TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư Qui Kinh Thánh Và Việc Lưu Truyền Bản Văn

Thứ sáu - 22/07/2022 20:47 |   1093
Sau khi đã hiểu ơn linh hứng Kinh Thánh là gì, hiệu lực và hiệu quả của ơn đó như thế nào, trong bài này chúng ta sẽ xem những sách có ơn linh hứng làm thành bộ Sách Thánh là những sách nào, tức là tìm hiểu vấn đề Thư Qui Kinh Thánh.
Thư Qui Kinh Thánh Và Việc Lưu Truyền Bản Văn

Thư Qui Kinh Thánh Và Việc Lưu Truyền Bản Văn

 
 
Sau khi đã hiểu ơn linh hứng Kinh Thánh là gì, hiệu lực và hiệu quả của ơn đó như thế nào, trong bài này chúng ta sẽ xem những sách có ơn linh hứng làm thành bộ Sách Thánh là những sách nào, tức là tìm hiểu vấn đề Thư Qui Kinh Thánh. Về phương diện tín lý, chỉ cần biết Thư Qui Kinh Thánh gồm có những cuốn sách nào. Nhưng cũng nên theo dõi diễn tiến lịch sử của bộ sách này, nghĩa là xem nó thành hình như thế nào và những nguyên nhân nào đã thúc đẩy dần dần tới chỗ xác định toàn thể như ta có hiện nay.
kinh thanh

***
PHẦN MỘT

LIỆT KÊ CÁC SÁCH THÁNH

I. CÁC SÁCH CỰU ƯỚC

Công đồng Trentô liệt kê tất cả 44 cuốn. Người ta quen phân chia thành ba loại như sau:

1. Các sách lịch sử  (21) : Ngũ Thư (Sáng thế, Xuất hành, Lê vi, Dân số, Đệ nhị luật), cũng gọi là Luật (Torah). Giosuê, Thủ lãnh, Rút, các Vua (4 quyển. Còn gọi là 1-2 Samuen, và 1-2 Vua), 1-2 Sử biên niên, 1-2 Ét-ra (cũng gọi là Ét-ra và Nơkhemia), Tôbia, Giuđitha, Étte, 1-2 Macabê.

2. Các sách giáo huấn (7) : Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên (còn gọi là Qôhêlét), Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca (còn gọi là Ben Sirach).

3. Các sách ngôn sứ (16) : Isaia, Giêrêmia (gồm cả Ai ca và sách Ba-rúc), Edêkien, Đanien (gọi là bốn ngôn sứ lớn). Mười hai ngôn sứ nhỏ là : Hôsê, Giôen, Amốt, Ôvađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Dacaria, Khácgai, Malakia.

Người Do-thái cũng như anh em Tin lành chỉ nhận có 39 cuốn (bỏ những cuốn sau : Barúc, Tôbia, Giuđitha, 1-2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo liệt kê 46 cuốn (hoặc 45 nếu gộp Giêrêmia chung với sách Ai ca (SGLHT, số 120).

II. CÁC SÁCH TÂN ƯỚC

Cũng Công đồng Trentô xác định là 27 cuốn. Và cũng được chia thành ba loại như các sách Cựu Ước:

1. Các sách lịch sử: bốn sách Tin Mừng (theo thánh Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan), Công vụ Tông đồ.

2. Các sách giáo huấn: 13 thư thánh Phaolô (Rôma, 1-2 Côrintô, Galát, Êphêxô, Philípphê, Côlôxê, 1-2 Thêxalônica, 1-2 Timôthê, Titô, Philêmôn) và thư Hípri. 7 thư chung là thư Giacôbê, 1-2 Phêrô, 1-2-3 Gioan, Giuđa.

3. Ngôn sứ: Khải huyền

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng liệt kê 27 cuốn, (x. số 120).

III. DANH XƯNG VÀ QUAN NIỆM

Trong tiếng Việt, để chỉ các Sách Thánh nói chung, chúng ta có nhiều cách gọi : Sổ bộ Kinh Thánh, Qui điển Kinh Thánh, Thư Qui Kinh Thánh … Và để nói về từng cuốn chúng ta gọi là cuốn sách thuộc Thư Qui… Rất nên tìm hiểu nguồn gốc của từ này.

Tiếng kanôn trong Hy-lạp có lẽ biến dịch từ chữ qanêh của Hípri (x. Ed 40,3.5). Trước tiên, từ này có nghĩa là cây sậy hay cái que thẳng. Vì người ta dùng chiếc que như thế để đo, nên kanôn mang ý nghĩa là cái thước. Cuối cùng, kanôn chuyển nghĩa nữa để chỉ qui tắc, qui luật… Theo nghĩa này, từ thế kỷ III, các Giáo phụ La-tinh cũng như Hy-lạp thường nói tới “qui luật đức tin”, “qui luật chân lý”, “qui luật đời sống Kitô hữu”. Các sắc lệnh của các Công Đồng cũng gọi là những khoản luật (canones).

Ngay từ đầu, Sách Thánh vốn được coi là cuốn sách chứa đựng mặc khải, tức là luật về đức tin và đời sống, nên nói tới kanôn Sách Thánh là tự nhiên ám chỉ Sách Thánh là bộ luật mặc khải đó. Các sách thuộc Thư Qui là sách được Hội Thánh dùng làm qui luật của chân lý đức tin, làm qui tắc hướng dẫn trong đời sống thực hành.

Trước khi từ này được dùng phổ quát, các Kitô hữu quen dùng từ “Sách Thánh” để chỉ các sách này. Từ “Sách Thánh” cho thấy tâm tình kính trọng của các tín hữu, đồng thời cũng để chỉ một khối Sách được coi là linh thánh phân biệt với bất cứ sưu tập nào của thế tục. Rồi đến việc sử dụng từ “giao ước” để chỉ chương trình của Thiên Chúa đối với dân tộc Israel và Hội Thánh khiến cho có kiểu nói “Cựu Ước và Tân Ước”. Kiểu nói này chỉ các sách lưu giữ kỷ niệm về giao ước cũng như chứa đựng sứ điệp. Dưới khía cạnh này, và cũng là khía cạnh căn bản nhất, các sách này được coi là sản phẩm và là chứng tá của chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa và vì thế được gọi là “endiathêkoi” và việc nhìn nhận các sách đó như thế, đứng về phương diện pháp lý gọi là “endiathêtoi”, được đặt trong giao ước, nghĩa là được kể vào trong danh mục, hoặc được sử dụng trong Hội Thánh. Người ta cũng còn nói “các sách homologoumenoi”, tức là các sách được thẩm quyền đón nhận. Đó là thế giá của các Hội Thánh địa phương trước khi có các quyết định của Rôma thế kỷ V. Nhưng cuối cùng chỉ còn lại một từ Thư Qui (kanôn). Sách thuộc Thư Qui, đối với Hội Thánh, là Lời của Thiên Chúa được viết ra, và vì thế là thánh. Lời đó được truyền lại cho Hội Thánh để lấy đó làm qui tắc hướng dẫn đức tin và cuộc sống.

IV. TIÊU CHUẨN

Hội Thánh ý thức mình là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần làm cho sống động, nên Hội Thánh đọc và giải thích Kinh Thánh với Đấng mà Hội Thánh biết là tác giả của Sách Thánh. Truyền Thống chỉ là tiếng nói của Hội Thánh được truyền qua các thế hệ. Khi gìn giữ, duy trì, giải thích Kinh Thánh, Hội Thánh không cho rằng Hội Thánh có toàn quyền trên Sách Thánh, nhưng Hội Thánh thấy ở trong Sách Thánh cách diễn tả linh thánh nhất tư tưởng của mình. Đó cũng là tư tưởng của cũng một Thần Khí của Đức Kitô. Ngày xưa Thần Khí đặt để tư tưởng đó trong cuốn sách được linh hứng này, và hiện đang đổi mới đời này sang đời kia, trong Hội Thánh mà Người luôn nâng đỡ trợ giúp.

Nhưng làm thế nào Hội Thánh nhận ra được phẩm tính linh hứng ở cuốn sách này mà lại không ở cuốn sách kia? Làm thế nào Hội Thánh đi tới chỗ nhìn nhận chắc chắn đủ một số cuốn sách được trao cho Hội Thánh để làm qui luật cho đức tin và cuộc sống? Đâu là tiêu chuẩn.

Chứng tá của Hội Thánh trong vấn đề này đã được bộc lộ cho các tín hữu bằng nhiều cách khác nhau : các Giáo phụ và các tác giả trực tiếp chứng minh, các Công đồng giáo miền quyết định, Huấn quyền long trọng công bố cho toàn thể Hội Thánh hay là giảng dạy cách thường xuyên, việc dùng sách đọc trong các cuộc cử hành phụng vụ, và tất cả các phương thế khác mà Hội Thánh thường dùng để trình bày giáo lý cho các tín hữu.

Để biết Truyền Thống đích thực của các Tông Đồ, các cơ quan Huấn quyền còn căn cứ vào một vài sự kiện khác, người ta có thể gọi là những tiêu chuẩn tùy tòng. Nhưng nguyên chúng không thể cho biết một các bất khả ngộ sách nào là sách thánh được. Những tiểu chuẩn thứ yếu này, nếu hiểu đúng đắn, cũng lại qui về Truyền Thống các Tông Đồ mà thôi. Đó là:

1. Việc sách được sử dụng trong phụng vụ thời đầu Hội Thánh.

2. Đạo lý phù hợp với giáo lý của các Tông Đồ.

3. Nhất là sách do các ngôn sứ hoặc các Tông Đồ viết ra.

Ngày xưa, người Do-thái cũng có Thư Qui Kinh Thánh Cựu Ước, vậy dựa vào đâu mà họ phân biệt sách thánh với các sách khác ? Có người cho rằng họ dựa vào thế giá của các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa trực tiếp chọn làm thày dạy Dân Thiên Chúa. Các vị này là những người có quyền giải thích Luật một cách chính thức và dân chúng vẫn thường bàn hỏi các ngài trong các vấn đề phụng tự. Các ngài là những người quyết định sách nào là sách thánh. Điều khó khăn cho ý kiến này là không phải lúc nào trong Israel cũng có các ngôn sứ. Hơn nữa, chính trong thời kỳ mà Thư Qui Cựu Ước hình thành là thời mà hàng tư tế tỏ ra có thế giá rất lớn trong đạo. Vì lẽ đó, có ý kiến khác cho rằng việc xác định sách thánh là ở Hội đồng tư tế, đặc biệt là các Thượng tế, vì nhiệm vụ thường xuyên của họ là lo việc tôn giáo.

V. CÓ MẤT CUỐN SÁCH NÀO ĐƯỢC LINH HỨNG?

Nhờ chính Sách Thánh mà chúng ta đoán được rằng một vài tài liệu do một vị ngôn sứ hoặc Tông Đồ viết ra đã không tới tay chúng ta. Ví dụ, trong Cựu Ước, có “sách của Samuen, vị ngôn sứ, “Sử biên niên của Nathan và của Gát, ngôn sứ” (1 Sb 29,29), “các sách của Sơmơgia, vị ngôn sứ” (2 Sb 9,29 ; 12,15) … Và trong Tân Ước, hình như còn một bức thư nữa của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô (x. 1 Cr 5,9) và một thư khác gửi cho Hội Thánh ở Laođikia (x. Cl 4,16) mà hiện nay không còn. Nếu nhận rằng các tác phẩm này đã được linh hứng, thì phải chấp nhận thực sự đã mất một số sách thánh. Tuy nhiên, chỉ có Hội Thánh mới đủ thẩm quyền xác nhận ơn linh hứng của các tác phẩm đó. Mà Hội Thánh chưa hề lên tiếng về vấn đề này.

Có người quả quyết rằng không thể có sách linh hứng nào mất được. Vì ơn linh hứng là một đoàn sủng, nên một trong các yếu tố chính yếu của một cuốn sách được linh hứng là phải được viết cho Hội Thánh. Theo nguyên tắc này thì không thể có sách nào được linh hứng mà lại mất trước khi tới tay Hội Thánh. Cũng chẳng thể cho rằng sách đó đã mất sau khi Hội Thánh đã nhận được, bởi vì như vậy hoá ra Hội Thánh đã không trung thành cẩn thủ kho tàng mặc khải Thiên Chúa đã trao phó cho mình ? Tuy nhiên, theo ý kiến người khác thì cần phân biệt một cuốn sách chỉ có ơn linh hứng với một cuốn sách vừa có ơn linh hứng vừa thuộc Thư Qui (nghĩa là được Hội Thánh liệt kê trong danh bạ các Sách Thánh). Đã thuộc Thư Qui thì không thể thất lạc được, vì lý do trên. Nhưng nếu chỉ là sách được linh hứng mà thôi, chưa được Hội Thánh chính thức xác nhận thì có thể mất được. Đành rằng, đoàn sủng linh hứng Kinh Thánh nhắm lợi ích chung cho cộng đoàn. Nhưng một cuốn sách được linh hứng có thể chỉ được viết cho một Hội Thánh địa phương nhất định, thuộc thời kỳ đầu mà thôi. Một khi đã đạt được chủ đích thì có mất trước khi Hội thánh phổ quát chính thức nhìn nhận cũng không phải là điều nghịch lý. Tóm lại, những gì đã mất đi, nếu có, đều không nhất thiết quan trọng đối với việc mặc khải.

***
PHẦN HAI

LỊCH SỬ THƯ QUI CỰU ƯỚC

Chắc chắn ngày xưa người Do-thái có một số sách được họ coi là Sách Thánh và hết lòng cung kính. Nhưng chúng ta không biết rõ họ bắt đầu thu tập các sách ấy thành một bộ từ lúc nào. Và cũng không thể quả quyết được khi nào Thư Qui của họ cố định. Có người bảo là vào thời Esdras và Nơkhemia (thế kỷ V trước CN), có người khác lại cho là vào thời nhà Macabê (thế kỷ II trước CN). Điểm chắc chắn là trong thế kỷ I trước CN, Do-thái giáo có một Sách được nhìn nhận là do Thiên Chúa linh hứng và chứa đựng mặc khải.

Đức Giêsu, các Tông Đồ cũng như Hội Thánh sơ khai đã nhận danh mục Sách Thánh của người Do-thái, nên chúng ta hãy theo dõi quá trình lịch sử xem Thư Qui Cựu Ước đã thành hình như thế nào.

I. THƯ QUI CỰU ƯỚC ĐỐI VỚI NGƯỜI DO-THÁI

Theo những tài liệu lịch sử mà chúng ta có được thì danh mục các sách Cựu ước đã thành hình dần dần như sau:

1. Trước lưu đày

Từ những thời rất xa xưa, có những dấu hiệu cho thấy đã có việc thu góp các sách thánh một cách chính thức. Ông Môsê được lệnh viết các khoản luật dân chính cũng như phụng tự (Xh 17,14 ; Ds 33,2 ; Đnl 31,9-24). Ông cũng chép cả cuốn giao ước (Xh 24,4 ; Đnl 27,8 ; x. Xh 20,22 – 23,19). Luật Môsê, người Do-thái gọi là Torah, sau này đã có thêm nhiều khoản mới và được thích nghi với nhu cầu của mỗi thời đại, nhưng bao giờ cũng được người dân Do-thái hết mực tôn kính. Giosuê thêm nhiều luật và chỉ thị mới “viết vào trong cuốn Luật của Thiên Chúa” (Gs 24,25tt). Ngôn sứ Samuen “chép luật hoàng triều vào một cuốn sách rồi đặt nó trước Đức Chúa” (1 Sm 10,25). Quãng năm 700 trước CN, vua Êdêkia truyền thu nhặt các châm ngôn của vua Salomôn (Cn 25,1) đồng thời truyền hát các Thánh vịnh của vua Đavít và của Asaph trong Đền Thờ (2 Sb 29,30).

Nhưng nhất là thời vua Giôsia (604-608), người ta bắt đầu nại đến thế giá một cuốn sách mà hình như đã được chính thức nhìn nhận là sách thánh. Đó là vào năm 622 trước CN khi “Sách Luật” được tìm thấy trong đền thờ Đức Chúa và toàn dân tuyên thệ sẽ thực thi mọi điều như Luật dạy (2 V 22,8 – 23,3 ; 2 Sb 34,14-32). Có lẽ cũng từ đây. “Sách Luật” trở thành danh từ chuyên biệt để chỉ chung các luật Cựu Ước.
Các ngôn sứ như Isaia (30,8 ; 34,16) và Giêrêmia (36,2-4.27-32) đã chép lại những lời các ông giảng. Ông Giêrêmia còn trưng lời các ngôn sứ trước mình (Gr 26,18tt ; 49,14-16 = Mk 3,12 ; Ov 1,4).

2. Sau lưu đày

Có những bằng chứng quan trọng trong Sách Thánh cho thấy hầu hết các sách thuộc bộ Kinh Thánh Do-thái đã được gom lại thành bộ và được coi là thuộc Thư Qui. Theo các bằng chứng nói đây thì Sách Thánh đã phân chia thành ba loại : Luật (Torah), các ngôn sứ (Nơviim) và các tác phẩm (Ketuvim).

Ông Esdras, thầy tư tế và luật sĩ, năm 445 trước CN đọc và giải thích Luật Môsê trước công chúng. Họ nghe xong liền thề hứa sẽ tuân giữ luật ấy cẩn thận (Nk 8 – 10). Điều này chứng tỏ lúc bấy giờ người ta coi Ngũ Thư như là Sách Thánh.

Ông Nơkhemia, đồng thời với ông Esdras, đã thiết lập một thư viện và thu góp các “Sách của các vua”, “Sách của các ngôn sứ”, “Sách của vua Đavít” và “Thư của các vua về các của dâng cúng” (2 Mcb 2,13). Có lẽ đây là ba loại sách người Do-thái gọi là “các ngôn sứ tiền”, “các ngôn sứ hậu” và “các Thánh vịnh” chăng.

Ông Giêsu Ben Sirach viết cuốn Huấn ca vào năm 190-180 trước CN. Trong ch. 44 – 49 đã kể các danh nhân của Cựu Ước theo thứ tự như trong Sách Thánh hiện nay, chỉ trừ có Đanien. Như vậy có nghĩa là thời ấy các sách ngôn sứ tiền và ngôn sứ hậu (tức là các sách lịch sử và các sách ngôn sứ), cùng một phần các sách giáo huấn đã được liệt vào số các Sách Thánh.

Tựa đề của cuốn sách vừa kể do người cháu của ông Giêsu Ben Sirach viết, cũng là người dịch cuốn sách ra tiếng Hy-lạp, đã phân biệt rõ ràng các Sách Thánh thành ba loại như đã kể trên.

3. Thế kỷ I sau CN

Theo sử gia Flavius Josèphe, các sách được chính thức công nhận là Sách Thánh gồm 24 cuốn, chia làm ba loại. Sau cùng, quãng năm 100 sau CN, trong Thượng Hội Đồng Do-thái giáo tại Jamnia (Jabne), các thầy Rabbi đã chính thức khoá sổ Sách Thánh gồm : Luật 5 cuốn, các ngôn sứ tiền 4 cuốn (Giosuê, Thủ lãnh, Samuen, các Vua), ngôn sứ hậu 4 cuốn (Isaia, Giêrêmia, Êdêkien, mười hai ngôn sứ nhỏ), các tác phẩm 11 cuốn (Rút, Thánh vịnh, Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Ai ca, Đanien, Esther, Esdras, Sử biên niên).

II. SÁCH THÁNH CỰU ƯỚC TRONG KITÔ GIÁO

1. Đức Giêsu và các Tông Đồ

Đức Giêsu và các Tông Đồ thường nại tới Cựu Ước trong bộ sách chung của người Do-thái thời ấy, và coi bộ sách này có thế giá tuyệt đối vì là Lời Thiên Chúa. Đáng lưu ý là kiểu nói “mở đóng” tất cả các sách trong bộ sách thánh Do-thái từ cuốn đầu (Aben trong St 4,8) đến cuốn cuối (Dacaria trong 2 Sb 24,20-21) của bộ Sách Thánh Do-thái (x. Mt 23,55). Những kiểu nói “ông Môsê và các ngôn sứ”, “ông Môsê, các ngôn sứ và các Thánh vịnh (Lc 24,27.44) ám chỉ ba loại trong bộ sách đó.gười Do-thái thời ấy thường sử dụng Sách Thánh theo bản Hy-lạp gọi là bản LXX (dịch từ bản Hípri vào thế kỷ III-II trước CN). Bản này gồm không những 24 cuốn sách trong Bản Hípri mà còn thêm bảy cuốn sau đây : Barúc, Tôbia, Giuđitha, 1-2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca. Ngoài ra, cũng gồm cả những phần sau của hai cuốn sách Đanien và Esther : Đn 3,24-90 ; ch. 13 – 14 ; Et 10,4 – 16,24. Những phần này đã được sáng tác bằng tiếng Hy-lạp.

2. Hội Thánh sơ khai

Hội Thánh sơ khai đã nhận bản dịch Hy-lạp này nên cũng chấp nhận luôn danh mục các Sách Thánh của Bản đó, không phân biệt những cuốn viết bằng tiếp Hípri hay bằng tiếng Hy-lạp, có hay không có trong Bản Hípri. Do sáng kiến của cha Sixto Siena († 1369), người ta quen phân biệt những sách có trong Bản Hípri gọi là Thư Qui chính (protocanonici) với các cuốn khác Hội Thánh nhận thêm theo bản LXX gọi là Thư Qui thứ  (deuterocanonici). Phân biệt như vậy để dễ nghiên cứu về phương diện lịch sử mà thôi, chứ trên phương diện linh hứng siêu nhiên, tất cả các sách đều là Lời Thiên Chúa như nhau. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới các sách Thư Qui muộn này thôi. Gọi như vậy không phải vì Hội Thánh công nhận các sách này muộn, nhưng vì trong một vài nơi, hoặc với một số Giáo phụ, trong một thời gian nào đó, đã tỏ ra do dự chưa chấp nhận ngay.

3. Hai thế kỷ đầu

Các thánh Giáo phụ thời cận tông đồ này đã đồng lòng chấp nhận toàn bộ Sách Thánh khi sử dụng bản LXX mà không phân biệt những sách không có với những sách có trong bản Hípri. Ngoài chứng lý của các Giáo phụ, người ta còn thấy các di tích Kitô giáo thời ấy như các ngôi mộ chẳng hạn, còn mô tả lại những sự việc kể trong các sách Thư Qui muộn. Điều đáng ngạc nhiên về sự nhất trí như vậy là lúc bấy giờ Hội Thánh chưa chính thức quyết định Thư Qui Kinh Thánh gồm có những cuốn sách nào.

4. Thế kỷ III-V

Một số các Giáo phụ Hy-lạp bắt đầu hoài nghi về các sách Thư Qui muộn. Trên lý thuyết, các ngài chỉ nhận những sách mà người Do-thái nhận. Nhưng trong thực hành, các ngài lại theo thói quen chung trong Hội Thánh, trích dẫn cả các sách khác nữa. Như vậy, đàng nào các ngài cũng là chứng nhân cho thấy truyền thống Kitô giáo lúc ấy nhìn nhận tất cả.

Bên các Giáo phụ La-tinh, một vài vị cũng chịu ảnh hưởng bên Đông. Đáng kể nhất là thánh Giêrônimô († 420), người đã sống lâu năm ở Đất Thánh. Tuy nhiên, trên thực tế các vị Giáo phụ này vẫn theo quan điểm chung là trích dẫn tất cả các sách như nhau.

Có điều cần lưu ý là quan điểm coi các sách gọi là Thư Qui muộn ít thế giá hơn các sách khác, chỉ là quan điểm của một số Giáo phụ thôi. Trong khi đó thì hầu hết các vị khác, bên Hy-lạp cũng như bên La-tinh, ở thế kỷ IV và V, đều nhận tất cả các sách trên là Sách Thánh, nhờ ơn linh hứng của thiên Chúa mà được viết ra.

Sở dĩ một số Giáo phụ trong thời kỳ này đã tỏ ra do dự về tính cách Thư Qui của các sách trên là vì hai lý do:

1. Trong các cuộc tranh luận với người Do-thái, các ngài chỉ có thể dựa vào những sách mà chính họ cũng chấp nhận. Dần dà phát sinh sự hoài nghi.

2. Sự cẩn thận đề phòng chống các ngoại thư do các bè rối hay chính các tác giả Kitô giáo muốn đưa vào danh mục các Sách Thánh. Chúng ta cũng đừng quên rằng lúc ấy chưa có một sự xác định chung chính thức nào. Do đó các Giáo phụ có lưỡng lự khi phải chấp nhận các sách đó cũng là điều có thể hiểu được.

5. Các thế kỷ tiếp theo

Mặc dầu vẫn còn ít nhiều nghi ngờ ở cả bên Đông lẫn bên Tây về danh mục các sách Cựu Ước, nhất là bên Tây thế giá của thánh Giêrônimô đã phần nào kéo dài sự hoài nghi đó, nhưng nói chung thì niềm tin vào toàn thể các sách Cựu Ước càng ngày càng được bộc lộ trong khắp Hội Thánh.

Ngay từ thế kỷ IV, các công đồng miền đã ban bố những sắc lệnh về các sách thuộc Thư Qui. Đáng chú ý nhất là công đồng Hippo năm 393, dưới sự chủ toạ của thánh Augustinô. Công đồng này công bố danh mục các Sách Thánh giống hệt như Công đồng Trentô xác định sau này. Công đồng Florence năm 1441 đã nhắc lại quan điểm chung khi liệt kê tất cả các sách thuộc Thư Qui sớm cũng như muộn. Công đồng Trentô, ngày 08.4.1546, đã long trọng định tín Thư Qui Sách Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước như chúng ta đã thấy trước đây. Công đồng Vaticanô I lặp lại định tín của Công đồng Trentô và ra vạ tuyệt thông những ai không chấp nhận như thế. Công đồng Vaticanô II không nói gì thêm về điểm này, nhưng chỉ nhắc lại đạo lý của các Công đồng trước (x. Hiến chế Dei Verbum, số 11).

III. THƯ QUI TÂN ƯỚC THÀNH HÌNH

Ở đây, chúng ta chỉ xem các Sách Thánh đã được thu lại thành danh mục như thế nào. Khi Hội Thánh xác định sách nào là sách thánh và thuộc Thư Qui, Hội Thánh căn cứ vào truyền thống từ các Tông Đồ truyền lại, chứ Hội Thánh không tự cho mình có quyền gán ơn linh hứng cho một cuốn sách nào cả. Chúng ta sẽ tìm hiểu các tài liệu lịch sử thời xưa như là chứng tá cho truyền thống tông đồ bất khả ngộ.

1. Thời các Tông Đồ

Hội Thánh đã ân cần thu góp những sách và thư hoặc do chính các Tông Đồ biên soạn, hoặc do các ngài trao lại để dùng trong các buổi cử hành phụng vụ. Nhất là có khi các ngài truyền đọc thư của mình cách công khai trong các Hội Thánh (1 Tx 5,27 ; Cl 4,16 ; Kh 1,3). Cũng có những tác phẩm ban đầu được gửi cho nhiều Hội Thánh khác nhau (như Gl 1,2 ; 2 Cr 1,1 ; 1 Pr 1,1 ; Kh 1,4). Vậy không lạ gì khi thánh Phêrô, trong 2 Pr 3,15tt, nói chung về các thư của thánh Phaolô như có thế giá ngang hàng với các Sách Thánh (Cựu Ước), chúng ta có thể phỏng đoán được rằng thời các Tông Đồ còn sống đã có một bộ thư thánh Phaolô, mà mọi người coi như Sách Thánh ngang hàng với các sách Cựu Ước.

Tuy nhiên, nói chung về tất cả các sách Tân Ước thì lúc đầu chưa có sự nhất trí hoàn toàn trong khắp cả Hội Thánh. Điều này dễ hiểu vì các tác phẩm không được phổ biến rộng rãi khắp các địa phương ngay từ thời ban đầu. Mặt khác, cũng chưa có sự xác định nào chính thức của thẩm quyền trong Hội Thánh nên truyền thống của các Tông Đồ tại một vài địa phương có thể bị phai mờ, hoặc vì những khó khăn do hoàn cảnh gây ra đã có thể bị hồ nghi, chẳng hạn trường hợp thư gửi tín hữu Hípri và sách Khải huyền. Dầu sao thì phần cốt yếu của bộ Tân Ước đã thành hình từ đầu thế kỷ III. Sự lưỡng lự về một số sách chỉ kéo dài cho tới cuối thế kỷ IV là chấm dứt. Và tất cả 27 cuốn mà sau này Công đồng Trentô liệt kê đều được mọi nơi trong Hội Thánh nhìn nhận là có tính cách Thư Qui rồi.

2. Thời các Tông phụ (các Giáo phụ liền sau các Tông Đồ)

Các vị này thường chỉ dùng Sách Thánh để dạy những điều thuộc luân lý hơn là để chứng minh tín lý chống lại ngoại giáo và lạc giáo. Các ngài thường trích dẫn Sách Thánh mà không nêu tên tác giả. Tuy nhiên, căn cứ vào những nơi trưng dẫn hoặc ám chỉ, người ta phải công nhận rằng các Tông phụ rất quen thuộc hầu hết tất cả các sách Tân Ước, có khi còn hơn cả đối với Cựu Ước nữa. Có điều là không thấy có thư gửi ông Philêmon và thư 3 Gioan.

3. Thế kỷ II và III

Có ba sự kiện chính thúc đẩy việc xác định danh mục Sách Thánh trong thời kỳ này:

1. Nhiều ngoại thư bắt đầu xuất hiện, cần phải loại bỏ.

2. Lạc thuyết của Marciô chỉ nhận có 10 thư của thánh Phaolô (bỏ các thư mục vụ và thư Hípri) và Tin Mừng theo thánh Luca (cũng bị sửa chữa lung tung).

3. Lạc thuyết Montanô, những người tự cho mình là những người được Thánh Thần mặc khải nhiều điều mới cần phải thêm vào sổ Sách Thánh. Các Giáo phụ thời này phải bày tỏ lập trường trước những nguy hiểm đó nên việc công nhận các sách Tân Ước cũng rõ ràng hơn trước. Chúng ta có thể kể tên thánh Justinô, Thêôphilô Antiôkhia, thánh Irênê như là những chứng nhân tiêu biểu của truyền thống trong thế kỷ II cho thấy hầu hết các sách Tân Ước đã được sử dụng. Đáng chú ý nhất là tài liệu quen gọi là fragment Muratori thuộc về cuối thế kỷ II này. Nhà nghiên cứu L. A. Muratori († 1750) đã tìm thấy bản văn này trong thư viện Ambrosiô ở Milanô năm 1740. Trong tài liệu này có một danh mục các sách Tân Ước xưa nhất mà chúng ta hiện có. Tuy danh mục này không phải là một văn kiện chính thức, nhưng người ta cho rằng chắc chắn nó do một nhân vật có thế giá viết ra quãng năm 180-190. Nhân vật đó có lẽ là thánh Hippôlite († 258). Danh mục có đủ các sách Tân Ước, chỉ thiếu thư gửi tín hữu Hípri, thư thánh Giacôbê và thư II Phêrô.

Thánh Hippôlite là nhân chứng quan trọng của Hội Thánh Rôma. Trong các tác phẩm của ngài, ngài trưng tất cả các sách Tân Ước, trừ thư gửi ông Philêmon và hai thư 1 và 2 Gioan. Trái lại, Origène, một giáo phụ đã tiếp xúc với nhiều Hội Thánh bên Đông cũng như bên Tây thời ấy đã công nhận tất cả 27 cuốn Tân Ước, mặc dầu ông biết có người hoài nghi về tính chất Thư Qui của thư 2 Phêrô, 2 và 3 Gioan cũng như thư Giacôbê.

Để tóm tắt, có thể nói : trong thế kỷ III, hầu hết các sách Tân Ước đã được nhìn nhận. Tuy nhiên, bên Tây còn lưỡng lự đối với các thư gửi tín hữu Hípri, thư Giacôbê và 2 Phêrô. Vì thế, có khi các cuốn sách này không được nêu danh. Bên Đông vẫn còn nhiều người hoài nghi về năm bức thư công giáo hay gọi là chư chung : thư Giacôbê, 2 Phêrô, 2 và 3 Gioan, Giuđa.

4. Thế kỷ IV-V

Nói chung, người ta có thể nhận thấy có sự đồng ý một cách chặt chẽ hơn về các sách thánh Tân Ước. Những lưỡng lự giảm bớt dần và không quan trọng lắm. Nhưng ngược lại, trong Hội Thánh bên Đông lại bắt đầu xuất hiện nhiều hoài nghi đáng kể đối với sách Khải huyền. Sự hoài nghi này bắt nguồn từ thánh Denys Alexandria († 264). Để chống lại thuyết một ngàn năm (dựa vào Kh 20), thánh Denys đã không cho tác giả sách đó là thánh Gioan tông đồ.

Trong số các Giáo phụ Hy-lạp, thánh Cyrillô Giêrusalem và thánh Grêgôriô Nazian không liệt kê sách Khải huyền. Thánh Amphilochiô thì ghi nhận rằng có nhiều người phủ nhận sách đó, trong khi một số hồ nghi về thư 2 Phêrô, 2 và 3 Gioan, Giuđa. Sử gia Eusèbe Césarée († 340) phân biệt ba loại sách:

1. Những sách được hết mọi người nhận.

2. Những sách còn tranh luận nhưng được rất nhiều người nhận và

3. Những sách mạo. Chính Eusèbe liệt sách Khải huyền vào cả hai loại 1 và 3, nhưng với lời ghi chú “nếu coi là được”, “nếu thuận”. Trong khi đó, thánh Athanaxiô và thánh Êpiphanê kể tất cả 27 cuốn là thuộc Thư Qui.

Bên Hội Thánh Syria, ngay từ đầu đã thiếu các thư chung và sách Khải huyền rồi. Trong số các chứng nhân có thánh Gioan Kim Khẩu, Theođôtetô và Theođôrô Mopsuète.

Bên Tây, sự tranh luận lại hướng về thư gửi tín hữu Hípri nhiều hơn. Ở đây, có lẽ mãi tới nửa thế kỷ IV, các tác giả Kitô giáo vẫn chưa biết đến thư này mấy. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ này các giáo phụ La-tinh đều chấp nhận thư gửi tín hữu Hípri.

5. Thư Qui Tân Ước theo Huấn quyền

Trước hết là ở Hội Thánh Bắc Phi: Công đồng Hippon (393) liệt kê trọn vẹn Tân Ước, nhưng khi nói tới các thư thánh Phaolô thì ghi “thuộc về tông đồ Phao lô có 13 thư, cũng thuộc về người thư gửi cho người Hípri”. Ghi chú như thế có lẽ phản ánh thái độ do dự của một số người đối với thư gửi tín hữu Hípri chăng. Công đồng III và IV (397 và 419) cũng giữ nguyên danh mục nói trên. Nhưng lần cuối cùng, thay vì câu ghi chú trên, lại nói rõ “số thư thánh Phaolô tông đồ là 14”. Rồi còn thêm ở cuối : “Chúng tôi đã nhận được do cha ông để lại như vậy để đọc trong Hội Thánh”,

Công đồng IV Toledo (Tây ban nha), năm 633, dưới quyền chủ toạ của thánh Isiđorô, quyết định phạt vạ tuyệt thông những ai không nhận sách Khải huyền.

Tóm lại, từ đầu thế kỷ VI, mặc dầu đây đó vẫn còn một vài sự hoài nghi đối với sách này hay sách kia, nhưng sự hoài nghi đó không ảnh hưởng tới lập trường chung của Hội Thánh phổ quát, và những hoài nghi ấy đều tan biến khi Công đồng Florence (1441) và nhất là Công đồng Trentô (1546) long trọng xác định toàn bộ Sách Thánh.

IV. CÁC NGOẠI THƯ

Ngày xưa trong Hội Thánh người ta quen gọi là “ngụy thư”. Đúng ra đây là những sách không được nhận để đọc trong phụng vụ. Do đó, “ngoại thư” tự nó không có gì là xấu. Và thường khi các tác phẩm của các Giáo phụ cũng bị gọi là ngoại thư theo nghĩa đó.

Tuy nhiên, “ngoại thư” còn là những sách mang tên một tác giả nào đó, nhưng thực ra không phải do chính tác giả ấy viết ra. Thêm vào đó, những tác phẩm mạo danh như vậy thường khi gồm chứa nhiều sai lạc về đạo lý, tư tưởng mà người viết đã muốn lợi dụng danh nghĩa của những nhân vật nổi tiếng để phổ biến. Những tác phẩm như vậy là ngoại thư về cả hai nghĩa : mạo danh và nội dung có chứa đựng sai lầm.

Ở đây, ngoại thư là những tác phẩm hoặc vì danh nghĩa hay vì có hình thức hoặc nội dung phần nào giống Sách Thánh, nên có thể đã được coi như có tính cách Thư Qui hoặc đã được vài Giáo phụ chấp nhận, nhưng Hội Thánh đã loại khỏi Thư Qui Kinh Thánh.

Số sách ngoại thư cả Tân Ước lẫn Cựu Ước có tới gần 40 cuốn. Không phải tất cả đều chứa đựng những sai lạc. Có nhiều cuốn, nhất là về Cựu Ước, có thể được sử dụng làm tài liệu lịch sử quí giá.

***

PHẦN BA

LƯU TRUYỀN BẢN VĂN

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu bản văn của Sách Thánh đã được lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác cho tới chúng ta như thế nào.

Các Sách Thánh có thể được coi là còn nguyên tuyền về hai phương diện : đạo lý và hình thức (về mặt phê bình). Nguyên vẹn về đạo lý là khi những điều thuộc về đức tin và phong hoá gồm gói trong Sách Thánh vẫn còn chứ không bị lạc thuyết pha trộn vào. Nguyên vẹn về hình thức là giữ được văn phạm và lối viết của tác giả. Về phương diện này, Sách Thánh cũng chịu một luật lệ di truyền như tất cả các sách khác, nên dĩ nhiên phải có nhiều thay đổi. Thực tế, phải có một phép lạ mới thực hiện được sự nguyên vẹn tuyệt đối về hình thức. Mà một phép lạ như thế không cần thiết. Tuy nhiên, người ta có thể chứng minh dễ dàng rằng những thay đổi đã đưa vào Sách Thánh qua bao thế kỷ thật sự đã không làm thay đổi sự nguyên vẹn về đạo lý. Như vậy, tương đối các Sách Thánh vẫn phải được coi là còn nguyên vẹn về cả hình thức nữa.
Ta sẽ xem xét nguyên bản Hípri (Cựu Ước) và Hy-lạp (Tân Ước). Sau đó sẽ nói về các bản dịch cổ.

I. CÁC BẢN VĂN HÍPRI CỰU ƯỚC

1. Viết và duy trì như thế nào

a. Vật liệu và cách viết

Từ thời rất xa xưa, người ta đã sử dụng một thứ sậy Ai-cập để làm giấy. Thứ giấy này đã được đưa vào các xứ Syria và Palestine, và có thể nói chắc chắn rằng các soạn giả thánh đã dùng thứ giấy này để viết ra các nguyên bản (x. Gr 36,21-25 ; Ed 2,9). Bắt đầu, người ta dùng ống sậy vót nhọn, sau mới dùng tới lông chim lông gà chấm mực viết vào tờ rời. Các tờ rời được gắn lại với nhau thành cuốn. Do đó có cách gọi cuốn sách (x. Gr 36,2 ; Is 34,4 ; G 31,35tt). Mãi sau này người Do-thái mới biết dùng sách đóng thành tập như bây giờ. Nhưng hầu như các bản văn được sử dụng nơi công cộng đều vẫn giữ hình thức cuốn tròn.
Mặc dầu một số tài liệu thuộc thế kỷ VIII và VII trước CN cho thấy rằng người ta đã viết chữ này chữ kia từ lâu. Nhưng cũng có những bằng chứng cho hay ít nhất là một phần các sách thánh đã sử dụng lối viết liền chữ nọ với chữ kia. Hơn nữa, cũng chẳng có phân biệt từ câu này sang câu khác. Ngoài ra, những tiếng hay dùng được viết tắt, nhất là các danh thánh, như Ya thay vì Yahweh.

b. Sự biến chuyển của bản văn

Từ đầu cho tới thế kỷ I sau CN, bản văn Kinh Thánh Hípri còn bị thay đổi rất nhiều. Người ta biết được như vậy vì so sánh bản văn ấy với bộ Ngũ Thư của người Samari và với bản dịch LXX.

Từ thế kỷ I tới thế kỷ VI sau CN

Người ta tìm cách loại bỏ những khác biệt đáng kể để cho ra đời một bản được coi là hơn các bản khác. Hầu hết đều nhận rằng ngay từ thế kỷ I, bản văn Sách Thánh đã được xác định vĩnh viễn cùng với việc xác định Thư Qui Kinh Thánh Hípri.

Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X

Các nhà chuyên môn Do-thái cố gắng tối đa để tìm lại được chính bản của Sách Thánh và cố duy trì sự nguyên vẹn. Bởi vậy, họ cẩn thận ghi lấy những gì người xưa để lại mà có thể giúp họ tái lập lại bản văn và giải thích cho đúng. Sự sưu tầm đó gọi là masora, có nghĩa là “lưu truyền”. Và bản văn thiết lập theo việc sưu tầm này gọi là bản masorét hay là bản lưu truyền.

Từ sau đó, bản văn Sách Thánh Hípri hầu như không thay đổi gì nữa, mặc dầu vẫn còn một vài chỗ phải sửa lại.

2. Bản in Hípri

Vào thế kỷ XV, sau khi người ta phát minh ra máy in, bản văn Sách Thánh Hípri cũng bắt đầu được khắc chữ và in ra. Nhưng bản in còn nhiều khiếm khuyết. Sang thế kỷ XVI, người ta cho ra đời bản mà sau này được mệnh danh là bản “được chấp nhận”, vì hầu hết các lần in sau này đều theo bản đó. Sau hết, từ thế kỷ XVIII đến nay, các nhà chuyên môn cổ ngữ Trung đông đã cố gắng tiếp tục gỡ bỏ đi những chắp nối vá víu để trả lại cho Sách Thánh hình thức ban đầu. Với máy computer, kỹ thuật sắp chữ, in ấn, ghi chép các bản văn là tuyệt vời.

Tưởng cũng nên lưu ý về sự phân chia trong Sách Thánh. Trong các bộ Sách Thánh Hípri, bản văn được chia theo lịch phụng vụ. Từ đời xưa, người Do-thái vẫn quen đọc Sách Thánh trong các hội đường vào ngày sa-bát. Còn việc phân chia Sách Thánh thành chương thành câu là bắt chước các Sách Thánh La-tinh từ thế kỷ XVI.

3. Giá trị của bản văn Hípri

Bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hípri qua thời gian đã bị thay đổi, hoặc vì người chép viết lộn chữ hay vì bỏ bớt đi, cũng có khi lặp đi lặp lại cùng một chữ hay cùng một vần, viết tắt rồi người khác đọc lẫn hay là ghép dấu sai. Ngoài ra, nhiều lần những chỗ viết giặm ngoài lề (để giải thích) lại được đưa vào trong bản văn. Tóm lại, chỉ sau khi bản masorét ra đời thì bản Kinh Thánh Hípri mới tránh được sự sửa chữa nói trên.

Tuy nhiên, như đã nói trước, những thay đổi mà thời gian đã để lọt vào bản văn đã không thay đổi phần cốt của Sách Thánh, nghĩa là nội dung đạo lý vẫn nguyên vẹn. Ngay cả những chỗ bị sửa chữa cách hữu ý cũng vậy. Chẳng hạn như khi tiếng Êlôhim được dùng thay cho tiếng Yahweh và ngược lại, hay là khi tiếng Baal (Chủ, Chúa) được đổi thành Bôshet (sỉ nhục) trong 1 Sb 8,33 ; 9,39 so với 2 Sm 2,8 ; Tl 6,32 với 2 Sm 11,21.

II. CÁC BẢN VĂN HY-LẠP TÂN ƯỚC

1. Vật liệu và chữ viết

Có thể nói tất cả các cảo bản Tân Ước do các soạn giả thánh viết ra cũng như các dị bản khác trong những thế kỷ đầu của Hội Thánh đều được viết vào giấy sậy là thứ rẻ tiền lại rất thông dụng thời các Tông Đồ. Từ thế kỷ IV, người ta lại thường dùng da súc vật. Thực tế là hầu hết các bản chép trước thế kỷ X đều bằng giấy da cả. Từ thế kỷ XIII người ta dùng thứ giấy làm bằng sợi nữa.

Chữ viết thì có hai loại: chữ nhỏ viết láu, dùng hằng ngày. Thời xưa, chữ này ít được sử dụng. Thực ra, bản xưa nhất dùng loại chữ này là vào năm 835. Trước thế kỷ IX, tất cả các bản đều viết loại chữ cái.
Ngày xưa người ta cũng hay viết tắt, nhất là những tiếng năng dùng và danh thánh, vì những tiếng này không dễ bị đọc lầm. Ví dụ THEOS viết tắt là THS, KC thay cho KYRIOS… Trong những bản chữ nhỏ có nhiều tiếng viết tắt hơn và nhiều khi những chữ đó bị đọc sai là thường. Chẳng hạn, chữ krw (Rm 12,11) đáng lẽ phải đọc là kuriô (Chúa) thì lại đọc sai ra là kairô (thời gian). Chữ mtv (1 Cr 2,1) phải hơn là martyrion thì lại đọc là mystêrion.

2. Sự phân chia trong bản văn Sách Thánh

Các soạn giả thánh khi chép sách đã viết liền. Nhưng ngay từ những thế kỷ đầu, bản văn đã được chia thành từng quãng hoặc từng khúc như Clément Alexandrie và Tertulien có lần đã nói tới. Sự phân chia này thực hiện vì lý do phụng vụ: mỗi ngày đọc một quãng.

Việc phân chia sách thành chương như hiện nay là do giám mục Stephen Langton, Tổng giám mục Cantobury († 1228). Ban đầu chỉ áp dụng cho các Sách Thánh bằng tiếng La-tinh, sau đó mới đưa qua các sách Hípri, bản LXX và các sách Tân Ước Hy-lạp. Sau cùng, Santes Paghino người Lucca († 1541) đã có công chia tất cả Cựu Ước và Tân Ước thành câu trong các Sách Thánh La-tinh, và rồi sự phân chia như vậy cũng được áp dụng cho các bản Hy-lạp nữa.

3. Các cảo bản Tân Ước Hy-lạp

a. Nói chung, các thủ bản của các soạn giả thánh đã bị hư hỏng hết. Nhưng còn giữ được nhiều cảo bản khác về Tân Ước. Xưa nhất là những cảo bản bằng giấy sậy, thuộc thế kỷ II và III (trong khi những bản chép các tác phẩm Hy-lạp và Rô-ma cổ điển khác hiện còn giữ được đều thuộc về những thời muộn hơn nhiều). Chỉ có một số ít các bản văn vừa nói có đủ tất cả Tân Ước. Phần nhiều chỉ còn một ít nào thôi, ví dụ chỉ có các sách Tin Mừng, hoặc chỉ có sách Công vụ với các thư chung, hay chỉ có các thư thánh Phaolô, hoặc là sách Khải huyền mà thôi. Nhiều bản chỉ giữ được từng quãng lấy trong sách Tin Mừng hoặc các thư để sử dụng trong phụng vụ.

b. Để đặt tên cho các bản Sách Thánh, người ta nghĩ ra nhiều cách. Nhưng cách sau đây được sử dụng nhiều nhất, do ông J. J. Wetstein khởi xướng và những người khác bổ khuyết thêm. Người ta dùng chữ đầu của mẫu tự Hípri, 22 chữ của mẫu tự Hy-lạp và 22 chữ của mẫu tự La-tinh. Tất cả là 45 chữ để chỉ 45 bản được viết bằng chữ hoa xưa nhất, như sau:

– a : bản 01

– từ chữ a đến chữ z Latinh   : bản 02 đến 23

– từ chữ γ đến chữ ω Hy-lạp : bản 24 đến 45

45 bản viết bằng chữ hoa cổ xưa nhất này còn được đánh số bằng 01 đến 045. Những bản khác cũng viết bằng chữ hoa nhưng không xưa như vậy, được đánh số từ 046 đến 2533 và có thêm những chữ sau đây để phân biệt bản đó thuộc về loại sách nào:

– thêm chữ e (evangelium) cho biết bản đó gồm sách Tin Mừng.

– thêm chữ a (acta Apostolorum) cho biết bản đó gồm sách Công vụ và các thư chung.

– thêm chữ p (Paulus) cho biết bản đó gồm các thư thánh Phaolô.

– thêm chữ r (revelatio) cho biết bản đó gồm sách Khải huyền.

Những bản được viết bằng giấy sậy La-tinh gọi là Papyrus thì được ghi bằng chữ P ở trước con số, và con số được viết cao hơn chữ một chút : P1 – P68. Cũng có một số ít mảnh sành còn ghi những lời Tân Ước. Những mảnh sành này được liệt vào số các bản chữ hoa dưới ký hiệu 0102 và 0153. Sau hết, nhiều lần không phải là cả một cuốn sách nào trong Tân Ước, mà chỉ có những bài đọc, tiếng La-tinh là Lectionarium. Lúc ấy được ghi bằng chữ l trước một con số : l.1 – l. 1838.

Đại khái việc phân biệt và đặt tên cho các bản văn Kinh Thánh Tân Ước là như thế.

4. Mấy bản Sách Thánh Tân Ước khá quan trọng

Vì tính chất cổ xưa của chúng nên các bản viết bằng giấy sậy (Papyrus) được coi là rất quí giá để theo dõi quá trình của bản văn. Cũng nên biết rằng càng ngày người ta càng tìm thấy thêm các bản Papyrus như vậy.

Ở đây, xin nói qua tới mấy bản Tân Ước viết bằng chữ hoa thuộc các thế kỷ IV-IX có tầm quan trọng tổng quát:

Bản Sinai (Codex Sinaiticus, a, 01 hay S), thế kỷ IV, được ông Tissendorf, một học giả người Nga, tìm thấy tại tu viện thánh Catarina ở núi Sinai năm 1844 và được đem về Leningrad. Nay ở viện bảo tàng British Museum, Luân Đôn. Bản này có 347 tờ gồm tất cả Tân Ước, một phần lớn Cựu Ước (bản LXX). Ngoài ra còn có thư Barnaba và tác phẩm Pastor của Hermas.

Bản Alexandria (Codex Alexandrinus, 02 hay A), gốc ở Ai-cập, thế kỷ V, nay ở British Museum, Luân Đôn. Bản này có 773 tờ gồm Cựu Ước (bản LXX) và Tân Ước từ Mt 25,6 trở đi.

Bản Vatican (Codex Vaticanus, 03 hay B), thế kỷ IV, ở thư viện Vatican từ quãng 1480. Đây là một trong những bản chữ hoa quan trọng nhất, có Cựu Ước và Tân Ước đến Hr 9,14.

Bản Bezae (Codex Bezae hay Codex Cantabrigiensis, 05 hay D), thế kỷ V-VI, song ngữ Hy-lạp bên phải – La-tinh bên trái. Ở Lyon từ thế kỷ IX, đến năm 1562 bị người Tin lành lấy rồi tặng cho Théodore de Bèze, bạn của ông Calvin. Năm 1581, Bèze tặng cho đại học Cambridge và ở đó cho đến nay. Bản này có 406 tờ, gồm các sách Tin Mừng và sách Công vụ. Bản văn sách Công vụ của D dài hơn bản văn trong các bản S, A, B, C và được gọi là bản văn Tây phương, ea.

D (Codex Claramontanus hay 06), thế kỷ VI, do Bèze mua ở tu viện Clermont, nay ở thư viện Quốc Gia Paris, gồm có các thư thánh Phaolô, p.

W (Codex  Freer hay 032), thế kỷ V, do Freer mua ở Ai-cập năm 1906, nay  Washington. Có bốn sách Tin Mừng, nhưng thiếu một ít chỗ. Sau Mc 16,14 có thêm mấy câu gọi là logion của Freer.

Θ (Codex Koridethi hay 038), thế kỷ IX, gốc ở tu viện Koridethi, nay ở Tbilissi nước Georgia. Có bốn sách Tin Mừng.

Chú ý. Bản văn Tân Ước được ghi lại dưới ba hình thức chính người ta quen gọi là ba gia đình, mà tiêu biểu là các bản A, B, D trên đây. Bản D tiêu biểu cho một gia đình bản văn xưa nhất, đã sinh ra các bản dịch La-tinh và Syria. Gia đình này có từ thế kỷ II và đã phổ biến khắp nơi thuộc Hội Thánh bên Tây. Gia đình này có khuynh hướng thay đổi bản văn để làm cho sáng nghĩa, để dung hoà các tác giả khác nhau, để loại bỏ những thắc mắc về chú giải. Vì thế hay thêm bớt. Và tính chất bình dân này mà không được người ta tín nhiệm lắm. Bản B tiêu biểu cho một gia đình phát xuất từ đầu thế kỷ III, nhưng trong sạch hơn gia đình trước. Vì tính chất trung lập, nên nó dần dần được người ta quí chuộng và lấn át cả gia đình trước.
Bản A tiêu biểu cho một gia đình sinh sau đẻ muộn, nhưng được trọng dụng hơn hai gia đình trước. Chẳng bao lâu gia đình này lan tràn từ Đông sang Tây, chiếu ảnh hưởng của hai gia đình trước đến độ chỉ còn một mình được sử dụng trong suốt thời Trung Cổ.


5. Các bản in Tân Ước Hy-lạp

Sau khi khám phá ra máy in, Tân Ước đã được in ra nhiều lần. Trước hết, người ta in theo gia đình A, vì nó có đặc điểm là viết hay, đễ đọc và đầy đủ. Tuy nhiên, gia đình này cũng có những khuyết điểm lớn.

Đến thế kỷ XIX, người ta dựa theo những bản La-tinh và Hy-lạp cũ để in, đồng thời cũng dùng các Giáo phụ làm tiêu chuẩn. Nhờ thế mà gia đình B được tin dùng nhiều hơn. Đặc tính của gia đình này là có bản văn ít bị thay đổi hơn các gia đình khác, thích cái cũ, ngắn gọn và xuôi chảy, khi hồ nghi thì bỏ luôn chứ không có khuynh hướng dung hoà. Bản Sinai cũng thuộc gia đình này.

6. Giá trị của bản Tân Ước Hy-lạp

Về căn bản, bản văn Tân Ước vẫn còn nguyên vẹn cho tới chúng ta. Nhưng không thể tránh được hết những thay đổi phụ thuộc. Có thể nói hầu hết các thay đổi đã có từ thế kỷ II. Do đó, mới phân ra các gia đình, mỗi gia đình đọc một kiểu. So sánh sự khác biệt giữa rất nhiều bản thuộc các gia đình khác nhau, người ta vẫn thấy rằng bản văn Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp không những phải được coi là duy trì nguyên vẹn kho tàng mặc khải về đức tin và luân lý. Mà còn hơn thế nữa, có thể quả quyết rằng ngay trong những điều không quan trọng, hầu hết bản văn vẫn còn y nguyên như ban đầu.

III. CÁC BẢN DỊCH CỔ

Trong Cựu Ước, từ sau lưu đày, dân Do-thái tản mát khắp nơi. Họ dần dần quên tiếng mẹ đẻ, nên việc dịch Sách Thánh ra các ngôn ngữ khác trở nên cần thiết. Trong Tân Ước cũng vậy, càng ngày Hội Thánh càng lan rộng trong các dân tộc không nói tiếng Hy-lạp, nên phải dịch ra các tiếng khác thông dụng. Sau đây chúng ta sẽ nói qua cề những bản dịch cổ xưa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

1. Bản LXX (Bảy Mươi)

Xưa nhất trong các bản dịch Sách Thánh là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hípri sang tiếng Hy-lạp, quen gọi là bản LXX. Gọi như vậy là vì, theo một bức thư mệnh danh là của Aristée có kể rằng : Ptôlêmê II hiệu là Philadelphe, vua Ai-cập (285-247 trước CN) xin thượng tế Do-thái lúc bấy giờ là Êlêazarô phái tới cho mình những nhà thông thái để họ dịch sách Luật Môsê ra tiếng Hy-lạp. Vậy thượng tế Êlêazarô cử 72 người rất thạo tiếng Hípri cũng như Hy-lạp sang Ai-cập, đồng thời cũng gửi đi một cuốn sách Luật. Những vị này được vua tiếp đón rất nồng hậu và đưa tới đảo Pharô, một nơi yên tĩnh xa thành thị ồn ào để học bắt tay vào việc. 72 người làm việc trong 72 ngày thì dịch xong bộ Ngũ Thư. Có người còn nói rằng họ dịch riêng, mỗi người một bản, nhưng khi so lại thì cả 72 bản dịch đều giống hệt nhau!

Đó chỉ là câu chuyện tạo. Nhưng về nguồn gốc bản dịch Ngũ Thư cũng không phải là hoàn toàn sai. Có lẽ chắc bản này đã được dịch cho người Do-thái cư ngụ bên Ai-cập dưới thời vua Ptôlêmê II nói trên. Bản dịch ra đời quãng năm 250 trước CN. Sau đó, trong các thế kỷ III và II trước CN, các sách Cựu Ước khác ngoài Ngũ Thư cũng dần dần được dịch ra tiếng Hy-lạp.

Như thế, bản LXX được thực hiện bởi nhiều người và dưới nhiều thời khác nhau, nên mỗi sách cũng mang một sắc thái riêng. Tuy nhiên, tất cả bản dịch cũng có những nét chung phản ánh nền văn hoá bên Ai-cập trong những thế kỷ III-II trước CN.

Giá trị của bản LXX. Từ đầu, bản LXX có một thế giá tuyệt đối. Thời Đức Giêsu và các Tông Đồ, không những bản này được sử dụng trong các hội đường Do-thái ở Ai-cập, mà còn ở các nơi khác nữa. Các soạn giả Tân Ước trưng Kinh Thánh theo bản LXX rất nhiều (trong số 350 trích dẫn thì có tới 300 lần theo bản LXX). Hội Thánh từ đó vẫn đón nhận bản dịch này và căn cứ vào đấy để thực hiện các bản dịch cổ khác. Tất cả những sự kiện trên làm cho có người nghĩ rằng bản LXX đã được dịch dưới ơn linh hứng. Nhưng điểm này còn trong tình trạng tranh luận.

2. Bản Aquilas

Bản này là bản địch Cựu Ước ra tiếng Hy-lạp, do ông Aquilas thực hiện vào thời hoàng đế Hadrianô (117-138 sau CN). Dịch sát chữ nên không hay, nhưng lại được Do-thái giáo quí chuộng vì họ không thích bản LXX.

3. Bản Theođotion

Được thực hiện dưới thời hoàng đế Comôđô (180-192) do một người Êphêxô mang tên bản dịch đó. Gọi là bản dịch, nhưng thực ra là sửa lại bản LXX với chủ đích là bỏ đi những chỗ khác biệt giữa hai bản Hipri và Hy-lạp.

4. Bản Targumim

Đây không phải là những bản dịch sát, nhưng là những bản dịch thoáng, vừa dịch vừa giải thích thêm từ tiếng Hípri sang tiếng Aram. Lý do là vì vào thời Đức Giêsu, tại các hội đường Do-thái, người ta đọc Sách Thánh bằng tiếng Hípri, nhưng dân chúng không hiểu nữa. Vì thế phải dịch ra tiếng Aram. Targum có nghĩa là dịch hay giải thích. Có thế giá nhất đối với người Do-thái là bản Targum Onkêlos, ra đời quãng thế kỷ I sang thế kỷ II sau CN.

5. Bản Pơshitta

Đây là bản dịch Cựu Ước sang tiếng Syria. Không rõ bản này xuất xứ lúc nào, chỉ biết rằng thời thánh Êphrem († 373) thì bản này đã có từ lâu rồi, vì thánh nhân đã phải giải thích nhiều danh từ đã quá cũ trong bản dịch mà người đương thời không còn hiểu nữa. Như vậy, có lẽ bản dịch ra đời từ thế kỷ I hoặc II rồi.

6. Bản Diatessarôn

Đây là tên gọi một tác phẩm bằng tiếng Hy-lạp hay là tiếng Syria do Tatien thực hiện vào quãng năm 170 sau CN. Trong đó tác giả tổng hợp bốn sách Tin Mừng thành một. Tác phẩm này rất được trọng dụng trong Hội Thánh tại Syria mãi cho tới thế kỷ V.

Còn nhiều bản dịch Sách Thánh ra nhiều ngôn ngữ Trung đông khác nữa. Nhưng trên đây là những bản được chú ý nhiều hơn.

7. Bản Vetus Latina (La-tinh cũ)

Chắc chắn là vào cuối thế kỷ II, nhiều cuốn trong bộ Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng La-tinh. Và vào nửa thế kỷ III, toàn bộ Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng La-tinh rồi. Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh này được gọi là bản dịch Vetus Latina. Bản này sử dụng ngôn ngữ La-tinh bình dân, thông dụng và mộc mạc. Về Cựu Ước, bản này dịch từ bản LXX chứ không phải từ bản Hípri.

8. Bản Vulgata (Phổ thông)

Năm 382, thánh Đamaxô (366-384) trao phó cho thánh Giêrônimô việc sửa lại bản Sách Thánh bằng tiếng La-tinh, vì thánh nhân thông thạo ba ngôn ngữ Kinh Thánh. Công việc khó nhọc này thánh nhân đã thực hiện trong vòng 24 năm. Trước hết, người sửa chữa bốn sách Tin Mừng. Người ta cho rằng các sách khác của Tân Ước không được người động đến. Những sách này một phần do Pêlagiô dịch. Còn về Cựu Ước, thánh Giêrônimô trước tiên sửa lại bộ Thánh vịnh bằng tiếng La-tinh, dựa theo bản LXX. Công trình này có lẽ đã bị thất lạc. Sau cùng người dịch Cựu Ước trực tiếp từ bản Hípri, theo ba tiêu chuẩn sau đây : a) dịch trung thành với ý hơn là với lời, b) chú trọng tới bản dịch Vetus Latina, và c) cố viết La-tinh cho hay.

Bản Sách Thánh La-tinh của thánh Giêrônimô càng ngày càng được thông dụng, nhưng cũng bị suy suyển qua nhiều thế kỷ cho tới thế kỷ XIII, Đại học Công giáo Paris mới sửa lại để cho có một bản văn đồng nhất và không thay đổi hơn. Công việc này được thực hiện phần nhiều do các Anh Em Hèn Mọn và các Anh Em Thuyết Giáo lúa bấy giờ đang làm giáo sư tại Đại học này.

Ngày 04 tháng tư năm 1546, Công đồng Trentô xác định và tuyên bố bản Sách Thánh La-tinh quen gọi là bản Phổ thông phải được coi là chính thức để dùng trong các Chủng viện, khi tranh luận, giảng thuyết và trình bày Sách Thánh. Và không ai được loại bỏ bản đó vì bất cứ lý do nào (x. EB 61 ; Denz 785).

Theo Đức giáo hoàng Piô XII, trong thông điệp Divino afflante Spiritu, thì tính cách chính thức hay sự chính xác của bản Phổ thông mà Công đồng Trentô xác nhận chỉ hiểu về những vấn đề liên quan tới tín lý và luân lý mà thôi, chứ không bao gồm khía cạnh phê bình. Về khía cạnh này, cũng theo Đức Piô XII, bản Phổ thông La-tinh còn cần được sửa chữa cho sát với nguyên bản Kinh Thánh hơn. Thiết tưởng ngay tín lý và luân lý, sự xác đáng của bản Phổ thông cũng chỉ được coi là tương đối mà thôi.

9. Bản Nova Vulgata Bibliorum Sacrorum

Đây là bản dịch lại bản Vulgata nhằm cung cấp cho Hội Thánh và thế giới một bản văn Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh nghiêm túc, phù hợp với nhịp tiến của ngành nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay.
Bản dịch này lại vẫn tôn trọng những đoạn mà thánh Giêrônimô đã trung thành dịch sát với nguyên văn, nhưng cũng sửa lại những đoạn dịch xa nguyên bản hoặc không đúng.

Ủy Ban được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập ngày 29.11.1965 và đã mất 12 năm để làm công tác duyệt lại, ấn hành, và đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1979 trong tông thư Scripturarum thesaurus.

IV. TÌM RA BẢN VĂN CHÍNH XÁC NHẤT?

Nghiên cứu về sự di truyền các bản văn Kinh Thánh như trình bày ở trên là có ý giúp người học Kinh Thánh tìm ra nguyên bản Sách Thánh. Hay nói cho đúng là để có thể càng gần nguyên bản do soạn giả viết ra càng tốt. Đó là kỹ thuật tìm bản văn. Điều này cũng thật cần thiết cho việc giải thích ý nghĩa Kinh Thánh.

Như đã biết trên, trong tất cả các bản văn Kinh Thánh cổ xưa, trước hết người ta phân biệt thành ba gia đình chính. So sánh với nhau, người ta có thể biết được bản nào ra đời trước, bản nào ra đời sau. Công việc xác định này nhiều khi không khó lắm. Nhưng cũng có những trường hợp cực kỳ gay go. Đúng ra, không thể đánh tan mọi do dự được. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu sơ qua về những lý do tại sao nguyên bản Sách Thánh đã bị thay đổi từ bản này qua bản khác. Và những tiêu chuẩn để chọn một trong nhiều bản khác nhau.

1. Lý do có nhiều dị bản

Trước hết, phải kể đến những thay đổi vô tình lọt vào bản văn. Có thể vì người viết bỏ một hay nhiều chữ, nhiều vần hay nhiều tiếng ở giữa hai vần hay hai chữ giống nhau. Ví dụ trong Ga 4,13-14 có câu : “Nhưng kẻ nào uống nước [Ta ban, đời đời không khát nữa. Lại nước] Ta ban sẽ thành một mạch nước phát sinh sự sống vĩnh cửu…” Có bản đã bỏ đi những tiếng trong ngoặc, vì lộn hai chữ nước với nhau.

Sự thay đổi có khi tại người viết không biết mà thêm vào vì lẫn lộn cách này hay cách khác. Ví dụ điển hình là 1 Ga 5,7-8 : “Có ba điều làm chứng [trên trời : Cha, Ngôi Lời và Thánh Linh, cả ba đều là một. Lại dưới đất có ba điều làm chứng ” Thánh Thần, nước và máu, mà cả ba đó chỉ là một”. Những chữ trong ngoặc không thấy có trong các bản Hy-lạp mà chỉ thấy trong các bản La-tinh. Vậy chắc hẳn những chữ ấy là lời giải thích rộng thêm mà người ta ghi chú ở ngoài lề. Nhưng rồi người chép đã chép luôn vào trong bản văn.
Cũng phải kể vào loại những thay đổi vô tình nhiều lỗi khác do nghe không rõ, nhìn không rõ, đọc theo kiểu địa phương, nhớ láng máng mà cứ tưởng là… thuộc lòng!

Đàng khác, lại có những thay đổi hữu ý được đưa vào Sách Thánh để cho câu văn thêm hay, cho rõ nghĩa, để tránh thắc mắc, để cho các chỗ khác nhau hợp với nhau, cho tác giả nọ giống tác giả kia…

2. Tiêu chuẩn để tìm bản văn khả dĩ gần nguyên bản nhất

Đứng trước một câu Sách Thánh mà có nhiều dị bản, mỗi bản đọc một kiểu, phải theo tiêu chuẩn nào để có thể chọn lấy bản có cơ gần với nguyên bản hơn cả ? Để đạt mục tiêu ấy, nói chung người ta đồng ý nêu ra các tiêu chuẩn sau đây. Dĩ nhiên, đây không phải là những tiêu chuẩn tuyệt đối, nghĩa là có khi áp dụng rồi mà ta vẫn không quyết được chắc chắn soạn giả đã viết như cách đọc mình chọn. Trong trường hợp này, phải coi sự lựa chọn là một phỏng chừng thôi.

a. Lectio difficilior potior. Ưu tiên cho dị bản khó hơn, trừ khi mâu thuẫn với văn mạch. Vì người chép thường có khuynh hướng sửa bản văn cho dễ hiểu hơn (tuy nhiên cũng có khi người chép có thể vô tình chép sai khiến bản văn khó hiểu !).

b. Lectio brevior potior. Ưu tiên cho dị bản ngắn hơn. Vì người chép thường có khuynh hướng giải thích dài hơn. Tuy nhiên, nên lưu ý là có trường hợp người chép viết thiếu vì vô ý hoặc hữu ý như đã nói trên.

c. Ưu tiên cho dị bản phù hợp với ngôn ngữ và tư tưởng của tác giả.

d. Ưu tiên cho dị bản có thể giải thích được các dị bản khác. Một dị bản có thể giải thích cho thấy các dị bản khác đã xuất hiện thế nào thì có khả năng gần với nguyên bản nhất.

đ. Trong các bản văn song hành, ưu tiên cho dị bản còn giữ được những chỗ khác nhau hơn là dị bản dung hoà các bản văn. Vì người chép thường có khuynh hướng dung hoà.

e. Loại bỏ dị bản xem ra người chép hữu ý sửa chữa.

g. Khi không còn cách nào khác để tìm bản văn, thì mới dùng ước đoán. Ước đoán là một cách đọc không dựa vào cảo bản nào hay bản dịch nào, mà chỉ là do suy luận của nhà chuyên môn. Vì thế nên nhớ : coniectura non est scriptura.

Lm. Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, OP.
(catechesis.net)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây