13/06/2023
THỨ BA TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 5, 13-16
KI-TÔ HỮU CHÍNH DANH
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em là muốn cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5, 13.14)
Suy niệm: Ki-tô hữu không chỉ đơn thuần là người thuộc về Đức Ki-tô nhờ lãnh nhận bí tích Rửa tội, tuân giữ một số lề luật, thực hành một số lễ nghi. Bằng hình ảnh hạt muối và ánh sáng, Chúa Giê-su cho biết căn tính và sứ mạng của họ không phải là đóng băng, co cụm trong nội bộ của mình mà phải toả lan như ánh sáng, phải tác động và làm tươi mới như muối ướp trần gian. Người ki-tô hữu chính danh phải là một tông đồ, một chứng nhân của Đức Ki-tô bằng tất cả cuộc sống của mình, chứ không phải chỉ giới hạn tại một số nơi, trong một số thời gian nào đó, hoặc trong một số lãnh vực nào đó mà thôi.
Mời Bạn: Muốn được như thế, người ki-tô hữu phải nên như một chén thánh chứa đầy Chúa Ki-tô nhờ cuộc sống kết hợp thân thiết với Ngài bằng bí tích Thánh Thể và bằng đời sống cầu nguyện, nghiền ngẫm đến độ thấm nhuần Lời Chúa. Người ki-tô hữu chính danh như thế sẽ trở nên giống Đức Ki-tô đến mức mọi tư tưởng, lời nói cũng như việc làm của họ, nói tắt cả cuộc sống họ trở nên như hoạ ảnh, là hiện thân của chính Đức Ki-tô. Mời bạn kiểm điểm đời sống và lượng giá xem mình đã trở nên giống Đức Ki-tô được bao nhiêu phần trăm cuộc sống của bạn rồi.
Sống Lời Chúa: Khi bắt đầu một ngày sống, trước khi khởi sự một công việc, bạn định tâm tự hỏi trong việc này, trong hoàn cảnh này, Đức Ki-tô muốn bạn hành xử như thế nào, và bạn sẽ làm theo ơn soi sáng đó của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho chúng con lửa yêu mến nồng nàn, để con luôn biết làm chứng cho Chúa trong mọi việc của cuộc sống hằng ngày.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 18-22
“Ðức Giêsu không phải vừa “Có” lại vừa “Không”, nhưng nơi Người chỉ “Có” mà thôi”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Ðấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa “Có” lại vừa “Không”. Quả thế, Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa “Có” lại vừa “Không”; trái lại, nơi Người chỉ là “Có” mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời “Amen” tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Ðấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Ðức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Ngài đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban vào lòng chúng ta bảo chứng của Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 129. 130. 131. 132. 133. 135
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu của Chúa
Xướng: Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo.
Xướng: Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.
Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Xướng: Xin Chúa nhìn lại thân con và thương xót, như Chúa quen xử với những người yêu mến danh Chúa.
Xướng: Xin hướng dẫn con bước theo lời răn của Chúa, và chớ để điều gian ác thống trị trong mình con.
Xướng: Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. –
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 17, 7-16
“Vò bột không cạn và bình dầu không giảm như lời Chúa đã dùng lời Êlia mà phán”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, dòng suối nơi Êlia ẩn náu đã cạn, vì trong xứ không mưa. Bấy giờ Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: “Hãy chỗi dậy, đi Sarephta thuộc miền Siđon và ở lại đó: Ta đã truyền cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi”. Ông liền lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy, trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: “Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi, cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó, hũ bột không cạn và bình dầu không vơi, như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 4, 2-3. 4-5. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con (c. 7b).
Xướng: Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu. Người quyền thế, các ông cứng lòng tới bao giờ nữa? Tại sao say đắm bả phù hoa và kiếm chuyện sai ngoa?
Xướng: Nên biết rằng Chúa biệt đãi thánh nhân Ngài, Chúa sẽ nghe tôi khi tôi cầu khẩn Chúa. Hãy run lên và thôi phạm tội, hãy hồi tâm nghĩ lại trên giường nằm, và hãy lặng thinh.
Xướng: Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con. Chúa đã gieo vào lòng con niềm vui, vui hơn tụi kia khi chúng tràn đầy lúa rượu.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em. Alleluia.)
Phúc Âm: Mt 5, 13-16
“Các con là sự sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.
Hoặc đọc:
Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
Suy niệm
MUỐI PHẢI LÀ MUỐI (Mt 5, 13-16)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi nói đến muối, người ta nghĩ ngay đến vai trò quan trọng của chúng trên sức khỏe của con người, bởi vì: muối có thể làm dung hòa, điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng). Các hoạt động của cơ thể sẽ bị xáo trộn nếu thiếu muối, triệu chứng rối loạn điện giải, co bắp thịt, đau cơ, uể oải, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, phù thũng… là do thiếu muối. Muối còn có tác dụng xát trùng cao, bảo quản thức ăn cho khỏi hư thối… Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”.
Hôm nay, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời”. Nhưng liền sau đó, như một sự cảnh báo trước: “Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó?”.
Thật vậy, đời môn đệ chỉ có giá trị khi trong mình có vị mặn của tình yêu Giêsu, để làm toát lên hương vị của khiên nhường, yêu thương, tự hủy, vâng phục, xóa mình ra không để sống và sống cho người khác. Nếu không có vị mặn này, phải chăng đời môn đệ của chúng ta trở nên nhạt nhẽo, bèo bọt và vô tác dụng. Khi ấy, sự hiện diện của chúng ta trở nên dị hợm… thay vì ướp cho đời thì lại làm cho đời trở nên hư thối vì bị lây nhiễm bởi những lề thói xấu xa tục tĩu của chúng ta.
Muốn được như thế, như những hạt muối, chúng phải chịu hòa tan trong nước thì mới có giá trị, người Kitô hữu muốn trở nên chứng nhân, thì cũng phải tan hòa cuộc đời như những hạt muối, chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ để trở thành hữu dụng cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vẫn mãi là muối mang vị mặn của Chúa, để chính Chúa ướp chúng con và cũng để chúng con cùng Chúa ướp cho đời khỏi bị hư thối bởi những trào lưu tục hóa trong thế gian này. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Ca nhập lễ
Những người thông thái sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ dạy đàng công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.
Hoặc đọc:
Các dân tộc tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Hội Thánh loan truyền lời ngợi khen các ngài: danh tánh các ngài tồn tại đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục An-tôn . Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Ðức Kitô để được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo. Chúng con cầu xin…
Bài đọc
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin dủ thương chấp nhận của lễ chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa nhân ngày mừng kính thánh linh mục An-tôn trung thành với giáo huấn của thánh nhân, chúng con muốn hiến trọn thân mình, cùng với của lễ đang dâng tiến Chúa đây. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô. Xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh An-tôn để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành, bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin…
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Antôn được mừng vào ngày kỷ niệm qua đời tại Padoua 13 tháng 6 năm 1231. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh năm 1232 và được Đức Piô XII phong “tiến sĩ của Tin Mừng” năm 1946.
Antôn sinh tại Lisbonne, ở Bồ Đào Nha, khoảng 1195 và nhận tên thánh rửa tội là Fernando. Năm 1210, lúc còn rất trẻ, ngài đã vào hội kinh sĩ triều của Dòng thánh Augustin tại Lisbonne, trước khi vào Đan viện thánh Giá ở Coimbra. Năm 1220, sau khi hâm mộ lý tưởng của thánh Phanxicô và mong ước được phúc tử đạo tại Đất thánh, ngài xin Dòng Phan-xi-cô tiếp nhận mình và mang tên gọi là thầy Antôn. Sau khi được sai đi truyền giáo cho dân tộc Maures, ngài ngã bệnh và quyết định trở về Bồ-Đào-Nha. Nhưng bão tố đã đẩy người đến đảo Sicile.
Năm 1221, Thầy Antôn tham dự tổng công hội Nuttes và gặp thánh Phanxicô Assise. Phanxicô nói với ngài: “Tôi thích thầy dạy môn thần học thánh cho các anh em”. Khi nhận thấy ngài có nhiều biệt tài, các Bề trên đã phái ngài sang miền bắc nước Ý rao giảng chống lạc giáo Cathare chủ trương thanh tịnh quá khích, và sang miền nam nước Pháp để chống bè rối Albigeois. Ngài tham dự Công đồng Montpellier; sau đó đến Toulouse và Puy-en-Velay. Mùa thu năm 1225, thầy Antôn ở Bourges, nơi đây đã diễn ra phép lạ con la không ăn lúa kiều mạch để quỳ lạy Thánh Thể. Năm sau, người dự công nghị Arles và được bổ nhiệm coi sóc các anh em hèn mọn (“menudets”) ở Limousin. Từ tu viện Brive-la-gaillarde do ngài thành lập, ngài hoạt động ra khắp vùng. Chính tại Châteauneuf-la-Forêt đã diễn ra phép lạ nổi tiếng của thánh Antôn bồng Chúa Hài Nhi trên tay.
Năm 1227, khi đến Ý vì được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Romagne, ngài qua Rôma và thuyết giảng trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX. Tại Rimini, trước sự chống đối của những kẻ theo lạc giáo, Antôn bỏ đi, rao giảng cho loài cá. Ngài hô lớn: “Hỡi loài cá biển và sông ngòi, bởi vì con người không muốn nghe lời Chúa, thì này đây tôi loan báo lời Chúa cho các bạn !” Sau cùng, đến Padoua và sống tại tu viện Đức Mẹ Maria. Từ đấy, vị thánh thành Padoua lâm bệnh, mắc chứng thủy thũng. Nhưng theo lời yêu cầu của Đức Hồng y Raynaldo Conti, ngài đọc cho các tu sĩ trong Dòng chép các Bài giảng ngày chúa nhật và các Bài giảng tôn vinh các thánh.
Thứ sáu ngày 13 tháng 6 năm 1231, thầy Antôn thốt lời cuối cùng: “Video Dominum meum” (Tôi thấy Chúa) và qua đời, hưởng thọ khoảng 36 tuổi. Thi hài của người được tôn kính tại Pa-đô-va, trong Vương Cung thánh đường nổi tiếng thánh Antôn.
Người ta cầu khẩn Antôn Padoua để được tìm thấy các đồ vật bị lạc mất. Các phép lạ do lời ngài cầu thay nguyện giúp rất nhiều. Các phép lạ nổi tiếng nhất được minh hoạ trên nhiều ảnh tượng: các bích họa, các phù điêu trên tường của Titien ở Padoua, các tác phẩm Perugin, của Corrège, Murillo, Donatello, Van Dyck… thánh Antôn được minh hoạ lần lượt bằng hình ảnh ngài cầm quyển sách, một ngọn lửa, một hoa huệ tươi nở, bồng Hài Nhi Giêsu, hay đang rao giảng cho các đàn cá…
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện riêng ca tụng Antôn Padoua là “vị rao giảng Tin Mừng vĩ đại” và là “đấng bênh vực kẻ nghèo hèn”. Đức Giáo Hoàng Grégoire IX nhận thấy trong lời giảng dạy của thánh nhân một sự khôn ngoan sâu sắc và nhất là lòng mến Chúa và các linh hồn thật lớn lao, nên ngài đã gọi người là “Khám Giao Ước”. Cũng vậy, Đức Piô XII đã phong ngài tước hiệu “tiến sĩ của Tin Mừng”. Vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nhờ các biệt tài thuyết giảng và tranh luận, nên ngài cũng được gọi là “tai hoạ cho kẻ lạc giáo” (hay là chiếc búa giáng trên đầu kẻ lạc giáo).
Khi trích dẫn lời thánh Grégoire, Antôn tuyên bố: “Qui luật cho nhà giảng thuyết là phải thực hành điều mình rao giảng”. Rồi ngài nói tiếp: “Ai đầy thánh thiện thì nói được nhiều thứ tiếng. Nhiều thứ tiếng ở đây có ý hiểu là những lời chứng về Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn và tuân phục… Vậy chúng ta hãy nói tùy theo khả năng Thánh Thần đã ban cho … đồng thời để chúng ta được đầy tràn tinh thần ăn năn sám hối, được đốt cháy bởi lưỡi lửa của Thánh Thần mà tuyên xưng đức tin… (Bài đọc – Kinh sách). Một tác giả xưa kể: “Khi thầy nhân lành ra đi giảng thuyết, mọi công việc đều phải ngưng… Người ta đi khắp thành phố và đồng quê… Lúc ấy, họ tha thứ các xúc phạm của nhau, kẻ trộm cắp trả lại những gì họ đã cướp lấy, kẻ tội nhân sám hối ăn năn.” Le Poverello nói rằng thầy Antôn đã được lý tưởng khó nghèo của Phanxicô Assise chinh phục; ngài đã chọn lối sống khiêm hạ và khó nghèo. Sau khi trở lại Ý vào năm 1227, ngài công kích dữ dội những kẻ cho vay nặng lãi, bóc lột người nghèo. Ngài thẳng thắn bênh vực người nghèo, đồng thời làm cho mọi người tôn trọng các lề luật để che chở họ. Ngài cũng công kích thái độ không đạo đức của một số giáo sĩ: “Nào ai có thể bẻ gãy xiềng xích phú quí, lạc thú, danh vọng đang cầm hãm các giáo sĩ và tu sĩ xấu ? …”
“Hướng đến một mục đích duy nhất: cứu rỗi các tâm hồn”: đó là mục đích mà thầy Antôn đã tự đề ra cho mình. Ngài nhắm đạt đến mục tiêu đó khi hướng tâm hồn mọi người nhớ đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài giảng rằng: “Hỡi tội nhân đáng thương, tại sao lại tuyệt vọng về sự cứu rỗi của mình, vì vạn sự ở trần thế đều nói lên lòng bao dung và yêu thương của Chúa ? Hãy nhìn lên hai vị trạng sư: Một người Mẹ (Đức Maria) và một Đấng Cứu thế ! Không, không, với hai người trung gian như thế, lòng bao dung của Thiên Chúa sẽ không xua đuổi ngươi đâu.”
Enzo Lodi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn