TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Làm thế nào để đọc Thánh Kinh?

Thứ năm - 15/06/2023 09:19 |   625
Tại sao đọc Thánh Kinh? Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? Đâu là những hình thức đọc khác nhau? Bắt đầu từ đâu?
Làm thế nào để đọc Thánh Kinh?

 

 
 

 

 
  •  
    •  

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỌC THÁNH KINH?
Nhật báo La Croix

Tại sao đọc Thánh Kinh? Làm thế nào để đọc Thánh Kinh? Đâu là những hình thức đọc khác nhau? Bắt đầu từ đâu? Câu trả lời và sự soi sáng của cha Gérard Billon, chủ tịch của Liên hiệp Thánh Kinh Pháp.

La Croix: Đâu là lợi ích của việc đọc Thánh Kinh?

Cha Billon: Khám phá cuốn sách đã tưới nền văn hóa và văn minh của chúng ta. Đối với người tín hữu, lợi ích là “tái tắm mình” trong căn tính mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và cứu độ chúng ta, và là Đấng yêu thương chúng ta.

La Croix: Đâu là những cách khác nhau để đọc Thánh Kinh?

Cha Billon: Tôi sẽ phân biệt ba cách đọc. Trước tiên, có thể đọc Thánh Kinh như đọc một cuốn tiểu thuyết. Cách đọc này không yêu cầu bất kỳ kỹ năng cụ thể nào. Người ta chọn một cuốn sách trong thư viện lớn này (có hơn 60 cuốn) và đọc nó từ đầu đến cuối. Có nhiều thể văn để lựa chọn: thể văn trình thuật (Sáng thế ký, Xuất hành, Sách các Vua hay sách Samuen, sách Giôna hay Tôbia, các sách Tin Mừng…), thể văn thơ ca và thể văn khôn ngoan (Thánh vịnh, Diễm Ca, Châm ngôn…) và thể văn thư tín (các thư của thánh Phaolô, Phêrô và Gioan trong Tân Ước). Một số bản văn khó tiếp cận hơn, chẳng hạn như các bản văn pháp luật của sách Đệ Nhị Luật hay sách Lêvi; hay như các sách ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Êdêkien…

Cách đọc thứ hai để tiếp cận bản văn Thánh Kinh là cách đọc của người tin, được gọi là lectio divina (“cách đọc thánh”), mà các quy tắc được các đan sĩ hình thức hóa vào thời Trung cổ. Phương pháp này hệ tại đọc bản văn bằng cách để nó đến với chính mình, bằng cách lướt qua nó như khi bạn chiêm ngưỡng một phong cảnh. Chúng ta dừng lại ở những từ ngữ, câu văn đặc biệt tác động đến chúng ta… Từ đó, chúng ta có thể bắt đầu cuộc đối thoại với Thiên Chúa, bằng cách đặt ra các câu hỏi, đưa ra lời cầu nguyện; rồi chúng ta để trái tim, tâm trí, linh hồn mình rộng mở đón nhận điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua bản văn này…

Cuối cùng, cách đọc thứ ba và cuối cùng là cách đọc khoa học. Nó được gọi là “chú giải” (một từ có nghĩa là “giải thích”). Nó tiếp cận bản văn dưới khía cạnh lịch sử, văn chương…Nhà chú giải tìm cách hiểu ý nghĩa của bản văn và đề nghị những cách giải thích.

La Croix: Có một cách tốt để đọc Thánh Kinh không?

Cha Billon: Có, cách tốt để đọc Thánh Kinh là tôn trọng bản văn, không vội đi vào giải thích hay diễn giải, nhất thiết bị giảm thiểu. Ví dụ, cách đọc của chủ nghĩa duy văn tự hệ tại việc hiểu bản văn theo nghĩa đen. Tưởng tượng rằng trái đất đã được tạo dựng trong bảy ngày khiến cho người đọc bỏ qua đặc tính thi ca của bản văn, vốn chơi chữ và huy động hình ảnh…

Nếu Thánh Kinh mâu thuẫn với kiến thức khoa học, thì vấn đề đúng đắn là phải biết Thánh Kinh thực sự muốn nói gì với chúng ta. Khi nhà toán học, vật lý học và thiên văn học Galilêô phát hiện ra rằng trái đất xoay quanh mặt trời, ông bị Giáo hội lên án vì dường như ông mâu thuẫn với Thánh Kinh, đang khi Thánh Kinh diễn tả theo một cung giọng khác: vấn đề là Thánh Kinh đề cập không phải là “thế nào là trời” nhưng là “làm thế nào lên trời”. Đọc Thánh Kinh, đó là chấp nhận rằng Thánh Kinh hướng cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về tha nhân, về thế giới.

La Croix: Cần phải chọn cuốn Thánh Kinh nào?

Cha Billon: Các bản dịch tùy thuộc vào mối tương quan được thiết lập giữa người đọc và bản văn. Loại đầu tiên của các cuốn Thánh Kinh kéo bản văn về phía người đọc để tạo thuận lợi cho sự hiểu biết. Do đó, tôi sẽ khuyên cuốn “La Bible. Nouvelle Français courant”, mà bản dịch giải quyết những khó khăn về ngôn ngữ. Cuốn “La Bible. Traduction officielle liturgique” cũng có thể tiếp cận vì nó được thực hiện để đọc công cộng. Loại thứ hai kéo người đọc về phía bản văn. Người đọc phải nỗ lực để hiểu ý nghĩa của nó nhưng họ được đồng hành tốt để đạt được điều đó. Cuốn “La Bible de Jérusalem” hay cuốn “TOB” (Bản dịch Thánh Kinh đại kết) bao gồm nhiều ghi chú giải thích bối cảnh lịch sử, văn hóa và thần học; chúng được kèm theo các tham chiếu chéo với các đoạn Thánh Kinh khác.

La Croix: Có một truyền thống đọc Thánh Kinh cá nhân không?

Cha Billon: Không, nó rất hiếm vì nguyên liệu làm cuộn giấy (da thú hay giấy cói) là rất đắt, rồi nó sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhờ sự xuất hiện của bộ văn bản, một cuốn sách có các trang được đóng lại vào đầu kỷ nguyên của chúng ta. Người ta tìm thấy một dấu vết hiếm hoi của cách đọc này trong Cựu Ước. Vua Giôakim truyền người ta đọc cho ông một cuộn sách về các lời sấm của ngôn sứ Giêrêmia, nhưng lời lẽ làm ông phật lòng. Vì thế, ông lấy dao cắt bản văn mà người ta vừa đọc cho ông và ông ném nó vào lò sưởi, thể hiện sự khinh bỉ của ông (Gr 36)…

La Croix: Còn cách đọc công cộng?

Cha Billon: Đó là ơn gọi đầu tiên của bản văn Thánh Kinh. Việc đọc Thánh Kinh có một sức mạnh cụ thể, đó là biến đổi người nghe bằng cách nhắc nhở họ rằng  họ làm nên một dân tộc với một căn tính riêng. Thánh Kinh là nguồn của sự gắn kết. Chúng ta tìm thấy những dấu vết rõ ràng trong Cựu Ước: tại chân núi Sinai, Môisê chia sẻ với dân chúng những lời ông đã nhận được từ Thiên Chúa (Xh, 24); ở Giêrusalem, Vua Giôsia cũng làm như thế (2V, 23) và kinh sư Ét-ra đọc “sách Luật Môisê” trong nhiều ngày trước dân chúng đang tụ tập (Nkm, 8).

Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu đọc một đoạn sách ngôn sứ Isaia ở hội đường (Lc 4) rồi giải thích về đoạn đó. Chúng ta cũng biết được rằng, vào thời Chúa Kitô, bất kỳ ai biết đọc đều có thể công  bố và giải thích bản văn thánh.

Việc đọc các bản văn thánh nơi công cộng đã tạo nên ý nghĩa của các từ “hội đường” và “Giáo hội”. Từ thứ nhất mô tả phong trào của những người rải rác tụ họp lại để lắng nghe Lời Chúa. Từ thứ hai nhấn mạnh nhiều hơn đến chính tiếng gọi của Lời Chúa tập hợp mọi người lại với nhau.

Tý Linh
(Theo Nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (12.06.2023)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/lam-the-nao-de-doc-thanh-kinh--51041

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây