5,46-47).
HỎI – ĐÁP
1. Có phải mười tai ương là sự thử thách dành cho Mô-sê? Có vẻ như Thiên Chúa thật sự muốn làm cho lòng dạ Pha-ra-ô ra cứng cỏi. Hay phải chăng Ngài muốn thử Mô-sê và đồng thời cho thấy quyền năng của Ngài trên người Ai-cập? Cha nghĩ sao về điều này?
CONROY: Tôi nghĩ rằng giải thích của bạn có lẽ là những gì thật sự xảy ra trong bản văn. Đó là một loại thử thách dành cho Mô-sê; nhưng tôi đã không nói đến những đoạn văn trình bày về mười tai ương bởi vì – ít ra theo như cách đọc của tôi – dường như Mô-sê không hề có bất kỳ khó khăn hay sự nghi ngờ nào. Dù giả thiết rằng ông đang được thử thách đi nữa, thì xem ra đó không phải nhằm đặt ông vào khủng hoảng. Mô-sê không than trách Thiên Chúa: “Tại sao Pha-ra-ô không nghe con?” Ông ung dung tiến tới. Vì thế toàn bộ sự việc dường như là giữa Thiên Chúa và Pha-ra-ô, hay thậm chí giữa Thiên Chúa và các thần của người Ai-cập. Vì thế trong bài nói chuyện của mình ở đây, tôi có quan điểm rằng ở giai đoạn này của hành trình lãnh đạo, Mô-sê đang hành động đúng như một nhà lãnh đạo. Như tôi đã đề cập, tôi thấy rằng không có biến động gì nơi Mô-sê trong chương nói về những tai ương.
Đó là lý do (và cũng vì thời gian không cho phép) tại sao tôi không nói nhiều về những đoạn văn này. Dĩ nhiên, bạn có thể thắc mắc: “Việc Thiên Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá có ý nghĩa gì?” Thật không dễ để trả lời câu hỏi này. Nó có mối liên hệ với đoạn văn nổi tiếng trong Is 6 nói đến việc I-sai-a được truyền lệnh làm cho lòng dân ra chai đá. Lệnh truyền trong Is 6 có ý nghĩa gì? Một số người nghĩ rằng trong Is 6 – và ở đây cũng tương tự như thế – lệnh truyền I-sai-a làm cho lòng dân ra chai đá thực ra là một cách nói về những gì đã thực tế xảy ra xét như kết quả của sứ vụ lời của ông. Kết quả là lòng dân ra chai đá, vì vậy theo một nghĩa nào đó ta có thể nói rằng I-sai-a đã làm ra điều này. Song đó không phải là ý định của ông. Vậy thì điều tương tự cũng xảy ra trong những đoạn văn này của Sách Xuất hành, trong đó Thiên Chúa làm cho lòng dạ Pha-ra-ô ra chai đá. Thực tế là Pha-ra-ô rất ngoan cố và không giữ lời hứa – và vì Thiên Chúa kiểm soát mọi sự nên chắc hẳn Ngài đã làm ra điều đó. Bạn biết đó, đây là kiểu suy nghĩ đi thẳng tới nguyên nhân chủ yếu và bỏ qua những nguyên nhân trung gian. Đây là một cách giải thích khả dĩ.
2. Xin Cha chia sẻ với chúng con những lý do khả dĩ khác khiến Mô-sê không được vào Đất Hứa. Con muốn tìm hiểu những lý do này.
CONROY: Phải thừa nhận rằng tôi không nhớ tất cả mười ba lý do. Nhưng tôi nhớ rất rõ cách giải thích mà tác giả của luận văn tiến sĩ ấy ưa thích. Giả thuyết của ông là có sự lạm dụng chiếc gậy của Thiên Chúa. Ông dồn chú ý vào chiếc gậy trên tay Mô-sê. Và ông cho rằng việc dùng chiếc gậy để đập vào tảng đá là sự lạm dụng nó một phần nào đó. Nếu xem lại câu chuyện, ta thấy rằng chiếc gậy đã đi theo Mô-sê ngay từ đầu. Bạn hãy nhớ rằng, một cách nào đó, chiếc gậy là một người bạn đồng hành của Mô-sê. Nó được Thiên Chúa trao cho Mô-sê ban đầu là để làm cho dân Ít-ra-en tin, vì chiếc gậy biến thành con rắn. Đó là lần đầu tiên chiếc gậy được nhắc đến. Như vậy, chức năng của nó là đem lại niềm tin. Dường như có sự lạm dụng mục đích chiếc gậy qua việc dùng nó đập mạnh vào tảng đá hai lần. Đây là giả thuyết của vị học giả nói trên. Tôi không biết nó có thuyết phục các bạn nhiều hay không, nhưng dù sao đó cũng là một cách giải thích. Có lẽ người khác sẽ bổ sung hoặc nhớ một số trong mười hai cách giải thích còn lại.
3. Đâu là cách tốt nhất cho chúng ta ngày nay đọc, hiểu và chú giải Sách Xuất hành? Lần đầu tiên con biết Sách Xuất hành là vào đầu thập niên 1960, khi đạo diễn Cecil B. De Mille cho ra đời bộ phim Mười Điều Răn, và lúc đó con mới sáu tuổi nên con tin mọi sự theo nghĩa đen. Khi con đến Ateneo vào năm 1979, giáo sư môn “Theology 101” của con nói rằng một số học giả cho biết việc nước Biển Đỏ rẽ ra thật ra chỉ là một hiện tượng thủy triều xuống thấp, và nhiều điều khác nữa cũng được người ta giải thích lại. Vậy, trong thời điểm hiện nay, năm 2003, đâu là cách tốt nhất để ta đọc Sách Xuất hành?
CONROY: À, bạn hãy lưu ý rằng tôi đã không đi vào những vấn đề này. Lý do là vì tôi đang đọc bản văn ở dạng cuối cùng của nó, như những độc giả Do thái thuở ban đầu đã đọc. Tôi nghĩ rằng những độc giả Do thái thuở ban đầu không đặt ra những thắc mắc như vậy. Đó là loại thắc mắc xuất phát từ nền văn hóa và não trạng của chúng ta. Có lẽ, để có câu trả lời, chúng ta phải tìm hiểu toàn bộ lịch sử của các bản văn ấy, để tìm ra những tầng truyền thống cổ xưa nhất chứa đựng trong các bản văn, và xét xem truyền thống nào là khả dĩ.
Có một điều mà tôi cho rằng nhiều học giả bắt đầu đồng ý với nhau một mức nào đó, đó là nhóm người Ít-ra-en ở Ai-cập là một nhóm khá nhỏ xét về số lượng. (Ở đây thì tôi đang nói về nhãn quan lịch sử chứ không phải về việc đọc bản văn ở dạng cuối cùng hay về thần học của bản văn). Và nhiều người Ít-ra-en tham gia sự kiện tiếp quản vùng đất Ca-na-an ấy đã cư trú luôn tại đó.
Những lý do để suy luận như trên một phần có tính khảo cổ học. Tôi không biết các bạn có quen thuộc với một nhà khảo cổ gốc Ít-ra-en tên là Finkelstein không. Ông thực hiện nhiều nghiên cứu khảo cổ về thời kỳ này, và rõ ràng là nhiều đồ gốm của những ngôi làng Ít-ra-en thời ban đầu ở cao nguyên miền trung khá giống với những loại chum vại mà dân bản địa sử dụng thời bấy giờ. Vì thế, ngày nay nhiều học giả cho rằng phần lớn dân Ít-ra-en thời ban đầu ở Pa-lét-tin đã cư ngụ ở đó rất lâu. Và các vị ấy cho rằng nhóm người đi với Mô-sê và Giô-sua từ Ai-cập tới có lẽ là một nhóm tương đối nhỏ.
Suy luận đó tương phản với nghĩa đen của bản văn Thánh Kinh theo đó có khoảng sáu trăm ngàn người ra khỏi Ai-cập, một con số rất lớn! Theo góc độ lịch sử, con số người như thế không thể nào đi qua sa mạc được. Đơn giản là vì họ sẽ không tài nào sống nổi. Tôi muốn nói rằng ngay cả nếu có những ốc đảo có nước và nhiều thứ khác đi chăng nữa, thì lượng người như thế cũng không thể đi qua sa mạc được. Có lẽ đó là kiểu nói cường điệu của bản văn. Tuy nhiên, trở lại với vấn đề thần học, tôi nghĩ rằng (bất kể con số người ra khỏi Ai-cập là bao nhiêu, và bất kể biến cố Xuất hành đã diễn ra chính xác như thế nào) thì điều quan trọng mà bản văn thật sự muốn nói là: tất cả những người Ít-ra-en về sau này đều nhìn nhận đó là những biến cố của mình.
Trong phụng vụ Vượt Qua ngày nay, chúng ta tuyên bố rằng tất cả chúng ta đều tham dự vào những biến cố ấy. Và đây là điểm cốt yếu. Người Do thái ngày nay cũng cử hành những biến cố ấy: cử hành lễ Vượt Qua. Điểm nhấn của bộ Ngũ Thư là: bao gồm vào trong câu chuyện cả những người Ít-ra-en thuộc các thế hệ sau, các thế kỷ sau, và tuyên bố rằng đây là lịch sử của chúng ta – dù tổ tiên huyết thống của chúng ta có thể chẳng có mặt ở đó. Căn cước của chúng ta là đây. Chúng ta thuộc về câu chuyện này, và câu chuyện này muốn nói với ta như thế. Chúng ta từng là một dân tộc bị áp bức, một dân tộc được giải phóng và được ban cho một vùng đất đầy sữa và mật, nhưng rồi chúng ta đã đánh mất tất cả. Song Thiên Chúa có thể đưa chúng ta trở về mảnh đất ấy. Tôi cho đây mới là điểm chủ yếu. Vì thế, dù các học giả tiếp tục tranh cãi về chuyện thủy triều lên xuống hay chuyện gì đi nữa, thì tôi nghĩ rằng những tranh cãi ấy cũng chẳng liên quan gì đến việc nhận hiểu của chúng ta đối với các bản văn. Đó là những tranh cãi có tính tò mò và thú vị, nhưng thật sự chẳng giúp gì cho việc hiểu các bản văn, đơn giản bởi vì sự nhận hiểu của chúng ta nằm trên một bình diện khác.
4. Dù Cha đã không đề cập điều này, nhưng con muốn quay trở lại lúc mà Thiên Chúa muốn giết Mô-sê, vì con nghĩ chuyện này rất quan trọng trong việc lãnh đạo, đó là Thiên Chúa xếp đặt đặt để có những con người nào đó trong cuộc đời của người lãnh đạo. Chẳng hạn, chính nhờ hành động nhanh nhạy của người vợ mà Mô-sê đã được cứu sống. Xin Cha giải thích hoặc làm sáng tỏ hơn về đoạn văn này.
CONROY: Đó là đoạn văn Xh 4,24-26 – các bạn có thể mở Sách Xuất hành và tra lại sau. Phần đông người ta cho rằng đây là một loại văn rất xa xưa. Có một số điểm nổi bật như sau: Mô-sê lúc ấy đang trở lại Ai-cập, vợ ông là Xíp-pô-ra và các con có mặt với ông trước khi ông gặp dân chúng Ít-ra-en lần đầu tiên trong chuyến trở lại này. Trên đường, tại nơi trú đêm, Thiên Chúa gặp ông và tìm cách giết ông. Đây là một đoạn văn rất kỳ lạ. Dường như nó chẳng có nghĩa gì. Thiên Chúa bảo Mô-sê trở lại Ai-cập, và Ngài đã trao cho ông một sứ mạng. Vậy tại sao Thiên Chúa muốn giết Mô-sê? Rất ư tối nghĩa! Bấy giờ, bà Xíp-pô-ra suy nghĩ rất nhanh, lấy một mảnh đá sắc cắt bì cho con, đụng vào chân chồng và nói: “Nhờ máu, ông đã kết nghĩa vợ chồng với tôi”. Sau đó, Thiên Chúa tha cho Mô-sê và bà nói: “Kết nghĩa vợ chồng nhờ máu cắt bì”. Một trong những khía cạnh của các đoạn văn này có vẻ như là để giải thích tầm quan trọng của phép cắt bì. Có lẽ đó là một trong những điểm chính ở đây. Và theo một số học giả, “ông đã kết nghĩa vợ chồng với tôi nhờ máu cắt bì” muốn nói rằng tự nguyên thủy thì thế lực thù nghịch không phải là Gia-vê nhưng là một loại ma quỷ nào đó thuộc một giai đoạn trước đó trong truyền thống.
Trong Sách Sáng thế cũng có một tình tiết kỳ lạ, đó là có một người, một nhân vật siêu nhiên nào đó gặp Gia-cóp, bắt đầu vật lộn và muốn giết ông (x. St 32,23-33). Câu chuyện Gia-cóp có thể tương tự trường hợp ở đây. Đây là một loại truyền thống địa phương qui chiếu đến một con quỷ rất nguy hiểm, hay cái gì đó tương tự như thế, và ý nghĩ rằng phép cắt bì có thể bảo vệ con người. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những cách khả dĩ để hiểu những đoạn văn này. Đây là một đoạn văn khó, và các nhà chú giải cũng sẽ nêu ra những khả năng khác nữa. Tôi không biết có người nào trong cử tọa muốn giải thích rõ hơn không. Nói cho cùng, tôi nghĩ rằng đây vẫn là một câu hỏi hóc búa.
(XBVN 17-04-2013)
http://conggiao.info/hanh-trinh-lanh-dao-cua-mo-se-d-15076